Josef Hofer/Áo
và giữa lịch lãm mùa xuân tôi bước đi trong niềm háo hức về một thứ sự thật nào đó chưa nhìn thấy rõ, như thể chợt vút lên một cung đàn cao ngạo rồi dừng lại nơi bờ mép của tri thức, hay thế giới chỉ là chốn khơi gợi hàm hồ, ở đó, vẫn là những ngàn năm lạc nẻo, nhưng núi vẫn là cuộc hội ngộ dễ chịu nhất giữa rừng cây và loài có cánh, đó là lời của lũ chim tôi chuyển tiếng người theo cách nghĩ ngợi chủ quan của mình, thì tôi cũng chỉ thử trích ra một chút từ những bài ca hoành tráng của một giống loài có cánh, buổi sáng mùa xuân ở núi Nung, giống loài có cánh ấy tụ hội ca hát, thật ra, những tiếng những lời có tính đặc nhiệm của lũ chim lúc nào như cũng có vẻ những thông báo của tự nhiên về một sự kiện nào đó, một lần nắng nóng hay ẩm lạnh của thời tiết, một khúc lưu ly trôi giạt của đất đai, hay chỉ là thứ khúc mắc của một loài hoa kém cỏi nào đó trong cuộc sinh nở thường tình, những nghìn năm qua con người chỉ biết lắng nghe, nhưng sáng ấy, mùa xuân cứ lịch lãm trong vẻ bí ẩn của chúng khiến tôi phải thử chuyển tiếng người thứ ngôn ngữ của chim tôi vẫn có cảm tưởng luôn hàm dưỡng những khơi gợi về một miền sầm uất nào đó, một trường nhận thức đầy tính sử thi chăng, hay chim là đám sử gia nào đó đã bị đám người cai trị nào đó sát hại phải phục sinh trong bộ dạng của giống loài có cánh, tôi đi núi Nung, lũ chim rừng sáng ấy trong nghĩ ngợi của tôi bỗng như là hóa thân của những nhà chép sử đã bị sát hại trong quá khứ, nhưng núi vẫn là chốn hội ngộ sang trọng nhất trong cuộc dịch chuyển đầy chết chóc này, lũ chim nói, cứ cho là vậy đi, tôi nói, rồi có một ngày núi đổ, những cơn gió sẽ bị kẹt lại nơi những kẻ nứt của đất đá, lũ chim nói, cứ cho là vậy đi, tôi nói, trong cuộc chìm đắm ấy tôi với lũ chim rừng có chuyện trò về một thứ giả dụ về chuyện sụp đổ,