Những cuốn bách khoa toàn thư

 

 

 

 

ồ, cái đám người rã đám ấy luôn trên
lưng ngựa chiến chạy giữa những bài tụng ca trơ
tráo, bọn họ muốn dẫm nát tôi và nàng

 

 

 

lời dẫn nhập 

 

chính là người đã làm ra lời nói

và tôi chỉ đặt vào đó những hình thù, những cốt cách, những tâm tưởng

buổi sớm mai có kẻ rơi vào vòng lẩn quẩn

gió cuốn mây bay

mấy trăm năm mê muội, lại tỉnh ra, lại mê muội

hoặc nửa khuya bỗng rủ rê nhau đi tìm thứ vừa mới nghĩ ra, chút khoảnh khắc như chỉ thuần là tiếng hát trong trẻo của chim cu, nàng đứng đợi tôi chỗ cuối bờ tịch liêu, giả mặc áo cổ kín làm người cổ tích, chờ đợi như ví dụ về lòng chung thủy

hay như phúng dụ về sự kiên nhẫn

hay như mỹ dụ về cuộc tìm kiếm cái đẹp

thứ vừa mới nghĩ ra giống như vẻ đẹp trong chờ đợi, không phải, cuộc mê hoặc lần này còn cuốn hút hơn cả tình yêu miền cố thổ, nhớ về đất cũ có thể chỉ là tình cảm đơn sơ hòa hoãn, nhưng cái vừa mới nghĩ ra cứ như thứ vật thể sực nức hương hoa cứ làm ngu muội đi kẻ nghĩ ra nó

chính là người đã làm ra lời nói

và tôi chỉ đem đặt vào đó cuộc lưu ly

nghìn năm gió cuốn

bỗng thấy khuyết đi tiếng nói minh triết

ai đứng bên bờ sử lịch

tiếc nuối

bỗng có kẻ bỏ qua phía bờ bên kia

lập ra đủ thứ trần gian khập khiễn

rồi  có kẻ hô hoán đã tìm thấy được cách làm cho con người hạnh phúc

trong cuộc trường kỳ tiến hóa của loài giống con người  có quá nhiều hô hoán

bao nhiêu lần con nai mủi lòng  đứng bên bờ suối nhìn những hành tung kỳ dị của con người

[có lúc người ta cởi bỏ hết áo quần đang mặc, phải phá bỏ hết những cái cũ, những sử sách cũ, những nghĩ ngợi cũ, những lời nói máu me thét lên giữa cuộc dịch chuyển của trăng sao, có khi, cuối cùng, chẳng còn gì để ăn, để mặc, con người trần truồng giữa lũ thú hoang theo nghĩa rộng nhất của từ này]

người đâu biết có ngày con người lại dùng lời nói do người làm ra để viết tuyên ngôn, tuyên bố

chim khóc

cá khóc

đang đêm có kẻ tháo tung chữ nghĩa ném vào hư vô

 

 

Về những điều chưa biết

có thể đó là tín hiệu của ngày tàn của một vương quốc khi ông vua mặc áo gấm cứ bồn chồn muốn đi đến nước Mư nước Mân để làm cuộc lấn chiếm, có thể đó là niềm không tưởng khôn nguôi vẫn đeo bám một người cho đến lúc sắp xuống mồ, có thể đó là lỗi của cả một cuộc vận hành của thế kỷ khi đói nghèo và thù hận vẫn dày vò nhân loại,

tôi cứ thấy lấn cấn hoài khi nghĩ đến câu thơ cổ: quen nhau đến bạc đầu còn rút gươm ngờ nhau… sáng ra thấy mây bay trên đầu, và nghe như đâu đó ai đó đang nói về những ai đó đang quên mất đường đi của mình,

Bên bờ vịnh Cri Bonei [Bi Lị Thi Nại]
8 AM   30.3. 2022

 

 

 

giọng của nghìn năm

 

rồi trời đất và mùa thu gãy khúc

phương nam gầy những cơn gió chướng

tiếng gà Óc Eo với con nước nổi

mùa của những trang xứ sở phù sa
níu chân con chim Lạc

niềm vĩnh cửu

ai đứng hú bên triền sử lịch

giọng của nghìn năm

 

 

xứ sở [1]

 

 

                              Bạn hãy giữ cho thơ luôn khỏe mạnh
                             
Lời ghi trên vách núi Voi Nằm

 

tôi vẫn để cho người ở yên giữa thế giới đầy biến động này

mùa đông tôi phủ lên người khái niệm về giá buốt
người chợt  vươn cánh tay của mình

níu lấy những quả trái mùa

mưa

và những thành quả của những đám mây buồn

và những ánh mắt buồn đang bị nhốt đằng sau
                      những cánh cửa

tôi đi lang thang giữa những khúc ca nuối tiếc

nghe tiếng vó ngựa đã cũ

ai đã qua đây

miền của sâu bọ

bọn chúng đang ăn đồng loại của mình

[đám  sâu bọ mặc áo gấm đang cố thủ trong những lâu đài xây bằng những thuyết lý cũ rích]

mùa đông người để  lại trong tôi những ám ảnh

về sự giá buốt

không thể thế được

nó là cuộc hành trình không thể có khúc cuối

khi những ghềnh thác vẫn tuông đổ ở phía thượng nguồn
                                            những con suối rừng
mùa đông người chớ bắt tôi phải nghĩ ngợi nhiều
về những cơn mưa tầm tã
nước trên các con sông trên mặt đất đã tràn bờ

không có con đò nào còn sang sông

lặng ngắt những tường trình về những cuộc chạy trốn

nhưng người vẫn cứ nghe thốt lên từ miền cố thổ những lời thành thật của những kẻ đã khuất

bỡi người vẫn vươn  cánh tay của người gõ vào lãng quên

trái tim người chưa cằn cỗi
vẫn đập những nhịp đập nắng đổ chiều hôm

 

 

 

xứ sở [2]

 

cứ để cho máu chảy trong tận cùng tâm can của lũ ngươi
LỜI GHI TRÊN VÁCH NÚI VOI NẰM

 

những bài ca vẫn cất lên

nhưng trong những giai điệu trầm bỗng cứ nghe như có gì khác đi
buồn
và như có những âm tiết đen

em người con gái của dáng vẻ vô biên em đang trôi giạt nơi đâu

người đi mang những ký tự hình nêm
chép lên cây lá
cứ tưởng làm thế là hóa giải được những nhọc nhằn trong nghĩ ngợi
về những thứ chẳng ra làm sao nhưng cứ mở mắt ra là nhìn thấy
ngôn ngữ đang bị cưỡng hiếp một cách thô bạo trắng trợn bỡi bọn điếm thời đại vẫn còn nguyên đó
những hình hài dơ bẩn trong cuộc chuyển động vũ bão của thế giới

thời các vị thần linh như chẳng còn năng lực ngăn cản
                                                             ngay cả một lời giả dối

trần gian bỗng mở ra những ngõ ngách đen và tối
ở đó
ngay cả một kẻ chỉ đủ sức làm công việc chăm sóc con gà con heo  cũng có thể nhảy lên bục diễn của thời đại với vẻ mặt bừng bừng sát khí để giảng cho kẻ khác nghe về luân lý các bậc hiền triết giữa những năm tháng giông bão của văn minh nhân loại đã cố gắng bàn bạc nhưng vẫn chưa ra lẽ

em người con gái của dáng vẻ vô biên đang trôi giạt nơi nào

người đi mang trái tim mình đắp lên những chỗ còn khiếm khuyết trong cuộc chuyển động của thế giới, nhưng vào một đêm chẳng có gió mưa chi cả, nửa khuya thức giấc trong nỗi sợ hãi như vừa mới trải qua cơn giông tố, hay đấy là phút giây thoát khỏi sự tự huyễn hoặc mình

 

mới hôm qua thôi tôi nghe người ta hô hoán có cướp

chắc ai đó đang cướp nhân phẩm của ai đó

 

 

xứ sở [3]

 

ngươi hãy lặn xuống cho thật sâu trong nghĩ ngợi của ngươi
LỜI GHI TRÊN VÁCH NÚI VOI NẰM

 

những tháng năm ấy xứ sở tôi như thể chốn hò hẹn của tôi và nàng,

buổi sớm mai đứng chờ trước của nhà nàng, việc sửa soạn cho một chuyến đi cứ giống như cuộc hiến tế, bấy giờ, thần linh đối với tôi và nàng là phía trước, chúng tôi hiến mình cho những chuyến đi tìm cái có thể tìm được, một áng mây miền viễn xứ cứ giống như một cuộc tình đã đọng lại thành lời nghìn năm, ôi, xứ sở tôi, có thể là người đã nhìn thấy hết những ý định của chúng tôi

 

những năm tháng ấy xứ sở tôi như thể chốn thử thách của tôi và nàng về những chuyến đi, có thể người đã biết trước việc chúng tôi chọn lên đường vào lúc ấy là cuộc mạo hiểm, bấy giờ, với tôi và nàng phía trước là miền xa lạ, có thể người đã lật thử những trang nhật ký của tôi…’em là sức mạnh cho tôi nương tựa’…có thể là người đã đọc thấy những lời tôi viết cho em, và nhìn thấy hết sức tưởng tượng của tôi, nàng là bờ cỏ đồng làng, đêm tôi nằm nơi bờ cỏ đồng làng nhìn thấu tận bên kia cuộc tồn sinh, một tiếng thở dài, hồn cố quận, đi xa, đi xa, nàng là khu rừng nằm ở phía tây, tôi ngồi ở khu rừng phía tây chờ nàng, mùa ngô, những cô gái miền cao ran ngô tươi cho tôi ăn để chờ nàng, đêm nghe gió rừng thổi cứ tưởng hơi thở em.

 

những tháng năm ấy xứ sở tôi như thể nơi chốn để tôi và nàng tập đi tập thở, chúng tôi đi trên những con đường mới đắp, cứ thấy nhớ những con đường xưa bũn mềm dấu chân người xa xứ, tôi và nàng cứ hăm hở bước, nhưng lát sau có người đến bảo chưa được…’phải đi cho đúng những phác thảo ban đầu’, tôi và nàng đi tìm những phác thảo ban đầu và lạc vào chốn chỉ toàn những bài ca ngợi ca về những công tích và những cái chết của các vị anh hùng, lịch sử đã chuyển sang thời đại anh hùng ca chăng, không phải, chỉ là bọn họ giả làm ngọn gió nghìn năm đấy thôi

 

có phải là bi ca hay không, đêm tôi nằm ở căn nhà giữa rừng thông bên biển, tiếng thông reo, tiếng biển gào, cứ thấy nhớ nhung một điều gì đấy, hay một thứ gì đấy, một thứ ý tưởng, không phải, hay một thứ hình tượng, cũng không phải, hay như thể một tiếng gọi thầm, cũng không phải nữa, nỗi nhớ cứ tạt ra tạt vào nghĩ ngợi của tôi như thể một chiếc bóng năm canh, hay như thể một khắc ghi không dấu tích, một thứ tuyệt đối vô thể

 

đêm tôi nằm ở căn nhà giữa rừng thông bên biển, nghe biển gào cứ thấy nhớ buổi tĩnh mịch nghìn xưa, cái vắng vẻ nghìn xưa, bấy giờ là chưa có gì cả, rồi nàng bỗng bước ra giữa lời réo gọi của hư vô, một thứ tuyệt đối vô thể,  từ đó là cứ để cho người đời nỗi nhớ nhung, vô tận, tôi đang nói về gì nhỉ, tôi đang nói nàng là tổ quốc của tôi

 

 

những hình thù sai lệch
 

và tôi vẫn ngồi im nơi mặt đất nhìn cuộc chuyển động của thế giới
các núi băng đang ổ ạt lở ở đầu kia mặt đất
đôi ba trăm năm nữa xứ sở tôi cũng chìm trong con nước đang lên
nhưng đó là chuyện về sau
còn bây giờ thì nghe nói
rất nhiều thứ
buổi sớm mai đám người thừa cơm  áo cứ nhảy cỡn lên giữa những  đường phố đông người
nhảy cỡn lên
và hát
buổi sớm mai những người đi chân đất kéo lê cuộc đời qua
khoảnh đời cây rau húng rau răm vườn xưa không còn đất để mọc

em về rau húng rau răm…thấy đời đã đổi
chớ hỏi
bỡi đây là thời của bọn chúa đất
thời của bọn ngụy thuyết thời tiền Socrate
đang lung lạc nhân gian

đất đai bây giờ không còn là chỗ cho những người đi chân đất, buổi chiều hôm, ngồi lại với nhau, bát chè xanh, hay miếng trầu, điếu thuốc, đầu mối của một cuộc văn hiến, nghìn năm mây bay qua lũy tre làng

đất đai bây giờ không phải để cho buội chuối mọc sau hè, đêm, tôi lén sang  em, ngọn gió khuya rung rinh tàu chuối như nhắc nhở một cuộc tình
đất đai bây giờ là để cho bọn chúa đất dựng lên những lâu đài và khoác lác với thế giới

mọi thứ  cừ vèo qua cuộc áo cơm trắc trở
người đi cũng lận đận như kẻ ở
như có cái gì cứ mắc nơi cổ họng

những nguyền rủa như không còn  chỗ để nguyền rủa
buổi sớm mai những người đi chân đất ngồi khóc dưới gầm cầu nghe đám quí tộc thời nay đi ở trên cầu tuông ra những lời đẹp đẽ về thời  đại

và lũ người thừa cơm áo vẫn cứ nhảy cỡn lên giữa những đường phố đông người
nhảy cỡn lên

và hát những bài hát vinh danh về sự giàu có

tôi cứ có cảm tưởng, rất sai lệch, là dường như đang nhìn thấy những đám cháy, rất lớn, những đám cháy rừng Amazon, Nam Mỹ, đang lan ra bốn phía.

 

 

sự sỉ nhục của đất

 

tôi cứ căng mắt nhìn thử qua thứ bóng đêm dày đặc đang trùm lên ngôi làng thân yêu của mình

thấy có kẻ chẳng hiểu biết chi về đất đai đang vẩu mòm ra nói về cách trồng lúa

ồ, là những nhà hoạch định cho nền kinh tế của xứ sở

thưa các vị, chúng ta sẽ nhân danh những công trình sư của thời đại làm ra các thứ qui trình khoa học cho xứ sở, các vị đừng quên đây là thời của bốn chấm không

có người nói, giọng chắc, và có vẻ kiêu căng hách dịch, ngày xưa đất nước tôi có đội quân tóc dài của bà Trưng bà Triệu

cái hình ảnh kỳ cục ấy cứ nhảy múa trong đầu tôi : người đàn bà cướp ngựa bà Trưng bà Triệu đang cho chạy nước đại giữa đất nước tôi

nửa đêm  thức giấc tôi nằm lắng nghe thử xứ sở yên ổn chưa

như có tiếng xé lụa ở cuối thôn

không phải

bọn người đang tách khỏi bầy đàn người đang xé  bỏ sách vở cha ông dạy về cách biết sỉ nhục để đứng thẳng giữa trời đất

có chút gì như vẻ huyền bí của đêm

hay là lời nhắc nhở của tự nhiên

có tiếng vỗ cánh của con ấp muỗi nơi bờ tre sau nhà

con chim trời ấy như đêm đến là đánh động lương tri tôi

đã mòn con mắt những kẻ yêu đất nước mình

 

 

lửa

 

nàng không còn chờ tôi ở đó nữa, ga cũ đã bị phá bỏ tự hôm người ta quyết định thay đổi gương mặt thành phố, tôi đứng giữa những đường ray rỉ sét, tiếng còi tàu xưa cũ cứ khuấy lên, tháng chạp, những cơn gió bấc bức xúc và giá rét, những cuộc hành trình, nàng cứ như chút ánh lửa nhỏ nhoi thắp lên cho những chuyến đi, thực ra, để băng qua được thế giới rộng lớn đầy cạm bẩy này chúng tôi cũng chỉ cần một chút ánh lửa nhỏ, đôi khi không còn là một cuộc tình, mà là cuộc chiến chống lại đám ngựa chiến đang dẫm nát văn hiến nghìn năm của xứ sở, đám ngựa chiến của những kẻ đang tự coi mình là những kẻ làm mới thế giới, có, cũng có những hôm trăng rụng đầu ghềnh, gió trút, rừng cây như đang xướng lên những khúc tự tình, chúng tôi vẫn nằm ngủ giữa lũ thú dữ trên rừng để thử sức mình đến đâu, và quyết không để cho cuộc tình chúng tôi trở nên phù phiếm, ồ, cái đám người rã đám ấy luôn trên lưng ngựa chiến chạy giữa những bài tụng ca trơ tráo, bọn họ muốn dẫm nát tôi và nàng bỡi chúng tôi quyết không để cho cuộc tình chúng tôi trở nên phù phiếm, giờ thì nàng không còn chờ đợi tôi nữa, nhưng ngọn lửa trầm luân ấy vẫn cứ âm ỉ cháy trong tôi

 

 

phiên bản

 

đêm, ông lão lại ra sân, bày trà vối ra uống, ngồi nhìn trời, nghĩ ngợi, những người hàng xóm lại kéo sang, ông lão vỗ chén, mời, nước non nghìn dặm dẫu một ngõ vắng không rời, ông lão nói, đất vui người vui, mấy trăm năm cây dúi đứng nơi đầu làng, những người hàng xóm nói, uống trà vối bằng chén lớn quả mọi người đều sảng khoái, người làng bấy lâu quả là tri kỷ, bỗng ông lão vỗ chén, không được rồi, có gãy đổ lớn trong thiên hạ, ông lão nói, nhưng gãy đổ nào, những người hàng xóm nói, ông lão lại ngước nhìn lên bầu trời tháng sáu các thành phố của sao đang chong đèn, sao hôm là con mắt của đêm đang buồn, các giá trị nơi mặt đất đang bị phá bỏ, ông lão nói, thở dài, những người hàng xóm cùng vỗ chén và nói: biết rồi, đêm,  hết thảy những người ở làng ấy đều tự kết thúc đời mình vì không muốn nhìn thấy lũ người tàn bạo sẽ kéo đến tàn phá những vẻ đẹp của xứ sở mình, thực ra hết thảy những chuyện ấy chỉ là giấc mơ của ông lão, ông lão nằm mơ, và thức giấc, mồ hôi ướt đầm áo vì sợ hãi, ông đã nhìn thấy những thứ ông đã nhìn thấy trong mơ 

 

 

lửa hồng đã nhóm bên hiên

 

cuối cùng thì em cũng đã trở về giữa tiếng la hoảng của bầy đàn

thời của bọn cường khấu thao túng mặt đất

nụ cười đã tắt trên ngọn lúa tháng ba

cua cá gõ nhịp buồn

trên đồng làng tháng bảy lũ cò bay về đậu bên những nỗi buồn của năm tháng

tháng bảy có ai bước đi giữa những ngọn khói

ai đã làm tắt ngọn lửa lòng trong đám nhân loại đang hăm hở bước

phù vân…phù vân…khúc hát tàn lụi nhất vẫn cứ được hát lên từ cửa miệng bọn hậu duệ của những giống loài đang trên đường tiệt chủng

em đã trở về với những vết thương trong tâm tưởng như không bao giờ lành

em nói với tôi rằng em vẫn ám ảnh

một cuộc ám ảnh chết người

rằng em vẫn cứ thấy bọn cường khấu của thời đại nhảy múa trong đầu óc mình

bọn cường khấu thời đại là bao gòm lũ tham tàn luôn muốn cướp đất đai văn hiến của kẻ khác, là bao gòm lũ đang nhởn nhơ cười đùa trên những lâu đài  cung cấm  được xây bằng máu xương bầy đàn là bao gòm lũ đang vẩu môi lên để tuông ra những lời có cánh về cách ăn ngủ đi đứng nghĩ ngợi của con người là bao gòm lũ ngày đêm lo đánh bóng tên tuổi mình lũ háo hanh trơ trẽn

em nói với tôi rằng đêm cứ chợp mắt là lại thấy bọn cường khấu của thời đại lại hiện ra

 

cuối cùng thì nàng không còn chịu đựng nổi áp lực của thời đại đã chết trong vòng tay tôi

 

xin vĩnh biệt người con gái đã chết như một truyền thuyết
tôi nói với nàng và lại đưa tay gõ thử lên trời

 

 

 

giấc mơ đầu mùa

 

rồi cơn mưa đầu mùa đã xóa hết những vết bẩn bọn cường khấu đã để lại trên xứ sở tôi, hoan hô ánh mặt trời buổi mai, tôi dịch tiếng chim cu ra thành nỗi niềm con người, ngựa trạm đã bắt đầu chạy lại, người đưa thư mang hết những tin tức tốt lành đến mọi ngõ ngách xứ sở, gió cuốn nghìn năm, một cánh chim trinh tiết vẽ nên những con đường minh bạch, những chuyến hải hành, không phải, là tất cả, đi và đến, những cuộc hành trình còn thơm mùi mực, những người vừa trở lại từ phía muôn năm cũ nói là bọn họ đã nhìn thấy ở đấy có quá nhiểu những kẻ ở dưới mức con người, chỉ biết im lặng và thở dài, bọn họ nói, người lái tàu đã cho con tàu dừng lại nơi sân ga, nhảy xuống đất, thở phào, đã hết rồi những năm tháng u buồn, ông nói, và đứng nhìn bầu trời mùa thu, trong số những người vừa trở lại từ phía muôn năm cũ có thằng bạn chí cốt của tôi, anh cầm chặt tay tôi bảo: thơ là cuộc trò chuyện giữa ban ngày

 

 

xác nắng

cái đêm tháng ba có tiếng biển vỗ vào rừng thông ấy cứ như cuộc khám phá thêm một châu lục mới nữa, chúng tôi đang chờ, nàng cứ chốc chốc lại nắm chặt bàn tay tôi như thể không còn giữ nổi những xúc cảm của một người đang chờ đợi một thứ phía trước cả đời đang mong đợi, biển đêm tháng sáu như thể tấm thảm làm bằng thứ sóng đã tước mất hết sự nông nổi, phải chủ ý mới nghe thấy tiếng rì rào của nghìn năm, gió đêm vẫn cứ từng đợt thổi vào rừng thông, đằm xuống thứ âm vang gần như vĩnh cửu, người lái tàu sắp đến nơi rồi, sẽ cho chúng ta đi trên con tàu rộng lớn, con tàu thế kỷ, sẽ đưa chúng ta đến nơi nào chúng ta muốn, người thủy thủ áo quần ướt đẫm thông báo về việc con tàu thế kỷ sắp cập vào thành phố chúng tôi, ông đã chạy bộ trên biển, tức bơi trên biển, suốt mấy mươi ngày đêm, chúng tôi có nhiệm vụ là phải thông báo trước, ông nói, như thở không còn ra hơi, và khóc, nước mắt ướt đẫm rừng thông, nàng chợt ngã quị vào tôi, em sợ, nàng nói, người cứ run lên như đang cơn sốt, không phải đâu, là đang xúc động đấy, tôi nói với nàng, cũng run lên, hết thảy những người có mặt trong rừng thông như cũng đang run lên, về sau, chúng tôi thường gọi đó là niềm xúc động thế kỷ, thật ra, liền sau đó, chúng tôi đã nhận ra đấy chỉ là những hình tượng, một thứ phía trước đầy quyến rủ, rồi tôi và nàng đã lao vào cuộc đi tìm cái có thể, trải qua bao nhiêu phố thị, đồi núi, ruộng đồng, cho đến đêm chúng tôi gặp những người làng ấy đêm đã trải chiếu ra giữa đồng làng để nằm,  thằng cha chuyên gia chết tiệt ấy bảo là sẽ cho đào ruộng đồng lên để làm ao thả cá, bọn họ kể cho chúng tôi nghe, và người nào cũng cầm chặt con dao trong tay, và nằm chờ, vào cái đêm chúng tôi bắt đầu hoài nghi về cuộc tìm kiếm của mình, vào khoảng nửa đêm tôi bỗng bật cười thành tiếng, nàng hỏi tôi cười gì, tôi nói là mình vừa nhớ đến thằng cha tự xưng là nhà hoạch định kinh tế đang vẩu mòm ra nói những lời có cánh ở thành phố ấy

 

 

cuộc chấn động cuối thế kỷ

 

đó là cuộc chấn động không thể cứu vãn được

tôi chia tay nàng giữa mùa đông

ở thành phố ấy mưa bắt đầu dội xuống những ký ức của tôi

nàng như vẫn còn nguyên trong trí nhớ của một người bấy giờ là  đang buồn bã bước giữa cái khúc sử chưa hiều hết, rồi bỗng, cũng vào một ngày mùa đông, nàng đến gõ cửa nhà tôi, từ đó là cuộc dịch chuyển định mệnh dài dằn dặc trong tâm tưởng tôi

cứ gọi là bầu đoàn của những bài ca thời đại, gòm nàng, tôi, và một số bạn bè chí thiết

công việc của chúng tôi là làm cho lũ  bướm bay lúc nào cũng cảm thấy là đương giữa mùa xuân

trước khi tôi gặp nàng và nhập vào bầu đoàn ấy tôi đã được một nhà thông thái của thời đại giảng cho nghe về việc loài người không có bi kịch, từ loài vượn người tổ tiên tôi đứng thẳng lên giữa trời đất với trái tim luôn sôi sục dòng máu bất khuất, chính là nhờ nhà thông thái ấy về sau tôi đã thấy được dòng máu ấy trong ông lão ở ngôi làng nghèo kiết xác ấy

đó là một ngôi làng heo hút nằm dưới chân dãy núi mùa đông những đám mây xám cứ vần vũ mãi trên những núi đồi trùng điệp, cái quang cảnh như thể cuộc va chạm khốc liệt giữa hai thứ khí tiết

bầu đoàn của những bài ca thời đại chúng tôi, về mặt lý thuyết. đã làm thay đổi gương mặt ngôi làng dưới chân núi

không phải đâu, không phải lũ trẻ trong làng luôn cười đùa trên những con đường làng đầy hoa dại như chúng tôi mô tả, có, con đường làng thì đầy hoa dại, nhưng lũ trẻ trong làng thì lúc nào cũng bèo nhèo vì thiếu cơm, thiếu sữa

người làng ấy sống nhờ lúa rẫy với nước trời, những khu rẫy trên núi còn canh tác theo kiểu chọc lỗ, trỉa hạt

không phải đâu, không phải đám con trai con gái trong làng vào những đêm trăng tụ hội nơi sân đình làng ca hát, làng có ngôi đình mái vách rêu phong, những con người lam lũ làm ăn đã quên mất chuyện các vị thần đang ngự ở nơi ngôi đình làng cũ, còn đám con trai con gái khi đã có sức lao động thì tỏa đi nơi khác kiếm công ăn việc làm

vào một ngay giữa mùa đông
giữa lúc chúng tôi vẫn nghĩ lũ bướm bay lúc nào cũng nghĩ là đang mùa
xuân
ông lão, người có chữ nghĩa và cao tuổi nhất làng đã chống gậy đến chỗ chúng tôi

bọn chúng tôi đang bàn về cách thức làm sao cho chữ nghĩa của chúng tôi sắc nét hơn, âm vang hơn

hãy đi hết đi lũ người phản bội tổ quốc

ông lão trừng mắt nhìn chúng tôi

và quát

 

 

 

từ phía xa

 

mấy trăm năm vẫn giữ giữa những cột chống

phế đô
tôi bỗng thấy nhớ Cathage buồn bực ở bên rìa sa mạc Sahara
người đi

khúc hát mùa chiêm còn vọng lại nơi hòn đất

tôi cứ tưởng tượng
dùng dằn một cuộc
ở đó là những phá phách ghê tởm
những đắng cay chắt ra từ thứ thời gian

cuồng nộ

ai đứng nơi ngả ba lịch sử

quắc mắt nhìn
không còn kịp
ngựa trạm đã rời đi
đã bị đánh cắp tự lúc nửa khuya kiếm bạc với những thư tịch về cách thức gầy dựng các triều đại
trống kinh thành chỉ còn trong ký ức con tắc kè thức khuya
mấy trăm năm con tắc kè vẫn thức
tôi cứ tưởng tượng
phế đô tựa rừng cây đang thở bỗng gãy đổ giữa giông bão

lá phổi thương tích
hơi thở như bị ai lấy đi hết
cứ thử trích ra một buổi chiều hôm

người đi giữa những phố xá những ngôi nhà đóng kín cửa
[dinh thự của bọn quan lại thư lại bỏ trốn]

tôi bỗng thấy nhớ Ur lạ lùng Ur của hai con sông Tigre và Euphrat

nghe nói bây giờ là những đống bùn


bọn quan lại thư lại gặm nhấm
đôi khi lịch sử lại chắt ra những bùn

phế đô

dấu vết của những lầm lỗi trầm trọng

[nửa khuya thức giấc, con phố chìm trong huyền thoại đen, như có tiếng khóc của những người chết oan ở phía bên kia bức tường màu máu, thử tựa lưng vào thứ trường thành tưởng tượng, nghĩ, và cố không hối tiếc, không mong ước, không đợi chờ, cuối cùng chỉ thấy những xác chết đang trèo lên những cột đèn đường cũ]

lịch sử là những lầm lỗi trầm trọng

tôi cứ tưởng tượng một ngày

dẩu Đông Đô, Tây Đô, hay Trung Đô

kinh thành hoang vắng

buồn như tiếng con tắc kè nửa khuya

 

 

những dấu lặng

chưa có thư tịch nào chép về loài côn trùng đêm đêm làm nên những tấu khúc đầy ấn tượng về một thế giới riêng tư, hoành tráng, có vẻ như chúng đã ra khỏi cuộc sống chết, bỡi lúc nào cũng nghe thấy thứ âm vang như dòng chảy từ trên cao đổ xuống, đám sinh linh chưa một ai nhìn thấy cứ đêm đến lại nghe chúng lừng lững giữa cuộc phù sinh, vào đêm tôi và em đứng dưới giàn hoa giấy nơi đầu hè nhà tôi chúng vẫn ca hát ra rả ở chung quanh, chúng hát về bầu trời đầy sao đêm tháng sáu còn đọng mùi nắng của ngày giữa cảnh lưu lạc của lũ đôm đốm như đang thắp đèn lên tìm lối đi nơi mặt đất, tôi ôm em vào lòng tôi, thật chặt, như thể để bớt đi tâm trạng lo lắng về việc tôi và em cũng đang lưu lạc giữa cuộc trần gian nhiêu khê, bất trắc, dường có ai đó vào làng hay ra làng đánh động tính bộc trực của lũ chó, ban đầu chỉ vài ba con thôi, nhưng liền đó, như thể để tỏ đồng tình trong những nhận thức về thế giới, hết thảy lũ chó trong làng cùng sủa lên, dường em đang vui bỡi tôi nghe thấy hơi thở  em có vẻ đều hơn và mùi tóc em có vẻ thơm hơn,

 

 

chiêm  nghiệm 

chúng tôi cứ theo lòng con suối đã cạn hết nước ngược về phía thượng nguồn, chọn cách đi ấy là để chiêm nghiệm về sự khắc nghiệt của thời gian, suối đầu nguồn luôn là hình ảnh đẹp nhất đối với một cuộc tình, nàng nói với tôi lúc mới bắt đầu cuộc hành trình, hun hút gió tháng sáu, rát lá trên rừng, sự khô cạn dưới mỗi bước chân chúng tôi như nhịp điệu bí ấn của cuộc chuyển động vẫn nhìn thấy qua hình hài, lá rừng đang chuyển sang màu nhạt, tiếng hót của lũ chim ngắn hơn, và những hòn sỏi nơi lòng suối như đang cố thu nhỏ lại trong cõi chật hẹp, những sự cố cạn kiệt ám ảnh tôi cho đến lúc nghe nàng nói về con suối trên rừng đang chở trời tháng sáu về phía còn nguyên những hình dáng cổ sơ [nàng mô tả về nguyên sơ như những giấc mơ lãng tử, gió lãng đãng mang theo hình hài của đất, còn lũ chim thì mới tập tành giọng hót…] trưa, tôi và nàng nằm bên nhau nơi lòng suối, bầu trời trên đầu như thể cái mái vòm to lớn che chở chúng tôi, nàng có vẻ nghiêm trang như thể đang phát hiện được điều gì quan trọng, tôi thì chỉ nhìn thấy trong tưởng tượng những hóa thạch, mấy nghìn triệu năm ngôn ngữ của chuyển động cứ cuối mỗi chặng đường lại ngã xuống những áo khinh cừu, thành quách, những khúc hát rong, những tiếng hô xung trận, và những gào thét trong ngục tù… mãi xế chiều dường tôi đã nghe thấy những lời tự trách của lũ ốc đá trên rừng về sự tính toán sai lầm của loài giống chúng trong cuộc tiến hóa, và nàng thì bảo là đã nhìn thấy mặt trời biến thành những con suối cuồn cuộn chảy xuống mặt đất, hay cuộc chuyển động lại chuyển sang một thời khác, tôi nghĩ. 

 

 

những tra vấn

rồi em lại đến với tôi giữa mùa xuân lũ ong còn bận đang đi tìm những khu vườn hoa nhiều mật, buổi sáng lũ chim nuôi thức dậy hót vang, thành phố có vẻ thêm vẻ hào hoa, nhưng cũng có thể nói đấy không phải tiếng hót mà những tường trình về sự tù hãm, bỡi con người thuộc loài giống không phải chỉ muốn làm ra tù hãm cho riêng loài giống mình, đêm hôm qua nhất định có kẻ nào đã lén vào thành phố kích động đám trẻ nhỏ mê bóng đá , mới sớm tinh mơ đã nghe thấy lũ chúng hò hét nơi quảng trường thành phố, việc giành giật nhau quả bóng bện bằng rơm rạ của đám trẻ con nhà nghèo trong thành phố tôi đang sống là thuộc về niềm đam mê đương đại, nhưng là chúng tìm đâu ra rơm rạ vậy nhỉ, trong khi thỉnh thoảng cũng  thấy người ta lùa bò trên con đường phố, nhưng là lùa đến lò mổ, chứ đâu phải lùa ra đồng làng, và đâu có rơm rạ rải trên đường phố như cái cảnh bò đi đến đâu rơm rạ rải đến đó trên các con đường quê, triết học về nền điền kinh marathon của Hy Lạp cổ đại chảy qua suốt mấy ngàn năm khi vào đến thành phố của tôi đang sống tan ra thành những câu hỏi gây rối rắm, vậy thì vì đâu người ta lũ lượt đi đón một đội bóng đá vừa  đi đấu đá ở nước ngoài trở về như những anh hùng của xứ sở trong khi không hề biết, hay chẳng cần biết, có những người cày ruộng đã nghĩ ra được cách làm những máy móc [nông cụ] canh tác trên ruộng đồng của xứ sở như thể đang khuấy lên cuộc cách mạng gieo trồng sau cách mạng đá cũ đá mới, và vậy thì vì đâu người ta dám bỏ ra bạc vạn để làm những nghi lễ điền kinh đương đại, chẳng còn nhớ chút gì về những nghi lễ gieo trồng [tổ tiên con người đã nghĩ được] trong khi những nhà ‘khoa học chân đất” của thời đại chỉ sống với niềm vui của đám trẻ em nhà nghèo với quả bóng bện bằng rơm rạ, rồi em lại đến với tôi, mùa xuân như thể đang làm cho thành phố tôi đang sống rơi vào những ảo ảnh chết người, hoa, thủ phạm của những phức tạp đương đại lại đóng vai sứ giả mang đến thành phố của tôi dáng vẻ của vĩnh hằng, tôi cũng không biết những người chị quét rác đêm của thành phố và những người  chị mua gánh bán bưng ở các buổi họp chợ của thành phố nghĩ gì, muốn gì, khi ngang qua những lối hoa, những đường hoa, những công viên hoa của thành phố [kinh phí bỏ ra cho chúng không phải là nhỏ] các loài hoa xuân đang khoe sắc đẹp, những khái niệm vĩnh hằng có còn ăn nhập với trần gian này, tôi cũng không biết,

 

 

gửi những cơn mưa đứt quãng

mùa đông ở thành phố của tôi lũ chim én rũ ướt trong các hang động
những người đánh cá đêm ngồi hút thuốc nhìn trời
mưa
biển như chẳng còn là chốn những ngọn sóng êm ả làm nên những vần điệu cuộc đời
có vẻ cuộc thử sức của đất trời đã vào khúc cuối
bỗng tôi bắt gặp gương mặt buồn phiền của đất
thì ra mùa đông ở thành phố của tôi
mặt trời trốn biệt trong những đám mây rũ nước
lũ chim én trốn biệt trong các tổ ấm
và những người mong mỏi cuộc sống tốt đẹp hơn cũng trốn biệt trong những nghĩ ngợi buông xuôi
đường phố vốn in dấu những chuyển động cuộc sống
im bặt mọi dáng hình 

 

 

không có gì là không thể

 

những ngày này của thế kỷ dường mọi thứ cứ muốn trở nên khác đi, lũ chim ở khắp các khu rừng trên mặt đất dường đang cố hót những lời khó hiểu hơn, con người như vừa làm ra văn minh vừa cố tìm cách chối bỏ văn minh, thì chẳng phải khắp nơi trên mặt đất con người đang bị tố giác là đang có âm mưu phá bỏ mối quan hệ giữa con người với con người để tiến đến mối quan hệ cầm thú, ồ, dường như văn minh bây giờ cứ muốn máu người đổ nhiều hơn [đám cai trị các nước lớn đang sửa soạn súng đạn để dẫm lên xác chúng ta đấy, và đám cai trị các nước nhỏ thì đang dẫm lên xác nhau để dành quyền cai trị đấy] ồ, nền dân chủ bây giờ dường như cũng muốn máu người đổ nhiều hơn, mới hôm qua em đã thư cho tôi, rằng nơi em đang trú ngụ phải có rất nhiều người ngã xuống mới chọn được vị nguyên thủ quốc gia…ôi, cái khúc sử không gì là không thể (*)
.
(*)chữ mượn từ tin tức từ Các Tiểu Vương Quốc A Rập thống nhất: ngày 23.4.2019 chính phủ Các Tiểu Vương Quốc A Rập thống nhất đã quyết định thành lập Bộ mới, Bộ Khả Năng, chữ của RFI, tức Bộ Không Gì Là Không Thể, chữ của bản tin 24 H  Đài Truyền Hình Việt Nam.

 

những âm vang lạc loài

tôi nghe như có tiếng đàn vừa rớt xuống, cuộc lạc loài của những âm vang, bao nhiêu triệu năm rồi nhỉ những tượng đài của văn hiến cứ lần lữa ập đổ giữa những ngu xuẩn, sự kéo dài của những ngu xuẩn, tai họa khủng khiếp nhất trong những tai họa [mùa xuân con ong đâu dám đi lấy mật khi sự ngu xuẩn còn để lại quá nhiều dấu vết trên các loài hoa] ai đã qua đây mấy hôm trước cũng nghe rớt xuống một tiếng đàn, đêm, tôi cứ mong mình được nằm mơ, một giấc mơ thật sự để xóa đi những giấc mơ trong lúc thức của những ngày những ngu xuẩn vẩn cứ tiếp tục ập xuống thứ lịch sữ nham nhở, thời những nhà thông thái của thời đại đứng chật các ngả đường của xứ sở để tóm tắt triết học tóm tắt lịch sử và phun ra những bài giảng tràng giang đại hải, mới hôm qua, thằng bạn chí cốt của tôi uống rượu say nửa đêm đến đập cửa nhà tôi, hét, đã hết rồi những bậc hiền sĩ rồi sao… 

 

 

thơ, nó là những giọt nước trắng trong

 

những đám mây mùa hạ còn nán lại trên bầu trời tháng tư, hay, đêm, con chim bịp bỗng giật mình thức giấc, có tiếng vỗ cánh nơi bờ tre sau nhà, thế giới luôn cố để lộ những gương mặt của mình, ở đó gió có còn thổi nhiều không em, tôi nhớ rừng tai ga, phương bấc phía ấy, phía có em trong trí nhớ tôi

 

chờ

 

có người ngồi đó trong bao nhiêu năm chờ một tiếng nói cất lên, minh bạch, và rất thật, tất cả đều đã trở về giữa tiếng hát chim cu, chỉ mừng, không khóc, để mường tượng về một ngày không bụi bẩn, buổi sáng, ông lão ngồi dưới bóng bụi tre già sau nhà huơ gậy dọa lũ diều, đàn gà con vẫn vui vẻ vây quanh mẹ ăn thóc, nhưng trong trí nhớ ông lão vẫn cứ thấy lảng vảng hình bóng lũ chim tàn nhẫn

 

 

hoa cỏ cứ gầy đi

 

dường như những người đi tìm lương thảo cho ánh mặt trời đều đã ngã chết trong trận bão tuyết mùa đông ấy, đêm đêm có tiếng tiếng đàn trầm ai đó lén gảy lên, bọn người mất trí đang ngày đêm canh giữ đất đai chúng cướp được trong cuộc chia chác chưa từng có trong lịch sử chia chác hồi cuối thế kỷ trước, hoa cỏ cứ gầy đi

 

 

cũng chỉ tại gian lận trong phân phối

 

rồi lũ nòng nọc thấy nuối tiếc vì sao tổ tiên chúng lại rụng đuôi lên bờ làm ếch nhái, giờ thì chúng vẫn tiếp tục rụng đuôi để sống trong cái thế giới bấp bênh và vô cùng phức tạp, đám vật nuôi ngày đêm lo âu mất giá bởi dịch bệnh, bỡi quan điểm tiêu dùng, hay bỡi cái cách gian lận trong phân phối, thời người ta có thể soi thấy từng chút một trên con đường trưởng thành của một sinh vật, đám nhân loại thì đang rất lúng túng không biết có nên nhảy lên hò reo cho thõa sức bỡi giọng nói của con người đã được số hóa, cái cảnh trừu tượng hóa khôn cùng đã đạt đến thứ đỉnh điểm thần tiên có những tên gọi rất lạ là bốn gờ, năm gờ, nhưng những ông vua mặc áo ngũ sắc vẫn cứ đi ra đi vào hoàng cung nói những chuyện không đâu khiến cho không phải chỉ triều thần mà đến thần dân cũng không thể không cười cợt, lũ nòng nọc vẫn tiếp tục rụng đuôi và nuối tiếc buổi nguyên sơ, đừng tưởng chúng không biết chuyện có nhà hiền triết đã kêu lên “tất cả là nước”, buổi nguyên sơ chỉ là nước

 

 

sự lầm lẫn chết người

 

sáng ra tôi lại nghe thấy lũ chúng đánh tráo ngôn ngữ, chúng gọi đám người ngày đêm lo thu vén cho thật nhiều của cải là những nhà hoạch định kinh tế của đất nước, chúng gọi đám người ngày đêm âm thầm làm ra những đại tự sự giả [các văn bản về kinh tế chính trị học, về luân lý giáo dục học…] là những nhà tư tưởng của thời đại, chúng gọi những bạo lực làm tan nát bao nhiêu xứ sở trong những tháng năm qua là những cuộc cách mạng giải phóng con người, tôi đi, và nghe thấy nơi nào lũ dế cũng cất lên rặt một thứ giai điệu như thể đang muốn xé rách mặt đất, một con giun chặn đường tôi hỏi như thế là thế nào, tôi sang sông tìm đến ngôi làng có những bô lão đã sống qua nhiều thế kỷ để hỏi cho rõ như thế là sao, thì các vị đều bảo lũ giun dế đang tức giận đấy, tôi đi, và cứ sợ mình gục ngã giữa buổi đến cả lũ giun dế cũng bàn chuyện con người

 

 

 

nuối tiếc

 

có thể là bà mẹ không còn nước mắt để khóc cho đứa con đã chết vì bị lừa mị đã chết trong cuộc ẩu đả của thế kỷ, có thể là em sẽ hỏi vì sao thế giới vẫn cứ tròng trành hệt như chiếc thuyền nan nhỏ, cổ lỗ sĩ, chở đầy ắp những củ khoai, những quần áo cũ, những lý thuyết về nhân quyền, chốc chốc vị thuyền trưởng lại đứng lên, hô, tất cả hãy tiến lên, có em bé có nước da màu nâu kêu đói, nhà thông thái lật đật bước lên bục diễn giả giải thích về những nguyên nhân dẫn đến cảnh đói nghèo của loài người, có thể là vào một buổi chiều thu ít nắng, ở con đường đâu đó trên mặt đất, lữ khách dừng chân ngắm cảnh hoàng hôn, và cứ thấy nuối tiếc thời con người chưa biết gì các khái niệm về sự vật, và tôi thì đọc cho em nghe bài thơ vừa viết được, bài thơ về sự thất lạc của thế kỷ 

 

 

 

thời đại 4.0                         

 

tôi nghe thấy những ngọn gió ngược đang làm tan rã những giấc mơ làm bằng  con số và những từ

nhà chép sử nhìn thử vào  khoảng trống

thấy con bò rừng đang đi về phía thượng nguồn

tiếng rống của nó làm rung rinh ngọn phướng đuổi ma
ở cửa ngõ vào  bộ tộc

bờ dốc khóc

thành tiếng
tôi thấy ở đất nước ấy có người đang cắt cổ những người trong dòng tộc mình theo cách cắt cổ của thời văn minh  4.0

đây không phải giấc mơ làm bằng con số và những từ

kẻ giết người nói

 

 

 

tôi lén nhìn qua khe hở

 

thành phố cứ thế

đêm những ngọn đèn đường vẫn sáng một cách bất đắc dĩ

ai đã phủ bụi mù lên khúc cuối
cuộc hành trình
tôi lén nhìn qua khe hở ai bỏ quên giữa phố chợ
một cuộc đời

hay chỉ chút niềm luyến tiếc
em
buổi ấy
đêm nơi góc phố có ngọn đèn đường vẫn sáng một cách bất đắc dĩ
cũng chỉ là một chút hoài niệm 

 

 

 

thơ, nó là cuộc tái tạo giữa hư không

 

những ký tự tôi đọc được trên bầu trời buổi sáng tháng sáu

sự chán nản của những đám mây mùa hạ
và niềm lo âu của lũ chim đi trốn nắng
dường có đủ thứ hình thù ai đã cố khắc lên bầu trời trên đầu
sâu bọ trong các thư tịch

và vẻ hung hăng của lũ người mất phẩm chất
tôi đọc

và cảm thấy hoang mang
cứ nghe vọng lại tiếng tiêu trầm từ những thế kỷ trước
là Ur hay Babylon hay Carthage …

những ông vua tội lỗi

và những vương triều tội lỗi

vỡ những cung đàn

 

 

gửi Ng.

 

những cuộc tình vẫn cứ có cách tồn tại của nó
bên dưới bầu trời thế kỷ dày đặc những mưu mô

vẫn cứ cất lên thứ tiếng nói

như vừa mới trích ra từ trí nhớ bầy đàn

còn thơm mùi hơi thở

lồng lộng những ý tưởng về buổi sáng trên cao
không phải trong mộng

mà một cuộc lữ thứ giăng mắc hải hồ

người đi cứ gõ lên ký ức mình

để nhớ nhung

và chờ

 

 

vậy thì tôi là ai

 

vậy thì tôi là ai, thế giới sắp nổ tung, hay đêm nghe tổ quốc vọng về, xương cốt lịch sử của một đất nước trở mình, dày đặc quá khứ những cuộc diễu binh, con chim lạc bay giữa tiếng trống đồng, người đi, phù sa chín cửa, hai cửa, tiếng gà gõ nhịp, những lận đận cứ rã ra dưới ánh mặt trời, hay là tôi đang nhìn thấy nhiều hơn những tháng năm gọp lại, ngọn sóng,

 

 

lại chờ

 

em nói với tôi là em cứ đứng chờ ở đó, người ta bảo thế giới đang sửa sang lại, phải chờ, buổi sáng, nơi bầu trời trên đầu lũ chim cu tha rác đi làm tổ mới, tiếng kêu của chúng đánh  động giấc ngủ những loài giáp xác xuất hiện tự những kỷ silua, đê vôn, ba bốn trăm triệu năm trước, và đêm, em gục xuống con đường dày đặc những dấu vết, dường ai đã qua đây thuở trước, còn để lại trong đất, giống như những tiếng thở dài, vào quãng nửa khua em thiếp đi, em nói với tôi là em đã nhìn thấy bước ra từ trí nhớ mình cuộc dịch chuyển kỳ dị, hết thảy sự thật đang rã ra thành những dối trá,  rồi em vẫn cứ đứng  đó, chờ,  người ta bảo đang sửa sang lại thế giới, phải chờ

 

 

ký ức

 

rồi tôi cũng phải từ biệt những ngày áo gấm vắt ngang vai những con chữ dành cho một thời hoa gấm, một ngày như chẳng còn gì để chờ đợi, nắng cứ tắt dần đi trên đỉnh ngọn núi phía tây thành phố, tôi sửa soạn bước vào cuộc hấp hối của đêm, cứ giống như cổ tích, một sắp đặt có định trước, hay cũng chỉ là thể nghiệm về ngẫu nhĩ trùng phùng, bỗng em hiện ra ngay giữa cơn hấp hối của cuộc đời tôi, tiếng biển vỗ không ngớt vào rừng thông, vũ trụ sáng đèn, một cuộc tình được ghi vào sử sách, nhưng rồi tôi không giữ nổi em giữa loạn lạc trần gian, vào một ngày nắng cũng đang tắt dần trên đỉnh ngọn núi phía tây thành phố, cũng chỉ vì tro than thế kỷ thôi, em đã bị cuốn mất vào tro than thế kỷ 

 

 

điều còn lại

 

rồi như nhung gấm lụa là, những lời ấy vào một sớm mùa thu khoác lên cuộc đời em, chuyến xe kết đủ các loài hoa [xanh, đỏ, tím, vàng…] lăn bánh trên con đường trải toàn thảm chữ, cứ nghe vang lên những thuyết lý về chỗ đứng của con người trên mặt đất về những vị thần con người phải thờ lạy, về văn chương triết học sương phủ đầu non [lũ cua cá hóa rồng…]  về sau tôi nghe kể có hôm em và đám người trên xe đã cận kề cái chết, hoan hô công trình thế kỷ, hoan hô thế giới, bọn họ bắt em và đám người trên xe hô vang những lời tốt đẹp về  thứ vật thể có tên công trình thế kỷ nhưng thật ra là hố thẳm, tôi cũng phải vượt qua muôn nghìn lừa lọc dối trá, như em từng vượt qua,  để đi tìm em, và cũng vào một sớm mùa thu, sương giá phủ kín núi rừng, tôi thấy em nằm chết bên bờ suối, em đã hóa thành cây ngủ đêm, một loài cây dại mọc ven suối, biết được đấy là em là nhờ còn đọng trên lá cây ngủ đêm mùi nước mắt của em

 

về thứ triết học lưỡng lự

 

rồi người sẽ cho tôi những ý tưởng về ngọn gió minh triết
thổi qua cuộc đời tôi vào những hôm
thế giới còn lận đận
sự lưỡng lự của loài lưỡng thê
[hôm chúng bỏ nước lên cạn]
vẫn có trong đám cư dân cố cựu nơi mặt đất
[dẫu chưa biết là mình từ đâu đến: từ nước, từ đá, hay từ bầu trời]
ở hay đi
căm giận hay yêu thương
giữ lại hay phá bỏ
ngọn gió minh triết vẫn thổi qua mặt đất
làm bùng lên niềm lưỡng lự vốn tồn tại trong đám cư dân cố cựu nơi mặt đất
như một thuộc tính trời cho

tôi đã nhìn thấy một thứ triết học lưỡng lự đang tồn tại
trong cuộc sống con người đương đại
.

 

hình hài của những không hình hài

 

 

So spoke she, and wrapping her head in her gray
vesture, the goddess moaning sore sank in the
river depth/Nói thế, và vấn đầu bằng thứ y phục màu
xám, nữ thần rên rỉ đau đớn [và] chìm xuống dòng
sông sâu

Aeneid of Virgil/Book Twelfth/ Sử thi Aeneid
của Virgil/Cuốn thứ 12

sáng mở mắt ra là tôi nhìn thấy những bấn loạn của thế giới, nếu không [dám] nói đấy là nỗi hốt hoảng đương đại, hằng vạn người đang trốn khỏi châu Phi Đen, vốn là cái nôi của loài người, giờ là nơi của quyền lực và bạo lực, hằng vạn người đang trốn khỏi Anatolia, miền văn minh cố cựu của nhân loại trên bờ đông Địa Trung Hải [biền Eagean, biển Giữa] nơi đang có cuộc đọ sức của các thứ vũ khí chiến tranh đương đại, để trèo lên một hòn đảo nhỏ trên biển Eagean [trong lúc sóng to gió lớn] như trèo lên một cái phao có thể chìm sau đó, đó là chưa nói đến hàng vạn người đã chìm [rồi] trong biển, và ở phía nam Mỹ, châu Mỹ La Tinh, người ta dịch chuyền theo cách khác, dịch chuyển theo đất liền, và hướng phía Bắc Mỹ mà người ta cứ tin rằng ở đó sẽ sung sướng hơn, những người di cư lại chết theo cách khác, là nằm chết dọc theo những hàng rào bắng sắt thép hay bằng xi măng cốt sắt thép, những hàng rào ngăn chặn di dân do con người dựng lên, và sáng mở mắt ra là tôi nhìn thấy màu đỏ như đang loang dần ra hết bảng đồ thế giới, cách đánh dấu của con người về cuộc hành quân tàn bạo của một đội quân chẳng ai nhìn thấy, chỉ có thể đặt cho chúng cái tên kỳ quặc corona, cả thế giới như đang rối lên, loạn lên, vì lũ giặc vô hình ghê gớm ấy, nhưng đấy là chuyện trên bảng đồ thế giới, còn trên bảng đồ đất nước tôi, ngoài việc cố bình tĩnh đánh dấu đường đi của lũ corona, lại còn bao nhiêu thứ hoạn nạn khác, trên tấm bảng đồ đất nước tôi, một miền châu thổ phù sa phía nam, cái vựa lúa của dân tộc tôi, đồng lúa ở đó như đang chết đứng trên thứ đất phù sa vốn màu mỡ đang dần trở nên khô mặn, bỡi đó chỉ là miền châu thổ của phần chót một con sông lớn những người ở đầu nguồn đã chặn gần hết nguồn nước của nó, còn tấm bảng đồ ngoài biển của đất nước tôi thì bọn lấn đất đã thổi đất biển lên thành những cái tháp canh, đúng hơn là những khu quân sự, để chuẩn bị cho một cuộc lấn chiếm nào đó, sáng mở mắt ra là tôi nhìn thấy hình hài đất nước tôi trong thứ hình hài bất an của thế giới, đấy chẳng phải là những thứ đã được sinh ra từ những thứ không hình hài hay sao, cái hiếu chiến hay ngu muội của kẻ đứng đầu của một đất nước cũng có sức tàn phá như một con vi rút của dịch bệnh, hình như có ai đó [đang lén] nhắc đến ngày tận thế,

 

những cách thức của tồn tại

 

 

như thể những kẻ đã chết đã khắc lên vầng trán thời đại, rằng, con chim trên rừng thì hót, nhưng con chim trong lồng thì kêu, hót, cách thế của đám cây mọc theo ánh mặt trời, nhưng kêu, đấy là cái cách đem tro than rải lên cuộc đời, nắng ở trên trời, và con suối chảy trên rừng, và lũ còng thì rong chơi trên cát, người ta nói định mệnh, hay định luật nhỉ, là thứ trò chơi kẻ quyền lực bày ra cho vạn hữu, những thiên niên kỷ thi ca chảy máu, và con người thì đi tìm hình thù của thứ tháng năm không có dấu vết, lũ chim rừng đã soạn ra cho những kẻ bất hạnh bài hát về buổi chiều hôm có mây bay đỉnh núi, nhưng thời thi ca chảy máu thì không thể hát

 

 

giã 2018-2019