những bài hát rong đương đại

 

 

 

CHƯƠNG MỞ ĐẦU
TA VẪN LÀ HẠT BỤI

 

Nguyên sơ là chẳng muốn để cho mình
trở nên hoen ố giữa cuộc đọ sức sinh tử
giữa bóng tối và minh triết, nhưng con
người thì vẫn kẹt giữa hai nửa trần gian,
cuối cùng thì thi ca đã dấy lên ,nhưng
đấy cũng mới chỉ là những mảnh vụn
của khôn ngoan, mà con người là cần đến
những dòng chảy của cảm hứng trí tuệ…

 

ta vẫn cố làm cho em hiểu ta là hạt bụi

từ làng Cù ra đi ta chỉ là hạt bụi nhỏ nhoi, nhưng trong tâm tưởng em ta không phải hạt bụi, trong tâm tưởng em ta là người đã đặt vào đôi mắt em viễn cảnh của tình yêu, từ   ngôi làng quê nhỏ bé của mình, ta đã ngang qua những lâu đài của lũ ếch nhái tổ tiên chúng đã dựng lên tự buổi rứt ruột ra khỏi biển khơi, những lâu đài được làm bằng lòng nhẫn nại lấy từ những ước muốn dai dẳng, vào những lúc có cơn mưa bất chợt, nghe ếch nhái hát ca ta cứ thấy nhớ tiếng hát của em, là em hát về viễn cảnh của tình yêu, còn lũ ếch nhái là hát về niềm hoài nghi thuở rứt ruột ra đi, là vẫn muốn trườn lên nơi mặt đất nhưng là vẫn chẳng tin, hay đúng hơn là vẫn chưa tin chốn xa lạ là mặt đất này sẽ mang lại niềm vui cho loài giống của chúng, ta là hạt bụi nhỏ nhoi trong trời đất nên ta vẫn luôn mang trong mình niềm hoài nghi như niềm hoài nghi của tổ tiên lũ ếch nhái, từ làng quê nhỏ bé của ta ra đi, ta đã ngang qua ngôi làng của lũ ong hút mật được dựng lên ở bên dưới những tán lá nơi khu rừng ấy, trù phú như được trợ giúp từ   hào phóng của núi rừng, cửa ngõ và những con đường mở ra dưới vòm cây lá là luôn được làm cho mới ra bỡi lá cây rừng là luôn thay đổi sắc màu, xin chào hạt bụi, lũ ong đi lấy mật cất tiếng chào hỏi khi trông thấy ta say mê nhìn những ngôi nhà được kiến trúc theo phong cách như đùa như thật của loài ong, những ngôi nhà có vẻ như là đang gá lên những cành cây của rừng nhưng thật ra đấy là thứ công trình rút ruột nhả tơ, chính là lũ ong hút mật đã từng ngày đặt từng chút từng chút sức lực lên cành cây, sự kết họp của cẩn trọng và niềm cảm hứng vô bờ bến là được truyền lại từ những tổ tiên xa xưa của chúng, ta đi, và mang theo niềm kính phục, những con vật biết tạo dựng cho loài giống mình một thứ sắc thái, một cõi tồn sinh, ta đi, và một hôm bỗng muốn quay lại để hỏi lũ ong cho rõ cái cách tạo dựng niềm tin cho loài giống, vào một sáng mùa thu ta quay lại khu rừng ấy, thì ngôi làng tấp nập lũ ong ấy không còn, xin chào hạt bụi, ta nghe có tiếng một con ong cất lên đâu đó, mật đã bị con người lấy sạch, và trước khi đi bọn họ đã đốt cháy những ngôi nhà giết hết lũ ong trong làng, hình như đấy là ong chúa, ta như nghe thấy niềm kinh hãi trong thứ giọng nói yếu ớt của vị trưởng làng của loài ong, cứ muốn hỏi có phải là đã trải qua cuộc tử chiến với con người và còn sống sót hay không, nhưng chưa kịp hỏi thì ong đã chết, từ ngôi làng nhỏ bé ra đi, ta vẫn muốn em gọi ta là hạt bụi, ta muốn nói với em ta chỉ là hạt bụi, ta chỉ là hạt bụi nhỏ nhoi trong trời đất nên ta vẫn mang theo trong mình niềm kinh hãi   loài ong đã truyền sang hôm nào…

 

thì ta vẫn là hạt bụi của đời em

nhưng có một hôm em gọi ta là hạt bụi, xin chào hạt bụi của đời em, vào cái hôm em đem thứ hạt bụi nhỏ nhoi là ta gắn vào cuộc đời em, thì ta trông thấy thế giới như đang nổ tung lên, lả tả những mảnh trần gian, biển lớn vỡ ra, những dòng sông lớn vỡ ra, lềnh bềnh xác của đủ loại người, những kẻ hung hăng, giả dối, những nhà chính trị mặc áo giấy, những vị thầy cãi bọt mép còn khô đọng trên môi, những vị thuyết pháp túi còn đầy ắp những kinh điển, những nhà trị nước, thông thái có không thông thái có, nhưng khi chết đều nghe toát ra từ thân thể họ mùi vàng và   mùi đàn bà, xác người và các thứ rác rưởi là đang bị cuốn đi, những dòng nước là đang cuồn cuộn cuốn đi, xin cho chúng tôi một thế giới khác, ta nghe đâu đó như vang lên tiếng gào của những kẻ còn sống, và lạ thay, vào lúc ta nhìn vào đôi mắt em, một thế giới hoàn toàn mới mẻ là đang hiện ra trong ánh mắt lúc nào cũng ánh lên thứ màu đen kỳ diệu, lộng lẫy huy hoàng là đang bày ra trên khắp mặt đất, người ta đang hôn nhau ở trên ruộng đồng, hôn nhau ở trên đường phố, hôn nhau ở trên núi đồi, những bài hát ngợi ca về tình yêu là đang vang lên khắp nơi, em sẽ chờ anh cho đến cuối thế kỷ, không phải chỉ có thế, người ta còn cam kết về một thứ tình yêu lớn hơn, tình yêu đồng loại, và, bỗng như một cú huých vào nhận thức của ta, em kêu là vừa nhìn thấy như có một cuộc chiến nào đó là đang diễn ra, lập tức ta nhìn thấy một thứ mặt đất lở lói là đang bày ra ở bên ngoài mắt em, có mùi xác người thoảng lên đâu đó, hậu quả của một cuộc chiến nào đó chẳng rõ, lũ quạ từng lũ sà xuống mặt đất, đánh thẳng vào cơ quan đầu não, những người trông coi nghĩa địa vừa gào to, vừa dơ cuốc dọa lũ chim xâm lược, và, ở cuối con đường trước mắt   dường như đang có cuộc đuổi bắt ai đó, là lũ con nhà ai đang chơi trò trốn tìm, em nói, nhưng không phải, thì ra là người ta đang đuổi bắt những kẻ đánh cắp tự do, hãy bắt lấy nó, là tiếng gào của một ông lão, ông lão thì vừa chạy vừa gào vừa vấp ngã, và cái đám người đánh cắp tự do ta không nhìn rõ mặt, nhưng là đông lắm, chúng vừa chạy vừa cười khúc khích, có tiếng dế hát, giữa lúc ấy thì cuộc đuổi bắt đương đại lại làm em nhớ về thời tuổi thơ của ta và em, em kêu là vừa nghe thấy tiếng dế hát, phải, là có tiếng dế hát, ta nói là mình cũng   nghe có tiếng dế hát, nhưng ông lão, sau khi không đuổi kịp bọn kẻ cắp, đã hối ta và em hãy mau đi khỏi nơi ấy, hãy mau đi khỏi cái thế kỷ nhiễu nhương này đi, ông lão hối, nhưng khi ông lão đã đi khuất em nói với ta dù gì thì chúng ta cũng đã nghe được tiếng dế của tuổi thơ.

 

những lời thành thật của loài giống

ta cứ muốn cắn vào trái tim em cho em tắt thở để em vĩnh viễn thuộc về ta,

nhưng em bảo đôi môi em là nơi đã thốt ra những ngôn ngữ của tình yêu,

không có lời dịu dàng nào là không được nói ra từ đó,

cháy bỏng những chiều thu tắt nắng,

em nói khi nghe thấy những bước chân luyến tiếc của ngày thì đôi môi em mấp máy gọi tên của người em yêu,

đêm đã xuống rồi đấy, và có phải bóng tối là đang cố ngăn cách tình yêu chúng ta,

em nói khi bóng đêm đổ xuống thì năm tháng như thừa cơ đêm tối để đánh lừa những kẻ cả tin,

chớ hoài công đi tìm những gì mong ước,

chúng nó, thứ dòng sông có tên là năm tháng cứ gào lên thế,

và bấy giờ thì đôi môi em lại mấp máy gọi tên của người mình yêu,

em nói khi đêm xuống thì dòng sông năm tháng ấy tựa hồ một lão già khó tính cứ gõ lên ý nghĩ của em,

này, con người chẳng thể trường tồn mãi với thời gian, hãy liệu thu xếp công việc cho xong trong ngày,

cái lão già khó tính cứ đưa bàn tay sần sùi vẫy về phía trước, như thể để gọi ai đó hãy đến đưa em đi,

vào những lúc ấy thì những lời kêu cứu bật thốt trên môi em, kêu cứu sự trợ giúp của ký ức loài giống,

vào một đêm mùa thu, khi bóng tối đã trùm xuống thế gian, thay vì cắn vào trái tim em, ta cắn vào đôi môi thầm lặng của em,

và nghe thấy những tiếng nói thốt ra từ trong thẳm sâu của cuộc trường tồn.

 

ai đi giữa tro than của năm tháng, đi giữa cuộc tử chiến, mười phần thắng là thuộc về bóng tối,

vừa bước ra khỏi cái nôi của tồn tại là lập tức rơi vào cuộc tử chiến,

lửa, nước,

và những lời thách đấu,

cuộc va chạm giữa những thế lực vốn được sinh ra ở chỗ cuối con đường,

hư vô chợt rơi vào nguy biến ở chỗ cuối con đường, từ đó là mang tai hoạ lại cho cuộc tồn sinh, không còn là trinh trắng vô ưu, không còn là uyên nguyên bất di bất dịch của thuở nguyên sơ, cái một nguyên sơ bỗng trở nên hai nửa trần gian,

con người đi giữa tro than của hai nửa trần gian,

cuộc tử chiến là cuộc tử chiến của hai nửa trần gian,

đêm tối dày đặc những ngu xuẩn, những đê tiện, những tàn nhẫn, những dối trá, lường gạt, ai khóc vì bị lường gạt và ai chết vì sự dối trá, còn thói háo danh háo sắc thì đi lại như mắc cửi trong đêm trường tăm tối,

nguyên sơ là chẳng muốn để cho mình trở nên hoen ố giữa cuộc đọ sức sinh tử giữa bóng tối và minh triết,

nhưng con người thì vẫn kẹt giữa hai nửa trần gian

cuối cùng thì thi ca đã dấy lên,

nhưng đấy cũng mới chỉ là những mảnh vụn của khôn ngoan,

mà con người là cần đến những dòng chảy của cảm hứng trí tuệ.

 

phải rồi, vào cái đêm mùa thu ấy ta đã nghe được những lời thành thật của loài giống con người được nói ra từ đôi môi thầm lặng của em.

 

 

 

CHƯƠNG MỘT
PHÁC THẢO MỘT CÁCH NHÌN 

 

Và một hôm, vào cuối thế kỷ, con rắn đen bỗng
trườn vào làng Cù của ta, là nhà người đang mang
trong mình những nọc độc của rắn, con rắn đen
vừa trườn vào làng, vừa nói, và ta phải lập tức
thay đổi những cách nhìn bấy lâu về thế giới…  

 

 

những phát hiện đầu tiên 

và những đêm ta thức trắng

em lại sang

em nói là em cũng chẳng ngủ được

làng Cù của ta cũng chỉ nhỉnh hơn bàn tay con người một chút

ngồi ở nơi vườn nhà ta

em và ta như nghe thấy hơi thở của hết thảy những người trong làng

là bọn họ đang rơi vào những cơn mộng mị về cơm áo

em nói sở dĩ hết thảy đang ngủ say thế là do đang rơi vào những cơn mơ không có khúc cuối

và khi em vục đầu vào ta định bảo ta hãy cùng nằm xuống để có thể nhìn lên bầu trời sao trên đầu thì có tiếng chó nhà ai sủa

chắc không phải sủa người đi

em nói

ta nghĩ là chó chẳng phải sủa người đi

bỡi ai đang ngủ và ai đang đi

quả tình chẳng phải chó sủa người đi

từ khu gò chôn người chết của làng vẳng lại những lời trò chuyện

thì ra những người làng đã chết cũng đang thức trắng

em nói chẳng lẽ lũ chó cũng đang thức trắng

bấy giờ thì lũ chó trong làng cùng tru lên những tràng dài ảm đạm

ta và em bỗng nghe thấy như có cái gì đấy tựa âm vang của một thứ số phận đang khỏa xuống xóm làng

chẳng còn nghe thấy hơi thở của những người làng

hay là ta và em đã lầm tưởng những người làng đang say ngủ

hay là hết thảy bọn bọ cũng đang thức trắng

và từ đám cây trái trong vườn

những hoa bưởi hoa xoài bắt đầu tỏa ra thứ hương đêm quen thuộc

 

con người là luôn phải dự phần vào cuộc chơi dai dẳng của tạo tác

em nói

và lại tiếp tục vục đầu vào những khao khát trong ta  

 

ai đang nói về những người đi mở đất 

những cây cày gỗ đi theo những tháng năm có tiếng trở mình của con đường đất, vào những đêm khi không còn ai ra đồng ruộng, con đường đất vào làng trở mình, nói với mình, giờ thì ta cũng bắt đầu nghỉ ngơi được rồi, vào những đêm con đường đất trở mình để nhắc nhở mình ngủ nghỉ, thì cây cày gỗ cũng đang rơi vào những giấc mơ như những người trong làng, khi các vị đã có một chỗ đứng yên lành trên mặt đất thì tổ tiên các vị, những người đi mở đất, chỉ còn là những giọt lệ đọng trên những chiếc lá rụng tự buổi nguyên sơ, trong một giấc mơ có những người đang cãi nhau trên con đường đất vào làng, cây cày gỗ đã nói cho những kẻ thích gây gổ nhau biết là tổ tiên bọn họ đã chết, mùi đất, gió, và những con chim ưa làm tổ ở đất, vào những chiều có lũ chim ưa làm tổ ở đất, lũ chim thì chờ cho cây cày gỗ lật xong những thớ đất là liền sà xuống, gió, và tiếng chim chuyện trò nhau trong khi làm tổ, còn cây cày gỗ là cứ cảm thấy như mình cũng là chim, con chim bay suốt từ buổi nguyên sơ cho đến lúc con chim ưa làm tổ ở đất có đất vỡ từ cây cày gỗ để làm tổ, vào những chiều có lũ chim ưa làm tổ ở đất, những cây cày gỗ cứ thấy nhớ   buổi nguyên sơ, a mà làm sao nhớ được buổi nguyên sơ khi con người   trần trụi giữa nắng gió, và cây cày gỗ thì còn nằm đâu đó ở những rừng cây nguyên sơ trên mặt đất… 

 

và ai đang nói về những thằng mặt trắng 

con đường vào làng nói với ta, rằng suốt những nghìn năm qua là chưa bao giờ phải buồn phiền vì một điều gì do người làng mang lại, con đường vào làng là khúc ruột bao dung, bà mẹ bao dung rứt ra từ niềm trắc ẩn đem đặt giữa chốn thế gian phiền tạp, con đường vào làng nói với ta, rằng  khúc ruột rứt ra từ niềm trắc ẩn ấy là quyết cùng sống   chết với người làng, nhưng một hôm, bỗng nghe bước chân thô bạo của ai đó dẫm trên đường, thì ra là những thằng mặt trắng, bọn chúng nói là đi thu hồi sự tự do của những kẻ đang sống trong làng, đã đủ quá rồi bỡi bấy lâu là con người vẫn được đi lại dưới bầu trời cao xanh, những thằng mặt trắng nói, và tiếp tục bước đi, chúng nói là chúng theo lệnh của những vị thần trên cao đi lấy lại tự do của người làng, con đường vào làng nói với ta bấy giờ thì cả con đường gồng mình lên, hét, hỡi những thằng mặt trắng hãy thôi đi thói xu nịnh, chớ đem chữ nghĩa của con người ra ca ngợi sự tăm tối, bấy giờ thì những thằng mặt trắng cũng chường những gương mặt có chữ nghĩa ra mà cãi, rằng thật sự là chúng chỉ theo lệnh của những vị thần trên cao đi thu lại tự do của những người đã dùng bấy lâu để đem ban phát cho những nơi khác, cả con đường cứ gồng mình, hét lên, hỡi những thằng mặt trắng hãy thôi đi thói giả dối, không tự do thì ngay cả các vị thần trên cao cũng sẽ trở thành đất đá, cả con đường vào làng là cứ gồng mình lên thành những đèo, dốc, thành những hang, hố, lũ mặt trắng lớp ngoi ngóp dưới những hang hố, lớp tháo chạy trở lui, con đường vào làng nói với ta, rằng đã trừ được lũ mặt trắng ấy, nhưng giống người ấy thời nay đông lắm, nên cứ sợ một ngày nào bọn chúng lại quay lại phá nát con đường vào làng…

 

khi anh tư đóng chiếc cày thứ 101 

khi cuộc cách mạng màu da trời xảy ra, người ta đem ông trưởng làng ra treo cổ, thì anh tư đóng cày gỗ ở làng Cù đã đóng được chiếc cày thứ 101,

cách mạng giống như cơn bão làm ngã cây cối với giết chết heo gà ở làng Cù rồi thổi sang nơi khác,

nhưng cái cày gỗ thì mãi ở lại với người làng,

anh tư nói,

lúc ta sang chuyện trò với anh tư thì người thợ đóng cày kỳ cựu ở làng Cù đã đóng được chiếc cày thứ 101,

 

khi những hạt lúa nảy mầm trong đất,

cây cày gỗ nói đó là công lao những người đi chân đất,

ở làng Cù của ta người ta tôn vinh cây cày gỗ thành thi ca, có nghĩa là ngang với con người

cây cày gỗ biết nói,

 

ta hỏi anh tư đóng cày, cây cày gỗ làm sản sinh thi ca hay thi ca làm sản sinh cây cày gỗ

anh ấy bảo chuyện ấy anh không biết,

chỉ nhớ rằng khi anh đóng chiếc cày gỗ thứ 101 thì cũng gần mấy chục cuộc cách mạng đã diễn ra trên mặt đất,

 

anh tư nói, theo lời cha của anh thì thời còn vua chúa, có cuộc cách mạng lật đổ vua, ở làng Cù khi ấy người ta đuổi ông lý trưởng ra khỏi đình làng, và bầu kẻ đứng đầu làng với một  chức tước khác, hóa ra ông trưởng làng mới cũng thích đàn bà với đất công như ông lý trưởng của làng khi còn có vua,

anh tư nói, cũng theo lời cha của anh, bấy giờ lại có cuộc cách mạng về những cái bờ ruộng, đá đảo những cái bờ ruộng, người ta đá đảo cái bờ ruộng, kẻ đã làm sản sinh   tự tư và ích kỷ, cả làng Cù chỉ còn mỗi đám ruộng mênh mông trên đồng làng, nhưng đi làm chung ở trên đồng làng, người ta hóa ra lười nhác, cỏ bắt đầu mọc khắp đồng làng, rốt cuộc, lại phải đắp bờ trở lại,

 

anh tư nói khi cuộc cách mạng màu da trời xảy ra thì người ta đả đảo cây cày gỗ, đem ông trưởng làng Cù thủ cựu ra treo cổ, người ta đả đảo cây cày gỗ, và đá đảo ông trưởng làng cứ khăng khăng đòi giữ cây cày gỗ vì sợ mất đi hình ảnh của những người lập đất, cách mạng màu da trời là cách mạng về cây cày gỗ, anh tư nói đả đảo cây cày gỗ, và hoan hô cái cày máy, nhưng dân làng Cù nghèo, rốt cuộc lại tiếp tục cày với cây cày gỗ,

 

ta nói cách mạng có vẻ như những giấc mơ

 

anh tư nói anh chỉ biết khi anh đóng chiếc cày gỗ thứ 101 thì đã có hằng chục cuộc cách mạng diễn ra ở làng Cù,

 

em cúi xuống những ý tưởng chẳng vui 

mùa thu lặng lẽ đến giữa lúc cây lá trong vườn nhà ta chưa kịp chuyển màu

 

lũ chim   di trú bảo mùa thu đến sớm quá chúng đã kịp sửa soạn gì đâu

rồi rủ rê bay đến một nơi nào đó khá xa làng Cù để lấy sức

cho cuộc di chuyển dài ngày

 

em nói mùa thu năm này tựa hồ kẻ lơ đễnh tháng ngày

chúng ập đến khi những đám mây xám màu nắng chết chưa bắt đầu những cuộc rong chơi chẳng định hướng luôn mang lại phiền muộn

cho lũ chim di trú

 

hay em cũng như lũ chim di trú

mong mùa thu đến để đi tìm một chốn khác không còn nghe thấy

lời lẽ bọn giả nhân giả nghĩa

 

em nói làm sao lại có một chốn khác như thế

cái thế kỷ này là chẳng có chỗ nào là không có lũ giả nhân giả nghĩa

em nói mùa thu là một cuộc thể nghiệm vĩ đại của tạo tác

cây cối thể nghiệm về cái chết của lá

úa vàng

rụng

lặng lẽ rữa mục

dẫu biết lá chết là sẽ trở lại lá xanh

nhưng mùa thu vẫn là cuộc thể nghiệm về một chân lý bất dịch

“chắc chắn sinh ra là để chết”

 

mùa thu năm này đến sớm quá

em nói em đâu đã kịp xua đuổi những bực dọc trong lòng

 

và một ngày mùa thu có kẻ đi ngựa vào làng 

hay là mùa thu muốn phái đến làng Cù của ta vị sứ giả đương đại

 

người kỵ sĩ già vừa bước xuống khỏi lưng con ngựa già đã reo lên

a, ngôi làng của thế kỷ, những tiếng khóc trẻ thơ, thông điệp của thời chưa qua gửi cho thời chưa đến, ta, kẻ lữ khách chẳng bao giờ cô độc như nghe thấy những lời lẽ chân thành vừa được gửi đi, phải rồi, đây là  thế kỷ của rất nhiều tiếng khóc, rất nhiều tiếng khóc, nhưng làng chỉ gửi cho mai sau tiếng khóc trẻ thơ

 

người kỵ sĩ già  có vẻ như thông thuộc hết mọi ngóc ngách của thế kỷ

ở một khúc quanh vào làng, ông dừng chân đứng ngắm lũ chim cu trên bờ tre, lũ chim cu trên bờ tre đang gù tình, người kỵ sĩ già vừa ngắm bờ tre vừa nghe lũ chim gù tình, trong khi con ngựa già của ông như đứng ngồi chẳng yên, vung vẩy cả đuôi lẫn bờm

này, ngươi biết không, hạnh phúc là lúc nào cũng bất chợt đến và bất chợt đi

người kỵ sĩ già nói với con ngựa   của mình

và dường như ông thuộc hết mọi ngóc ngách của làng Cù

ở một khúc quanh vào làng, ông lại dừng lại, và bắt đầu hát

bài hát dường chỉ dành cho những kẻ không cô độc

 

trái tim em sẽ nhìn thấy những giọt nước mắt đang làm ướt hết nửa phần mặt đất

và nghe thấy những nụ cười trên môi những kẻ đang hạnh phúc

vào một ngày chót cùng của năm tháng,

trái tim em sẽ  phán quyết ai sẽ tiếp tục sống và ai sẽ chết

 

hay là mùa thu phái sứ giả đến làng Cù ta nói về sự kết cục của thế giới

ta nói

nhưng em nói đấy là vị học giả đến từ phía bên kia tồn tại

 

hay là em hãy sang nghe ta nói về những bí ẩn của mùa thu

ta có nói với em nghìn lời cũng không nói hết về mùa thu

trong tĩnh lặng đất trời

có tiếng gì như nước mắt ai rơi

sao lại đi khóc mùa thu

hay là thấy sự ngắn ngủi của lá

nên không kiềm giữ được nuối tiếc về những ước mơ không thành

 

ở làng Cù của ta

vào lúc này người ta bắt đầu nghĩ đến việc thu dọn xác những lá xoài lá bưởi trong vườn

đám lá trong vườn không thể nào không ra đi

khi mùa thu đến

và người ta không thể nào cầm giữ được sự nuối tiếc khi nhìn thấy đám lá rơi rụng trong vườn nhà của mình

 

 

không sao đâu

các bạn cứ yên lòng ra đi

khi trông thấy những đám mây màu tro từ phương bắc kéo đến

hình như đấy là lời an ủi của mùa thu đang an ủi đám lá trong vườn nhà ta

 

hay là em hãy sang nghe ta nói về những bí ẩn của mùa thu

 

và thằng cu đáo bạn ta… 

thằng cu đáo, bạn ta, chết tự lúc lên mười

ở làng Cù có biết bao nhiêu là kẻ sinh ra và chết lúc lên mười, chứ đâu phải chỉ mỗi thằng cu đáo, bạn ta

nhưng thằng cu đáo, bạn ta, thì dường như  chẳng chịu rời khỏi trí nhớ của ta

 

vào những chiều có ngọn nồm thổi ngọt ta lại nhớ đến thằng cu đáo, bạn ta

khi những cơn nồm buổi ban chiều thổi ngọt

cuộc đỏ đen lại diễn ra trên con đường vào xóm

nhà thằng cu đáo, bạn ta, là ở chổ đầu con đường vào xóm

nên cuộc đỏ đen là luôn diễn ra chỗ đầu con đường vào xóm

kẻ luôn chiến bại trong những cuộc đỏ đen là ta

nên ta luôn đi tìm thằng cu đáo, bạn ta, chỗ đầu con đường vào xóm

cái lỗ và đồng xu

tài năng có nghĩa là làm sao cho đồng xu luôn rơi vào cái lỗ

lòng căm hận đã theo ta suốt thời thơ ấu

bỡi tài năng là thuộc về thằng cu đáo, bạn ta

 

và vào những năm tháng có cuộc đỏ đen của hai kiểu bầy đàn

cuộc đỏ đen có súng đạn gươm đao

thằng cu đáo, bạn ta, đã chết ở chỗ đầu con đường vào xóm vào buổi chiều có gió nòm thổi ngọt

ta đã đổi được căm hận thành niềm thương tiếc

 

cả thời thơ ấu của ta và của thằng cu đáo, bạn ta, là một cuộc đỏ đen

mà hình như cả cuộc trần gian cát bụi này cũng là cuộc đỏ đen

cuộc đỏ đen trước có cái lỗ và đồng xu

nhưng cuộc đỏ đen sau là có cả cái lỗ, đồng xu, và cái chết của thằng cu đáo, bạn ta

 

những câu kinh không vần

em nói trong giấc mơ đêm hôm ấy, em đã nhìn thấy người đàn bà cột ngựa ở gốc cây nơi đầu làng, và đi vào làng rao giảng những câu kinh không vần,

 

hay những giấc mơ cổ đại đã lây lan sang em, trong những giấc mơ cổ đại thì người đàn bà cột ngựa ở cuối làng, và đi vào làng đọc những câu kinh có vần, cột ngựa ở cuối làng chứ không phải đầu làng, và  vào làng đọc cho người làng nghe những câu kinh có vần chứ chẳng phải là rao giảng, quả là em đã mơ giấc mơ đương đại, ta nói,

 

nhưng sao lại là người đàn bà, chứ không phải là đàn ông, em nói,

 

ta nói điều ấy thì ta không biết, chỉ đồ chừng rằng, có thể là một vị nữ anh hùng nào đó của nòi giống chúng ta đã hiện ra trong giấc mơ em như một thứ ký ức nòi giống, không phải đọc, mà là rao giảng những câu kinh không vần, ta nói,

 

những con tàu cứ nhe hai hàm răng trắng muốt và nuốt lấy những cánh đồng nuốt lấy những ngôi nhà nuốt lấy những khoảng trống ở phía trước, ôi những con tàu lắc lư chạy qua những miền thời gian có tiếng la ó của lũ ốc sên ở trên rừng, chúng nó là những con tàu nhe hai hàm răng trắng muốt, là đang mưu toan cướp lấy những   vỏ ốc sên vô cùng bền chắc để làm những trạm dừng chân, ôi những con tàu cứ nhe hai hàm răng trắng muốt,

 

trong khi em đọc những câu kinh không vần của người đàn bà đi ngựa mà em còn nhớ, thì ta lại cứ mường tượng ra một thứ học thuyết về sự ăn lang của những bọn ăn lang trong lịch sử con người, người đàn bà đi ngựa trong giấc mơ đương đại của em là cảnh báo về một thứ học thuyết của sự tàn bạo đương đại, ta nói,

 

nhưng vì đâu lại có cả những con tàu to lớn lẫn những con ốc sên nhỏ bé ở trên rừng, em nói,

 

ta nói điều ấy thì ta nghĩ chưa ra, chỉ   thoáng nhìn thấy trong giấc mơ của em hình bóng của một loài bò sát đương đại, ta nói, 

 

và thi ca khốn khổ của thời khốn khổ

ở làng Cù, những người bảo ta là kẻ hay lang thang ở thế giới người chết đang ra sức diễn tả chú bảy làm rừng bằng thi ca

đây là thời thi ca dành cho chú bảy làm rừng

bọn họ nói

 

vào những sớm tinh mơ, bầu trời sao còn nguyên trên đầu, con người của thời đại trí tuệ   lại ra đi

những buớc chân của con người của thời đại trí tuệ là chẳng còn dẫm lên những lối mòn

đi là sẽ mang về vinh quang cho làng

 

là kẻ hay lang thang nơi thế giới những người   chết

nhưng ta cũng hiểu được là bọn họ đang ca ngợi chú bảy làm rừng

 

ở làng Cù ta có nhiều người đi làm rừng

nhưng bọn họ đã trích ra mỗi chú bảy làm rừng để đưa vào thi ca

 

ôi cái bắp cày
ôi cái trạnh cày
ôi cái ách cày

hết thảy là đều lấp lánh trí tuệ của thời đại

 

ở làng Cù

có năm người ca ngợi chú bảy làm rừng bằng thi ca

thì phải đến mười người hai mươi người ngợi ca, cũng bằng thi ca, về những người ngợi ca chú bảy làm rừng bằng thi ca

đây là thời thi ca của những người đang sống

những kẻ bảo ta là kẻ hay lang thang ở thế giới người chết

nói

và bọn họ cứ tiếp tục ngợi ca nhau

 

thi ca của bạn là những hào quang ánh lên từ nơi   hố thẳm

 

bạn là vừa mới bước chân ra từ miền hư vô điên đảo…

 

là bọn họ ca ngợi nhau

 

thì ta biết là bọn họ đang ca ngợi nhau

ta

kẻ hay quen nhìn thế giới những người chết

nên khi nhìn thi ca của những người bảo ta là kẻ hay lang thang ở thế giới người chết

ta cứ   thấy như ở đó là đang xảy ra sự tê liệt trí não

  

ta lại muốn hôn lên đôi môi phiền muộn của em 

ở ngôi làng, cứ sáng ra lại nghe thấy tiếng lũ heo kêu đói, lũ gà kêu lạc mẹ, lũ bò nhớ gò cỏ hoang ù be khắp xóm, lũ súc vật dường sáng ra là chỉ nghĩ đến chuyện ăn, đấy là chưa nói người mẹ ra đồng tự lúc sao còn sáng trên đầu để lại nhà đám trẻ sơ sinh khát sữa khóc thét lên, như thể làng xóm là đang có đám ma,

 

ở ngôi làng, trưa đến, cứ có ngọn gió thổi lại là đám tre già nơi các bờ rào lại tựa vào nhau, xương cốt của chúng cứ như sắp bung ra, cứ trưa đến là nghe xương cốt của đám tre già cựa quậy,

 

ở ngôi làng, cứ đêm đến thì nghe như hết thảy đều biến khỏi mặt đất, kỳ diệu thay, con người cùng với đám trâu bò sau một ngày cặm cụi trên đồng ruộng, lũ gà heo sau một ngày đòi hỏi những người nuôi nấng mình phải cho ăn đầy đủ, giờ thì hết thảy như đã biến khỏi mặt đất, con người và lũ súc vật sau một ngày tham gia vào cuộc trần thế, giờ thì chẳng thèm nói năng nửa tiếng, hết thảy là đang lặng đi, cái cách lặng im tựa như đang giữ trong lòng niềm căm giận nào đó đối với cuộc trần thế,

 

ta nói, ở một nơi như thế thì làm sao không phiền muộn

 

em nói, ở   ngôi làng, vào những ngày có mưa bão, lũ chim cu đồng, loài chim dường sinh ra là để gù tình nơi các bờ tre làng nên đâu thể bay xa, mỗi khi có mưa bão là lũ chúng chỉ còn biết vùi mình theo cuộc phong ba,   làm như thể phải có hiểm nguy chúng mới có cơ hội để gìn giữ bản lai diện mục loài giống của mình,

 

em nói, ở   ngôi làng, đêm đến, cái loài giống chỉ nghe có tiếng nói, và chưa ai trông thấy mặt bao giờ, cứ kêu ra rả khắp các bờ rào, lũ chim kéo chỉ, là người ta cũng tặng cho lũ sinh vật khôn ngoan ấy cái tên mang âm hưởng của cuộc cơm áo của con người, lũ chim kéo chỉ,

 

em nói, ở   ngôi làng, vào những đêm không trăng sao, khi mọi người đều yên nghỉ, thì bầu trời đêm trên đầu như cứ nới rộng ra, nới rộng ra, ngôi làng nhỏ bé như đang lọt thỏm vào chốn vô tận, em nói mỗi lần em sang ta, đứng trên con đường vào làng, thấy đèn nhà ai ngủ muộn, leo lét sáng, em cứ cảm thấy nơi em sinh ra chỉ còn là thứ ánh sáng leo lét sắp tắt,

 

em nói, đất chôn nhau cắt rốn của mình lại làm cho mình cảm thấy thế, thì làm sao không phiền muộn,

 

nghe em nói ta lại muốn hôn lên đôi môi  phiền muộn của em,

 

 

 

CHƯƠNG HAI
PHÙ SA VÀ GIÓ

 

 

Phía bên này là cuộc sống
và phía bên kia là cái chết
và ngược lại
SẤM NGÔN TRÊN NÚI CÔ QUẠNH

 

Và một hôm, vào cuối thế kỷ
có một người từ bờ con sông lớn đi vào làng
hãy theo ta
người ấy nói
và ta
bắt đầu cuộc dong ruổi vào chốn nghìn năm cát bụi… 

 

cuộc chia tay đầu tiên 

ta đã nhìn thấy người ta dựng lên những ngôi nhà bên những dòng sông đổ về từ cao nguyên Anatolia

những ngôi nhà làm bằng trí nhớ bầy đàn

thứ trí nhớ có hương thơm của những loài hoa trên các đỉnh núi Armenia và màu của biển Đen, màu của những đám mây màu chết kéo về tận sa mạc Sahara, và âm vang của những cơn đại hồng thủy làm chìm những con thuyền của những kẻ có ý đồ làm chủ mặt đất

ta đã nghe người ta cãi nhau về  cách dựng những tảng đá để làm mái che

có một ngày một người nào đó đã gào lên

hãy dừng chân thôi hỡi những người anh em ngu ngốc

và người ta đã dừng lại bên bờ những con sông đổ về từ cao nguyên Anatolia để bắt đầu dựng lên những ngôi nhà bằng đá

những ngôi nhà có vẻ hệt như   những cái hang người ta đã giữ lại đám bò cướp được của núi rừng

này

những người anh em ngu ngốc

chúng ta chẳng phải là những con bò rừng ngu ngốc

một ngày nào đó một người nào đó đã gào lên

và người ta đã bắt đầu dựng lên những ngôi nhà bằng đất

những ngôi nhà có những cái cửa xoay lên phía bầu trời trên đầu

này

những người anh em ngu ngốc

là các vị thần không thể ở cùng với chúng ta trong những ngôi nhà bằng đất bẩn thỉu

một ngày nào đó một người nào đó đã gào lên

và các vị thần ứa nước mắt chia tay đám người ngu ngốc

 

và người ta không còn trò chuyện với các vị thần như buổi nguyên sơ

và ta thì nhìn thấy trên bầu trời nguyên sơ lảng vảng những đám mây màu xám

 

này

những người anh em thân thiết

khi không còn muốn chuyện trò với chúng ta thì những người anh em thân thiết với chúng ta đã bắt đầu có vẻ giống với lũ thú hoang trên rừng

một hôm nào đó ta đã nghe một vị thần nào đó nói với những người đang sống trong những ngôi nhà bằng đất bên những con sông lớn chảy về từ cao nguyên Antolia

 

chảy những bài ca màu ngọc thạch 

và đây là những người thợ làm khoen tai ta gặp bên bờ sông Euphrate,

con sông làm nên miền Mesopotamia thần thánh, những bàn tay đang gõ lên đá, hay là đang gõ lên thứ thời gian màu ngọc thạch, thời gian của người là màu của ngọc thạch, là màu của những ngọn núi đang già, là màu của con nước chảy qua một chiều mùa thu, a, xin chào người anh em, những người thợ đang gõ lên thời gian màu ngọc thạch lên tiếng chào hỏi ta, ta đã nghe thấy giọng nói thân tình của những người đang gõ lên đá, những người đang muốn làm thay đổi hình dáng của thứ thời gian màu ngọc thạch, nhưng sao   không bắt đầu việc ấy ngay tự buổi ban đầu, ta hỏi vì đâu con người lại chẳng thể dự phần vào công cuộc tạo tác ngay buổi nguyên sơ, con người là thứ phẩm của cuộc tạo tác thế giới thì làm sao có mặt tự buổi nguyên sơ, những người thợ làm khoen tai nói, những viên đá màu ngọc thạch là đang được bọn họ mài dũa sao cho giống với màu sắc nguyên sơ, hay là cũng vừa mới rời khỏi những hang động thâm u, bàn tay những người thợ làm khoen tai như còn dính đầy màu mực của bích họa, hay là bọn họ cũng vừa mới vẽ lên nơi hang động thâm u các cuộc giao hoan của các vị thần cùng những cuộc truy đuổi lũ bò rừng của lũ người tiền sử, và lại vội vã đến đây để làm cho xong những chiếc khoen tai kịp tặng cho người mình yêu, ta chờ em ở bên dòng sông thần thánh, ta đã nghe thấy tiếng hát của những người thợ làm khoen tai ở bên bờ con sông thần thánh…

 

hỡi những cái khoen tai mang màu ngọc thạch

hãy giữ nguyên hình dạng của mình cho đến lúc không còn ai còn nói   đấy chẳng phải những cái khoen tai mang màu ngọc thạch được làm ra để tặng cho người con gái có nước da cũng mang màu ngọc thạch

hãy để cho thời gian nương mình nơi hình dạng của ngươi

sẽ trở lại những đắng cay bão táp

trở lại cuộc hồng hoang thời của những bữa tiệc máu

hay tiên đoán định mệnh là nằm ở nơi hình dạng của ngươi

(cứ nhìn thấy ngươi những cái khoen tai có hình dạng của vòng lẩn quẩn là người ta nhìn thấy điều gì sẽ xảy ra)

dẫu gì thì ngươi cũng phải giữ nguyên hình dạng của mình cho đến lúc

ngươi được chạm vào vành tai người con gái định mệnh sắp bày 

 

ta biết đấy là bài tình ca những người thợ làm khoen tai

hát tặng cho người tình của mình

 

và sự ngờ vực của các vị thần                                                                            

và trước mắt ta như òa vỡ âm vang một thiên niên kỷ mới đầy hương sắc của những loài hoa nở trong trí tưởng con người

bầu trời như bắt đầu ôm ấp lấy những khái niệm về thế giới chưa bao giờ có trong trí tuệ nhân loại

người ta bắt đầu trút xuống khỏi đôi vai mình những thế kỷ cha ông

nặng nhọc

hết thảy là đang trở thành những hoài niệm

hoài niệm về những năm tháng giá băng làm tan nát những ước mơ nhỏ nhoi nhất

hoài niệm về những cuộc săn đuổi vô vọng, những tháng năm thức ăn là đồng nghĩa với tồn tại, con người thì cần đến không giới hạn, mà tự nhiên không phải lúc nào cũng hào phóng

hoài niệm về những cơn đói và những bữa tiệc đầu người

khi phải ăn nhau là người ta tự hạ mình xuống dưới mức con người

ta nhìn thấy những hãi hùng như vẫn tiềm ẩn trong ánh mắt những con người đang thay đổi thế giới

nhưng các vị thần đã lên tiếng

này

ta nói cho những người anh em trần gian biết

giờ thì những người anh em trần gian   thân thiết của bọn ta chẳng kém gì thần thánh bọn ta

hết thảy các loài chim trên rừng là đang run lên vì xúc động

khi chẳng còn nhìn thấy những người anh em thân thiết của bọn ta đi nhặt trái rừng và   săn đuổi lũ thú hoang

lũ chim trên rừng là đang bắt đầu ngợi ca những cây lúa mọc lên từ bàn tay thần thánh của con người

và đất như cũng bắt đầu ngợi ca

từ miền đất bên bờ các con sông đổ về từ cao nguyên Anatolia ta đã ngửi thấy mùi phù sa thâm thiết

cái cách nói về mình của đất

và từ những ngôi nhà bằng đất bước ra giữa những ngợi ca

là gương mặt rạng rỡ của những người đang thay đổi thế giới

trình thuật về săn bắn hái lượm là đang được bọn họ

chuyển sang trình thuật về nuôi trồng

và cũng chỉ có các vị thần

vốn là những người anh em   thân thiết với con người

mới nhận ra vẻ kiêu căng thầm lặng trong ánh mắt những kẻ đang tạo dựng văn minh

vẻ kiêu căng như ngọn nguồn của mọi thứ tai họa

 

và những gương mặt của buổi bình minh 

và Eridu và Uruk và Ur và nhiều khác nữa

ta như đang nhìn thấy những thành phố, nét sơ bản của văn minh, đang mọc lên giữa buổi bình minh của nhân loại

và mặt đất như đang   ngước nhìn bầu trời với ánh mắt kiêu hãnh

này

xin nói cho cả thế giới biết đây là dấu tích

của trí tuệ con người để lại nơi mặt đất

những ruộng lúa

những vườn cây

những gia súc

một trình thuật mới mẻ và vĩ đại là đang mở ra

tồn tại là đang đợi chờ   những ngọn gió thổi lại từ những khởi đầu có màu nắng thu mang đầy hương sắc của lúa tháng tám lên đòng

và từ những ngôi vườn ai đó cứ vang lên những bài ca tiễn biệt

tiễn biệt những buổi chiều từ cuộc săn đuổi trở về hang động với hai bàn tay trắng

tiễn biệt những bông hoa dại nơi bờ suối mỗi lần lỡ dại lấy làm thức ăn cho cơn đói

tiễn biệt những đêm rừng không trăng sao cứ thấy như con người là đang lọt thỏm giữa hố thẳm của thời gian

tiễn biệt những buổi bình minh   vác cây lao dài đuổi theo đám thú ngu ngơ trước sự tàn nhẫn

trên thứ mặt đất nứt mùi phù sa con người và con vật kéo cày là đang cùng đồng hành với năm tháng

và từ cuộc đồng hành năm tháng ấy ta như đang nhìn thấy những dấu hiệu

đúng hơn là những ký thác của suy tư   con người

những dấu hiệu có những hình mặt trời mặt trăng và hình chân tay con người

những vị tiền nhiệm của chữ nghĩa

và các vị thần lại reo lên

a

đây là những bông hoa nở từ trí tưởng con người

và ta biết

những ngàn năm sau những bông hoa ấy sẽ trở thành thứ chữ nghĩa chằng chịt những ý nghĩ của hậu thế

 

và những sấm ngôn 

ngươi sẽ chết nếu không tuân phục

đấy là sấm ngôn được nói ra từ cửa miệng nhà tư tế ở đền Eridu

vào một ngày mùa thu có   đám bò đã được thuần dưỡng kéo đi trên bờ sông Tigris

ta đã nhìn thấy đền Eridu mọc lên nơi xứ sở Eridu non trẻ

và lão tư tế đọc to lên những lời có cánh

tựa mệnh   lệnh của kẻ quyền thế nào đó ẩn náu trong thành phố của xứ sở của các vị thần

và từ trong đám bò thuần dưỡng bước ra kẻ tự xưng là được mặc khải của sấm ngôn

ta là vua của xứ sở này

kẻ ấy nói

và đám bò thuần dưỡng lập tức   quì xuống bên đường

từ nơi đền Eridu lão tư tế lại hô to

không tuân phục thì ngươi sẽ chết

và lập tức những người thợ nặn đồ gốm những người thợ làm khoen tai những người làm vườn những người thuần dưỡng bò và những người gieo lúa kéo đến vây quanh kẻ được mặc khải của sấm ngôn

xin hãy cai quản chúng tôi như một vì vua tốt

hết thảy là cùng quì xuống

và cùng thốt lên những lời cảm động

và Eridu và Uruk và Ur và nhiều khác nữa

là bắt đầu hình thành thứ hình dạng bầy đàn theo cung cách của lũ ong rừng hút mật

xin vị chúa tể quyền lực hãy nói cho chúng tôi biết đã đến giờ đi hút mật chưa

lũ ong nói với vị chúa tể của mình

còn đám người mới ở các xứ sở Ur Uruk Eridu non trẻ thì nói với các vì vua mới của mình

rằng bọn họ là luôn nghe theo lời của kẻ được mặc khải của sấm ngôn

 

vào buổi sáng mùa thu có đám bò đã được thuần dưỡng kéo đi trên bờ sông Tigris

ta đã nhìn thấy thứ khái niệm về quyền lực lảng vảng

dưới bầu trời Mesopotamia

thứ khái niệm những nghìn năm sau sẽ làm sản sinh những hình hài bi thương của lịch sử

 

như mùi hương tinh khiết của da thịt em 

những cô gái giặt áo ở sông Tigris nói đất phù sa Mesopotamia thơm như hoa trái trong vườn

nhưng ta thì ta cho là mùi phù sa tháng giêng ở Mesopotamia như mùi hương tinh khiết của da thịt em

tháng giêng nằm trên đất phù sa Mesopotamia ta cứ thấy nhớ mùi hương tinh khiết tỏa ra từ nơi thân thể   em

 

các cô gái giặt áo ở sông Tigris hỏi ở phương đông có bao giờ nghe nói đến thần Ur

ta nói khi thành Ur vừa dựng xong thì các vị thần ở đấy là những chàng trai trẻ có đôi mắt nhìn thấu được các vẻ đẹp tiềm ẩn trong mùi phù sa và gió

các cô gái giặt áo ở sông Tigris bảo ai bảo các vị thần thành Ur là son trẻ

ta nói chỉ con người là già còn các vị thần thì trẻ mãi

và như thể các vị thần ở Mesopotamia   đang hút hồn ta

 

từ thứ ký ức tro than của đất đang vọng về những ngợi ca của năm tháng

lúa đang nảy mầm trong đất

và những giọt mưa từ trời cao chảy xuống những lời nhắn nhủ

đây là thời của con người

hãy giữ lấy sắc màu buổi sáng   thế kỷ có những đám mây màu vui lượn lờ giữa nắng sớm lũ chuồn chuồn đi tìm khung trời mới

đây là thời của con người

hồn cỏ cây là cũng đang vui cùng với những thức ăn lấy từ đất

đây là thời của con người

các vị thần sông Tigris lại nhắc nhở

 

và các cô gái giặt áo ở sông Tigris lại bảo đất phù sa Mesopotamia thơm mùi hoa trái

nhưng ta thì ta nghĩ

mùi phù sa tháng giêng ở Mesopotamia như mùi hương tinh khiết của da thịt em

 

lại một trình thuật khác 

và Uruk và Eridu và Ur

những thành phố buổi bình minh tựa những bông hoa nhiều hương sắc luôn thu hút loài ong hút mật

vào một buổi sáng mùa thu ta đã nhìn thấy đám người man rợ từ cao nguyên Anatolia đổ về miền đất giữa hai sông

Mesopotamia bắt đầu với kỷ nguyên bi thương

tiếng vó ngựa và tiếng của những   bánh xe bằng sắt đè nặng lên

những con đường dẫn tới các thành phố của buổi bình minh

và Ur và Eridu và Uruk

máu và lửa được tạo ra từ tiếng vó ngựa và tiếng của những bánh xe bằng sắt

này, các chiến binh Hittite hãy dừng lại đi thứ chiến xa man rợ

các vị thần Mesopotamia lên tiếng

nhưng kể từ cuộc chia tay đầu tiên

lời của các vị thần chẳng còn có sức quyến rủ đối với con người trần thế

và tiếng vó ngựa và tiếng của những bánh xe bằng sắt cứ tiếp tục vang lên trong thứ danh mục về những va chạm giữa con người với con người

vào cái buổi sáng mùa thu buồn bã ấy

ta đã nhìn thấy các nhà chép sử cổ đại buồn bã ghi vào lịch sử các cuộc cách mạng về chiến tranh của con người

tiếng vó ngựa và tiếng của những bánh xe bằng sắt

chiến xa có bánh xe   sắt là cuộc cách mạng vĩ đại về chiến tranh của con người

cuộc cách mạng mở ra thời   văn minh mới có tên là văn minh sắt

hóa ra man rợ lại đẻ ra một thời đại văn minh

và một trình thuật khác nữa lại được ghi vào ký ức bầy đàn

lấn chiếm và chống lấn chiếm

 

và ký ức của một vùng đất 

treo giữa tồn tại là một Babylon lộng lẫy

thứ kỳ công vang danh mặt đất

và lịch sử con người có thể hô to lên

hoan hô đức vua Hammrabi

hoan hô nhà thiết kế thời đại Hammurabi

( cái cách thiết kế của ông là cả vùng đất giữa hai sông

phải thuộc về đất nước Babylon vĩ đại )

và ta cứ tưởng luật Hammurabi là trường tồn trên đá

cứ tưởng học thuyết Hammurabi vĩ đại của nước Babylon vĩ đại là chiến thắng được thời gian

hãy để cho kẻ đàn áp được khiếu kiện

và được xuất hiện trước pho tượng của trẫm

ta cứ tưởng những lời lẽ   được nói ra từ cửa miệng vua Hammurabi   sẽ trở thành chân lý lịch sử

nhưng từ cao nguyên Anatolia đã đổ về những chiến xa chạy bằng bánh sắt

và đám người man rợ rất xa lạ với   từ ngữ văn minh

nhà thiết kế vĩ đại Hammurabi là chỉ vĩ đại với những thành phố buổi bình mình

trước mắt người anh hùng Murshili của xứ sở Hittite man rợ ông cũng chỉ là để cho tên đạn

vĩnh hằng trong giấc mơ con người cũng chỉ như ngọn gió mùa thu

thổi qua ký ức loài ong về một bông hoa không tên nào đó

nở vào một ngày mùa xuân nào đó

 

ta còn đang boăn khoăn về sự biến đổi của thế giới

thì vị thần nào đó đã lên tiếng trong ta bảo chớ có   nghĩ ngợi

bỡi đó là thời của suy tàn

 

và một chút âm vang Nineveh 

như Alexandria của sông Nil, Nineveh của sông Tigris cũng hoài bão về một nhân loại minh triết, tồn tại như cuộc thử sức nghiệt ngã giữa minh triết và bóng tối, những kẻ khổng lồ vẫn tiếp tục bước trên bờ các con sông lớn, và những kho tàng tri thức vẫn được dựng lên khắp mặt đất, khi tri thức loài người được chép thành sách và lưu giữ vào kho tàng thì con người cứ nghĩ minh triết sẽ chiến thắng, nhưng tồn tại là luôn bày ra cuộc hoán chuyển giữa lộng lẫy và tro than, cháy lên và vụt tắt, dường con người là luôn đắm mình trong cuộc chơi hoán chuyển, là ta đang đi giữa cuộc hoán chuyển bi thương, trên bờ con sông Tigris lịch sử, ta như nhìn thấy tồn tại đang gõ lên nhịp điệu tro than, này con người là hãy tin ta đi, chính là các người đã tạo nên nhịp điệu tro than, tồn tại như đang gõ lên nhịp điệu tro than và lên tiếng trong ta, trước mắt ta, bấy giờ, nơi bờ con sông Tigris lịch sử, như đang hiện ra kho tàng trí thức nhân loại, Nineveh lộng lẫy trong bộ áo minh triết, và những cô gái sông Tigris, những cô gái giữ sách ở   Nineveh, bắt đầu xướng lên, như trong tháng đen tối, tháng của bóng tối, vì vậy nếu không có ngài sẽ không có ánh sáng, ôi Gilgamesh, đây là ý nghĩa giấc mơ của ngài(*) , những cô gái sông Tigris xinh đẹp bắt đầu xướng lên sử thi Gilgamesh, và ở dưới chân ta, nghe lổn nhổn những gạch vụn, và tro than, này con người là chớ đổ thừa cho tồn tại bỡi chính các người đã tạo nên nhịp điệu cháy lên và vụt tắt, là ta đang đi trên bờ con sông sông Tigris lịch sử và nghĩ về Nineveh cổ kính đã bị chôn vùi tự những nghìn năm trước

(*)Trong huyền thoại Gilgamesh

 

và thi ca thống khổ 

mùa thu này ta vẫn còn nằm lại miền đất giữa hai sông

giá không có kẻ ấy   xuất hiện trong tâm tưởng ta

thì ta đã về cùng em

mùa thu Mesopotamia có cả những sắc màu phiền tạp đương đại lẫn những âm vang cổ kính ẩn chứa đằng sau mùi phù sa của đất

người ta đang nói về những phiền toái sắc tộc và sự bất đồng giữa các vị thần

và đang choảng nhau vì những phiền toái và những bất đồng

là không cắt nghĩa nổi

ta nghe như trong gió thu có cả mùi máu lẫn mùi phù sa cổ kính

dường ở phía bên kia sông Tigris người ta vừa treo cổ ai đó

chẳng lẽ là treo cổ một vì vua đương đại được phong tặng ngai vua từ những luật lệ mới toanh của văn minh đương đại

 

a ta đã nhớ ra lúc người ta treo cổ ai đó ở bên kia sông Tigris

thì có nhiều tiếng hoan hô và đả đảo vang lên từ lòng con sông lịch sử

chẳng lẽ lịch sử chỉ là sưu tập những lời thô bỉ và có vẻ cao siêu khó khăn ấy

ta còn đang thắc mặc về tính cách của lịch sử

thì kẻ ấy với phong thái một kẻ anh hùng bước ra

từ mớ ký ức hỗn độn của ta

chẳng biết ở phương đông người ta có nói đến các vị anh hùng

vị khách bất ngờ của ta hỏi

ta nói chẳng phải là phương đông mà bất cứ nơi nào trên mặt đất này người ta cũng nói đến các vị anh hùng

người   anh hùng cổ đại Gilgamesh vị khách bất ngờ của ta bỗng cất tiếng cười vang

a ha nói đến các vị anh hùng là nói đến cái chết đã được định sẵn

vị khách bất ngờ nói

nhưng thưa đức vua của đất nước Uruk lừng danh ngài đã chiến thắng cả Enkidu nửa người nửa thú chiến thắng cả thần tình ái lăng loàn Ishtar thì cái chết cũng chẳng xóa nổi những chiến công của ngài

ta nói

người anh hùng cổ đại Gilgamesh chợt òa khóc

ta đã chiến thắng tất cả chỉ trừ cái chết

và thi ca cổ đại đã nói về ta

như nói về sự thất bại của con người trước cái chết

Gilgamesh nói

 

nếu không có kẻ ấy xuất hiện trong tâm tưởng ta

để nói về thứ thi ca thống khổ

thì ta đã về cùng em

 

 

 

CHƯƠNG BA
AI GIẢI PHÓNG CÁC VỊ THẦN

 

Về chân lý, chắc chắn không người nào biết được
và sẽ không bao giờ biết được dù đó là các vị thần…
XENOPHANES 

 

Và nơi sa mạc mênh mông ấy, ta bước đi,
chân như không chạm đất, rồi một hôm, ai đó
gọi ta là hạt bụi, xin chào hạt bụi…

 

lời tra vấn nơi sa mạc 

ta đi, và con quái vật ấy cứ lẻo đẻo theo ta, hỏi ta là ai, ta nói ta là ta chứ còn là ai, nó cười, bảo, thì ta là ta chứ còn là ai, rồi chào tạm biệt ta, trưa, con quái vật lại đón ta, cát nóng như thiêu đốt, con quái vật lại hỏi ta là ai, ta lại nói ta là ta chứ còn là ai, nó lại cười, bảo, thì ta là ta chứ còn là ai, rồi lại chào tạm biệt, ra đi, đêm, khi sa mạc rơi vào bóng tối mênh mông, con quái vật lại đến, nhưng anh là ai, nó lại hỏi câu hỏi đã từng hỏi, và ta lại nói ta là ta chứ còn là ai, nó lại cười, và chào tạm biệt, ra đi, những ngày tiếp theo đó, cứ mỗi ngày con quái vật ấy lại đến gặp ta một lần, nhưng anh là ai, mỗi ngày nó lại hỏi ta một lần câu hỏi từng hỏi, cho đến hôm ta ra khỏi sa mạc, chẳng còn con quái vật nào theo ta, nhưng cứ sáng ra thì ta lại nghe hỏi, nhưng anh là ai, cứ sáng ra là lại nghe  câu hỏi ấy vang lên trong tâm tưởng, và ta thì cũng chưa tìm được lời đáp nào, ngoài cách nói ta là ta chứ còn là ai

 

vẫn còn lẫn giữa những hạt bụi 

nhưng người đó bảo ta

rằng buổi sớm mai thức dậy bạn sẽ nhìn thấy ánh mặt trời

ta nói là mình muốn biết vị thần nào đã làm sản sinh ra cách đo đếm thời gian

những con số ư, những chuyện như thế là còn lẩn giữa những hạt bụi, nhiều lắm, bạn phải tự tìm lấy

người đó nói

và đi về phía có những đám mây màu xám

đang kéo tới trên bầu trời sa mạc

 

và ta đã nghe thấy lời ấy

khi ta ra khỏi miền Nubia của nóng và hoang dã

đám con gái nô lệ vẫn còn trong vòng tay ân ái của những vị thần sông Nil

từ những năm tháng vặn mình qua những đêm dày đặc bóng tối

và trườn đi dưới ánh mặt trời bị che khuất bỡi các vương triều của sự hoang phí trí nhớ

chảy vẫn là tính cách hào phóng của dòng sông

người bạn đường của những người nhặt trái rừng suốt buổi hồng hoang

 

ở bên bờ dòng sông của các vị thần

mồ chôn   những vị pharaon lừng lẫy đang vẽ lên cát sa mạc

những cái vòng tròn

hay là hình ảnh của thứ triết học về sự lẩn quẩn

 

nhưng anh là ai

người hay là hình ảnh của sự chuyển động của thế giới

những người thợ đang xây mồ cho các vị pharaon nhìn ta

với ánh mắt ngờ vực

ta nói là ta đang ngược về buổi hồng hoang để tận mắt nhìn thấy

sự lẫn lộn giữa con người và các vị thần

a ha lại là kẻ muốn lội ngược dòng sông của sự sống

những người thợ đang xây mồ cho các vị pharaon bắt đầu nhìn ta với vẻ thiện cảm

và bảo hãy gõ lên những tảng đá trên nấm mồ đang xây dở

 

rồi các vị pharaon sẽ tiếp tục sinh ra những đứa con tàn bạo

ta gõ lên đá

và nghe thấy lời ấy

 

nhưng làm sao để giải phóng các vị thần

và khi dừng chân bên bờ vịnh Sinai

những người du mục nói với ta họ đã dắt lũ lạc đà qua suốt nhiều thế kỷ

cát nơi sa mạc như mỗi năm một nhiều hơn

cứ như thế

các triều đại cứ lần lữa sụp đổ

còn cát nơi sa mạc thì mỗi ngày một thêm lên

ta nói lũ lạc đà và những người dắt lạc đà cũng mỗi ngày một thêm lên

bọn họ nhìn ta

cười theo cách của những kẻ thích dịch chuyển

và đem những chiếc tù và ra thổi

những chiếc tù và làm bằng sừng những con bò hoang tổ tiên bọn họ săn được ở khu rừng phía nam Nubia

ta nói là những cái tù và biết hát

trong lúc bọn họ thổi những bài ca nói về những cây xương rồng sa mạc Sinai

 

buổi trưa bọn họ rời đám lạc đà ngồi thành hàng dài giữa cát

ta cũng ngồi với bọn họ

để cùng bọn họ cúi lạy những vị thần của sự dịch chuyển

lễ nguyện cầu giữa trưa

lúc những người du mục hát những bài hát ngợi ca những vị thần của sự dịch chuyển ta cứ thấy nhớ  làng quê nơi ta sinh ra đã thấy người ta nói đến những vị thần của làng những vị thổ thần chỉ thích ở yên một nơi

 

như lũ chim trời chúng ta đi khắp đất trời

 

là bọn họ ngợi ca sự tự do

ta nói giá như chỉ giữ lại lũ lạc đà và   bớt đi những vị thần

thì con người có vẻ tự do hơn

bọn họ lại nhìn ta cười theo cách của những kẻ thích sự dịch chuyển

và bảo

bớt đi các vị thần là dễ hơn bớt đi lũ lạc đà

nhưng sau đó   ai sẽ giải phóng cho các vị thần?

 

ta hôn lên những nghìn năm trước

ở cao nguyên Nubia ta gặp người nữ nô lệ sông Nil có vết sẹo dài ở môi

trong lúc nàng loay hoay sắp xếp lại nắm xương tàn

ta đã phát hiện ra vẻ lộng lẫy huy hoàng ẩn kín đằng sau những đổ nát

xưa em là cô gái kiều diễm nơi vùng đất của các vị thần đa đoan

nàng nói

dường ở thượng nguồn con sông dài nhất nơi mặt đất

ai đó đang nhắc lại lời nàng

là đồng đội của em đó

thấy ta có vẻ chẳng yên

nàng nói

nhưng vẫn còn có cái gì đó làm cho ta cứ thấy âu lo

hay sự không hoàn chỉnh nơi khuôn mặt của người con gái kiều diễm đã khiến ta bứt rứt

 

và lúc bóng đêm đổ xuống nàng bất chợt cất tiếng hát

thì ra là bài hát về người con trai đã cắn lấy những giọt máu nơi vành môi mọng ướt của nàng trước khi nàng đi làm thân nô lệ cho các vị vua tàn bạo

dấu vết chia ly vẫn nằm trên môi em suốt bao thế kỷ

nàng nói

và nhìn ta với niềm nuối tiếc

ta lặng lẽ hôn lên vết tích của sự tàn nhẫn của con người

và ôm chặt lấy người nữ nô lệ bất hạnh như một cách thức chở che cho niềm vui mong manh

 

vào khoảng gần nửa khuya ta chợt nảy ra ý nghĩ

như sự sáng tạo cho loài giống

khi nghe nói ta muốn nàng sinh cho ta những đứa con mang dòng máu của kẻ tự do

thì nàng vùng dậy khỏi vòng tay ta

ai dám chắc hạt giống đem gieo ở đây là hạt giống tự do

nàng nói

rồi từ biệt ta bước vào đêm tối

 

những đêm sau đó nơi cao nguyên Nubia

ta thức mỗi mình

 

và hôn lên những thế kỷ lãng quên 

khi ta phát hiện ra đấy là người tình của vua Menes thì nàng khóc nói, mấy nghìn năm qua đâu còn ai nhớ đến em, ta nói hay là cứ tiếp tục ngủ nữa đi khi bọn họ đã đi cả, khi ta phát hiện ra người con gái người tình của vua Menes thì những người làm công việc khai quật đã về cả, đêm sa mạc u tịch tựa đêm tiền sử, lúc ban ngày những người làm công việc khai quật đã giảng gỉải cho ta nghe là bọn họ đang tìm kiếm thi hài vua Menes, mấy nghìn năm trôi đi, chỉ mỗi mình ông là còn nhớ đến em, người con gái người tình của vua Menes nói, và đặt bàn tay giá lạnh của nàng lên bàn tay ta, ta cảm thấy sợ, không phải vì bỗng cầm lấy bàn tay người chết những   nghìn năm trước, mà vì bỗng nhận ra sự bất nhẫn của con người, những người làm công việc khai quật đã mang thi hài của vua ra đi tự lúc trời chưa tắt nắng, là người ta chỉ tìm kiếm đức vua như ông biết, người con gái người tình của vua Menes nói, và òa khóc, những mảnh xương khô còn vươn vất những nụ cười đã tắt của những kẻ hầu cận vua vẫn còn vươn vãi trên cát, nàng nói với ta mười lăm tuổi nàng đã biết ngồi lạc đà, mười lăm tuổi em đã ngồi trên lưng lũ lạc đà khốn khổ đến tận miền viễn đông diệu vợi để mang về sông Nil những hồ tiêu, quế, hồ tiêu và quế là cung cấp cho chốn hòang cung, còn người mang hồ tiêu và quế đã trở thành người tình của vua, người con gái người tình của vua Menes nói, ta nói mỹ nhân bao giờ cũng có thể rơi vào chốn tình trường, nàng nói với ta mười lăm tuổi nàng đã là người tình của vua, mười lăm tuổi em đã là người tình của vua Menes, là người tình của vua chỉ trong một ngày, người con gái người tình của vua Menes nói, ta nói các bậc quân vương thường thì hay dễ quên những mỹ nhân đã đến với mình, nhưng nàng bảo không phải, mười lăm tuổi vua đã lệnh cho nàng phải chết, em thì trở thành thứ   xác ướp mãi mãi là của người đã làm ra đất nước sông Nil, còn đức vua thì ngày ngày nhỏ những giọt nước mắt thương tiếc xuống thi thể em, người con gái người tình vua Menes nói, ta nói hay là cứ ngủ tiếp đi để quên hết những chuyện chẳng vui, nhưng nàng bảo bấy lâu nàng vẫn thức, mấy nghìn năm em vẫn thức để chờ có ai đó bảo rằng em là người tình của   kẻ đã làm ra đất nước sông Nil, người con gái người tình vua Menes nói, ta lại nói hay là hãy ngủ tiếp đi để quên đi sự ích kỷ của một bậc quân vương, nhưng nàng bảo sự ích kỷ của vua thì nàng chịu đựng được, suốt mấy nghìn năm   em vẫn nằm nơi sa mạc buồn hiu chỉ để chờ ai đó bảo em là người tình của vua, người con gái người tình của vua Menes nói, và ta cảm động hôn lên vầng trán gầy guộc của nàng, đêm sa mạc lặng ngắt màu tiền sử

 

hay đấy là giao ước với các vị thần ? 

núi nói với ta đấy là chuyện thời con người mới biết mài đá làm đao kiếm

thời tiếp nối thời pleixtôxen đá cũ

 

 

trên con đường trở lại cao nguyên Nubia

ta đã nhìn thấy những tuyệt tác của con người khắc trên đá

những đồng lúa

những vườn nho

và các vị thần sông Nil mỉm cười trước những kẻ tạo tác nơi trần thế

 

 

núi nói với ta đấy là chuyện những người trồng lúa và trồng nho

ở hai bên bờ sông Nil

chuyện của những người thợ khắc đá

 

 

và những đồng lúa   những vườn nho như đang vươn lên tới chỗ tận cùng của trí tuệ, ta cứ nghĩ là hãy để cho chúng, những tuyệt phẩm ấy, lặng im nơi vách đá trong cuộc biến đổi khôn lường, nhưng hương lúa hương nho tựa những lời trần tình nghiêm túc, này anh bạn hậu thế của ta ơi, những người trồng lúa và trồng nho ở hai bên bờ sông Nil đã đến đây để khắc lên đá những chiến công nghìn triệu năm và mãi mãi về sau là chẳng bao giờ có nữa, ta nghe như từ những tuyệt phẩm của con người nơi vách đá đang vang lên thứ lời lẽ khác thường, là mãi mãi sẽ chẳng bao giờ còn có chuyện mang con thú hoang trên rừng về làm bầu bạn trong nhà, chẳng bao giờ còn có chuyện đem cái cây mọc hoang trên rừng về trồng ở trong vườn, khổ ải làm mở ra trong trí tuệ con người một phía khác, nhưng nếu còn có chuyện khổ ải làm mở ra trong trí trí tuệ con người thì là mở ra một phía khác.

 

 

trên con đường trở lại cao nguyên Nubia

ta đã nghe thấy từ   những bức vẽ trên đá vang lên những lời trần tình nghiêm túc tựa một thứ tất định luận

là mỗi thứ văn minh của con người chỉ xảy có một lần

 

 

nhưng núi lại nói với ta

chẳng phải những người trồng lúa và trồng nho muốn

vẽ chiến công của mình

khắc lên đá những chiến công của mình là để cho các vị thần sông Nil không còn có chút nghi ngờ nào về sự bền bĩ của con người

 

và cuộc chuyện trò kỳ thú

đêm ta ngủ lại ở cánh đồng Gizeh, bóng kim tự tháp Cheop như che mất ánh trăng thượng tuần, nửa khua con Sphinx thức giấc, thấy có kẻ lạ, thét, ngươi là ai dám đặt chân đến chốn an nghỉ nghìn đời của đức vua thần thánh, ta đáp là từ phương đông đến và nói thêm rằng trong khi có thể biết nước sông Nil lên xuống vào giờ nào nhưng cái chết là sự đổi thay đang đe dọa con người, khi nghe ta   nói đến thứ tâm trạng bất an của con dân thần Osiris, con Sphinx hơi nhỏm về phía trước, rồi bắt đầu to tiếng với ta, ngươi bảo là từ phương đông đến, nhưng sao lại có chuyện phương đông với phương tây, tồn tại uyên nguyên là một thuở trinh nguyên, nhưng loài người các người đã đem phân chia thành những phương đông với phương tây, phân chia thành chân lý với sai lầm, là lũ các người đang phá nát trinh nguyên, ta nói thì chính ngươi cũng đang mang dáng dấp con người nên ngươi cũng là kẻ   phá nát trinh nguyên, con Sphinx bỗng chòm lên, thét, dẫu là đầu người mình thú thì ta đây cũng chỉ là dáng vẻ bên ngoài của tồn tại, rõ chưa?

 

phải rồi, vào lúc ánh mặt trời bắt đầu soi rõ mọi thứ, thì ta cũng bắt đầu hiểu ra, kim tự tháp Cheop   và con quái vật đầu người mình thú cùng lúc lừng lững một góc trời, bỡi hình bóng của tra vấn là không thể rời khỏi hình bóng của quyền lực…

 

bài ca lăn đá 

trên con đường từ cao nguyên Nubia đến sa mạc Saqqara

ta đã gặp những người nô lệ lăn đá

bọn họ lăn đá và hát

 

tài sản của chúng ta là đôi vai gánh mặt đất đi giữa những bụi bặm ai vừa lội qua sông Nil lũ cá thở than về những đám mây cứ dính chặt trên bầu trời rách nát 

 

mấy nghìn năm qua   bọn chúng tôi vẫn lăn đá

những người nô lệ nói với ta

 

bọn họ lăn đá

và hát

 

ta nói ta từ phương đông mới đến

nên chẳng biết mấy nghìn năm qua bọn họ vẫn lăn đá

 

những tảng đá rắn chắc lấy từ cao nguyên Nubia

vẫn được lăn đi trên con đường đầy cát

và các vị phraon vẫn đang chờ đợi giây phút nhìn thấy ngôi nhà vĩnh hằng của mình

và gió nóng và quyền lực vẫn thổi vào cát

vẫn thổi vào cuộc đời những người nô lệ có đôi mắt thuộc giống loài homosapien tinh khôn nhưng có đôi vai là cùng chủng loại với lũ lạc đà chuyên chở hàng trên sa mạc

 

 

tất cả bọn họ là lăn đá

và hát

 

này lũ cá sông Nil có nhìn thấy không bầu trời là đang dãn ra rách nát và lũ chim di trú là đang đi tìm một nơi chốn không còn lệ thuộc vào những cơn gió chuyển mùa này ta nói cho nghe là ta chẳng cần đến thứ bầu trời rách nát ấy nữa đâu lũ chim bạt mạng nói ra những lời ấy và cất cánh bay về phía đang có những ngọn lửa đang thiêu đốt niềm háo hức của những đám mây màu tro và ở một nơi thật xa về   phía góc trời rách nát những bông hoa màu nắng đang nở ra những trí tuệ  

 

người buôn ngựa ở quảng trường Tahir

em biết không, người buôn ngựa ở quảng trường Tahir nói với ta rằng nội trong đêm mai, hoặc ông ta phải giao nộp ngựa, hoặc phải giao nộp mạng sống của mình cho bọn cướp đến từ biển Đỏ

 

ta nói từ phương đông   mới đến ta cần có ngựa để đi xem cho hết những lâu đài thành quách chói lọi những buổi bình minh, dấu vết của bao nhiêu vương triều nối   nhau dằng dặc trên đất nước sông Nil

 

nhưng người buôn ngựa ở quảng trường Tahir nói đám quan quân đi gom nô lệ cho các pharaon cũng cần có ngựa, đám dân đói rách đang lũ lượt kéo về quảng trường Tahir để sửa soạn cho một cuộc xóa bỏ những dơ bẩn của lịch sử cũng cần có ngựa, cả bọn cướp vàng bạc và châu báu nơi những nhà mồ của đám quí tộc lẫn bọn cướp chữ ở thư khố Alexandria cũng cần có ngựa, và chỉ nội đêm mai là ông ta phải giao nộp cho bọn cướp đến từ biển Đỏ con ngựa nòi phương đông

 

ta cũng chẳng hiểu vì sao bọn cướp đến từ biển Đỏ lại cứ nằng nặc đòi người buôn ngựa ở quảng trường Tahir phải giao nộp chúng con ngựa nòi phương đông bấy giờ cũng hiếm như chân lý những nhà thiết kế lịch sử đang tìm kiếm

 

là ta đang đi giữa quảng trường Tahir, và con ngựa nòi phương đông của ta dường cũng đang có những ý nghĩ như ta, những ý nghĩ vươn tận những ngõ ngách xưa cũ các vị thần sông Nil đã trải qua những nghìn năm trước, em biết không, con ngựa của ta là cứ chòm lên, hí, như thể đang dẫm phải dấu chân của một vị thần nào đó trong một cuộc săn lùng tình nhân nào đó ở sa mạc Saqqara, và con sông Nil như thể là đang tràn qua những ngõ ngách lịch sử, làm ướt đẫm những trang sử   bằng đất…

 

***

 

là ta đã nhìn thấy ở miền châu thổ sông Nil bốn ngàn dinh thự, cung điện, bốn trăm rạp hát, bốn trăm nhà tắm công cộng, và sau hai mươi ba tháng bao vây, những đồ đệ của Mahomed, đám người Hồi Giáo của Arm đã hất tung những cuốn sách ở thư khố Alexandria bỡi chúng là vô ích khi cuốn sách của thượng đế đã nói hết cả

 

là ta đã nhìn thấy Abu Abbass, vì vua khát máu của triều đại Abbasside, giết tám mươi thủ lĩnh của triều đại trước, triều đại   Omayyade, và cho đoàn người ngựa của mình dẫm lên đất đai của những đất nước Sindh, Balouchistan, Afghanistan, Turkestan, Ba Tư, Mesopotamia, Armenie, Syrie, Palestine, Chypre, Crete, Ai Cập, Ifrikia, Maghreb… chẳng có thứ khí giới nào thắng nổi tiếng hô xung phong của đoàn người ngựa của ông vua khát máu, vị chúa tể đất đai của những thế kỷ văn minh Hồi Giáo tay cầm cuốn sách của thượng đế, tay cầm gươm, và để cho máu người chảy lên đất đai thân yêu của mình   suốt từ sông Indus của nước Ấn Độ thân yêu cho đến sông Nil của các pharon thần thánh, và còn hơn nữa

 

là ta đã nhìn thấy hết thảy   những thủ lĩnh, hết thảy những calife, những người tuân phục cuốn sách thánh của thượng đế, khi chết vì lưỡi gươm của kẻ thù, thì lập tức nơi máu chảy trở thành thánh địa, và chỗ yên nằm của thi thể thì lập tức trở thành nơi hành hương, em biết không, ta đã nhìn thấy những thánh địa như thế mọc lên trên đất nước sông Nil, và những cuộc hành hương dài hàng thế kỷ

 

là ta đã nhìn thấy vua Khumarawayh của triều đại Tunilide đã lệnh cho thần dân mình   dát vàng hết thảy thành quách lâu đài   nơi kinh đô Fustat, ở gần Caire, trong khi con sông Nil   nổi cơn cuồng nộ phá nát hết những cánh đồng lúa những vườn nho và   những mơ ước vừa mới chớm lên nơi ánh mắt của những đôi tình nhân, con cháu thân yêu của các vị thần sông Nil thân yêu

 

là ta đã nhìn thấy công chúa Asshida, con gái vua Muizz của triều đại Fatimad, lúc chết đã để lại mười hai ngàn chiếc áo dài, với hai triệu bảy ngàn dinar, tức là tương đương với hơn mười hai triệu đồng tiền của nước Mỹ đương đại, vua khóc, thì thấy máu của người dân Ai Cập cứ ứa ra nơi khóe mắt mình

 

là ta đã nhìn thấy Salih, ông vua cuối cùng của triều đại Ayyoubite tắt thở, bà vợ góa của vua, nữ nô lệ Shajar al Durr, đã làm ngơ cho người ta ám sát con riêng của chồng, để lên ngôi nữ hoàng Ai Cập, dẫn đến việc dìm chết đức phu quân Aybad khi ông ta có ý sáng lập ra   triều đại Mameluk, nhưng nữ nô lệ nữ hoàng Shajar al Durr đã bị đập chết bằng guốc, và triều đại Mameluk vẫn tồn tại suốt hai trăm sáu mươi bảy năm, kinh đô Caire nhuộm máu vì các cuộc ám sát và lật đổ, nhưng con sông Nil vẫn mang lại hoa trái cho người, và những bài hát kỳ dị về đất nước Ai Cập kỳ dị vẫn được tấu lên với ngàn cây đàn luth

 

***

 

và cái bóng của kim tư tháp Cheop ở Gizeh vẫn như bóng ma quá khứ tiếp tục ám ảnh nhân gian

 

này, ta nói cho các người biết, ta vẫn mãi mãi là đức vua thần thánh của các người, ta nghe như đang vang lên từ công trình cự thạch ấy tiếng nói lẫm liệt của những con người đã tạo ra thứ quá khứ lẫm liệt của đất nước sông Nil, này, ta nói cho những kẻ mang gươm và sách của thượng đế biết, dẫu các người có đuổi các vị thần của bọn ta ra khỏi đất nước sông Nil, nhưng mãi mãi nghìn triệu năm sau, các vị thần của bọn ta vẫn mãi mãi ngự trên đầu thần thánh của các người, ta nghe như đang toát ra từ cửa miệng   các vị phrao đang nằm nghỉ nơi những kim tự tháp rêu phong lời thề ngọc bích kim cương, từ đó, đã chảy ra máu xương thảm khốc, những rạn vỡ thảm khốc của bầy đàn

 

ta biết, từ đó, cái bóng của những ngôi mộ khổng lồ của các vị phraon vẫn đổ xuống nhân gian nỗi ám ảnh về những cách thức trần thế

 

hay đấy là sự tàn nhẫn của lịch sử, xương cốt những kẻ tạo nên dấu vết lịch sử thì vĩnh viễn trở thành cát bụi, còn dấu vết lịch sử thì vẫn lặng thinh chẳng thèm đá động đến những kẻ đã tạo ra chúng

 

hay đấy là thách thức của vĩnh hằng, khái niệm mơ hồ vẫn quyến rủ nhân gian bỗng có cơ hội để thể hiện mình, này, ta nói cho các người biết, hãy nhìn vào những khối đá khổng lồ đang câm lặng trên các sa mạc Saqqara, Gizeh, thì các người sẽ hiểu thế nào là sự vĩnh hằng

 

hay đấy là một cách phỉ báng của thời gian, này, các người chẳng bao giờ hiểu được thế nào là thời gian đâu, bỡi trước mặt các người là luôn bày ra cái công trình bằng đá bền chắc có vẻ như chẳng bao giờ sụp đổ

 

nhưng ta, kẻ từ phương đông mới đến, thì ta cho rằng đấy là niềm kiêu hãnh của một dân tộc, thì chẳng phải những khối đá to lớn có vẻ như chẳng hề chi trước sự tàn phá của thời gian là dáng dấp nghìn năm dựng nước của một dân tộc hay sao

 

hay đấy vẫn là niềm bí ẩn của tồn tại không ngừng kích thích trí tưởng con người, này, thì các người cứ nói ra đi, ta là gì nào, các người hãy nói ra đi, ta nghe như những nấm mồ bằng đá của các vị pharaon của các vương triều mới cũ của đất nước sông Nil là đang lên tiếng thách đố chúng ta

 

***

 

và cái đám người đang tụ tập ở quảng trường Tahir là dường như cũng đang bị kích động bỡi những thách thức của vĩnh hằng, ta biết là bọn họ đang tìm kiếm vĩnh hằng

 

người buôn ngựa ở quảng trường Tahir cứ theo hối thúc ta nhượng lại con ngựa nòi phương đông, nhưng ta thì cần có ngựa để đi gặp những người đang tụ tập ở quảng trường Tahir, những người đang mang nặng trong lòng những hờn căm, những chờ đợi, ta biết là bọn họ đang sửa soạn một cuộc tẩy rửa những dơ bẩn của lịch sử, sự tụ tập, ta biết, là đêm trước của một cuộc thanh tẩy

 

đả đảo các vị thánh thần đang mưu toan biến nhân gian thành nơi thể nghiệm của thời gian, cuộc thể nghiệm tàn nhẫn nhất trong những tàn nhẫn, đả đảo những thằng mặt đen những thằng mặt trắng những thằng mặt xanh luôn mưu toan mượn tay thần thánh để bày ra những cuộc đỏ đen luôn mang những tên gọi thiêng liêng như thể là được nói ra từ cửa miệng   thần thánh, đả đảo cường quyền và bạo lực luôn lập lờ đánh lận con đen, đả đảo những giả dối, đả đảo những lừa bịp đê hèn làm hoen ố lịch sử   trong sạch của con người, hoan hô lũ chim trời đang sải cánh bay trên bầu trời trong sạch, hoan hô sự tự do của lũ chim trong sạch

 

những người tụ tập ở quảng trường Tahir cứ gào lên, và con ngựa nòi phương đông của ta cứ chòm lên, hí, còn ta, thì cũng muốn gào lên, hãy dẹp hết các quốc sử quán, dẹp hết các nhà chép sử, dẹp hết các nhà bình sử, bỡi những người đang tụ tập ở quảng trường Tahir để sửa soạn cho cuộc tẩy rửa dơ bẩn của lịch sự là đang tổng lược lịch sử trong những lời hoan hô và đả đảo đầy tâm huyết

 

và từ những người đang tụ tập ở quảng trường Tahir, ta đã nhìn thấy ông lão ấy bước lên phía trước, gào, Người đang ở đâu vẫn chưa thấy đến, dường như là bọn họ đang chờ kẻ dẫn dắt cách thức tẩy rửa dơ bẩn của lịch sử, là bọn chúng tôi đang chờ, ông lão vẫn cố gào lên,   và khạc ra máu, và quị xuống quảng trường, có vẻ như là dấu hiệu của vô vọng

 

***

 

và ta vội vã thúc ngựa đi về phía sa mạc Ghizeh, này, con quái vật kia, là ngươi vẫn đang tiếp tục cản trở con người, phải không, ta đang nghĩ đến kẻ dẫn dắt cuộc thanh tẩy lịch sử đang bị ai đó ngản trở, và gào lên với con quái vật Sphinx

 

a ha, ta nghe con Sphinx cười   thành tiếng, và bảo là sẽ mãi mãi làm kẻ tra vấn lịch sử, con Sphinx bảo là nó sinh ra không phải để cản trở mà chỉ để tra vấn con người

 

hãy dẹp đi những tra vấn cũ kỹ, ta thét, khi nghĩ đến cái cách gạn hỏi nghìn triệu năm trước của con thú dầu người mình thú, hãy dẹp hết những tra hỏi cũ rích ấy đi, ta lại thét lên

 

người buôn ngựa ở quảng trường Tahir cứ hối thúc ta nhượng lại con ngựa nòi phương phương đông của ta, nhưng ta thì đang bận tranh cãi với con quái vật đầu người mình thú

 

thần thánh chẳng làm hỏng con người, mà chỉ có con người là đang làm hỏng thần thánh, con Sphinx nói

 

nhưng là ngươi hãy nói với hết thảy các vị thánh thần rằng, chính là các vị đã để cho con người lợi dụng tên tuổi các vị tạo ra những cuộc đỏ đen làm hoen ố lịch sử con người, hãy bảo với hết thảy các vị ấy rằng hãy thôi đi việc can dự vào thời gian của con người, ta nói

 

và con Sphinx lại giận dữ hét, hãy đi cho khuất mắt ta hỡi loài giống con người cứng đầu cứng cổ

 

***

 

ta trở lại ngôi làng thân yêu của ta với hai bàn tay không, con ngựa nòi phương đông ta đã cho người buôn ngựa ở quảng trường Tahir, bỡi không thể để xảy thêm cái chết vì bạo lực, cả cuốn sách chép về cách làm cho cây lúa chóng trỗ bông ta cũng cho người buôn ngựa, bỡi ông ta nói thoát chết lần này thì bỏ nghề buôn ngựa quay về quê trồng lúa

 

ân nhân của ta là sứ giả của những vị thần nhân từ của các đất nước phương đông, người buôn ngựa ở quảng trường Tahir nói

 

ta nói ta chẳng phải sứ giả của các vị thần, mà là kẻ đang đối địch với các vị thần, kẻ luôn làm mếch lòng các vị thần thánh nơi mặt đất

 

phải rồi, khi trở lại ngôi làng thân yêu của ta thì ta sẽ nói với em là ta đã nói nói với người buôn ngựa ở quảng trường Tahir rằng ta đang tham gia vào cuộc chiến chống lại các vị thần

 

 

 

CHƯƠNG BỐN
ÂM VANG CƠN LŨ

 

Giờ đây tôi không làm gì hết, chỉ nghe,
Để lấy những điều nghe được làm giàu bài hát này…
WALT WHITMAN (*)

(*) trích Lá Cỏ của Walt Whitman bản dịch của Vũ Cận

 

 

Và một hôm
em đến
xin chào hạt bụi
giọng nói nghe hiền như mây mùa thu
và ta
lại tiếp tục cuộc dong ruổi vào chốn cát bụi…
 

 

như trong gió có mùi vị của tai ương

ở cao nguyên Anatolia ta trò chuyện với một nhà triết học

vốn là vua của một xứ sở cận kề thành Troa

bấy giờ là đang mùa thu

những ngọn gió thổi lại từ phía biển Đen như   mang theo mùi vị của tai ương

 

mấy nghìn năm nghĩ ngợi ta đã thấy ra cái lý của trời đất

nhà triết học vốn là vua

nói

ta hỏi cái lý thế nào

ông ấy bảo là một cuộc đùa   dai dẳng

 

thì ra đấy là một nhà vua đã bị lật đổ hơn hai nghìn năm trước

là thần dân của ông lật đổ ông

bọn họ không treo cổ mà đem nhốt ta vào cái nhà ngục vốn là nhà nuôi chó
ở  nhà ngục ấy ta đã hiểu ra  lũ bọ chó ấy

ông ấy bảo

 

 

buổi trưa nhà triết học vốn là vua đưa ta đi xem trước tác của ông

một thứ công trình triết học đang viết lở dở

khi đứng ở nơi vách đá cao chót vót ấy ta cứ có cảm tưởng là đang nhìn thấy thành Troa và buộc nhắc đến Homer

nếu nơi ấy là thành Troa thì Homer đã đặt chân đến đó

ta nói theo thứ cảm hứng nơi trí nhớ

thì ông nhà sử gia ấy, ông Homer ấy, cũng bịa ra các thứ cho vui
chỉ có đám bọ chó ở cái ngục ấy là thật

nhà triết học vốn là vua
nói

 

thì ra sau khi ra khỏi cái nhà ngục đầy bọ chó ấy nhà vua bị lật đổ đã bắt tay vào công trình trước tác của mình

một công trình triết học về đám bọ chó

khi không có lũ chó thì cái đám bọ có tên là bọ chó ấy lại bu lấy con người …

ta đọc được những lời ấy trên vách đá cao

 

và nghe như từ phía biển Đen vọng lại   âm vang của cơn lũ ngày nào

 

sao lại chảy về biển Đen?

sao không chảy đi đâu mà chảy vào biển Đen

niềm băn khoăn ta vẫn dành cho con sông Halys

con sông của những số phận

của những cuộc đời

và của những tên đất tên người rất dễ lãng quên

Paphlagon, Cappadocia, Lydia, Mursili I, Mursili II, Urata, Boghaz…

hay chỉ   biển Đen mới chứa đựng nổi những thống khổ dòng sông mang lại

 

sao không chảy đi đâu mà chảy vào biển Đen

một hôm ta dừng chân nơi bờ sông Halys

câu hỏi về dòng sông định mệnh như cứ vang lên trong tâm tưởng

 

chốn dừng chân của một cuộc thiên di

ra khỏi khu rừng nguyên sơ man   dại là con người bắt đầu một hành tung thiên niên bất tận, hành tung của dịch chuyển, đi, và có dừng lại cũng chỉ là một cách thức của đi, có dừng lại cũng chỉ là để nhìn ngắm ngọn cỏ rạp mình dưới ngọn gió mùa đông,

ra khỏi khu rừng mông muội nguyên sơ là con người bắt đầu ngắm nhìn con đường phía trước với cách thức của kẻ khờ khạo trước màu nắng chiều sắp tắt, âm u bờ cỏ tiếng động hờ của đêm, âm u bước chân mệt mỏi của dòng sông khô cạn, âm u tiếng gió lạc giữa hoang vu, đã quen với cách thức của kẻ vốn từ trong rừng nhìn ra,

 

và háo hức tựa lũ con trẻ sắp thay áo mới, tinh khôi một vầng nhật nguyệt, buổi trong rừng   cũng vầng nhật nguyệt trên đầu, nhưng là nhật nguyệt nguyên sơ, phía trước, những chiếc áo mới tinh khôi, và lũ con trẻ la hét trên   đường làng, a ha, con đường phía trước,

 

buổi sớm mai dừng chân trên bờ sông Halys, ta cứ nghĩ ngợi về cuộc thiên di của một giống người từng có tiếng nói trong cuộc văn minh sắt của loài giống con người 

 

và chốn dừng chân cũng giống như chỗ nghỉ ngơi của cánh chim bay mỏi, cũng hồn nhiên như con chim sau bao ngày bay lượn giữa bầu trời tự do, đi, và nghỉ ngơi, kẻ vừa ra khỏi nguyên sơ mông muội cũng đi và  nghỉ ngơi như cánh chim bay mỏi giữa bầu trời tự do,

 

và con chim bay mỏi dừng chân chẳng nghĩ ngợi điều chi ngoài việc dừng chân, nhưng kẻ   vừa ra khỏi mông muội của khu rừng nguyên sơ lại bắt đầu chuyển sang một thứ mông muội khác ,

 

buổi sớm mai dừng chân nơi bờ sông Halys ta cứ nghĩ ngợi về những cuộc đun đẩy nhau của những tộc người vừa mới dừng chân ở chốn dừng chân, những cuộc đun đẩy làm sản sinh ra tên tuổi những đất nước tên tuổi của những dân tộc và tên tuổi những cuộc đổ máu trong thời văn minh sắt của loài giống con người

   

và cuộc hôn phối tưng bừng sắc nước hương trời

cuộc hành trình mở đất vang lên khúc bi ca, đất đai của những dòng sông bắt đầu vấy máu, hãy để cho hết thảy được bình yên hỡi những con người vừa mới đứng lên giữa nghìn trùng băng giá, lời nói của những dòng sông chảy máu chẳng làm thay đổi   tính cách những cuộc thiên di,

 

những kẻ màu da sạm nâu hay   màu chi chẳng ai biết đích xác là từ miền núi non Caucase tràn về phương nam, bước qua những rừng rậm, bước qua những sa mạc, bước qua nỗi sợ hãi của những kẻ khiếp sợ kẻ mới đến, và kẻ khiếp sợ kẻ mới đến lại trở thành kẻ mới đến, đun đẩy, và ra đi, những đun đẩy, khiếp sợ và ra đi là cứ tiếp tục tràn qua mặt đất, làm như thể dịch chuyển với nằm yên là những cách thức vui chơi cho qua ngày tháng của tồn tại,

 

trên miền châu thổ sông Amq vang lên khúc bi ca, máu, và tiếng khóc của những kẻ sợ hãi, sợ hãi và chưa kịp ra đi, những kẻ màu da sạm nâu hay màu chi chẳng ai biết đích xác là dẫm lên đất đai con sông Amq, những dấu vết còn lại trong đất đã nói lại với những kẻ đến sau rằng những kẻ màu da sạm nâu hay màu chi chẳng ai biết đích xác là đã giết hết sạch những người bản địa sông Amq, và tiếp tục tiến về phương nam,

 

và Boghaz Koy trên miền châu thổ sông Halys tựa hồ chốn thiên đường nơi mặt đất của những kẻ màu da sạm nâu hay màu chi chẳng ai biết đích xác, uống nước sông Halys, và ăn nằm với những người Boghaz Koy bản địa để sinh ra một giống người,   một cuộc hôn phối tưng bừng sắc nước hương trời, bỡi những dấu vết nơi lòng đất đã nói với những kẻ đến sau rằng có một giống người tên Hittites trên cao nguyên Anatolia đã từng có mặt trong buổi đầu văn minh đồng sắt của loài giống con người,

 

quá về phía đông, vương quốc Urata chế tạo kim loại và buôn bán, và quá về phía tây là giống dân Arzawa thô kệch, còn người Hittites ở trung tâm Anatolia thì hiếu chiến, và biết cách nấu sắt   để làm ra vũ khí …

 

buổi chiều dừng chân nơi bờ sông Halys, ký ức sách vở ít oi về một giống người nhân loại vẫn còn nhắc đến tên tuổi cứ làm ta thấy bối rối trong lòng,

 

nếu không có giống người Hittites ấy, và nếu   không có nền văn minh sắt huy hoàng ấy, thì chẳng có ngày nay,

 

nhưng mà…

 

cứ để cho ta nghĩ về em 

đừng nói gì cả, cứ để cho ta nghĩ về em trong lúc ta đang đi giữa âm vang cơn lũ, cơn lũ vẫn ám ảnh về sự mong manh của tồn tại, cứ để cho ta nghĩ về em giữa lúc ta đang đi bên bờ biển Đen, là ta đang đi bên bờ biển Đen và đang nghĩ về con thuyền trôi trong cơn lũ, ta có nghĩ về âm vang cơn lũ, cơn lũ bắt đầu từ biển Giữa, và tràn lên sự sống, nhưng khi nghĩ về con thuyền Noah trôi trong cơn lũ ta lại thấy dáng hình em, con thuyền trôi trong cơn lũ, còn em thì như thể là vừa bước ra từ âm vang cơn lũ, hay em là âm vang cơn lũ của   đời ta, người ta đã dành bao nhiêu thi ca để nói về con thuyền Noah trôi trong cơn lũ và những kẻ bước ra từ cơn lũ, nhưng ta thì chỉ muốn nói về em những lời giản đơn giữa lúc ta đang đi trong âm vang cơn lũ, đừng nói gì cả, cứ để cho ta   nghĩ về em, nghĩ về dáng hình em, ta đang đi bên bờ biển Đen, và như thể là từ nơi thế giới bí ẩn em đang lặng lẽ nhìn ta, em đang lặng lẽ nhìn ta và lặng lẽ mang đến cho ta tình yêu lặng lẽ, cứ để cho ta lặng lẽ nghĩ về em, đừng nói gì cả 

 

minh triết và tro than 

Lần này thì lũ các người
hãy thử dùng sức mạnh của thi ca
LỜI GHI TRÊN VÁCH ĐỀN APHRODITE

 

Cuộc hành trình lần này ta đã có em, ta đã gặp em, ngẫu nhiên và định mệnh, như thể là em đã chờ ta ở đó những nghìn năm trước để đi cùng ta, cuộc hành trình gian truân nơi mặt đất gian truân,

 

Lần này thì cứ thử đem tình yêu của chúng ta đặt lên những ngọn sóng, những ngọn sóng màu lam chiều   réo gọi nơi eo biển Bosphorus, giữa lúc nữ thần Aphrodite buông lời thách thức, trần thế có phải là chốn để những kẻ đang yêu quấn quít bên nhau, hỡi những kẻ muốn đem trái tim mình đặt lên cuộc biến động khôn lường, lời của nữ thần tình yêu như âm vang cơn lũ, cơn lũ khởi   lên từ eo biển Bosphorus, tràn tận đỉnh Ararat.

 

***

 

Ai đứng nơi bờ Mediterranean, biển Giữa, những nghìn năm trước để thốt ra lời ngàn năm, tận tình và thống thiết. Tất cả là nước. Lời nói tựa thách thức xuyên qua những thế kỷ thách thức luôn có lũ người ngu ngốc đi tìm những thứ chẳng bao giờ có. Tất cả là nước. Dáng dấp thuở ban đầu. Con chim sải cánh, bầu trời nguyên sơ lộng gió. Ai đứng nơi bờ Mediterranean, biển Giữa, thốt ra lời nguyên sơ như thách thức xuyên qua những tiết tấu thời gian vẫn gõ lên bụi bặm trần thế,

 

Những phác thảo về tồn tại tựa lời trẻ thơ. Con dế ca bài ca của đất rồi đi tìm chú ngựa non trong ngôi nhà của chuột. Tiếng hát trẻ thơ. Và những phác thảo về tồn tại,

 

Ai đứng nơi bờ Mediterranean, biển Giữa, những nghìn năm trước để hô hoán rằng thuở ban đầu là chẳng có con đường nào vào cõi miên trường ảo ảnh, dùng dằng người đi kẻ ở, treo lơ lửng trước   lối mòn vô vọng, nước mắt chảy giữa gió mây vô vọng, ai ngờ một ngày có kẻ đứng nơi bờ Mediterranean, biển Giữa, để hô hoán   rằng thuở ban đầu là sắc hoàng hôn   nguyệt bạch, treo lơ lửng trước đời lối đi về vô tận, chẳng có bàn tay ai nâng đỡ, tất cả là lơ lửng giữa bất định hư không, vào một ngày có kẻ đứng nơi bờ Mediterranean, biển Giữa, hô hoán lên rằng, sở dĩ được treo lơ lửng giữa bất định hư không là nhờ luôn trai trẻ và   luôn giữ được những xa cách ngang bằng nhau giữa muôn ngàn sự thế,

 

Cũng chẳng ai ngờ một ngày có kẻ đứng nơi bờ Mediterranean, biển Giữa, để bảo với mọi người rằng thuở ban đầu là hơi thở miên mang bất tận, dòng sinh hóa từ đó mà ra, ai ban cho ta hơi thở ban đầu mà biến hóa khôn cùng, khi tụ tập thành những hình hài kỳ tuyệt, lúc gĩan ra thành cõi trống trải hư không, co lại và giãn ra là để cho muôn vạn hình hài, ta đã có, ta đang có, và ta sẽ có, là có cả những vị thần cùng những hình hài cốt cách của những vị thần, cái ta không nhìn được là các vị thần, cái ta   nhìn được là hình hài cốt cách của những vị thần, chẳng ai ngờ có ngày có kẻ đứng nơi bờ Mediterranean, biển Giữa, để làm cho hình dáng ban đầu của tồn tại trở nên lung linh quyến rủ,

 

Là Thales, là Pittacus, Bias, Solon, hay Chilon, Cleobulus, Myson, hay Anacharsis, Phytagoras, hay   Anaximandre, Anximene, là bảy vị, hay mười bảy vị, hay là hai mươi bảy vị, chuyện có bao nhiêu vị hiền triết chỉ là chuyện về con số, chuyện về cái bóng của hình, những nghìn năm trước những hình hài minh triết vẫn tiếp tục đi lại nơi bờ Mediterranean, biển Giữa, vẫn nối bước nhau bước lên những hòn đảo minh triết ở Mediterranean, biển Giữa, vẫn không ngừng nghĩ ngợi dưới bầu trời Anatolia, để thốt lên lời nghìn năm,

 

Buổi chiều, đứng nơi bờ Mediterranean, biển Giữa, ta và em hóng mắt về phía ban đầu, hóng mắt về phía lung linh quyến rủ, những lời của kẻ yêu nhau thuở ban đầu trở thành lời ngàn năm, con dế ca bài ca của đất rồi đi tìm chú ngựa non trong ngôi nhà của chuột, tiếng hát trẻ thơ, và những phác thảo về hình dáng của tồn tại.

 

***

 

Ephesus mùa thu.   Ta và em đến Ephesus vào một ngày mùa thu. Chẳng còn nghe thấy tiếng cung bạc leng keng của nữ thần Artemis trên bầu trời Ephesus lặng gió. Lũ ruồi có vẻ chán nản nơi mi mắt thiêu ngủ của lão tư tế đang chán nản canh giữ ngôi đền đổ nát chỉ còn như thứ âm vang già nua trong tâm tưởng con người. Nhưng các người từ phương đông đến cũng nghe thấy những gì đang diễn ra dưới bầu trời đương đại, lão tư tế nói, như thể đã thoát ra khỏi cơn thiu ngủ ngàn năm, cơn thiu ngủ hình thành từ   pháp điển hiến chương về tồn tại những nghìn năm trước, thứ pháp điển hiếu chiến vẫn được coi như sở thích con người của thuở ban đầu. Nhưng cuộc chiến thành Troa đã kết thúc tự những nghìn năm trước sao nữ thần chiến tranh vẫn vắng bóng nơi ngôi đền cổ kính, ta nói lời ấy với lão tư tế đền thần Artemis trong lúc lão mệt mỏi xua tay đuổi lũ ruồi đi khỏi sự mệt mỏi của mình, còn em thì đăm   mắt về phía những hoang tàn như thể đang cố nhìn lại những tháng năm lừng lẫy của người con gái của Zeus thần thánh, người con gái vẫn cùng với con người và muông thú trên rừng nhảy múa hát ca, nhưng vẫn ra tay giết chóc con người và muông thú theo thứ pháp điển hiến chương mông muội,

 

Tồn tại là gươm đao. Thứ pháp điển hiếu chiến vẫn được các nhà kiến thiết tài ba thuở ban đầu diễn dịch thành ngôi đền Artemis lộng lẫy dưới bầu trời Ephesus lộng lẫy, những Chersiphon, Pheidias, những Polycleitus, Kresilas, Pheadmo vẫn còn ghi trong sử cũ, những nhà kiến thiết tài ba đã tạo nên chốn ngự trị của vị nữ thần chinh chiến. Nhưng có phải vào cái đêm hăm mốt tháng bảy hơn hai nghìn năm trước chàng trai trẻ có tên Herostratus đã muốn xóa bỏ biểu tượng của hiếu chiến, xóa bỏ những định kiến man rợ, ta và em đều cố nghĩ thế về Herostratus, nhưng lão tư tế đền thần Artemis bảo Herotratus còn hiếu chiến hơn cả nữ thần Artemis, Herotratus đốt đền nữ thần chiến tranh là cốt để cho loài người chỉ còn nhớ đến mình, lão tư tế mệt mỏi nói ra những ý nghĩ mệt mỏi của mình,

 

Nhưng là các người từ phương đông đến chẳng nghe thấy những gì diễn ra dưới bầu trời đương đại, lão tư tế đền thần Artemis nói, như thể đã ra khỏi hẳn cơn thiu ngủ nghìn năm, ta và em đều nói là rất vui khi không còn nhìn thấy bóng dáng nữ thần chiến tranh dưới bầu trời Ephesus, nhưng lão tư tế bảo là ta với em đã lầm, một sự lầm lẫn nghiêm trọng, các cuộc chiến của con người còn diễn ra trên mặt đất thì thần chiến tranh vẫn còn đó, và thứ pháp điển hiến chương mông muội vẫn còn chỗ trú ngụ dưới bầu trời đương đại, tồn tại vẫn là gươm đao, lão tư tế nói như thể là lời tuyên ngôn về tồn tại,

 

Vào cái buổi chiều mùa thu đặt chân đến Ephesus, miền đất cổ kính bên bờ Mediterranean, biển Giữa, ta và em đã hiểu ra sự hoang tàn của khu đền nữ thần chiến tranh Artemis như một cách thức biểu hiện về cách nhìn thế giới của con người đã được chuyển đổi, chẳng còn ai   muốn nói tồn tại là gươm đao, chẳng còn ai muốn nhìn thấy sự có mặt của vị nữ thần chiến tranh, thực ra thì cách nhìn thế giới của con người đã được chuyển đổi tự hôm con người có tên Heraclitus đã được sinh ra dưới bầu trời Ephesus để nói ra những lời tâm huyết những ngàn năm qua vẫn được coi như một thứ pháp điển hiến chương của thời ngược với thời mông muội,

 

Đấy là ngọn lửa đang bùng cháy trong tâm can chúng ta. Nói là lửa, hay nói là tình yêu, đều là nói về nó,   nói nó là con đường đi lên, hay nói nó là con đường đi xuống, hay con đường đi xuống là con đường đi lên, nói cách nào cũng đều là   nói về nó, bỡi mọi sự biến đổi là đều của nó, biến đổi là để thành nó, và nó là biến đổi, bỡi nó là tất cả, nhưng nó cũng là một, bỡi vì một là tất cả, và tất cả là một,

 

Những pháp điển hiến chương của tồn tại   đã được Heraclitus hát lên tự những nghìn năm trước. Chẳng ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông. Buổi chiều mùa thu đặt chân đến miền đất cổ kính Ephesus, ta và em đã hiểu ra lời tự tình ngàn năm của kẻ đa tình có tên Heraclitus. Nó là ngọn lửa nung nấu máu thịt con người. Cháy lên và lụi tàn là cứ thay nhau trong lịch sử con người. Khi sự cháy lên được lặp lại là con người   sẽ nhìn thấy những gương mặt rạng rỡ, đáng yêu. Nhưng khi sự lụi tàn được lặp lại thì có thể đó là những hài hước, kệch cỡm, là những giả dối, hèn hạ, dường chẳng phải là thuộc về gương mặt con người,

Buổi chiều, đứng nơi bờ Mediterranean, biển Giữa, ta và em như nghe thấy được tiếng ca bất tuyệt của Heraclitus, con dế ca bài ca của đất rồi đi tìm chú ngựa non trong ngôi nhà của chuột, tiếng hát trẻ thơ, và những phác thảo về pháp điển hiến chương của tồn tại.

 

***

 

Aphrodisias cuối thu. Mùi sữa và mùi hoa hồng như cố ấp ủ cho cổ kính không tàn phai theo năm tháng. Và tự nơi cuối trời như có ai đó đang vẫy tay về phía cổ xưa, gào thét. Aphrodite, ta cứ muốn sờ lên từng hơi thở của em, ta cứ muốn chính mắt mình nhìn thấy thịt da em. Tiếng gào như thể ai đó là chẳng còn chịu đựng được trước vẻ đẹp con người chỉ còn được ghi lại như một thứ dấu vết   của trí tuệ. Và ta thì cứ cố lục lọi trong ký ức từ chương xem thử có lời nào thốt ra từ cửa miệng của vị nữ thần sắc đẹp ấy hay không, nhưng chẳng tìm thấy, nhưng ta biết có tìm thấy chăng   thì cũng đã được diễn dịch theo niềm cảm hứng khôn cùng   của các thi gia sử gia Homeros (Homer) hay Hesiodos (Hesiod) hay Herodotos (Herodote). Và, trong ngày đầu tiên đặt chân đến miền đất Aphrodisias cổ kính ấy, thậm chí lời ghi trên vách đền Aphrodite cũng chỉ là sự tưởng tượng của ta và em,

 

Khi ta và em đặt chân lên miền đất cổ kính Aphrodisias bên bờ Mediterranean, biển Giữa, nơi có đền nữ thần tình yêu Aphrodite, thì khái niệm tình yêu đã trải qua bao thiên niên kỷ, dường thời gian có làm cho thứ khái niệm vốn vô cùng nhiêu khê rối rắm ấy trở nên nhiêu khê rối rắm,

 

Aphrodite, tóc em là con sông bằng vàng, da thịt em là hương hoa là mùi sữa, và mắt em là vì sao trên trời, Aphrodite, em là tất cả đất trời. Ai đã đứng phía bên kia bờ ngôn từ để thốt lên những lời vô ngôn,

 

Khi ta và em đặt chân lên miền đất có cái tên đáng yêu diễn dịch từ tên thần tình yêu Aphrodite ở bên bờ Mediterranean, biển Giữa, thì khái niệm về tình yêu đã trải qua những thiên niên kỷ nhọc nhằn, dường như những khi con người mãi tranh nhau chỗ đứng nơi mặt đất thì quên đi thứ khái niệm còn quí hơn da thịt của mình,

 

Thì chẳng phải một thời thần   chiến tranh Ares, vị thần hiếu chiến và cuồng loạn, cũng say đắm nhan sắc của nàng hay sao, chẳng phải cái tên Aphrodite như một thứ khái niệm về phía khác của chết chóc, phía của tình yêu, một thứ khái niệm về luật lệ của cuộc sống,

 

 

Hôm ta và em đặt chân lên miền đất cổ kính ấy cứ nghe như đang vang lên tiếng hát của kẻ đang yêu. Mùi sữa với hương hoa hồng. Và tiếng hát của kẻ đang yêu. Con dế ca bài ca của đất rồi đi tìm chú ngựa non trong ngôi nhà của chuột. Tiếng hát trẻ thơ. Và phác thảo về luật lệ của tồn tại.

 

***

 

Trên những mảnh đất nung đào được ở Nineveh nơi bờ sông Tigris người ta đã đọc được thiên sử thi về vị vua anh hùng Gilgamesh của thành Uruk cổ kính, vị vua đã được nghe một người đàn ông có tên Utanapixtim kể về cơn đại hồng thủy do thần Enlin gây ra, người đàn ông   đã thoát khỏi sự trừng phạt của các thần, và trở thành kẻ duy nhất có cuộc sống trường sinh bất tử,

 

 

Sách cựu ước nói chúa trời đã làm ra cơn lũ bốn mươi ngày đêm để tiêu diệt loài người tội lỗi, ta đã ân hận tạo ra con người, và nay thì chỉ mỗi nhà ngươi là còn được sống để gầy dựng lại loài người, dường như chúa trời   đã nói với ông Noah như thế,

 

Các ông William Ryan, Walter Pitman, những người làm công việc khảo cứu của nước Mỹ bảo, một trận đại hồng thủy đã diễn ra dưới bầu trời Anatolia, thuở ấy, mặt đất nóng lên, băng tan, nước ở các biển lớn   đầy lên, nước ở Mediterranean, biển Giữa, cũng đầy lên, và bắt đầu tràn vào biển Đen cho đến lúc dâng lên tận ngọn núi phía đông Anatolia, ngọn Ararat,

 

Dường những ký ức về trận lũ kinh hoàng trong quá khứ đã được con người khắc họa thành niềm mong mỏi thiêng liêng về một sự hoàn thiện nào đó, em nói,

 

Dẫu là Utanapixtim trong sử thi Gilgamesh hay Noah trong cựu ước, có trở thành bất tử, hay được quyền sống sót sau cơn lũ lớn, thì các vị cũng chỉ làm mỗi công việc gầy dựng lại loài người, ta nói,

 

Những đám mây không mấy sáng sủa là đang kéo về   bầu trời Anatolia. Ta và em là đang đi trên mảnh đất Anatolia chẳng mấy bình yên, và đang nghĩ về cơn đại hồng thủy đã diễn ra trong quá khứ. Cơn lũ lớn xảy ra dưới bầu trời Anatolia là có thật. Và dường các bộ óc lớn của loài người nhân có lũ lớn muốn làm lại một loài người khác, hoàn chỉnh hơn. Ta và em là đang đi dưới bầu trời Antolia sắp có lũ lớn. Và đang nghĩ về các ông Noah và Utanapixtim, những kẻ sống sót sau cơn đại hồng thủy,

 

Những đám mây mưa là đang kéo về bầu trời Anatolia. Ta và em là đang đi trong sự báo động về một mùa lũ lớn. Nhưng chẳng dám nói ra là sẽ xảy ra lũ lớn. Cũng như chẳng dám nói ra là các bộ óc lớn của loài người đã thất bại thảm hại trong mưu toan điều chỉnh loài người. Bỡi đám nhân loại được các ông Noah và Utanapixtim gầy dựng lại   vẫn giống y đám nhân loại đã chết trong đại hồng thủy.

 

***

 

Bên kia sông Halys những giấc mơ.

 

Những giấc mơ cứ lập đi lập lại như ai đó cứ gỡ xuống dán lên bầu trời lịch sử bức tranh về nỗi băn khoăn của lũ phù du về sự vĩnh hằng và sự quyến rủ của quyền lực,

 

Ur, Eridu, hay Uruk, hay Lagooh, đều là những giấc mơ, những giấc của thời Mesopotamia son trẻ.   Giấc mơ của vua người Amorite   muốn biến thành những luật lệ vàng khắc lên đá, ta, Hammurabi, ta là sự thật, Nineveh, Nimrud trên bờ sông Tigris và Mari trên thượng nguồn Euphrate là của ta, Mesopotamia là của ta, những lời   vua Hammurabi rắn như đá vẫn vang lên nơi thành cổ Babylon và tắt hẳn vào một ngày có người chiến binh Mursili I của đất nước Hitite vượt qua sông Halys tiến về miền Mesopotamia son trẻ,

 

Nhưng Mursili I là một giấc mơ khác. Giấc mơ của kẻ vừa mới bước ra từ niềm cảm hứng sáng tạo. Người ta nói khi thứ kim loại có tên là sắt được con người lấy lên khỏi mặt đất thì loài   người đã bước sang một thời khác. Thời văn minh sắt. Mursili I là người của   văn minh sắt. Vì vua trẻ của vương quốc Hitite với đoàn quân có chiến xa   bánh sắt và những vũ khí bằng sắt đã vượt sông Halys san bằng các thành trì ở Mesopotamia. Và cứ tưởng vương quốc được gầy dựng bằng sắt của mình là còn mãi nơi mặt đất. Nhưng tro than đã phủ lên niềm vinh quang chiến thắng khi một vương quốc khác, vương quốc Phrygia nổi lên ở bên bờ sông Halys,

 

Và Lydia lại là một giấc mơ khác. Croesus, vị vua cuối cùng của nước Lydia giàu có đến mức những nghìn năm sau tên của vua   vẫn là thứ thành ngữ để chỉ cho sự giàu có. “Một khi ngươi vượt sông Halys là ngươi hủy diệt một quốc gia hùng mạnh”.   Nhà tiên tri ở đền Delphi nói khi Croesus sửa soạn đi đánh nước Ba Tư ở phía   bên kia sông Halys. Và cuối cùng thì Cyrus II, vua nước Ba Tư, đã tiêu diệt nước Lydia, bỡi Croesus đã hiểu khác đi lời nhà tiên tri ở đền Delphi,

 

Ở Anatolia, sông Meander chảy vào Mediterranean, biển Giữa, còn sông Halys chảy vào biển Đen. Ta và em là đang đi trên bờ sông Halys. Những nghìn năm qua con sông Halys vẫn chảy vào biển Đen. Và như ai đó cứ gỡ xuống dán lên bầu trời lịch sử bức tranh về sự quyến rủ của quyền lực,

 

Cuộc hành trình của ta và em như mang thêm màu sắc bi tráng khi dừng chân nơi   bờ sông Halys định mệnh.   Buổi trưa, tự phía trời cao thẳm như   đang lần lượt đổ ập xuống dòng nước đang trôi những hình thù của nghìn năm sông núi. Ta thì như đang nhìn thấy những thành quách nhìn thấy những ngai vàng cùng những áo mũ cân đai rơi rụng. Nhưng em bảo đấy chỉ là những mộng mị của con người làm bằng những vật thể có những tên gọi mơ hồ như ánh lửa ma trơi của những đêm trăng sao chết chóc,

 

Cuộc hành trình của ta và em như thêm phần bi tráng khi dừng chân nơi bờ sông Halys định mệnh. Những nghìn năm qua con sông Halys vẫn như một thứ ranh giới mong manh giữa tồn tại và không tồn tại.

 

***

 

Vào những tháng năm con người vừa bước ra khỏi sự mông muội, cuộc thể nghiệm vĩ đại nhất của tồn tại là đã diễn ra bên bờ Mediterranean, biển Giữa,

 

Buổi chiều dừng chân nơi dấu tích thành Troa bên bờ Mediterradian, biển Giữa, ta và em cứ nghe như đang vang lên tiếng hát của những kẻ hát rong thời Odysseus và Iliat,

 

Ca lên đi, hãy bắt đầu bằng cơn thịnh nộ của con trai nữ thần Thetis và Peleus, vua của quốc đảo Aegina. Homeros (Homer), người khởi xướng cuộc thể nghiệm của tồn tại là đang xướng lên bài ca về cuộc thể nghiệm,

 

Hãy bắt đầu đi những cuộc tình và những cuộc chiến. Các vị thần trên núi Olympus, kẻ tạo ra   những giấc mơ ngu xuẩn cho loài người là đang phủ lên mặt đất trần thế những ảo ảnh khôn cùng,

 

Homeros (Homer), người khởi xướng cuộc thể nghiệm, như đang nằm dài ra trước tòa lâu đài thi ca nhân loại mà hát, những khúc hát dường không bao giờ cũ,

 

Hỡi nàng Helen, chuyện tày đình xảy ra là do trái tim quyến rủ của em, hay là do sự   ngu si đa cảm của những chàng trai ngu si đa cảm, những nghìn năm qua con người nơi mặt đất vẫn đi tìm lời giải đáp, có quả thật là vẻ đẹp của em đã gây nên những cơn giận dữ,

 

Hay cơn giận dữ   thành Troa cũng chỉ là cái cớ để những kẻ hoang tưởng nơi mặt đất hoang tưởng thõa mãn lòng tham muốn vô bờ bến của mình,

 

Helen của Spart và Parix của Troa. Hay nữ hoàng của biển Aegean và vị vua trẻ dưới bầu trời Anatolia. Hay cuộc tình đã lỡ buột nói ra của nhà thơ nhà chép sử Homeros (Homer), cuộc tình dẫn đến những bất trắc khôn lường nơi mặt đất,

 

Buổi chiều dừng chân nơi dấu tích thành Troa, ta và em nghe thấy có tiếng gì như tiếng thở dài vọng lại tự những nghìn năm trước,

 

Chẳng thể nào sửa lại được những gì xảy ra ngày ấy. Khi Homeros (Homer), kẻ đề xuất cuộc tình, chẳng thể dẫn dắt cuộc tình mình đề xuất, và khi nữ hoàng Helen đã rời   Spart để lên giường nằm với vị vua trẻ thành Troa, thì lũ chim có thể bắt đầu thay đổi những lời ngợi ca, lũ ong hút mật có thể bắt đầu thay đổi cách đi tìm hoa, con người có thể bắt đầu thay đổi cách nhìn thế giới, và các vị thần trên núi Olympus có thể bắt đầu thay đổi cách nhìn loài giống con người, có nghĩa, cái không thể trở thành có thể,

 

Không còn là niềm hận thù của ông hoàng thành Spart đối với vị vua trẻ thành Troa, hay là niềm hận thù của Menelaus đối với Parix, mà bỗng trở thành mối hận thù giữa các quốc gia Spart và Troa, bỗng trở thành cuộc chiến có tính cách toàn thế giới, Spart bỗng kéo theo cả   Agamenon vua của Mycene, kéo theo cả Odysseus vua của Ithaca, kéo theo cả Achille vua của Aegina, kéo theo cả các vị thần trên núi Olympus, cái không thể đã trở thành có thể,

 

Và đánh nhau bằng cả chân tay, bằng cả gươm đao, bằng cả phép màu, chia phe mà đánh, con người chia phe nhau, các vị thần chia phe nhau, bầu trời Anatolia   như nơi thể nghiệm một cuộc chiến chưa hề diễn ra trong cuộc tồn tại, cái không thể đã trở thành có thể,

 

Và không có gì là không   xảy ra dưới bầu trời Anatolia. Niềm hoan lạc. Cái chết. Nỗi sợ hãi. Cơn giận dữ. Những tráo trở, lừa lọc. Con người tráo trở, lừa lọc. Các vị thần tráo trở, lừa lọc. Các ông vua nơi mặt đất hoang mang. Các vị thần trên núi Olympus hoang mang. Zeus, thần của các thần, đã khóc.   Apollon, Aphrodite, Hera, Athena, Hadet, Podeiong,   các vị thần dưới trướng của Zeus, cũng khóc,

 

Và những con người ưu tú nhất nơi mặt đất đã lần lượt ngã xuống. Hector, và Patrocloc, và Achille, và Parix, và các anh em của Parix, những đứa con trai của Priam vua của thành Troa. Hằng vạn trai trẻ đã lần lượt ngã xuống trong suốt mười năm binh đao. Những cái chết nơi mặt đất đã khiến cho Hadet, thần cai quản thế giới của chết, cũng cảm thấy hoảng hốt,

 

Buổi chiều dừng chân nơi dấu tích thành Troa, ta và em đã nhìn thấy vua Priam khóc con,   và vua Agamenon ngỡ ngàng trước sự phản bội của người vợ thân yêu. Sau mười năm của cuộc tình và cuộc chiến, người ta đã nhìn thấy những giọt nước mắt và những nỗi đắng cay trên gương mặt con người,

 

Vậy thì tồn tại là thuộc về tình yêu hay chiến tranh. Buổi chiều dừng chân nơi dấu tích thành Troa, em đã buột nói ra lời ấy,

 

Ta nói dường như   Homeros (Homer) đã cố tình để cho vua thành Troa và vua Mycene khóc thay mình. Dường như nhà thơ vĩ đại của chúng ta đã nhìn thấy trước sự thất bại của mình trong cuộc thể nghiệm tồn tại.

 

***

 

Đêm Anatolia như có   ai đó gác mắt lên bầu trời sao nhìn về phía ta và em. Ta nói là Zeus, thần của các vị thần. Nhưng em bảo không phải Zeus, mà là con trai Zeus, thần Apollon,

 

Trên đường đến cội nguồn trí khôn của con người, lũ các người đã nhìn thấy trong những tro than nơi mặt đất có cả xác của khôn ngoan minh triết,

 

Lời thần Apollon như lời chào thân thiết.

 

 

 

CHƯƠNG NĂM
NHỮNG NGỌN GIÓ NỔI LÊN TỪ BIỂN AEGEAN

 

Nếu có ai đó tìm kiếm từ cuộc sống tốt đẹp
một cái gì vượt quá chính nó 
thì đó không phải
là cuộc sống tốt đẹp mà anh ta đang tìm kiếm.
PLOTINUS 

 

Và trong chuyến du hành không định hướng
ta đã trải qua những khoảnh khắc diệu kỳ 

 

bài hoang ca của những nhà lập pháp

ta theo những người đánh cá tư mư là để cho biết vùng biển nổi tiếng về loài cá có cái tên rất gợi ấy

nhưng nửa chừng thì lũ cướp biển đã cướp hết cá

rồi đẩy thuyền và những người trên thuyền cá vào hòn đảo ấy

 

 

là khách tị nạn thì bọn các người phải rõ luật lệ của hòn đảo

các nhà soạn luật nói

ở hòn đảo ấy
các nhà lập pháp đương soạn thảo bộ luật đương đại cho hòn đảo

 

 

lũ chim cánh cụt hóa ra lại là chuyện hàng đầu của bộ luật đương bàn thảo

chúng nó còn thì nền văn minh của hòn đảo còn

và ngược lại

đấy là nền tảng của điều khoản đầu tiên của bộ luật

cả thảy là một trăm lẻ tám nhà lập pháp

ta thấy một trăm lẻ tám bàn tay đưa cao lên trong gian phòng trang nghiêm và sang trọng

 

buổi trưa

bọn họ muốn hết thảy những người tị nạn cùng ăn trưa với bọn họ ở cái tửu quán dành cho các nhà lập pháp

nhưng những người cùng gặp nạn với ta đã lẩn xuống thuyền cá của mình ở bến nước

 

lũ cướp biển là đang ẩn nấp ở trên đảo

xin các ngài hãy đem luật pháp ra trừng trị bọn chúng

dường như người chỉ huy đám lính giữ gìn hòn đảo đã chạy bổ vào chỗ những nhà làm luật

gào lên

 

là đương bàn thảo về các điều khoản về lũ chim cánh cụt

chưa đến lượt bọn cướp biển

hãy chờ

các nhà soạn luật nói

 

 

người chỉ huy đám lính giữ gìn hòn đảo vừa ra thì đám người ăn xin từ con thuyền rách nát của bọn họ bước lên đảo, ùa vào tửu quán

xin các ngài thương tình bố thí cho

đám người ăn xin nói

 

luật là của dân

chứ chẳng phải của bố thí

nhưng là đương soạn thảo

hãy chờ

các nhà soạn luật nói

 

đám ăn xin vẫn cứ ngửa tay ra bảo là   bọn họ đi xin thức ăn

chứ chẳng phải đi xin luật pháp

 

 

dường đám nữ hộ vệ các nhà soạn luật biết là các vị đang bực tức

đã từ hậu sảnh ùa ra hát

 

em là   con chim cánh cụt ở trên đảo

những con chim cánh cụt mắc kẹt trong vòng tay các ngài lập pháp

hãy ôm cho thật chặt con chim cánh cụt biết nói

hãy ôm em

 

đám nữ hộ vệ các nhà lập pháp vừa hát vừa lắc lư những mông vú

còn ta thì cứ trông xuống bến nước của đảo

trong khi ta đang nghĩ về những người cùng gặp nạn với ta

nhà soạn luật ấy đã vỗ vào vai ta bảo

hãy nhảy nhót một chút cho vui

 

em là con chim cánh cụt của nhà lập pháp

để tỏ vẻ sự lịch sự của một người tị nạn ta cũng mấp máy môi làm như hát

trong lúc các nhà lập pháp ôm những con chim cánh cụt của bọn họ nhảy như điên

 

những ngọn gió giận dữ

rồi những người ăn xin đã kéo xuống con thuyền rách nát của bọn họ

hãy rời khỏi hòn đảo của lũ đĩ điếm của chữ nghĩa

khi bọn họ đã vào hết trong thuyền thì gào lên

vừa đẩy thuyền ra khơi

vừa gào lên

ta nghe như trong những ngọn gió thổi lại từ biển Aegea có lời giận dữ của những nền văn minh xưa cũ

 

 

là chúng nó đang phá nát những gì chúng ta gầy dựng được

những giọt nước mắt của những vị thần bất tử và không bất tử đã được mô tả tỉ mỉ trong những cuốn cổ thư được viết giữa những giờ phút sắp tận diệt của loài giống

những thành trì của vẻ đẹp được dựng lên vào những đêm không trăng sao

những con đường băng qua thù hận và tàn bạo

là được làm ra tự những tháng năm con người còn mò mẫm trong đêm dài man rợ

là chúng đang phá nát hết

cái bọn đĩ điếm của chữ nghĩa và bọn nô lệ của bọn đĩ điếm chữ nghĩa là đang phá nát hết những gì chúng ta gầy dựng được

 

ta nghe như những nền văn minh xưa cũ là đang giận dữ bảo nhau

và từ phía đảo Crete

cái nôi của một nền văn minh đã tắt

như đang vọng lại tiếng gầm của một con thú hoang nào đó

 

đêm cuối cùng ở vùng biển của lũ đĩ điếm của chữ nghĩa

ta đã rơi vào giấc mơ lạ

những người đánh cá cùng ngủ với ta trên con thuyền cá gặp nạn đã gọi ta giữa lúc ta đương gào thét

ta đã nói dối rằng mình chẳng nhớ gì hết khi bọn họ hỏi ta đã mơ thấy những gì

thật ra thì ta đã nhìn thấy con Monotaur

con vật huyền thoại đã làm tàn lụi   văn minh Crete

đã mò đến con thuyền cá gặp nạn

 

những ngọn gió mang mùi biển mặn

những thứ đã tắt vào một ngày mùa thu nào đó những nghìn năm trước như đang lên tiếng trong ta, 

 

này, bạn của ta có nghe thấy tiếng chân của người anh hùng đi chân đất nơi ngọn đèo có các vị thần tình ái ngồi chờ thế giới mang lại cho mình những trái tim biết thốt ra niềm trắc ẩn, các vị thần chỉ uống thứ ánh sáng buổi tinh mơ và chờ, còn người anh hùng thì vội vã vượt qua ngọn đèo heo hút đi làm sứ mệnh của kẻ ghi vào pho sử nhân loại đang được chép dở về trận đánh sau cùng, bạn của ta có nghe thấy mùi ô liu và mùi mực viết, chúng chẳng là gì   trong thế giới của những sự vật, nhưng cái sau là đã tạo ra được bảng danh mục dài về các vị thần, chủ nhân của những vườn cây ăn quả luôn tỏa bóng lên những ước muốn trinh nguyên, chủ nhân của những đền đài, nơi phổ biến những bí mật của số phận và làm ra những cuộc hoán đổi long trời giữa chân lý và sai lầm, những biểu tượng về lời và những hình nêm được kẽ lên những phiến đất đá, các vị tiền nhiệm của mùi chữ viết, là mùi ô liu khỏa ra từ hơi thở nguyên sơ của các vị thần của buổi nguyên sơ, bạn của ta có nghe thấy thứ tiếng nói mang hình thù của những hoài bảo cháy bỏng, ai đã đi trên bờ những con sông lớn nơi mặt đất và thốt ra những hoài bão cháy bỏng, làm sao để   một người có thể sống và chết với người khác, làm sao để   một người cùng lúc là vị thần trên cao và kẻ trần thế, làm sao để cho một người là mọi người, một cách thực sự một người là mọi người, chứ chẳng phải là lời lẽ của bọn đĩ điếm của chữ nghĩa, những hoài bão dường như chẳng có kết thúc,

 

những thứ đã tắt dường như cứ lên tiếng trong ta, chẳng chịu thôi, và ta nghe như trong những ngọn gió mang mùi biển mặn có tiếng ai đó thốt lên,

 

bạn của ta, kẻ muốn nhìn tận mặt gương mặt thế kỷ, hãy chớ hoài công vô ích

 

ta đã trải qua những khoảnh khắc nhiễu nhương

lão tư tế ở đền Parthenon nói với đám con cháu dân Hellene rằng ông chẳng còn đủ sức phụng tự các vị thần

nhưng ta thấy đám dân tứ xứ đang kéo đến đồi Acropolic

xin nói cho chúng tôi biết chừng nào thì lịch sử của mỗi dân tộc được viết bằng thứ ngôn ngữ mới

sự lặng lẽ tỏa ra từ ngôi đền biểu trưng của thông tuệ như sự từ chối khéo léo của các vị thần tiên tri

 

 

trong khoảng lặng lẽ bất chợt ta đã nhìn thấy những con rắn đen vội vã bò ra khỏi nóc đền Parthenon

chính mắt ta đã nhìn thấy những con rắn đen bò ra từ nóc đền Parthenon

nhưng giữa lúc ta chưa kịp tri hô cho mọi người biết có rắn thì chẳng còn trông thấy chúng

những thằng mặt đen là đang chen vào đám dân tứ xứ

và ta

kẻ muốn nhìn tận mặt gương mặt thế kỷ cũng phải gọi lũ chúng nó cái lũ rắn bò ra từ nóc đền Parthenon ấy là những thằng mặt đen

và cũng chỉ trong khoảnh khắc ta đã nhìn thấy những thằng mặt đen có mặt khắp mọi nơi

những thằng mặt đen đang ngồi trong các dinh cơ các ngài trưởng xứ đang nghênh ngang trong các cuộc lật đổ các thế lực đen tối và   đang hát những bài ngợi ca về sự thật và ngợi ca thế giới

 

xin nói cho chúng tôi biết đến bao giờ thì sự thật không còn bị che dấu bỡi sự tàn bạo và giả dối

đám dân tứ xứ lại ùa vào đền Parthenon

 

lũ ngươi có nhìn thấy không

ta đã già rồi

các vị thần tiên tri cũng già rồi

giờ thì ta không còn đủ sức phụng tự các vị thần

còn các vị thần thì sau những nghìn năm mệt mỏi giờ cũng không còn đủ sức để nói ra những bí mật của số phận

 

các vị thần tiên tri đã nói qua giọng điệu mệt mỏi của lão tư tế đền Parthenon

hay sự nhiễu nhương của thế kỷ đã làm cho các vị thần ở đền Parthenon bối rối

 

ta lại nhớ mùi tóc em

và vào những đêm nghe mùi hoa trái thoảng lại từ những khu vườn ven bờ Mediterranean, biển Giữa, ta lại nhớ đến mùi tóc em, thứ hương thơm ta nghe thấy mỗi lần em vục đầu vào niềm háo hức trong ta, thứ hương thơm hình thành từ những ngọn gió đầu mùa có mang theo mùi đất vỡ trên đồng làng, hình thành từ những đợi chờ, con người là luôn đợi chờ những thứ chưa bao giờ trông thấy, thứ hương thơm hình thành từ những hoài vọng về một ngày có ánh nắng mặt trời không còn bị khuất lấp trong tham muốn của thế giới tăm tối, cái thế giới có tên vật chất tối con người vẫn muốn nhìn tận mặt, thứ hương thơm hình thành từ những ký ức tro than của loài giống, người mẹ mang thai mà cứ nhớ đến cái ngày tổ tiên con người bước ra từ những tro tàn năm tháng, niềm hoài nghi là cứ lớn dần cùng với đứa con trong bụng người mẹ, niềm hoài nghi về một thế giới bất trắc, lịch sử loài giống là lịch sử của bất trắc, phải rồi, vào những đêm nghe mùi hoa trái thoảng lại từ những khu vườn mọc lên từ những nghìn năm trước ven bờ Mediterranean Sea, biển Giữa, ta lại nhớ mùi tóc em, thứ hương thơm cứ khiến ta nghĩ đến những bất trắc                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                 

Sapho…Sapho

Trăng lặn
để lộ chòm sao khuya
thời khắc cứ trôi
và em vẫn chỏng chơ một mình…

 

 

Sapho Sapho
chỉ nhớ tên người nữ sĩ tài hoa đảo Lesbos là người ta có thể nhìn thấy một thời,

 

Dường   người đưa tin đã rời khỏi Crete để nói cho loài người trên mặt đất biết   sự hủy diệt là nằm trong nguồn cảm hứng của tồn tại

cơn mưa đổ giữa sáng mùa xuân làm rơi vỡ lá rừng mới nhú trong đêm

và lũ phù du lăn ra chết trong khi vui đón cơn gió mới

nhưng ở Crete không phải gió mưa

mà là những ý nghĩ man rợ kết tụ lại thành sức tàn phá,

 

Crete vẫn hằng trong trí nhớ   nghìn năm

dường người đưa tin đã rời khỏi Crete để nói cho loài người trên mặt đất biết

trong trí nhớ của Crete vẫn còn nguyên những vườn nho

những cô gái hái nho

những con thuyền mang dáng vóc hòn đảo xinh đẹp đến tận miền viễn tây của biển Giữa

trong trí nhớ Crete

vẫn còn nguyên những lời ngợi ca của các vị thần về những người con của Crete đã làm nên những kỳ tích

vẫn còn nguyên gương mặt vua Minoan rạng ngời giữa thứ ánh sáng có tên văn minh Minoan,

 

dường người đưa tin đã rời khỏi Crete để nói cho hết thảy loài người trên mặt đất biết con quái vật mitauno là sinh ra từ   văn minh minoan, chỉ trong chốc lát con qúai vật mitauno đã phá nát minoan.

 

***

 

Chàng vẫn đến và vẫn làm như thế
còn em vẫn đang đợi
mong dịu đi khát vọng
từng nung nấu trái tim em

 

 

Sapho…Sapho
chỉ nhớ đến tên Sapho của đảo Lesbos là người ta đã có thể nhìn thấy một thời,

 

Dường người đưa tin đã rời khỏi Athens để nói cho loài người trên mặt đất biết nền dân chủ đã được thiết lập ở đó, những người tự do của xứ sở Athens đã tụ tập ở Acropolis, mười hôm lại tụ tập một lần, Acropolis những ngàn năm qua vẫn như dấu vết của niềm mơ ước lớn lao nhất của con người, hỡi những công dân thành Athens, đây là thời các bạn làm chủ đất nước, là thời demokratia, thời dân chủ, niềm mơ ước dường như lần đầu tiên được nói ra thành lời, những lời kỳ diệu dường như là lần đầu tiên được nói ra từ cửa miệng của Cleisthenes, nhà trị nước tài hoa của đất nước Athens,

 

Nhưng chúng em là nữ công dân, không phải là nam công dân của Athens, nên chúng em chẳng thể hội họp ở Acropolis, nhưng chúng   em là nữ nô lệ được mang về Athens từ cuộc chiến ấy, là nữ nô lệ nên chúng em chẳng thể hội họp, ở Athenes nô lệ thì nhiều hơn tự do, và nữ công dân cũng đông bằng nam công dân, cho nên ở Athens dân chủ chỉ mới có một nửa,

 

Dường người đưa tin đã ra khỏi Athens để nói cho cả loài người trên mặt đất biết, cả thời Cleisthenes, lẫn thời Pericles, đều là những thời demokratia, nhưng sau đó, những kẻ kế vị các vị đó, có khi là một ông vua, có khi là cùng lúc ba bốn ông vua, chính những kẻ kế vị các vị đó đã phá bỏ nền dân chủ một nửa ở Athens,

 

Và những ngàn năm sau đó, hết thảy những kẻ trị nước của hết thảy những đất nước trên mặt đất đều hết lời ngợi ca Cleisthene, ngợi ca Pericles, các bạn là chủ chính mình và chủ đất nước mình, những lời   ấy là luôn nằm trên môi những kẻ trị nước, và quyền làm chủ của người dân đất nước là cũng nằm trên   môi bọn họ, những ngàn năm qua, và có lẽ mãi mãi những ngàn năm sau, dân chủ chỉ là giấc mộng nửa chừng của loài giống con người,

 

***

 

Và hối hả đắm say tiếng em cười
điều đó làm nhức nhối ngực em, rộn rã trái tim em
nếu liều lĩnh đưa mắt nhìn
em chẳng thể thốt nên lời

 

 

Sapho Sapho
chỉ nhớ đến những vần thơ của Sapho là người ta có thể nhìn thấy một thời,

 

Dường người đưa tin đã ra khỏi Sparta để nói cho toàn thể loài người trên mặt đất biết ở Sparta hết thảy lũ con trai lên tám phải vào lính, ở Sparta, một phần đất nhỏ của Hy Lạp cổ xưa, cuộc đời chiến binh của một người con trai bắt đầu từ tuổi lên tám và chấm dứt vào tuổi sáu mươi, có nghĩa, đàn ông ở Sparta đồng nghĩa với lính chiến, bỡi các ông chủ ở Sparta luôn phải có lính chiến để đi đánh chiếm nước người và đàn áp lũ người bị trị,

 

Ở Sparta, các ông chủ của đất nước luôn muốn cho đám dân của mình chỉ lẩn quẩn nơi đất nước có núi non bao bọc, và chỉ nhìn thấy những đồng tiền bằng sắt lưu hành giữa thứ chủ nghĩa biệt lập,

 

Dường người đưa tin đã ra khỏi Sparta để nói cho loài người trên mặt đất biết một thứ chủ nghĩa toàn trị, một thứ cách thức cai trị khát máu là đã có mặt nơi mặt đất này từ những ngàn năm trước,

 

***

 

Lưỡi em dính chặt trong miệng khô khốc
làn lửa mỏng lan tỏa dưới da em
đôi mắt em không thể thấy, và đôi tai nhức nhối
gào thét trong các mê cung 

 

Sapho Sapho
chỉ thốt lên mấy tiếng Sapho là người ta có thể nhớ đến một thời,

 

Dường người đưa tin đã rời khỏi đất nước Hy Lạp để nói cho loài người trên mặt đất biết đoàn quân viễn chinh của Darius, vua của đại đế chế Ba Tư, đã bị đánh bại ở Atica, một ngôi làng phía bắc Athens của nước Hy Lạp cổ đại, vào năm 490 trước công nguyên, chỉ chín mươi hai chiến binh Athens ngã xuống đã làm tổn thất hơn sáu nghìn quân hiếu chiến Ba Tư, một chiến binh Athens, có tên Eucles, đã chạy suốt ngày đêm về Athens, anh em ơi, chúng ta vui rồi…, anh gào lên, và gục xuống chết, anh đã gục xuống để cho ngôi làng ven biển ấy và cuộc chơi điền kinh của người Hy Lạp cổ đại có tên là Marathon,

 

Và mười năm sau, Xerxes, con trai Darius, đem sáu chục ngàn quân Ba Tư đánh bại quân Hy Lạp ở đèo Thermopylae, nhưng bằng những dòng mộ bia khắc trên đá, một thi sĩ Hy Lạp đã làm cho ba trăm quân Sparta trở nên bất tử, hỡi người khách lạ, hãy cho dân Sparta biết rằng chúng tôi đã yên nghỉ ở nơi này…, lời thơ bi tráng hay là ngọn gió đã làm nảy sinh nơi mặt đất thứ vật thể   có tên chủ nghĩa anh hùng, chủ nghĩa dân tộc,

 

***

 

Mồ hôi lạnh trườn xuống châu thân
em run rẩy, em xanh xao hơn lá cỏ
em không sống cũng không chết mà thét gào
giữa khoảng mênh mông của hai ta…

 

 

Sapho là cuộc hòa trộn giữa Crete và Mycenae

giữa Aegean và Anatolia

là tiếng nói của đất đai

là nỗi cô độc ngự trên biển cả,

 

 

Nhưng cuộc tương tàn giữa Athens và Sparta, cuộc nội chiến Peloponnesia đã làm mất đi những vẻ vang của một đất nước từng chiến thắng đại đế chế Ba Tư, để cho Alexandre, con trai vua Philip của nước láng giềng Macedonia, làm nên cuộc lấn chiếm, Hy Lạp không còn là của người Hellene, Hy Lạp sau nội chiến Peloponnesia là của Alexandre của nước Macedonia, nhưng kỳ diệu thay, cuộc tương tàn đẫm máu của người Hy Lạp lại làm nảy sinh những ngọn gió Hy Lạp kỳ diệu, mà trước đó, và mãi mãi mãi sau đó, có lẽ là thế, chẳng bao giờ có nữa,

 

 

Và Aeschylus người đã khám phá công lý trong những cuộc giết người đẫm máu, và Sophocles thao thức về việc con người trần gian là tuân theo luật lệ các vị thần hay là luật lệ con người, và Euripide cố nhìn ra những cách thức tồn tại trước những nỗi khủng khiếp của thế giới, và tiếng cười của Aristophanes vẫn không làm giảm chút nào những bi kịch của loài giống con người, và Herodotus cố chứng minh rằng một cuộc chiến lớn có thể là sự đụng độ giữa hai nền văn hóa khác nhau, nhà chép sử tài hoa ấy luôn tự hỏi vì sao các biến cố lịch sử lại cứ xảy ra, và Thucydides cả đời đi tìm câu trả lời cho câu hỏi vì sao lại xảy ra các cuộc chiến, và Thales, và Anaximander, và Anaximender của Miletus là cố nhìn cho ra gương mặt ban đầu của trời đất, và Heraclitus với con đường đi lên cũng là con đường đi xuống, và Parmenide với lời nói suốt đời không đổi, tất cả là một, và Socrate phải đem cái chết để đổi lấy công lý, và Platon, kẻ mang con người trần gian lên thượng giới, và Aristote, kẻ đem con người trở lại trần gian,

 

Những cuộc thẩm tra thế giới, những thăm dò các giai đoạn hiện hữu của con người, những thể nghiệm của trí tuệ …tựa những ngọn gió kỳ diệu nổi lên từ biển Aegean,

 

Là nửa đảo, là đảo, hay là quần đảo, ai bước đi trên những đất đai kỳ diệu ấy nếu không phải những vị thần của trí tuệ, những ngọn gió trí tuệ nổi lên từ những nơi chốn có tên là Minoan của Crete, là Mycenae của Athens, là Miletus của Anatolia…, những ngàn năm qua vẫn cứ thổi vào chốn trần gian thống khổ, khiến cho những kẻ trần gian khốn khổ luôn biết mình là đương đi tới chỗ ánh sáng hay là đương đi tới bóng tối, luôn biết mình là đang hạnh phúc hay đang khổ đau.

 (*) Những chữ viết xiêng là thơ Sapho

 

 

 

CHƯƠNG KẾT
TỪ THẲM SÂU CỦA ĐẤT

 

Sau đó ta là đá trước mặt trời, đá và gương soi
Rồi sau đó, từ hoang mạc và từ những đống đổ nát
ra đời biển và trên biển, bầu trời đêm,
tảng đá mông lung những con chữ mòn:
các vì sao chẳng khải thị ta một điều gì.
OCTAVIO PAZ(*)

(*) Bản dịch của Nguyễn Trung Đức

 

 

Và hồn phách ta vẫn cứ mở toang ra
đất trời bốn phía
minh triết cuộn giữa phù du
ai đi ở phía bên kia
dường như là đương thét vào lũ mặt đen

 

trong thứ ánh sáng của ngôi sao đã tắt

đêm hôm qua ta thức dậy
giữa thứ ánh sáng của những ngôi sao đã tắt
đêm vẫn là đêm
và dường như đang trổi lên đâu đó
tiếng kêu cứu của những loài sinh vật sắp tuyệt chủng
thì cũng chẳng sao
bởi hết thảy mọi sinh linh trên mặt đất rồi cũng có ngày vụt tắt như những ngôi sao trên bầu trời

trong thứ ánh sáng không phải ánh sáng
ta đã nhìn thấy một quá khứ phồn tạp
nhũng nhẵng
phiêu diêu
tiếng con người lẫn giữa tiếng hùa nhau của đám côn trùng chẳng rõ tên tuổi
những người còn sống thì tưởng là chưa sống
những người đã chết vẫn tưởng là chưa chết
không phải tưởng là mà cho là những luật lệ của quá khứ
cũng chóng tàn như những loài hoa nở vào mùa giông bão

dường có ai đó đang thốt lên những lời chi đó
không phải là vọng lại từ bầu trời
ta cố lắng nghe
thì những lời kia là phát ra từ đám cổ thư nơi giá sách
trong thứ ánh sáng của những ngôi sao đã tắt
ta nhìn thấy các bậc tổ tiên của ta
đang ngập ngừng bước trên những trang cổ thư chằng chịt những chữ nghĩa
dường các vị có vẻ bối rối trước đám chữ nghĩa của đám người hậu thế

 

trên con đường du hành qua miền đất chôn nhau cắt rốn của mình

trên con đường du hành qua miền đất chôn nhau cắt rốn của mình
ta chẳng bao giờ cô độc

xin chào
những người ta gặp bao giờ cũng cất cao lời chào thân thiện
có kẻ đi chân đất
đang lùa bò qua phía bên kia đồng lúa trổ
có kẻ đang cai quản lũ cừu mẹ và lũ cừu con
xin chào
trông thấy ta
người chăn cừu cất cao lời chào
còn lũ cừu thì hết thảy ngẩng mõm lên
là chúng đang nói theo cách của chúng
nhưng ta thì ta cho là chúng đang nói về ta

 

vào một ngày
mặt trời mặt trăng vẫn xoay như cũ
ta đã gặp kẻ tự xưng là đến từ đầu kia của lịch sử

xin chào
ta và các loài cây hiển hoa cùng lúc có mặt ở trần gian này
giọng kẻ ấy tựa thứ âm vang xưa cũ

có nghĩa
các loài hoa đã hun đúc nên sự cao cả của tổ tiên con nguời
ta nói

nhưng không phải hoa chỉ để nuôi dưỡng con người
kẻ ấy nói

đang trò chuyện
ta bỗng thấy kẻ ấy mình đầy máu me

đừng sợ
ta và bọn chúng vừa mới giao chiến xong
giọng kẻ ấy như có vẻ mới hơn lúc trước


có nghĩa là chiến tranh bộ tộc đã xảy ra
ta nói

phải
nhưng chẳng phải chỉ xảy một lần

đang trò chuyện
bỗng kẻ ấy bắt đầu hát như những kẻ hát rong thời hậu quá khứ

thời gian làm ra ta
và ta thì đang hát về nó
lúc vui ta làm ra một vì vua

lúc buồn thì làm ra những loài chim rừng biết hót  

 

và em đã khóc vào một ngày có ánh mặt trời như đang cũ đi

cuộc giết chóc kỳ lạ nhất thế kỷ đang diễn ra ở đầu kia mặt đất

máu và những lời giải thích về máu là được viết lên áo những kẻ xấu số

em lạc vào thế kỷ

tóc rối tung trong âm hưởng những giọng nói có hình thù những ngọn lao của đám thợ săn thời tiền sử

 

hoang dại gương mặt đầy máu của đất

em khóc vào một ngày có ánh mặt trời như đang cũ đi

và gió thì đang chuyển cho hậu thế những lời giải thích về máu

lũ côn trùng sau khi đọc trên  áo những kẻ đã chết đã gào lên

lạnh buốt những bài ca

em khóc vào một ngày lũ côn trùng gào lên những giải mã tiếng nói con người

những ẩn ý mang hình thù những bữa tiệc đầu người là được lôi ra khỏi những lời lẽ hoa mỹ

những mưu mô hèn hạ của kẻ thích làm chủ mặt đất là được phanh phui trước mặt muôn loài

 

em khóc vào một ngày

sau khi giải mã những giọng nói có hình thù những ngọn lao của

đám thợ săn thời tiền sử

lũ côn trùng đã im tiếng để tặng em sự lặng lẽ tinh khiết của đất.

 

và bây giờ thì trong những bài ca của đất

thưa các vị là ai
ta hỏi
nhưng những người trở lại từ những trăm năm trước bảo ta hãy im
để nghe một điệp khúc về mùa thu
bấy giờ thì trong những bài ca của đất
dường có lời từ chối sự vĩnh hằng

bầu trời mùa thu
cùng những tích tụ hương thơm các cuộc triển nở của các vì sao
chẳng phải dành riêng cho đất hay sao
một con dế trong đám dế đang làm cuộc phiêu lưu hỏi

lại vang lên những khúc ca có lẫn những hạt bụi
chảy cả những dòng sông
chảy cả những trang cổ thư chép về những dòng sông
nghìn thu nhỏ hơn chớp mắt
ai gọi đò ở phía bên kia

hát về mùa thu mà sao như hát về cuộc tồn tại
một con dế khác trong đám dế đang làm cuộc phiêu lưu hỏi

lại vang lên những khúc ca có lẫn những âm tiết đen
bướm
hoa
với các cách thức
gãy
vỡ
rụng
gió xám ngắt phơi ngọn lá
và những giọt sương nhểu về tự những tháng năm cũ

làm sao mùa thu lại mang âm vang của chết
một con dế khác trong đám dế đang làm cuộc phiêu lưu hỏi

lại vang lên những khúc ca có lẫn tiếng cười của đất
a
máu
ta cưu mang muôn loài
cưu mang cả sự sống lẫn sự chết
và máu chỉ là những gì còn sót lại
sau khi chúng dùng đồng loại mình làm thức ăn . . .

 

nhưng các vị là ai
ta hỏi

những người trở lại từ những trăm năm trước bảo
khi nhắc lại điệp khúc mùa thu
thì thấy như mới làm ra hôm qua

 

ta vẫn nằm giữa thế kỷ man rợ để chờ cuộc chuyển giao của đất

ta đốt hồn trầm giữa màu tháng giêng tro bụi có lũ hát rong thời hậu quá khứ đang chen nhau vào các cuộc đỏ đen tràn lan mặt đất tiếng ca ngâm mang hình thù cuồng dại giữa màu tháng giêng tro bụi ta ném những chữ nghĩa hết thời vào thế kỷ man rợ và chờ em nếu không còn   nhận ra nhau giữa những huyễn hoặc của thế giới đương đại thì em hãy ném lên bầu trời trăng sao những dấu hiệu giản đơn thời mông muội còn sót lại nơi bước chân lũ hươu nai trên rừng và chờ ta

 

giữa màu tháng giêng tro bụi ta mở toang ký ức thâm u tựa chốn thâm cung bí sử thâm u quá khứ trườn đi giữa những phiên khúc phẫn nộ mặt đất như cứ mỗi lúc phải dãn ra dãn ra bên dưới những xô lấn ngu xuẩn giữa ký ức thâm u ta vẫn cứ thư thả bước đi bỡi vì đã có em ở đó hồn phách ta vẫn cứ mở toang ra đất trời bốn phía nghìn năm triệu năm trầm luân chẳng qua cũng chỉ là những thử thách đất trời muốn thử thách ta khi ta đã có em ở đó

 

ta vẫn nằm giữa thế kỷ man rợ để thay em nghe đất làm cuộc chuyển giao

 

Giã,
tháng 1 /2012
tháng 1/2017

Leave a Reply

Your email address will not be published.