Cuộc chiến chống lại sự lười nhác của tư duy

 

Carlo Zinelli [Mỹ, 1916 – 1974]

 

 

 

tôi lại phải ghi vào cuộc hành trình của mình một chút bụi, không phải bụi của hồng trần rộng lớn, mà chỉ là từ một góc đời chật hẹp của một gã thợ săn, ta muốn kể từ đây anh hãy gọi gã thợ săn này là hạt bụi không hề mệt mỏi, những lời sau cùng của kẻ thành thật cứ như thứ âm vang có thể làm đảo lộn mọi thứ lý thuyết mơ hồ trong các triết học cung đình, người ta cứ việc ngồi giữa chốn cao sang mà viết về thế giới, nhưng tôi thì thấy quá khó khăn để ghi lại những lời sau cùng của một kẻ sắp chết, anh đi lấy giùm cái tù và cho ta, giọng nói ông già Khảm đã yếu lắm [gả thợ săn ấy là ông già Khảm] tôi đi lấy chiếc tù và, và biết ông già ấy muốn nhìn lại lần cuối biểu tượng của một thứ uy lực [uy lực chứ không phải uy quyền] cái làm cho ông ấy suốt một quảng đời thật dài không hề biết mệt mỏi tôi gọi là cuộc chiến chống lại sự lười nhác của tư duy, anh biết không, ta chưa hề lùi bước, và đàn chó thân yêu của ta cũng thế, ông già Khảm nói, lấy áo lau mắt, đặt chiếc tù và lên ngực, tôi biết là ông đang làm một cuộc săn giả định trong những giờ phút sau cùng của một con người, lúc đầu ta chỉ có ý định luyện đám chó của ta thành những tay thợ săn giỏi, sáng ra, ta dẫn chúng ra vườn, mới đầu là tập đuổi lũ gà, mới đầu thì tiếng tù và chẳng là gì cả đối với sự hăng máu của lũ chó, vậy là ta phải dừng lại, vỗ về, ta trò chuyện với chúng, và thành thật nghĩ là chúng hiểu được những lời ta nói, cứ vậy, bây giờ thì tập đuổi lũ chuồn chuồn đang vờn ở trên cao, nghe tiếng tù và, chúng nhảy lên, rồi nghe tiếng tù và, chúng dừng lại, vậy là ta đã dạy được lũ chó, cà ngày lẫn đêm ta chỉ nghĩ mỗi việc là làm sao cho lũ chó hiểu được những lời ta nói ra, lần lần chuyện ấy đã trở thành sứ mệnh thiêng liêng trong đời một gã thợ săn, cho đến lúc đó ta đã loại hẳn ra khỏi ý nghĩ biến lũ chó thành những tay thợ săn giỏi, đã đến lúc ta dẫn chúng lên núi Nung, ta chỉ tay vào núi rừng nói, lũ thú rừng đang chờ các bạn ở đó, ta giảng cho lũ chúng nghe về đời sống của lũ thú trên rừng, và thành thật nghĩ là chúng hiểu được những lời của ta, rồi chẳng biết là chúng có hiểu lời ta hay không, sau khi nghe tiếng tù và của ta, hết thảy lũ chúng tuôn vào rừng, những bữa đầu bọn ta quay về tay không, rồi ta lại dẫn chúng lên núi Nung, trò chuyện với chúng, ta lại nói với chúng thật nhiều về cuộc sống của lũ chồn lũ thỏ ở trên rừng, không phải để chúng săn bắt cho thật nhiều, mà để tập cho chúng hiểu được tiếng người, hôm săn được con mang đầu tiên, ta nấu cháo để ta với lũ chó ăn chung, mâm thịt rừng được bày ra nơi khu vườn nhà ta, ta cùng với lũ chó ngồi trước những bát cháo thịt rừng thơm lựng, đây là chiến thắng của chúng ta, ta nhìn lũ chó thân yêu của ta nói với tư cách của một người bạn đồng hành, lũ chó bỗng đứng lên, lần đầu tiên lũ chó cùng đứng lên bằng hai chân, nhìn ta, chảy nước mắt, và rên ư ử, và vẫn chưa nói được tiếng người, rồi lần lượt rời khỏi bữa cháo thịt rừng, rời khỏi ta, tôi cũng không nghĩ là ông già Khảm kể đến đây thì chết, tôi nhặt chiếc tù va đang đặt nơi ngực ông, thổi một hơi dài, như thể để tiễn đưa linh hồn ông về cõi vĩnh hằng, cuối cùng thì người thợ săn lão luyện ở làng tôi cũng đã nói thật với tôi là cả đời ông đã cùng với lũ chó của ông học cách chờ đợi, ông chờ ngày lũ chó nói được tiếng người, có ảo ảnh nào lớn hơn không,

 

 

[trong cuộc hành trình ấy]