Có một thứ tuổi thơ như thế

Hans Krüsi [Thuy Si, 1920-1995 ]

 

thật  ra ông chỉ là một nhân vật truyền thuyết nhưng lại tác động lên tuổi thơ tôi một cách dữ dội như vậy, ăn cũng thấy ông Bảy Qui, ngủ cũng thấy ông Bảy Qui, cái nhân vật truyền thuyết có cuộc đời kỳ lạ ấy, về sau, khi tôi đã có vốn liếng kiến thức mới hiểu ra chỉ là một nhân vật văn chương, còn bấy giờ, mẹ tôi mà kể chuyện ông Bảy Qui, chỉ một đoạn nhỏ thôi, là tôi cũng có thể thức đến nửa thế kỷ để nghe…vào một hôm tối trời, lũ ma ở gò thổ mộ của làng tụ tập nhau định đi dọa đám trẻ nít trong làng thì ông Bảy Qui đã đứng lù lù trước chúng, hãy dẹp trò ma quỉ ấy đi, đã là ma quỉ thì lũ chúng bay cũng phải sống cho ra ma quỉ một chút chứ, ông hét, vậy là tôi bắt đầu chất vấn mẹ tôi đủ thứ, lũ ma ở gò thổ mộ của làng thì ăn gì, có cắn người như lũ chó hay không, ôi, đâu chỉ bấy nhiêu, tôi còn muốn biết cha mẹ chúng là ai, lũ chúng có ăn cơm uống nước như con người không, vân vân, chỉ bọn con nít tào lao xịt bọp mới không thấy mê ông Bảy Qui, còn những đứa đường hoàng đứng đắn đứa nào lại chẳng mê ông Bảy Qui, thú thật, bấy giờ có những chuyện lớn lao của ông Bảy Qui tôi chỉ hiểu một nửa, hay chẳng hiểu gì cả, nhưng vẫn cứ thấy mê, ví như chuyện ông Bảy Qui đánh chết thằng cha Khổng Lồ thì tôi thấy còn mù mờ lắm, thằng cha Khổng Lồ cao lớn gấp trăm lần ông Bảy Qui, vậy mà ông Bảy Qui chỉ thoi một cái lão đã ngã ra hộc máu chết, tại sao to lớn vậy mà còn đi trộm ổi chứ, lão cứ ung dung đứng bên những cây ổi trái  chín mọng trong các khu vườn trong làng mà ăn ngon lành vậy, rồi thích ơi là thích, những chuyện nho nhỏ vậy đó, hồi đó thì tôi cho là chuyện nhỏ, nhưng khi đã có vốn liếng kiến thức tôi đã hiểu ra đó là những mô hình văn chương rất tuyệt, ví như chuyện ông Bảy Qui hứa với lũ trẻ nít trong làng là lên rừng hái trái cám về cho lũ chúng, ông phải hái cho thật nhiều đó, lũ trẻ nít nói, tất nhiên rồi, ông phải hái thật nhiều trái cám về cho lũ cháu chứ, ông Bảy Qui nói, vậy mà, chiều ông trở về, không có trái cám rừng, chỉ là những trái duối đồng bằng, trái cám rừng to bằng quả trứng, còn trái duối chỉ bằng đầu ngón tay út, nhìn những trái duối nhỏ bé tí, lũ trẻ ôm bụng cười ngoác ngoẻo, ông Bảy Qui cũng cười ngoác ngỏeo, nói, ông biết mà, nếu là trái cám rừng chưa chắc lũ cháu đã vui như thế, tôi biết cái nội hàm văn chương là chỗ đó, con người ông Bảy Qui như theo tôi hiểu hồi đó là thật to lớn mà cũng thật nhỏ bé, tất nhiên là không thể nhỏ như con kiến được, có điều là tôi rất mê ông ấy, và tại sao mê thì tôi không biết, cứ nghe chuyện ông Bảy Qui là tôi thấy mê, đây, cứ xem cái cách tôi nghe mẹ tôi kể chuyện ông Bảy Qui thiến vua Phù Lỗ thì biết là tôi mê đến bực nào…bấy giờ thì vua Phù Lỗ cứ tưởng đem một nghìn binh lính là tiêu diệt được làng Cù, thật ra, ông Bảy Qui chỉ huơ cây đao một cái là cả trăm binh lính của vua Phù Lỗ ngã chết, thua, vua Phù Lỗ mang tàn quân chạy về đất bắc, ông Bảy Qui một mình đuổi theo quan quân Phù Lỗ cho đến tận kinh đô nước ấy, vào tận cung vua, chỉ vào mặt vua Phù Lỗ, nói: ngài là giống người man rợ, nên ngài không được quyền sinh con cái dây dưa giống loài xâm lược, nói xong lời ấy, ông Bảy Qui đè vua Phù Lỗ xuống, hoạn…mẹ tôi kể đến chỗ ông Bảy Qui thiến vua Phù Lỗ thì bắt đầu lên hơi [tức, ngủ] , tôi thì cứ nằm trằn trọc, không tài nào ngủ được, bấy giờ tôi đâu biết hoạn là gì, trời đất ơi,  tôi cứ thấy mê cái cách ông Bảy Qui đè vua Phù Lỗ xuống mà hoạn, nhưng hoạn là gì kia chứ, cứ thế, cái tra vấn ấy nó dày vò tôi, cứ muốn vực mẹ dậy để hỏi, nhưng tôi không dám, tới khi lũ gà trong làng gáy lần đầu, mẹ tôi mới thức giấc, tôi hỏi liền: chuyện ông Bảy Qui hoạn vua Phù Lỗ có thật không mẹ, chắc là mẹ tôi biết tôi vì chuyện thiến vua ấy mà không ngủ được, song bà vẫn cứ vờ như chẳng biết có chuyện gì xảy ra, nói, thiệt chứ sao không thiệt,