Đã đăng Ở miền đất ấy [1][2][3][4][5]
6/ Không gì bù đắp nổi sự hụt hẩng trong tôi, ngoài việc đi tìm Liêu. Một ngày nắng gió. Tôi đến lâm trường Núi Đưng là để gặp bà Mãng hỏi thử có quả Liêu đã đến đó trước khi có mưa lớn hay không. Nhưng chưa kịp gặp bà ấy, ông Lâm giám đốc lâm trường đã kéo tôi vào phòng ông. Làm sao cho cây gió thành trầm thì đến đời tôi mới nghĩ ra được. Ông rót trà mời tôi, và nói, vẻ rất phấn khích. Tôi chẳng buồn hỏi là đến đời ông thì nghĩ ra được cái gì. Vì tôi đến lâm trường cốt để gặp bà Mãng chứ không phải để trò chuyện với ông. Tôi cũng không biết chuyện ông tổ bảy đời của ông, chuyện tìm trầm đó là có thật, hay do ông phịa ra để cái chức giám đốc lâm trường của ông được coi như là sự thừa kế sự nghiệp một bậc tổ phụ đã sống chết với núi rừng. Ông tổ bảy đời của ông Lâm là ông Trầm. Vì tìm được trầm cho vua, nên được vua ban cho tên ấy. Chẳng ai biết đó là triều đại nào. Chỉ nghe kể rằng nhà vua sai ông ấy lên núi tìm của quí. Ông cứ ngược theo hướng gió có hương thơm mà đi. Cho đến hôm gặp được cây đại thụ có vết thương nơi gốc, hương thơm phát ra từ đấy. Mất tháng trời ông mới hạ được cây đại thụ. Sau khi đẽo bỏ hết lớp gỗ vỏ thì thấy lộ ra một khối lõi màu xám, ngào ngạt hương. Đem một mảnh nhỏ lõi thơm thả xuống nước thì nặng chìm. Nếu đây là của quí, xin đất trời cho kẻ này đem về đến nhà. Thầm khấn xong, ông ngồi lên khối lõi thơm để nghĩ cách chuyển về. Bỗng khối gỗ nhấc lên khỏi mặt đất. Ông Trầm chỉ còn biết nhắm mắt để chờ chết. Nhưng lát sau thì cả người lẫn gỗ đã ở trước mặt vua. Đó là vật chi? Vua hỏi. Ông Trầm cứ theo những gì mình đã biết để nói với vua đấy là trầm hương. Lập tức có người ở phương bắc mang vàng đến để đổi. Vua bỗng trở nên giàu có Còn ông Trầm, sau khi được vua ban cho tên ấy, lại lên núi, và biệt tích. Ông cố và ông nội tôi có lấy được trầm không, chẳng rõ, nhưng đều chết trên rừng, còn cha tôi thì chỉ lấy được thứ cây gió làm nhang thơm, tới đời tôi mới nghĩ được cách lấy trầm mà không lên núi. Ông Lâm nói. Và dắt tôi ra khu ươm cây. Lấy trầm mà không lên núi, là sao, thì quả tình lúc ấy tôi cũng chẳng để tâm chi lời ấy. Lâm trường Núi Đưng nằm dọc theo con suối Dang, nơi suối này gần giáp với suối Cái. Ở khu ươm ươn có đủ các giống cây rừng. Bạch đàn, dầu, keo lá tràm, thông ba lá. Là cây gió con đấy. Ông Lâm chỉ vào chiếc giỏ đựng những cây con, cao khoảng gang tay, bảo đấy là cây gió con. Tôi cứ nghĩ ông ấy lại sắp tung ra một truyền thuyết nữa về các bậc cha ông mình, nên vội cáo biệt, nói là mình phải đi gặp bà Mãng nấu cơm cho công nhân để hỏi thăm chút việc. Về xuôi rồi, mới sáng ra bà ấy đã xin phép tôi để về xuôi thăm con. Ông Lâm nói. Và lấy một cây gió con từ trong giỏ ra, bắt đầu thuyết cho tôi nghe về loài cây đó. Hóa ra là cả tháng trời vừa rồi ông cùng đám môn đệ của mình rời lâm trường núi Đưng, lặn lội tận vùng rừng núi giáp ranh nước Lào để sưu tầm những cây gió con. Một trăm năm, hay lâu hơn nữa, cây gió mới thành trầm, nhưng là phải có thương tích thì mới thành trầm, nhưng anh cũng biết, cây trên rừng là những quần thể có thể bị gãy đổ hết sau một một biến cố nào đó của thiên nhiên, mà cũng có thể trường tồn muôn đời, bằng chứng là ngày nay vẫn còn những khu rừng nguyên thủy. Không phải là ông Lâm muốn thuyết cho tôi nghe triết lý về sự tồn tại. Nhưng phải bắt đầu từ triết lý đó mới có thể dẫn dắt tôi vào khu rừng nguyên thủy, nơi ông tổ bảy đời của ông đã cỡi trầm gặp vua. Nhưng cô Liêu đâu chẳng đi với anh? Tới lúc đó ông Lâm mới để ý việc tôi xuất hiện ở lâm trường mà không có Liêu, việc tôi đi đâu thì cũng có Liêu cùng đi đã trở thành đã trở thành sư kiện bình thường đối với những người ở núi Đưng. Khi nghe tôi nói Liêu đã mất tích trong cơn lũ vừa rồi, vị giám đốc lâm cứ đứng ngới ra. Số kiếp cô gái ấy sao mà ngắn ngủi thế. Ông Lâm kêu, buông tiếng thở dài. Cái truyền thuyết mới về trầm đã bị bỏ dở ở chỗ vừa ra khỏi khu rừng nguyên thủy, vì ông Lâm bảo là phải cùng tôi sang làng Riềng chia buồn cùng ông bà Dên. Nhưng ra tới đầu lâm trường ông đã dừng lại, đứng ngắm nghía đám rừng cây con đang lên xanh ở trước mặt. Cho đến đời tôi mới nghĩ ra, là đem cây gió về trồng ở đồng bằng, rồi mỗi ngày khắc thêm cho vết thương của nó sâu thêm một chút, cho đến một ngày thì gió sẽ thành trầm, mà trầm là đổi bằng vàng, nếu cả nước trồng gió, thì đất nước ta sẽ trở thành đất nước giàu có. Ông Lâm nói, có vẻ rất hào hứng . Tôi giật mình nghĩ đến chuyện ông tổ bảy đời của ông Lâm. Khắc cây chờ trầm, thì có giống với cỡi trầm gặp vua không?