sau big bang [tám]


Đã đăng:
[một] [hai] [ba] [bốn] [năm] [sáu]  [bảy]

 

 

Tám 

vạn vật trong trời đất vốn hết thảy hình

thành từ cát bụi

nó là thứ bụi bặm phát ra từ các cuộc vui chơi

của đám sao trời

mà dẫu là tám vạn cuộc vui chơi lãng tử của

sao trời cũng là từ bể nước mắt của mẹ sơ

nguyên

sau tiếng thét kinh động càn khôn thì nước

mắt mẹ sơ nguyên chảy thành bể khổ đau

nhưng lại là chốn sản sinh

muôn vạn hình hài

chẳng phải ta lạm bàn chuyện càn khôn

mà chỉ muốn nói chính thứ tiếng thét

kinh động  của buổi hồng hoang

lại là đêm trước của những cái chết

sẽ mãi diễn ra trong cuộc càn khôn

 

 

[…] đảo quốc phi lu sa, năm thứ 14 tỉ lẻ 1099 triệu sau big bang,

vào một ngày thuộc thuở mù tăm, từ cõi hỗn mang dường như  bất tận  bỗng nổi lên cơn  ái ân kỳ diệu giữa những dáng hình như có đấy mà không có đấy vừa mới hình thành giữa cõi trống không vô bờ bến, là sáng với tối, là lặng lẽ với ồn ào, là một nhưng chẳng phải một, một cuộc kết tập hoành tráng vừa lỏng lẻo vừa bền chặt một cách huy hoàng tráng lệ giữa cõi sắc không  mà mãi những nghìn triệu năm sau những dấu tích của cuộc dâu biển đa tình  vẫn còn để lại trên mặt đất trần gian, phi lu sa đảo quốc là một trong những dấu tích ấy,

 

 

[…] đảo quốc phi lu sa, năm thứ 14 tỉ lẻ 1099 triệu  sau big bang,

cũng có thể hồi ấy lục địa nguyên thủy pangiera vỡ ra, và một cuộc trôi dạt kỳ lạ đã diễn ra suốt những nghìn triệu năm, các cổ thư đều nói nếu như ngày  ấy chẳng có chuyện vỡ ra của đất đai nguyên thủy thì chẳng có đảo quốc phi lu sa,

 

 

[…] đảo quốc phi lu sa, năm thứ 14 tỉ lẻ 1099 triệu sau big bang,

các cổ thư đều chép, thuở mới lập quốc trên đất phi lu sa có  loài chim có tên là chim biết trước, mãi những ngàn năm sau bao nhiêu sách vở bàn về nó, có sách nói chim biết trước là sứ giả của thứ định mệnh trôi giạt, có nghĩa, loài chim đó mỗi lần cất tiếng kêu thì sẽ có điều long đong nào đó sẽ xảy ra trên đảo quốc phi lu sa, có nghĩa là loài chim đó khi chẳng có gì xảy ra thì chẳng bao giờ nghe thấy tiếng kêu của nó, nhưng có sách bảo đấy chẳng phải loài chim như những loài chim khác trong trời đất, mà là một thứ dấu tích của tồn tại, sự có mặt của chim như một thứ biểu hiện của sắc không, có nghĩa, về loài chim báo trước thì chưa ai nhìn thấy, có nghĩa, chẳng thấy chim mà chỉ thấy sách nói về chim,

 

 

[…] đảo quốc phi lu sa, năm thứ 14 tỉ lẻ 1099 triệu sau big bang,

phi lu sa là cái bến dừng chân của các cuộc chuyển quân chiếm đất, từ đầu này đến đầu kia của đảo quốc đi mất một trăm ngày bằng đường thuyền, đi mất ba trăm ngày bằng đường bộ, nói là bằng đường bộ, nhưng thật sự là phải bằng cả bộ lẫn thuyền, bỡi phi lu ra là quần đảo, có những cuộc chuyển quân người ta chỉ lướt qua một bận đủ để thu nhặt những thứ người ta muốn, rồi chuyển đến  nơi khác, như thế gọi là cuộc đổ bộ chớp nhoáng, nhưng có những cuộc chuyển quân người ta lại dừng lại trên đảo quốc hằng thế kỷ, chờ cho đến khi cái giống dân mang trong mình thứ định mệnh trôi dạt cùng đứng lên đánh đuổi kẻ chiếm đóng, thì người ta mới chịu chuyển đến nơi khác, cái giống dân mang trong mình thứ định mệnh trôi dạt ấy vốn  hiền lành chất phác, nhưng rốt cuộc cũng đã học được  cách áp bức trong những lần bị chiếm đóng, có nghĩa, cái anh dân phi lu sa nào lên nắm quyền trị dân thì đều biết cách áp bức, có người đã thử tính, trong lịch sử của đảo quốc phi lu sa, ở trên đầu  mỗi anh dân ngu khu đen  phi lu sa có đến ba vạn sáu nghìn tầng áp bức,

 

 

phụ lục,

sách kì khu thế sự có chép bài luận đàm của họ thức trong buổi luận đàm thế sự của các danh sĩ đất chước của đảo quốc phi lu sa,

 

đêm trước của cái chết,

vào một ngày thu ngài tổng trị đất chước đến gặp ta

“ông là họ thức danh sĩ cả nước phi lu sa đều biết tiếng ông có biết ta còn cai trị đất chước  này trong bao lâu nữa không?”

ta nói mình chỉ là kẻ bình thường như bao nhiêu người bình thường ở đất chước thì làm sao dám bàn việc nước

sau khi gặp ta mấy hôm

cũng vào một ngày thu

một con rít to lớn từ trên núi mù ong chạy xuống cắn chết ngài tổng trị đất chước rồi  nuốt vào bụng

có kẻ trông thấy khi con rít trở về đến núi mù ong thì hóa thành tiếng gió gào

chẳng lẽ đêm trước của cái chết ngài tổng trị đất chước lại nhìn thấy ai đấy làm chuyện lạ đời là đi xóa bóng đêm

vạn vật trong trời đất vốn hết thảy hình thành từ cát bụi

nó là thứ bụi bặm phát ra từ các cuộc vui chơi của đám sao trời

mà dẫu là tám vạn cuộc vui chơi lãng tử của sao trời cũng là từ bể nước mắt của mẹ sơ nguyên

sau tiếng thét kinh động càn khôn thì nước mắt mẹ sơ nguyên chảy thành bể khổ đau

nhưng lại là chốn sản sinh muôn vạn hình hài

chẳng phải là ta lạm bàn chuyện càn khôn

mà chỉ muốn nói chính thứ tiếng thét

kinh động  của buổi hồng hoang

lại là đêm trước của những cái chết

sẽ mãi diễn ra trong cuộc càn khôn

đêm trước của cái chết của lá

là bầu trời mùa thu lắng trong ánh mắt êm đềm của kẻ ta yêu

chẳng lẽ nhân gian lại chẳng hay biết gì về đêm trước của cái chết của lá hay sao?

đêm trước của cái chết của loài phù du

là đèn hoa dạ hội của những kẻ quyền quí thích thắp bóng đêm lên để nhảy múa

chẳng lẽ nhân gian lại chẳng biết góc đất trời sáng chói đèn hoa dạ hội lại là mồ chôn của đám sinh linh thích bóng đêm được thắp sáng lên hay sao?

đêm trước của cái chết của một ngày mùa thu

là cuộc di quân của mây trời là khí giận của núi sông tích tụ từ nung đốt của nắng hè là sự chuyển lưu của nước từ cõi sáng trong sang chốn u buồn

chẳng lẽ  nhân gian lại chẳng biết là chỉ cần nghe một tiếng sấm nhỏ thôi

một tiếng sấm nhỏ phát ra vào một ngày thu êm ả là biết có cái chết sẽ xảy ra?

nhưng còn đêm trước của cái chết của một triều đại thì sao?

 

 

lời chú,

có người đến nói với họ thức rằng đọc “đêm trước của cái chết” đến trăm bận mà chẳng hiểu, tác giả bài luận đàm thế sự cười, bảo, ta phải nghiền nát cả óc não ra mới nghĩ được nó, nên giờ thì các người cũng phải bỏ ra hơi sức mới hiểu được nó, đấy cũng là lẽ công bằng thôi, kẻ ấy quay về đọc lại bài ấy đến trăm bận vẫn chẳng hiểu, tức đến ói máu mà chết,

Leave a Reply

Your email address will not be published.