Từ phía bên kia của tiếng

tranh Philippe Marchand/ Mỹ

 

 

cứ mỗi lần nhìn mẹ tôi thắp hương bàn thờ khấn vái cha tôi và nước mắt ràn rụa thì tôi lại thấy thứ màu ảm đạm ấy phủ xuống nghĩ ngợi của tôi, tôi biết nó là những khoảnh úa héo của thời gian còn sót lại, những tia nắng chiều thoi thóp trên những đỉnh núi trong dãy núi phía nam làng, hay cái cách vỗ cánh buồn bực của đám chim trời trên bầu trời đồng làng  trước khi quay về núi, chiều xuống thì xảy không biết bao bi thiết của tồn tại, tiếng nấc của con thằn lằn nơi kẹt cửa như cách níu kéo vô vọng của đám con cháu của một loài giống sắp tuyệt chủng, chiều xuống thì vang lên đâu đó, thường là ở phía cuối làng, những âm thanh mơ hồ, huyền hoặc, thứ âm vang thôn dã như cứ dài ra những u mặc của cuộc đời: phần cuối  của tiếng gọi cháu của bà, hoặc cũng có thể là tiếng thở dài của cây lá, hóa ra cái ngôi làng tôi sinh ra và lớn lên ở đó đã mang lại cho tôi nỗi buồn nhiều hơn niềm vui, nhưng không sao, vì tôi đã có mẹ tôi, con chim có đôi cánh lớn luôn mang anh em tôi bay qua những bầu trời rộng lớn, và vì tôi đã có cha tôi, ở cha tôi là thứ triết học về tự nhiên, con chích chòe sở dĩ  gần gụi con người hơn con chim cắt bỡi vì con chim cắt luôn muốn cướp đi của cải của con người trong khi con chích chòe thì tha thiết con người nghe tiếng nói của loài giống mình, buổi sớm mai con chích chòe đậu nơi bờ giếng  chỉ kêu mấy tiếng chích chích, nhưng đấy là thứ nguyện vọng vĩ đại về sự hợp nhất giữa các loài trong trời đất, cha tôi giảng, cha tôi sinh tôi ra, rồi kiêm luôn làm thầy dạy  của tôi, và làm bạn chí thiết của tôi, cha tôi nói có một cuốn sách lớn tôi phải luôn đọc là thế giới, đấy là một bản vẽ to lớn, sầm uất, và chằng chịtt những phạm trù khởi nghiệp và rã nghiệp, một công trình sáng tạo đáng kính và đáng hận, bỡi ở đó sản sinh ra cả vàng lẫn rác rưởi, ông nói, và kể cho tôi nghe phác thảo của ông về cách trầm bỗng trong âm vang trời đất, cụ thể là trong tiếng dế, chiều hôm ấy tôi đi chụm rượu với cha tôi, và nghe ông nói về cách thức làm cho tiếng dế trở nên hoàn hảo, nó, tiếng dế ấy hồn nhiên đến độ làm cho con người phải luôn cúi đầu bái phục, đông hay hè, cứ nghe tiếng dế là liền thấy cái bằng chứng về cuộc sinh tồn, thảnh thót, và minh bạch, lúc nào cũng thảnh thót và minh bạch, nhưng  chỗ chưa tới của tiếng dế là mùa thu nghe dế kêu chẳng thấy buồn, và mùa xuân nghe dế kêu không thấy vui, bỡi vì tri thức của loài giống ấy chưa đạt tới chỗ nhận ra những gương mặt  của tồn tại, cha tôi nói với tôi,  rằng, vào một ngày mùa xuân nào đó,  khi nghe tiếng dế cất lên, ông sẽ đọc bảng tường trình của con người về sự bình đẳng tri thức giữa các loài, ta sẽ nói to lên giữa bọn dế: phải bình đẳng tri thức giữa các loài, ông nói, và mới tờ mờ sáng hôm sau cha tôi đã gọi tôi, thằng Đàn dậy đi, cha con tôi ra ngồi ở hiên hè trong mùi cỏ và mùi sương  sớm, trong đêm lũ dế đã kéo đến trong giấc ngủ của ta, dường như hết thảy loài dế trên mặt đất đều kéo đến trước ta: loài người các người thì biết chi về loài giống bọn ta mà nói, chúng cứ gào lên, giận dữ, cha tôi nói, và thở dài, giờ đây cha tôi không còn nữa để cùng tôi thất bại trong những mưu toan làm thay đổi thế giới,