TRONG CUỘC HÀNH TRÌNH ẤY

ồ, đám người kiêu hãnh đang ngã chết hàng loạt dưới lá cỏ

 

 

những bước chân có vẻ mệt mỏi, nhưng không hề có dấu hiệu gì là sẽ dừng lại, hay sẽ quay lại, cuộc hành trình của chúng tôi như thể cuộc đánh cược với thế giới, cuộc đánh cược với tỉ số như cuộc chiêm bao, hoặc  nhìn thấy được  điều chúng tôi muốn nhìn thấy, hoặc  trắng tay theo nghĩa chẳng nhìn thấy gì cả, rồi là đêm huyền thoại, huyền thoại về/ của một cuộc tình làm cho náo động cả một chuỗi ngày dài dằng dặc [thế giới bỗng như buổi chợ phiên/người đi ngất ngưởng câu thơ cổ…]  cái thời khắc kỳ tuyệt ấy đã chêm vào hiểu biết tôi thứ tri thức mang tính khải huyền [hay khải thị nhỉ]  việc tôi và người con gái của dáng vẻ vô biên thất lạc nhau vào đêm hôm ấy đã làm bùng vỡ trong tôi cách nhìn khác về thế giới: quả quyết, và đầy ắp hoài bão, đừng  nói gì cả, em, chính là trong giấc mơ ấy tôi đã gào lên với nàng như thế, ở trong mơ tôi nhìn thấy bọn người lường gạt của thế kỷ đã thuyết giảng cho tôi và nàng nghe về tự do và hạnh phúc, rằng, các bạn đang ủng hộ chúng tôi, mọi người đang ủng hộ chúng tôi, cả thế giới đang ủng hộ chúng tôi, ca ngợi đường hướng của chúng tôi [thứ luận điệu lường gạt vô sỉ] rằng chúng tôi chỉ mang lại an vui và thịnh vượng cho thế giới, văn minh đương đại muôn năm, các xứ sở muôn năm, bọn lường gạt của thế kỷ gào lên [bọn họ vẫn gào lên thế trong mọi cuộc thuyết giảng của bọn họ] giữa chốn rừng khuya, lũ chim thức dậy, rừng cây thức dậy, cả trong đêm, giữa giấc ngủ cũa muôn loài cũng có sự hiện diện của bọn lường gạt của thế kỷ, nàng đã ngồi bật dậy, tôi cũng ngồi bật dậy, nơi bờ suối, giữa rừng đêm, lũ các người chớ đem những lời lẽ  trặc trìa  làm dơ bẩn núi rừng, tôi cứ thầm thét lên thế, và ôm chặc nàng vào lòng tôi vì sợ nàng không kiềm được tức giận lại hét lên làm lở dở cuộc hành trình của chúng tôi, người con gái của dáng vẻ vô biên như thể nghe thấy hết những nghĩ ngợi của tôi, cứ nằm lặng lẽ trong vòng tay tôi, và tôi lại tiếp tục gào lên trong nghĩ ngợi, mặc kệ chúng, em chớ nghĩ ngợi gì cả, chớ nói gì cả, và như thể lũ người lường gạt của thế kỷ biết chẳng chinh phục được chúng tôi, bọn họ lại phun những lời  ma mị vào chúng tôi, rồi bỏ đi, tôi nghe nàng vuột khỏi tôi, dạt xuống lòng suối, tôi và người con gái của dáng vẻ vô biên đã thất lạc nhau vào đêm hôm ấy,

 

tôi đi, thế giới ở trước mặt, thế giới ở sau lưng, ngổn ngang những nắng, gió, những cuộc tạo núi sông, những cơn địa chấn, ngổn ngang những buồn vui của đám chim trời trong những kế sách trú ngụ, ngổn ngang những vinh quang, tủi nhục, những triều đại, thời đại, những học thuyết, học thuật, những văn hóa văn minh của con người trong cuộc mưu toan làm chủ thế giới, ngổn ngang các thứ tên gọi của hết thảy những thứ sự vật  hiện có đã có và sẽ có, hết thảy chúng đã làm nên những đường biên chân lý, sai lầm, đã làm nên những huy hoàng và đổ nát, lầm than, một chiều không nắng nào đó cứ ngồi ngẫm lại sẽ thấy thế giới là một cuộc chìm đắm, rất sâu, thỉnh thoảng lại nghe thấy có tiếng kêu cứu của ai đó,

 

hay thế giới là chuyến đi dài của tôi, chuyến đi tôi cứ có cảm tưởng không bao giờ đến được nơi tôi muốn đến, cứ thấy có gì như sự thúc giục và  tra hỏi trong nghĩ ngợi, sắp xảy chuyện gì chăng, tôi không biết, và thử dừng chân ở một khúc sử có ai đó đã ghi chú ở bên lề: đây là một ngày thật sự bình yên cho những người đã chết, tôi đang cố cắt nghĩa những lời ghi chú  bí ẩn đó thì có ai đó, giọng nói rất quen, dường đang ẩn mình đằng sau thứ biến cố sử văn gọi là cuộc lật đổ,

nếu bạn muốn chiêm ngưỡng thì cứ mở những trang sử ấy ra,

tôi nghe thấy giọng nói thân quen ấy cất lên, và, nơi trang sử có nhiều vết máu đã hiện ra thứ thi ca như tiếng trở mình của đá,

‘‘đằng sau vẻ đẹp của buổi  sớm tinh sương là luôn nghe thấy  những âm vang hèn mọn như những mưu đồ đen tối trong đêm còn để lại, a, là  lũ bụi đường xa muốn che khuất  đường đi của lữ khách, người vừa  mới vốc vốc nước trên con mương đầu làng để đem đến cho người tình đang chờ mình ở miền nắng cháy, đêm là phúng dụ tuyệt vời về những mưu toan đen tối của thế giới, người đi từ mặt đất bao giờ cũng thủ sẵn trong ý thức mình về một tai họa nào đó’’…

những cảnh báo cho kẻ này chăng,

tôi nói,

không phải, cho hết thảy những ai đang trong cuộc hành trình của mình, bỡi sau những cuộc lật đổ  thì thường là những tình cảnh không vui, người ấy nói, vẫn cố dấu mình đằng sau thứ biến cố sử văn gọi là cuộc lật đổ, tôi buồn bã gấp lại những trang sử có nhiều vết máu, đứng nhìn trời một chặp, rồi đi về phía có nhiều tiếng dế,

 

VÀ NHỮNG BƯỚC CHÂN LỮ THỨ,

 

hay là tôi đã lạc vào một cách nhìn khác về thế giới, cứ thấy hiện ra những cảnh trí tăm tối, lầm than, ai vừa mới sang sông áo quần còn ướt đẫm mùi rêu và mùi hoa dược mộc, loài hoa vùi thân trong nước, con sông, đường biên của sự thật, bên này là lỉnh khỉnh những thúng mủng, gióng gánh, cuộc áo cơm của những người cùng khổ, và bên kia là áo gấm vung vãi đầy đường, cuộc áo mũ ngựa xe của đám người quyền thế, bao nhiêu lời nguyền rủa và nước mắt nhân gian  dồn hết về con nước trên sông ngầu đục những câu chữ, về cảnh lênh đênh của đám lục bình mùa lũ, về cách soi bóng của những đám mây lang thang không bờ bến, về câu chuyện đám lưỡng cư ngày nào bỏ nước lên cạn, thời gian như chiếc cối xay định mệnh cuối cùng đã nghiền nát đến cả thứ hoài bão nhỏ nhất của loài giáp xác, và về những ngọn gió thổi qua bầu trời, hay cái cách gõ nhịp buồn bã của mùa thu, tôi thường bắt đầu một cuộc thi ca bằng cách giả định một cuộc tình và gào lên: em hãy chờ tôi ở cuối cuộc tuần hoàn,  

 

tôi hăm hở cột ngựa ở ven đường, và đằng phía cuộc chơi, những trống, phách, những cờ hoa, những lời chúc tụng, mùa thu đã phái đến đó các loài hoa sắp tàn, lũ bướm mệt mỏi, và gương mặt nhàu nát của những năm tháng dày đặc nổi buồn, và những khúc sử đầy xác chết và nỗi hàm oan, đám ca công đã trải qua những năm tháng đã quá cũ , ca hát, và ca hát, giờ đây cứ rũ xuống như thể lũ chim sắp chết, bọn họ tụm năm tụm bảy bài bạc, làm tình, hay uống rượu và nguyển rủa các thứ thể chế chính trị cả đời bọn họ đã ra sức phụng vụ… em/hãy nằm xuống đây để cùng ta uống hết cuộc trầm luân/ cho đất lở trời lở/ cho sử lịch rã ra/ tình yêu  đôi ta là bão lũ/là sấm giông…tôi hơi lảo đảo khi bước đi giữa những câu thơ tình ái, có hơi thấy buồn vì không nghĩ cuộc chơi lại có nhiều điều vượt quá sức tưởng tượng của mình,  bầu trời mùa thu như đang đổ xuống những khúc trắng tay, chẳng biết khi nào thì cuộc chơi kết thúc, thưa cụ, tôi hỏi thử một ông lão đang nhặt những cánh hoa tàn cho vào túi hành trang của mình, đó là lúc chân tay anh khô lại như củi trên rừng, ông lão nói, và vác túi hoa tàn ra đi,  

 

mùa thu, cứ như những khúc trắng tay, vẫn những nhịp điệu cũ kỹ ấy, ở trên rừng, lá úa, rụng, và các nhà thơ lại viết về cái chết của mùa, tôi cầm chắc thời gian vẫn giữ những ý đồ xưa nay, đi nói thật với các loài hoa, rằng, chỉ là hoa khi còn hương sắc, và lũ bướm chi thích hoa còn hương sắc, hay đi nói thật với lũ chim về cách bay lượn hay cách hót sao cho có thể tồn tại trong trời đất, nhưng vẫn cứ để cho những thiên niên kỷ trôi qua, các triều đại cứ lần lữa sụp đổ, cứ để cho tham vọng con người như bí mật nghìn đời lung lạc con người, mùa thu là  cái cớ cho chúng ta nghĩ ngợi về cuộc tiến công và cái chết của những người mù,

 

trong cuộc hành trình ấy, mùa thu cứ như chốn dừng chân, tôi ngồi lại nơi bờ con sông quê, tiếng thu trong tiếng kêu của lũ chim khiếu nơi bầu trời chiều nghe rất buồn, có con thuyền đang lướt đi về phía thượng nguồn của sông, trên thuyền đầy ắp những ông  bà già, những đàn ông, phụ nữ  và những em bé, xin chào mọi người, bọn ta đi đây, người chèo thuyền bỗng vẫy tay chào chúng tôi,  những người đang chờ đò sang sông, tôi không thể không giật mình kinh sợ bỡi ông cụ ấy đã rỉ tai tôi: ‘‘chèo thuyền  là một người mù đó, anh biết không’’, tôi cứ sợ, một ngày nào đó, chúng tôi không phải người mù nhưng lại phải dắt díu nhau qua một khúc sử không vui,

 

những thịt xương còn nguyên hay đã rã ra trong đất đều là những vật thể được tạo ra bỡi những ưu tư dai dẳng của tạo tác,

 

vào một ngày của buổi nguyên sơ
chưa có chuyện những ngọn gió thổi ngang qua bầu trời
chưa có chuyện  các vị thần quyến rủ lũ chim muông trên rừng
bỗng vang lên những trần tình về một cuộc cơ cấu
thế giới
nỗi cuồng nhiệt của buổi ban đầu như một ngọn lửa
cứ cháy suốt
bạn
hay là tôi
cho đến khi thịt xương rã ra trong đất
mãi mãi là ngọn lửa,

 

lần này là lũ chim trời đứng lên từ một thế giới có cả những ngọn gió ngang qua bầu trời, có cả những giống loài biết tư duy và không biết tư duy, này, loài người các người có thấy gì không, lũ chim rống lên, tôi đã nhìn thấy có cả các vị thần sinh ra từ sự nông nổi, có cả các miền trời không nhìn thấy đâu là bờ bến, và có ai đó đang đứng lên bên kia bến bờ giả định của cuộc sống thốt ra những lời như thể là kẻ qui định nụ cười trẻ thơ, hay lời than khóc của những người chết, ồ, một thuở kinh sách tung bay giữa những ngọn gió hoang đường, rồi đến lượt con người giả làm các vị thần bay lượn trên các thứ dấu tích, lịch sử là các thứ dấu tích, tôi đã nhìn thấy các vị giả thần vừa ăn vừa đọc kinh điển vừa nói ra những lời to tát như thể đang cầm nắm trong tay vận mệnh của nhân loại, đã đủ lầm than thống khổ hay chưa khi thế giới đầy rẫy những thứ như thế … nhưng tiếng hót của chim vẫn là niềm thao thức triền miên về những sự thật đã bị dấu kỹ,

 

đọc thêm:
Hãy đến , hãy đến [đó] ! Bây giờ là lúc để cho con tàu đi về nơi hợp dòng vĩ đại đó/ Nơi dòng sông thương yêu gặp biển cả tôn kính/Trong màu xanh trong ngần ấy [là] hết thảy sức nặng của những lòng chảo lầy lội và sự thất thoát [sự bặt dạng] của nó/Bây giờ tôi chẳng sợ gì cả–không phải [sợ] chính tôi, cũng không phải [sợ] ai khác/Tôi đã vượt qua ngọn lửa/ Những gì dể cháy đã thành tro than, những gì còn lại là sự bất diệt/ Tôi đã dâng hiến chính tôi cho bước đi của bạn, kẻ sẽ nhận lấy toàn bộ tội lỗi của tôi vào nơi thẳm sâu của nỗi đau riêng của mình/Come, come! Now is the time to set sail towards that great confluence, where the river of love meets the sea of worship/ In that pure blue all the weight of its muddiness sinks and disappears/I now fear nothing—neither myself, nor anybody else/ I have passed through fire/ What was inflammable has been burnt to ashes; what is left is deathless. I have dedicated myself to the feet of him, who has received all my sin into the depths of his own pain [Rabindranath Tagore/The Home and the world/Chaptrer XXIII/Nhà và Thế Giới /Chương 23]

 

và khi tôi đi đến làng Nhúc thì mọi thứ ở đây như đang rối tung lên, những giá trị bấy lâu về các sự vật như đang bị đảo lộn, những người khách đã tự xưng là ở phía mặt trời mọc được cử đến đây giúp cho dân làng học về các cách cày ruộng, về các lễ nghi, về những cách thức để trở thành con người siêu việt, khi nghe lũ chim cu than thở trên các bờ tre làng vì thiếu bạn tình, bọn khách bảo đó là niềm vui của lũ chim khi đã nhận ra ý nghĩa của cuộc sống, chim là loài có trái tim nơi tiếng hót, bọn khách nói, và khuyên dân làng ngày ngày phải hướng về phía mặt trời để học sự nhiệt tình của tự nhiên, phải làm sao cho đến cuối cùng các bạn đều là những tia nắng ban mai, hãy học cách của mặt trời, bọn khách bảo, vào một hôm, đứa trai út nghịch ngợm của ngài trưởng làng đã rình xem bọn khách tắm ở con mương đồng làng, thì thấy, trước khi xuống tắm, bọn họ đã cởi những con mắt giả để ở trên bờ, hết thảy đều là người mù, thằng bé vội vã chạy về nhà nói với cha, trưởng làng Nhúc lập tức báo lên trên, nhưng thấy trên chẳng có ý kiến chi về việc những người mù giả làm khách ấy, nên ông cũng im luôn, thì ra, những tín đồ phái ‘‘ngộ đạo’’ vốn là những người mù mang mắt giả đi rao giảng chân lý,

 

và ở bến sông ấy, người lái đò cứ đứng trên con đò che mắt, hướng về phía tôi, có vẻ như nôn nóng gặp tôi sao đó,

bác đang chờ tôi đấy sao,

tôi cứ lấy làm lạ với cung cách đứng ngóng khách đi đò của người lái đò nên tôi không thể không hỏi như thế khi đã đến bờ sông,

anh muốn sang sông hay sao,

câu hỏi với tôi lúc bấy giờ là quá thừa, khách đến bến đò không phải để sang sông thì để làm gì, tôi có phần bực tức trước thái độ hơi  khó hiểu của ông già lái đò, song cố giữ khiêm tốn,

thưa, cháu muốn sang sông bác ạ,

đừng sang bên đó chi, chẳng có gì bên đó đâu,

ông già nói, lần này thì tôi thấy ông có vẻ rất nghiêm túc [nếu không nói là có vẻ hơi căng thẳng] và chính là thái độ khó hiểu ấy của ông cụ đã làm tôi thấy hoang mang trong lòng, sao lại chẳng có gì bên đó, theo những gì tôi đọc được, vùng đất bên kia sông có nhiều sự tích lịch sử nổi tiếng từ lâu tôi vẫn mong có ngày đến được đó, thuyền đã cập bờ bên kia, tôi trả tiền đò, nhưng ông cụ lắc đầu,

tôi không lấy tiền của anh đâu,

ông cụ nói, một lần nữa tôi lại thấy ngạc nhiên về cung cách của ông, không nói không rằng, tôi nhét vội tiền vào túi ông, rồi bước nhanh lên bờ, người đầu tiên tôi gặp là một ông lão tuổi đã khá cao, tôi hỏi đường đến Gò Đại Nội, coi như di tích lịch sử  nổi tiếng nhất tôi đã đọc được [ một đế quốc đã chôn sống mấy mươi vạn  dân đất nước họ chiếm được, ngôi mộ tập thể được gọi là Gò  Đại Nội] nghe tôi hỏi, ông lão chỉ tay lên trán, lắc đầu, tức nói không biết,  người thứ hai tôi gặp là một thanh niên, tôi cũng hỏi đường đến Gò Đại Nội, anh ta chỉ tay lên tai, lắc đầu, tức nói không nghe, người thứ ba tôi gặp là một cô gái trẻ đẹp, tôi cũng hỏi đường đến Gò Đại Nôi, cô gái chỉ tay lên mắt, lắc đầu, tức nói không thấy, tôi thấy lời ông già chèo đò bắt đầu có hiệu ứng, song vẫn cứ đi nữa, hết thảy những người tôi gặp sau đó đều nói không nghe hay không thấy hay không biết khi tôi hỏi thăm đường đến Gò Đại Nội, cuối cùng tôi cũng gặp được người có thể trò chuyện, tôi cũng hỏi đường tới Gò Đại Nội, người thanh niên đeo băng đen ở tay có vẻ hung dữ đó  nhìn tôi từ đầu đến chân,

ông đã xin ngài tổng trưởng chưa,

anh ta hỏi, tôi nói thật lòng là tôi chưa hề biết ngài ấy, người ấy rút vũ khí ra, một loại súng nhỏ hãm thanh thì phải,

hãy cút đi, mau lên,

người ấy quát, chính là những điều kỳ lạ tôi chưa hề gặp trong đời đã làm cho tôi vô cùng hoảng sợ, ở bến sông, hình như ông già chèo đò cũng đang chờ tôi,

biết là anh sẽ quay lại, xuống đò đi,

ông cụ nói, và nhét tiền vào túi tôi, thì ra tôi đã hiểu, ông cụ không phải đưa đò kiếm sống mà để chờ nói với khách muốn sang sông, rằng, ở phía bên đó chẳng có gì đâu,

 

em, xương cốt của núi sông, đất, nước, lửa, khí cứ ngút ngàn qua từng chặn tháng năm, một cuộc thong dong, ngẫu nhĩ, hay em là dáng đứng của xứ sở, không phải, sự hiện hữu của em chỉ có thể nhận biết bằng chiêm quan, ngưỡng mộ, một trường tri thức bằng cái một tương thông, điều chỉ có thể xảy ra trong niềm cảm hứng vô biên, tôi đi, cứ thấy mình lạc giữa khí tiết của mùa thu, lạc giữa khí tiết của mùa xuân, của mùa hạ, hay của mùa đông, thật ra, cứ ứng vào đó, lưu vào đó, là lập tức nghe thấy hơi thở của em, thứ khoảnh khắc tồn sinh, từ đó, con chim cưu có thể biến thành con chim bằng với bầu trời cao rộng, từ đó, sẽ nghe thấy khúc hát buổi đất trời mới mở ra những lịch đại, từ đó là lãng đãng tháng năm, ai đi giữa những cơn mê sảng…em, mùa này lũ ngông cuồng nhiều lắm, dường như là thời của lũ ngông cuồng, cơ bản là bọn họ đã bán đi quá nhiều thứ của xứ sở cho bọn chủ giàu có [đất đai, con người, và cả nền văn hóa…] sự thể còn dài lắm, còn lận đận lắm, lịch sử con người cứ như bức tranh chưa hoàn chỉnh, có những chỗ màu chưa ra màu, cứ thấy như những vết thương, hay như những vết bẩn [tôi cứ việc tưởng tượng về người con gái của dáng vẻ vô biên và cứ việc tưởng tưởng là tôi đang viết cho nàng]

 

vào những lúc như thế tôi cảm thấy con người nhỏ bé biết bao

cuộc tìm kiếm bắt đầu tự buổi nguyên sơ

người đi tự khi ánh sáng còn chần chừ không muốn rời bỏ bóng tối

cuộc lưỡng lự lớn nhất của hoàn vũ

người đi

ngang qua những hoạn nạn của bùn đất

ngang qua những hoạn nạn của những vật thể biết nghĩ ngợi

người ta cố nói cái chết chỉ là hình thái khác của tồn tại

nhưng hết thảy những chuyện đó chỉ là chuyện con người tự nói ra

chẳng phải là chuyện của cơn địa chấn làm thay đổi hình dạng của đất đai
tôi cứ cảm thấy bất an
nghi hoặc

chỉ mỗi cái vẫy tay của một sự thể bất tường nào đó cũng đủ để làm sụp đổ thế giới

tự nhiên là một khúc hồ cầm

dung lượng của vô vàn biến khúc

vô vàn những ẩm ướt trắc trở

cứ sợ vào một đêm tối trời nào đó bốn phương bỗng vẳng lên khúc im bặt

và tôi thì cứ co ro trong thứ ý tưởng

rằng

một ngày nào đó lửa sẽ tắt trong nghĩ ngợi con người
giá buốt bước chân lữ thứ

giá buốt những ngọn gió thổi qua miền cổ lục

đã tắt hết những cách thức như thể những cách ký thác của thế giới 
đêm

lũ chim vạc ở quê tôi không còn kêu sương

lũ sao ở trên trời chỉ  ra dấu với nhau bằng  ánh sáng

có ông cụ ra hiên hè thấy như trời đêm sắp sập xuồng vội vã quay trở vào nhà

tôi không còn nhớ là đã đọc ở đâu đó
nói về một ngày nào đó

tiếng nói của con người sẽ tắt

và mặt đất thì trơ ra …

tôi choàng dậy giữa giấc mơ thế kỷ,

 

phải mất bao nhiêu thiên niên kỷ mới có thể có được những dấu vết như thế nhỉ

mùa nắng những giọt mồ hôi cứ long lanh trên đám  cây lá trong vườn nhà tôi

và lũ ong mật thì hết lời ca ngợi mặt trời

ong  là con vật trời mang dáng dấp của  bậc trượng phu

tôi nghe không sót lời nào của lũ ong

và cứ nghĩ đến những người mở đất

là một ông cụ, hay một chàng trai trẻ nhỉ

cắm cây cọc xuống đất, ngoảnh nhìn bốn phía, thấy những rừng cây với những loài chim nhiệt đới

có bao nhiêu trong lòng lũ chim đem ra nói hết

con sơn ca thì  hót

còn  đám cây rừng thì  khoe những chiếc lá non mới nhú

người mở đất lặng lẽ khỏa lên trời một vòng tay thật tròn

như thể để nói

con người  là đang cần một chốn nương thân

đêm tôi nằm trong căn nhà tổ tiên tôi để lại cứ thấy nhớ những tiếng nói của tiền nhân

có vẻ như tổ tiên tôi nói rất ít nói quá ít

có một sáng thu nào đó có kẻ ra đi và không trở lại

những cái chết buổi ban đầu như một lời nhắn

hôm qua em lại viết cho tôi

rằng

ở chỗ em đã có những kẻ bỏ bầy đàn ra đi

những tín hiệu của hủy diệt chăng

ở thành phố nơi tôi trú ngụ

đêm biển vẫn cứ vang lên những âm thanh mơ hồ

và sáng ra thì thấy có người ra đứng nhìn biển

đợi chờ ai

hay chỉ là một cách thể hiện về  cách nhìn thế giới,

 

đọc thêm:
Ngày ấm áp, ánh sáng hào phóng/ Người Đức nơi sảnh cà phê
Để cuốn sách nhỏ trên gối/ Tôi bắt gặp tiêu đề/ ’Chủ nghĩa thần bí cho Những người mới bắt đầu’/ Bỗng nhiên tôi hiểu ra rằng những con chim én/ đang bay vòng qua những đường phố Montepulciano/ với những tiếng hót inh tai của chúng /và cuộc chuyện trò có vẻ lặng lẽ của những du khách nhúc nhát /đến từ phía Đông, Trung Âu / và những con cò trắng đang đứng—[từ] hôm qua ? [hay từ] ngày trước?— /như những nữ tu trong cánh đồng lúa /và hoàng hôn, chậm và [có vẻ] có cách / xóa bỏ những đường biên của những ngôi nhà cất theo lối trung cổ /và những cây ô liu trên những ngọn đồi nhỏ / bị bỏ lại trong gió và trong cái nóng, và cái đầu của những nữ hoàng không tên tuổi / tôi đã nhìn thấy và ngưỡng mộ nơi bảo tàng Louvre /và những cánh cửa sổ kính bị vỡ trông như những cánh bướm /lốm đốm phấn hoa /và con họa mi nhỏ đang tập luyện /bài thuyết trình của mình bên con đường cao tốc / và bất cứ cuộc hành trình nào, bất cứ cách thức dạo chơi nào /chỉ là [thứ] chủ nghĩa thần bí cho những người mới bắt đầu /bài học vỡ lòng, báo trước cho sự thử thách là được / hoãn lại / The day was mild, the light was generous /The German on the café terrace /held a small book on his lap / I caught sight of the title/Mysticism for Beginners /Suddenly I understood that the swallows/patrolling the streets of Montepulciano/with their shrill whistles,/and the hushed talk of timid travellers/from Eastern, so-called Central Europe /and the white herons standing—yesterday? the day before?—/like nuns in fields of rice /and the dusk, slow and systematic /erasing the outlines of medieval houses /and olive trees on little hills /abandoned to the wind and heat /and the head of the Unknown Princess/ that I saw and admired in the Louvre /and stained-glass windows like butterfly wings /sprinkled with pollen /and the little nightingale practicing /its speech beside the highway /and any journey, any kind of trip /are only mysticism for beginners /the elementary course, prelude /to a test that’s been /postponed /ADAM ZAGAJEWSKY [Ba Lan, 1945]/ MYSTICISME FOR BEGINNERS/ CHỦ NGHĨA THẦN BÍ CHO NHỮNG NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU/Bản tiếng Anh của Clare Cavanagh

 

tôi đi từ thứ năng lực được trích ra từ tình yêu cuộc sống của tôi, khi thế giới trở nên rối ren u ám, tôi thường viện đến những tháng năm mông muội như thể để biện bạch cho hết thảy những cách thế sống của con người, khi con người ta  chưa hề biết đến bất cứ một thứ khái niệm nào về các sự vật thì chúng vẫn là chúng, chúng vẫn cứ  đường hoàng trong trời đất, bấy giờ, cứ nghe như vang lên đây đó những giọng nói của chim: này, bạn chưa  biết đấy thôi,  bầu trời vẫn còn  bỏ trống, rất trống, và mặt đất thì đang chờ, lũ chim đang tiết lộ với con người bao điều bí ẩn, bấy giờ, cứ nghe như mọi thứ sự vật trong trời đất đang trần tình cho nhau nghe  về những bí mật của mình, có phải tự lúc nào, tôi không hề biết, là tôi đã bước vào tận bên trong  ngôi nhà lớn nhất của loài người: ảo ảnh, tôi đi từ thứ năng lực được trích ra từ tình yêu cuộc sống của tôi, vào một sớm tinh sương, khi lũ sao đêm còn đang ngái ngủ trên bầu trời trên đầu tôi, người giữ nhật ký bầy đàn, sau khi xem xét hết thảy các cuộc hành trình đang diễn ra trên mặt đất bỗng kêu: hết thảy là đang dở dang, tôi có thử hỏi về các chuyến đi của mình, nhưng ông ấy bảo là chẳng thấy chép trong sổ sách,

 

đó là những đêm tôi ngồi nghe lũ sao trời trò chuyện nhau về các cách thức khai sinh một cuộc đời mới [cứ coi như mỗi tồn tại nơi mặt đất là phản ảnh một tồn tại ở trên trời như Platon nói đi] , từ đó, những thứ gọi là lý tưởng phải sinh ra như thể những bông hoa nhiều hương sắc không thể thiếu được trong cuộc áo cơm [việc sinh ra lý tưởng như thể một qui luật sinh tồn/chớ tưởng con nai con gấu trên rừng là không có lý tưởng…] đó là những ngày, ngay giữa những hỗn tạp của thế giới, tôi đã nhận ra những  cách thức man trá trà trộn vào cuộc sống của lũ quỉ thời đại, thời lũ quỉ thất bại thảm hại bỡi loài người chẳng ai thèm hứa hẹn hay đánh đổi với chúng bất cứ điều gì [thời của Johann Wolfgang von Goethe đã qua lâu] , đó là những lần, cứ gọi là những thời kỳ đi, những khúc năm tháng sử văn gọi là thời đại lịch sử, chẳng có gì khó hiểu, hết thảy những lần đó cũng chỉ là những khúc năm tháng hơi khác thường một chút [cứ coi như là những chú thích của thời gian đi] đó là những lần, hoặc của bọn gian lận lịch sử, hoặc của những điếu đổ triết học, tức thời của những lý thuyết sai lầm, cuối cùng thì sản sinh ra những quái thai nơi các chính trường [những quái thai chính trường thì nhiều vô kể], và những cuộc chiến tàn khốc  không thể không xảy ra,

 

VÀ TRO TÀN CỦA NHỮNG THẾ KỶ,

 

thật ra là tôi đang bước đi trên  tro tàn của những thế kỷ, chẳng phải tự buổi thiết lập bầy đàn, con người đã lao vào những cuộc chiến qui mô và trí tuệ hơn thời mông muội chỉ đánh nhau vì tranh giành thức ăn đấy sao, thực ra hết thảy những cuộc chiến của con người đều là tranh giành thức ăn [theo nghĩa rộng nhất của từ này], cái cách đi lại [chuyển động] của trời đất là theo những luật lệ nghiêm túc nào đó, nên trí khôn con người [khoa học] mới có thể nhận ra được những qui tắc về nắng mưa, nhưng ngoài những công trình thực sự của trí khôn, bọn cường khấu của các thời đại vẫn cứ nhân danh loài người trí tuệ để, hoặc bày ra những trò chơi quyền lực, hoặc nghĩ ra các thứ cách thức trị nước, trong cuộc tiến hóa của loài người, chốc chốc người ta lại nhìn thấy máu đổ đầu rơi, hoặc nghe thấy những tiếng kêu gào, thực ra, các cách thức trị nước của bọn cường khấu của các thời đại cũng chỉ là những trò chơi quyền lực, thoắt một âm ba giá buốt, lịch sử con người cứ như những chu kỳ của băng hà [ những chu kỳ oxki, vandai …ở châu Á, hay những chu kỳ wurm, mindel, riss… ở châu Âu, hay những chu kỳ grinland, labrado…ở Bắc Mỹ] cái nóng cứ chen vào làm tan biến gương mặt lạnh lẽo, và ở đó là những sinh thành, chết chóc, tận diệt, con người như thể cứ bị lùa lại ở phía đằng sau những biến động, và văn chương triết học vẫn cứ loay hoay với việc làm thế nào để cho con người nhìn thấy được chính mình, sự tự phản như niềm cảm hứng vô tận nơi những suy gẫm tôn giáo và văn chương triết học, nhưng cuối cùng cũng chỉ nghe thấy những tiếng hô xung trận, hay những tiếng thở dài, hay những lời quát tháo có vẻ súc vật của bọn chủ đất giàu có, thực ra là tôi đang bước đi trên tro tàn của những thế kỷ,

 

như vậy là một ngày nữa trôi qua trong cuộc hành trình của tôi, một chiều tháng ba, một chiều mùa xuân, thật ấn tượng, chẳng phải như thể một quang cảnh đầy chất hội họa đó sao, một chiều viễn xứ, mặt trời đang lặn ở đằng tây, và phía trước mặt là một ngôi làng có vẻ mơ màng như trong tranh, lữ khách trên lưng con ngựa nòi phương đông, con ngựa có vẻ mệt mỏi bước trên con đường đất, hoa mộc dược, hoa nở vào cuối xuân, nở trắng xóa ở hai bên vệ đường, tất nhiên, dự định của khách là sẽ nghỉ lại ở ngôi làng phía trước mặt đang hiện ra trong thứ rán chiều đầy khích lệ,  nhưng mọi chuyện diễn ra không phải như tôi nghĩ, lúc ông cụ, người giữ cổng làng, chặn tôi lại thì bóng tối đã đổ xuống,
một người đi ngựa như ông đây thì không nên vào đấy,
ông cụ đứng lên khỏi ghế ngồi, chào tôi theo kiểu nhà binh, và bảo thế, làng đang có vấn đề gì đây, thời buổi nhiễu nhương thì bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra, tôi nghĩ, nhảy xuống  ngựa, thử hỏi thăm ông cụ đường đến một ngôi làng khác,

đây là đất cũ, không dễ gì có làng xóm đâu,

ông cụ nói, và trao cho tôi một gói giấy,

lương thảo ta tặng cho ông đấy, ở đây thức ăn khan hiếm lắm, ông cứ dùng tạm, ngủ tạm ở đâu đó, chờ sáng mai sẽ tính tiếp,

ông cụ nói, rất nhiệt tình, có vẻ như là rất lo lắng cho trường họp lỡ đường của tôi, tôi ăn lương khô, nghe có mùi vị như mùi đất, rồi xin phép ông cụ cột ngựa vào trụ cổng làng, và nằm xuống bên đường,.

nhưng là bác phải canh giữ suốt đêm thế này sao,

tôi hỏi, bắt đầu thấy tò mò về ngôi làng có vẻ khác thường ấy,

phải, canh giữ cả ngày lẫn đêm,

ông cụ nói, giọng  vẫn tỉnh táo,

như là luật lệ của làng,

phải, như là luật lệ của làng,

nhưng cháu thấy thật khó hiểu, sao làng lại phải canh giữ như thế,

bỡi đấy là luật lệ, ta thay mặt cho mọi người và mọi sự ở đây cám ơn ông đã có lời thăm hỏi,

tôi nghe ông cụ nói vậy, và thiếp đi lúc nào không hay, nếu con ngưa của tôi không dậm chân hí vang chắc tôi vẫn còn ngủ, tôi thức dậy lúc mặt trời đã rựng đỏ đằng đông, và lúc đầu tôi cũng thấy ngỡ ngàng thật, vì trước mặt tôi không phải là ngôi làng, mà là một khu di tích của một triều đại đổ nát nào đó, những đống gạch vụn, những khung cửa và những bờ tường chơ vơ, ấn tượng nhất là cái cung điện, chắc thời ấy huy hoàng lắm, giờ thời gian đã vạc đi gần hết chỉ còn lại một mái ngói âm dương vắt vẻo trên một bờ tường gạch lở lói, khi kể lại chuyện này tôi vẫn  băn khoăn không biết đấy là ký ức sách vở, hay là tôi đã đối mặt với một cảnh trí như vậy trong cuộc hành trình của mình, à, tôi biết rồi, ông cụ ấy chính là anh lính triều đã thay mặt cho cái triều đại đổ nát ấy nói lời cám ơn tôi,

 

những ngày xa xưa  ấy cứ coi như buổi  bắt đầu cho cuộc hành trình của tôi, mùa đông có vẻ như chẳng có chút thay đổi nào trong cung cách của nó, sau những ngày mưa dầm [mưa tầm tã] thì chuyển sang những hôm mưa bay gió bấc, mưa thì nhẹ như thể bị thồi bay đi, nhưng gió thì buốt da cứ khiến cho con người muốn co lại cho đến lúc không còn co được nữa để tránh bớt cái lạnh cắt thịt da, không phải để tránh cái lạnh mà cha tôi tăng thời lượng chưng cất rượu của ông, cả ngày hầu như ông ngồi bên bếp lửa chưng cất rượu là để đánh đuổi nỗi buồn,

đường sá làng ta mùa mưa này trông sang trọng, con nhỉ,

là cha tôi nói vể con đường làng vừa được bê tông hóa, làng tôi như thể vừa trài qua một giấc mơ, đẹp, mà cứ thấy ngỡ ngàng, nó chỉ là con đường đi ra đi vào xóm làng, từ đường đất đã chuyển thành đường bằng xi măng, mưa không còn lầy lội,  những người cày ruộng, những người đi chân đất bắt đầu dẫm lên con đường làng không phải con đường nghìn năm cha ông mình dẫm lên, mà bắt đầu dẫm lên một cái gì đó như thể một thứ vật thể cứ làm cho mình ngỡ ngàng, có vui, nhưng cứ ngỡ ngàng, bỡi đi lại trên con đường sang trọng vậy, nhưng nhà nào cũng không đủ gạo nấu, nhà nào con cái cũng chỉ rán học cho đến hết tiểu học thì phải ở nhà để tham gia chuyện cơm áo,

con đi lấy thêm củi cho ta,

cha tôi nói, tôi đi lấy củi cho cha tôi, bên ngoài gió bấc vẫn thổi mạnh, tôi lại nghĩ đến mẹ tôi đang bán rượu ở ngoài chợ,
chốc nữa nhớ đi đón mẹ con cho sớm đó,

cha tôi nhắc tôi, cứ sáng ra là tôi lại chở mẹ tôi đi chợ phiên làng tôi hay chợ phiên các làng bên, và trưa lại đi đón mẹ về, bấy giờ tôi là ai điều đó chẳng quan trọng, điều tôi muốn nói là tôi đang sống trong thứ nhịp điệu trần thế ấy: cha tôi một đời cày ruộng và đọc sách, hết cày ruộng nổi lại ngồi chưng cất rượu và đọc sách, cha tôi làm ra rượu, và mẹ tôi mang đi bán,

thời buổi này mà chúng ta được thế này là phước lắm,

cha tôi nói, và bảo tôi nếm thử mẻ rượu đang chưng cất,

cũng giống như những mẻ trước, cha à,

tôi nếm thử rượu, và nói,

ông Hoạch hẹn, chốc nữa lại sang, con phải chụm rượu thay ta,

cha tôi nói thầy giáo Hoạch lại sang [hầu như hôm nào, không ngày thì đêm, ông Hoạch, ông giáo nghĩ hưu, cũng sang với cha tôi] tôi nói là tôi đang sống trong thứ nhịp điệu trần thế ấy: cha tôi cả ngày ngồi bên bếp lửa chưng cất rượu, mẹ tôi mang rượu ra chợ bán, thầy giáo Hoạch  lại sang, và câu chuyện giữa hai người cứ như một cuộc chiến thầm lặng chống lại cuộc sa mạc hóa tri thức, cứ coi như đó là những ngày tôi bắt đầu cuộc hành trình của mình, tôi bắt đầu bằng cách nhìn ngắm vào thứ chiến địa đang diễn ra trong tâm tư những người thuộc thế hệ cha tôi, có một đêm mùa đông mưa bay gió bấc, đã gần nửa khuya, thầy giáo Hoạch còn sang gõ cửa nhà tôi, cha tôi đi thắp đèn, mở cửa, mẹ tôi đang ngon giấc, còn tôi thì thức dậy, nằm lắng nghe cuộc trò chuyện của hai người, cuộc trò chuyện như thể bằng chứng, rằng, con người cho đến lúc gần từ giã cuộc đời, vẫn cứ yêu cuộc sống của mình,

đây là thời tri thức con người còn lầm than hơn sự lầm than cơm áo ông ạ,

cha tôi nói,

những bậc tri thức lớn quả đã giúp chúng ta hiểu được trời đất hơn và giúp chúng ta biết là đang ở vào chỗ nào trong trời đất, nhưng những bọn có chữ khác thì rất khác, bọn chúng đông lắm ông ạ,  đứa âm mưu củng cố sự giàu sang của mình, đứa âm thầm tìm cách  để trở thành kẻ có quyền lực nhất trong guồng máy cai trị, đấy là chưa kể  bọn ngày ngày lo ca ngợi mình, hoặc ra rả chửi rủa những kẻ chúng không ưa, thời con người đôi khi như sắp điên lên vì chẳng hiểu những gì xảy ra chung quanh như thế là  sao,

thầy giáo Hoạch nói,

ông cứ lắng nghe thử có ai gõ cửa không, hình như là chẳng còn ai đủ sức gõ vào cánh cửa thời đại nhiễu nhương này ông ạ,

cha tôi nói,

bom đạn nổ khắp nơi, con người vẫn thù hận nhau, giết nhau, và nơi các chính trường ngày ngày bọn họ vẫn la ó, và thịt nhau,  thế giới thì ầm ào thế nhưng vẫn là một thứ  sa mạc vắng bóng người,

thầy giáo Hoạch nói,
tôi nằm lắng nghe đến đó thì cứ nắn thử chân tay mình, một thứ cảm thức thật buồn cười, nếu không nói là điên rồ, là cứ sợ tôi có biến thành một thứ gì khác trong cái sa mạc những người thuộc thế hệ cha tôi đang nhìn thấy hay không ,

 

tôi lại trở lại miền đất ấy, Cổ Túc, tất nhiên, trong sổ sách hành chánh hiện tại thì đất ấy có tên gọi khác, còn Cổ Túc là tên tự ngàn xưa, chính là cái ấn tượng có vẻ rất lạ lùng của lần đầu đến đấy đã thôi thúc tôi trở lại đất ấy và ngồi nơi bến sông Cổ Túc, từ bến sông này là nhìn thấy gò Cổ Túc, vết tích của triều đại cầm đầu bỡi ông vua như nghe kể thì tự thời ấy vua đã hội đủ các thứ tính chất của một chế độ toàn trị, tháng ba, buổi cuối xuân của đất trời có vẻ gì đó như là niềm luyến tiếc, gió thổi lại từ miền thượng nguồn của sông như vẫn còn thứ hào khí của một vùng núi non sang trọng theo nghĩa cách sắp đặt trập trùng trù mật, một kiệt tác trong cuộc tạo sơn của tạo tác, con ngựa nòi phương đông của tôi đứng lặng lẽ nơi bờ con sông rộng một cách hơi bất thường nơi miền đất cằn cỗi thỉnh thoảng lại nhìn tôi, cựa quậy đuôi một chút, tôi cứ cảm tưởng như con ngựa cũng cùng một thứ cảm thức như tôi là vừa cảm thấy yên ả vừa cảm thấy nhức nhối sao đó, có nghĩa, chúng tôi, tôi, và con ngựa của tôi, cứ thấy như có gì đó đang thôi thúc mình, bỡi đang ngồi trên một miền đất đầy ắp tro tàn quá khứ chăng, điều đáng nói chẳng phải là nhìn thấy tro tàn quá khứ, mà cảm thấy tự trong tận cùng nhận thức lịch sử những đổ nát của quá khứ như thể nguyên nhân dẫn đến tan rã bầy đàn, thứ kiến thức đầy tính sử thi ấy bỗng dấy lên trong nghĩ ngợi của tôi, trong cuộc hành trình của mình, miền đất ấy đã khiến tôi thấy nặng lòng, buổi trưa ở bến sông chẳng còn ai qua lại, tôi đã quyết định ngồi ở bến sông ấy vào lúc vắng người để thử chiêm nghiệm về một mảnh tro tàn của quá khứ, rồi chẳng ai bảo ai, chúng tôi, tôi và con ngựa của tôi, đều ngã lưng nằm nghỉ ở bên dưới bóng cây sung cổ thụ nơi bờ sông, con ngựa không ngủ, nằm ngoe nguẩy đuôi, tôi thì nhìn ra sông, không thấy có chiếc lá rụng nào trôi trên sông, không thấy có con đò nào sang sông, nhưng thấy có ai đang từ dưới bến sông bước lên bờ,

xin chào,

người đàn ông như thể đang lơ lửng trong gió cất tiếng chào tôi, giọng nói nghe như đang vang lên từ chốn xa xôi nào đó, thứ cảm giác vừa vui vừa sợ hãi tràn ngập trong tôi, tất nhiên là tôi chẳng dám nói gì, bỡi bấy giờ, tôi cũng không xác định được là tôi đang ngủ và nằm mơ hay là đang có sự cường điệu nào đó trong trí tưởng tượng của tôi,

xương thịt ta là của người Cổ Túc, trăm năm trước cũng vậy, và giờ cũng vậy,

người ấy nói, tôi cố nhìn thử đó là ai, nhưng vẫn thấy như tôi đang tiếp cận với một thứ bóng hình trôi nổi nào đó,

nhưng ngài là từ đâu đến,

tôi phải hỏi, bỡi, dẫu trong mơ hay trong tưởng tượng tôi cũng phải biết là mình đang trò chuuyện với ai,

anh quên rồi sao, lần trước anh đến đây, ta cũng đang ở đây, bỡi xương thịt ta là xương thịt của người Cổ Túc, người làng này đã kể cho anh nghe về ta,

người ấy nói, trời đất ơi, tôi đã nhớ ra, người ấy chính là tộc trưởng tộc người Cổ Túc, vua kinh lý đến Cổ Túc, lính nghìn người, voi và ngựa mỗi thứ nghìn con, đường vào Cổ Túc gặp lúc mưa, trơn trợt, kiệu vua ngã, tộc trưởng tộc người Cổ Túc bị tra hỏi và bị tội chết với hình thức bị nghìn voi nghìn ngựa dẫm lên xác, gò Cổ Túc là nơi hành hình tội nhân, thì ra, tôi đã thực sự chạm tay vào quá khứ của một vùng đất,

ta biết anh thì đang nóng lòng muốn hiểu ý nghĩa của lịch sử, nhưng tàn bạo hơn nghìn người lính trận ngã ngoài trận mạc là vua cho nghìn voi nghìn ngựa dẫm lên người của ta,

người ấy nói, tôi cứ có cảm tưởng như núi sông đang tan ra muôn mảnh, thì ra cái cách tàn sát nhau của loài người còn thú vật hơn là cảnh tàn sát nhau của lũ thú trên rừng,

 

lần này thì em cứ thấy thế giới như thể cái bảo tàng, chứa chấp, chứ không phải cất giữ, những hiện vật có cái còn nghe biết lai lịch của nó, có cái chỉ còn như chút thoi thóp tàn hơi, và có cái đã là tro tàn của nhiều thế kỷ, đã là khái niệm, cuộc tình chúng ta là thuộc loại hiện vật nào nhỉ, đang lưu lạc, và đang mong chờ vào cuộc chuyển dịch của thế giới, bỗng thất lạc nhau như thể để góp thêm vào thứ khái  niệm về đổ vỡ của trần gian, có những đêm ở xứ người, nỗi nhớ lại dày vò, lại thử lắng nghe một chút lắng đọng của nghĩ ngợi, thì thấy những năm tháng vừa qua của chúng ta như thể là cuộc thể nghiệm  tàn nhẫn và bí ẩn của tạo tác, tại vì sao chúng ta lại phải ngang qua những dấu tích của thế giới, buồn, và luôn mang trong nó những vang vọng như lời kêu cứu, hay như thể những trần tình về điều không bao giờ nó muốn xảy ra như thế, chỉ mỗi việc promethe bị xiềng cũng đủ thấy thế giới dễ hóa thành cõi nghìn năm lạnh lẽo [lửa đã tắt, và chẳng cuộc tình nào còn sống sót] ai đã thiêu cháy những Alexandria, Catharge, thiêu cháy những Ur, Babylon, thiêu cháy những Troa, Athene, tất nhiên là những ngọn lửa man rợ của con người đã thay thế cho ngọn lửa thiêng của promethe [em thấy nhớ anh, và cứ sợ cuộc tình chúng ta không còn đường đi tiếp] các nền văn hóa đang siết cổ nhau, và, dường như là thế giới không còn mấy ai còn tâm huyết, rồi ra, em cứ tưởng tượng, tro tàn của những thế kỷ tan thương sẽ thành thứ khái niệm tồi tệ, thế giới là cái bảo tàng chứa chấp những khái niệm tồi tệ,
[tôi cứ việc tưởng tượng về người con gái của dáng vẻ vô biên và cứ việc tưởng tượng là tôi đang đọc thư nàng]

 

sau những ngày đi xa, bao nhiêu thứ dày vò nghĩ ngợi, tôi lại quay về cố thủ nơi chôn nhau cắt rốn của mình, ngôi làng, quá khứ dày đặc sự tích vẫn cứ như một cuộc trầm tích, lừng lững những sự thể, huy hoàng tráng lệ, mà cũng lầm than đổ nát, chỉ ngồi tựa vào vài trang viết trong Những Khúc  Cuối, một tác phẩm văn chương khuyết danh còn lưu truyền nơi làng tôi, cũng đủ thấy rạc rài vó ngựa, khách biên đình chẳng ai còn có thể quay lại cố thôn, thế giới như thể cuộc đuổi bắt không ngừng nghỉ, ở cái gò đất màu gạch nung có tên Gò Tháp ở làng tôi ấy đã từng xảy ra một cuộc tìm kiếm mang tính sử thi ư, cái gò đất ấy không phải tự dưng mà có, mà là thứ vật thể hình thành từ mưu đồ dựng lập đất nước non sông của con người như thể qui luật tự nhiên trong trời đất, xứ sở ấy là được hình thành từ những duyên do như thế, những làng mạc là có người cày ruộng, có người dệt vải, có thành cao, có tháp cao, nơi ở của con người là phải được sửa sang cho khác đi, cuộc sống cứ trôi đi với những điệu hát điệu múa lưng trời, một dãi non sông kéo dài từ bắc xuống nam, thời gian cứ trải theo những âm vang cổ độ, rồi bỗng binh đao, thành đổ, tháp đổ, nước mất, người mất, rồi ra, kẻ này [tức tác giả khuyết danh] cũng chỉ tìm thấy lại một chút bóng dáng của quá khứ xa xăm qua lời kể của những người đi trước, là vào những đêm đầu tháng, người làng này cũng chỉ nhìn thấy được duy chỉ hai cái bóng dáng con người dắt díu nhau qua cái gò đất màu gạch nung giữa trăng non đầu tháng, và người thính tai nhất cũng chỉ nghe thấy được những lời nước non, rằng, em, người Chiêm quốc, chết cũng phải nằm trên đất Chiêm quốc, nhưng, ta không chắc là ta và nàng là có thể mãi mãi bên nhau ở chốn này, kẻ này [tức tác giả khuyết danh] cũng chỉ mong dù nước ấy không còn, dân của nước ấy không còn, nhưng những con người từng là của đất ấy phải mãi mãi được nằm trên đất ấy, tro tàn quá khứ thì nói không xuể, nhưng những ngọn gió thổi ngang qua cái gò đất màu gạch nung ấy tất cứ mãi khua lên tiếng kêu hoảng hốt của một khúc sử,

 

rồi có người đi ngựa đến gặp tôi bảo rằng anh ta đã đi khắp thế gian và thấy nơi đâu như thể người ta cũng đang sửa soạn  lên đường, kỵ mã là một chàng trai trẻ, thương tích đầy mình, vẫn ngồi yên trên lưng ngựa, nói, có vẻ rất muốn được chuyện trò cùng tôi, nhưng  chẳng phải bạn cũng đang sửa soạn đi đâu đó hay sao, tôi nói, và cứ mường  tượng thế giới đang gặp bất trắc nào đó mà tôi  chẳng hề hay biết bỡi tôi đã dừng lại ở cái khúc sử này quá lâu, chàng trai trẻ vẫn ngồi trên ngựa kể rằng, ở ngôi làng ấy có rất nhiều người ăn vận đẹp đẽ kéo nhau về phía nam, vừa đi vừa hát, rằng,  con chim cưu rồi ra sẽ hóa làm con chim bằngsóng dậy… còn ở thành phố ấy thì những người có chữ đang chất kinh sách lên những chiếc xe  to lớn chở cả người chở cả súc vật và cả những cái bao nhốt gió,  đi thôi…đi thôi,  từ trên xe vọng xuống  thứ điệp khúc nghe rất  vui tai, nhưng ở khu rừng ấy thì lửa cháy ngút trời, ta thử cỡi ngựa đi vào giữa những người đang đứng nhìn núi rừng cháy, thì hiểu ra rằng, người ta phải đốt sạch chốn cũ của mình mới yên lòng ra đi, thời, như thể hết thảy người ta đang nhìn thấy một điều gì đấy ở phía trước, và muốn lên đường ra đi, chàng trai trẻ vẫn ngồi yên trên lưng ngựa, nói, nhưng giờ thì bạn định đi đâu, tôi hỏi, lòng vẫn còn rất hoang mang, không phải định đi đâu, mà thật sự là ta  đã  ra đi  từ buổi lũ cua cá không phải như ngày nay, mà chỉ là những cái ván nhỏ trôi dạt trong biển cả, nhưng phần ông thì định chừng nào lên đường đi tiếp, chàng trai trẻ chợt hỏi làm tôi thấy sợ hãi, làm sao bạn  biết là ta cũng sắp lên đường, tôi nói, cứ nhìn cách ông ngồi xỏm trên  gót chân của mình thì biết đấy là  kẻ đang trong tâm trạng sắp lên đường, chàng trai trẻ nói, nhảy xuống  ngựa, xé ống áo lau bớt máu đang rỉ ra ở vết thương nơi bàn chân, rồi lại nhảy lên ngựa, vẫy chào tôi, hát, trắng trời màu nước mắt  hải hồ… thì ra, tôi đã hiểu,  đấy là người đưa tin đã ra đi tự buổi nguyên sơ,

 

hay đấy là tín hiệu của một cuộc thăm dò nào đó của tồn tại, cái chết đã bắt đầu chạm vào những nghĩ ngợi của thế giới, tôi, cả đời đắm mình giữa những tháng năm không danh mục, khách của những chiều buồn của những loài không tên tuổi nơi bờ dậu trước nhà, hay buổi sớm mai ngồi thử lắng nghe những bước chân do dự của đám sinh linh chưa thể thể hiện được những nghĩ ngợi bằng lời, vẫn còn những khoảng cách vô tận giữa những màu, những tiếng, giữa  những gương mặt, vẫn còn sự lẫn lộn giữa những cảm xúc minh bạch và đường hoàng về những hiện hữu, rồi một sáng thức ra tôi bỗng nghe khua vang trong ý thức những vết nứt to lớn, hay đấy là tín hiệu của một  cuộc chuyển đổi nào đó, tôi không dám nói đấy là thay đổi, tức,  có cái này thay cho cái kia, tồn tại là một bài học về đa đoan, những từ ngữ luôn ẩn dấu ở trong nó những bí ẩn [tồi tệ] của thời gian, tôi cứ mong sao đấy chỉ là thoáng qua của thứ năm tháng không may cho lắm để cho cái chết không còn chạm vào nghĩ ngợi con người,

 

ông già ấy cứ giống như một đạo sĩ đạo lửa, chẳng nói chẳng rằng, thỉnh thoảng lại giương phất trần, phất lên một cái, một ngọn lửa nhỏ lại cất lên, nỗi im bặt trần gian lại bị khuấy động, những sự thể của thế giới như thể cứ chạy loanh quanh những nghĩ ngợi của ông già khó khăn ấy, ở làng tôi, người ta gọi ông là ông Học Lãnh, học, nguyên nó là chữ học trò, ở làng tôi, Lãnh là học trò con nhà nghèo, có khiếu ăn học, thi đỗ tú tài Tây, bấy giờ, coi như là anh học trò chữ nghĩa cao nhất trong làng, từ đó được vinh danh là Học Trò Lãnh, khi ông ấy về già, người làng tôi bỏ bớt đi chữ trò, gọi ông là ông Học Lãnh, lại một cách vinh danh nữa chăng, tôi không biết, nhưng, cuộc đời như thể thỉnh thoảng lại sản sinh một con người như thế để cho người ta nhớ, ông Học Lãnh là người như thể được sinh ra cho người ta nhớ, nhưng đấy lại là một ông giả phải chịu nhiều nỗi khó khăn, nỗi khó khăn lớn nhất là ngày ấy ông đã quyết định tách khỏi bầy đàn của mình khi làng tôi góp ruộng góp bò để làm ăn chung, không phải sợ tuổi già sức yếu không làm lụng được với mọi người, mà sợ chuyện khác,

ta sợ cuối cùng chỉ thấy tro tàn,

ông nói với người làng tôi, bấy giờ có kẻ nổi giận: lão già ấy là kẻ thù của làng ta đấy, chính là bấy giờ có kẻ đã nói ra thế, rồi đến buổi làm đồng, người này dòm chừng người kia, có vẻ như chẳng ai muốn bỏ sức lực của mình ra, có vẻ ai cũng sợ mình bỏ sức lực ra nhiều hơn kẻ khác, dù ngài trưởng làng luôn miệng nhắc, hãy một người vì mọi người, rốt cuộc, ngày nào cũng ra đồng làng làm lụng cật lực, nhưng không đủ gạo nấu, rốt cuộc, nỗi buồn phiền cứ lẩn quất trong cơn đói kém, người làng tôi lại kéo nhau đến nhà ông Học Lãnh như thể để tìm chút an ủi,

các người có biết thứ chủ nghĩa nào  lớn nhất trên đời này không,

ông Học Lãnh hỏi,

người nói chủ nghĩa nhân ái, người bảo chủ nghĩa xã hội,

đều trật cả, to lớn nhất là chủ nghĩa cá nhân, ai bảo không phải là tự lừa dối mình,

ông Học Lãnh nói, rồi tôi cũng bị ông già ấy quyến rủ, như thể, sau những ngày đi xa, bao nhiêu điều còn phải nghĩ ngợi, bỗng ông già ấy cầm chân tôi, bấy giờ ông Học Lãnh đã ngoài chín mươi,

ta nay chỉ còn như một thứ tro tàn,

ông nói với tôi với vẻ thành thật của một con người trải qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, tôi cứ có cảm tưởng đang le lói một vài thứ mới lạ nào đó trong cách nhìn thế giới khi trò chuyện với con người có vẻ ngoại lệ ấy,

không đâu, bác không phải tro tàn, mà là người đã nhìn thấy tro tàn,

tôi nói, đấy là một đêm cuối xuân, một thứ tình cảm ấm cúng kỳ dị giữa tôi và ông già khó khăn ấy nơi  ngôi nhà như thể chốn tu trì, điều lạ là đến tuổi ấy, ông ấy một mình đủ sức tồn tại ở nơi ông đã sinh ra đám con cháu, rồi tất cả, từ người vợ thân yêu của ông đến lũ con cháu ông đều chết cả để lại một mình  ông nơi ngôi nhà trống vắng, vào lúc gần nửa đêm, chẳng còn nghe lũ côn trùng ngoài vườn réo gọi, ông Học Lãnh lại nhắc lại lời ấy với tôi,
người ta vẫn cứ tiếp tục làm ra tro tàn đấy, anh biết không,

 

tôi đến nhà ông Học Lãnh với thứ cảm thức trinh nguyên: chính là vào lúc tôi đang bế tắc trong cách sắp đặt các thứ ý tưởng về thế giới thì nàng đã bước thẳng vào chỗ hụt hẫng ấy, nói, em mới từ đồi Acropolis nghe các nhà hiền triết Hy Lạp thảo luận về nền dân chủ của nhân loại và thẳng lại đây, tôi cứ thuật lại một cách y nguyên thứ cảm thức trinh nguyên ấy cho ông Học Lãnh nghe như thể để kiểm chứng lại thứ niềm vui người con gái của dáng vẻ vô biên vừa mang đến cho tôi có quả là một niềm vui hay không, thứ niềm vui vừa nhận lấy tôi liền có cảm tưởng y như rằng tôi và nàng vừa trèo lên được một nơi chốn như thể đỉnh cao của cuộc đời, hay như thể là vừa bước chân vào được một hang động nhìn thấy bao vẻ sáng lạng của văn minh tiền sử, đấy là một niềm vui kép, người tình của mình đã đến với mình, và người tình của mình đã được ngồi ngang hàng với các bậc tổ tiên đã sáng nghĩ ra thứ sản phẩm tinh thần bức thiết nhất và cao khiết nhất của nhân loại, tôi như thể cứ nói mãi vẫn không nói hết thứ cảm thức trinh nguyên ấy, và như thể để đánh thức cơn mê sảng của tôi, ông Học Lãnh đã xen vào, nói,

ai chẳng biết đấy là những thứ bức thiết và cao khiết trong cảm thức nhân loại, nhưng nó, thứ tinh thần dân chủ các nhà Hy Lạp cổ đại đem ra thảo luận buổi ấy cũng chỉ như thể mới thử làm một cuộc thể nghiệm là thử nhuộm nhân loại với thứ màu sắc có tên dân chủ,

ông Học Lãnh nói, cách cắt nghĩa có vẻ hơi kỳ cục ấy đã khiến tôi lập tức rơi vào cảnh trí như thể một thứ mê hồn trận, sao lại gọi là nhuộm nhỉ,

bác có sự lầm lẫn nào ơ đây không vậy,

tôi nói, lần đầu tiên tôi đã tỏ ý không đồng tình với nghĩ ngợi của ông Học Lãnh, nhưng ông già khó khăn ấy chẳng tỏ ngạc nhiên trước phản ứng có vẻ bất thường của tôi, anh bạn trẻ à, lần đầu ông Học Lãnh gọi tôi là anh bạn trẻ, tôi có hơi hoảng một chút, thật ra, thứ tinh thần dân chủ tôi đang thao thức chẳng phải là đang nằm trong cách ông Học Lãnh đang coi tôi là bạn đồng điệu của ông đấy sao, anh bạn trẻ, ngôn ngữ ấy không bắt đầu từ tinh thần dân chủ thì là gì,

ta nói đấy là nhuộm là để làm rõ ra một cái gì trừu tượng, dân chủ chỉ là khái niệm, thứ, chỉ thấy được trong nghĩ ngợi, chỉ trịch qua bên này hay bên kia ý nghĩ chúng ta một chút là lập tức trở thành cái khác, cái chống lại nó, ở một góc độ nào đó, lịch sử loài người là một cuộc chiến tìm kiếm khái niệm dân chủ, một cuộc chiến có vẻ không ngừng nghỉ,

ông Học Lãnh nói,
ý bác muốn nói cuộc tìm kiếm khái niệm dân chủ là những cuộc chiến đổ máu,

tôi nói, ông Học Lãnh không nhìn tôi, mà nhìn trời đất,

có nghĩa, người ta vẫn cứ tiếp tục làm ra tro tàn, anh ạ,

 

có vẻ như, theo cách nhìn của ông Học Lãnh, hiện thực cuộc sống cứ như thể những sự thể xê xịch miết trong trời đất, tiếng chim cu buổi sớm có thể sẽ chẳng còn trong sáng nếu lũ chúng vẫn cứ tiếp tục hót trên bờ tre làng đang rũ xuống trong cảnh hoàng hôn buồn bã bỡi đêm là thuộc về một hành trình khác, tôi cứ có cảm tưởng ông già khó khăn ấy lúc chìm đắm vào những xa xăm, thứ còn tận đâu nơi phương trời mù mịt, bấy giờ ngôn ngữ của ông là toàn bộ những phong nhiêu, hoa gấm và trù mật, nghe, và cứ thấy lòng ta bay bổng, nhiệm mầu, nhưng lúc thì cứ cảm tưởng như thể thân xác ông tanh banh giữa một ngày hôm trước bất trắc nào đó, quá khứ đối với ông như thể một cái lò mổ vĩ đại, đó là những lúc con người phải chịu khốn đốn, nhưng bọn họ lại bảo là cách tập dượt để sống anh bạn trẻ ạ, ông Học Lãnh nói, lại đưa tôi vào một phạm trù khác, ở đấy, ông làm vỡ ra những dối trá như thể làm vỡ ra những ung nhọt trường cửu của nhân loại, hóa ra đấy chỉ là một câu chuyện kể…’’bọn họ bảo, này ông Học Lãnh, ông là kẻ có chữ nên phải cống hiến cho đất nước, ta hỏi cống hiến như thế nào, bọn họ nói phải cống hiến hết mình bỡi trí thức là rường cột của quốc gia, ta bắt đầu nghĩ về cách làm sao cho những người làm công việc trị nước phải hiểu thấu  những mong mỏi nhỏ nhất của những người dân đang được cai trị, ta bắt đầu nghĩ cách làm sao cho những người cùng khổ bớt dần sự ngu muội, và cuối cùng mọi người đều có tri thức về đời sống của nhân loại, ta bắt đầu nghĩ về  cách làm sao cho mọi người đều có cơm ăn áo mặc sang trọng, ta nghĩ, và viết ra, hầu như ngày nào ta cũng nghĩ, và viết ra, rồi giấc mơ kỳ dị ấy bắt đầu xâm nhập vào ta, đêm, cứ chợp mắt là ta lại nhìn thấy kẻ cầm cày ấy gác cây cày trên trên đường đi, xông vào tòa lâu đài ấy, ngồi lên chiếc ghế sơn son thếp vàng, ta cảm thấy sợ hãi lắm, rồi cả ngày lẫn đêm, cứ chợp mắt một chút là nhìn thấy người cầm cày ấy xông vào tòa lâu đài ấy, có lúc thì nghe người ấy hét lên, kẻ nào không nghe ta thì chết, giấc mơ lạ làm ta sợ hãi, chẳng thể nghĩ và viết được điều gì nữa cả,  nhưng bọn họ bảo, này ông Học Lãnh, đấy là cách tập dược để sống đấy’’, tôi nghe  ông Học Lãnh  từ đầu chí cuối, và cứ có cảm tưởng như thể  là mình cũng đang rơi vào một giấc mơ,

 

‘‘rồi ngươi cứ mãi nhìn thấy những vung vãi tro tàn’’,  bỗng ông Học Lãnh nhắc với tôi [nhắc, hay là  nhấn mạnh nhỉ]  đề từ trong Những Khúc  Cuối, một buổi tối vô định, và một cuộc chuyện trò  vô định, chứ còn gì nữa, có bao giờ chúng tôi  biết trước là sẽ nói với nhau về điều gì, thế giới chín phần còn chưa sáng tỏ [khoa học gọi nó là cái hố đen] chúng tôi đang  chới với  trong cõi mơ hồ bạt mạng đó, làm sao biết được chúng tôi sẽ tiếp tục  nghĩ gì, và nói gì, xưa, có kẻ nhìn thấy táo rơi cho là tất định, nhưng  giờ mọi lẽ như thể  trắng trời một cõi  đi về như không [tôi vẫn chờ em giữa những hạt thóc đồng làng] …’’ rồi ngươi mãi nhìn thấy những vung vãi tro tàn’’, ông Học Lãnh bỗng nhắc đến lời đề từ trong Những Khúc Cuối, tác phẩm văn chương khuyết danh, chút công lao các  tổ tiên chúng tôi đã để lại cho đám con cháu chúng tôi, trong những tháng năm đằng đẵng ấy bọn họ đã thấy gì, nghĩ gì, quả tình tiền nhân chúng tôi vẫn cố gửi gắm cho hậu thế những u hoài lận đận, nhưng có thật là  chúng tôi vẫn cứ mãi nhìn thấy  những tro tàn hay không,
đọc, và tiếp nối những hoài nghi của tiền nhân, đó là chuyện của đám hậu thế chúng ta, anh bạn trẻ ạ, 
vào cái đêm vô định chúng tôi  chẳng biết sau đó sẽ nói với nhau về điều gì, ông Học Lãnh đã bắt đầu câu chuyện vô định bằng cách nhắc lại lời đề từ trong Những Khúc Hát Cuối,

nhưng bác có chắc như tổ tiên chúng ta đã nghĩ được hay không,

tôi nói, cứ thấy hoài nghi trong lòng [rồi  núi sẽ biến thành con đường chết/lũ chim rừng khóc  mùa tang… trích  trong Những Khúc  Cuối] ông Học Lãnh không trả lời tôi, chỉ ra hiệu  cùng ông  ra sân, đêm tháng tư vằng vặc ánh sao,

ta nghe  người ta đã tìm ra được một vì sao mà của cải ở đó tính ra tới mấy chục con số,

ông Học Lãnh bỗng nhắc tới thành quả khoa học con người vừa đạt được,

thưa, người ta  bảo hành tinh ấy là một khối vàng bạc khổng lồ, bác ạ,

tôi nói, ông Học Lãnh ngước mắt nhìn  trời,

phải rồi, người ta lại định làm ra tro tàn nữa đấy, anh bạn ạ,

ông Học Lãnh nói, một ngôi sao đang rụng xuống giữa bầu trời đêm, 

 

những cuộc chuyện trò với ông Học Lãnh cứ như những cuộc khai quật [ người đi mùa thu lá đổ/ nhưng dưới chân người tràng giang những năm tháng chết] cứ như từ trong thứ ngôn ngữ chân thành ấy nhô ra những tầng, vĩa, những nham thạch lâu năm, như thể đến lúc đó, đến lúc xảy câu câu chuyện đó , thì đám người dấu mặt phải đứng ra nhận  lỗi với trần gian, hóa ra lại là một câu chuyện cũ nữa, rất cũ…’’ khi ta đến nơi  thì mọi chuyện đâu đã vào đó, chỉ một con nai trên núi Nung chạy xuống đồng làng mà cả làng này phải động não [nếu không nói là rất khổ tâm, và lo lắng] khi ta đến nơi thì mọi chuyện như thể đã được tính toán kỹ lưỡng [có nghĩa chẳng còn có chỗ nào còn có thể mang lại hậu quả hiểm nguy] là thế này, đầu nai là biếu cho ngài hạt trưởng  kiểm lâm [coi như người  có quyền quyết định mọi chuyện của rừng núi Nung, có nghĩa, có quyền cho ai hay không cho ai vào rừng lấy củi,  bỏ tù ai hay không bỏ tù ai xâm phạm lũ thú trên rừng, vân vân] hai đùi nai là cho ngài trưởng làng và hai vai nai là cho ngài hương kiểm làng, còn lại, nấu cháo ăn chung cả làng, này ông Học Lãnh, ông là cao niên và chữ nghĩa nhất làng thì hãy ngồi vào đây, khi thấy ta, cả tay hạt trưởng kiểm lâm cả đám hương chức của làng đều ứng lên, bọn họ bảo ta hãy ngồi vào đầu chiếu, ngay ở bên trên bọn họ, bữa cháo thịt rừng của làng là được dọn ăn trên những chiếu trải dài trên sân đình làng,  chỉ đám hương chức của làng và tay hạt trưởng kiểm lâm trò chuyện  nhau rôm rả, còn dân làng chỉ im lặng nghe, và ăn, nói gì đi chứ ông Học Lãnh, thấy ta cũng im lặng, bọn họ khơi chuyện, ừ thì nói, ta nhìn cái đầu nai và cặp đùi nai vai nai treo lủng lẳng trước cửa đình làng, và nói, cũng nhờ phước đức ngài hạt trưởng với các hương chức của làng con nai mới lạc xuống đồng cho chúng ta được ngồi  ăn thế này, ta nói, và sau đó trên đường về nhà ta nôn thốc nôn tháo cả cháo nai lẫn thịt nai, bởi khi nghĩ đám nhà cầm quyền nó đi lừa đám người có chữ thì không còn chịu đựng được’’, những cuộc chuyện trò với ông Học Lãnh cứ như những cuộc khai quật bất ngờ, kỳ thú, biết đâu lại trả được mối hận thù truyền kiếp  [ biết đâu cũng có ngày em nghe tắt ngấm hết lửa lòng…]  quá khứ cứ như một thứ trí nhớ tồi tệ,

 

ghi chú về người con gái của dáng vẻ vô biên,
trong cuộc vận hành của hoàn vũ, lắm khi tôi thử nhìn lại mình và cảm thấy vô cùng sợ hãi, cuộc thử nghiệm của chốn trên cao có hơi quá sức chịu đựng đối với tôi, chút hạt bụi trần gian, này, anh cứ ngồi im như thế nhé, người ta đã cho canh giữ tôi, ngày đêm, bọn tôi nô liếm gót ngựa của chủ hầu như không rời mắt khỏi tôi, bọn họ dòm chừng từng chút ý nghĩ của tôi, này, anh bạn hãy cứ ngồi im như thế nhé, bọn họ lại nhắc nhở, tôi phải giấu nàng vào những ô ngăn của ký ức, mùa đông, tôi nghe giá buốt tâm can, nàng lại vạch những  lá rụng trong vườn nhà tôi để thử nhìn  vào thế giới bên ngoài, anh ơi, em cứ sợ người ta lại làm hại anh, nàng nói, không sao đâu, tôi nói, và phủ lên những ô ngăn ký ức lớp dụ ngôn dày đặc ẩn nghĩa: ta đang lập bảng phong thần cho các người đây, nguyễn văn A ở xóm thượng giữ làm thần gió, hãy nhớ, mùa xuân phải thổi về ngọn thanh phong, tức những ngọn gió trong lành, nguyễn văn B ở xóm trung giữ chức đại tư mã để lo việc triều chính với vua, phải luôn coi chừng bọn rợ dã tâm phương bắc đấy, hết lòng phụng vụ đất nước là nghĩa vụ của một chiến binh…bọn tôi nô liếm gót ngựa của chủ xúm đọc bảng phong thần [thật ra, chẳng có phong thần nào hết, đấy chỉ là những dụ ngôn thời đương đại] tưởng tôi đã giác ngộ theo về với chủ của bọn chúng, bọn tôi nô liếm gót ngựa của chủ  bỏ việc canh giữ tôi, mùa xuân, nàng đường hoàng bước ra khỏi sầu muộn, nhìn ánh mặt trời, nói, em phải làm cho cuộc tình chúng ta vĩnh hằng, tôi hỏi làm cách nào, nàng đọc: cứ phủ lên đó những thi ca, hết thảy sẽ hóa thành hoa gấm, thì ra, người con gái của dáng vẻ vô biên là chủ soái những vần điệu lưng trời,

 

đọc thêm:
Chiếc lều của dòng sông đã vỡ: những ngón tay cuối cùng của lá/
Bám lấy và rơi vào bờ ướt/Gió/Băng qua vùng đất nâu, chưa từng nghe. Các nữ thần đã ra đi/Sông Themes ngọt ngào, nhẹ nhàng chảy, cho đến khi tôi kết thúc bài hát của mình /Dòng sông không mang theo những chiếc lọ rổng, những giấy sandwic / Những khăn lụa, những họp thuốc lá, những đầu thuốc lá/Hay một lời chứng nào khác của đêm mùa hè/ Các nữ thần đã ra đi /Và những người bạn của họ, những người thừa kế chậm trễ của các vị cai quản thành phố/Cũng đã ra đi, không để lại địa chỉ /
Bên dòng nước Leman tôi ngồi xuống và khóc/Sông Themes ngọt ngào, nhẹ nhàng chảy, cho đến khi tôi kết thúc bài hát của mình/SôngThemes ngọt ngào, nhẹ nhàng chảy, vì tôi không [dám] nói to hay nói lâu/Nhưng tôi nghe có ngọn gió lạnh ngắt ở sau lưng mình/Tiếng xương xẩu, và tiếng cười khúc khích tràn từ tai này sang tai kia/The river’s tent is broken: the last fingers of leaf/Clutch and sink into the wet bank. The wind/Crosses the brown land, unheard. The nymphs are departed/Sweet Thames, run softly, till I end my song/The river bears no empty bottles, sandwich papers/Silk handkerchiefs, cardboard boxes, cigarette ends/Or other testimony of summer nights/The nymphs are departed/And their friends, the loitering heirs of city directors/Departed, have left no addresses/By the waters of Leman I sat down and wept . . ./Sweet Thames, run softly till I end my song/Sweet Thames, run softly, for I speak not loud or long/But at my back in a cold blast I hear/The rattle of the bones, and chuckle spread from ear to ear [Thomas Stern Eliot/Wast Land/The fire sermon/Đất hoang/ Bài giảng lửa]

 

làng đã ngủ cả, như thể hết thảy đang bỏ quên ngoài đồng làng giấc mơ khủng khiếp, tôi thức với thứ cảm giác như thể mặt đất mãi chòng chành, và lần này thì theo cách khác, cái chết vẫn đang thản nhiên diễn ra, còn thản nhiên hơn cả cơn gió mùa xuân thản nhiên thoảng qua những bông hoa đang trỗ, bỡi lần này thì người ta nói không phải  là ngẫu nhiên của tự nhiên, mới hôm qua có người đến nói với tôi,  rằng,  tai họa lần này là do con người gây ra, tôi cứ lịm  đi như một kẻ đã chết, khi thất vọng tột đỉnh thì con người ta như kẻ đã chết, tôi lịm đi, và cứ mong sao không phải là thế, nhưng cái chết vẫn cứ thản nhiên diễn ra như không hề đếm xỉa đến chuyện gì cả, châu Âu đang thức, châu Mỹ đang thức, châu Á châu Phi cũng đang thức, giữa lúc trí khôn con người đang cố tìm kiếm một cuộc đối thoại nghiêm túc với cái chết thì chúng vẫn cứ ngoảnh mặt làm ngơ như thể không hề hay biết gì về chuyện con người đang  ngã xuống hàng loạt,

mới hôm qua có kẻ đến nói với tôi,

rằng,

bọn kẻ cướp của thời đại đang nhân cái chết đang tràn lan khắp nơi để tạo ra những cái chết khác theo cách của chúng cốt chỉ để cho chúng được sống như  bậc đế vương trong  hoàn vũ,

tôi nói đó là những con sói hoang,

đêm, nghe con chim ấp muỗi vỗ cánh nơi bờ rào trước nhà, tự dưng tôi cứ thấy những tiếng động ấy là thuộc về một thế giới xa lạ nào đó, và những câu chữ ập đến trong nghĩ ngợi của tôi như thể những câu đố bí hiểm của tồn tại về việc tại sao đám trăng sao trên trời lại vận chuyển theo những nhịp điệu như thế,

 

VÀ VỀ CÂU CHUYỆN CUỘC CHƠI KHÔNG HỀ KẾT THÚC NƠI TRẦN THẾ,  

 

câu chuyện như thể một thứ vũ trụ luận ngút mắt, cái bao la của những nhuyễn thể [cái bao la của những tinh vi] vĩ mô của những vĩ mô, ai đứng phía bên kia của các bến bờ những nghìn năm qua để nhìn ngắm, như thể là tôi đang nghe những tiếng thở dài, từng thế kỷ trôi qua vẫn cứ nghe thấy những tiếng thở dài, cổ vật học, rồi tân vật học, tức hết thảy những công trình nghiên cứu về nhân loại xưa nay: các khoa học về thiên nhiên, các khoa tôn giáo học, khảo cổ học, dân tộc học, xã hội học, văn học, triết học…xưa nay kinh sách xếp đầy nơi các thư viện [các tàng kinh các] và  câu hỏi vì sao thế giới lại là cuộc chơi không hề kết thúc vẫn là câu hỏi lớn nhất của nhân loại,

 

tôi nằm im giữa miền ẩm ướt, và chờ, sự ẩm ướt đôi khi cũng làm tôi thấy nản lòng, nhưng tự trong thẳm sâu ý thức tôi hiểu ra rằng đây là  cuộc đợi chờ lớn nhất hoàn vũ, con người trong hoàn vũ là phải đợi chờ, có vẻ là như thế, và tôi thì không thể, cũng như chẳng ai có thể để cho tôi đứng bên ngoài cuộc đợi chờ ấy, chưa tìm thấy, và chắc chắn là không bao giờ tìm thấy  lý do để cho tôi đứng ở bên ngoài cuộc đợi chờ này, nhưng cứ nằm im như thế giữa ẩm ướt để đợi chờ thì đến kẻ bàng quang nhất cũng phải lấy làm lạ, bạn không thấy có gì đó không ổn hay sao, lũ dế hỏi, cũng bình thường thôi, tôi trả lời với lũ dế cho qua chuyện, nằm chờ… có vẻ nhân gian đang cạn nước mắt, lũ dế chỉ nói vậy, rồi bắt đầu xướng lên những lời ca với tôi như thể những tra vấn nghiêm túc nhất về trần thế [loài sâu bọ nào không ăn lá/ ai khóc khi hoa mộc dược úa tàn/ một cõi không người/ vắng khúc tiêu trầm/ bờ bãi/ cứ bay lên đi bay lên đi/ ngọn khói/ đừng để cho phù du lấn lướt…] những lời ca nghe đến nghìn lần vẫn cảm thấy nhức nhối nhận thức, có khó khăn, nhưng không thể không nghe, bỡi những lời ca như thế là chạm đến cái thiết cốt, chạm đến những chổ đứng: thân phận con người, một lối thoát bằng những lời ca của dế ư, tôi nghĩ, và vùng đứng lên, nhưng không được, thế giới vẫn cứ như miền ẩm ướt choàng phủ lên hết thảy những hiện hữu, đã đến lúc có nhiều nước mắt hơn hay sao,  tôi nằm im và mỉm cười  khi nghe lũ dế hát đến chỗ nhân gian khóc nhiều hơn [con đường ẩm ướt hơn/ có nhiều kẻ vấp ngã hơn/nát những bài ca…] cũng được thôi, cuối cùng thì tôi cũng có thể nhập bọn cùng lũ dế suốt cả một giống nòi chỉ có mỗi bài ca của đất,

 

người nằm cạnh tôi lại là một nhà khảo cổ học, ông già thông tuệ cũng sắp rời bỏ cuộc sống trong nay mai, anh có thích nhìn chim én bay hay không, ông hỏi, thưa, rất thích nữa là khác, tôi nói, tháng giêng, chúng tôi đang nằm ngửa, và nhìn thấy chim én bay trên bầu trời ẩm ướt, ẩm ướt  cả trong  màu nắng sớm, ẩm ướt cả trong cách sắp xếp những đám mây màu trắng nhọn đầu chồng lên những đám mây màu xám bằng đầu [hình thù của những con bài trong những cuộc đỏ đen] ẩm ướt cả trong cách chao nghiêng cánh của lũ chim, ừ, thì là buổi sáng, là mùa xuân, nhưng chúng tôi cứ thấy trong những khái niệm cổ kính ấy tiềm ẩn điều gì như thể sự băng hoại, một xói mòn không thể cứu vãn như thể đang trở thành bản thể của dịch chuyển, thấy chim én có vẻ mệt mọi trên  bầu trời cao rộng lại nhớ lần ta gần như sụp đổ trong công cuộc tìm kiếm những thời đại cũ, không phải tự dưng ông nhà khảo cổ bộc bạch tâm can, trong những ngày cùng nằm giữa ẩm ướt để chờ, chúng tôi chẳng còn dấu diếm nhau điều gì, một người đang rối rắm trước thế giới rối ren là tôi, và một người ký ức chật ních các thứ đổ vỡ, công cuộc khảo cổ đầy say mê hứng thú như thể rốt cuộc chỉ để lại trong ông già thông tuệ ấy hình ảnh của những ngưng đọng, trì trệ, vậy khảo cổ học chẳng phải khoa học về những tàn tạ là gì, hay đấy chỉ là định mệnh dành riêng cho ông bạn vong niên cùng cảnh ngộ ẩm ướt với tôi, cứ cho là vậy khi nghe ông mô tả ngày công cuộc khảo cổ của ông gần như hoàn toàn sụp đổ…’’khởi đầu là giấc mơ kinh dị, xiêm y của nàng cứ tiếp tục rơi xuống cho đến khi phơi ra đôi vú đẹp mê hồn và đến lượt cái mê hồn bốn cõi ấy tiếp tục rơi xuống, như thể bầu ngực nàng cứ từng lớp vỡ ra và rơi xuống thành những viên sỏi màu ngọc bích trên bờ con sông có con nước ngầu đỏ, cuối cùng thì  ta cũng đến được bờ con sông ấy, ta nhặt những viên sỏi trong mơ lên ngửi nghe mùi ván thuyền và mùi da thịt, đào bới đến ngày thứ mười, đoàn thám hiểm bọn ta tiếp cận được hóa thạch của một mái chèo và hóa thạch của đôi bàn tay giai nhân có mang nhẫn ngọc, thì ra, con thuyền chở giai nhân trong cuộc hành trình tìm kiếm nào đó đến khúc sông đó [hay là khúc biển nhỉ] thì đắm, ta vội vàng kiểm lại giấc mơ của mình, thì thấy, cát bụi khổ đau cho đến lúc ấy thì gặp ta, nàng [người con gái vô danh ấy] đã đợi chờ ta cho đến lúc ấy, ta nghĩ ngợi quá chừng, và lần dò vào một sự thật khác, rằng, trong cuộc tìm kiếm cái cũ của mình, một ngày nào, ta cũng sẽ gục xuống, hóa ra, hiện hữu con người chỉ là cuộc chìm đắm vào những tìm kiếm, đợi chờ, thứ lý lẽ ấy đã đánh bại công cuộc khảo cứu của ta…’’ tôi nghe, thấy đau nhói trong lòng, nhưng không thể không cảm thấy buồn cười, rằng, người con gái vô danh ấy thì đợi chờ nhà khảo cổ, còn nhà khảo cổ thì đợi chờ một cuộc khai quật khác, này, anh đã nghe thấy gì chưa, ông già khảo cổ bỗng vỗ vỗ lên người tôi, nói, thưa chỉ là tiếng gió, tôi nói, không phải, dường có giọng nói ông vua nào đó trong lễ lên ngôi đang nhòe đi trong ẩm ướt, ông nói,

 

tôi gặp phải sự kiện như thể một ghi chú vô cùng quan trọng trong cuộc hành trình của mình, mùa đông con chèo bẻo đến nằm với tôi, thực ra đấy chỉ là một con chim vườn nhà tôi, bấy giờ cứ sáng ra là tôi lại ra ngồi ở cửa nhà sau, con chèo bẻo lại đến nhảy nhót trên thành giếng nước và nhìn tôi, và cứ chiều xuống là tôi lại ra ngồi ở cửa nhà sau với nắm thóc trong tay, khi con chèo bẻo bắt đầu nhảy nhót trên thành giếng nước thì tôi mở tay thóc ra, cứ thế, suốt một quảng đời tuổi thơ của tôi, con chèo bẻo đã đến ăn thóc trên tay tôi, vậy không phải tri kỷ thì là gì, câu chuyện cứ tưởng để kể cho vui về sau đã theo suốt cuộc hành trình của tôi, lâu lâu câu hỏi vậy thì tri kỷ là gì lại dấy lên trong tôi, cho đến hôm tôi đang nằm chờ trong sự ẩm ướt con chèo bẻo đã đến nằm với tôi, ta đi tìm bạn bấy lâu, nay biết được bạn đang nằm chờ ở đây, nghe con chèo bẻo nói rặt tiếng người tôi vui đến muốn nhảy lên, hét, tôi nói với con chèo bẻo là tôi đang chờ, và cũng chẳng biết đến chừng nào thì nhìn thấy được điều tôi chờ đợi, không sao đâu, ta cũng đang chờ đây, ta chờ tìm được một giọng hót cho hợp tình hợp lý, tại sao các loài chim khác thì biết hót còn loài giống của ta thì không, con chèo bẻo nói gần như thét lên, cứ cho là con chèo bẻo ngang tuổi với tôi dẫu lúc tôi còn là đứa bé con chèo bẻo lớn chừng ấy và giờ tôi đã thành kẻ thiết lập được cuộc hành trình con chèo bẻo cũng chỉ lớn chừng ấy, không sao đâu, ta biết, cuối cùng thì loài giống của ta cũng biết hót, con chèo bẻo nói, rồi nép sát vào người tôi, giờ thì tôi biết tri kỷ là gì rồi, chúng tôi là tri kỷ tự hồi con chèo bẻo còn ăn thóc trên tay tôi, giờ con chèo bẻo biết tiếng người thì cũng là tình bạn ấy thôi, nó nói giờ nó cũng đang chờ đợi như tôi, rất chờ đợi, vậy không phải tri kỷ thì là gì, phải nói đến mùa đông sự ẩm ướt của thế giới là ghê gớm, tôi cứ tưởng tôi với con chèo bẻo là không qua nổi mùa đông ấy,

 

ở thảo nguyên ấy mọi người vừa trườn bò đi trên đám cỏ cây hoang dã vừa ra sức cầu nguyện,  a ma ta la đa ra ca đan ta, có lẽ tôi là người duy nhất trong những người đang chờ đợi đã làm bật ra khỏi dòng âm vang cầu nguyện kỳ tuyệt ấy những âm tiết chỏi tai, bỡi tôi vừa cùng mọi người tụng đọc những lời lẽ bí hiểm ấy chốc chốc lại tự ý dừng lại để ngẫm nghĩ ý nghĩa của những từ ngữ coi như lần đầu trong đời tôi  nghe được, chuyện là, vào một sớm  mùa thu, bọn chúng tôi vùa mới trở dậy trên đám cỏ cây hoang dã thì nghe vang lên trên thảo nguyên giọng nói rất lạ, mới đầu cứ tưởng ai đó trong những người đang chờ đợi xướng lên lời cầu nguyện, nhưng nghe kỹ đó chẳng phải ngôn ngữ của những con người bình thường, a ma ta la đa ra ca đan ta, đấy, cứ nghe như thể một thứ mật ngôn ẩn chứa ở trong nó những âm tiết vang động mà lạnh lẽo, cô độc, huyễn hoặc [vô cùng] mà như thể  là hệ lụy của những tiếng cười khoái trá, hay lời truyền dạy của một vị thần nào đó chăng, hay chỉ là cách nguyền rủa của cỏ cây, hay tiếng kêu hoảng hốt của con vật nào đó, cứ vang lên những đoán định, như thể mê hồn trận đang giăng mắc chúng tôi, rồi ai đó đã thét lên, lũ các người có im đi hay không, nhất định là ai đó trong những người đang chờ đợi đã thét lên, và trên thảo nguyện vẫn còn y nguyên giọng nói lạ ấy, ngôn ngữ ấy có làm ngưng lại  nghĩ ngợi chúng tôi trong chốc lát, nhưng liền sau đó hết thảy chúng tôi như thể bị dồn vào chỗ tận cùng, chẳng còn có biện chứng nào ở đây hết, chẳng còn có thứ lý lẽ nào ở đây hết, chỉ còn nghe sự thôi thúc của sống còn, cuối cùng, hết thảy chúng tôi phải cùng ứng lên, cả thảo nguyên vang lên, a ma ta la đa ra ca đan ta, vào những lúc khác, những chuyện như vậy chỉ là chuyện tầm phào, nhưng trong những giờ phút như thế, những giờ phút chúng tôi bị dồn vào chỗ tận cùng [thế sự]  những chuyện như thế bỗng hóa thiêng liêng, chúng tôi vừa rống lên những lời lẽ kỳ dị ấy vừa thành thật nghĩ là mình đang cầu nguyện, mùa thu ấy những người đang chờ đợi chúng tôi đã tự trang bị cho mình một lối ra cực nhọc,

 

chỉ mỗi ngọn gió nhỏ hay mỗi giọt mưa nhỏ cũng đủ
để quật ngã ngươi, thì ngươi lấy chi để lớn tiếng với trần gian/
LỜI GHI TRÊN VÁCH NÚI VOI NẰM

 

những dòng sông, mật ngọt của đất, lại đây một lúc thôi, lại đây, và để cho những dòng chảy quét sạch những rác rưởi, quét sạch những mưu toan và những phản bội, lũ chúng cũng vừa mới vẹt bùn đất lén dòm lên bầu trời và phun ra những lời kiêu hãnh [để che đậy bản chất dơ bẩn của mình bọn chúng hay bày trò huyênh hoang vậy đấy] những dòng sông của đất, lại đây một lúc thôi, và cứ để cho những dòng chảy quét mật ngọt lên đất, những dòng chảy rùng mình hôn lên bờ bãi, và đất đai cứ cúi xuống cúi xuống, những bận giao hoan chỉ có thể tính bằng thời khắc, tính bằng thiên niên kỷ, tính bằng độ dài của những vẻ đẹp, và cứ nghe thốt lên, luôn nghe thốt lên, những lời biết ơn của những ngày tháng không tên, tôi đang thấy vui, và cứ muốn gọi tên những dòng sông, hóa ra, chỉ mỗi câu thơ của cổ nhân, câu thơ của rượu và tình ái đã làm tôi thấy vui, tôi đang thấy vui, đang cảm thấy như thể sắp nhìn thấy điều tôi đang chờ đợi…’’hãy để cho ta chết trên yếm hồng giai nhân, nàng là mưa nắng là bão táp của ta’’, hóa ra, chỉ mỗi chiếc yếm hồng giai nhân với câu thơ tình ái, chỉ một chút thi ca cổ kính, mà vực được tôi đứng lên bước đi một đoạn đường dài, có điều, sau đó thì tôi lại gục xuống sự ẩm ướt của thế giới,

 

ở đây em đang sống trong sự đợi chờ anh à, đợi chờ con tàu ấy cập cảng, và đợi chờ lũ còng nói với em một lời nào đó chứng tỏ chúng  hiểu ra công việc của em ở đây là vô cùng quan trọng, em luôn có cảm tưởng một con tàu sẽ cập cảng và mang đến những tin tức tốt đẹp về thế giới, cũng chẳng thể mường tượng đó là gì, chỉ có niềm tin vững chắc rằng đó là những tin vui về thế giới, chà, sáng nay bạn có vẻ sang trọng ghê, lũ còng nói, sáng ấy, quả tình, trước khi ra bến cảng để chờ con tàu ấy, em đã mặc bộ áo váy đẹp nhất của mình [có trời mới biết tự dưng em cứ nghĩ là có anh trên chuyến tày ấy] cũng bình thường thôi, các bạn ạ, em nói, và tiếp tục thả bộ trên bãi biển ấy, trong khi chờ con tàu cập cảng em lại thả bộ trên bãi biển ấy, và lũ còng lại vây em, trò chuyện, bạn có chắc là con tàu ấy sẽ đến hay không, đấy là câu hỏi đầu tiên khi lũ còng trông thấy em xuất hiện ở bãi biển, và lúc nào em cũng đáp chắc chứ sao không chắc, chúng chỉ hỏi vậy, rồi lại bắt đầu huyên thuyên bao nhiêu thứ chuyện về cuộc sống của bọn chúng, ở đây chẳng phải là chuyện trù ẻo nhau đâu bạn ạ, hoặc, ở đây chỉ là để thử sức thôi bạn ạ, em cứ có cảm tưởng những câu chuyện chúng đem ra kể với em chỉ là hệ quả nhẹ nhàng như mùi sương sớm sau khi chúng đã xô lệch thế giới sang một bên cuộc hành trình của chúng, tức làm cho thế giới khác đi, và, có vẻ như là chúng vẫn cứ ra vẻ chẳng hề quan tâm đến công việc của em ở đây, đồ ngu, thật ra, em đã thầm nguyền rủa bọn chúng thế, bao giờ chúng cũng đem ra khoe với em là loài còng của chúng đang kiến tạo những tòa lâu đài to lớn trên cát, thật ra, em chỉ thấy ngày nào chúng cũng vùi người trong cát, chỉ là một lũ ngu, cứ nghĩ đến chuyện chúng cứ tỏ vẻ chẳng quan tâm gì đến công việc của em ở đây là em lại tức điên lên, và thầm nguyền rủa chúng, nhưng trong những ngày đằng đẵng đợi chờ, buồn, và đôi khi thấy nản, em lại cần đến những cuộc chuyện trò với lũ còng, và cho đến cái buổi sáng ấy, em vội vã mặc áo quần để ra bến cảng vì đã nghe thấy có tiếng còi tàu đang cập cảng, nhưng rồi lại phải tiếp tục đợi chờ bỡi con tàu vừa cập cảng chẳng phải con tàu trong nghĩ ngợi của em, chà, bữa nay bạn có vẻ rất buồn, lũ còng nói, cũng bình thường thôi, các bạn ạ, em đã nói dối với lũ còng, ồ, bấy lâu chỉ nghe lũ chúng nói, nay mới gặp mặt giai nhân, một con còng có vẻ già nua chập chạp nhìn em, nói, và cái đám còng quen thân ấy đã trèo lên người em, lũ chúng bay có nghiêm túc một chút được không, con còng già nua chậm chạp bỗng quát, các bạn lại đi bắt chước con người bày trò quấy rối tình dục sao, em  đang buốn bực nên giận dữ nghĩ vậy, nhưng con còng già đã làm cho em ân hận về nghĩ ngợi nông nổi của mình, bạn  chớ tức giận, chẳng qua là sự vui vẻ hơi quá của bọn trẻ thôi, thưa, cháu xin lỗi bác ạ, chẳng hiểu sao em lại gọi con còng già nua chậm chạp bằng bác, lần đầu tiên trong đời em gọi một con còng bằng bác, thật ra có nhiều chỗ chúng ta giống nhau bạn ạ, con còng già nua chậm chạp nói, giống nhau chỗ nào, thưa bác, em nói, ngày nào bọn ta cũng nghe các bạn nói về tự do và hạnh phúc, cũng như ngày nào các bạn cũng nghe bọn ta đi xây nhà trên cát, thế giới chỉ là một thứ lời hứa suông bạn ạ, con còng già nua chậm chạp nói, em hoảng lắm anh à, những lời như thế đúng ra chỉ dành cho một nhà hiền triết chứ không phải dành cho một con còng, anh ạ [tôi lại mường tượng là mình đang đọc thư của người con gái của dáng vẻ vô biên]

 

tôi lại phải ghi vào cuộc hành trình của mình một chút bụi, không phải bụi của hồng trần rộng lớn, mà chỉ là từ một góc đời chật hẹp của một gã thợ săn, ta muốn kể từ đây anh hãy gọi gã thợ săn này là hạt bụi không hề mệt mỏi, những lời sau cùng của kẻ thành thật cứ như thứ âm vang có thể làm đảo lộn mọi thứ lý thuyết mơ hồ trong các triết học cung đình, người ta cứ việc ngồi giữa chốn cao sang mà viết về thế giới, nhưng tôi thì thấy quá khó khăn để ghi lại những lời sau cùng của một kẻ sắp chết, anh đi lấy giùm cái tù và cho ta, giọng nói ông già Khảm đã yếu lắm [gả thợ săn ấy là ông già Khảm] tôi đi lấy chiếc tù và, và biết ông già ấy muốn nhìn lại lần cuối biểu tượng của một thứ uy lực [uy lực chứ không phải uy quyền] cái làm cho ông ấy suốt một quảng đời thật dài không hề biết mệt mỏi tôi gọi là cuộc chiến chống lại sự lười nhác của tư duy, anh biết không, ta chưa hề lùi bước, và đàn chó thân yêu của ta cũng thế, ông già Khảm nói, lấy áo lau mắt, đặt chiếc tù và lên ngực, tôi biết là ông đang làm một cuộc săn giả định trong những giờ phút sau cùng của một con người, lúc đầu ta chỉ có ý định luyện đám chó của ta thành những tay thợ săn giỏi, sáng ra, ta dẫn chúng ra vườn, mới đầu là tập đuổi lũ gà, mới đầu thì tiếng tù và chẳng là gì cả đối với sự hăng máu của lũ chó, vậy là ta phải dừng lại, vỗ về, ta trò chuyện với chúng, và thành thật nghĩ là chúng hiểu được những lời ta nói, cứ vậy, bây giờ thì tập đuổi lũ chuồn chuồn đang vờn ở trên cao, nghe tiếng tù và, chúng nhảy lên, rồi nghe tiếng tù và, chúng dừng lại, vậy là ta đã dạy được lũ chó, cà ngày lẫn đêm ta chỉ nghĩ mỗi việc là làm sao cho lũ chó hiểu được những lời ta nói ra, lần lần chuyện ấy đã trở thành sứ mệnh thiêng liêng trong đời một gã thợ săn, cho đến lúc đó ta đã loại hẳn ra khỏi ý nghĩ biến lũ chó thành những tay thợ săn giỏi, đã đến lúc ta dẫn chúng lên núi Nung, ta chỉ tay vào núi rừng nói, lũ thú rừng đang chờ các bạn ở đó, ta giảng cho lũ chúng nghe về đời sống của lũ thú trên rừng, và thành thật nghĩ là chúng hiểu được những lời của ta, rồi chẳng biết là chúng có hiểu lời ta hay không, sau khi nghe tiếng tù và của ta, hết thảy lũ chúng tuôn vào rừng, những bữa đầu bọn ta quay về tay không, rồi ta lại dẫn chúng lên núi Nung, trò chuyện với chúng, ta lại nói với chúng thật nhiều về cuộc sống của lũ chồn lũ thỏ ở trên rừng, không phải để chúng săn bắt cho thật nhiều, mà để tập cho chúng hiểu được tiếng người, hôm săn được con mang đầu tiên, ta nấu cháo để ta với lũ chó ăn chung, mâm thịt rừng được bày ra nơi khu vườn nhà ta, ta cùng với lũ chó ngồi trước những bát cháo thịt rừng thơm lựng, đây là chiến thắng của chúng ta, ta nhìn lũ chó thân yêu của ta nói với tư cách của một người bạn đồng hành, lũ chó bỗng đứng lên, lần đầu tiên lũ chó cùng đứng lên bằng hai chân, nhìn ta, chảy nước mắt, và rên ư ử, và vẫn chưa nói được tiếng người, rồi lần lượt rời khỏi bữa cháo thịt rừng, rời khỏi ta, tôi cũng không nghĩ là ông già Khảm kể đến đây thì chết, tôi nhặt chiếc tù va đang đặt nơi ngực ông, thổi một hơi dài, như thể để tiễn đưa linh hồn ông về cõi vĩnh hằng, cuối cùng thì người thợ săn lão luyện ở làng tôi cũng đã nói thật với tôi là cả đời ông đã cùng với lũ chó của ông học cách chờ đợi, ông chờ ngày lũ chó nói được tiếng người, có ảo ảnh nào lớn hơn không,

 

tôi lại phải ghi vào cuộc hành trình của mình một hạt bụi nữa, một hạt bụi giai nhân, kẻ giấu mặt, tên của nàng, ở miền đất có nhiều hoa đá đỏ ấy người ta gọi nàng là kẻ giấu mặt [không phải người con gái của dáng vẻ vô biên đâu] tôi vừa đặt chân đến miền đất có nhiều hoa đá đỏ ấy, và vừa trông thấy hoa đá đỏ nở ở hai bên đường thì nghe nàng nói thế giới là cuộc chơi không hề kết thúc, cách nói ấy đã nghe ở đâu rồi nhỉ, tôi còn đang lục lọi trí nhớ, thì như thể cuộc phán xử cuối cùng ấy đã diễn ra, và kẻ mơ mộng trong cuộc hành trình có vẻ không thể kết thúc là tôi phải bước lên vành móng ngựa, em đã chờ anh suốt nghìn năm qua, tôi gọi đó là lời phán quyết cuối cùng, và chép ra đây, là chính tai tôi nghe lời nàng vang ra từ một bông hoa đá đỏ [đang nở ở bên đường] như niềm đam mê bất tận, nàng đã lôi tôi vào cuộc chuyện trò mãi về sau tôi vẫn giữ ý kiến rằng đó là cuộc chuyện trò mang tính thiên niên kỷ, bọn người vừa cướp được ngôi thì ngồi ở giữa đường cười ha hả, và xứ sở bỗng rộ lên những lời đả kích nhau, hay nguyền rủa nhau, kẻ vừa mất ngôi nguyển rủa kẻ vừa được ngôi, kẻ có ngôi thấp hơn nịnh hót kẻ có ngôi cao hơn, nơi các đỉnh núi thiêng các vị thần phải nương tựa nhau để sống qua thời chân lý bị khuyết mất, và sáng ra lặng ngắt tiếng chim, thời như thể con người ta không còn biết xấu hổ là gì anh à, nàng bắt đầu nói cho tôi nghe những tin tức về cuộc ẩu đả để giành trị vì thiên hạ, cái buổi sáng đầu mùa xuân ấy có gió núi từ dãy núi phía tây thổi lại còn mang giá buốt của mùa đông, tôi chăm chú nhìn đám hoa đá đỏ ở hai bên đường và nghe lời nàng, thật ra, điều tôi mong mỏi là được nhìn thấy dung nhan nàng, chứ không phải để nghe nàng nói về đám người không còn biết xấu hổ ấy, nhưng giờ thì em đang ở đâu, tôi hỏi, như thể để cho nàng bước ra khỏi những bông hoa đá đỏ, nhưng có lẽ, với nàng, thế giới là cuộc chơi không hề kết thúc, và nàng đang tham dự cuộc chơi, nên nàng phải ở đó, nhưng em định đợi tôi ở đó cho đến bao giờ, tôi lại nói như  thể để cho nàng bước ra khỏi nơi nàng đang trú ẩn, nhưng không được, em sẽ chờ anh ở đây cho đến khi kết thúc cuộc chơi anh ạ, nàng nói, như thể lời phán quyết sau cùng, là tôi phải nằm im giữa cái thế giới gần như nát bét này để nhìn ngắm một vẻ đẹp vĩnh hằng,

 

vậy thì phải sống thế nào cho qua hết những tháng năm vụn nát [thế giới có nát bét thì tôi cũng phải sống chứ] tự dưng, giữa lúc tôi còn đang rối rắm trong nhận thức thì miền đất đầy tiếng ve ấy đã chặn ngang cuộc hành trình của tôi, có nghĩa, bấy giờ, tôi có muốn không dừng lại cũng không được, có cái gì đấy vừa êm đềm vừa đau đớn, vừa quyến rủ vừa như một đoạn khúc cô đơn, làm gì lại có một thứ khí thiêng sông núi như vậy chứ, hay chỉ là cách tuần hoàn hơi khác đi của cuộc hiện sinh, đám ve đang bám riết trên hàng keo trồng dọc con đường đất dài ngút mắt, chỉ có kêu gào, và như thể chẳng còn chủ ý đến bất cứ chuyện gì khác, chì chiết, dai dẳng, riết róng, lõa lồ, và lầm than, và sầu não, phải nói thế nào về tiếng reo của lũ ve nhỉ, buổi sớm mai đầu mùa hạ, nhưng nắng trên cao như thể chẳng ăn nhập chi với đám ve cuồng nhiệt, không phải chúng gọi hè như người ta thường nghĩ, một đoạn khúc khác trong chuỗi tháng năm đằng đẵng, có cái gì đó bất thường, rất bất thường, đang diễn ra ở đây, nhưng đâu chỉ có tiếng ve, cả cái chòi canh [ở bên đường] cũng khác thường, chòi canh có giường chiếu để sẵn, có mõ làng với loa gọi treo sẵn, nhưng chẳng có  một ai ở đó, chòi canh không còn dùng cho công việc xem xét kẻ lạ vào làng, tôi ngồi lên chốn vắng ấy, và cứ nghĩ đến những chuyện không vui đang diễn ra nơi các làng xóm rải rác ở bốn chung quanh, chuyện gì, tôi không biết,  nhưng người đánh xe ngựa cũng đã dừng lại nơi con đường rợp bóng keo, cả buổi sớm mai người đánh xe ngựa cứ đánh xe không chạy ngang qua đây, lúc là chạy về phía tây, lúc  chạy về phía đông, khi ngang qua đây thì dừng lại, nhảy xuống khỏi xe, ngồi ở ven đường, dùng mấy ngón tay vẽ vời gì đó lên mặt đất, tôi nghe thấy được cả tiếng rảy đuôi chậm rãi của con ngựa kéo đang đợi chủ, không cầm lòng được cũng phải nói, sao chẳng thấy ai đi xe vậy, tôi nói, thì dừng xe ở đây coi ông có đi đâu hay không còn gì, người đánh xe nói, xin lỗi anh nhé, bỡi tôi còn công việc ở đây, nhưng ở chỗ khác người ta cũng không đi đâu sao, tôi nói, chả đi đâu hết, như thể ai ở yên nơi ấy, người đánh xe nói, rồi lên xe, cho xe không chạy về hướng đông, lại chạy về hướng đông ư, tôi lại mường tượng những chuyện không vui nào đó đang diễn ra ở khắp nơi, chuyện gì, tôi không biết, lũ ve nơi hàng keo lại gào lên, và gió thổi, cái mõ gió treo trước chòi canh lại khua lên, đây là làng Nhếch, tự dưng, tôi cứ thấy miền đất chỉ còn nghe tiếng ve và tiếng mõ ấy có tên làng Nhếch, trong tâm trí tôi cứ thấy miền đất ấy có tên là làng Nhếch, nhưng như thế là sao, cuộc sống ngưng đọng thế này cũng thuộc về cuộc chơi trần thế hay sao,

 

tôi trở lại đất Bung sau những ngày tháng do dự trước những tin tức chẳng mấy tốt lành, rằng, từ những niềm vui người ta mang lại ấy, miền đất ấy giờ đã biến thành cõi hoang vu, dị dạng, chính là những tin tức như vậy, trong một thời gian dài, đã làm đứt quãng mối tương quan vốn tốt đẹp giữa đất Bung với mọi miền đất nước, người ta không còn muốn đến đó nữa, hoặc vì sợ hãi không còn dám đến đó nữa, giờ thì trong ký ức tôi không còn đất Bung ngày ấy, nơi ông nghè Huân đã làm ra những thi ca diễm lệ, giờ thì ông nghè Huân người giải mã giúp tôi câu thơ cổ ‘‘quen nhau đến bạc đầu mà còn rút gươm ngờ nhau’’ đã thành một đứa trẻ thơ không hơn không kém, bác đến chơi cháu lấy làm hân hạnh lắm, trời đất ơi, tôi cứ thấy trời sập xuống khi nghe ông nghè Huân gọi tôi bằng bác, ông già thông tuệ ấy giờ ăn nói hoàn toàn trái ngược với lần tôi đến cầu cứu ông về chuyện thi ca, lần ấy ông nghè Huân xưng bác với tôi, và gọi tôi bằng cháu, một cũng bác cháu ta, hai cũng bác cháu ta, tôi gần như sắp quị xuống, song, vẫn rán bình tĩnh để xem xét một tình huống vượt quá sức tưởng tượng của mình, nghe trong thứ ngôn ngữ trẻ thơ của ông nghè Huân vẫn còn phảng phất chất hàn lâm lịch lãm thuở nào tôi cứ ngơ ngẫn như thể là đang rơi vào một giấc mơ hiểm nguy nào đó [thấy mình đang chết, hoặc đang sắp sửa chết] thưa, bác chớ đùa với cháu thế, tôi thưa nói với ông nghè Huân với lòng thành kính thuở nào, và cảm thấy vô vọng, nếu không nói là sợ hãi, bỡi lúc bấy giờ ông nghè Huân hoàn toàn là một đứa trẻ thơ ngây dễ bảo, bác ngồi chơi, cháu đi đun nước pha trà , ông nghè Huân nói , và đi xuống bếp, những ngày tháng đất Bung rơi vào niềm vui chưa từng như tin tức loan truyền là những ngày tháng nào, tôi có cảm tưởng mối hiểm nguy nào đó vẫn còn giăng mắc đâu đó, bữa cơm khách cũng đường hoàng như lần tôi đến cầu cứu ông nghè Huân về chuyện thi ca, nhưng không khí giữa chủ và khách thì hoàn toàn khác trước, bác ăn thiệt tình nhé, nếu bác thích nghe diễn thuyết thì cứ ở lại nhà cháu, rồi bác se mê nghe diễn thuyết đấy, là ông nghè Huân nói đến những buổi diễn thuyết đã diễn ra ở đất Bung như tin tức đã loan truyền, phải đấy, bác cứ ở lại đây để đi nghe diễn thuyết, bà nghè Huân cũng nói, đêm nào lũ cháu cũng học hát, mấy ông ở kinh đã về làng dạy cho lũ cháu hát…’’ có một mặt trời đi ngang qua tim tôi’’, người con trai chưa vợ chưa con của ông nghè Huân xướng lên hát, còn tôi thì cũng chỉ lặng lẽ gật đầu, chứ còn biết nói thế nào, bỡi tôi cũng không biết giờ thì ông bà nghè Huân có còn biết bọn họ là vợ chồng với nhau hay không, và người con trai chưa vợ chưa con của ông nghè Huân có còn biết mình là con cái trong nhà này hay không, trong bữa cơm ấy, dường như tôi chỉ thấy những đứa trẻ thơ đang vui vẻ ăn uống cùng nhau, tôi rời khỏi nhà ông nghè Huân trong mối u hoài quá lớn, và như thể gió trưa đang muốn mách bảo tôi điều gì đó, về một thứ áp lực tàn nhẫn hay một thứ lừa mị nào đó chăng, và thứ nắng của buổi trưa hè chẳng phải là yếu ớt mà như thể đang hàm dưỡng những tình ý sâu xa ẩn mật, như thể nắng cũng muốn thông báo với tôi điều gì đó, ở chỗ này đám trẻ thơ đang chơi nhảy dây, ở chỗ kia, đang chơi trò trốn tìm, và khi trông thấy tôi, thì, chơi với lũ cháu đi bác, hoặc, chơi với lũ cháu đi chú, bọn họ là những người của đất Bung đấy, và giờ thì đã thành raà những trẻ thơ ngây,, trong những ngày ấy người ta đã nói những gì và làm những gì ở đây chứ, tôi thật sự cảm thấy rối rắm, rất rối rằm, tôi đã ra tới đầu làng còn thấy ông nghè Huân hớt hải chạy theo, cháu gửi bác cái này, ông nghè Huân nói, và dúi vào tay tôi mấy quả ổi, tôi cứ đứng lặng người nhìn theo bộ dạng trẻ thơ của ông lúc ông chạy trở về nhà , và chợt nhớ đến câu thơ có tính tiên tri của ông ấy…’’rồi lũ các người sẽ cúi xuống niềm câm lặng’’, tại vì sao cuộc tuần hoàn hiện sinh lại xoay đến chỗ như vậy chứ,

 

đọc thêm,
MỘT BÀI TỤNG CA, VỀ CÂU CHUYỆN GIẢ TẠO, ĐƯỢC NÓI RA BỠI SỰ ĐIÊN RỒ TRONG CHÍNH BẢN THÂN NÀNG/Dẫu bằng cách nào tôi [cũng] hơi được kính trọng trong sự thịnh hành chung của thế giới (bỡi vì tôi biết rõ Sự Điên Rồ bị chê bai một cách không thành thật thế nào ngay cả với những người tự cho mình là những kẻ ngu ngốc vĩ đại nhất) nhưng chỉ từ ảnh hưởng của mỗi [cá nhân] tôi cả thế giới nhận được sự xôn xao nô dỡn và vui nhộn của nàng: trong chuyện này có thể được thúc giục như một thứ lý lẽ có sức thuyết phục, ở đó ngay khi tôi xuất hiện để phát biểu trước hội nghị đông đảo này hết thảy vẻ nghiêm trang của bọn họ là được mạ vàng phiên tòa hình sự với sự thú vị lấp lánh sôi nổi: bạn [sẽ] sớm chào đón tôi với cái nhìn đầy khích lệ, bạn đã khích lệ tôi bằng những lời ấp úng quá vui vẻ, rằng thực sự trong mọi thái độ, dường bây giờ bạn [đang] phun ra liều rượu hồi sinh tốt đẹp, khi ngay trước khi bạn thấy buồn ngủ một cách thõa mãn và buồn chán, như thể vừa mới đây bạn bước ra từ phòng giam của vị tu sĩ nào đó. Nhưng như thường lệ, ngay khi mặt trời ló ra khỏi chiếc gường của nó, và khép lại những bức màn đêm tăm tối, hoặc như khi, sau một mùa đông khó khăn, mùa xuân hồi phục thở thứ không khí khỏe mạnh hơn, thiên nhiên lập tức thay đổi trang phục của mình, và mọi vật dường làm mới tuổi tác của chúng, vì vậy, ngay cái nhìn đầu tiên của tôi hết thảy các bạn đều lộ ra và hiện ra trong thứ màu sắc sống động hơn. Do vậy, điều mà các nhà diễn thuyết lão luyện hiếm khi có thể gây ảnh hưởng bằng tất cả tài hùng biện có chút ít kỷ xảo của bọn họ, tức là, sự nâng cao sự chủ ý của cử tọa của bọn họ tới sự điềm tĩnh trong nghĩ ngợi, đây là cái nhìn trần trụi của tôi đã chỉ ra. Lý do vì sao tôi [lại] xuất hiện trong thứ trang phục kỳ cục này, bạn sẽ sớm được thông báo, nếu trong một thời gian ngắn trong khi bạn sẽ chỉ có kiên nhẫn giúp tôi cái tai nghe, tuy nhiên không phải như một người như bạn thường quen lắng nghe [từ] những nhà thuyết giáo tôn kính của bạn, mà như cùng lúc bạn lắng nghe những kẻ khoác lác, những anh hề, và những nhà thiên nhiên học vui vẻ, nói tóm, như thể trước đây đã gắn bó với [ông vua nổi tiếng ] Midas như một sự trừng phạt vì sự lăng mạ của anh ta đối với thần Pan [nửa người nửa dê]. Bỡi bây giờ tôi thấy hài hước để hành động một lúc là nhà ngụy biện, nhưng [lại] không thuộc loại người định gánh vác công việc vất vả [là ] ngược đãi đám học sinh nam, và dạy [cho chúng] nhiều kỷ xảo cãi lộn hơn đám nữ sinh, nhưng để bắt chước những con người cổ xưa đó, những người [luôn] tránh những hình dung từ gây tai tiếng của một kẻ ngôn ngoan, tránh ưa thích danh hiệu nhà ngụy biện, công việc của bọn họ là tôn vinh giá trị của các vị thần và các vị anh hùng. Do đó để sửa soạn được tiêu khiển với một bài tụng ca, không phải với Hercules, Solon, hay bất cứ một nhân vật quan trọng nào khác, mà với chính tôi, tức là, với Sự Điên Rồ/AN ORATION, OF FEINED MATTER, SPOKEN BY FOLLY IN HER OWN PERSON/HOW slightly soever I am esteemed in the common vogue of the world, (for I well know how disingenuously Folly is decried, even by those who are themselves the greatest fools,) yet it is from my influence alone that the whole universe receives her ferment of mirth and jollity: of which this may be urged as a convincing argument, in that as soon as I appeared to speak before this numerous assembly all their countenances were gilded oyer with a lively sparkling pleasantness: you soon welcomed me with so encouraging a look, you spurred me on with so cheerful a hum, that truly in all appearance, you seem now flushed with a good dose of reviving nectar, when as just before you sate drowsy and melancholy, as if you were lately come out of some hermit’s cell. But as it is usual, that as soon as the sun peeps from her eastern bed, and draws back the curtains of the darksome night; or as when, after a hard winter, the restorative spring breathes a more enlivening air, nature forthwith changes her apparel, and all things seem to renew their age; so at the first sight of me you all unmask, and appear in more lively colours. That therefore which expert orators can scarce effect by all their little artifice of eloquence, to wit, a raising the attentions of their auditors to a composedness of thought, this a bare look from me has commanded. The reason why I appear in this odd kind of garb, you shall soon be informed of, if for so short a while you will have but the patience to lend me an ear; yet not such a one as you are wont to hearken with to your reverend preachers, but as you listen withal to mountebanks, buffoons, and merry-andrews; in short, such as formerly were fastened to Midas, as a punishment for his affront to the god Pan. For I am now in a humour to act awhile the sophist, yet not of that sort who undertake the drudgery of tyrannizing over school boys, and teach a more than womanish knack of brawling; but in imitation of those ancient ones, who to avoid the scandalous epithet of wise, preferred this title of sophists; the task of these was to celebrate the worth of gods and heroes. Prepare therefore to be entertained with a panegyrick, yet not upon Hercules, Solon, or any other grandee, but on myself, that is, upon Folly/ DESIDERIUS ERASMUS [Erasmus thành Rotterdam, Hà Lan, 1466-1536 ] / LOB DER TORHEIT[1509] / PRAYSE OF FOLLY / CA NGỢI ĐIÊN RỒ/ BẢN TIẾNG ANH TRONG DỰ ÁN GUTENBERG

 

giữa cuộc lãng tử giang hồ, tiếng nói mơ hồ ấy lại cất lên, thứ tiếng nói như thể chẳng thể khác đi được, nguồn cơn của những giấc mơ đại lãn, người đi chẳng thể bước qua khỏi những cố thủ của lầm lẫn, ở cuối mỗi con đường, cuối cùng là vấp ngã [hay  quị ngã nhỉ] người đi giữa những hao gầy, như thể hết thảy những gấm vóc lụa là đều được mang theo suốt cuộc hành trình, những chữ, những lời, đẹp và bền lâu như hương sắc của đất trời, chúng  luôn được đem ra để ca ngợi những chuyến đi, ca ngợi cái cách bước đi trong những chuyến đi của chúng ta, nhưng ở cuối mỗi con đường, cuối cùng, hết thảy  đều kết cuộc như nhau, hết thảy là thương tích, mất mát [bọn kẻ cướp bao giờ cũng phục sẵn giữa những cuộc hành trình của chúng ta] vẫn chưa biết hết những gì sẽ xảy ra  giữa cái có thể và không thể, hóa ra cái tuyệt đối là ảo ảnh, nhưng tương đối lại mang niềm cay đắng, hôm qua có người đến nói với tôi, rằng, đám người đang đuổi theo cái không thể thì chẳng biết sợ hãi là gì, đêm ở thành phố tôi đang trú ngụ bầu trời trên đầu tôi như vẫn còn nguyên niềm bí ấn, thế giới như thể đang thách đố bạn có biết là mình đang ở vào lúc nào không,

 

những lúc thế này tôi lại nhớ đến những buổi chuyện trò giữa cha tôi và ông Hoạch, ông giáo về hưu ở trong làng, những buổi chuyện trò, bấy giờ, tôi lắng nghe, và cứ thấy như có thứ niềm vui như thể là tôi đang lạc vào thứ sau này đã có vốn liếng kiến thức tôi gọi là miền trinh tiết, chứ gì nữa, bấy giờ thì tôi cứ thấy như là tôi đang rơi vào cõi chỉ có  hoa nở giờ ngát hương thơm còn lũ ong thì vừa chạm vào lũ hoa vừa chạm vào da thịt tôi, một cõi mung lung tịch mịch, câu chuyện giữa cha tôi và ông giáo Hoạch là về miền đất nói trong Những Khúc Cuối, một tác phẩm văn chương khuyết danh còn lưu truyền nơi làng tôi…người mở đất cúi xuống nhặt một chiếc lá mục, nghĩ ngợi, rồi bước thêm mấy bước, cúi xuống nhặt mấy con trùn khô, lại nghĩ ngợi, tự buổi ban đầu, giữa hoang hóa như thể chốn hư không, tổ tiên ta đã nghĩ ra cách đốt lửa lên cho khói chiều vươn tận cõi ẩm ướt, bấy giờ, đại khái, cha tôi đã nói ra những lời như vậy, hình như ông giáo Hoạch cố nén tiếng thở dài, nói, con người đã tốn biết bao công sức, nghĩ ngợi với mồ hôi nước mắt, để cho có một chốn ở là quê hương, tổ quốc, bấy giờ tôi đâu biết tổ quốc là gì, nhưng nghe ông giáo Hoạch nói vậy thì cứ thấy như người tôi nhẹ đi như thể bay lên được, ồ, bấy giờ, những người lớn, là cha tôi với ông giáo Hoạch, đã làm cho tôi như thể có thể bay lên được, 

 

đọc thêm:
Nhưng cây đỗ quyên sẽ cuốc bộ giữa những tảng đá/Đi giày trong những chiếc lá bằng da và rung chiếc chuông màu hồng/Con chim nhiệt đới  hummingbird, như đứa trẻ thơ giữa chốn trời cao/Quanh quẩn một nơi, [như] trái tim đang đập của cuộc chuyển động/Chết đứng  nơi móng vuốt của một bụi gai đen, con châu chấu/Rịn ra thứ dịch màu nâu từ cái mòm co quắp của nó/Và anh ta có thể làm gì, một vị tổng giám đốc không có thực/Như người ta [vẫn] gọi anh ấy, không hơn một nhà ảo thuật/
Socrates của những con ốc sên, như người ta [vẫn] gọi  anh ấy/
Nhạc sĩ của những quả lê, trọng tài của lũ chim orioles, một người đàn ông?/Trong những tác phẩm điêu khắc và trong những tranh vẽ  đầy cá tính của chúng ta/Chế ngự để tồn tại [để khỏi] Chết giữa thiên nhiên/
Hãy để cho anh ta hộ tống chiếc quan tài của người rừng/Đưa tới từ vách núi bỡi một con quỉ núi/Con dê đực với chiếc sừng cong nhô ra của nó/
Hãy để cho anh ta đến thăm nghĩa trang của những người săn cá voi/Ai đã đâm  ngọn dáo vào thịt da con quái vật biển/Và tìm kiếm sự bí ẩn trong ruột lũ thú  và trong mỡ  cá voi/Sự va đập giảm dần, sóng [cũng] lặng yên/Hãy để cho anh ta tháo mở cuốn giáo khoa thư của nhà luyện kim/Người hầu như đã tìm thấy mật mã, như vậy là đã  nắm [trong tay]  quyền trượng/Rồi thì chết đi mà không có tay, mắt, hoặc linh đan/But a rhododendron walks among the rocks/Shod in leathery leaves and ringing a pink bell/A hummingbird, a child’s top in the air,
Hovers in one spot, the beating heart of motion/Impaled on the nail of a black thorn, a grasshopper/Leaks brown fluid from its twitching snout/And what can he do, the phantom-in-chief/As he’s been called, more than a magician,/he Socrates of snails, as he’s been called,
Musician of pears, arbiter of orioles, man?/n sculptures and canvases our individuality/anages to survive. In Nature it perishes/et him accompany the coffin of the woodsman/ushed from a cliff by a mountain demon,
The he-goat with its jutting curl of horn/et him visit the graveyard of the whalers/ho drove spears into the flesh of leviathan/And looked for the secret in guts and blubber/he thrashing subsided, quieted to waves/Let him unroll the textbooks of alchemists/Who almost found the cipher, thus the scepter/Then passed away without hands, eyes, or elixir [Czeslaw Miloz/A Treatise On Poetry/Iv Natura/ Luận về thơ/ Chương 4: Thiên nhiên]

 

và ký ức cứ như dòng nham thạch
cứ như sự mù lòa
của năm tháng
cái cách nhìn ngắm thế giới của tôi ngày ấy như mớ  hổ lốn  tung hoành giữa cõi hoang sơ
dòng nham thạch, hay cái phức thể hỗn mang đầy nguy hiểm, bỗng thoát khỏi những nhịp điệu cổ kính của dịch chuyển

thấy hoa nở

chim hót

và niềm hạnh phúc của nhân gian
nhưng thật ra chỉ là những vụn nát của hiểu biết không thể nào cứu vãn,

tôi bắt đầu lang thang giữa những giấc mơ có hình thù những hóa thạch chưa xác định được là thuộc hệ sinh tồn nào
một chiều chật cứng niềm hối tiếc
tôi đã nhìn thấy những câu chữ

đầy

và nhẹ như những cái chết
câu kinh nói về sự tàn lụi của sự mù lòa tri thức,

 

VÀ TÔI ĐÃ NHÌN THẤY MỘT KHUNG TRỜI,

 

khi nói tôi đã nhìn thấy một khung trời thì không thể không nói về ngọn khói hun chiều ở làng tôi, vào những ngày đầu thu, cứ chiều đến là người làng tôi lại đi gom những chiếc lá rụng đầu mùa trong vườn thành từng đống nhỏ, và đốt lên, đốt lên chứ không phải đốt đi, có nghĩa, khi những chiếc lá rụng đầu mùa cháy sẽ cất lên những ngọn khói hun chiều, mùa thu đốt lá rụng trong vườn, ngọn khói hun chiều bốc lên nơi bầu trời của làng như thể một thứ biện chứng của tri thức: khi đất trời tác động đến con người, thì con người cũng tỏ cho đất trời biết về nhận biết của mình, mùa thu đốt khói hun chiều là cách chia xẻ với vạn hữu, rằng, con người vốn biết mình là thứ âm tiết nhỏ nhoi trong cuộc hòa âm của hoàn vũ, trong bản giao hưởng kỳ vĩ ấy thật khó mà nhận ra sự hiện hữu của dáng vẻ con người, hành tung nhỏ nhoi vậy, nhưng với người làng tôi là một tình yêu vĩ đại dành cho cuộc chuyển động của thế giới, nó, những ngọn khói hun chiều làm cho con người ta yêu đến cái đơn sơ, ít ỏi, thậm chí là sự gian khổ, khi nhìn những ngọn khói hun chiều cứ là đà trên xóm thôn như thể không muốn bay đi, tôi lại nghĩ về người con gái của dáng vẻ vô biên,

 

rồi tôi đi đọc thơ cổ nhân tả buổi hồng hoang, nghe gió khua giữa cuộc nhen nhúm các thứ vật thể, lại chìm đắm vào những lõa lồ bộc bạch, biển cứ thế trần truồng giữa bao nhiêu bờ bãi, và lũ thân mềm, lũ rong, lũ giáp xác…cứ để nguyên hình dạng vậy mà trườn đi trong nước, và những tập dược truy hoan [hay giao hoan nhỉ] cứ thế, trồi lên những quyến rủ,  những chờ đợi, say đắm, và lũ sâu bọ hèn hạ, và lũ chim trời có vẻ cao sang, cứ thế mà  sánh đôi nhau, đây là qui luật, đây là cuộc chơi [thứ giọng điệu hoang sơ như thể nhuốm màu trác táng] xem ra lũ chúng như cứ muốn gào lên, tôi  giật mình nhớ đến những khái niệm khô cằn, bờ mép của những ý niệm luân thường, vào những lúc như vậy tôi lại nghĩ về người con gái của dáng vẻ vô biên, nghĩ thật nhiều,

 

tôi thường mở các madrigal của Claudio Monteverdi để nghe như thể để tập nghe hoàn vũ, madrigal của Monteverdi là những bản tình ca, về nhưng gương mặt ngỡ ngàng của những người tiền sử khi cơn mưa buổi sớm tinh sương đổ xuống núi rừng làm im bặt tiếng chim, về những bụi mù cứ làm dày thêm dày thêm những lớp hưng vong, về tiếng cựa mình của lũ bùn đất nghìn triệu năm chôn vùi trong đất, và về những bước chân trên vầng điệu trăng sao, thứ nhịp điệu của những nhịp điệu, lãng tử, mơ hồ, mà hối thúc, như thể thông điệp của thứ bi ca viết về toàn thể những uẩn khúc của trần gian, bước chân của người con gái của dáng vẻ vô biên, giờ thì em đang ở đâu, những lúc nghĩ về em, tôi lại mở các madrigal của Claudio Monteverdi đề nghe như thể để tập nghe bước chân hoàn vũ, bỡi ở đó tôi sẽ nhìn thấy em giữa những cổ kính, giữa những tân kỳ, giữa những gập ghềnh khuc khuỷu như thể thứ giao hưởng sau cùng của cuộc chuyển động của thế giới, ở những madrigal của Claudio Monteverdi tôi sẽ nghe thấy bước chân em giữa những lụa là nhung gấm, giữa tất cả những biểu hiện của cái đẹp của thế giới, bỡi trời sinh ra Claudio Monteverdi là một vẻ đẹp,

 

cuộc hành trình có làm cho tôi nhìn thấy thế giới rõ hơn,  nhưng tâm trí lại đầy ắp u hoài lận đận, điều tệ hại là thứ ký ức màu tro than đầy tiếng kêu trầm thống ấy cứ làm hao mòn ngọn lửa trong tôi, cứ nhìn thấy những đoàn người dắt díu nhau đi trong nỗi căm phẫn, những cuộc chạy trốn bọn tặc khấu của thời đại, bọn thèm khát thống trị thế giới, không phải sợ gì chúng, mà quá kinh tởm chúng nên phải tìm đường xa lánh chúng, hay cứ nghe ứng lên những lời ngợi ca nhàm chán đến nôn mửa của bọn đầu nậu chính trường,  ngợi ca những kẻ đi trước [có kẻ đã chết tám mươi đời] là cách nịnh hót quá khứ để lường gạt hiện tại, hay cứ nghe ứng lên những xúc xiểm kích động lòng thù hận của bọn tự xưng chính nghĩa, gần như chúng rảo  qua hết mọi nơi chốn, vừa rảo bước đi vừa rêu rao chính nghĩa, vừa rảo bước đi vừa rắc lên mặt đất những mầm mống của thù địch, những mầm mống của chia ly, tàn rữa, thời đại cứ chùng xuống những ảm đạm, có một hiện thực cơ hồ như đang rối rắm, bất an, và con người khắp  nơi chốn thì đang ra sức chống đỡ, ở một nơi chốn thầm lặng, tôi thanh lọc tâm trí bằng cách chìm đắm vào ngọn sóng gần như phủ hết mọi bản ngã, tôi chìm đắm vào nàng, chìm đắm vào người con gái của dáng vẻ vô biên, em, chúng ta phải vượt khỏi đoạn khúc gập ghềnh, tôi gào lên vào một đêm tháng chạp, và người khách cuối năm ấy là vị thần đình làng tôi trông già đến mấy trăm năm tuổi, người đã bị đánh bại tự hôm chủ nghĩa duy vật vừa mới nổi lên, hãy đi với ta, người nói, thưa, ngay bây giờ sao, nhưng là đi đâu, tôi nói, cứ đi rồi sẽ rõ, người nói, trong cuộc chìm đắm ấy chúng tôi đã chuyện trò với kẻ bấy lâu vẫn có tiếng là chưa nói gì với ai, hư vô,

 

tôi như kéo dãn thời gian cho đến chỗ cuối cùng của nó rồi nhảy vào cõi tĩnh tại để  lắng nghe những chuyện của riêng tôi, thật ra đấy chỉ là một đêm ở đất quê, tôi cứ cho vào ngoặc  hết thảy các thứ thường nghe thấy và nhìn thấy vào đêm cuối năm [tiếng chó sủa những  khách thương cuối cùng rời làng xóm, tiếng lửa nấu bánh chưng bánh tét nổ lẹt đẹt ở khắp nơi, tiếng cười la có áo mới để mặc của lũ trẻ, và sự lặng lẽ  bất thường, bất chợt, cho đến lúc ấy,  nhũng người áo vải chân đất ở quê tôi như không còn muốn nói thêm gì nữa…] tôi cứ cho vào ngoặc và để đấy và hẹn sẽ gặp lại, giây phút cho vào ngoặc hết thảy các thứ như thế tôi gọi là buổi giao thừa của riêng tôi và nàng, tôi chìm đắm vào phút giây tĩnh tại khét tiếng, phút giây tự do tự tại, thứ  con người đề xuất những nghìn năm qua vẫn chưa tìm thấy được, vẫn chưa nhìn thấy được, đã nghe thấy tiếng sấm mùa xuân chưa, nàng hỏi, nghe thấy rồi, tôi nói, thật ra đấy là tra vấn  đã diễn ra suốt những nghìn năm qua, chúng tôi cũng chỉ là để nhắc lại một niềm khao khát uyên nguyên, niềm khao khát lớn nhất của con người,  mùa xuân, chỉ là cách gọi khác của uyên nguyên, là lúc chẳng còn có phản trắc, chẳng còn có ảo vọng, chẳng còn có hoài vọng, chẳng còn nuối tiếc, chẳng còn có mong muốn, đợi chờ, hết thảy, chỉ là,  ‘‘tôi cúi xuống ở bên dưới nụ cười huyền nhiệm của em…’’,  và, với tôi và nàng, người con gái của dáng vẻ vô biên, thì thời gian chẳng là cái quái gì cả,

 

và giữa lịch lãm mùa xuân tôi bước đi trong niềm háo hức về một thứ sự thật nào đó chưa nhìn thấy rõ, như thể chợt vút lên một cung đàn cao ngạo rồi dừng lại nơi bờ mép của tri thức, hay thế giới chỉ là chốn khơi gợi hàm hồ, ở đó, vẫn là những ngàn năm lạc nẻo, nhưng núi vẫn là cuộc hội ngộ dễ chịu nhất giữa rừng cây và loài có cánh, đó là lời của lũ chim tôi chuyển tiếng người theo cách nghĩ ngợi chủ quan của mình, thì tôi cũng chỉ thử trích ra một chút từ những bài ca hoành tráng của một giống loài có cánh, buổi sáng mùa xuân ở núi Nung, giống loài có cánh ấy tụ hội ca hát, thật ra, những tiếng những lời có tính đặc nhiệm của lũ chim lúc nào như cũng có vẻ những thông báo của tự nhiên về một sự kiện nào đó, một lần nắng nóng hay ẩm lạnh của thời tiết, một khúc lưu ly trôi giạt của đất đai, hay chỉ là thứ khúc mắc của một loài hoa kém cỏi nào đó trong cuộc sinh nở thường tình, những nghìn năm qua con người chỉ biết lắng nghe, nhưng sáng ấy, mùa xuân cứ lịch lãm trong vẻ bí ẩn của chúng khiến tôi phải thử chuyển tiếng người thứ ngôn ngữ của chim tôi vẫn có cảm tưởng luôn hàm dưỡng những khơi gợi về một miền sầm uất nào đó, một trường nhận thức đầy tính sử thi chăng, hay chim là đám sử gia nào đó đã bị đám người cai trị nào đó sát hại phải phục sinh trong bộ dạng của giống loài có cánh, tôi đi núi Nung, lũ chim rừng sáng ấy trong nghĩ ngợi của tôi bỗng như là hóa thân của những nhà chép sử đã bị sát hại trong quá khứ, nhưng núi vẫn là chốn hội ngộ sang trọng nhất trong cuộc dịch chuyển đầy chết chóc này, lũ chim nói, cứ cho là vậy đi, tôi nói, rồi có một ngày núi đổ, những cơn gió sẽ bị kẹt lại nơi những kẻ nứt của đất đá, lũ chim nói, cứ cho là vậy đi, tôi nói, trong cuộc chìm đắm ấy tôi với lũ chim rừng có chuyện trò về một thứ giả dụ về chuyện sụp đổ,

 

tôi nói với núi rằng tôi với người con gái của dáng vẻ vô biên thất lạc nhau đã lâu nhưng nàng vẫn còn để lại trong tôi những dấu vết như tiếng hoàn vũ đã được loại bỏ những âm tiết thứ đoạn khúc chỉ là thứ bất chợt xen vào sau những rối ren nào đó [nỗi ngờ vực lẽ ra không nên diễn ra khi bỗng nhìn thấy có quá nhiều loài hoa nở muộn, hay là trong cuộc tình sấm sét của đất trời đôi khi cũng cảm thấy có chỗ bất an…] tôi nói với núi rằng những dấu vết nàng để lại trong tôi như thể tiếng hoàn vũ đã được chuẩn hóa, đã được tiết điệu hóa, vang động của  một cuộc hoàn, tinh tế, và lưu ly,  và đầy ngữ điệu: con suối trườn giữa rừng cây nguyên thủy bao giờ cũng lo lắng về một bất cập nào đó đến từ phía nhịp điệu nắng gió, hay một giọt mưa thu cứ lần lữa chờ một tín hiệu tốt lành từ phía nhân gian, hay là giữa thứ giấc mơ lầm lẫn lũ chim rừng nửa khuya thức dậy làm cuộc thiên di, và  cứ vậy mà để lại đời sau niềm hoài vọng mờ mịt trong lịch sử của giống loài chim,

 

rồi tôi phải viện đến ký ức đất đai bỡi ở đó trùng điệp dấu vết của chuyển dịch, âm vọng kỳ hồ của cái cao vút trong tiếng hót sơn ca, hay cái đứt gãy trong những lần lưỡng lự bỏ nước lên cạn của đám lưỡng thê, thậm chí là những khúc hát cứ còn vướn mãi trong những cơn gió đầu mùa, những khúc hát của lũ chim trốn đông nhúc nhác, và sự ngập ngừng đáng tiếc trong tiến hóa của loài giáp xác, tại vì sao vẫn phải ngàn năm dấu mình trong những bộ chiến bào, và tại sao, căm phẫn nào, hay bi thương nào, hay luyến tiếc nào, lũ ve cứ ngân nga [hay kêu gào nhỉ] suốt qua các  mùa mưa nắng, ký ức đất đai, hay những vết tích hiện tồn, là những bước chân vội vã của ngày và đêm, và  những do dự không dứt của mưa nắng, những thứ đó các nhà khảo cổ học [hay học khảo cổ nhỉ] gọi là những hiện vật, có nghĩa, quá khứ vẫn không ngừng những cuộc chuyện trò, hay là nàng, người con gái của dáng vẻ vô biên, vẫn lẩn quẩn đâu đó giữa trí nhớ của đất đai, tôi không biết, nhưng cứ thấy như thể từ trí nhớ đất đai ngày ngày bức ra những tiếng, những hình, vào một đêm thanh vắng nào đó, cứ thử một lần, sẽ nghe thấy trong đất đai những bước chân hoảng loạn của những cuộc chạy trốn, khi hiện sinh rơi vào  thảm họa thì đó là những vết thương chí tử, không còn là vết tích, và lịch sử con ngưới cứ như bài điếu ca cho sự tàn rữa của các triều đại, tôi vẫn nghĩ, một ngày nào trong chuỗi tháng năm lủng củng này, tôi  sẽ nhìn thấy nàng, người con gái của dáng vẻ vô biên, ở đâu đó, không phải trong trí nhớ đất đai,

 

đọc thêm:
Một đứa trẻ nói Cỏ là gì? mang đến cho tôi một nắm cỏ đầy/Làm thế nào tôi có thể trả lời đứa trẻ?/ Tôi không hiểu biết gì hơn một đứa trẻ/Tôi đóan phải là lá cờ trong sự bố trí của tôi bằng tấm dệt bằng vật liệu màu xanh hy vọng/Hay tôi đoán nó là chiếc khăn tay của Chúa/Một món quà thơm tho và một trí tưởng cố ý buông ra/Một cách nào đó nó có tên gọi riêng ở những góc cạnh mà chúng ta nhìn thấy và chủ ý và nói Ai?/Hoặc tôi đoán cỏ chính là đứa trẻ, một đứa trẻ sinh ra từ thảm thực vật/Hoặc tôi đóan nó là một thứ chữ tượng hình đồng dạng/Và nó có ý nghĩa lớn lên như nhau ở nơi bao la và ở nơi chật chội/Lớn lên giữa chủng loại đen và chủng loại trắng/Người Kanuck, hay người Tuckahoe, hay Nghị sĩ quốc hội, hay kẻ giàu có, (*) tôi tặng cho bọn họ cũng như tôi nhận từ bọn họ/Và giờ đây dường như đối với tôi nó là vẻ đẹp của thứ tóc cỏ còn nguyên trên những nấm mộ/A child said What is the grass? fetching it to me with full hands/How could I answer the child? I do not know what it is any more than he/I guess it must be the flag of my disposition, out of hopeful green stuff woven/Or I guess it is the handkerchief of the Lord/A scented gift and remembrancer designedly dropt/Bearing the owner’s name someway in the corners, that we may see and remark, and say Whose?/Or I guess the grass is itself a child, the produced babe of the vegetation/Or I guess it is a uniform hieroglyphic/And it means, Sprouting alike in broad zones and narrow zones/Growing among black folks as among white/Kanuck, Tuckahoe, Congressman, Cuff, I give them the same, I receive them the same/And now it seems to me the beautiful uncut hair of graves [Walt Whitman/Leaves of grass/Song of my self/Chapter 6/ Lá cỏ/ Bài hát về chính mình/Khúc 6]

 

tôi lại nghĩ ngợi về cha tôi, người bao giờ cũng hiện rõ lên trong tâm trí tôi, như thể bao giờ ông cũng làm cho thế giới này rã ra thành những khối, những hình, chỗ này là những lũy tre làng nghìn năm đổ bóng xuống những cuộc chui ra chui vào những cuộc đời bó chặc trong khu vườn chật hẹp thỉnh thoảng có con chim  cú đêm đến đậu nơi bờ rào sau buông những lời không may nào đó, chỗ kia là cúi xuống những tháng năm không danh mục, thứ bờ bến trần gian có người ngồi đợi thuyền đến trăm năm, nghìn năm, sự đợi chờ dai dẳng triết học cổ điển gọi là cuộc truy tìm bản thể [người ta đã trói promethe lại vì ông ta toan đem lửa soi sáng trần gian] và ở chỗ nọ như thể ngày nào người ta cũng kéo nhau đi tìm lương thảo cho một thứ lịch sử trong sạch nào đó, như thể ông cứ làm cho thế giới này lạ đi, rồi bỗng nói ra những lời đẹp đẽ, con có đi học chữ cũng chỉ để hiểu rõ hơn đất đai nơi ở của chúng ta, những lời như vậy với đứa  bé mười mấy tuổi đầu là tôi là điều quá mới mẻ, bấy giờ tôi  học gần xong các lớp ở trường làng, sắp sửa đi học trường huyện, cha tôi không còn đi cày ruộng nổi, chỉ làm vườn và đọc sách, nhưng lúc còn cày ruộng tôi  thấy ông cũng đọc sách, cha tôi hết đi học chữ thì cày ruộng, buổi sáng theo bò ra ruộng, buổi trưa thay vì ngủ nghỉ, ông ngồi đọc sách, chỗ tôi thắc mắc lúc bấy giờ là vì sao cha tôi phải vừa cày ruộng vừa đọc sách, trưa nào cũng vậy, ông ngồi vào bàn đọc sách, mẹ tôi đi nấu trà, đây là trà xanh hái từ mấy cây trà chỗ bìa sân, bấy giờ đã có đồ nấu nướng bằng nhôm, nhưng nhà tôi vẫn không thể bỏ đi được thứ văn hóa rặt mùi đồng ruộng, vẫn nấu trà  bằng ôm đất, bát nước giếng múc lưng để sẵn nơi cửa bếp, nước trà trong ôm đất đã sôi, mẹ tôi kẹp cái ôm đất bằng cái kẹp bằng dây mây núi, vê ngọn nước đang sôi lên bát nước giếng, và những cái bọt trà to tướng  bắt đầu nổi lên trên mặt bát [người làng tôi nói uống trà bằng bát là uống theo kiểu uống của trâu bò…] tôi thấy cha tôi vừa thổi bọt trà, vừa uống, vừa nhìn mẹ tôi, mẹ tôi sau khi bưng bát nước trà đầy bọt cho cha tôi thì đứng nhìn cha tôi uống, tôi thấy cha mẹ tôi cứ nhìn nhau, và im lặng,  những người sinh ra tôi thật lạ, cha tôi hết học chữ thì đi cày ruộng, hết đi cày thì làm vườn, mà học chữ, theo ông, cũng chỉ để hiểu đất đai, hóa ra, cả đời ông chỉ gắn bó với đất đai, có điều lúc nào tôi cũng thấy ông nghĩ ngợi, đất đai là thức ăn của  đám cây trái trong vườn nhà ta đấy con ạ, ông nói khi tôi cùng ông đi làm cỏ và tưới nước cho đám cây trái trong vườn, thế giới trong cách nhìn của cha tôi bao giờ cũng làm dấy lên trong tôi niềm háo hức, đừng để cho lũ người kiêu hãnh làm mất đi sự trong sạch của đất đai, con ạ, cái lũ người kiêu hãnh ông nói thuở ấy biết bao bận đã làm nguội đi ngọn lửa trong tôi, bấy giờ tôi thấy cha tôi quí đất đai như quí  anh em  tôi vậy, cho đến hôm cơn bão ấy quật đổ gần chục cây ăn quả và làm chết đám chim vẫn trú trên đám cây ăn quả trong vườn nhà tôi, cha tôi đi dọn các thứ cành nhánh gãy đổ và đi chôn lũ chim chết rồi ngồi đọc sách, hầu như ngày nào cũng ngồi suốt ngày đọc sách, không ra vườn nữa, mà chỉ ngồi đọc sách, mẹ tôi đã mất tự thuở bà còn pha trà bằng ôm cho cha tôi uống, bấy giờ chỉ còn mỗi cha tôi với hai anh em tôi, mà anh tôi thì đã có gia thất đi ở riêng trong một ngôi nhà khác [bấy giờ anh tôi  đi cày ruộng để cho cả nhà tôi có cái ăn hằng ngày] trời đất như thể có gì đấy không bằng lòng về chúng ta, con ạ, một hôm, ông gọi tôi đến bên ông, lặng nhìn tôi một chặp, rồi nói vậy, cái cách nhìn thế giới của ông lúc bấy giờ chỉ làm tôi thấy rối rắm [nếu không nói là làm tôi thấy lo sợ ]  nhưng giờ thì tôi đã hiểu, trong mối ưu tư của cha tôi lúc bấy giờ là đang tiềm ẩn thứ văn xuôi về sự không bằng lòng của tự nhiên, thật ra thì đấy là thứ văn xuôi nhân loại đang sở hữu, không biết tự nhiên có luôn ưu ái với con người hay không, tôi lại lo về sự thất lạc của người con gái của dáng vẻ vô biên,

 

rồi nàng lại dạt vào cuộc sóng gió đang quét qua miền tăm tối, sự tưởng tượng của tôi như hệ quả của một tình yêu vô bờ bến, thật ra, bấy giờ, tôi có thể tưởng tượng ra bất kỳ một thứ cảnh giới nào theo cách của tôi [thậm chí là một miền hoa cỏ có dáng dấp của chốn trên cao] để nuôi dưỡng nàng qua khỏi cuộc thất lạc, giờ em hãy đến đó đi, tôi thầm gào lên thế, và thấy nàng lang thang giữa miền đất thật ra người ta cũng không thể nào thoát khỏi nỗi ám ảnh mình đang thất lạc [nửa bước hề, dằng dặc nghìn thu/ núi sông hề, khói sóng…] cuộc sống cứ như một cuộc lắp ráp tạm thời, chỗ này cỏ mọc vài hôm, lại tàn đi, lại mọc lên những ngôi nhà của rắn, và các con vật trong trời đất luôn thay hình đổi dạng không thể gọi tên, vậy mà bọn người kiêu hãnh cứ tưởng bọn chúng đã đạt được ý muốn, chúng vẫn hàng đàn hàng lũ kéo nhau đi giữa đất nước đang trong rối rắm, ngoài diễu hành và diễn thuyết, chúng còn trương khắp phố chợ những bức hình chụp chung với các nguyên thủ các miền rừng rú man rợ con người còn giữ nguyên lề thói ăn nhau hay những tập tục chuyền tay nhau những xảo trá rặt thú tính với những chú thích ghê gớm [đây là nhà triết học của miền u minh siêu việt, hay, đây là nhà thơ đương đại bạn của những nhà thơ vĩ đại, hay, đây là nhà thiết kế những nền dân chủ tân thời của thế giới…] một hôm, một đứa trong bọn núp bóng ăn hồn tìm đến gặp nàng, nói, em đang muốn sang sông phải không, con sông anh ta nói là nơi phân định giữa chân lý và sai lầm, đấy là cái cách khoác lác không cần đến liêm sỉ, cách khoác lác để tồn tại giữa buổi không còn phân biệt được trắng đen, ngay cả lũ các người không biết việc mình là kẻ đang thất lạc thì còn nói đến con sông nào, nàng nghĩ, cứ nghe kinh tởm trong lòng, và lặng lẽ bỏ đi, a, lũ rắn, bọn trẻ gào lên khi trông thấy đám cỏ dại tàn đi để mọc lên những hang hốc và lúc nhúc những rắn lớn rắn nhỏ, và những người lớn cũng gào lên, ồ, có người mang thức ăn đến cho chúng ta đấy, rồi các vị chức sắc tôn giáo cũng góp vào, chúng ta hãy cầu nguyện cho các vị thần, các vị chức sắc tôn giáo nói, và lâm râm nguyện cầu, thì ra, nàng thấy, cùng lúc lũ trẻ gọi là rắn, người lớn gọi là những người mang thức ăn và các vị chức sắc tôn giáo gọi là các vị thần, vẫn là những kẻ thất lạc chỉ nhìn thấy những cái bóng của tồn tại, một thứ hang động Platon thời đương đại, nàng chợt nhớ đến ẩn dụ Cái Hang trong Republic [tác phẩm Cộng Hòa của nhà triết học Hy Lạp cổ đại Platon] đã đến lúc chúng ta phải đi tìm ánh mặt trời, nàng cứ gào lên, rồi hết thảy mọi người kéo hết theo nàng, cuộc sống con người đã ra khỏi tăm tối,

 

rồi tôi lại thấy nàng vươn tới chỗ các vì sao đang sáng lên trên bầu trời tháng chạp để nhảy múa cùng với các thiếu nữ nơi bờ sông Ngân, và trên đỉnh núi Nung, các vị thần  làng tôi vừa ăn tối xong đang gõ xoang nồi hát khúc Tan Rã, một khúc buồn trong sử thi  về buổi tàn cuộc của con người: ‘‘bấy giờ mặt đất không còn đủ thức ăn, như ở nơi đâu cũng nhìn thấy cuộc lấn chiếm của biển/ các tàng kinh các ngập lụt, sách vở kinh điển của con người trôi lềnh bềnh trong nước/ các triều đại ngập trong nước, các nền tam chế, tứ chế, chuyên chế, toàn trị, dân chủ thật, dân chủ giả,….trôi ngổn ngang trong nước/lửa trời lịm tắt…, bỗng có giọng nói dứt khoát của ngài thị trưởng thành phố của các vì sao: hãy cho xuất thật nhiều tôm cá, áo quần may sẵn, giày dép đóng sẵn, và nhập hết thảy các thứ thuộc văn minh số, lúc này nền kinh tế thượng giới phát triển nhỉ, tôi nghĩ, và lại thấy nhớ giọng điệu thuyết giảng hừng hực lửa  về một thành phố số hóa  của ngài thị trưởng thành phố nơi tôi đang trú ngụ, sao chuyện trên trời với chuyện dưới đất giống nhau đến thế nhỉ, cũng chẳng có gì mới mẻ lắm, bỡi mấy nghìn năm trước Pythagor của  đảo Samos, Hy Lạp, người sinh khoảng 580-572 trước công nguyên đã cho rằng tất cả đều là số, và vũ trụ bắt nguồn từ các nguyên tắc số, từ hồi ấy ngài ấy đã thấy thế giới vật chất bắt chước một thế giới toán học vĩnh hằng, nhưng tôi nghe nàng đã trích đọc Phaedo [cuộc đối thoại  giữa các nhân vật Phaedo – Echecrates Of Phlius – Socrates- Apollodorus – Simmias – Cebes – Crito –và người gác ngục giam , trong Phaedo, tác phẩm  triết học nổi tiếng của Plato] Echecrates: Bạn sẽ có những  thính giả   có cùng tâm trí với bạn, và tôi hy vọng rằng bạn sẽ chính xác như bạn có thể/ Phaedo: Tôi nhớ đến cảm giác  kỳ lạ đã đến với tôi khi tôi ở bên anh ấy. Vì tôi khó có thể tin rằng rằng tôi lại có mặt nơi cái chết của một người bạn, và do đó tôi không thấy thương tiếc anh ấy, Echecrates ạ, khí sắc của anh ấy và ngôn ngữ của anh ấy thật cao quý và không sợ hãi trong giờ phút của cái chết rằng đối với tôi thì  anh ấy  đã hiện ra trong vẻ thần thánh. Tôi nghĩ rằng khi sang thế giới bên kia, anh ấy không thể thiếu một tiếng gọi thiêng liêng, và rằng anh ấy sẽ hạnh phúc, nếu ai cũng đến đó…/ Echecrates: You will have listeners who are of the same mind with you, and I hope that you will be as exact as you can/ Phaedo: I remember the strange feeling which came over me at being with him. For I could hardly believe that I was present at the death of a friend, and therefore I did not pity him, Echecrates; his mien and his language were so noble and fearless in the hour of death that to me he appeared blessed. I thought that in going to the other world he could not be without a divine call, and that he would be happy, if any man ever was…/PLATO/ PHAEDO/ [trích đối thoại giữa Phaedo và  Echecrates Of Phlius] /BẢN TIẾNG ANH TRONG DỰ ÁN LPENOR, và thoắt cái đã thấy nàng đứng trước mặt tôi, đêm tháng chạp ở quê tôi, những dạng hình của một xứ sở như đang cô đọng trong thứ khái niệm của sự tĩnh lặng, không phải dạng thức Plato đâu, mà chỉ là thứ nhịp điệu như thể sự chọn lựa  của những người đi chân đất, đã đến lúc phải dừng chân để nhìn ngắm lại mình, nhìn ngắm lại cuộc vất vả gian lao như thề phần thưởng đặc biệt thế giới đã dành cho họ, nhưng cái chết theo Plato chỉ là một dạng thức chiếu theo thế giới vĩnh cửu của ông ấy anh ạ, nàng nói, không phải là Plato đã làm cho thế giới toán học của Pythagore thành thứ thế giới ý tưởng của ông ấy chứ, tôi nói, em đã mang xuống đây hết thảy các thứ anh ạ, bây giờ không còn là của Pythgore, hay của Plato, bây giờ,  chúng ta là những hiện hữu vừa là thần thánh vừa là con thú có đủ các thứ tật nguyền của nó, nàng nói, sự tưởng tượng của tôi như thể hệ quả của một tình yêu vô bờ bến,

 

hay nàng là hiện thân của niềm bí ẩn dài lâu khiến tôi lận đận trong cuộc tìm kiếm hình thù của một cuộc tình vĩnh cửu, cái cách tôi bước đi là vướn bận hải hồ, vướn bận thứ thời gian của tiếng vút cao của con chim sơn ca, hay thời gian của những bài ca mục tử [áo gió bay giữa trời kinh lịch/người đi hồn nương cố quận…] đất đai và tôi là chuyện có trước chuyện tôi với nàng, nhưng lại cứ nghe thấy như thể tự hồi nào trong đất đai đã sẳn có những thôi thúc của tình ái…này, cứ đi đến đó thì sẽ nhìn thấy một cuộc tình, thì cũng chỉ là những khơi gợi tiền nghiệm [những khơi gợi đã sẵn đấy từ trước  hiện hữu của chúng ta] cũng tiền nghiệm như khi nàng bỗng nhìn tôi, bảo, con mắt mà em nhìn thấy anh cũng là con mắt mà anh nhìn thấy em, nàng nói về tôi cứ giống như nhà thần học, triết gia, nhà huyền học người Đức Meister Eckhart [1260-1328] nói về Chúa trời của ông, Meister Eckhart: con mắt mà tôi nhìn thấy Chúa cũng giống như con mắt Chúa nhìn thấy tôi, hay nàng cũng là nhà huyền học đã nhìn ra huyền mặc của một cuộc tình, nhưng Meister Eckhart nói: Bây giờ, sự trở thành không trở thành, sự mới mẻ không mới mẻ, và sự trở thành này là bản thể của Tồn Tại/ Now, a  becoming without becoming, new­ness without renewal, and this becoming is God’s  being/ MEISTER ECKHART/SERMON NINETY-THREE/BÀI GIẢNG CHÍN MƯƠI BA/BẢN TIẾNG ANH TRONG DỰ ÁN PHILOSOPHICAL CYCLE VASIL LEVSKI, có phải khi Meister Eckhart nói thế thì tồn tại là khoản không thể biết được bằng trí tuệ con người, tồn tại cũng bí ẩn như bí ẩn dài lâu của nàng, ông, Meister Eckhart, nhìn thấy cái chẳng là gì cả, chẳng phải cái trở thành không trở thành là cái chẳng gì cả hay sao, Meister Eckhart đã nhìn thấy hư vô, còn nàng thì nhìn thấy con mắt tôi là con mắt nàng, nàng nhìn thấy cái một lãng đãng trăng gió trần ai, một kiếp, hai kiếp, hay ba kiếp, bốn kiếp, có hẹn gặp nhau, hay không hẹn gặp nhau, thì cũng vậy thôi [bây giờ thì cái không thể đã trở thành có thể/cũng trăm năm cũng nghìn năm cũng chốc lát cũng một nét hồ cầm/ cứ thoảng lên niềm vĩnh cửu…] thì ra, nàng còn là một nhà bản thể luận lừng lẫy dẫn dắt tôi vào chốn của vạn hữu xâu xé nhau, thù hằn nhau, có điều, khi tôi gặp nàng thì thế giới có vẻ trầm kha hơn… người đi vào buổi tinh sương đã nghe thấy tiếng réo gọi của hoàng hôn, hiện thực cuộc sống là vậy, nhưng nàng cứ trong vắt niềm cảm xúc trùng điệp ngữ nghĩa của hoàn vũ,

 

hay nàng là hiện thân của một cuộc tình ngẫu nhĩ mang tính tiên nghiệm để từ đó tôi mới có thể bước đi trong cuộc hành trình có vẻ như ít khi được cảm thấy yên bình, để tôi nhớ lại thử, mới đầu là tiếng ếch nhái, chỉ có những cánh rừng sình lầy và tiếng ếch nhái, tôi cũng không biết vì sao tôi lại bắt đầu với tiếng ếch nhái, lũ chúng làm vang động cả một vùng rừng sinh lầy, muỗi vắt bay lên, cào cào châu chấu bay lên, các thứ chim chóc bay lên, vui, nhưng rợn ngợp niềm hoang vắng, thứ về sau đã trở thành thứ thi ca ẩm ướt của tôi [em đi bờ dốc nghiêng gió núi / những bước chân mềm thế kỷ…] rồi như thể lũ ếch nhái kéo cả hoàn vũ vào cuộc, gió, mây, và những khoảng trống, và những bước chân liều mạng của lũ ốc đá, tiếng thét mừng vui của vách đá, tiếng cựa mình của các bờ dốc, tiếng chim thì chưa, hết thảy những thứ tôi vừa nói là đang chìm trong thứ sắc thái lộng lẫy bấy giờ gọi là ánh bình minh, tức mặt trời đã ngự ở đâu đó, rồi những người mở đất hiện ra, tôi lơ mơ nhìn thấy những ánh mắt sáng lên, lơ mơ nghe thấy đang lan ra thứ hương thơm kỳ diệu về sau các nhà tiền sử học gọi là hoài bão của nhân loại, cứ đi cho hết những tháng năm này, tôi nghe những người mở đất chuyện trò nhau, hết thảy bọn họ đang tiến về phía trước thì phải, thứ dáng dấp về sau đã trở thành thứ cấu trúc thi ca của tôi, không biết đêm trước của một cuộc cách mạng trên thế giới này nó ra sao, nhưng đêm trước của cái biến cố đầy vẻ vang trong cuộc đời tôi thì như thế này, hay cứ gọi nó là ánh mặt trời, hay ánh sáng của sự thật nhỉ, phải rồi, nó là thứ ánh sáng của một thứ ánh sáng, và lũ chim rừng bắt đầu xướng lên, tới giây phút ấy thì lũ chim rừng mới xướng lên, bài ngợi ca những gì chẳng có gì phải nghi ngờ nữa, bấy giờ, những thứ như chủ nghĩa nghi ngờ của Phật hay của Pyrrho [Hy Lạp, 360 TCN], hay của René Descartes [Pháp, 1596–1650] và David Hume [Scotland, 1711- 1776] đổ loảng xoảng, đã mở ra kỷ nguyên nằm ngoài mọi kỷ nguyên con người đã biết đến bấy nay, thứ năm tháng rợp màu hoa cỏ, thời gian của những sương trời lãng tử, thời gian của hết thảy những cuộc giao hoan của các vị thần làm ra đất đai, náo nhiệt tận cùng, lặng lẽ tận cùng, bấy giờ, tồn tại là những đỉnh, những chót vót, ở chỗ không còn chỗ để nhìn ngắm, nghĩ ngợi, chỉ thấy những vũ nữ ngực trần, a mang mang một trời trở giấc, giai nhân, tôi nghe như có ai đó cất tiếng rao, hay chào hỏi nhỉ, và lũ chim rừng lại xướng lên như những con suối mùa xuân đang đổ xuống trên ngàn, và nàng từ trong đám giai nhân ấy bước ra, em đợi anh mấy nghìn năm qua, nàng nói, chúng tôi dắt nhau đi dưới gầm trời mới mẻ, đây là một cuộc gặp anh à, nàng nói, tôi biết chứ, từ một cuộc gặp tôi đã dần dần hiểu ra đó là một cuộc tình,

 

cuối cùng tôi cũng nhận được thư nàng, lần này là thật, chứ không phải do tưởng tượng của tôi, em đã lạc đến miền hoa thơm cỏ lạ anh ạ, nàng nói ở chỗ nàng sáng ra là có thể chuyện trò với lũ chim, ở đó, từ con chim nhỏ nhất, chim sâu, cho đến con chim lớn nhất, đại bàng, đều nói được tiếng người, nói rất sành là khác, nàng nói có một con chim tên chim cộ, sáng nào thì con chim cộ cũng đợi nàng ở sân trước, xin chào người con gái của dáng vẻ vô biên, chim nói, xin chào bạn, nàng đáp, rồi lại kể cho chim nghe những nơi nàng đã trải qua, có nơi nàng thấy người ta phải ngồi chờ đợi  từ năm này sang năm khác, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, chờ, rồi hy vọng, rồi thất vọng, bỡi chưa có được những gì cho đáng giá, từ miếng cơm ăn cho tới niềm hạnh phúc, lập tức, con chim cộ vỗ cánh bay lên bầu trời trên đầu, rồi đáp xuống sân, nói, kể từ giây phút này ta sẽ tặng cho loài người của bạn đôi cánh tự do này, nàng nói ở chỗ nàng đang sống thì con người không biết lo âu phiền muộn là gì, chuyện gì đang xảy ra thế, ông cụ trong làng, nơi nàng đang sống, đã kêu lên thế, khi nghe nàng bảo có nơi người ta rất thích ăn nhau, đó là miền đất tuyệt vời anh ạ, nàng nói, nắng cũng tuyệt vời, gió cũng tuyện vời, buổi sớm mai, nắng lên, bầu trời lồng lộng trên cao, con chuồn chạm nhẹ cánh vào gió sớm, cứ nghe như có tiếng nghìn năm, bạn cứ bước thật nhẹ lên con đường phía trước sẽ nhìn thấy một thế giới có nhiều tiếng hát, nàng đã tả cho tôi nghe nắng, gió, những đêm với những giấc mơ đẹp, và những ngày niềm vui không hết, rồi nói, chỉ là em tưởng tượng thôi anh ạ, chỉ là ảo ảnh, cũng như cuộc tình của chúng ta cũng chỉ là tưởng tượng, hết thảy chỉ là ảo ảnh, là chẳng có gì cả, anh ạ, nàng nói, tôi biết rồi, ý nàng muốn nói cho đến ngôi nhà vĩ đại nhất của nhân loại là ảo ảnh cũng  sụp đổ,

 

giã
tháng 10.2020
tháng 12.2020