Siêu hình học của người [12]

 

còn như cộng đồng kiến trên rừng, theo nghĩ ngợi của tôi, đồng loại chúng không bao giờ tạo ra cảnh lụi tàn, nếu có là do sự tác động của phía khác, phía của tự nhiên hay của con người, tôi nhớ cho đến lúc tôi đã trưởng thành, đã có vốn liếng kiến thức về thế giới, khi nói về loài kiến trên dãy núi phía nam làng tôi, câu chuyện gần như cổ tích, cha tôi vẫn  xem tôi như hồi còn ấu thơ, con biết không, vua Rừng Dưới cỡi xe nai, đội mũ lá mư, hét ra lửa, tôi đã nhớ lời mở đầu này gần như nằm lòng, nên chỉ im lặng, rán giữ không cười, còn mẹ tôi thì nước mắt bắt đầu ứa ra, vì cũng như tôi, mẹ tôi vẫn còn nằm lòng, sau tiếng hét của vua Rừng Dưới thì hết thảy những người từng đi theo vua cùng đốt đuốc lên và xông vào các hang ổ của kiến, lửa cháy đỏ rừng, lũ kiến chết không biết bao nhiêu mà kể, lần này cha tôi kể về lũ kiến trên dãy núi phía nam làng tôi cho tôi nghe như để truyền thụ một bài học về cách nhìn thế giới, nhưng bấy giờ có mẹ tôi ở đó nên bà không thể không nói ra cảm xúc của mình, người xưa thật độc ác, bà lau nước mắt, nói, cha tôi bảo đấy là cách tranh giành chỗ ở nơi mặt đất, chuyện kể rằng sau đấy vua Rừng Dưới lập ra đất nước của mình, dân trong nước cất nhà gỗ, cày bằng đao trồng bằng lửa, nhưng vào một đêm mùa hạ lũ kiến ở đâu kéo tới, hằng triệu triệu con kiến xông vào cắn chết vua Rừng Dưới, dân trong nước hoảng sợ, bỏ đi hết, rừng lại lên xanh, lũ kiến lại trở lại làm tổ trên cây, nhưng ở Rừng Trên có chàng trai đi chân đất, đôi mắt giống mắt chim vưu, khi nhìn thì như có bầu trời xanh ở trong mắt, này các bạn hữu của ta đừng bao giờ để xảy cảnh tương tàn giữa loài giống con người và loài giống kiến, anh đi nói với hết thảy lũ kiến đang cùng anh sống trên cùng một khu rừng, ngày ngày anh đi nhặt những trái rừng chín rụng, đem ươm, rừng cây mỗi ngày một thêm xanh, một hôm, lũ kiến kéo đến nói với anh: bạn ở trong hang đá ẩm ướt còn lũ ta thì ở trên cây cao mát mẻ là không phải lẽ, rồi cùng nhau xe đá núi về làm ngôi nhà nổi trên mặt đất cho anh, con biết không, đấy là khúc sử tiến hóa mà con người và lũ kiến trên dãy núi phía nam làng ta còn trò chuyện với nhau, bấy giờ thì bên Tây Á, con người cũng bắt đầu làm những ngôi nhà bằng đất bên bờ sông Tigre và Euphrate, đấy là nền văn minh Ur, cha tôi nói, tôi thì đã đọc được những chuyện ấy, nhưng mẹ tôi thì cứ ngồi cười khan, tôi biết mẹ tôi không thể tưởng tượng nổi cảnh con người trò chuyện với lũ kiến  và lũ kiến thì làm nhà cho con người ở, trong lúc mẹ tôi ngồi cười nghiêng nghẻo, tôi cứ nghĩ đến cách đặt tên cho nền văn minh đã xảy ra trên dãy núi phía nam làng tôi, nhưng cha tôi đã cắt dòng suy nghĩ của tôi, hồi ấy ta chưa nghĩ kịp, còn bây giờ thì cứ gọi là văn minh Rừng Trên, ông nói, tháng chín ở quê tôi những cơn mưa đầu mùa đông bắt đầu đổ xuống, mưa xối xả, như không ngừng trút nước, nhưng trời vẫn sáng, tôi thấy nơi con đường vào làng tre ở hai bên bờ rào quằn xuống, lũ chim ruộng rũ ướt bên dưới những bụi rậm, đường thành sông, thằng mổng có mắt dắt ông thầy bói đi ngang qua cuộc đời…lũ nhỏ trong làng đang xuôi bè chuối trên con đường làng hay là ta đang nghe thấy tiếng hát tuổi thơ  ta nhỉ, nếu không có tiếng giông sấm của cơn mưa đầu mùa, tôi còn lạc vào tuổi thơ tôi, nhưng không phải trong buổi trưa đầu mùa đông mưa xối xả, ký ức tuổi thơ đã lung lạc tôi, chính là câu chuyện về lũ kiến cha tôi chép trong văn tập Tan Rã của ông đã đánh một cái quá mạnh vào nhận thức của tôi, cả ông Lê Quí Đôn trong Phủ Biên Tạp Lục và cả cha tôi trong văn tập Tan Rã, trước tác của hai người, theo tôi, đều là văn chương hư cấu, chắc ông Đôn khi ngồi ghế quan ở Huế nghe ai đó kể về mảnh đất cực nam của Thuận Quảng, chuyện kể hư thực thế nào chẳng rõ, chỉ thấy chép trong sách Phủ Biên Tạp Lục: Từ nguồn An Lạc đi lên các thôn Hà Nghiêu, Đất Cày, qua đèo La Hai, giáp đất phủ Phú Yên, đến các xứ Sông Lôi, Nước Nóng, Thượng Nhà, đến nguồn Hà Lôi là chỗ các sách [thôn xóm-chú thích của tôi] người Đê người Man (tục gọi Đê là người Chàm, Man là người Mọi) cộng 3 ngày.  Lại từ đấy cho người Man tiền bảo họ dẫn đường theo đường núi mà đi hết 14 ngày thì đến nơi hai vua Thủy Xà Hỏa Xá nước Nam Bàn.  Nước ấy có chừng hơn 50 thôn, trong nước có núi Bà Nam rất cao lớn, là trấn sơn một phương, Thủy Vương ở phía đông núi, Hỏa Vương ở phía tây núi, đều có địa phận riêng, gác cây làm nhà…tôi từng tra cứu các sách địa chí biết cái tọa độ địa lý ông Đôn tả trong sách Phủ Biên Tạp Lục là thuộc dãy núi phía nam làng tôi, hay Thủy Vương với Hỏa Vương trong sách ông Đôn đã hóa thành vua Rừng Dưới bị lũ kiến cắn chết và chàng trai từng trò chuyện với lũ kiến trong sách của cha tôi, ông Đôn thì, trên dãy núi phía nam làng tôi phải có vua, hai vua, nhưng cha tôi thì khác, có đất của vua nhưng tàn lụi ngay buổi đầu, từ trên dãy núi phía nam làng tôi dường như cha tôi đã nhìn thấy một cuộc hôn phối như một thứ sấm ngôn về cách thức tồn tại của loài giống con người, ông chép trong văn tập Tan Rã: một hôm, chàng trai thấy có người con gái bước ra từ tổ kiến, nàng đẹp như thể hết thảy những vẻ đẹp trần gian gộp lại, trong dáng giai nhân có cả cái lặng lẽ của loài kiến, có cả cái thân thể uốn lượn tài hoa của loài giống con người, em sẽ sinh cho chàng thật nhiều những đứa con, nàng nói, rồi hai người bước vào cuộc giao phối thác đổ hoa trôi nghìn năm gió biếc trải phong nhiêu, đất làng ta là do hai người ấy lập nên, người làng ta là đám con cháu của đám con trai con gái hai người ấy sinh ra…mỗi lần đọc tới đoạn này tôi cứ thấy vừa vui vừa sợ hãi, như cơn mơ, tôi là hậu duệ của một loài giống bước ra từ cuộc hôn phồi giữa con người và loài kiến ư…

 

giã  9.30AM 7/7/2018