Những tổ khúc của nắng

 

Tôi đã nhận ra thế giới theo cách của tôi.

 

 

NHỮNG ÁM ẢNH…

 

và đêm đến tôi lại ra đồng làng ngồi chờ đèn nhà em sáng, đêm, đất quê cứ như chốn kinh kỳ của những cư dân sang trọng, bờ cỏ đồng làng cứ sáng lên những bông cỏ dại, có vẻ như chúng chỉ chờ đêm đến mới dám nhấp nháy đôi mắt khiêm tốn của mình, có những loài cỏ  chỉ về đêm mới dám nói cho người ta biết là mình đang trỗ bông, những việc làm thầm lặng  của tự nhiên, và nhã nhạc của dế, đừng nói đó là tiếng nói của một loài giống không có trí khôn [cao ngạo bao giờ cũng là lầm lẫn] tôi ngồi chờ đèn nhà em sáng, và lắng nghe, có ai nói gì với lũ chúng không nhỉ, lũ dế lại hát to lên, khi sự cuồng nhiệt được nghe thấy trong thứ tiếng hát tha thiết, thì hết thảy các thứ, từ những gì thô sơ nhất như hạt bụi hay giọt nước mắt cho đến những khái niệm lớn lao vể sự ngu muội hay minh triết [tỉ dụ thế], hết thảy đều trở nên bức thiết, nghe và cứ cảm thấy muốn hiểu thấu tất cả, từ ý nghĩa của việc ta sinh ra cho đến những lý do của đau khổ hay của cái chết, trần gian như thể là đang bị phanh phui giữa thứ tiếng nói của một loài giống có thể tổ tiên chúng có trước tổ tiên con người, tôi cứ muốn gọi thứ tiếng nói đầy âm sắc ấy là nhã nhạc của dế, tôi nghe, và cứ dòm chừng đèn nhà em đã sáng chưa, và biết chắc rằng ngọn đèn sáng nhất ở trong làng là đèn nhà em,

 

***

 

nhưng tôi cũng đọc được trong ký sự làm vườn của cha tôi về loài dế, tiếng kêu của dế không phải nhã nhạc, mà là ‘‘tiếng thấu tận’’, cha tôi viết, nghe tiếng dế kêu thì thấu tận mọi lẽ, biết cái buồn vui hay căm giận của ta là đến chỗ nào [thấu tận] tôi chơi thân với dế tự buổi ấu thơ, từ cách bắt dế, cho đến cách nuôi dế và cho dế đánh nhau [chọi dế], có những con vật là bạn đường buổi ấu thơ, một con chó nhỏ, một con mèo nhỏ, hay một con chim nhỏ,  chơi với nhau, rồi chẳng còn giữ lại được thứ kỷ niệm gì, nhưng với dế, dường chúng không chịu rời khỏi ký ức tôi, cứ đêm xuống là tôi lại nghĩ về tiếng kêu của dế, dẫu bấy giờ ngoài vườn nhà tôi có tiếng dế hay không, thực ra, ngay tự lúc lũ dế còn được tôi nuôi nấng trong những chiếc lồng đẹp đẽ do chính tay tôi đan bằng nan tre, cả ngày lẫn đêm lũ dế được ăn thứ cỏ mượt nhất tôi hái từ bờ cỏ đồng làng [ phải cho chúng ăn uống đầy đủ như thế mới đủ sức chọi nhau] ngay tự lúc lũ chúng được nuôi nấng như những ông hoàng bà hoàng, tôi đã nghe thấy sự lầm than trong tiếng kêu của chúng, dường lũ dế , lúc nào cũng cất lên thứ giọng nói chứa đầy những u uẩn, sầu muộn, gãy đổ, ồ, sao cái giọng nói như thể bi ca ấy lại theo tôi suốt vậy, trong ký sự làm vườn, cha tôi nói loài dế là thứ sinh vật nghe được mùi mưa nắng, nghe dế kêu thì đoán biết sự thay đổi mưa nắng của trời, nhưng đấy là chuyện liên quan có tính định luật giữa các tiểu ngã và đại ngã [giữa các sự vật và trời đất] tôi cứ sợ cái bi ca, tự dưng tôi lại đi gắn bó với nó,  chẳng phải loài dế với thứ tiếng kêu đầy nỗi lầm than vẫn cư ngụ mãi trong trí nhớ tôi đó sao, cho đến khi tôi cảm nhận được có sự dịch chuyển từ phía nàng sang tôi, một cuộc tình thầm lặng diễn ra, thì đêm nghe tiếng dế kêu tôi lại nghĩ ngợi về nàng, hay cuộc tình thầm lặng của tôi cũng chỉ  là một thứ bi ca,

 

***

 

đêm như sự thoái thác của sự vội vã, cứ chầm chậm thôi nghe em, tôi thầm nói với nàng trong lúc lũ dế vẫn hát vang, và bầu trời trên đầu là những dòng sông tinh tú đang chậm rãi chảy qua nghĩ ngợi của tôi, không phải, là nửa cõi của những cuộc sinh nở, miền trời của những sinh ra và tàn lụi, cứ mỗi cuộc đời của mỗi vì tinh tú là một thứ đại lãng, cái kỳ diệu bất tận,  không ngừng lung lạc nghĩ ngợi của những kẻ vừa muốn chiêm ngưỡng vừa muốn lật tung vẻ thầm lặng kỳ bí của nó, tự nhiên cũng thầm lặng như cuộc tình thầm lặng của tôi vậy, cứ chầm chậm thôi nghe em, tôi lại thầm nhắc nàng trong tư thế của  một kẻ vừa nghĩ ngợi về cuộc tình thầm lặng của mình vừa lo lắng không làm sao cắt nghĩa được tại vì sao, đêm thì những bờ cỏ đồng làng lại lặng lẽ như vậy, tôi cứ thử bước đi trên  bờ cỏ đồng làng, dưới chân tôi, lũ cỏ đương khóc, không phải, tôi biết rồi, là sương trời đương xuống làm ướt đẫm mọi thứ, lũ cỏ vẫn cứ lặng thinh, như thể chúng không muốn làm lỡ quan niệm của của tôi về sự thầm lặng của tư nhiên [này, kẻ đang nghĩ ngợi về người mình thầm yêu thì nên bước chầm chậm vậy, tôi cứ có cảm tưởng như thể lũ cỏ đang muốn nói với tôi thế] là tôi đang đi về phía ngược với phía khác của đêm, tôi đi về phía cuộc tình thầm lặng của mình, còn đêm thì đi về phía bình minh, cứ chầm chậm thôi nghe em, tôi lại thầm nhắc nàng nữa, có điều gì đó đang làm cho tôi nghĩ ngợi nhỉ, hay đèn nhà em tắt đã làm cho tôi nghĩ ngợi, không phải, khuya rồi, đèn nhà em tắt, nhưng ánh mắt em tôi vẫn thường hay nhìn thấy khi gặp em trên đường làng vẫn cứ sáng trong nghĩ ngợi của tôi, hay là do quan niệm của tôi về sự thầm lặng của tư nhiên, một lần sương rụng một lần cây lá rùng mình tận hưởng thứ lao đao của cuộc nghìn năm, thứ tôi cứ muốn nương theo mà chưa được,

 

***

 

đêm như thể bài tập vỡ lòng cho cuộc tình thầm lặng của tôi, bỡi hết thảy những thứ khác đã làm mệt nhoài trí óc tôi, những tháng năm với những cơn bão của nghĩ ngợi nhân loại [những cơn bão của trí tuệ] có thể nói vậy, từ những gào thét, đập phá, phủi bỏ tất cả, của những nhà thông tuệ lúc nào cũng để cho nước mắt mình rơi [khóc] bỡi lúc nào cũng nghĩ những gì kẻ khác nghĩ ra đều là lầm lẫn, vào một buổi hoàng hôn nào đó  người ta đã nghe thấy loảng xoảng đổ những thần tượng cũ, mới, từ những trận đồ của chữ, phép biến hóa cổ đại, rồi cận đại, đương đại, những buổi xuất quân của thuyết lý, thời của diễn đàn và diễn giải, từ chương sách vở với những kho lẫm của nó [những tàng thư các] tràn ngập thế gian, có kẻ  cả đời vùi đầu vào kinh điển, không xong, lại phải truyền cho các đời sau làm tiếp, các bậc thông tuệ ấy mê chuyện sách vở từ chương, thậm chí có kẻ đã quên khuấy chuyện mình vẫn  ăn thóc để sống, từ chuyện này chuyển sang chuyện khác, thế giới là một cuộc trông ngóng, mưu đồ để khôn hơn và mạnh hơn kẻ khác, sách vở từ chương một lần nữa lại được dùng làm áo mặc của lũ quỉ mưu soán đoạt thế giới, những mảnh trần thế lao đao lận đận như thế cứ tiếp tục bày ra, như thể tôi chẳng còn có lúc nào để nghĩ ngợi về cuộc tình thầm lặng của mình, đêm, như thể là chút khe hở của thế giới để cho tôi nghĩ ngợi về nàng, nhưng đêm không phải là tất cả, tiếng lũ côn trùng rỉ rê nơi bờ rào nhà tôi không phải là đêm, cũng như nửa khuya con ấp muỗi vỗ cánh nơi vườn nhà tôi  không phải là đêm, những thứ đó cũng như bầu trời sao trên đầu tôi, cũng như tôi, không phải là đêm, tất cả chỉ là những sự vật được chứa trong đêm, chứa trong thứ khái niệm thầm lặng, cái khái niệm chứa được những điều bất ổn [tiếng chân của loài sâu bọ ăn đêm, hay tiếng gió làm tả tơi đám chuối sau hè] cái khái niệm về sự thầm lặng tuyết đối ấy bao giờ cũng làm cho tôi nhìn thấy nàng rõ hơn,

 

***

 

và đêm cũng là nơi chốn thể nghiệm của những cuộc tình thầm lặng, cái cách dịch chuyển trong đêm của các sự vật,  và cái cách đêm tôi lại nghĩ ngợi về nàng, có phải là cuộc va chạm đầy tính sử thi không nhỉ, hay chỉ là một ví dụ về mối tương quan lỏng lẻo giữa các sự vật trong trời đất, đêm, những em bé  đói cơm ở châu Phi  nằm la liệt dưới bầu trời đầy sao thì có dính dáng chi với cuộc tình thầm lặng của tôi không nhỉ, hay, đêm, bọn giết người thời đương đại lùng sục khắp thế giới, cái cách lường gạt đương đại gọi là đi đêm, đêm, chúng nhét vào túi người  thiếu tiền,  nói là viện trợ, tức là giúp nhau, để chờ khi bọn họ trả không nổi thì xiếc cả giang sơn tổ quốc của bọn họ, những chuyện  như vậy thì có  liên quan  với cuộc tình thầm lặng của tôi không nhỉ, dẫu sao, đêm, khi nghĩ về nàng,  tôi vẫn thấy mình là một thực thể trong trời đất, khi nghĩ về nàng tôi lại thấy mình quan trọng biết bao, cái xúc động cao sang ấy là còn hơn cả một thực thể, sẽ không bao giờ có những khảo cứu về cuộc tình thầm lặng của tôi đâu nhé, bỡi nó là thứ vật thể khôn cùng, tình yêu thầm lặng của tôi chỉ là thứ dáng vẻ, thoắt những âm ba, những trường đoạn đi, về, những khung cửa khép, mở,  không phải, chỉ có nơi đến, không nơi dừng lại, đi, và lãng đãng một cuộc phù trầm, có phải là đang có những khó khăn trắc trở trong cuộc tình thầm lặng của tôi không nhỉ,  sẽ là niềm bối rối của tôi khi có ai hỏi tôi về điều đó, thực ra thì đã bao giờ nàng biết là tôi luôn nghĩ về nàng đâu, cuộc tình thầm lặng của tôi là mới diễn ra từ một phía, một cuộc nghiêng đầy tính sử thi, như khi thế giới nghiêng về phía những khung trời minh triết, đến bao giờ tôi mới có thể nói cho nàng biết về điều này thì tôi không biết, bỡi việc đó thì khó khăn hơn nhiều việc tôi cứ đêm đến nghe tiếng gió trút lên cây lá ngoài vườn là lại nghĩ đến nàng, việc một mình tôi nghĩ ngợi về nàng  cũng đơn giản như đêm bằng trí tưởng tượng của mình tôi lắng nghe được nhịp điệu của trời đất, tôi nghe được có ai đó trò chuyện với ai đó về cuộc tình thầm lặng của tôi, việc cảm nhận được những nhịp điệu mưa nắng chẳng qua là một cách thế có tích cách chứng kiến, việc làm sao cho nàng biết tôi luôn nghĩ ngợi về nàng là còn khó khăn hơn việc đo mưa nắng, đêm, tôi thể nghiệm tôi, cứ để cho những nghĩ ngợi mơ hồ rắc rối trôi vào thứ khái niệm thầm lặng của đêm cho đến khi tôi nhìn thấy được nàng,

 

***

cái cách đêm con ấp muỗi vỗ cánh nơi vườn nhà tôi là sự khích lệ đối với những ai luôn nung nấu câu chuyện đi về phía trước [với tôi là câu chuyện nhích mãi về phía cuộc tình thầm lặng] có thể sau tiếng vỗ cánh của chim là một khoảng trời bên dưới nó là lỉnh khỉnh những núi sông làng xóm chim muông, không phải, là đất quê tôi đấy, nơi một chiếc lá tre khô rơi trên đường làng cũng vô cùng quan trọng, đừng nói chỉ có nhau rốn tôi cất giữ ở đó, mà tất cả những năm tháng đi ra đi vào, cái hồn cốt của mình khi đã gửi vào chốn đó, cũng chỉ là gặp nhau, chào nhau [cùng một làng thì đi ra đi vào gặp nhau] nhưng như thể tôi luôn thấy có một cuộc dịch chuyển lớn lao và huyền nhiệm từ phía nàng sang phía tôi để cho tôi có thể nhìn thấy được nàng trong tâm tưởng, những tháng năm như thể là cuộc hóa thân của một mảnh nhân gian nào đó, hay những bờ tre làng, hay những khu vườn đầy quả trong làng, hay cái buội duối gần trăm năm tuổi vẫn cứ còn mãi ở chỗ đầu con đường vào làng tôi đã biến hóa thành cuộc tình thầm lặng của tôi, tôi không biết, chỉ đêm đến, sau tiếng vỗ cánh của chim, thì như thể tôi lại nghe thấy những thứ tin tức có liên quan đến cuộc tình thầm lặng của tôi… có ai đó bước vào miền cổ tích nào đó để rủ rê ai đó đi xem lũ chim chóc nào đó đang làm tổ trên cây, hay, đã hết rồi những tháng năm chờ đợi, những kẻ ra đi đã trở về, nhưng thế giới này cứ như khu rừng đang khai phá, ngày nào cũng nghe thấy người ta đốn hạ, cưa kéo, vẫn bề bộn những cây đá, chim muông, dốc suối, bề bộn các thứ xác chết, các thứ thuyết lý và các thứ luật lệ, chừng nào thì không còn thấy những la hét, phẩn nộ, giành giật từng khoảnh sống, tôi không biết, nhưng đêm đến tôi lại đọc được những tín hiệu vui nơi con chim trời ấy, người ta nói loài chim ấy đêm ấp ủ cho loài muỗi sinh sôi [ấp muỗi] có thể đấy là sự lầm lẫn của con người, nhưng nếu đấy là chuyện thật thì cũng chỉ là chuyện thầm lặng của tự nhiên, tương quan giữa các sự vật trong trời đất vẫn là những câu chuyện thầm lặng như cuộc tình thầm lặng của tôi vậy, không sao đâu, đêm tôi vẫn thường nghe thấy tiếng vỗ cánh của con chim ấp muỗi nơi vườn nhà tôi, cái cách vỗ cánh có hơi chậm một chút, nhưng đấy là tín hiệu của tồn sinh, đêm tôi vẫn nghe thấy tiếng trở mình của chim, giữa cái thế giới bề bộn những dự án, những chương trình hành động, những mưu toan, con người cứ đàn đúm nhau bỏ đất mà đi, tôi vẫn còn có thể trò chuyện với nàng,.

 

***

 

và đài các hơn, đêm cứ như thứ thời khắc đất trời dành riêng cho trí tưởng tượng của tôi, từ cái cogito ergo sum [tôi tư duy vậy tôi hiện hữu] tôi nhảy qua các thứ cào cào châu chấu, tôi nhảy qua tiếng ếch nhái trên đồng làng, tiếng la hoảng của con nai con lạc mẹ trên rừng, có nghĩa, trí óc tôi không chịu dừng lại ở bất cứ khung trời nào mà vươn cho tới chỗ cuộc tình thầm lặng của tôi, tôi tưởng tượng thấy nàng đang chờ tôi giữa đất trời tháng tám, mùa thu ở quê tôi heo may ngọn gió, bông cỏ may trong vườn nhà tôi ngã màu buồn, tôi ra vườn nhà, bước đi giữa đám cỏ may đang lo lắng mùa thu đến thì hoa cỏ không còn giữ được vẻ trong sáng mùa hè, bông cỏ may nở mùa thu chỉ là không đành để cho một loài hoa cỏ bỗng dưng phải ngưng lại mạch sống, bông cỏ may nở mùa thu ở quê tôi cứ như sự gượng gạo sống của đám con gái giặt lụa trên sông Nil, giặt lụa và chờ đợi sự chết đến mang mình đi sau các cuộc truy bức hoan lạc của đám pharaon Ai Cập cổ đại, đám con gái giặt lụa thì chết trong những cuộc dày vò đầy thú tính của những con vật đực đầy sức lực là các pharaon sông Nil, nhưng bông cỏ may ở quê tôi thì nở bốn mùa, tôi cứ muốn gọi các pharaon Ai Cập cổ đại là các pharaon sông Nil, gọi thế thì khó quên hơn, nhưng các pharaon hiện đại thì như thế nào nhỉ,  tôi chỉ có thể tưởng tượng là nàng cũng ra vườn nhà nàng , mùa thu ở vườn nhà nàng bông cỏ may cũng ngã màu buồn, và nàng cũng bước đi giữa những bông cỏ may, như tôi, tôi tưởng tượng thấy nàng đang bước đi giữa những bông cỏ may, không phải bước đi, mà ngồi xuống giữa những bông cỏ may, tôi tưởng tượng thấy nàng ngồi xuống giữa những bông cỏ may, và đám bông cỏ may bắt đầu cài lên áo nàng, có vẻ như nàng thích ngồi gỡ những bông cỏ may đang cài lên áo mình, cuộc tình nào lại không có những trắc trở như vậy, mùa thu, sự trắc trở trong cuộc tình thầm lặng của tôi là bông cỏ may dính rất nhiều trên áo nàng, tôi cứ tưởng tượng cảnh bông cỏ may dính đầy áo nàng, và thấy thế giới này có vẻ luôn tử tế với  tôi, và  lần này, khi bông cỏ may dính đầy áo nàng, đất quê tôi cứ giống như thứ giọng nói thân thiết đã lâu không nghe thấy,

 

***

 

 

thật ra là tôi đã cố tạo ra một thứ tình huống, cái diễn ra như thế, không phải, một thứ trạng thái, cái tình trạng như thế, cũng không phải, một thứ biến cố, cái đột nhiên xảy ra như thế, cũng không phải nữa, nói thế nào nhỉ, cứ cho là tôi đã cố tạo ra một cái gì đó như thể một thứ không gian thời gian riêng biệt để tôi đặt vào đó đất quê tôi và cuộc tình thầm lặng của mình, cái chứa được tất cả, một vùng như thể… vào một buổi sớm mai tôi bỗng thấy có người lặng lẽ bước vào cuộc đời mình, chỗ bắt đầu của cuộc tình thầm lặng của tôi cũng đơn giản như giọt sương mai vậy, tôi ngồi xuống bên lề cuộc đời tôi, lắng nghe, vậy là, kể từ nay, vào lúc đêm đến, khi  cảm thấu được cả niềm cô độc  của vạn đại trường tồn thì tôi không còn bơ vơ nữa, trong hết thảy những nỗi bơ vơ nơi trần gian này thì nỗi bơ vơ của lũ côn trùng nhỏ nhoi nơi vườn nhà tôi là được ghi vào sử sách…’’đêm nghe tiếng lũ côn trùng rỉ rê ngoài vườn, ta cảm thấy có bao điều để nhớ nhung’’ [trong một cuốn quốc văn giáo khoa thư nào đó tôi không còn nhớ tên] không cần phải nói cho nàng biết là vào một buổi sớm mai tôi đã nhìn thấy nàng bước vào cuộc đời tôi, một cuộc tình thầm lặng thì không thể diễn tả bằng lời, vậy là, tôi biết, kề từ nay, bất cứ nơi nào tôi đặt chân đến đều đã có dấu chân của nàng, cái lý lẽ trong cuộc tình thầm lặng là được đặt trên nền tảng tự nguyện, đừng hỏi gì cả, bỡi vì tôi nghĩ vậy, tôi thấy tôi ngồi xuống nơi bờ con sông chảy qua đồng làng, tháng ba, lúa trên đồng làng đang trỗ bông, tôi cứ thấy lẫn lộn giữa bóng mình với bóng đám cây vừng trên bờ sông đang ngã  lên con nước trên sông, không sao đâu, tôi nói với tôi, bỡi nàng cũng từng ngồi ở đây, bóng nàng cũng lẫn lộn với bóng đám cây vừng nơi bờ sông ngã lên con nước trên sông, những bông lúa tấp lên những cái bóng trên sông tạo nên thứ hình bóng lúc dài ra lúc thu ngắn lại như thể một cuộc chơi kỳ ảo, thì cũng chỉ là được trích ra từ cuộc bể dâu, bàn tay thời gian vẫn cứ chạm vào những hiện hữu làm vang lên những bi khúc, buồn, mà cứ muốn lắng nghe, như tôi cứ muốn lắng nghe tiếng nước vỗ bờ ở trên sông vậy, tôi thấy tôi ngồi xuống con đường làng, và chờ, hoa đá đỏ ở hai bên đường đang nở, thơm lừng, không phải là để nghĩ ngợi về những kỷ niệm ấu thơ đâu, lần đầu tiên, trên con đường làng này, các vị thần mặc áo màu nắng đã hứa sẽ cho tôi áo mới,  bọn họ đã ra đi từ lâu, chỉ còn để lại trong ký ức tôi  cái dấu chấm nhỏ  nàng vừa dẫm lên đó, và con đường làng vừa viết lên đó một thứ lịch sử còn mới toanh, những kẻ thừa hưởng quá khứ, trong đó có tôi và nàng, sẽ đọc,

 

***

 

cái cách buổi sáng đi làm muộn nàng phải chạy trên đường làng, sự vội vã như thể là ghi chú quan trọng của cuộc tình thầm lặng của tôi, khi thấy nàng vào những sáng đi làm muộn phải vội vã như thế tôi lại tự hỏi mình, rằng, nhịp độ cuộc sống có phải tự nó là một tiến trình [nàng chạy trong những lúc đi làm muộn là điều chỉnh nhịp độ của một tiến trình] thấy nàng chạy trên đường làng, lũ chim ở hai bên bờ rào làng bay lên, và đám hoa đá đỏ ở hai bên vệ đường như thể chưa kịp nói lời nào với nàng, tôi cứ muốn đuổi theo nàng để nói ra một lời nào đó về việc chúng ta không thể nào làm chậm lại cuộc sống, trong cuộc tình thầm lặng của tôi thì thời gian như thể người bạn thân thiết lúc nào cũng rỉ tai rôi, rằng, hết thảy những con sông đều đổ ra biển, nhưng vào một hôm nào đó khi không còn ngọn gió nào thổi, con nước trên sông  khẽ chạm vào bờ  như nhắc nhở của cuộc trầm tích nghìn năm, rằng, người đi trong giông bão khi trở về thương tích đầy mình, bỡi  hư vô bao giờ cũng tàn nhẫn, chỉ mang theo những chết chóc, người đi trong giông bão khi trở về chỉ có thể cho biết cái chết là một sự trống rỗng không đến nỗi đáng sợ như chúng ta tưởng, khi thấy nàng vào những sáng ra đồng làng muộn, phải chạy, tôi lại thấy băn khoăn về cuộc tình thầm lặng của mình, tôi cũng đang vội vã muốn  cho nàng biết là tôi luôn nghĩ về nàng [có bao giờ là tôi không nghĩ về nàng đâu] nhưng lại không thể vội vã đuổi theo nàng, có phải trong một cuộc tình thầm lặng thì người ta không thể vội vã, và cũng không thể nói ra bằng lời, cuộc sống, nó là chốn gian nan khổ ải, người đi mở cuộc áo cơm, cứ chần chừ đứng ở phía bên này cõi chưa biết, cho đến hôm thấy nhuần nhuyễn trong nghĩ ngợi những thứ lý lẽ của trần gian, mới dám bước tiếp, vào những đêm nằm nhớ lại hành trình vất vả của mình, ngọn gió khuya lại khua động tâm tư,  những buổi sáng ra đồng làng muộn nàng phải chạy cứ làm tôi nghĩ ngợi, thời gian là thứ có thể làm lại được hay sao, ôi làm lại thời gian, tôi cứ đem thứ khái niệm khó khăn ấy ra nói với mình, rằng, khi tôi là dòng sông đang chảy tôi có biết mình là dòng sông đang chảy không nhỉ

 

***

 

cứ sáng ra là lũ chim hanh hao lại bay lượn trên khu vườn nhà tôi, và đám cây lá trong vườn thì như thể đang chờ đợi một thứ biến cố nào đó đến từ lũ chim, tôi ra vườn, và cũng cảm thấy như có điều gì đó bất thường đang diễn ra trong cuộc tình thầm lặng của mình, nàng đã biết tôi luôn nghĩ về nàng và đang chờ tôi ở đâu đó chăng, buổi sáng tháng ba, lũ chim hanh hao như thể đang cảm nhận được thứ thời tiết trong sáng đến độ như  muốn nâng hết thảy lên một chốn cao nào đó, cứ ứng lên uyết…uyết…cái giả dụ nàng đang chờ tôi ở đâu đó cứ làm tôi bối rối,  thì cứ coi như đã thất bại trong cuộc tình thầm lặng của mình đi, như thể có ai đó vừa nhấc người tôi lên, vừa rỉ tai tôi, nhưng đó là cuộc tình  rất thật như con sông đang chảy qua đồng làng vậy, tôi tự nói với mình, và cứ thấy sợ hãi, nhưng cha tôi đã cứu tôi, không sao đâu con, ông nói, cha tôi đã ra vườn trước tôi, sau những năm tháng cày ruộng, giờ ông chỉ còn giữ mỗi công việc chăm sóc  lũ cây ăn trái, đọc sách, và chép ký sự, hay là ông đã biết được cuộc tình  thầm lặng của tôi, tôi nghĩ, và liền nói dối với cha tôi là tôi đang nghĩ đến  đám cây trong vườn, một ngày nào đó chúng  sẽ già cỗi, không còn cho hoa trái, cha à, tôi nói, và bắt đầu dò thử ý tứ cha tôi, không sao đâu, đó là một thứ tình yêu thầm lặng con ạ, ông nói, thật sự là  câu nói của ông có làm cho tôi  lo lắng, nhưng tôi cứ cho là ông đang trích đọc một lời nào đó trong ký sự làm vườn của ông, cuộc sống cứ như một thứ phép thử, nhưng không sao, bỡi  ta vừa đi vừa dò dẫm con đường ta đang đi, con à, cha tôi tiếp tục vun đất vào những gốc tiểu muội và nói, tôi  thở phào, nhẹ nhỏm, cứ thấy bầu trời như đang nới rộng ra, bất tận, và trong cõi xa xăm ấy tôi như nhìn thấy người con gái tôi yêu đang nhìn tôi,  còn lũ chim hanh hao thì cứ ứng lên uyết,…uyết…

 

***

 

sáng nay tiếng kêu của chim hanh hao  có vẻ vui hơn, và nắng thì điềm đạm hơn, tôi ra vườn giữa lúc đám sao trời đã nhòa mất hết trong nắng sớm, và lũ chim hanh hao có lẽ là vừa nhận được một thứ gì đó từ phía thầm lặng của tự nhiên [ cái đại ngã sóng dội nghìn trùng tôi vẫn cố nương theo để gìn giữ cuộc tình thầm lặng của tôi mà chưa được] một lời tâm huyết nào đó chăng, rằng, trong cuộc ngẫu nhĩ thấy nhau giữa các sự vật thì trời đất vốn im lặng từ đầu, cứ để cho nghìn nghìn lớp lớp phù vân trôi đi trong thứ nhịp điệu trắc trở mà lừng vang, gọi là các miền viễn xứ, nhưng vốn chỉ một nhà [tất cả là một, lời của Parmenide của nước Hy Lạp cổ hồi hơn 2000 năm trước] giữa thứ tiếng hót như thể có chêm  vào đó thứ âm lượng vẻ vang nào đó, tôi đã tưởng tượng ra được một thứ đại ngã sóng dội nghìn trùng theo cách của tôi, rằng, cái lầm than đen tối thì luôn ngản trở cuộc đi đứng của chúng ta, nhưng con đường đi về phía trước đâu phải chỉ có một, vào một sớm tinh mơ nào đó bỗng nghe thấy có ai rỉ tai bảo cứ lên đường đi thì hãy bước đi theo ngả có tiếng hót của chim, cái đại ngã sóng dội nghìn trùng theo cách của tôi thì có tiếng hót của chim và cuộc tình thầm lặng của tôi, nhưng trong ký sự làm vườn thì cha tôi lại nghĩ về  đại ngã theo cách khác, rằng, trong cuộc vào ra của muôn loài, có hôm, có ai đó đã gõ lên giấc ngủ của đá, bạn cứ như vậy suốt hay sao, hỏi, và đợi cho đến hôm sau, năm sau, những thiên niên kỷ sau, vẫn không thấy trả lời, đá hay là sự im lặng của vô tận ứng vào cuộc trầm luân của muôn loài, cỏ cây vươn lên từ đất, ta, kẻ làm vườn, một hôm, thử vốc nắm đất đem cất vào chổ gốc cây tiểu muội đang trỗ hoa, nửa đêm hôm ấy sự im lặng của vô tận ứng vào giấc mơ của ta, ta thấy ta sau khi cất nắm đất vào chỗ gốc cây tiểu muội xong thì phủi tay đứng lên, lập tức có ai đó đánh một cái thật mạnh vào ý thức của ra, rằng, chỉ có ngu ngốc mới phủi tay như thế,

 

***

 

tôi lại nghĩ ngợi về cuộc tình thầm lặng của tôi, một cuộc tình cũng giống như một biến cố nào đó hay sao, mùa đông, những cơn bấc thổi, lạnh ngắt, đám cỏ trong vườn nhà tôi ngày đêm cứ cúi rạp  xuống để bớt cái giá buốt, một biến cố, nhưng đấy là chuyện buồn, cuộc tình thầm lặng của tôi không phải chuyện buồn, hay, mưa, làm ướt cả đường sá làm ướt cả nhà cửa cây cối, có khi mưa ngày này sang ngày khác, không dứt, mùa đông ở quê tôi như thể là lúc tự nhiên muốn tặng cho con người lời tâm huyết, rằng, trời đất thì vô thường, đấy là những biến cố, nhưng cuộc tình thầm lặng của tôi không phải chuyện vô thường, với tôi, nàng như con suối, bắt đầu từ nghĩ ngợi của tôi, chảy không ngừng nghỉ, qua những tháng năm [có bao giờ là tôi không nghĩ về nàng đâu] nơi con suối ấy, bóng mây [nơi đáy nước] như một thứ giấc mơ sũng ướt, hay như ai đó đã nói giữa đông đảo thế giới, rằng, đấy quả là cuộc tuần hoàn, đẹp, nhưng khó hiểu, những con chim rừng đã biến thành những chiếc lá… tôi đang nghĩ ngợi về cuộc tình thầm lặng của mình, một cuộc tình cũng giống như một biến cố nào đó hay sao, không phải, và không thể, cuộc tình thầm lặng của tôi không phải, cũng không thể, như một biến cố nào đó, bỗng người ta thấy có nhiều cách diễn giải khác nhau về cơn gió đầu mùa rồi đâm ra thù địch nhau, chống đối nhau, chuyện đánh nhau nơi mặt đất  đôi khi chỉ bắt đầu từ cái hắt hơi khó ở của một vị nguyên thủ quốc gia, kẻ có thể có những tráo trở trong phương pháp trị nước,  mới hôm qua thôi, con quạ, đậu nơi cây thị trong vườn nhà tôi, chỉ thốt lên tiếng kêu độc nhất, quạ, đấy là lời thách đố với đám gà mái đang dẫn các đàn con kiếm mồi ở trong vườn, con người,  đôi khi cũng chìm đắm trong thách đố, cuộc sống cứ như nỗi hoài nghi hoài hoài về cách nhìn thế giới, những người ở lại với thi ca thì ít hơn những người bỏ ra đi, đấy là những biến cố, buồn, chìm đắm, chết chóc, trong khi, cuộc tình thầm lặng của tôi cứ như cơn gió bụi trần gian

 

***

 

về sau tôi mới nghiệm ra những nghĩ ngợi về cuộc tình thầm lặng của tôi lúc bấy giờ là mang tính tri thức luận, chỉ nghĩ về nàng, nhưng đấy lại là khoảnh trần gian đầy hương sắc đất đai và năm tháng, một nội dung  lừng lẫy, chỉ mỗi cái tên làng nơi sinh ra nàng, nhưng đọc lên, thấy người đi mở đất đặt xuống đó ý niệm tồn vong, đất, nơi ở của con người, việc định vị cho bầy đàn, nhọc nhằn, khắc khoải, đem cái hoài bão đặt giữa mịt mù, ai mà biết, từ đó, sẽ sản sinh những áo  cơm, văn chương, triết học, trưa, tôi nấp ở chỗ đình làng, ngôi đình làng tôi cũng lạ thật, bom đạn mấy cuộc chiến tranh ghê gớm  vẫn không làm gì được, ngôi đình vẫn cứ đứng đó chờ cho tôi trưởng thành, để trưa trốn nhà ra nấp ở đó chờ nàng từ đồng làng trở về, hãy chầm chậm thôi nghe em, khi trông thấy nàng ngang qua đình làng tôi cứ nói thầm trong nghĩ ngợi như thế, hóa ra, những nghĩ  ngợi về cuộc tình thầm lặng của tôi lúc bấy giờ lại mang tính thi ca, như thể, chỉ một chút biến cố như vậy người ta cũng có thể làm ra văn chương, triết học, ở làng tôi, những người đi làm ở đồng làng như thể những nhân vật lịch sử, chứ gì nữa, cuộc chuyển động ghê gớm của cuộc tiến hóa của muôn loài luôn đặt trên thứ nền tảng sinh tử là thức ăn, tiến hóa chẳng phải là từ việc đi tìm thức ăn sẵn có trong  trời đất tiến đến việc tự làm ra thức ăn để ăn hay sao, trưa, nấp ở đình làng, nhìn thấy người con gái của làng đi làm ở đồng làng đang trên đường trở về nhà, tôi cứ muốn chạy ra đón, và nói ra những tình cảm tôi vẫn cứ giấu diếm trong lòng, tôi cứ muốn nói với nhân vật lịch sử của tôi một điều khác nữa còn quan trọng hơn cuộc tình thầm lặng của tôi, rằng, dù gì, vẫn làm sao cho tiếng trẻ thơ vẫn cứ còn nghe  hoài ở trong làng và tiếng con gà vẫn cứ còn nghe gáy hoài ở trong làng

 

***

 

và, bấy giờ, như thể toàn thể tiến trình nhận thức của  tôi đều có bóng dáng của nàng, buổi sớm tinh mơ, tiếng con chim cu đồng trên bờ tre trước ngõ đánh động niềm mơ ước, cái một, như thể tiếng chim trời là hóa thân của một lời thân thiết, bấy giờ tôi cứ đinh ninh nàng cũng thầm nhắc tôi như tôi vẫn thầm nhắc nàng vậy, vào những lúc hiểm nguy tự nhiên lại cứu giúp con người, tôi chẳng dám nói lời nào với nàng về những gì tôi đã dành cho nàng chẳng phải là lúc hiểm nguy hay sao, có một thứ gì đó như thể chớp bể mưa nguồn diễn ra vào một hôm chẳng có tín hiệu gì là đã vào đông, nàng là giông tố giữa cuộc đời tôi hay sao, tôi không biết, chỉ là vào một đêm trăng sao vằng vặc nơi bầu trời tháng sáu vừa mới được khỏa vào âm thanh trong ngần của ký thác, tiếng vạc kêu sương, bão táp lại xảy ra nữa trong tâm trí tôi, mãi về sau tôi mới nghiệm ra đó là sự nhớ nhung, khi, trong trời đất, một vật thể luôn hướng về và luôn muốn làm một với một vật thể khác thì gọi là nhớ nhung sao, tôi không biết, chỉ là một ngày có mưa, những cơn mưa muộn mùa đông ở quê tôi thì giá buốt, trong thứ thời tiết như biểu lộ về nỗi bất an của thế giới tôi thấy nhớ nàng ghê gớm, là tôi đang chờ được nhìn thấy một bông hoa nở muộn ở cuối trời, em biết không, tâm trí tôi như đang co hẹp lại đến mức có thể nhìn thấy là nó đang hướng về cái gì, tôi nhìn thấy tôi đang bước đi giữa những câu chữ đã cũ ai đó đã viết lên mặt đất, rằng, trần gian vốn trinh tiết và các thế lực đen tối trong các thế kỷ qua đã làm vấy bẩn, tôi cứ thấy tôi như thể kẻ sống sót sau những tàn phá của ngu xuẩn

 

***

 

như thể đấy là sự sụp đổ các khái niệm tôi không dám để cho nàng hay biết [ thời người ta thích làm xiếc ghê gớm/ để tự  mình biến hóa thành dạng hình của những loài giống khác] bỗng, phần tăm tối của mặt đất được ngợi ca như những chiến thắng của thế kỷ, giọt nước mắt chảy xuống thành bông hoa, hay cái chết nào cũng được diễn giải như sự tuẩn tiết cho chân lý, thời không chắc về điều gì cả, có thể sáng ra lại thấy vì vua cũ của mình thành kẻ tội phạm [kinh điển của các bậc thánh  nhân nơi các tàng thư các đang nói  gì vậy] tôi không dám nói với nàng về cái chết của loài chim đa đa, tháng chín ở quê tôi là mùa giao phối của loài chim đa đa, tháng chín lũ chim lẻ đôi khóc suốt ngày, tiếng khóc như thể những tường trình về sự tăm tối của mặt đất, bỡi chúng không biết  bạn tình của mình chết vì mưa gió mùa đông hay vì sự săn đuổi tàn nhẫn của con người, tôi không dám nói với nàng về nỗi đau của chim, bỡi con người đã thay đổi cách nhìn về hạnh phúc, có thể là tôi chẳng còn nhận ra mình khi thế giới làm rối tung các khái niệm, buổi chiều hôm, nghe chó sủa đầu làng, tôi cứ sợ ai đó lại vào làng đánh tráo những khái niệm về sự minh bạch, những lúc như vậy tôi lo nàng lạc vào cuộc chơi trác táng của thế kỷ [tôi đã nhìn thấy bọn họ múa may cười cợt đú đỡn trong các trò vô bổ ngay cả ở những diễn đàn của thời đại] thời gian như đang chơi trò phủ bóng lên các hiện hữu, các nhà thuyết lý vẫn cứ kiêu ngạo khi bọn họ viết ra tràng giang đại hải những lời giả dối

 

***

 

hay nàng là những mảnh trần gian lừng lẫy bỗng một hôm trở thành hình hài gấm vóc trong niềm mơ ước của tôi, có phải  cuộc tình thầm lặng chỉ là mảnh nhận thức về những cuộc trôi giạt, những gặp gỡ trần thế nó là hệ quả của những trôi giạt, bất định, nhưng đầy ắp mong mỏi, tương tư, quyến rủ, những trôi giạt nó là cuộc lung lạc lớn nhất và tài hoa nhất, làm ngập cả những bến bờ ướt hết cỏ cây, chim chóc, ướt hết những nỗi nghi ngờ, ướt hết những trầm tư, ướt hết những ảo ảnh, nơi các thời kỳ cổ đại các vị thần vội vã rời bỏ các thứ quan niệm cố chấp, các thứ cát cứ cứ rã ra,  không phải chỉ có gió mưa, hay chỉ  có những con vật tinh khôn, mà hết thảy đều lớn tiếng, nói, đã đến lúc phải để cho những dòng sông như thể là định mệnh thư thả chảy qua hết thảy những bến bờ, tôi đứng ở  phía bên này sự giả định, để nhìn, thấy nắng ở trên cao, các vị thiên sứ đã rời khỏi bầu trời cũ, nói, ta đi đây, hỡi những kẻ đang đi tìm lương thảo cho mặt đất cứ dừng lại nơi bạn cảm thấy đó là chốn bình yên, có phải đó là chốn đã diễn ra cuộc tình thầm lặng của tôi không nhỉ

 

***

 

và đám hoa nở ngày giữa trưa thiu ngủ, giữa trưa tôi ra bờ rào ngồi dưới đám hoa nở ngày để nghĩ ngợi về cuộc tình thầm lặng của mình, nàng là vóc dáng đất quê,  không phải, chỉ là chút vô cùng nhỏ nhoi của trôi giạt, có lần nào đó trong cõi luân lạc vô tình bỗng đọng lại [hay là dừng lại nhỉ] một nơi chốn hào hoa, hay đất quê tôi chỉ là một lần dừng chân của luân lạc, trưa, nghe tiếng thở của cây lá mà hiểu ra các thứ, hoa nở ngày giữa trưa thiu ngủ, tôi mường tượng buổi ấy, những kẻ đồng điệu [các loài hoa, muông thú, và đất nước lửa khí…] hết thày cùng đứng lên, nói, cứ việc chảy đi cho thõa trầm luân, hết thảy là cùng đứng lên, gào thét, tiếng nói của tự nhiên như thể mật lệnh của trôi giạt, vậy thì làm sao tôi lại nhận ra được nàng là vóc dáng đất quê, có thể là tôi đã cố thoát ra khỏi tri thức về cuộc hỗn loạn của thế giới để nghĩ ngợi về nàng, mới hôm qua, chúng tôi gặp nhau trên đường làng, từ sáng sớm tôi đã ra đồng làng để tiếp tục tìm lại loài cỏ nâu người ta bảo là đã tàn lụi từ nhiều năm trước, nàng ra đồng làng muộn nên có vẻ vội vã, thấy tôi nàng chỉ cười thật nhỏ, rồi nghiêng nón, chạy thật mau, thế giới là cuộc kết nối vĩ đại và tất yếu, nhưng vì thời tiết nắng mưa, vì sự trồi sụt trong nghĩ ngợi nhân loại, có thể còn lại sau đó là một cuộc tình, hay một cuộc hận thù, có khi là nỗi u hoài dai dẳng, có người đã ngồi từ thế kỷ này sang thế kỷ khác  để chờ nghe một lời nói mang tính thiên niên kỷ, có nhà hiền triết, một sáng thu buồn, vì ông vua dơ bẩn lại đem ngai vàng ngồi ngay trước mặt mình che mất nắng mặt trời mới tức giận, gào, hãy đi nơi khác đi, nỗi u hoài nghìn năm làm sản sinh những thứ như thể những cuộc nổi dậy không thể không có, buổi sáng đi tìm lại hình bóng của loài cỏ nâu đã mất, tôi cứ  sợ rồi ra cuộc tình thầm lặng của mình cũng tàn lụi như loài cỏ xấu số

 

***

 

cứ sáng ra là tôi lại chuyện trò  với nàng một chút, nói một chút về chuyện nắng mưa, nói một chút về chuyện đồng làng, tháng ba, lúa chín, lũ chim cước lại kéo về đồng làng tôi kiếm thóc, tôi nói hương lúa tháng ba là tích tụ hương thơm mùa xuân lũ chim cước không đời nào chịu từ bỏ, nhưng nàng bảo không phải lũ chim tham lam mà muốn ăn thử hạt thóc thơm mùi đất của quê tôi, những cuộc chuyện trò giả định như thể là để cắt nghĩa lại thế giới, dù chưa bao giờ nghe nàng nói, nhưng tôi biết, cách nhìn thế giới của nàng là bao gòm thứ ánh mắt bao giờ cũng sáng lên một cách diệu dàng và ẩm ướt [có bao giờ là tôi không nghĩ về ánh mắt nàng đâu] thứ ánh mắt ẩm ướt và một bầu trời ẩm ướt, ở đó là sự háo hức, tin yêu, chuyển động, bỡi một cô gái sinh ra là liền gắn bó với đất đai, thì hết thảy, từ những cơn mưa mùa đông cho đến cái cách bay của lũ chim trời là đều rất thật như con đường làng vẫn cứ hiển hiện một cách minh bạch ở bên dưới những bước chân nàng, cứ sáng ra là tôi lại trò chuyện với nàng, những cuộc chuyện trò giả định như thể là để gắn kết lại các sự vật trong trời đất, nói một chút về nắng mưa, nói một chút về thế giới, chuyện nắng mưa, tôi biết, không phải chỉ mỗi nàng mà hết thảy đám con gái trong làng đều thích nghe, nhưng chuyện thế giới là do tôi muốn cho nàng mở thêm tầm nhìn ra khỏi ngôi làng của tôi một chút, tôi nói thế giới loài người  lâu nay cứ giống một thứ giấc mơ dai dẳng, con người nằm mơ thấy mình có đủ thứ, thức ra thì mất hết, lại mơ nữa, nàng bảo nghe những chuyện như vậy thì thấy buồn

 

***

tôi cứ như thể bị cuộn vào cuộc đời này, kết chặc vào nó,  chẳng còn có thứ ý tứ gì hơn là cứ ở yên đó, đời đời ở đó, để nhìn mây bay trên đầu, và nghe gió  thổi qua các ngõ ngách hương thơm của đất quê tôi, làm như thể bấy giờ là tôi đã đạt đến đỉnh vinh quang cuộc đời,  cứ đứng ở đó mà nhìn, thấy toàn bộ những lý thuyết về nhân sinh đều tích tụ trong cuộc tình thầm lặng của mình, cái quằn quại, khổ đau, hay niềm bi tráng, như thể, từ cuộc tình thầm lặng của mình, tôi nhìn thấy rõ mọi ngõ ngách cuộc sống, ồ, những đoàn người vướn bụi  đang bước đi giữa trăng sao, ngay cả cái cách nghĩ ngợi lừng danh’’tồn tại hoặc không tồn tại’’ [Shakespeare] cũng bị tôi bác bỏ, bỡi, bấy giờ, với tôi, chỉ có mỗi điều: ở đấy là sự tồn tại của tôi và nàng, bấy giờ, mùa, sự trôi, như thể một thứ giai điệu cường tráng, tôi như nghe được bước đi của nó, tôi nghe mùa hạ chạm vào tâm tư của đất, không sao đâu, một chút nắng cháy trên đồng làng thì chẳng qua cũng chỉ là để đánh động, rằng, đang trôi, và đã đến lúc như vậy, đất nói, và tiếp tục lặng im như nghìn triệu năm qua, sự lặng im biểu hiện của kiên  nhẫn, chịu đựng, tôi nghe mùa thu ngang qua biên giới của các nỗi chết, xin đừng nói nữa, lá úa trên cây nói, cuộc thương lượng diễn ra vào một ngày nắng ít, bầu trời mây thấp, buồn, bỡi con người thì cứ mong cho mùa thu đến để mô tả về cái chết, bấy giờ, sự chuyển dịch như thể là đồng điệu của tôi, nàng và tôi là đang trôi ở trong đó, cảnh giới như thể là thể nghiệm sinh tử giữa cái đại ngã nghìn trùng, về sau, khi nàng không còn nữa, tôi mới nghiệm ra, khi một cuộc tình dẫu là cuộc tình thầm lặng hiện diện trong thế giới này thì lập tức hết thảy từ nửa ngọn gió heo may cho đến mảnh trăng cuối tháng đểu trở nên những lý do để sống

 

***

 

một cuộc tình ngoại lệ, cứ vậy mà trôi đi theo tiếng gà buổi sáng, trôi đi theo tiếng gù tình của lũ chim cu trên bờ tre trước ngõ, trôi đi theo cái cung cách tồn tại của một ngôi làng quê mà trong nhận thức của mình tôi thấy không có nơi nào thay thế được, ngôi làng, như thể một hòn cù lao của sự say đắm, mặc cho những nơi khác văn minh đến đâu, ở đây, đất quê tôi, vẫn cứ không thể khác đi được, một người cầm cày theo đôi bò trên ruộng không phải chỉ trong đời anh ta mà cả tổ tiên anh ta những người từng cầm cày theo đôi bò trên ruộng và cả con cháu anh ta nếu còn cầm cày theo đôi bò trên ruộng thì cũng không thể khác đi được, là cứ chầm chậm bước, suốt cả buổi, cả ngày, và  suốt cả cuộc đời, là cứ chầm chậm bước, không phải cứ muốn nhanh hơn là được, bỡi đây là cầm cày theo đôi bò trên ruộng, nó là nỗi say đắm lưu truyền, lật đất lên để gieo xuống đó hạt giống là nỗi say đắm lưu truyền, nỗi say đắm đã làm ra cả một nền văn minh lúa nước, không phải là kẻ cầm cày dẫu có vĩ đại như Platon, Aritote cũng không thể hiểu hết nỗi say đắm ấy, hay cuộc tình thầm lặng của tôi cũng là nỗi say đắm lưu truyền, tôi không biết, chỉ nghe vào buổi chiều hôm có con nghé nhà ai lạc bầy ù be khóc trên đồng làng mà thấy động lòng, dường như giữa tôi và mảnh đất quê này là có một mối tương tri thâm căn cố đế, đã có thứ hiểu biết nhau lừng lẫy ấy thì có cả khối man rợ của cuộc sống này cũng chẳng làm gì được tôi với đất quê tôi 

 

***

 

để phá vỡ tính cô độc trong một cuộc tình thầm lặng, tôi trù tính là phải tìm đến các vị thần nghe nói là vào những năm xưa cũ đã từng trú ngụ nơi ngôi làng nhỏ bé của tôi, tôi trù tính vậy về chuyến đi có phần phiêu lưu mạo hiểm của mình, và thấy nàng cười [bao giờ nàng cũng chỉ nhìn tôi, sau những phút lặng im, thì cười] có thể là gặp được, hay không gặp được, cũng chẳng sao, tôi nghĩ vậy, bỡi pháp điển hiến chương về tồn tại đã được Heraclitus hát lên từ những nghìn năm trước, là đang mùa thu, loài hoa tiểu muội đang tàn trong vườn nhà tôi đang tỏa lên thứ hương thơm sặc mùi luyến nhớ… a, khi chiều ta đã đọc thấy ý muốn của nhà ngươi ứng vào ngọn gió cuối ngày, vào quảng nửa đêm, như thể có ai gõ vào gót chân mình, tôi vùng dậy, bước ra sân, nhìn thấy niềm mong mỏi của mình đã được đáp ứng, cuộc chuyện trò cũng mộc mạc giản đơn như các cuộc chuyện trò giữa tôi và những người làng, sau khi bảo người đã đọc thấy ý muốn của tôi thì hỏi tại  sao tôi lại thấy cô độc, tôi thành thật đáp là bỡi vì không biết bao nhiêu lần định nói với nàng về tình yêu tôi dành cho nàng nhưng rồi không dám, nỗi sợ hãi đẹp nhất trong những nỗi sợ hãi, người nói, thiếu chút nữa là tôi đã làm hỏng giấc mơ thế kỷ của mình, bỡi tôi đã toan tính kêu lên, rằng tôi đã nhìn thấy được bản thể của tình yêu, không phải, đấy không chỉ là bản thể của tình yêu mà là của mọi sự vật, cái hồn cốt của tồn tại là nỗi sợ hãi khôn nguôi, người nói, cứ vào mùa thu thì lũ côn trùng ở vườn nhà tôi lại thay đổi cách biểu lộ tình cảm của chúng, đêm mùa thu thì nghe thấy tiếng kêu của lũ côn trùng như có ai đó làm cho đứt quãng, tôi nghe đau ở cổ [cứ muốn nói gì đó nữa nhưng không nói được] khi nghe vị thần đồng làng, người đang trò chuyện với tôi,  nói  về bản thể của sự vật

 

***

 

và tôi cũng chẳng hiểu tạo vì sao ở cái quán trọ rộng lớn là cuộc đời này, cái quán trọ dành cho đám khách trọ nhúc nhác chúng ta, lại chứa đựng nỗi sợ hãi to lớn như thế, tại vì sao trần gian lại là nỗi sợ hãi khôn nguôi, và tại vì sao tôi vẫn chưa dám nói với nàng rằng không lúc nào là tôi không nghĩ về nàng, tôi không biết, nhưng không sao đâu, nếu không nói ra được những lý do của nó, bỡi ngôi làng như hòn cù lao của sự say đắm đã nuôi dưỡng tôi, ngay tự buổi ấu thơ tôi đã không thèm biết tới một thứ lý do nào cả, chẳng cần biết tại vì sao tôi lại thích mùa đông, cứ thấy mưa là cỡi trần ra, lao vào trong mưa, những cuộc tắm thần tiên, mưa như thể mang lại cho tuổi thơ  niềm hoan lạc thánh thiện không phải cứ muốn diễn tả là diễn tả được, chẳng cần biết tại vì sao tôi lại thích cỏ, thích nhìn mây bay, hay thích nhìn lũ dế chọi nhau…trong ký ức tôi có vô khối những thứ ngăn nhỏ như thế để chứa đựng những hình ảnh như thế, khi đã có được cuộc tình thầm lặng, thì đêm, tôi còn có tiếng vạc kêu sương, đang yên lặng vậy, bỗng cất lên tiếng chim thảng thốt, tiếng vạc là một thứ hốt nhiên nhất, hốt nhiên mà ứng lên, như thể có ai đó chạm vào bóng tối của đêm làm vỡ ra bao nhiêu thứ, cảm thức của bơ vơ, lạc lõng, hay hoang mang mất mát, hay cứ thấy như là lẫm lỡ sao đó, nỗi hoài nghi như dòng chảy ngầu đục bỗng tạt ngang qua tâm trí tôi, vào những lúc như vậy tiếng vạc cứ làm cho tôi phải ngược về phía khác với cuộc tình thầm lặng của mình, tiếng chim như thể tách được một vật thể này ra khỏi một vật thể khác, đêm vẫn là lúc để cho nghĩ ngợi của tôi như thể vượt qua được chính nó, tôi nhập vào dòng lãng bạc, cuộc trôi của hết thảy các thứ hình hài, thanh cao, tàn bạo, tráo trở… để cho cuốn theo nó cả những nghĩ ngợi tôi chưa hề nghĩ tới và cả những gương mặt tôi chưa hề biết

 

***

 

những thứ như thế, nhỏ nhặt, có vẻ không là gì cả, nhưng lại luôn làm lay động tôi, buổi chiều muộn, lũ chim xước còn nán lại trên bầu trời buồn, vẫn cứ bay, nhiệt tình, như thể cả ngày vẫn chưa nhìn thấy được điều chúng muốn nhìn thấy, tôi nhìn trời, nhìn chim, thấy không yên trong lòng, nỗi bất an vô cớ, và ở cuối làng, như có ai đang nói gì đấy, tiếng nói rõ to, tôi lại cảm thấy lo lắng trong lòng, những tháng năm sống trong cuộc tình thầm lặng của mình, những thứ như thế, vốn phù du, lạc lõng, nhưng với tôi thì cứ như những biến cố, sự cố, không phải hay sao, đương yên ắng thế bỗng có tiếng chó sủa khuya, bất kể là ai, nhưng vào làng vào giữa khuya như thế là chuyện chẳng bình thường, một tiếng chó sủa khuya nó chẳng là gì so với một cơn lũ hay một trận đánh, nhưng đấy lại là cái cách đánh thức thế giới, tôi lại bắt đầu ưu tư từ tiếng chó sủa khuya, cái cách tôi cảm thấy bất an cứ như một món nợ một kẻ sống trong cõi đời phải cưu mang, tự buổi ấu thơ tôi đã nợ làng tôi, quá nhiều, con chim xước đã đến tận vườn nhà tôi để nhảy nhót bên cạnh niềm vui của tôi, làng là luôn phảng phất nỗi buồn, nhưng cái thần thái cố cựu ấy lại là thứ khiến cho tôi nửa khuya thức giấc nghe được tiếng cựa mình của con chim ấp muỗi ngoài bờ rào, nghe được như thế là tôi đã nợ hồn cốt núi sông, nhưng món nợ lớn nhất là làng đã sinh ra người con gái ấy để nàng bước vào cuộc tình thầm lặng của mình, những tháng năm sống trong cuộc tình thầm lặng của mình, những mảnh đời quanh tôi cứ như cuộc đánh động trường cửu, lớn lao, và có phần hiểm nguy bất trắc, có khi tôi cố không nghĩ đến, nhưng như thể đấy là hệ lụy chết người của một cuộc tình thầm lặng, tôi như phải luôn sống trong tình cảnh lắng nghe thử cuộc đời như vẫn lắng nghe thử cuộc tình thầm lặng của mình vậy

 

***

 

làm thế nào, chỉ có hai tiếng tắc kè mà làm ra được cả những giấc mơ cửu ngũ, làm ra được cả một cuộc ngoái lại nhìn một dọc dài hiện hữu [tôi muốn nói đến cái nhìn về toàn thể những dấu vết thời gian] tắc kè, một tiếng kêu vắn vỏi, chỉ có vậy mà con tắc kè trú nơi vườn nhà tôi đã làm cho tôi nhìn thấy được bao nhiêu là lý lẽ, bao nhiêu là hy vọng, thất vọng, cuồng vọng [ đâu chỉ loài khủng long tổ phụ con tắc kè, mà cả loài người nữa, tham vọng thống trị, tật nguyền của con thú trần gian còn nghe thấy được trong tiếng kêu đầy nỗi niềm của con tắc kè đang trú ngụ nơi khu vườn nhà tôi ] tắc kè, chi có hai tiếng vậy mà con tắc kè [cứ cho là vậy] đã có chỗ đứng không bao giờ nguôi trong trí nhớ tôi, tháng ba ở quê tôi là mùa động tố, những cơn giông sấm  nổi lên vào lúc nắng gắt: mặt trời bỗng tối sầm trong mây, và những tiếng rền như thể lời dọa nạt của tự nhiên từ dãy núi phía nam làng bắt đầu tràn lên miền đất như thể là thể nghiệm của tạo tác, ở quê tôi thứ gì như cũng đang bắt đầu, con gà đang bắt đầu tập gáy, các loài chim mới di chuyển tới đang bắt đầu làm quen với nơi cư trú mới, con người đang bắt đầu nghĩ ngợi làm sao cho đồng làng cho thật nhiều thóc [thật ra thế giới như là sự bắt đầu]  ở một nơi thứ gì như cũng đang bắt đầu và đang chịu sự đe dọa của tạo tác, tất nhiên là con tắc kè vị khách lâu năm  nơi khu vườn nhà tôi phải tỏ thái độ của mình, tắc kè, đôi khi chỉ cần có hai tiếng mà đánh động được trí tuệ thế giới, những tiếng kêu vắn vỏi quyến rủ tôi, để tôi có thể nhận ra, rằng, đôi khi chỉ cần nàng nói ra hai tiếng thôi, sẽ chờ, hoặc, vẫn chờ [đêm, trăng sao về ngủ giữa lời chim vạc, hãy thôi hết đi những đại tự sự chết người] biết là chẳng đời nào nàng dám nói với tôi lời nào, nhưng tôi cứ giả dụ vậy, và cảm thấy cuộc tình thầm lặng của mình đẹp biết bao

 

***

 

người đi từ lũy tre làng từ trăm năm trước không hề biết về sau làng lại xảy cuộc tình thầm lặng [khúc tự tình lẫn trong đường cày mới vỡ, trần thế chẳng qua là những cánh chim chao nghiêng một chút rồi trả lại hết thảy cho buổi chiều nắng quái] đêm, con chim ấp muỗi vỗ cánh nơi bờ tre đánh động cả một khúc sử đen ngòm, bọn chúng đã xưng vương xưng đế hết cả rồi, áo gấm đầy trời, và cái cách nói năng trước công chúng làm đen cả thế kỷ, lũ chim chóc không vui bỏ hết những khu rừng thân quen cũ ra đi, còn bọn kiêu căng thì như ngày nào cũng nguyền rủa ai đó, hay ca ngợi ai đó, hay khoe khoan về mình, thời cái tôi ghê gớm quá, thời dễ cảm thấy hoảng hốt lắm, từ khi có được cuộc tình thầm lặng thì như thể ngày nào tôi cũng muốn lấy ra từ thế giới này một thứ gì đó, một chút thức ăn từ cơm gạo, hay một chút khoái trá từ ông vua mới cướp được ngôi, hoặc, để cho nhìn thấy rõ hơn thứ gọi là cuộc tình thầm lặng, hoặc, để cho tôi bớt đi mộng mị, thời như đêm nào tôi cũng mộng mị, thấy tay chân  ông vua  lại dính liền với rắn, loài ngu mà độc, hoặc ít nhất là cũng thấy mình lạc vào chốn lạ nào đó, có khi là chỗ ở của một nhà huyền học đang ném chữ nghĩa lên trời cao và gọi gió, huyền học một thời đã lung lạc cả thế giới đó, khi có được cuộc tình thầm lặng tôi lại bắt đầu nghi hoặc cuộc đời, cứ thấy như những người ra đi từ lũy tre làng tự trăm năm trước vẫn còn ngồi yên ở đâu đó để khóc chuyện đời sau

 

***

 

bao giờ là cũng ngồi nán lại nơi bờ cỏ nhìn trời, cái chốc lác, mấy nghìn năm tổ tiên tôi, những người cày ruộng, vẫn giữ cái chốc lác ấy, người biết đấy là thứ gia tài phải gìn giữ, bờ cỏ đồng làng, người ngồi nán lại nhìn trời, và luôn thầm nói với chính mình, rằng, đây không phải hiến tế, mà là tương tác, cuộc tương tác có ý nghĩa sinh tử, bỡi một lời thốt lên là lập tức một lời ứng đáp [ngọn cau mừng trăng non đầu tháng, hay, con cuốc buồn gọi cơn mưa chiều…] đại khái người hiểu thế, người hiểu về cái tiểu ngã trong đại ngã, nghìn năm con gà gáy giữa buổi mặt trời lên, không thể khác đi được, ai cố vượt ra khỏi nó, cuộc tương tác ấy, sẽ chết, tuy người không thể nói ra được những lời như thế, nhưng người biết, hơi thở của một chiếc lá, hay hơi thở của một con sâu, là thuộc về cuộc hòa điệu cất lên tự buổi tương tư, cất lên tự buổi còn là ý muốn của vô biên

 

***

 

nhưng những sớm mai có đất bũn trải dưới những bước chân trên con đường ra đồng làng thì chẳng có thư tịch nào chứa nổi, bỡi nó là sự co giãn [hay lay động nhỉ] trong tâm tư tổ tiên tôi, những người cày ruộng, đang trên con đường đi tới cuộc công phu lớn không kể  xiết, bao giờ là người cũng bước đi trong tư thế của kẻ sẵn sàng hiến mình cho sự thể có vẻ như thứ nhịp điệu sầm uất bao la khởi lên tự đã quá lâu người không còn hình dung nổi, trong tưởng tượng của tổ tiên tôi, và về sau là của đám con cháu chúng tôi, thì chỗ bắt đầu cho cuộc trò chuyện với đất đai về việc lật đất lên để làm ra cơm áo cho con người cũng huyền nhiệm như việc đất đai bấy lâu vẫn làm chỗ cư trú cho cả những người còn sống lẫn những người đã chết, những buổi sớm mai người bỗng dừng lại trên con đường ra đồng làng, che mắt, nhìn mặt trời lên, và thầm nói trong lòng như thể là một cách cầm cự [những nghìn năm qua, tổ tiên tôi, những người cày ruộng, vẫn cầm cự như vậy, bằng  mỗi cách là chỉ thầm nói với mình] rằng, mặt trời lên đỏ như màu máu như thế là sẽ nắng to, không có thư tịch nào chứa đựng hết những nghìn năm  xao động như thế, cày ruộng là lịch sử của sự xao động, có cả cái thường hằng lẫn bất định, hoài nghi, nhớ nhung…tôi nghe con chim cu đồng gáy vào bờ đất, bầu trời tháng sáu cao ngút như ngôi nhà chung cho những thứ vừa mới vỡ ra từ nghĩ ngợi của tôi: những gương mặt của bọn giết người đã được trang điểm lại, các thứ bản nháp nhì nhằng về lịch sử nhân loại, các thứ đại tự sự viết bằng chữ hình nêm có bằng chữ thắt giây có, và những cuộc tình thầm lặng

 

***

 

và ngay cả người cũng không hiểu vì sao mình xúc động khi đứng trên con đường làng ngước nhìn bầu trời cao rộng,  thứ ngày nào người cũng nhìn thấy, nhưng cho đến lúc ấy, khi trên bầu trời, thứ quang cảnh như đang mở ra một cõi nào đó, tự dưng, người cũng không hiểu sao đến lúc ấy thì người xúc động, nhưng không phải chỉ mỗi lần ấy, trong cả quảng đời có vẻ lặng im chìm đắm với cuộc quần thảo với đất đai, buổi sáng từ nhà ra đồng làng, buổi trưa từ đồng làng trở về nhà, hằng trăm hằng nghìn bận đi về như thế trên con đường như thể là sự nối dài của đôi chân mình, người nhớ là không biết bao nhiêu lần người cảm thấy xúc động khi đi lại trên  con đường ấy, hoặc là lúa đã lên đòng, cuộc thai nghén của lúa trên đồng làng tác động lên cuộc thai nghén trong ưu tư người mà người không biết, hoặc là có quá nhiều lũ chim vướt đùa giỡn trên bầu trời của buổi sáng tháng tám hơi buồn bã, chặp nữa là mùa thu đã đến, mùa thu  là mùa giao phối của lũ chim vướt, cái hào sảng lưu ly mang tính sinh tồn của lũ chim trời đã làm cho người xúc động mà người không biết, chỉ là người không biết đấy thôi, vào những lúc như vậy thì dấy lên trong người những biên cương, bờ vực, những ước mơ bạt mạng, mở ra hằng khối những phác thảo khổng lồ bỡi người là đang đi mở đất, người bước đi, và cái chưa đến luôn đốt cháy cuộc hải hồ, bao giờ ở trong người cũng là ngọn lửa, thứ phù sa bát ngát trong tâm tư người mở đất, với tổ tiên tôi, những người cày ruộng, ngoài cánh đồng làng với vuông sân nhỏ và cuộc quần thảo với đất đai là những gì vô cùng to lớn không  thể nói được, có thể, khi nghĩ  về cái to lớn không thể nói ra được ấy, người  chỉ im lặng mỉm cười, với người, thế giới là niềm bí ẩn dài lâu

 

***

 

và nàng có nói gì đâu, vẫn vậy, mỗi lần gặp nhau thì nghiêng nón, cười nhỏ, rồi chạy thật mau, làm như thể thế giới này là nơi để tôi và nàng gặp nhau chẳng có gì phải lo lắng, mùa đông, mưa trắng trời, dãy núi phía nam làng tôi như lúc nào cũng ngập trong mưa, sáng ra là thấy núi phủ đầy nước mắt, thấy núi buồn tôi cũng buồn, đi trò chuyện vói nàng, rằng, cái bao la của trời đất như cái cớ cho ta phải nghĩ ngợi để thấy ra mọi lẽ, cái mặt đất lởm chởm các thứ chủ nghĩa này là một cuộc tra hỏi triền miên, con người là bị treo lên để khai ra mơ ước của mình, lịch sử là  cuộc tra tấn  man rợ nhất trong các thứ man rợ, có thể minh triết đã bị xử chết từ lâu, cho nên lũ sóc phải chờ đêm xuống để đi trộm trái chín ở  các khu vườn trong làng, còn lũ thiêu thân thì biết mệnh số của mình là phải lao vào chỗ ánh sáng đèn để không còn sống nữa, nhưng đám người tự cho mình là vĩ đại thì ngày nào cũng chường mặt ra giữa ba quân thiên hạ để tự ca ngợi mình, thế giới là một điệp khúc đầy âm tiết đen, những cuộc chuyện trò giả định kiểu vậy thì bất tận, tôi cứ muốn nói cho nàng nghe bao nhiêu thứ chuyện về cuộc đời này, nhưng chưa nói được, mùa đông, vào những đêm có mưa, lũ ếnh nhái trên đồng làng kêu vang như thể để nhắc nhở tôi rằng thế giới rộng lớn và đầy bất trắc không dễ gì có được một cuộc tình, tôi nói, làm cách làm sao mà tôi vẫn chưa thể nói cho nàng nghe những điều tôi muốn nói, đừng đòi hỏi gì cả, cứ để cho cuộc tình ấy lặng lẽ trôi đi như trăng sao lặng lẽ trôi trong trời đất vậy, bỡi người đời sau sẽ chép đủ cả trong các thư tịch của bọn họ, tôi nghe như lũ ếch nhái trên đồng làng nói với tôi vậy

 

***

 

rồi hồn phách cỏ cây cứ dính chặc vào cuộc tình thầm lặng của tôi, cái cách núi sông cứ việc lặng thinh như thấu triệt đến tận chốn hư không, một cuộc chơi tận tụy, bài bảng và náo nhiệt, tri thức tự nhiên là niềm hoan lạc thấu tỏa đến tận hang cùng ngõ hẻm của các sự vật tôi lại nghe thấy vào những sớm tinh sương lúc nghĩ ngợi về nàng [có sớm mai nào là tôi không nghĩ về nàng đâu] chỉ mỗi tiếng gà gáy trưa cũng đủ để cho tôi nhận ra chỗ quan yếu của nơi tôi và nàng sinh ra, cái nguồn cội của hết thảy các sự vật là được tự nguyện trích ra từ chỗ căn nguyên của trời đất, chẳng phải một lời dế hát hay một lần chờ đợi nơi đầu non của vầng trăng cuối tháng hay cơn mưa trái mùa chợt đổ xuống giữa nắng cháy hay cái cách một người nhìn thấy dấu vết thời gian và làm ra được  thi ca hết thảy chẳng phải là tự nguyện sao, tôi cứ lơ mơ nhìn thấy cuộc tình thầm lặng của mình cũng được tự nguyện trích ra từ chỗ căn nguyên trời đất…hỡi vũ trụ vô ưu hãy cho ta lòng can đãm để một hôm nào đến gõ cửa nhà nàng nói ra hết những hiểu biết quá ít oi của mình về mưa nắng, vào những lúc muốn gặp nàng là tôi lại thầm gào lên với mình như thế, và cánh cửa của vũ trụ hiểm hóc vẫn cứ khép hờ để đấy, cứ lồ lộ những tòa tráng lệ, ở tận đỉnh cao huy hoàng  của nó là những thách thức, mời gọi [hay là những câu hỏi nhỉ] và dáng vẻ một ngọn núi hay một dòng sông là niềm kiêu bạc đời đời [có ngọn gió sớm mai trườn qua dốc núi nghe vọng về giọt đắng] tự nhiên, ngôi nhà chung của khám phá, mong mỏi, và đợi chờ, và tôi lại thử nhìn vào đấy, lại thấy nàng nghiêng nón, cười nhỏ, và chạy thật mau

 

***

thế giới, cuộc nhào nặn ghê gớm có thể một ngày nào sẽ nhận chìm cuộc tình thầm lặng của tôi, cái viễn cảnh không mấy vui ấy ám ảnh tôi, bỡi có thể, chỉ là một biến động nho nhỏ nào đó, chưa phải là sự sang trang của lịch sử, chỉ là cái cách nhìn ngắm lại bầu trời, từ chỗ vô hạn chuyển sang không vô hạn, hay ngược lại, cũng đủ làm tan tác đám sinh linh bé nhỏ vốn phải luôn trú ngụ bên dưới cái cơ ngơi vô cùng to lớn  nhưng cứ từng lúc bị nhìn khác đi trong ánh mắt con người [có một thời các vị thần trú ngụ trong từng bụi cây ngọn cỏ rồi bỗng một hôm tất cả trở thành hoang hóa bọn vô loài phủi chân ngồi lên đó  buột nói ra những lời hỗn xược , sau đó thì cứ tưởng không còn thi ca triết học, không còn đủ nỗi buồn để khóc, không còn đủ tức giận để nguyền rủa, một lần gãy đổ, con người cứ phải trườn bò đi giữa đất chết…] em, trời đất, thứ vô biên vô tận, chúng ta những kẻ trú ngụ trong đó như những khách đi đường cứ định đến một nơi đi hoài không tới, tôi nói với nàng về câu chuyện đã quá cũ ấy vào một sáng tháng ba lũ sâu ăn lá dâu vừa hoàn tất qui trình kết kén của chúng, để tưởng nhớ thời con người còn nuôi tằm ươm tơ dệt lụa, cha  tôi vẫn giữ mấy gốc dâu già ngoài vườn, thay cho lũ sâu tằm tơ, giờ là lũ sâu bọ khác ăn lá dâu để kết kén, tôi nói với nàng, rằng, có những đổi thay không lường được làm cho ta bỡ ngỡ, tôi nói, và cứ ngỡ nàng chia xẻ những nghĩ ngợi của tôi, nhưng không phải, nàng bảo, người ta không còn ươm tơ dệt lụa thì không  còn có con sâu tằm ăn lá dâu chứ có sao đâu, với lại chúng ta những kẻ đi đường nếu đi chưa tới thì đi nữa chứ việc gì đâu, tôi nói ở phía bên kia của những lời nói có một thứ bến bờ đáng sợ là sự im lặng, nhưng nàng bảo chẳng việc gì phải lo lắng bỡi im lặng là ngôn từ đáng yêu của con người, tôi như đang  nghe thấy một thứ triết học của vô ưu, những cuộc chuyện trò giả định đã cứu tôi khỏi nỗi sợ hãi

 

 

 

NHỮNG TRẦM LUÂN…

 

trong ký sự làm vườn của cha tôi, ông mô tả hoa tiểu muội thế này: bỗng từ đất ngoi lên, vào một ngày chắc là có nắng ấm, bỡi nhìn hoa tiểu muội cứ thấy đằm thắm thứ nhan sắc minh bạch mà nồng nhiệt như thể là đang tỏa ra từ ngọn lửa mặt trời, tôi tin loài hoa này có ở khắp nơi, nhưng ở làng tôi, cái cách gọi tên loài hoa đó lại là một cuộc trầm luân, tự nhiên như thể cứ bày ra đó mặc cho con người viết nên những ghi chú, bỗng nghe nói đến những không gian của hương trời và sự cố kết của hoa cỏ, những lời nói đầu tiên là thoát ra từ sự lặng thinh của ngày đêm và nỗi sầu muộn của các sự vật chưa được gọi tên [không có nghĩ ngợi của con người thì chẳng có ngọn núi nào hết, chẳng có dòng sông nào hết, thế giới  chỉ là cuộc chìm nghỉm, hư không] rõ ràng, rằng, tự buổi đầu hết thảy là không tên, rồi ai đó ở làng tôi thấy là mình lầm lẫn khi gọi một loài hoa như trích ra từ ngọn lửa mặt trời là hoa dại, hồ sơ gia phả của làng tôi chép: khách đi ngựa ngẩn người, thở than một chặp thì nằm xuống chết bên loài hoa cái thoáng nhìn ban đầu của khách chỉ là một người con gái trẻ đẹp hóa thân làm hoa cỏ, đời sau lại có khách đi ngựa nữa vào làng, nghe chuyện cũ liền gọi loài hoa kia là tiểu muội [em của ta] rồi ngửa mặt lên trời than: cái cách núi sông bày ra đó cứ giống như một cuộc chơi không hề kết thúc, cứ chơi cho đã đời rồi nằm xuống chết ở bên lề thế sự, cái cách gọi tên một loài hoa cũng trầm luân như cuộc đời này vậy

 

***

 

và dẫu một con chuồn chuồn gãy cánh, chết, một trái tim của tự nhiên ngưng đập, tôi nhìn sự vật của một kẻ làm vườn, thở theo ngày đêm, nhìn, và biết một buổi sáng có lũ chim áo đà nhảy nhót trên những nhánh gòn trước ngõ là khác với một  buổi sáng có mây đen che kín bầu trời ở chỗ tự nhiên đã thay đổi giọng nói của mình, trong bản hòa âm của trời đất, mùa của những mùa và các thứ giọng nói của nó, thì sự thay đổi giọng nói của tự nhiên là niềm bí ẩn đầy vẻ cuồng nhiệt [như những ý muốn kiêu sa, thác loạn và bất khuất] sáng thức ra mới hay mùa thu đã đến, chỉ đến lúc ấy, chợt nghe tiếng hót của lũ chim cu trên bờ tre trước ngõ có vẻ ngắn hơn mọi hôm, và lũ cỏ may trong vườn có vẻ tiều tụy hẳn đi, thật ra, chỉ đến lúc ấy mới biết là mùa thu đã đến [cũng bí ẩn như thể tại vì sao em chẳng dám nói với tôi lời nào] cái cách thay đổi giọng nói đầy vẻ bí ẩn của tự nhiên làm thốt ra tiếng nói minh triết của con người và cũng làm lộ ra sự ngu xuẩn của thế giới, điều ngu xuẩn lớn nhất là cứ muốn chen vào, thậm chí là cứ muốn bỏ đi thứ giọng nói bao trùm các thứ bờ vực của tự nhiên để thay vào đó thứ tiếng nói nhỏ nhen, đen tối, lầm than, có, tự nhiên  cũng mang lại những trầm luân, chẳng phải loài giống con người sinh ra trong băng giá hay sao, nhưng đấy là nỗi trầm luân như thể thử thách để cho con người đứng thẳng lên giữa vẻ sáng đẹp của mình, em, cuộc tình thầm lặng của chúng ta là một cách nói khác của tự nhiên, những lời ấy chẳng thể tắt đi giữa thứ bờ vực bao la

 

***

 

và, hằng ngày, tôi vẫn nghe những giọng nói ấy thốt lên từ cây lá trong vườn, có khi chỉ là tiếng cựa mình [hay giật mình nhỉ] của một chiếc rễ cây, trong cuộc chuyển hóa sinh lực cho nhau, có thể một chiếc rễ cây cảm thấy hoảng hốt khi nhận ra những tác động đen tối [như có âm vang  của một lần động đất nào đó, hay một cuộc săn đuổi nào đó ở trong đất của một giống loài tàn bạo nào đó] có thể con chim đang nhảy nhót trên cành sửa soạn hót lên một lời nào đó với đám trái cây đang chín mọng  chợt nghe thấy tiếng cựa mình có vẻ bất thường của chiếc rễ cây, thì thôi, không hót [có bao nhiêu dự định như thế tan rã nhỉ] có thể sẽ nghe thấy tiếp theo nhau những lời trần tình về sự đổ vỡ, những cơn mưa mùa đông sẽ nói với lũ chim rũ ướt, rằng, mùa đông là vậy, giá buốt, và cả muông thú cỏ cây cả con người sẽ mất đi những ngày có bầu trời trong veo niềm vui lãng đãn, vẫn cứ lãng đản những nổi buồn như thế, khi bỗng dưng, một con dế lăn ra chết giữa cái nóng mùa hè, chuyện con chim  ở trên cành không muốn hót nữa khi cảm thấy nỗi sợ của của chiếc rễ cây trong đất chỉ là một ví dụ về mối tương quan giữa các sự vật trong cuộc trầm luân này, một trái cây chín mọng rụng xuống, không còn ở trên cành, chỉ lìa đi là giọng nói vô cùng bi tráng của tự nhiên, tự nhiên, cũng như cuộc đời này, tự nó là một cuộc trầm luân vậy, cái cách tôi chẳng dám nói lời nào với em về cuộc tình thầm lặng của chúng ta cứ giống cái cách tháng sáu đất đai nắng cháy chẳng dám nói lời nào với cơn mưa trái mùa đang đổ xuống, nó là thứ biến cố như là cuộc huy động toàn bộ sức lực đất đai, đất đai chẳng dám nói lời nào với cơn mưa trái mùa  là giọng nói thành thật nhất của tự nhiên, ở một bến bờ nào đó [tôi giả định vậy] tôi cũng đang nói với em bằng niềm lặng lẽ, có ai ở đó không nhỉ, kẻ đang làm chứng cho cuộc trầm luân

 

***

 

rồi như thể hồn phách cỏ cây trút hết vào tiếng vạc, loài chim ưu tư ở quê tôi, cái cách một đám hoa tàn không muốn bị quên lãng như thể lại hóa thân thành thứ cảm nghĩ đầy thương tật của con người khi nghe tiếng vạc kêu sương, là thế này, đêm, sương xuống, con vạc bay vào giữa hình hài mơ hồ của trời đất, cũng chẳng biết nên buồn hay nên vui, cứ thử buông một lời mông lung mà gợi nên bao nhiêu thứ nỗi niềm của con người, trong cõi vào ra của các thứ âm vang [các thứ tiếng gió trên rừng sâu, hay tiếng nước trên các con sông chảy ngang qua mặt đất, hay là tiếng thở than của những giống loài bị chèn ép…] thì tiếng vạc ở quê tôi có thể nói là một cuộc trầm luân có hình hài những những sự vật chưa có tên gọi, uốt…uốt…ở quê tôi, đêm nghe vạc kêu cứ như thể nhìn thấy được khói sương, nghi ngút một thứ cảnh trí như cuộc giao hòa đắng cay giữa giọng nói của tự nhiên và nỗi mong đợi của trần thế, bỡi nghe mà cứ thấy hoang mang trong tâm thức như đang tiếp xúc với điểu không thật [thoắt một âm ba đánh động tận cõi tận cùng của hiện hữu/tôi muốn nói về sự hiện hữu của con người giữa tiếng vạc kêu đêm] em, trong cuộc tình thầm lặng của chúng ta, tiếng vạc như thể sự khích lệ có tính thiên niên kỷ [còn dài lâu lắm, tôi cứ bước đi giữa những ngọn sóng] thứ khói sương ấy gợi nhớ đến nhiều thứ lắm, buồn, mà vang vọng, có thể đó là buổi trăng lặn đầu non, lặn, cái cảnh tượng của thiếu hụt, mất mát, thứ vết bỏng của trần gian, có thể đó là tiếng thở dài của một bờ dốc cô đơn vẫn cứ nằm đấy trong núi rừng quạnh quẽ, hay cũng có thể là một cuộc chia xa, hãy tưởng tưởng tượng một con chim non chết trong chiếc tổ bằng cỏ con chim mẹ đã bỏ ra cả sức lực của cuộc đời mình để gầy dựng, tôi đã nhìn thấy con chim mẹ đứng nơi vành tổ ấm lặng lẽ nhìn đứa con  đang chết của mình, lũ chim trời hình như chỉ biết hót và không biết khóc, nhưng con chết làm sao hót được, tôi cứ như nhìn thấy trong niềm khổ đau của con chim mẹ có tiếng vạc kêu đêm, tiếng vạc gợi nhớ đến nhiều thứ vậy đấy

 

***              

                                                

nhưng cuộc trầm luân của lũ ếch nhái trên đồng làng lại là câu chuyện khác, chẳng thể đem một thứ khái niệm nào áp đặt lên cuộc sống của một loài giống có lúc con người sai lầm một cách đáng sợ khi đem lòng khinh khi chúng, cả khi còn là tuổi ấu thơ, tiếng ếch nhái trên đồng làng đã thấm đẫm trong hiểu biết của tôi như thể một thứ tinh túy của đất quê [đất quê tôi có nghĩa là tiếng ếch nhái trên đồng làng]  cùng với con sáo đen nhảy nhót nơi bờ giếng, hay lũ cò đậu dày đặc trên  những thửa ruộng gốc ra, hay những đám mây hình con hạc trời trên bầu trời trên đầu, tiếng ếch nhái trên đồng làng là một trong những nét chạm khắc lừng lẫy của  tự nhiên, cứ dội vào, thêm vào sức cảm nhận hằng ngày của con người, cả đấy là ý thức, hay vô thức, riết một hồi thì thấy quen biết với những nét chạm khắc của trời đất như quen biết với hơi thở của mình vậy, có cơn mưa mùa hạ bất chợt đổ xuống khi chiều, đêm, lũ ếch nhái kêu váng đồng làng, tôi hỏi mẹ tại vì đâu chúng lại kêu nhiều đến thế, mẹ tôi bảo rằng chúng la lối thế vì trời đổ mưa không kịp mặc áo, không phải mẹ tôi bịa ra thế, mà là nghĩ thế, bao giờ thì người làng tôi [trong đó có mẹ tôi] cũng đứng về phía lũ ếch nhái trên đồng làng, thứ thế giới quan ấy không phải tự nhiên mà có, mà do thấm đẫm [hiểu] cái phóng túng có tính lãng tử không gì ràng buộc nổi một giống loài, tôi cứ mường tượng một nền dân chủ khoáng đạt ở đám ếch nhái trên đồng làng, không phải chỉ vào mùa mưa, mà cả khi nắng cháy, vẫn cứ nghe thấy tiếng ếch nhái trên đồng làng, cái cách tự do nói năng của chúng là vượt lên trên mọi khái niệm về dân chủ vô cùng phức tạp, và đôi khi đáng sợ, của con ngưới, nhưng cho đến khi nắng cháy đồng làng, hạn hán, lũ chúng ngã ra chết hằng loạt, đêm vẫn cứ nghe thấy tiếng ếch nhái trên đồng làng, nhưng đấy chỉ là trong ký ức, câu chuyện về cái chết của lũ ếch nhái trên đồng làng là thuộc về phía khác trong cách nhìn thế giới, phía của trầm luân

 

***

 

nhưng những cơn mưa mùa đông lại làm chậm lại mọi tiến trình tiến hóa, mùa đông ở quê tôi lũ chim trời không thể giao phối, đám cây trái trong các khu vườn có cố ra hoa cũng chẳng thể cho quả, bỡi những cơn mưa như trút nước làm hỏng hết những cuộc thụ phấn của hoa [các sinh linh cây trái bị chết từ trong trứng nước] ở một góc nhìn nào đó, mùa đông ở quê tôi là cuộc trầm luân, có nỗi buồn của đất đại, có những cái chết của hoa cỏ, tôi cứ mường tượng về nỗi sợ hãi của lũ chim mẹ khi những cơn mưa liên tục đổ xuống đám con của chúng ướt sũng trong những chiếc tổ bằng rơm rác trên các bờ rào trong làng, rồi ngày nào cũng có lũ chim non chết, lũ chim mẹ lại lặng lẽ ra đi, chẳng có thư tịch nào chép về nỗi đau của tự nhiên, có thể là lũ chim mẹ lại ngã xuống chết vì không chịu nổi nỗi đau mất mát, và cũng chẳng ai biết cuối cùng thì thân xác lũ chim con ra sao, cứ nằm vậy trên những chiếc tổ bằng rơm rác cho đến khi mục rữa, hay lại trở thành thức ăn của những con vật thích ăn xác chết, hóa ra, tự nhiên vẫn dấu trong nó những nỗi đau thầm lặng, mùa đông, sáng ra, không thấy bóng dáng nàng trên con đường làng tôi thấy buồn, lại tưởng tượng ra những cuộc trò chuyện, tôi hỏi  có phải mưa nhiều nàng ra đồng làng không được hay không, nhưng nàng bảo không phải, em đang bận tìm kiếm điều em muốn  tìm kiếm,  tôi nói, mỗi một người trong thế giới này đều đang trên đường tìm kiếm điều mình biết là không bao giờ tìm được

 

***

 

còn tiếng bịp kêu mưa lại là chuyện khác, khi tôi đứng nơi hiên hè, và mưa đông đang đổ xuống buổi cuối chiều, thì tiếng chim bịp nơi bờ rào vườn nhà tôi là thứ giọng nói chẳng phải bình thường tự nhiên muốn gửi đến con người, có thể đấy là những lời tiên báo, rằng, khi những cơn mưa tiếp tục đổ xuống sẽ cuốn trôi hết những dự án lớn nhỏ nơi mặt đất, những ngôi nhà trong đất của lũ giun dế có thể sẽ sụp đổ trước nhất, tiếp đến là những hang ổ của lũ chuột, và có thể làm tiêu tan cả những tham vọng của lũ thú săn mồi, có thể là lũ chúng bị dìm chết khi lội qua những con suối rừng nước lũ đang chảy xiết, tôi đứng nơi hiên hè và cứ thấy như thể trong tiếng bịp kêu mưa những âm vang bơ vơ, lưu lạc, thoắt òa vỡ thành chốn bùn lầy, tù đọng, thoắt kết thành những dạng hình sang trọng: một đám hoa đủ sắc màu, hay một vòm trời trong suốt cánh chim, hay một nụ hôn trên lá của giọt sương mai, hay bờ vai thầm lặng của người tình, cái khúc sau của thứ âm thanh ẩm ướt ấy là một cõi âm u, gợi mở [tiếng chim bịp lan đi kéo theo những không gian đủ các thứ kích cỡ và các thứ biểu nghĩa]  chim bịp kêu mưa bao giờ cũng gợi lên trong tôi toàn cảnh của thế giới, tôi lại thấy cuộc tình thầm lặng của mình loãng ra trong mưa, và nàng thì đội nón lá đi về phía bờ rào vườn nhà nàng nơi đám hoa loa kèn đang tàn đi trong mưa, chẳng biết nàng đi tìm hoa loa kèn để chi, chỉ thấy vậy, nghe tiếng bịp trong mưa tôi  có thể hình dung cho tới chỗ kết cuộc của cuộc tình thầm lặng của mình, chưa biết là  kết cuộc ra sao, chỉ là mới nghĩ tới chỗ đó thôi, trong ký sự làm vườn, cha tôi tả con chim bịp như một sứ giả trầm luân của mùa đông, và tiếng chim bịp trong mưa là cuộc mô tả thế giới dưới dạng ẩn ngữ, khi nghe, mỗi người sẽ nhìn ra một ý nghĩa khác

 

***

 

tôi có thể đứng đó, đứng trên con đường làng để chờ nàng hằng thế kỷ cũng không sao, chỉ sợ sau đó thì kết cuộc không như tôi mong muốn, những trầm luân trong cuộc tình thầm lặng của tôi cứ giống như những xác lá trên sông, một cuộc trôi, những cuộc tình, thứ huyền thoại giàu sức lan tỏa nhất, từ đời này sang đời khác, vẫn cứ diễn ra trong cuộc chơi trần thế, cũng như thơ, những cuộc tình không phải nơi thể hiện sự lịch lãm của trí khôn [chẳng có phân tích lý luận gì ở đó cả] ở đó, có cả bộ dạng ngộ nghĩnh của con chim non vừa mới nhảy ra khỏi tổ cỏ, hay cái cách đối đáp chẳng có chủ từ lẫn túc từ, làm như thể cứ nghe có những tiếng nói ai đó vang lên nhưng chẳng nhìn thấy ai [cái tôi có vẻ như bị triệt tiêu, chỉ còn rặt thứ hòa lẫn không bờ bến] những cuộc tình, thực ra, chỉ là những cuộc trò chuyện  thành thực, cũng như thơ, đây là những cuộc trò chuyện giữa ban ngày, nó, cuộc tình thầm lặng của tôi cứ giống như sự lỡ tay của tạo tác, chứ gì nữa, tôi cứ đứng chờ trên con đường làng, nhưng khi gặp nàng lại chẳng dám nói ra những gì mình dấu kỹ trong lòng, những hình ảnh như vậy trong trí nhớ tôi là thứ bảo tàng chỉ cất giữ những điều dang dở,  một thứ giấc mơ khó nhọc [tôi cứ thấy em như tiếng hồ cầm cất lên giữa hoang vắng] cha tôi nói về tình yêu của ông đối với cây trái trong vườn thế này: sáng ra, sờ tay lên một gốc xoài hay một gốc nhãn là thấy thêm một lý do để sống, nó là những thứ tạo tác đã lỡ tặng cho con người, con ạ, không biết có phải cuộc tình thầm lặng của tôi là tạo tác cũng đã lỡ tặng cho tôi hay không

 

***

 

trong trí nhớ tôi có một điều không thể không nói ra là khi nàng không còn ở đây nữa thì trong mắt tôi thế giới là cuộc trầm luân, hóa ra nàng như thể ngọn lửa không còn cháy lên trong tâm thức tôi khiến tôi nhìn mọi thứ khác đi, chỉ mỗi buổi chiều xuống, cũng như trước đấy thôi, nhưng giờ không còn nàng ở đây nữa, cái cảnh mặt trời sắp tắt [sắp hết một đoạn khúc thời gian gọi là ngày] lại làm tôi thấy bất an như thể sắp đối mặt với những mất mát nào đó còn lớn hơn việc nàng không còn ở đây nữa, như thể sắp có ai đó vỗ vào vai tôi, nói, xin chào người đang gìn giữ một cuộc tình thầm lặng, biết nói thế nào với người đó nhỉ, không phải là tôi không biết gìn giữ, nhưng vì tôi bấy lâu chỉ có thể viết về nàng trong thứ năng lực trích từ tình yêu của tôi, nó là một thứ kho tàng, một thứ quặng, có thể tự nhiên đã hun đúc cho tôi, hằng ngày tôi đã lấy ra từ đó, một tiếng gọi thầm, một lần suy tưởng, hay một phác thảo, dự thảo, cho cuộc tình thầm lặng của mình [một ngày nào đó nàng sẽ đến bên tôi nói ra  những lời thành thật của mình/mặt đất rồi sẽ nứt ra con đường hoa gấm cho tôi và nàng bước đi/ niềm vui òa vỡ lay động cả mặt trời mặt trăng] hằng ngày tôi đã lấy ra từ đó những thứ lý lẽ cho sự tồn tại của cuộc tình thầm lặng của mình, [ôi, những văn bản dày đặc chữ nghĩa, ký hiệu của những biến động tâm thức của kẻ vừa mới nhận ra ý nghĩa của ảo ảnh, là tôi] nó là ảo ảnh, tôi biết, ảo ảnh của cái được nhìn là cuộc tình thầm lặng của tôi, và ảo ảnh của cách nhìn, chiều ấy, nắng trời cũng sắp tắt, làng quê cũng sắp đón nhận khúc thời gian tăm tối tiếp sau của ngày như tự  hồi nào tới giờ, nhưng tôi nghe tiếng ù be [thứ âm thanh ngắn, chứa đựng, lung lạc] của con bò nghé còn sót trên đồng làng như thể lời trần tình của một kẻ nào đó vừa mới nhận ra ý nghĩa của cuộc sống, tôi cứ đứng đó, trên con đường làng [nơi tôi và nàng vẫn gặp nhau thường ngày] nghe con bò nghé khóc, và đầu óc thì tràn ngập những hình ảnh của mặt đất, dường như không còn ai chịu ai, dường như ai cũng đang đứng lên nói về mình và xâm xỉa nguyền rủa kẻ khác, như thể là đang muốn ăn nhau [chuyện này thì cũng đã cũ] loài người như thể đang bước vào cuộc thế chiến của lời nói, không phải, đó chỉ là cái cách tôi đổ thừa là nguyên nhân của việc nàng không còn ở đây nữa

 

***

 

những ngày có mưa dầm gió bấc  buồn lắm, ở quê tôi, vào mùa mưa dầm gió bấc [những cơn mưa như thể không bao giờ dứt và gió phương bấc buốt xương] mọi thứ như đang rã ra, những bông hoa gãy cánh, lũ ong thương tật, và lũ chim có bầy đàn thì kéo nhau đến phương khác, tôi  nghĩ ngợi về muông thú cây cỏ đất đai đang chìm trong mưa, và cứ thấy như thể nhân loại cũng đang dắt díu nhau đi trong mưa, những ngày có mưa dầm gió bấc tôi thấy nhớ nàng ghê gớm [cứ tưởng tượng, ở một phương trời nào đó, rất xa, nàng đang chống đỡ những hiểm nguy của thế giới]  và như thể mưa làm tâm trí tôi rã ra, những ý nghĩ vội vã, phong trần, chết chóc, mưa đang làm thành tấm thảm bằng nước nối liền trời với đất, tôi nhìn mưa, và như nhìn thấy được chỗ bắt đầu của những giọt nước, không phải, chỉ là một thứ gì đó, uyển chuyển như nước, vừa thoảng qua ý nghĩ ẩm ướt của tôi, hóa thân của ký ức chăng, tôi có hằng tá những kỷ niệm về mưa, cũng mưa dầm gió bấc thế này, tôi đứng chờ nàng ở chỗ đầu con đường vào làng, có những cuộc chờ đợi cứ dài ra theo ngữ nghĩa cua nó, có nghĩa, dù không gặp được người muốn gặp, nhưng nội dung của chờ đợi trở nên vĩnh hằng, thứ bi ca thánh thiện, trong cuộc tình thầm lặng của mình, không phải tôi chỉ đợi nàng trong mưa, tôi đã đợi nàng cả trong những giấc mơ, những giấc mơ như sự nổ lực của tri thức khiến tôi nhận ra được cả bản lĩnh của sự khiếm khuyết trong tôi và cả sự tráo trở và dối trá của lịch sử, những cuộc tình thầm lặng nó là chương đầu trong cuốn sách chép về những cung bậc trần gian, làm lộ ra những tin tức về thế giới một cách trung thực nhất [em sợ hãi bước giữa những lời tru tréo của lũ quỉ dữ đương đại, lũ quỉ chuyên ăn cắp trí khôn và chỗ ở của con người…] mưa vẫn đang làm kín trời đất, những nghĩ ngợi như đang thu chật lại, tôi ngồi ở hiên hè nhìn mưa, và tưởng tượng về nàng đang lưu lạc đâu đấy giữa trùng vây của nhân loại đương đại, sẽ nhiều hiểm nguy hơn là may mắn, tôi cứ nghĩ vậy

 

 

 

VÀ CÁI VĨNH HẰNG…

 

có thể chữ nghĩa của tôi sẽ trở nên sâm uất khi viết về nàng, nhưng khi viết về tháng bảy thì lúa trên đồng làng đã ngậm sữa, cái cấu trúc của một buổi sáng tháng bảy là gòm có thứ nắng màu nguyệt tận, màu trăng cuối tháng, sương núi thì như còn dính chặc vào thứ thời khắc còn lảng vảng ít nhiều bóng dáng của đêm, và gió với đám chuồn chuồn gian lận chúng cứ dính lại từng đôi mà bay lượn khiến người ta không tài nào đóan được ý đồ của chúng, cái buổi sáng tháng bảy cứ như một thứ huyền thoại về mùa đã bị gỡ bỏ gần hết phần áo nghĩa của nó, còn nàng với lũ chim áo đà lại là câu chuyện khác, câu chuyện về mối lương duyên giữa người và chim, ai chẳng biết tháng bảy lúa ngậm sữa trên đồng làng và lũ chim áo đà từ vùng rừng núi phía nam làng tôi kéo về đây phá lúa, nhưng sự hiện diện của nàng nơi bờ ruộng đồng làng lại thành ra câu chuyện cổ tích, nàng ra đồng làng là để ngăn chận lũ chim phá lúa, nhưng cái cách diệu dàng đưa tay lên trời khiến cho hành tung đuổi chim hóa thành sự chào đón nồng nhiệt [thì ra lũ chim đã lặng lẽ bay trở về núi] khi nàng xuất hiện trên đồng làng thì chữ nghĩa của tôi trở nên bối rối, cứ như là tôi vô cùng vất vả trong việc tìm kiếm các từ sao cho phù hợp với mỗi bước chân của nàng, tháng bảy lúa đồng làng ngậm sữa, và trong các ô ngăn của ký ức tôi dày đặc những bước chân em

 

***

 

vậy thì nàng ở vào chỗ nào trong cuộc tiến hóa nghìn triệu triệu  năm dong ruổi máu xương, hay là cứ đi hỏi thử cái buổi sớm mai hồng khi ngày tách khỏi đêm, hằng vạn đứa con của đất trời lăn  ra khỏi u minh, những hình hài rách nát, đọa đày, không tên tuổi, cuộc phân ly xám xịt nỗi buồn, bấy giờ có phải chỉ là những nỗi buồn cổ độ có tên là những khái niệm, bấy giờ hiện hữu chỉ là những khái niệm, và có phải, may ra, thì nàng chỉ là cái chấm nhỏ bèo bọt vô định ở vào chỗ cuối cùng của một dòng ý tưởng phiêu lưu bất định nào đó, tôi không biết, hay là cứ tìm đến những cuộc trôi xưa cũ, những mảnh hồn cổ kính thương đau, đất xưa ấy có những ngày đêm trôi dạt tính bằng thiên niên kỷ, cuộc đi lại bất thường nghìn năm, đất và biển gối nhau cuộc mộng trùng lai, có thể là trong cuộc mộng vĩ đại ấy đã hé mở thứ vẻ đẹp mà về sau tụ hội một cách đầy đủ trong toàn bộ các giai nhân, khi các khái niệm về hiện hữu đã có hình dạng hẳn hoi, tôi không biết, hay là cứ tìm đến những lớp lá rừng ủ mục trên các khu rừng nguyên thủy thời con chuột chù có túi làm chốn nương thân thử có tin tức gì về tổ tiên của nàng hay không, nếu có thì cũng chỉ là những tin tức mơ hồ về tổ tiên của dòng giống con người cao cả và tổ tiên của dòng giống con người hèn hạ, việc làm ấy thì quá khó đối với tôi, cũng khó  như việc trả lời câu hỏi vì sao lại có giống người hèn hạ, hay là vào lúc con người đứng lên giữa muôn loài trong trời đất để nói to lên ta là homo  sapien đã hình thành thứ ánh mắt dịu dàng ấy, và cứ thế mà lưu lại mãi cho đến tận lúc chúng tôi gặp nhau tôi đã nhìn thấy ánh mắt dịu dàng của nàng, tôi không biết, thực ra thì nàng ở vào chỗ nào trong cuộc tiến hóa gian truân ấy cũng đều quan trọng bỡi vì nàng là thuộc về cuộc tình thầm lặng của tôi

 

***

 

khi nàng không còn ở đây nữa thì mỗi giọt nắng sớm mai hay mỗi chiếc lá tre khô rơi trên đường làng cũng đủ làm dấy lên trong tôi mối u hoài to lớn, không phải nhớ nhung theo kiểu thường tình, mà cứ thấy như là gãy đứt, cuộc hòa âm bỗng chùng xuống, đất quê tôi như thiếu mất đi vẻ lưu linh của nó, bỡi bấy lâu nàng như thể là phần đoạn hệ trọng trong bố cục của cuộc đời tôi, nàng cứ như là phần đoạn không thể thiếu được trong qui trình hướng đến sự hoàn thiện trong nhận thức của tôi, bấy lâu nàng cứ như thể thứ từ vựng mới tinh khôi trong thi ca của tôi nói ra được cả cái bí mật nghìn năm của đá cả cái cách làm sao một người lại có thể nói ra được một lời làm động lòng thế hệ này sang thế hệ khác [Pythagore nói có một tỉ số hòa âm trong trời đất hay Parmenide nói tất cả là một và một là tất cả] thực ra bấy lâu nàng chưa nói với tôi một lời nào về việc nàng hiểu ra những gì tôi dành cho nàng, nhưng nàng cứ như thể thứ ngôn ngữ tinh khiết lưu trú trong tôi để tôi có thể nói ra niềm vui của một bông hoa hay nỗi niềm cay đắng của nghìn năm trước

 

***

 

và, cánh đồng làng, nhưng người là vị cứu tinh của tôi, ở nơi người, chứ không phải là nơi nào khác, chứa đựng nhiều nhất hình bóng của nàng, chẳng có gì ngạc nhiên, bỡi người là cuốn sách chép nhiều nhất về nàng, cũng có những trang trắng, nhưng đấy là người chừa lại cho những nghĩ ngợi của tôi, cái trang trắng đầu tiên là người đã dành cho một buổi sáng mùa thu, nàng không còn ở đây nữa, nhưng tôi vẫn ra đồng làng đứng chờ nàng, tôi đứng nơi bờ cỏ nhìn mặt trời lên mỗi lúc một cao hơn, thời gian như thể trò chơi tàn nhẫn cứ làm cho tôi có cảm tưởng như đã chờ đợi nàng hằng bao nhiêu năm tháng không còn chịu đựng được nữa, nhưng bằng hương lúa thân thuộc của đồng làng, người đã đem thứ hương lúa tháng tám thơm mùi cổ độ ấy khỏa vào trí tưởng tượng của tôi để cho tôi có đủ sức chống lại sự lung lạc của thời gian, bấy giờ, cứ thấy như thể đang hiện ra ở nơi người, hiện ra ở cuốn sách ấy những dòng chữ còn thơm mùi mực, ta đã viết ra những ý nghĩ ấy tự hồi nào vậy nhỉ, tôi có hơi hoảng hốt một chút bỡi không còn nhớ nổi là mình đã viết ra những lời ấy tự bao giờ: em là ngọn gió ban mai thổi qua đồng làng làm thay đổi ý định của lũ chim phá lúa, là sứ giả của mùa mang lại hương sắc cho lúa trỗ bông, em là hòn đất đồng làng để cho có chỗ đứng cho lịch sử, ồ, cái buổi sáng mùa thu người đã để cho tôi chép lên chỗ trống của người những lời tâm huyết của tôi

 

***

 

và chắc hẳn không thể nào mất đi trong trí nhớ nàng những vẻ tráng lệ của đất quê tôi, buổi trưa, nhân lúc không còn ai ra vườn, lũ ong bầu bắt đầu gõ lên công trình kiến trúc của chúng, ngôi nhà của ái ân và lưu truyền loài giống của chúng là gòm khoảng không gian chật hẹp: cái mắc tre tươi rổng ruột nơi đám tre đang sống ở bờ rào vườn, khi lũ ong đã đục được lối vào ruột tre [cửa ngõ ngôi nhà] những chiếc lỗ ấy bắt đầu phát ra trong gió thứ âm nhạc của sinh tồn, buổi trưa, nếu để ý, có thể sẽ nghe thấy những giọng điệu mới mẻ của thế giới, chắc hẳn là nàng không thể nào xóa đi trong trí nhớ mình thứ hình ảnh như khắc cốt của những buổi trưa ở quê, lúc những người cày ruộng vội vã rời khỏi nỗi nhọc nhằn cố cựu để vội vã bước vào thứ giấc mơ chốc lát dẫu biết đấy là cuộc đánh tráo của thế giới,  có thể nghe thấy đâu đó trong làng tiếng thét trong mơ của người đàn ông vừa cầm nắm được trong bàn tay chai sạn của mình một vận đỏ, buổi trưa ở quê tôi cứ như là lúc sông núi cỏ cây muốn để lộ ra bản ngã của mình, vào lúc giữa trưa thì mùi hoa cỏ may có vẻ rõ hơn, lũ chim có vẻ thành thực hơn, chúng vừa trốn nắng trong những lùm cây vừa buông lời than thở, và đám tre già nơi bờ rào vườn như chẳng còn muốn dấu diếm thế giới, cứ để cho đám lá già khô của mình mặc sức rơi rụng, trong thứ nhịp điệu chồng lấn giữa sống chết như thế của buổi trưa ở quê tôi cũng dễ khiến cho người ta nghĩ đến chỗ bắt đầu của thế giới, ai, kẻ bày ra cuộc hòa âm điền dã, ai khiến cho con ong bầu biết nghĩ đến cách đục ống tre tươi làm tổ, và ai đã bày trò dối trá trong giấc trưa ngắn ngủi của người cày ruộng, hay là có một vị thần cổ đại nào đó đang lén lút văn minh đương đại rỉ tai những kẻ dễ mủi lòng, rằng, rồi ra con người phải gánh lấy nạn trời ách nước bỡi sự kiêu căng và tự mãn quá đỗi của mình, nhưng trong nỗi ngạc nhiên của những ngọn cỏ mùa hè thì cơn mưa mùa hạ trái mùa vẫn là bằng chứng rõ ràng nhất về lòng bao dung của thế giới, còn tôi thì vẫn nằm im giữa khúc bi ca [hay thảm ca nhỉ] của buổi trưa ở đất quê tôi để mường tượng một ngày nào giữa thế giới tro than tôi vẫn cầm lại được bàn tay nhỏ nhắn của nàng

 

***

 

và chỉ mỗi giọt nước mái tranh hay mỗi tiếng trở mình trong đêm của con ấp muỗi cũng đủ làm nên thứ nền tảng vĩnh cửu trong cảm xúc của tôi, tôi cứ đứng đó nhìn con đường làng vắng bóng nàng, như thể là em đang nhìn thấy niềm trống vắng trong tôi, và lại nghe thấy có tiếng nói trên cao, dấu vết của bầy đàn, ngày xưa, khi con người còn lưu lạc giữa hoang sơ thì mỗi tiếng nói cất lên đều mang âm hưởng của giọng nói thiên thần, bỡi đem đặt giữa vạn hữu thì con người là linh thể, nhưng trong lỉnh khỉnh những đất, đá, nắng, mưa, núi rừng, sông, biển lại nổi lên một nơi chốn suốt cuộc trường kỳ gian khổ luôn vang lên lời cầu nguyện,  và các vị thần thì vẫn trốn biệt đâu tận miền  đài các cao sang, mùa đông con chim bịp vẫn rát cổ kêu mưa, nơi tôi thốt lên tiếng khóc đầu tiên, sao không phải giọng nói mà tiếng khóc nhỉ, nơi buổi sáng nhìn mặt trời lên tôi biết là sắp có một ngày khác với ngày hôm trước, có thể là có nhiều niềm vui hơn, có thể là có nhiều nỗi buồn hơn, nơi như thể để cho tôi và nàng chiêm nghiệm về một cuộc tình cứ thầm lặng như thế, một cuộc tình có vẻ như cả tôi lẫn nàng đều bất lực trong việc sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt, trong khoảng dày đặc ký ức bầy đàn, chúng tôi dẫu chưa nói với nhau lời nào về tình yêu của chúng tôi, nhưng vẫn nghe thấy những giọng nói diệu dàng thốt lên từ quá khứ, vẫn nhìn thấy đâu đó những luống hoa đương nở, dẫu các nữ thần tình yêu chẳng nói gì về chúng ta, thì cuối cùng em cũng trở về đây  để mỗi khi gặp nhau trên đường làng em lại nhìn tôi, cười, và nghiêng nón, chạy thật mau

 

***

 

hay đấy là nơi thời gian đã ngưng lại để cho tôi có thể nhìn ngắm đến tận chỗ thâm u của nó, hay toàn bộ nghĩ ngợi của tôi về đất quê tôi chẳng qua chỉ là phóng tỏa của một đoạn khúc trần gian, tôi không biết, nhưng đấy lại là nơi tôi đã thốt lên tiếng khóc đầu đời, những nguyên nhân tiềm ấn của hoàn vũ làm hoảng hốt  bao nhiêu sinh linh vừa mới đặt chân lên mảnh đất trần gian, nỗi sợ hãi, bản thể của sinh tồn cứ như một thứ trò chơi nhẹ nhàng, bạn cứ bước vào đi, không sao đâu, lời nói chính thức của tạo tác chứ chẳng phải của ai khác,  không kể những cuồng phong bão táp, ngay chỉ mỗi ngọn gió thổi ngang qua cũng đủ làm tan tác đám chuối sau hè, ngay chỉ mổi chiều mưa dầm gió bấc cũng đủ làm cho đám chim non trên các tổ cỏ nơi bờ rào vườn nhà tôi phải đối mặt với chết chóc, ngay chỉ mỗi lời vô nghĩa nào đó của đất trời, một tiếng sấm vu vơ, hay cái chớp bể bất chợt, cũng đủ làm xáo trộn toàn bộ cuộc sống của lũ chuồn chuồn, đám sinh vật dễ cảm ứng với thời tiết nắng mưa, nhưng bên cạnh những hiểm nguy ấy lại là thứ ngôn ngữ đầy ý nghĩa của hoàn vũ, mùa xuân đi nói với loài ong bướm bằng hương sắc của các loài hoa, khi nhìn thấy trên bầu trời trên đầu những đám mây xám nhỏ thì người làng tôi bắt đầu cho những trái nhàu chín vào vại để ủ, mùa thu ủ rượu nhàu, sang đông uống để chống giá rét, mùa thu tôi cũng ra đường làng đứng chờ em để nói ra những lời thầm lặng, biết đâu trong đoạn khúc trần gian ấy lại có những bàn tay thân thương  lo thu vén cho cuộc tình mong manh của đôi ta

 

 

 

NHỮNG LỜI SAU CÙNG CHO MỘT LẦN NGHĨ NGỢI…

 

từ đó người gãy đàn nằm im nơi hang động, tiếng đàn, hay hình thù văn hiến của lớp lớp phù vân, cách trang trải có tính tuyệt đối của tạo tác, có khi chỉ là một tiếng tơ lòng, âm thanh có vẻ đơn lẻ nhưng chứa cả nghìn triệu triệu năm tri thức, nghe, lũ chim bước khỏi miền nguyên thủy đến nằm im nơi bờ mộng nghìn tuổi, sông ngân lai láng vốn vắt ngang qua tầng trời, từ đó, từng thế kỷ vang lên tiếng hót vô tư mà lồng lộng núi sông, tiếng chim là ngữ điệu của thân thể hoàn vũ, thi nhân lớp lớp quì dưới chân niềm cảm hứng vô thể, biết chuyện, người gãy đàn chỉ trở mình nơi hang động, rồi bỗng một lần chim quên hót, cơn thịnh nộ hóa thành chuyện dữ, hoàn vũ lại sang trang, mưa sa bão táp, đông sang là bờ mộng ngàn mây không còn nghe tiếng hót của loài chim nguyên thủy, mùa đông ở quê tôi đến một con chim non còn trong tổ cỏ cũng hiểu được đấy là lúc hoàn vũ nổi cơn thịnh nộ, nhưng em bé trong nôi chỉ biết khóc thét lên giữa giá rét, em, tôi phải sửa lại cách thức bắt đầu cho cuộc tình thầm lặng của chúng ta

 

***

 

người lại mang cây thước đi đo đạc trần thế, nhưng những luận điểm khắc nghiệt của người đã làm dấy lên bao nhiêu cách nhìn thế giới, nơi nơi trổi dậy, người ta lăm le vẽ lại bầu trời, vẽ lại sơ đồ cuộc sống,  kẻ ưu thời mẫn thế phải giả làm khách đường xa vào tận các xóm thôn thăm dò ý tứ, chờ cho mặt trời xuống thấp khách  mới vờ than thở: chẳng biết có cách nào tới kinh trước khi trời tối chăng, người làng vốn những kẻ cả đời chưa đi khỏi cánh đồng làng của mình cứ ngỡ kinh đô là chốn đâu đó cũng chỉ đi quá cánh đồng làng một chút là tới, bèn tặng đuốc tre cho khách, dặn,  có lỡ tối trời thì đốt lên, chuyện tặng đèn đóm của người nhà quê trở thành ngụ ngôn của thế giới, người nghe chuyện bèn bỏ hết các thứ thước đo, tuyên bố trần gian là nơi chốn chỉ có thể diễn đạt bằng niềm cảm xúc chân thành, và nàng thì vẫn chìm ngập trong những cơn mưa tạo tác

 

***

 

từ đó, nàng cứ trôi dạt giữa những giấc mơ của hoa lá cỏ cây và của những con vật có trí tuệ và không có trí tuệ, những giấc mơ có hình thù những tra vấn về thế giới, và mặt trời cứ sáng vậy hoài không có đêm tối cho giấc ngủ của lũ côn trùng nhỏ bé, lũ sóc ăn đêm cứ nhảy cẩng lên, gào thét: hay là đấng trên cao không còn muốn cho loài ăn đêm này tồn tại, có nghe thấy, nhưng người vẫn nằm im nơi hang động gãy đàn trăm dây, bây giờ là đàn trăm dây, bỡi người biết đó là giấc mơ có vẻ điên rồ nhưng rất thật của giống người vốn sống ở hai đầu trái đất quá xa ánh mặt trời, người biết, và không nỡ can dự vào, rồi lũ sóc ăn đêm lại gào lên: hóa ra ăn ngày lại no đủ hơn ăn đêm, đồ ngu, lũ chim thông thái thầm rủa bọn sóc, lũ chim ấy có màu lông trùng với rán trời màu xanh  buổi sáng nên còn gọi là lũ chim áo xanh, cả ngày lũ chim thông thái vẫn nằm im trong các bộng cây giả cầu nguyện cho thế giới, còn đám chim cuồng tín thì đi kiếm thức ăn về cho chúng ăn, đi kiếm cỏ rác về cho chúng làm giường ngủ cho những cuộc giao hoan, lũ chim thông thái là đẻ nhiều nhất trong các loài chim ở quê tôi, ở quê tôi, một đứa trẻ lên năm là đã biết tỏ ra khinh bỉ lũ chim thông thái, một cuộc tương tác kỳ dị, nhưng người thì cứ nằm im nơi hang động, gãy đàn, như thể hết thảy những chuyện lớn nhỏ xảy ra trên trên mặt đất này đều là những ý định của người

 

***

 

rồi người trồng lúa lại gõ lên cây cày, nghĩ ngợi, tháng giêng, con chim én dè xẻn từng đường bay dẫu bầu trời như đang nới rộng ra, cuộc sống của người trồng lúa quê tôi là gòm có cả sự lận đận cơm áo lẫn sự rối rắm trong nhận thức, như thể cả một cuộc đời chân đất là bước đi trong đêm trường tri thức, tới lúc đó thì cây lúa trỗ bông, làm hạt, chín… có gõ lên cây cày nghĩ ngợi, cũng chỉ biết chừng ấy, có, văn minh đương đại  vẫn cứ chảy vào cuộc sống của người trồng lúa, ngày ngày, ở quê tôi, những người trồng lúa vẫn  nghe thấy bao nhiêu điều lớn lao về gen, về giống cây trồng, về  cơ cấu đất đai, về cơ cấu canh tác, về các cách chế ngự tự nhiên, nghe nhiều thứ lắm, nhưng khi rời ông thầy nông học đương đại, thứ ngôn ngữ sang trọng ấy lưu lại trong tâm thức người trồng lúa vừa như là tin mừng vừa như là sự tra tấn tri thức, một chút văn minh như thế đến với người cày ruộng ở quê tôi chẳng khác hạt muối bỏ biển, vào cuối cuộc đời của người trồng lúa, khi không còn ra đồng làng nổi nữa, ngồi gõ lên cây cày nơi hiên hè, nghĩ ngợi,  có thể sẽ cảm thấy những mưa nắng trôi qua  cuộc đời mình như những chuyên không thật, làm sao lại có chuyện cả đời chỉ theo đôi bò lòng vòng trên ruộng nhỉ, cuộc hành trình dài nhất của người trồng lúa ở quê tôi là đi lòng vòng trên ruộng, có nghĩa, không có con đường nào khác ngoài con đường đi lòng vòng trên ruộng, tất nhiên là phải nghĩ ngợi, và, đôi khi sẽ cảm thấy hoảng hốt, nhưng người gãy đàn , tôi gọi tạo tác là người gãy đàn bỡi người là kẻ làm ra cuộc hòa âm trần thế, thì vẫn nằm im nơi hang động, đàn hát, nếu còn gặp lại, tôi sẽ nói cho nàng biết tạo tác thì tàn nhẫn

 

***

 

rồi hàng hàng thế kỷ trôi qua, những luyến tiếc cứ rã ra thành những đoạn, khúc, trộn vào ước mơ, buổi sáng mù sương khách chợt nhìn thấy trong mớ hành trang lỉnh khỉnh của mình nửa mảnh tương tư, nhớ về cố xứ, nơi hội tụ của chim hồng chim hộc, thuở đất trời là của thánh nhân, hay là muốn vươn tới khoảnh trời tân kỳ của thế kỷ, không biết, buổi sáng mù sương cứ thấy gập ghềnh ở mỗi bước đi, trời xứ lạ cứ xanh màu lam biếc, buồn, mà vời vợi xa, lại thêm vào đó những cánh chim mỏi mệt, lũ chim có vẻ đang vất vả đi tìm một thuyết lý mới cho loài giống mình, ồ, lại những cách thức ăn nhau mới mẻ, có vẻ là còn tàn khốc hơn cách giết nhau bằng gươm dáo, con người xưa nay vẫn ăn nhau, nhưng khi nhìn thấy cái cách thức ăn nhau man rợ, khách không thể không thấy bàng hoàng trong tâm trí, còn con ngựa già nòi phương đông của tôi thì như đã ngửi được mùi trần thế , cứ lồng lộn lên, không chịu bước nữa, em, là tôi đang mô tả cuộc hành trình sau này của mình, cuộc hành trình tìm lại thứ ngôn ngữ lặng lẽ của em

 

***

 

khi nhân gian không còn đủ nước mắt để khóc, người tạo ra mùa đông, nước mưa mùa đông là nước mắt hoàn vũ, quả thực, khi ấy, người cũng nằm dài nơi hang động, khóc, nhưng người chớ ảo tưởng có thể khóc thay cho con người, chớ ảo tưởng sông hồ hay biển cả là có thể chứa nổi sự đau khổ của con người, nhân gian là thứ vật thể vốn hình thành từ cõi phức thể đến rợn người, nơi có cả cái vô cùng cao khiết lẫn cái biển lận đến tận đáy hèn hạ, sự thanh lọc được tính bằng thứ chiều dài thời gian nhỏ nhất  gọi là phút giây hóa giải  tâm thức, nhưng giữa lúc con người làm công việc trọng đại ấy thì người vẫn nằm yên nơi hang động, đàn, hát, rốt cuộc, nhân gian vẫn không đủ nước mắt để khóc những lầm lẫn của mình, mùa đông, khi tôi nằm dài giữa những cơn mưa dai dẳng để nghĩ về nàng, cứ thấy ở đó, nơi tạo tác, như miền hung hiểm

 

***

 

và như thể tôi có thể nhìn thấu suốt qua hoàn vũ, một tiếng chim khưu đôi khi làm lạnh cả thế gian, và cuộc luân lưu của nước đôi khi phụt khỏi dòng chảy nhấn chìm cả cỏ cây hoa lá [ chẳng  phải những trận đại hồng thủy  vẫn cứ lập đi lập lại trong ký ức nhân gian đấy sao] tai họa, hay là  đùa cợt của tự nhiên, những  đùa cợt đầy ẩn dụ,  cho đến giờ vẫn chưa ai lý giải nổi một tiếng chim khưu làm nát buổi sớm mai, hay một trận lũ làm tan hoang cả thế giới, chỉ có điều ngày nào như thể hoàn vũ cũng muốn phát ra một thứ tín hiệu riêng [cái cách thông báo hoặc bằng chớp bể mưa nguồn hoặc bằng một cơn gió chướng hoặc  một trận nắng nung…] em, dẫu sao thì ở đó, nơi con đường làng, tôi vẫn cứ nhận được những tín hiệu từ em [cái cách lặng lẽ nhìn tôi, hay cái cách vờ như không muốn gặp mặt nhau…] dẫu chưa nói với nhau được điều gì, nhưng ngày ngày, khi ra đứng ở đó, tôi đã nhận được thật nhiều  từ em,  nó là dấu vết của những vẻ đẹp  hoàn vũ [nghìn năm cây lá trong vườn nhà tôi cứ trỗ hoa, và cha tôi  vẫn cứ đứng lặng lẽ nhìn ngắm cách chúng lặng lẽ trỗ hoa…] cứ như thể khi không còn em ở đây tôi vẫn có thể nhìn thấy em, bằng cách, buổi sáng ra đứng nơi đường làng, và lặng lẽ nhìn thấu suốt qua hoàn vũ.

 

***

 

rồi con ngựa già nòi phương đông của tôi cũng chịu tiếp tục lên đường, cuộc hành trình tìm lại ngôn ngữ lặng lẽ của em trở thành cuộc thử thách có tính định mệnh, cứ dần hiện ra thứ nội dung trần thế ở đó con người như thể chất liệu để làm nên ngôn ngữ thế giới, chúng tôi, cả người lẫn ngựa, bị cuống vào dòng sử sự [ồ, một cõi hồng trần như nêm… ] rồi những buổi khao quân, hãy uống cạn đi bầu sữa mẹ nguyên sơ, nó là ngọn lửa đốt cháy mông muội, ngày đã bắt đầu sáng ra, hãy ca ngợi cổ điển, rồi những buổi thúc quân, hãy đạp lên xác những kẻ cản đường ta, bọn hát rong, và bọn dân túy, rượu tân kỳ đang chờ  ta nơi đồi gió hú, cứ uống cho cạn sức hãn mã, hãy ca ngợi đương đại,  rồi những buổi thu quân, ồn ã bốn cõi sinh linh, người ta bắt đầu tổng kết chiến thắng, tổng kết cái chết [người ta lần lượt lên bục diễn giả…]  hóa ra gương mặt thế giới là được làm bằng cái chết của con người, hãy ca ngợi hư vô, rốt cuộc, thì chúng tôi, cả người lẫn ngựa vẫn còn sống sót, và được bổ sung vào lực lượng sửa sang thế giới, cứ sửa mãi sửa mãi, cho đến thật lâu sau mới vỡ ra, rằng, những lần sửa sang là bằng ngôn ngữ của những giấc mơ, thế giới, cuối cùng, một thứ từ vựng, đọc lên cứ nghe như có sóng vỗ

 

giã
tháng 6.2020
tháng 9.2020