Trong bất cứ tình huống nào ngươi cũng chỉ
là thứ bảng nháp của tạo tác
LỜI GHI TRÊN VÁCH NÚI VOI NẰM
rốt cuộc, tôi cũng không biết, có phải những giấc mơ của tôi làm dài thêm những năm tháng biến động nơi xứ sở tôi hay không,
…
tháng giêng, hoa cỏ lại bắt đầu một cuộc tuần hoàn mới, những phiên bảng của các nhịp điệu bắt đầu gõ lên bầu trời đang bận rộn với lũ chim đang tỏ ra bối rối trước những tin tức thất thiệt về mùa xuân, rằng, có ai đó, một tay đao phủ kiệt xuất của thời đại thì phải, đang gom hết cả các loài bướm ngày bướm đêm đem chôn, và hết thảy các loài hoa trên rừng đang trong cơn hoảng loạn, và đêm đến thì tôi cũng rơi vào giấc mơ rắc rối về lũ chim hồng hộc,
bạn đang chờ loài chim cổ điển ấy ư, đã tuyệt chủng trong cách nhìn của nhà điểu học người đất Mân hồi thế kỷ trước,
người đưa tin là chàng trai trẻ dáng vẻ hào hoa, nhưng qua cách nói năng và cách nhìn ngó của anh ta, tôi đã đoán biết thuộc nòi giảo hoạt, tự làm hư hại đời mình là xu thế của lớp trẻ thời đại, tôi nghĩ ngợi, và cố ghìm lòng, vờ nói lời cám ơn anh ta về việc đã mang tin tức mới mẻ mẻ đến cho mình, đất Mân ư, tôi đang cố nhớ lại mảnh đất phía mặt trời lặn mình đã đến chơi ở đó bao nhiêu lần thì cha tôi gõ mấy ngón tay xương xẩu lên trán tôi,
thằng đó vốn là binh lính của đám rợ phương bắc đã chết trong trận lấn chiếm đất Bết hồi năm ngoái, con chớ tin bất cứ điều gì thằng đó nói ra,
cha tôi chỉ nói bấy nhiêu rồi biến mất vào đêm tháng giêng tối như bưng, tôi vùng dậy, ra khỏi giấc mơ, và lập tức nhớ lại hết những lời cha tôi lúc sinh thời đã nói với tôi về loài chim hồng hộc: một loài chim trời chỉ tồn tại trong trí nhớ nhân gian, nhưng cứ như là hóa thân của ký ức bầy đàn, những gì chim nói với con người trong các giấc mơ như thể là tiếng nói của quá khứ cha ông, hãy lắng nghe, và sẽ nhận ra niềm bí ẩn của thế giới,
…
nhưng ngươi đã nhìn thấy gì chưa, và trong một giấc mơ khác, lũ quỉ đã đón đường tôi, hỏi, lũ quỉ còn nguyên thứ cốt cách tráo trở, man rợ của trần thế,
…
thật ra, bấy giờ, như thể là đang diễn ra một cuộc triệt thoái của quá khứ, một cuộc dịch chuyển cứ giống một cuộc tháo chạy khỏi cái cũ, tháo chạy khỏi cái đã từng, cứ lặng lẽ cho vào ngoặc cái quá khứ vừa xảy ra, không phải là quên đi, hay phải cố quên đi, mà cứ để đấy, để hăm hở [hay lăm le nhỉ] bước tới, như thể vừa mới nhìn thấy bao điều mới mẻ trong một giấc mơ hoành tráng nào đó, cái cách cứ lặng lẽ bước tới, làm như thể là mới vừa trở giấc, hay là đang tỉnh ngộ chăng, cái cách bừng con mắt dậy thấy mình chiêm bao, tôi không biết, nhưng hết thảy như đang lao vào cuộc hành trình quyến rủ, hết thảy như là đang thực hành chân lý [bước vào sự thật] thật ra, vào những tháng năm ấy, những gì xảy ra nơi xứ sở tôi, những gì xảy ra quanh tôi, đều là chuyện thật, nhưng tôi cứ có cảm tưởng, rằng, như thể những thứ đó là những tin tức thất thiệt, những tin đồn nhảm, hay là con người đang biến những tưởng tượng phong phú của mình thành giả tưởng, tôi không biết,
…
vào những tháng năm ấy, thằng bạn nối khố của tôi như con chim rũ ướt, bước ra khỏi mùa đông, đứng trên dốc núi, nói: ta là Lê Tích, ta là đồ bỏ đi, kẻ đã mô tả nơi chôn nhau cắt rốn của mình như chốn lầm than, Lê Tích là tên thằng bạn nối khố của tôi, anh chàng họa sĩ có cái bút danh dễ nhớ: Đất, bao giờ trên tranh vẽ của Tích cũng ghi: Quê, tranh của Đất, tranh nào của Tích cũng ghi là Quê, và cứ vậy, đánh số từ Quê 1, Quê 2…đến Quê 101… những ngày ấy con chim rũ ướt của tôi chưa bước ra khỏi mùa đông, lúc nào cũng co ro trong thứ bút pháp buồn, ẩm ướt, đấy là cái buổi chiều cuối năm, dưới vòm trời màu tro than, bà mẹ đứng nơi hiên hè với nỗi hoảng hốt không tên, đấy là nỗi buồn không hết của người cha khi lúa trên đồng làng cứ lụn dần trong nắng hạn, tranh của Tích là thứ góc trần thế run rẩy trong nỗi chờ đợi không dám chờ đợi [những buổi sớm mai vàng ố niềm nuối tiếc, hay, ta đi tai họa rải trên lưng…] thứ thi pháp bắt chước hiện thực mà Tích không thể thoát ra được, nhưng lại bị đám nhà phê bình theo thứ chủ nghĩa dưới đế giày thiên mệnh [chữ của đám bè bạn họa sĩ của Tích đặt] cho là có hại cho sự tiến bộ của loài người, niềm cảm hứng của Tích như bị nghiền nát dần trong thứ sự thật tàn nhẫn, quân tàn bạo, thằng bạn nối khố của tôi đã hét lên với tôi, một sáng tháng sáu hắn xách cọ vẽ như xách gươm đến gặp tôi,
phải đuổi cổ hết chúng nó ra khỏi xứ sở này, Tích nói,
chúng nó là ai, tôi nói,
bọn nhà phê bình đĩ điếm ấy, bọn liếm gót giày thiên mệnh ấy, Tích nói,
sau đó thì mày sẽ làm gì, tôi nói,
từ mảnh đất trong sạch, tao sẽ làm lại những giấc mơ, chẳng phải cuộc sống là giấc mơ vĩnh cửu hay sao, Tích nói,
nhưng làm lại bằng cách nào, tôi nói,
bằng cả sức lực và tình yêu cuộc sống của chúng ta, Tích nói,
sau cuộc trò chuyện có vẻ như còn nhiều thứ lủng củng trong nghĩ ngợi của bạn tôi, thằng Tích đã đi đất Mân, mảnh đất thuộc rìa phía tây xứ sở tôi, nơi, tương truyền là chốn phát tích những tín hiệu về các đại họa của nhân loại, thằng Tích đi đất Mân về, ném cho tôi cái phác thảo, không phải bằng màu, mà bằng chữ,
‘‘những thảm họa gây ra bỡi bọn liếm gót giày thiên mệnh là không đáng sợ bằng do chính chúng ta gây ra, từ lâu, ta, kẻ vẫn phải bám lấy thứ bút pháp ẩm ướt, là chính ta tự chuốc lấy thảm họa cho mình, làm sao lại phải cứ bắt chước hiện thực chứ, tiếng gà chiu chit buổi chiều hôm nơi xóm vắng từ lâu vẫn cứ là thứ âm hưởng chết người nơi nét bút của ta, sao một vầng trăng tỏ lại không rực sáng trên những ngọn tre, tại sao ta cứ để cho giả tưởng ngậm câm trước vẻ hùng vĩ của hoàn vũ, từ đây, ta sẽ treo nơi đỉnh trần thế bức tranh thiên giới, những giấc mơ đại lãn, những giấc mơ lớn sẽ dần làm tiêu tan nỗi thống khổ’’
…
ở cái miền quê cứ cho là đang bình an, bỡi trong bao nhiêu năm tháng đất nước có chiến tranh, niềm mơ ước lớn nhất của con người là làm sao có được một cuộc sống không có súng đạn, thì đây quả là lúc bình an, song, tôi không tài nào xóa đi được trong trí nhớ mình khuôn mặt một người như thể chốn hội tụ của toàn thể niềm ẩn ức của nhân loại, những thế kỷ trôi qua, và những gì loài người mơ ước chưa làm được cứ như một thứ khí hậu không nằm trong danh mục thời tiết nắng mưa của tự nhiên, thứ khí hậu cứ làm cho con người ta sống trong thứ tình cảnh không ra sống không ra chết, ẩn ức là thứ đường biên không phải nằm giữa sống và chết, mà nằm ngay trên sự tàn nhẫn, nằm ngay trên sự khắc nghiệt nhất trong những khắc nghiệt, thằng bạn nối khố của tôi đã chết ở đường biên ấy, ở miền quê cứ cho là hết thảy đang bình an trong thứ phác thảo về cuộc sống của người đứng đầu xứ sở cứ được nhắc đi nhắc lại như trí tuệ của thời đại, song, tôi không tài nào quên được gương mặt của bạn tôi [ nhiều khi cũng muốn xóa đi cho bớt nặng lòng, nhưng vẫn không làm được] gương mặt của tác giả bản phác thảo như là tường trình rất thật về cuộc sống đương đại, một thứ vẻ điêu tàn phong nhã,
…
‘‘bạn hãy nói với tôi bạn đang nghĩ nhiều nhất là nghĩ về điều gì, tôi sẽ nói cho bạn nghe là bạn đang điên hay đang tỉnh’’, lâu lâu tôi lại nhớ đến lời trong Lược Thảo Những Vòm Cỏ May, ký sự về đất đai của ông nghè Khuê, vị khoa bảng duy nhất còn sống nơi làng quê tôi, và cứ thấy thấp thỏm lo âu thế nào ấy,
…
đêm con chim cú lại kêu lên như nỗi thấp thỏm lo âu của thứ thế gian, ở đấy, buổi sớm tinh sương, sao đêm còn tỏ, vẫn vác cây cày theo bò ra đồng làng, bắt đầu của một ngày mới trong cuộc cày cuốc vẫn chưa có gì thay đổi, lại lén mong ngóng một cái gì khác đi, nhưng lại nghe thấy như có ai nhìn thấy, nỗi sợ hãi về sự ganh tị, xét nét của cuộc đời, lại phải cố ho lên một tiếng rõ to như thể để trút ra hết những ý nghĩ mới nhóm, đêm, nghe tiếng cú cầm canh, lại ngồi dậy, nhìn thử vào thứ thế gian, ở đấy, mùa đông, vào cái thời điểm sắp ban phát cho muôn loài thứ vật thể thiêng liêng từ lâu vẫn được coi là nguồn gốc của sự sống, thì những đám mây sũng nước choán kín hết bầu trời, bắt đầu cho thứ nghi lễ nghiêm cẩn sầm uất ấy là mái nhà chung của cuộc lãng du phồn dật đọng lại trong cõi sắc màu hồn hậu khói sương, cứ gọi đó là màu của trần thế, mưa đông là màu của trần thế, bỡi nó sẽ rưới mát hết thảy những khô kiệt khi tạo hóa đưa tay gõ lên những đám mây mọng nước, và có thể ở đâu đó có người sẽ gõ lên vách núi, hát, những khúc hát như thế là thuộc về thi ca nhân loại, những cũng chỉ trong chốc lát, bỡi sau đó thì, khi nghe tiếng reo của lửa bếp cho bữa ăn trưa, lũ heo ngoài chuồng se hét lên, đòi bữa, và lũ trẻ trong nhà cũng khóc thét lên vì đói [ở làng tôi, buổi ấy, lủ trẻ luôn thấy đói là chuyện bình thường] thứ âm thanh cổ kính, dai dẳng, và đầy nỗi nghi hoặc vẫn cứ vang lên giữa chốn nghìn năm lãng đãng tiếng cú cầm canh,
[trong Lược Thảo Những Vòm Cỏ May]
thì ra, ông nghè Khuê ở quê tôi, tự hồi nào, đã qui hoạch cho niềm cảm hứng của mình thành những ô ngăn chuyên biệt, ở đây là cái khắc nghiệt khốc liệt của một vùng đất, ở kia, những buổi mặt trời lên có tiếng cười sảng khoái của những người biết mình đang đi dưới ánh mặt trời, hay tác giả của Lược Thảo Những Vòm Cỏ May muốn sắp đặt lại văn chương theo cách của mình, tôi không biết,
…
cho đến lúc đó thì như thể người ta thấy mình có đủ quyền năng để làm việc đó [chuyện thấy mình có đủ quyền năng để làm một việc gì đó là thuộc về nhận thức luận về một phía khác của thế giới] cho đến lúc đó thì người phụ nữ có thể nói là quyến rủ nhất làng tôi, chị Sáu Miên, bỗng rẽ sang một lối đi chưa có người phụ nữ nào ở trong làng đã bước đi trên đó, cái cách chị chọn như thể là đang bước ra khỏi thế gian [hay xa lánh thế gian nhỉ] quả tình đã làm tôi thấy nao lòng, hay là chị sợ, không dám đi tiếp con đường những người sinh ra chị đã đi, tức, chị phải có chồng con, phải có thứ gọi là tổ ấm gia đình, con đường mà cha mẹ chị rốt cuộc đã phải gục ngã trên đó, cha mẹ chị vẫn cứ nghèo mãi, đến nỗi, những anh chị của chị đã lần lượt được sinh ra và đã lần lượt không đủ sữa bú để tiếp tục sống, chị chỉ như là sự bỏ sót của thứ số phận nghiệt ngã, buổi sáng chị Sáu Miên chạy chợ, buổi chiều chị xin làm công quả cho ngôi chùa nhỏ trong làng, tôi, lúc ở vào tuổi dậy thì, cái tuổi mà đầu óc luôn thấy lởn vởn hình bóng đám con gái trong làng lớn tuổi hơn mình, vẻ quyến rủ của chị lúc bấy giờ đã khiến tôi phải dành cho chị thứ tình yêu tội lỗi, giờ đây thấy chị cứ để cho ngày tháng trôi qua nhan sắc của mình, quả tình tôi không thể không cảm thấy nuối tiếc, nhưng toàn bộ những nghĩ ngợi của tôi về chị đều sai cả: đùng cái chị mang thai, rồi tôi lại sai nữa: cứ nghĩ là chị sẽ khổ đau biết bao về việc mình mang thai, nhưng nào phải, cuộc đời như thể tươi đẹp hơn với chị, điều ấy người làng tôi ai lại chẳng thấy trong cung cách giao tiếp vui vẻ lạc quan của một người phụ nữ sắp tặng cho loài người một sinh linh mới, có trời mới biết người đàn ông cha của đứa bé trong bụng chị là ai, rồi bấy giờ, giữa sự yêu đời của chị, người ta thấy cũng chẳng cần thiết biết cha của đứa bé là ai, và chị , có vẻ như chị cũng cảm thấy chẳng cần thiết giải thích về trường hợp cha của đứa bé mình đang mang trong bụng, tôi, kẻ đã dành cho chị tình yêu tội lỗi, lại bắt đầu mường tượng về một cuộc tình tuyệt đẹp mà người tôi từng đem lòng yêu thuở ấy đang sở hữu, ồ, là chị đang hạnh phúc biết bao, và người đàn ông bí mật ấy cũng đang hạnh phúc biết bao, đấy là thứ thế giới hoàn toàn bí mật, chỉ là của riêng của hai người, cho đến lúc ấy tôi mới hoàn toàn tin rằng, chẳng phải chị sa cơ lỡ bước gì cả, mà là đã chọn cho cuộc đời mình một cách bước tới phía trước, có phải người tôi yêu thuở ấy đã vẽ nên một thứ triết học khác về hạnh phúc không nhỉ
…
và những lời ngợi ca về sự vĩ đại của nhân loại vẫn cứ cất lên giữa cái thế giới trong đó con người vẫn cứ thích cố thủ trong thứ thành trì của dối trá, trong một giấc mơ khác, có vị thần có vẻ đã quá cũ chận đường tôi, nói, có lẽ đó là vị thần thất sủng, bỡi áo quần ngài có vẻ rách nát,
…
nhưng những lời bạn tôi, Lê Tích, để lại trước khi chết chẳng phải là để ngợi ca người tình của mình là gì [chỉ trời mới biết người tình của Tích là ai] cũng chẳng phải phác thảo cho một tương lai là gì, mà như thể là diễn nạp [diễn nạp chứ không phải diễn đạt] cái gì đó như sự bắt đầu, như khởi nguyên của vạn hữu, một cách phác vẽ thế giới theo cách của Tích: ‘‘nàng như thể khí núi to lớn, vào một khoảnh thời không nào đó, chẳng hạn là lúc lũ chim đã làm được cuộc hợp đàn, chẳng còn có tiếng réo gọi nhau, chẳng hạn là lúc bóng tối thừa nhận mình chỉ là phía khác của sự thật, hay hết thảy những mộng mị đều đã được giải bày như thể những bản thể sự vật bị phủ vây bỡi những thế lực đen tối, trong thứ phút giây ấy, núi đã để cho mình hít thở khí tiết trinh nguyên của đất trời, hỡi những cỏ cây yêu quí chớ lấy làm khó chịu khi ta nói người ta yêu là hơi thở của núi, kìa lũ ngông cuồng của thế kỷ sao cứ đứng đó, nhìn ngó, không chịu đi tìm cho mình một lối thoát, đừng gây sự với đồng loại nữa, rồi ai cũng phải đi đến chốn ấy, tôi và nàng sẽ chờ hết thảy các bạn ở đó, khi nhìn thấy bọn đao phủ đã chém chết hết đám vua quan vô đạo, lũ cua cá bắt đầu học tiếng người [ từ khi tổ tiên chúng tự sắp đặt loài giống chúng vào loài ở nước thì chúng có vẻ không ưa loài giống con người] và khi hết thảy những người đang yêu nhau biết là mình đang thực thi thứ hiến chương viết bằng ngôn ngữ của các vị thần, thì biết là tôi và nàng đang trải thảm cho con đường lên đỉnh non cao [đỉnh của hết thảy những đỉnh] con đường dẫn dắt vạn hữu đến miền tri thức’’,
…
tôi đi đất Mân, rìa đất phía tây xứ sở tôi xưa nay vẫn xem là miền đất linh thiêng, tôi biết là thằng bạn nối khố của tôi vấn vương tôi, hôm thằng Tích chết thì trời đất chẳng có dấu hiệu gì tỏ ra là thương tiếc một sinh linh đã rời khỏi trần gian [ thật ra, bấy lâu, chuyện đất trời cám động chỉ là cái cách con người muốn gắn cho hoàn vũ một thứ đạo đức luận của loài người] khi thằng bạn nối khố của tôi chết thì điều chắc chắn đầu tiên là người tình bí mật của nó buồn, tiếp đến là tôi… ta yêu nàng chỉ vì nàng là người con gái của miền đất linh thiêng ấy, chính là câu nói trong một lúc vui vẻ Tích buột nói ra đã khiến tôi đi đất Mân, khi nghĩ miền đất thiêng trong lời nói của Tích là đất Mân tôi lại muốn đến đó, tháng sáu, cái nắng như thể đang phong tỏa hết thảy những mầm nụ của cây lá, nhưng cũng chỉ là đoạn khúc thôi, cũng chỉ là thử thách của tạo tác, bỡi người đã làm ra lớp lớp phù vân thì người cũng phải nương tay dẫu có muốn thử sức, trần gian mỏng manh này chỉ mong ngóng ở người một thứ quyền phép kỳ diệu, một tiếng ca của người cất lên giữa buổi hừng đông là thứ quyền phép của một ngày bận rộn của người, nghĩ ngợi của tôi cứ trải theo con nắng trên con đường khô khốc, thực ra, ở trong đó là có chút oán trách: làm sao lại đi cắt ngang một cuộc đời còn đang ấp ủ, cả cái chu trình sáng tạo bát ngát các thứ chân trời và cả một cuộc tình còn trong thầm lặng, các cô gái đương làm lụng trên nương rẫy thì chẳng thể nhìn thấy những nghĩ ngợi của tôi, có, bọn họ có trông thấy tôi, cười, và chào hỏi…người đằng đông lại sang đằng tây để coi thử nơi nào nắng nhiều hơn hay sao, có cô gái trong đám con gái đất Mân đương làm lụng trên nương nói với tôi vậy, tôi biết là bọn họ chỉ nhìn cái cách đội nón của tôi thì biết là tôi từ đâu đến [cái cách đội nón của đám con trai đất Bù Địch bọn tôi là đôi khi không đội trên đầu, mà mang ở sau lưng/ câu chuyện nón thả sau lưng lâu lâu lại làm cho tôi phải nghĩ ngợi, thì ra đám miền ruộng bọn chúng tôi là còn nhiễm nặng cái gen tổ tiên thuở chưa có áo quần] bọn họ biết tôi ở phía đông xứ sở đến, nhưng không thể nào biết tôi đang có một sứ mệnh mang tính thế kỷ, tôi lên đất Mân là cốt để tìm kiếm người tình bí mật của bạn tôi, tháng sáu kín như bưng, người yêu của thằng bạn nối khố của tôi vẫn là niềm bí ẩn, có con chim gì to lớn, tôi chưa hề biết tên, cứ lượn lờ suốt trên bầu trời trên đầu tôi, cái cách bay lượn như thể là đang dò xét gì đó ở trần gian, đám con gái đất Mân dường đã quen với cái cách dòm ngó có vẻ không mấy minh bạch của con chim lạ, nhưng tôi thì cứ thấy băn khoăn, không biết có phải đấy là tìn hiệu về một tai họa nào đó của nhân loại hay không,
***
các cô gái đất Mân làm lụng trên nương có cách hát đứt quãng như thể lũ chim phua hụt hơi trong những cuộc gọi bạn tình, tháng sáu là mùa giao phối của lũ chim phua, cha tôi, do là đi làm nghề rừng [song song với nghề ruộng] tự thuở mười hai, nên khi nói về chim rừng ông như thể một nhà điểu học, chính là cuộc đời này đã hun đúc một người như cha tôi có được thứ ngôn ngữ đến độ lão thực như vậy: lũ chim hồng hộc nôn nóng chuyện bạn tình mười thì lũ chim phua nôn nóng tới hai mươi, đấy là đơn vị đo lường về sự lãng mạn do cha tôi phát hiện, lúc bấy giờ nghe những lời ấy tôi chỉ lờ mờ nhận ra một cái gì đấy thật to lớn của tự nhiên, giờ nghe các cô gái đất Mân hát về chuyện đất cũ tôi không thể không nghĩ đến lũ chim phua,
có ai đấy nói gì với ngọn gió sớm mai,
hòn đá vội rời đi
rừng cây cũng vội rời đi,
con ốc rỉ tai bờ suối,
rằng,
một ngày nào sẽ nhìn thấy lúa khoai,
các cô gái đất Mân vừa làm cỏ lúa trên nương vừa hát những bài hát quen thuộc của xứ sở về buổi có cuộc hẹn giữa con người và tự nhiên, thật ra, tự buổi ấy, con người đã ký lên mặt đất, khế ước viết bằng thứ chữ đẫm mồ hôi và nước mắt những người đi mở cuộc, tự nhiên có nói gì đâu, cứ để cho mặt trời mặt trăng tiếp tục cuộc giao lưu, con sâu vẫn cứ tiếp tục ăn lá, những buổi chiều hôm, có ngọn khói lam nhạt cất lên, ai đó bỗng hô lên… có người…có người… và con cá quẫy trên con kinh đầy muỗi vắt, đấy là cuộc tử chiến giữa loài giống bay trên trời và loài giống dưới nước, những cuộc tử chiến cứ thầm lặng như vậy, nỗi thầm lặng như thể đề cương về tồn tại buổi hoang sơ, phải rồi, nương rẫy bây giờ là rừng cây núi đá thuở trước, tôi lại nghe các cô gái đất Mân hát khác đi, chẳng phải những lời tình tự,
hoàn vũ dày đặc những tiếng khóc,
không phải chết chóc,
mà đau đớn của sinh nở,
cả chim chóc cả con người cả các vị thần cùng bước ra từ tạo tác,
hãy lại đây hỡi bạn tình của ta
lũ quỉ dâm bạo quyến rủ trăng sao,
nghe đám con gái đất Mân hát về những tháng năm cũ, tôi cứ có cảm tưởng, rằng, con người dường lúc nào cũng muốn bội ước tự nhiên,
***
và kẻ bội ước với tự nhiên một cách tàn bạo là vua Z trong Lược Thảo Những Vòm Cỏ May của ông nghè Khuê, có thật đấy, chứ không phải bịa đâu, tôi biết, nhưng vì đưa vào Lược Thảo là tác phẩm văn chương nên ông nghè Khuê gọi là truyện vua Z, đầu tiên, ông Khuê hư cấu gương mặt của vua: mặt ngủ, tức khi nhìn vào người ta cứ có cảm tưởng là vua vừa ngủ dậy, thế gian còn gọi là mặt đục [mặt ngu], lại có thơ rằng: đương không thằng mặt ngủ làm vua/ đời như thể ký sự không chép nổi một câu chuyện nhỏ, mùa đông Kỷ Sửu, mái đình làng ta bỗng cháy nám [ta ở đây là tác giả, ông nghè Khuê] mưa chứ đâu phải nắng, sao lại làm nám mái đình làng, các chức sắc làng ta bấy giờ toàn bọn ngu dốt, lo sợ, liền cho người báo về triều, vua nghe, liền mắng sứ giả của làng, đồ ngu, mày có biết đôi lúc mưa đông cũng nóng bức như nắng hạ hay không, hãy về bảo đám dân làng chúng mày múc cho hết nước mưa mùa đông đem đổ đi, và kỳ này là vua cách hết đám quan ngu dốt đó, vua chỉ cách chức đám quan đương chức mà quên cử quan chức mới, làng X, tức làng ta, từ đó như rắn không đầu, cỏ lấn sân nhà, cây rừng lấn đồng làng, cuối cùng, làng X biến thành khu rừng nguyên thủy, quan lo về nông học là vị quan triều được dân cả nước chủ ý: tiếng nói to lớn, khi nói trước dân thì như thể là gây lộn với ai đó, được cái, đâu có mưa bão, hạn hán, thì có mặt ngài ấy, đi kinh lý, thấy làng X biến thành rừng thì ngửa mặt than: trời đã hại ta, là ngài ấy bắt chước cụ Khổng của nước Tàu cổ, lẽ ra phải nói vua đã hại ta cho đúng với trường hợp của xứ sở mình, nhưng không dám, lại cứ nói y như cụ Khổng nói, khi nghe quan lo về nông học báo về trường hợp làng X, vua Z quá mừng là khác, được, vua phán, nhưng được là được gì, quan lo về nông học ngạc nhiên lắm, nhưng nào dám hỏi, chỉ mấy hôm sau thì có cuộc hội họp giữa vua và công ty khai thác chế biến gỗ lớn nhất của một đất nước giàu có nhất ở phía mặt trời lặn, và một hợp đồng mua bán gỗ được ký kết giữa bên bán là vua Z, và bên mua là công ty của những người ở phía mặt trời lặn, trong đó có điều khoản đáng ghi vào sử sách là hợp đồng mua bán có giá trị vĩnh cửu, có nghĩa, sau lần khai thác này, khi khu rừng ở làng X tới tuổi khai thác nữa thì công ty ấy có nghĩa vụ sang khai thác tiếp, giá bán gỗ rừng luôn chiếu theo giá gỗ hiện hành, không phải ông nghè Khuê quên chép việc dân làng sẽ ra sao khi làng X đã biến thành rừng, mà có ý để cho người đời tự nghĩ ra [đây gọi là tác phẩm mở] chỉ chép thêm rằng, trong khi công ty khai thác chế biến gỗ của những người ở phía mặt trời lặn vận chuyển gỗ đã khai thác được về nước, thì vua hội triều thần để nghe vua sửa lại luật nước, rằng, vì sự giàu mạnh của xứ sở, vua phải giữ ngôi vua suốt đời, có như vậy mới có thể thực thi bản hợp đồng mua bán gỗ với đám người ở phía mặt trời lặn, buổi ấy, ở đất nước ta, đêm, người dân trong nước nằm ngủ cứ nghe như có tiếng kẹt cửa,
***
vậy thì tôi là ai giữa thứ thời tiết ảm đạm của thế giới, ông vua trong truyện cổ tích đã biến thành ông vua thật, những tung hô, nịnh nọt, hò hét, những dối trá bắt đầu chiếm được nhiều chỗ hơn trong tiến trình lịch sử, lữ khách đứng nơi đầu ngõ, chờ, trăng đã lên, có ai đang mở cổ thư, này, hãy ngồi xuống đây nghe tường trình của những người đã chết, và đừng hỏi gì cả, bỡi đây chẳng phải là thời để hỏi, trăng đã lên, lũ giả người đã theo bóng trăng lần dò vào các ngõ ngách lịch sử, sự hình thành của các triều đại ám muội, những phương cách trị nước man rợ, ngôn ngữ con người bị vấy bẩn, sao, sắp có đánh nhau giữa các phe phái ư, vậy thì tôi là ai giữa cái thế giới như thể lò lửa thù hận này, những phác thảo về tôi thì nhiều vô kể, tự buổi ban sơ, trên con đường vào thôn bản ban sơ đã nghe thấy những cuộc rượt đuổi nhau, bầy đàn, nó là tụ hội không thể không xảy ra, không thể không có giữa buổi hỗn mang, tất cả hãy cùng tiến lên, phải có một giọng nói đầu đàn chứ, rồi cứ thế, từ cái yêu cầu về sự sống còn của nhân loại là những toan tính đen tối, có khi là đơn độc, có khi là cả một bè đảng, cả trong buổi sơ khai, cả giữa lúc văn minh, những toan tính tăm tối vẫn luôn được ngụy trang bằng những luận thuyết, những chủ thuyết, có vẻ đẹp đẽ, nhưng thật ra là những phương lược giết chóc, cướp bóc, bao nhiêu bầy đàn tan tác hay tiêu vong, trong một giấc mơ khác tôi thấy mình bị đem ra xét xử, vậy thì mi đã biết tội trạng của mình chưa, nghe hỏi, tôi thử nhìn quan tòa xét xử tôi là ai, và cảm thấy vô cùng sợ hãi, bỡi người xét xử tôi lại chính là tôi, vậy thì hãy nói đi, mi đã biết tội trạng của mình chưa, lại nghe hỏi nữa, trăng đã lên, và tôi biết đấy là câu hỏi lớn nhất thời đại,
***
ở Phù Nễ, rìa đất phía bắc vẫn được coi như miền hoa gấm của xứ sở tôi và về đơn vị hành chánh là thị tứ, ngài trưởng thị tứ ở đây thì như thể là ông vua nho nhỏ, ở đất này ta là con ong chúa, đám dân chúng các người là lũ ong thợ cho nên phải nhất nhất nghe theo ta, ông thường nhắc nhở đám dân chúng của mình, cái cách như thể đương hùng cứ một phương như thế là do phương lược trị nước của người đứng đầu xứ sở mà ra, người đứng đầu xứ sở tôi cũng là một con ong chúa, đất Mân, rồi đất Phù Nễ, đất Bù Địch, nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, cái rìa đất nhỏ bé phía đông, rồi đất Cổ Cồn, tức cái thị xã hơi sang trọng nằm sát biển thuộc rìa đất phía nam, rồi các thôn bản khác, bức địa đồ xứ sở tôi là lỉnh khỉnh các thứ hình thù đất đai lớn bé, cao thấp, sang hèn, đủ các kiểu đơn vị hành chánh: thị trấn, thị tứ, thị xã, các thứ thị tứ hay thị xã là mới nổi lên sau này, còn các thôn bản là những kiểu địa vực cố cựu, tức mãi từ trước xa tới mãi lâu sau, ở các chốn ấy vẫn cứ giữ nguyên các kiểu đi đứng ăn ngủ, ngài Vi Vu, người đứng đầu xứ sở tôi, là con ông chúa mắt to, cánh dày, ngày ngày bay lượn trên toàn thể thứ nhịp điệu nhân quần nhiêu khê và đầy sức nhiễu loạn ấy, Vi Vu là tên hiệu toàn thể đám dân chúng chúng tôi quyết dâng tặng cho ngài ấy [ta vui lắm, ngài ấy từng vụt nói ra khi lần đầu nghe cái tên hiệu dân chúng tặng cho mình] Vi Vu là bao gòm cả cái tính chất vĩ đại của nó và bao gòm cả cái tính chất huyễn hoặc của nó [có người đứng đầu xứ sở nào là không huyễn hoặc đâu, huyễn hoặc cả trong nghĩ ngợi, cả trong hành động trị nước…ôi, kể sao cho xiết…] ngày tháng cứ thế trôi đi, rồi đám dân chúng chúng tôi cũng chẳng cần nhớ, thật ra là không còn nhớ, tên thật của ngài ấy là gì, ngài Vi Vu, con ong chúa của xứ sở, cứ đứng trên đỉnh cao quyền lực mà phe phẩy đôi cánh dày của mình và nhìn ngắm lũ ong chúa của những rìa đất đông tây nam bắc [ Bù Địch, Mân, Cổ Cồn, Phù Nễ…], lũ chúng mày phải tuyệt đối trung thành với ta đấy, ngài nói với đám ong chúa của các địa phương, đấy không phải là khuyên, mà là mệnh lệnh, mệnh lệnh là thứ từ ngữ của thời đại, nó biểu thị cho mối tương quan đầy nỗi xúc động và sợ hãi giữa kẻ cai trị và những người được cai trị, do vậy mới có chuyện ngài trưởng thị tứ Phù Nễ như ông vua nho nhỏ, thiên nhiên ở Phù Nễ đẹp vô cùng, cái vẻ đẹp như thể tạo tác bày ra để thử lòng người, sau mùa gặt lúa tháng tám thì hoa du hoa lư bắt đầu trỗ bông khắp đồng làng, mới hôm nào là đồng lúa, giờ là đồng hoa, một vùng như thể gấm vóc lụa là, cố vấn của ngài trưởng thị tứ ở đây lại là một lão nông có thể đoán biết vận số của đất đai, nhưng ngài trưởng thị tứ dùng ông ta không phải để soạn thảo các thứ kế hoạch, mà chỉ để trả lời câu hỏi [bao giờ cũng hỏi thế] của ngài trưởng thị tứ: theo ông như vậy là được chưa, mỗi lần ngài ấy soạn thảo được một thứ kế hoạch trị nước nào đó, mùa đông năm ấy, sau vụ gặt lúa , lũ cò ở đâu bỗng kéo về đồng làng Phù Nể đến hằng vạn con, thoắt cái cánh đồng hoa du hoa lư bỗng biến thành đất trống, ngài trưởng thị tứ cứ thấy rạo rực trong lòng [khi một bậc quân vương thổn thức thì phải biết ] nuôi cò thôi, cái ý nghĩ vĩ đại ấy bùng phát trong nghĩ ngợi của người đứng đầu một vùng đất, theo ông như vậy là được chưa, khi nghe ngài trưởng thị tứ hỏi mình về việc bỏ trồng lúa để lấy đất nuôi cò, cố vấn của ngài trưởng thị tứ đáp không cần nghĩ ngợi: một nghìn lần không được, bỡi lấy đất trồng lúa để nuôi cò thì dân Phù Nễ sẽ chết đói, lần đầu có người chống đối mình, ngài trưởng thị tứ tức giận lắm, ta xưa nay làm việc chi cũng chỉ vì quê hương xứ sở, cho nên ai chống lại ta là phản bội quê hương xứ sở, ngài trưởng thị tứ nói, và dùng cuốc đập chết cố vấn của mình, ngài Vi Vu về Phù Nễ cốt để vỗ an dân tình, nhưng khi nghe ngài ấy giả vờ hỏi có ai biết vì sao vị lão nông gần tuổi trăm đã chết hay không, thì hết thảy đám dân chúng Phù Nễ đêu khai là do ngài trưởng thị tứ đã dùng cuốc để đập chết, nói bậy, làm sao một người đang lo cho dân cho nước như thế lại đi giết dân của mình, ngài Vi Vu quát tháo đám dân chúng Phù Nễ một hồi, rồi xa giá trở về, về cái chết của lão nông ở Phù Nễ, ông nghè Khuê có cung cấp cho tôi chi tiết, rằng, khi làm sách Lược Thảo Những Vòm Cỏ May, chép đến đất Phù Nễ, ông Khuê có xin phép người chép sử để được tra cứu cuốn sử của xứ sở ấy, thì hấy chép rằng mùa đông năm ấy một vị lão nông gần tuổi trăm ở Phù Nễ đã hy sinh vì tổ quốc,
***
nhưng chị Tám Thơm ở đất Bù Địch, nơi chôn nhau cắt rốn của tôi, thì chối bỏ tổ quốc tới hai lần, cái thế giới chúng ta đang sống nó rộng lớn thế, ai muốn đi đâu, ở đâu, là thứ quyền hết sức nhiêu khê, phức tạp, kỳ dị, nhưng các nền dân chủ đương đại lúc soạn thảo các văn bản trị nước, khi đụng tới vấn đế này, thì chỉ tắt một lời, đây là quyền tự do đi lại, chuyện chị Tám Thơm bỏ đất Bù Địch của tôi ra đi lâu lâu lại làm nóng lại cái câu hỏi khó nhai coi như đã ghi khắc vào ý thức tôi: vậy thì chối bỏ tổ quốc để ra đi có nằm trong quyền tự do đi lại hay không, nhớ đến cái tra vấn chết người ấy là tôi lại thấy tâm tư mình như đang rã ra thành nhiều mảnh, rồi tôi lại nằm mơ thấy thằng Tích, thằng bạn nối khố của tôi trở về Bù Địch chửi rủa tôi là quân phản bạn: tại sao mi lại đi đất Mân, có phải trong ý đồ đen tối của mi là muốn khám phá cuộc tình nghìn lần trong trắng của ta, tôi nói ra chi tiết này vì nó lại giống chuyện tôi nằm mơ thấy chị Tám Thơm ở bên Mỹ về mắng mỏ tôi: đồ quân đa sự, tại sao mi lại xen vào chuyện tư riêng của người khác, thật ra thì tôi có xen vào chuyện ai đâu, đấy chỉ mới là nghĩ ngợi những gì xảy ra ở đất Bù Địch của tôi, từ chuyện thằng Tích bạn tôi bỏ lại người tình bí mật của nó mà đi, đến chuyện chị Tám Thơm lại bỏ quê mình để đến xứ người, nhưng quân phản bạn hay quân đa sự đều là quân khốn nạn, là thằng Tích với chị Tám Thơm đã không chịu hiểu cho tôi, với tôi, thì nơi tôi sinh ra và lớn lên, đất Bồ Địch của tôi đó, tôi cứ thấy nó với tôi là gắn bó với nhau thế nào ấy, như thể là nó không thể rời khỏi tôi nửa bước, và tôi cũng không thể rời khỏi nó nửa bước, tôi vẫn nhớ trên khuôn mặt anh Bốn Nĩnh là có bao nhiêu cái nốt ruồi màu đen, bỡi lúc tôi đã lên bảy lên tám, nhưng mỗi lần sang chơi anh Bốn Nĩnh lại ngồi bệt xưống nhà, và ngoắc tôi, hãy đến đây, là anh ngoắc tôi đến ngồi vào lòng một người đàn ông cày ruộng đầy xương xẩu đó, tôi nép vào lòng anh, còn anh thì xoa tay lên tóc tôi, em là con chó con giữ nhà, anh Bốn Nĩnh gọi tôi là con chó con giữ nhà, những lời ấy cứ như thể ngọn gió sớm mai thổi vào thứ tri thức của tôi bấy giờ chỉ đậm hơn tờ giấy trắng một chút mà thôi, còn cái người đàn ông lười chuyện cày cuốc đến độ đóng rong xương sống, như người làng tôi vẫn gọi vậy, anh Hai Thước, cày ruộng mà cứ lòng vòng trên bờ ruộng, chốc chốc lại ném một hòn đất xuống ruộng, chỗ đó đất hơi khô đó, cho cái náp cày sâu một chút, chỗ kia thì nhiều cỏ đó, lúc cày thì chịu khó rũ cho hết cỏ, anh Hai Thước chỉ đứng trên bờ để ra lệnh, còn chuyện theo đôi bò trên ruộng là giao hết cho chị Hai Thước, người đàn ông lười chuyện cày cấy ấy lại đi mê một thằng nhỏ nghịch ngợm là tôi, thấy tôi xuất hiện trên đồng làng là anh xáp lại, vác tôi lên lưng, cái tuổi thơ nghịch ngợm của tôi không biết đã ngự trên lưng anh Hai Thước bao nhiêu bận, em là cục cưng của ta, không phải, con là con trai của ta, cái con người lười nhác cày bừa và thích có con trai ấy cứ như cái bóng mát của cây mư chổ đầu con đường vào làng tôi rợp mãi trong tâm trí tôi, đất Bù Địch của tôi nó là chốn sản sinh ra những thứ như thế cho cuộc đời tôi, những thứ tựa xương cốt tôi, nó chống chõi cho tôi bước được giữa những thăng trầm, có chốn đất quê nào là không thăng trầm đâu, mùa hè ở đất Bù Địch của tôi đến lũ gà ngu ngốc cũng biết cứ mặt trời ló ra là bắt đầu đổ lửa xuống trần gian, trưa, lũ gà trong vườn nhà tôi phải trốn biệt trong các bụi rậm nơi bờ rào vườn nhà tôi, mùa đông tôi nằm trong nhà nghe mưa, con nghé nhà ai còn sót trên đồng làng kêu khóc ở trong mưa, dường những phút giây như vậy nó làm nảy sinh trong tôi một thứ tình yêu chưa thấy đâu là bờ bến, thật tình là tôi nằm trong nhà nghe mưa và cứ nghĩ đến lũ trùn đang chết ngạt ở trong đất, lũ trùn, như bạn đồng hành với tôi trong những lần vác cây cần câu ra con mương đồng làng tập câu cá, tuổi thơ tôi ở đất Bù Địch của tôi là thứ anh hùng lỡ vận đi câu cá để chờ thời [tức là chờ thời khôn lớn] tôi với đất Bù Địch của tôi cứ giống như một cuộc tình vậy, lặng lẽ, và thủy chung, cho nên khi có người nào ở đó mà bỏ nó ra đi là tôi lại thấy đau lòng, chị Tám Thơm là người phụ nữ có thể nói là đất Bù Địch của tôi đã làm chị đau lòng, cái cô Thơm đẹp và hiền thục vậy nhưng chẳng có chàng trai nào tìm đến để gầy dựng một cuộc tình, cho đến tuổi ngoài bốn mươi cuộc đời chị Tám Thơm vẫn là một cuộc trống rỗng, cho đến khi ấy, khi người Mỹ đổ quân vào miền nam đất nước tôi, một đơn vị lính công binh Mỹ [tức lính làm cầu đường] đến đóng quân ở đất Bù Địch tôi, rồi một anh lính Mỹ từ đơn vị lính ấy đã đem đến cho chị Tám Thơm một cuộc tình muộn mằn, rồi hiệp định Paris đã làm chấm hết cuộc tình vội vã ấy, chàng chai Mỹ lúc từ giả chị để về Mỹ đã nói gì với chị thì chỉ chị Tám Thơm mới biết, có điều, đến khi anh đã về đến nước Mỹ thì chị mới biết là anh đã để lại cho chị cái giọt máu hợp chủng quốc Hoa Kỳ, rồi đất nước tôi lại có chính sách cho những con lai Mỹ đến nước Mỹ để tìm lại người cha của mình, nhưng thằng Hích, tên đứa con lai chị Tám Thơm đã đặt cho nó [sao lại là Hích thì cũng chỉ chị ấy mới biết thôi] thằng Hích lại cũng yêu nơi chôn nhau rốn của mình như tôi vậy, biết có tìm ông ấy được không, cứ ở đây, ở quê hương mình thôi mẹ ạ, thằng Hích nói với mẹ, nhưng chị Tám Thơm đã tuyên bố với người Bù Địch của tôi, rằng, chị phải mãi mãi rời bỏ mành đất đã giày vò cuộc đời chị, ở Mỹ, không tìm được người cha lãng tử của mình, thằng Hích lại đòi về quê hương, nhưng chi Tám Thơm nhất định không chịu về, mẹ chết, chôn cất mẹ xong , thằng Hích lập tức lên máy bay trở về Bồ Địch, vậy thì tổ quốc là gì mà tôi lại thấy vui khi thấy thằng Hích đã quay về [ thằng Hích đã trở về rồi đó, tôi cứ thầm nói với mình vậy] và lại thấy buồn khi nghĩ đến chị Tám Thơm và thắng Tích, thằng bạn nối khố của tôi, một người thì rời bỏ đất quê khi còn sống, một người thì rời bỏ đất quê khi đã chết,
***
vậy thì tôi là ai giữa cái thế giới ai cũng muốn phác vẽ lại cuộc đời mình, cho mới hơn, đẹp hơn, hay cho hoành tráng hơn, hợp lý hơn, lỗ chỗ những vết tích lầm than, cổ độ, vậy thì tôi có thể bước đi tiếp giữa cái thế giới tự dưng tôi cứ thấy như cái gì cũng cũ, những nền văn hiến rong rêu, ẩm mốc, ở đó, những ca công vẫn còn hát những bài ngợi ca đám lục bình chuyên chở những nỗi buồn không lai lịch trôi trên những con sông nước chảy xiết, có thể đó là sông ngàn sâu hay sông ngàn phố [tự dưng tôi lại cứ nghĩ đến những sông nước có tên gọi như vậy] hoặc là đi ca ngợi các ông vua chịu mặc áo vá chịu xuống đồng đi cày với đám dân nghèo, đi cày, và luôn mang theo bên mình những phương lược trị nước được để lại từ những triều đại nghìn năm trước, tự dưng tôi cứ thấy mình là khách đường xa đang sa vào cuộc hành trình cái mới lạ thì nhiều hơn cái từng biết [là khách đường xa hay lãng tử nhỉ, mà sao tôi lại để cho mình lạc vào cuộc phù vân dày đặc những tiếng cười khả ố vậy nhỉ ] không phải tiếng chuông đâu, mà là trống điểm giờ đấy, buổi chiểu hôm, khách dừng chân nơi bờ con kinh đào nước như đang ngừng chảy, nghe tiếng trống điểm canh tiều tụy, có triều đại nào sắp đổ ư, là Carthage, hay Sparta, hay Qin Dynasty [Tần] hay Ur, Babylon, hay Achaemenid, hay Karolingien…[tôi cứ mường tượng cảnh kinh thành đổ nát, đám mối mọt tranh nhau thoát ra khỏi các đền đài lăng tẩm đang bốc cháy, nhà nhà bồng bế nhau lên non…] nhưng cạnh đó, cũng nơi bờ con kênh đào nước như đang ngừng chảy, một người đắp chiếu nằm, tiếng rên yếu ớt, khách không dám hỏi, chỉ nghĩ, có thể là di dân, hay cũng có thể là vừa trốn thoát khỏi một cuộc áp bức tàn bạo nào đó, khách chỉ nghĩ, và buông tiếng thở dài, có thể bước tiếp nữa không nhỉ, thực ra thì tôi cũng không biết rồi ra tôi sẽ ra sao,
***
người ta bảo đó là người đứng đầu của một xứ sở, một con người, ngài tổng trưởng xứ Ngàn Rươi, nhưng tôi thì cho đến chết tôi vẫn giữ nguyên suy nghĩ của tôi, rằng, đấy là một con bọ, một con bọ thuộc một loài bọ mà người ta chưa biết tên khoa học của chúng, có điều, chẳng biết vì sao trên con đường tiến hóa lại có dạng người,
và do là đọc được nhiều sách vở báo chí các nước viết về ngài tổng trưởng xứ Ngàn Rươi, tôi mới viết được một khúc văn về ngài ấy coi như là đột biến trong văn chương của tôi, tôi đặt tên là khúc ‘‘hồ hỡi’’ [ hồ hỡi chứ không phải hồ cầm] mục đích là để tặng riêng cho ngài ấy, đây là quyết định của riêng tôi, chẳng liên quan gì đến ngài ấy,
sang xuân, nhưng đất Ngàn Rươi vẫn còn lạnh buốt xương, bầu trời quánh lại với thứ thời tiết như thể chạm nhẹ vào là lập tức sẽ tuông ra những luồng khí cắt da, mà gió như thể cũng đang bị đông lại sao đó, bây giờ gió chỉ còn là thứ khái niệm trong nghĩ ngợi con người, bỡi chẳng còn nhìn thấy chút dấu vết nào của chuyển động, tôi đứng giữa cung điện Ta La Ra, một mình một ngựa giữa thứ đời sống xa hoa, truy lạc [truy chứ không phải trụy đâu nhé] lỗng lẫy những phút giây trăng gió, những cảnh phồn thực rợn người được thể hiện trong toàn bộ các cách thức của nghệ thuật thị giác, nghệ thuật ngôn từ và nghệ thuật âm thanh, ở góc cung điện này là cuộc giao phối nghiêng trời đổ nước của một cặp bò mộng, một thứ thiên nhiên tiền sử, ở góc kia của cung điện là bức khắc đồng nhiều tầng, lớp, về công trình tạo tác ra một con người [từ những nụ hôn bùng cháy tới cảnh chiếu chăn, sinh nở…] đổ xuống một chiều sương giá/em/người con gái của những thế trận huy hoàng, tôi không cầm được nỗi sợ hãi khi thứ giọng thơ ngợi ca một người con gái trần thế nào đó cất lên giữa cái giá buốt của cung điện, rồi một giọng thơ khác lại cất lên…hãy nằm xuống đây/ em/ nằm xuống để nhìn thấy một nét vẻ huy hoàng…tôi lập tức đoán biết các giọng thơ ấy là minh họa cho bức tranh thiếu nữ treo ở trên tường [cái cách vẽ tranh ở đây là không thể đem ra so sánh với các tiêu chuẩn cổ điển trong các tranh vẽ thiếu nữ của Leonardo da Vinci hay của Rembrandt, Edouard Manet] xin chào bạn, đấy là lời chào của cung điện Ta La Ra, giọng nói được mắc sẵn trong hệ thống âm thanh đã thể hiện những giọng thơ vừa nói, trước khi vào tham quan cung điện Ta La Ra, được coi như là nơi thể hiện quyền uy của ngài tổng trưởng Ngàn Rươi, tôi đã được đọc các cẩm nang về cung điện, nên được biết là mình cũng có thể gặp mặt ngài ấy tùy theo chiếc thăm ông quản lý cung điện bốc được, những chiếc thăm dành cho khách đến tham quan cung điện Ta La Ra, giữa lúc tôi đang nghĩ ngợi về việc tôi có được gặp ngài tổng trưởng Ngàn Rươi hay không thì bức chân dung của ngài ấy ở trên tường bỗng rung lên, rồi biến mất, và khi thấy ngài ấy hiện ra ở trên tường tôi cứ tưởng là người ta lại thay một chân dung khác của ngài ấy, nhưng không phải, đấy chính là ngài tổng trưởng Ngàn Rươi đấy, và khi ngài ấy vừa xuất hiện thì một thiếu nữ trẻ tiến vào cung điện cúi chào theo thứ cung cách mà tôi đoán là thuộc nghi lễ của cung điện Ta La Ra…chúc mọi điều tốt đẹp ở nơi bạn, hệ thống âm thanh lại vang lên giọng nói thân thiện ấy, rồi cái kẻ vừa lùn vừa mập từ lâu tôi vẫn coi đó là một con bọ có dáng người đã biến mất, một khúc nhạc, lạ, và đầy âm lực, cất lên, và, một chân dung khác của ngài tổng trưởng Ngàn Rươi hiện ra, lần này không phải là ngài tổng trưởng đang quất ngựa lên đồi Man Ta để giao tiếp với đất trời, mà là một ngài tổng trưởng đang cúi xuống dùng chân để giết lũ kiến, khi tôi rời cung điện Ta La ra, thì các tờ báo lớn ở kinh thành Ta La Ra đã đăng tìn về cái chết của người thiếu nữ tôi đã nhìn thấy nơi cung điện Ta La Ra, bài báo viết: ngài tổng trưởng vừa ra lệnh tử hình cô gái lo việc lễ tân ở cung điện Ta La Ra vì đã làm sai nghi thức,
***
tôi vẫn nghĩ ông nghè Khuê như một kẻ sĩ hiếm hoi còn sót lại giữa buổi rối ren của thế giới, con người sống mà không có ảo ảnh chỉ đôi ba năm thì chết, cái cách nhìn thế giới có vẻ tàn nhẫn của ông có thể đánh động được tâm can những kẻ bấy lâu cứ nghĩ mình là thông thái, hoặc chí ít cũng làm nghiêng đổ những cực đoan: không đi cùng ta là kẻ thù của ta, cái cách muốn một mình đi giữa thế giới, một mình làm chủ thế giới, nghe ông Khuê nói về sức mạnh bùa chú của ảo ảnh, đám chúa đất khát máu sẽ nhảy cẩng lên: ta sẽ nuốt xác người, bọn họ dọa ông Khuê, nhưng thực ra là bọn họ đang giãy chết, khi biết tôi đã viết về một nhân vật nổi tiếng như thế thì thế nào ông Khuê cũng nện cho tôi một trận, chúng sẽ lột da anh đấy, có thể là ông ấy sẽ nói như vậy, tôi nghĩ ngợi lúc đang trên đường đến nhà ông, cứ năm ba hôm là tôi lại đến nhà ông ấy, ông nghè Khuê vẫn xem tôi là bạn văn chương của ông, dù tuổi tôi chỉ đáng tuổi con ông, anh phải đi cho hết bút mực đó, ông vẫn khuyên tôi, lời nói như mệnh lệnh của con tim, thật lòng thì tôi vô cùng yêu quí ông nghè Khuê, yêu quí và muốn vơ vét cho hết thứ kiến thức về thế giới của ông, không biết có phải đất Cổ Cồn đã hun đúc nên con người ông hay không, tôi đến nhà ông Khuê vào một sáng mùa hạ, nhà vẫn cứ vắng vẻ vậy, bà Khuê đã bỏ ông mà đi lúc ông đã ngoài chín mươi, còn đám con trai con gái của ông, thì như theo cách ông nói, là đang tìm cách chui vào cái thế giới nhiêu khê phức tạp kỳ dị này mà sống, con người gần tuổi trăm ấy vẫn trò chuyện với tôi như thể là một chàng trai trẻ,
làm gì thì làm anh cũng phải có một cuộc tình vĩ đại đó,
ông nói,
dạ, thật là khó để có, tôi nói,
nhưng vừa rồi là anh đã làm cho một kẻ vô tình cũng phải khóc đấy,
ông nói,
thì ra ông nghè Khuê đã không nện tôi về tội cái khúc văn chương đột biến về ngài tổng trưởng Ngàn Rươi, mà ngược lại đã có nhận xét về nó, tôi nói là khi viết tôi không có ý làm cho ai khóc,
ôi văn chương nó chỉ là chút khói sương phủ lên cây cỏ mà cả đời một người viết mong mỏi,
ông Khuê bảo tôi thế, rồi bắt đầu nói về cái thứ khói sương ấy là nó có dính dáng chi với lịch sử loài người hay không,
***
đất Cổ Cồn vẫn nghìn năm nghe sóng vỗ, biển và đất, hình hài ấy là hệ quả của những trôi nổi lãng tử và liều lĩnh của mảnh giang sơn cổ kính Pangea trong biển cổ kính Panthalassa, nhưng cuộc trôi là cuộc sinh ra, Loraxia rồi Gonvana, rồi những lục địa Á, Âu, Phi, Mỹ… không ngờ xứ sở tôi lại định vị bên sóng nước mênh mông, biển là cuộc hành trình không bao giờ hết [rồi ra chúng ta cũng chỉ đi lòng vòng ở trên biển bỡi biển là cái áo khoác thênh thang của hành tinh yêu quí của chúng ta] từ Phù Nễ, Mân, Bù Địch mà nhìn thì Cổ Cồn, cái rìa đất phía nam xứ sở tôi, như thể một cô gái [hay một ông lão nhỉ] đang đứng nhìn trời biển và kêu lên: sao lại rộng lớn thế, và lũ chim yến vốn có nhà cửa nơi ghềnh đá phía đông lập tức bày tỏ sự đồng tình của mình bằng cách bay lên bầu trời Cổ Cồn để kêu lên uyết…uyết, thực ra thì thứ âm vang ấy chỉ là một cách nối tiếp thứ âm vang cất lên tự buổi nguyên sơ, và thật ra thứ âm vang cất lên tự buổi nguyên sơ là giọng nói của các vị thần, hiến chương cổ nhất qui định sự dịch chuyển của vạn hữu, sự biến dịch của vạn hữu, như thể là cách để luôn làm mới muôn loài, em/đi giữa mù sương/ con cò con vạc làm em lạc lối/ những ngõ ngách/ tiếng kêu khóc của lũ dế/ những lời dọa dẫm của lũ quỉ dữ/ đất quê cứ như cái lò cừ nung nấu em/ rồi cuối cùng em cũng quay về / để cùng anh ra đồng làng…tỉ dụ thế, một cuộc dịch chuyển để làm mới một cuộc tình, có một người nhảy vào cuộc biến dịch, leo lên ngọn núi đá, nói, đây là quê hương của ta, tương truyền, sau khi tuyên bố với đất trời thế, ông Rạc lên ngôi vua, bấy giờ, thần dân của vua Rạc là đám đá cuội đã được sóng biển bào mòn nằm hàng hàng lớp lớp trong các gành đá [ở đây vẫn còn những sương trời với gió biển cho em/một đời lận đận/ em/ gấm vóc phù hoa thiên niên kỷ…giả như ông Rạc mà có tâm hồn thơ thì sẽ nói với đám đá cuội như thế] cá tôm thì lấy ngoài biển, rau rác lấy trên dãy núi đá nằm ở phía đông mảnh đất hoang hóa nằm sát biển ấy, nhưng vua thì buồn, bèn lại trèo lên ngọn núi đá, hú gọi, hãy đến đây ta sẽ chia cho những gì ta có, lời của vua, lũ chim yến gồng gánh nhau đến làm tổ nơi gành đá, con người cũng bắt chước lũ chim, gồng gánh nhau đến làm nhà ở trên mảnh đất hoang hóa ấy, đây là đất Cổ Cồn, chẳng hiểu sao, một hôm, vua Rạc lại tuyên bố thế, hay trong một giấc mơ nào đó vua đã nhìn thấy tên gọi của đất đai, ở Cổ Cồn, cả con người cả lũ chim yến cứ tiếp tục sinh con đẻ cháu để có chuyện cho người đời sau nói, tương truyền, rằng, đất Cổ Cồn có lúc gọi là bản, có lúc gọi là làng, thời người Cổ Cồn thờ đủ các thứ thần linh thì gọi là làng, là bản, đùng cái, đám người ở phía mặt trời lặn, tức đám người Pháp thực dân, đem máy dệt vải, máy chế biến rượu, chế biến bánh kẹo với đám thợ lành nghề đến mở tiệm hành nghề ở đất Cổ Cồn, đo đạc hết, đo chiều dài bờ biển phía nam, đo đo độ cao của gành Rạc, bấy giờ cái gành đá ở phía đông mang tên vua Rạc, đo độ tuổi của dãy núi Bà Hòa ở phía tây, và đo diện tích ruộng đất ở cái đồng bằng hẹp như lòng bàn tay ở phía bắc, đồng làng Chảy, đấy gọi là những việc làm của nhà nước bảo hộ Pháp, rồi có chỉ dụ của vua, rằng, kể từ nay, làng Cổ Cồn gọi là thị tứ Cổ Cồn, trường làng Cổ Cồn gọi là trưởng thị tứ Cổ Cồn, ông Khâu, bấy giờ là đương kiêm trưởng làng Cổ Cồn, nhận được chỉ dụ của vua mừng quá, chỉ hôm sau thì mất,
***
rồi mảnh đất trời ban ấy cứ vậy mà trôi theo thứ giấc mộng trùng điệp những cảnh trí cao thấp chật rộng sang hèn, và lỉnh khỉnh những kiểu thức triều đại, lỉnh khỉnh những luận thuyết chủ thuyết của trần gian, chỉ mỗi chuyện con đường tàu hỏa chạy vào Cổ Cồn cũng đủ làm rối bời sử sách, nó là thứ biến cố chưa hề xảy ra ở xứ sở tôi, các thứ máy móc làm ra rượu bia làm ra xà phòng bánh kẹo thì thấy rồi, cái đèn thắp chúc ngọn thì thấy rồi, cái xe đạp hai bánh cũng thấy rồi, nhưng chỉ mới nghe đồn thôi, rằng, nhà nước bảo hộ Pháp sẽ đắp một con đường bằng sắt chạy khắp đất nước ta và sẽ rẻ vô đất Cổ Cồn, thì ai nấy đều ố lên cho là chuyện ma mị, đường cho con người ta đi là bằng đất, ai đời lại bằng sắt [vậy mà đã có thơ rằng/ đã đến buổi đất trời giông gió/ vượn bồng con xuống biển làm nhà/ thơ ca dân gian sưu tập trong Lược Thảo Những Vòm Cỏ May của ông nghè Khuê] và, người thì đứng chật hai bên con đường sắt, lính tuần cảnh sấn vào giữa đám đông, tránh cho xa ra không thì nó nuốt mất các người đó, bọn họ la hét, thì mấy thằng cha tuần cảnh cũng như mình thôi, chỉ nghe, đâu đã nhìn thấy, người ở Phù Nễ, người ở Bù Địch ta, cả ở trên đất Mân cũng kéo xuống, rồi từ đằng xa lồ lộ hiện ra một con vật to lớn, nó vừa chạy vừa hú, hú chứ không phải la hét như mấy ông tuần cảnh, con vật còn ở đằng xa , nhưng nghe nó hú lên thế người xem dạt ra như thể là bị nó hất ra vậy, khi ngang qua chỗ bọn ta đứng thì đi chậm lại, thôi hú, thì ra là một cái xe dài gòm nhiều cái xe ngắn nối lại theo cái kiểu nối đuôi nhau, một cái xe thật là dài vừa chạy vừa hú lên vừa nhả lửa xuống con đường bằng sắt, thì ra người ta làm con đường bằng sắt là để cho cái xe ấy đi chứ không phải để cho con người đi…cha tôi, hồi ấy, đã tả cho tôi nghe cái cảnh người khắp nơi kéo về nơi gọi là ga Cổ Cồn, là chỗ cho tàu hỏa đỗ lại, tôi đã cố gắng ghi lại đúng ngôn ngữ của cha tôi, tuy ngắn gọn, nhưng theo tôi là cha tôi đã tả được cái cách tiếp nhận nền văn minh nhân loại của những con người một nước nghèo nàn lạc hậu, cha tôi chỉ thấy sao nói vậy, nhưng đấy là một nỗi buồn, những người đi chân đất cứ há mòm ra chen nhau ở hai bên con đường sắt mà chờ, nỗi ngạc nhiên như thứ vết thương tấy máu của dân tộc tôi cứ còn mãi trong cuộc sống cho đến khi tôi lớn thêm một chút, tức không còn học ở trường làng, mà học trường huyện, học trò trường huyện bọn tôi kéo nhau đi xem tàu hỏa, người ta bảo tới giờ đó thì tàu hỏa ngang qua đó, chỗ tàu hỏa sẽ ngang qua là khu giáp ranh giữa làng Bù Địch tôi và đất Mân, cái con đường sắt nó thọc ngang hông xứ sở tôi vậy đó, tháng bảy, hoa bìm đất nở trắng xóa ở hai bên lề con đường sắt, chỉ ngó mặt trời thôi, buổi đó có thằng học trò trường huyện nào là có đồng hồ đeo tay đâu, người ta bảo khi mặt trời sắp đứng bóng thì tàu hỏa ngang qua đó, tan học buổi sáng thì bọn tôi kéo đến đó, mặt trời cũng gần đứng bóng, bọn tôi chẳng đứa nào dám rời con đường sắt, con tàu sẽ vụt qua đây, và mất hút sau đấy, chúng tôi đang chờ cái vút qua đấy, hết thảy cứ đứng há mòm ra mà chờ, cái tâm trạng muốn nhìn thấy một sự vật mà mình rất muốn nhìn thấy nó làm cho bọn tôi cứ đứng há mòm ra chờ vậy đấy, rồi tàu hỏa cũng đã đến, đã nghe thấy tiếng còi hụ từ xa, buồn, và xa vắng tựa như có người thân vừa đi đâu đó thật xa, quả tình cái con vật bằng sắt của nên văn minh nhân loại bấy giờ đã làm cho bọn tôi phục sát đất, đúng ra phải nói là một con rắn bằng sắt đang bò đi trên con đường sắt [tôi cứ thích cái từ đường sắt hơn là đường ray] con rắn bằng sắt cứ bò đi trên con đường sắt, vừa bò đi, vừa nhả lửa xuống đường, ngang nhiên, tự tại, cái cách vừa đi vừa nhả lửa xuống thế gian như thể là nó chẳng sợ ai, còn đám học trò bọn tôi thì chẳng có đứa nào dám mở miệng nói ra một lời bình luận nào đó [chẳng hạn, ô, lạ quá, hay, ồ, tài tình quá…] đứa nào cũng cứ đứng há mòm ra mà nhìn, dường như đứa nào cũng sợ cái con vật lạ lẫm ấy đi mất, mấy nghìn năm đất nước tôi bao nhiêu nỗi ngạc nhiên,
***
hay là cái thế giới chúng ta chưa hiểu hết này chỉ là được làm ra [tạo tác] một cách vội vã từ khoảnh đất trời mênh mông vô thiên lũng, vũ trụ, thật ra chúng ta cũng chỉ mới biết một ít về cái khoảnh vô thiên lũng đó, cái thế giới chúng ta đang hiểu chưa hết này cũng chỉ là một thứ hạt bụi vô cùng nhỏ nhoi của khoảnh trời vô thiên lũng đó, còn lại là mù tăm, có thể mãi mãi là mù tăm, các ông nhà khoa học có cái cách nói rất hay, rằng, đấy là cái hố đen, ôi, thăm thẳm những đất trời [lại có thơ rằng/ anh về Bồ Địch Hố Đen/mê con chim nhạn luông tuồng bỏ em/thơ dân gian trong Lược Thảo Những Vòm Cỏ May của ông nghè Khuê] con chim nhạn là con chim gì, tôi không biết, nhưng, có lẽ, chẳng phải là là mê con chim nhạn mà quên người tình của mình, mà là do ngạc nhiên trước cái thăm thẳm mù tăm, đêm, nhìn lên bầu trời sao trên đầu, đôi khi ta cứ thấy hoảng lên, rằng, bên ngoài cái thế giới ta chưa biết hết này là chằng chịt ngổn ngang khôn xiết những tồn sinh, không phải ba nghìn thế giới mà muôn nghìn nghìn thế giới, có thể có ai đó đứng ở ngoài đó, giữa cái chằng chịt miên trường ấy, thở dài, cuộc sầu muộn vĩ đại liên lĩ giữa những tồn sinh, bỡi, ở đó mà nhìn về chốn trần gian con người ai cũng phải kêu lên sao trần gian lại có những ông vua như thế, giữa buổi văn minh, con người gần như thần thánh, vua lại đi lùa dân mình vào trại tập trung để tẩy ruột tẩy não cho giống với mẫu người vua muốn, cái thế giới chúng biết chưa hết này là được làm ra một cách không đồng đều từ cái khoảnh trời vô thiên lũng đó, đất chỗ lồi chỗ lõm, triều đại cái trắng cái đen, nhận thức thì có người có thể hiểu đến cả việc trời có chân hay không có chân, có người không biết là có hiểu thật hay không lại đi nói về sự hiểu biết của con người, thứ phạm trù nhiêu khê rắc rối, nói, và viết thành hằng đống sách vở , nhận thức thì có người tự nhận thấy mình là có thể cầm đầu thiên hạ [bầy đàn] bao nhiêu cái cách cầm đầu thiên hạ đã diễn ra trong dòng chảy lịch sử, cái dòng chảy ấy là gòm có những luật lệ theo kiểu không cho nói năng gì cả rồi thả cho bước đi trong lịch sử, là gòm có xi măng sắt thép thứ vật liệu làm ra những nhà tù kiên cố cho những kẻ không biết bước đi trong lịch sử, vào một chiều tắt nắng nào đó, khi lịch sử có vẻ rảnh tay, có người ngồi xuống đường, xem thử, thấy bàn chân mình đang thối rữa, sắp tới là cuộc hành trình thối rữa, và có người cứ ngạc nhiên hoài bỡi cứ thấy mình đi hoài giữa cái thế giới con người vẫn cứ dối trá nhau, thù địch nhau,
***
và bây giờ là thằng Hích với làng Bù Địch của tôi, where do you come from [bạn từ đâu đến vậy], có người khách lạ đến chơi làng Bù Địch tôi, thấy thằng Hích là con lai Mỹ nên hỏi vui vậy, thằng Hích nói với khách rằng nó là người Bù Địch nên không biết tiếng nước ngoài, chuyện thằng Hích không biết tiếng Anh Mỹ là tiếng của người cha người Mỹ của nó thì cả làng Bù Địch ai cũng biết, chị Tám Thơm cũng không biết tiếng Anh Mỹ, cuộc tình của chị với người lính công binh Mỹ cứ như cổ tích, anh lính công binh Mỹ đến nhà chị đến lần thứ ba thì ra hiệu bằng tay là anh yêu chị, thứ ký hiệu thời loài người chưa có ngôn ngữ, cả cái đêm làm tình để làm ra thằng Hích hai người cũng nói với nhau bằng ký hiệu, thằng Hích là thành quả của một cuộc tình bằng ký hiệu, một thứ của quí trong lịch sử tình yêu, ở làng Bù Địch tôi có những chi tiết ngoại lệ như thế nhân loại không hiểu hết đâu, cũng như làm sao hiểu chuyện thằng Hích đã sang tới nước Mỹ là thiên đường nơi mặt đất như nhiều người nghĩ lại bỏ về lại cái đất quê cằn cỗi con ong đi lấy mật cho con cũng khó khăn, con trâu con bò muốn có một bữa cỏ cho ngon lành cũng khó khăn, cháu thấy cái gì cũng to lớn hết, con đường cũng to lớn, cái nhà cũng to lớn, nhưng đi một hồi thấy cái gì cũng lạ hết, cứ thấy buồn nhớ cái hàng rào dúi làng mình mùa nắng ra bông trắng xóa, chú à, thằng Hích, lúc chôn cất mẹ xong quay về làng Bù Địch tôi, đã nói với anh Bốn Nĩnh vậy đó, nhà anh Bốn Nĩnh sát nhà chị Tám Thơm, lúc đi Mỹ, chị Tám Thơm đã gửi chìa khóa cho anh Bốn Nĩnh để nhờ anh chăm sóc nhà cửa giúp chị, tôi biết thằng Hích mới chỉ được tính là một đơn vị người ở làng tôi, được công nhận là một nhân khẩu [miệng ăn] ở làng Bù Địch, nhưng làm sao để thằng Hích đúng là người Bù Địch tôi thì đấy là chuyện lâu dài, Nước Mỹ lớn thế nhưng không có chuyện cháu ngừng bò cày, hú một tiếng, là lũ thằng Tình thằng Tiến chạy tới, xúm nhau hút điếu thuốc thì thấy khỏe ra, chú à, thằng Hích nói với tôi thế, tôi thì làm công việc viết lách, thằng Hích thì đi cày ruộng, nhưng khi trò chuyện với nó tôi cứ thấy như đang nhìn thấy một thứ quá khứ vừa lộng lẫy tân kỳ vừa hư nứt lầm than sao đó, là tôi cũng chỉ có thứ cảm thức sai lệch vậy thôi, chị Tám Thơm lúc rời quê hương ra đi chị đã xây được nhà, tậu được ruộng, giờ thằng Hích là chủ ngôi nhà với mấy khoảnh ruộng trên đồng làng, thằng Hích mười bảy tuổi một mình một ngựa xông vào cái cõi trần gian mà mẹ nó sợ hãi đã bỏ ra đi, sợ hãi hay tức giận nhỉ, tôi không biết, chỉ biết, giờ đây, thằng Hích mười bảy tuổi đang sửa sang lại cái cõi trần ấy, đang tìm cách trả lại hồn phách cho chốn quê hương mà mẹ nó đã làm mất đi, cái cách của nó là ngừng bò cày lại, hú lên một tiếng, để lũ bạn cày của nó chạy đến, hút một lượt năm bảy điếu thuốc thì thấy cuộc đời đẹp hơn, cái cách của nó là đêm nằm trong căn nhà trống trải thấy nhớ vô cùng người mẹ tảo tần của nó, thấy nhớ vô cùng người cha người Mỹ mà nó chưa hề biết mặt biết tên, đến chỗ đó thì chảy nước mắt ra, trăn qua trở lại chỉ thấy mỗi mình nó, cứ trông cho mau sáng để ra đồng làng, ra đồng làng thì nó thấy mọi chuyện đều thông suốt, và vào một chiều thu buồn bã, thằng Hích vác cây cày rẽ vào ngõ nhà tôi, thường sau các buổi cày chiều của thằng Hích, chú cháu tôi thường gặp nhau như thế, lần này thì thằng Hích nói về cuộc tình của nó,
cứ thấy chuyện ấy như thể là chuyện đang bay ở trên trời vậy chú à,
thằng Hích nói,
phải rồi, tình yêu là chuyện của tiên trên trời, lúc yêu nhau chúng ta là thần tiên cháu à,
tôi nói,
nghe chú nói cháu thấy nó giống y chang vậy, chú à,
thằng Hích nói,
phải rồi, là y chang vậy,
tôi nói,
nó nói là nó muốn cháu hôn lên tóc nó, chú à,
thằng Hích nói,
con Mến nó muốn thế là đúng theo luật lệ đó cháu,
tôi nói,
cháu biết rồi, yêu nhau là phải tuân theo luật lệ phải không chú,
thằng Hích nói,
ở làng Bù Địch tôi đang diễn ra một cuộc tình quá lớn, tôi như bất lực để diễn tả, thằng Hích ở Mỹ về lại Bù Địch hôm trước, thì hôm sau nó với con Mến, con gái đầu lòng của anh Bốn Nĩnh, đã làm nổ ra một cuộc tình,
***
còn tôi thì muốn nghe tiếng thì thầm của tổ quốc tôi, hay đấy là tiếng nắng chiều đang đổ xuống trên sân, cuộc va chạm giữa những nổ lực của những hiện hữu để tự thể hiện mình, tiếng lũ cu gù tình trên bờ tre trước ngõ hay ngọn gió thoảng sau hè cứ tưởng mình mãi mãi là thế, ngày đang vỡ ra thành đêm, và mặt đất thì sắp sửa đón nhận những bước chân âm ỉ tham vọng của con sóc ăn đêm hay của lũ trộm chuyên nghiệp của thế kỷ, chiều là thứ thời khắc dễ dẫn con người ta đến những bến bờ ảo mộng, một chút nghĩ ngợi viễn vông, hay cả một dự án không bờ bến, trong thứ màu tăm tối sắp sửa xảy ra đó là sẽ nảy ra bao nhiêu nỗi niềm về cuộc sống, hay tiếng thì thầm của tổ quốc tôi đã đọng lại đâu đó nơi ngôi làng thân yêu của tôi, bí ẩn, cổ kính, và sang trọng, những tiếng cười của trẻ thơ không phải là sang trọng hay sao, từ đó là niềm vui lan tỏa, những bông hoa nở nơi đầu hè, tháng năm làng tôi nức mùi hoa đình tử, nhưng không phải ai cũng có thể hiêu được vì sao hoa đình tử chỉ nở vào tháng năm, tháng năm còn có lũ chim trộm thóc, cả cánh đồng lúa tháng năm trên đồng làng tôi đặc cả lũ chim trộm thóc, những thứ đã làm nên tiếng thì thầm của tổ quốc tôi vẫn cứ là niềm bí ẩn cổ kính, tháng giêng thử sờ lên ngọn gió nồm thổi về từ phía vịnh biển, cứ thấy như thể hết thảy những gì thuộc về cổ kính là đang dịch chuyển trong thứ thời gian như thể đang nghe được hương thơm của nó,
***
và cứ thế, những khái niệm về tổ quốc tôi cứ lan đi, có cả trong giấc ngủ của con chim ấp muỗi ngoài bờ rào nhà tôi, nửa khuya, con chim nhìn thấy đàn con mình nhẩn nha giữa một cõi rộng lớn chỉ gòm toàn những khái niệm cao sang, con chim giật mình thức giấc [đó là tiếng cựa mình của chim ấp muỗi thường nghe thấy ngoài bờ rào nhà tôi] tổ quốc tôi là những khái niệm cao sang, có cả trong tiếng chim kêu buổi sáng, có cả trong tiếng thở của cây lá trong vườn, có cả trong cái náp cày bằng gốc tre già của cha tôi, nếu cha tôi là một nhà tư tưởng, cứ giả dụ thế, thì cái đỉnh cao của hệ thống tư tưởng của ông là nằm trong quá trình hình thành cái náp cày bằng gốc tre già, một thứ công cụ thuộc lĩnh vực nông nghiệp, và nếu nhìn theo khía cạnh triết học thì cái náp cày của cha tôi là một trong những công cụ làm thay đổi thế giới, tuổi thơ tôi là những nỗi ngạc nhiên và vui sướng trải dài theo công cuộc đẽo náp cày của cha tôi, những cái gốc tre già cứ theo tiếng gọi của cha tôi, tiếng gọi hay là mong mỏi của một ông già nhà quê cứ muốn vạn vật biến hóa đi cho gần với cuộc sống con người, người ta gọi là cái náp cày, nhưng thật ra nó phải là cái gì đó [biết nói thế nào nhỉ] còn cao hơn là cái náp cày, cứ vào các buổi trưa hè, làng Bồ Địch tôi lại nghe vang lên tiếng cưa, tiếng đục, có vẻ vội vã và quyết liệt, có ai đó đang làm lại thế giới chăng, không phải, chỉ là việc cha tôi đang tạo ra những cái náp cày bằng tre, dưới bóng mấy cây ăn trái sau nhà, có một người, phải gọi cha tôi là gì nhỉ, thợ mộc, không phải, cha tôi không phải là thợ mộc, buổi trưa, tôi mãi mê ngồi nhìn cha tôi đục, cưa, trong tâm trạng của một nhân vật trong truyện cổ tích, hai mắt tôi thì dán vào tiếng cưa tiếng đục của cha tôi nhưng trí não thì bị thứ âm vang loạn xà ngầu chết tiệt của buổi trưa hè lôi tôi đi thật xa, đám tre già nơi bờ tre liên tục cọ nhau, kẽo cà kẽo kẹt, lũ chim rình gà con cãi vã nhau om sồm nơi các bụi rậm và cho đến bọn ve sầu cũng chẳng chịu để cho một buồi trưa hè yên ổn, thứ âm vang hỗn loạn ấy đã kéo tôi đến tận những chuyện thần tiên nghe mẹ kể tự buổi ấu thơ, rồi đùng cái, một con chim gỗ hình dáng lạ lùng hiện ra nơi bàn tay cha tôi, cái náp cày là con chim gỗ sắp bay vào cuộc sống con người, từ đây, cái gốc tre già nơi bờ tre đã trở thành thứ vật thể tham dự vào công cuộc khai phá thế giới, cái náp cày, tôi muốn vinh danh cái náp cày của cha tôi bằng một tên gọi nào đó nhưng tôi không làm được, chữ nghĩa của tôi không vẽ nổi một cái náp cày, nó, cái náp cày ấy khi lắp vào cây cày gỗ thì giống như cái then máy trong hệ thống dây chuyền lật đất [cày là lật đất lên, là một cách thức trò chuyện để hiểu hơn về thế giới …] cái náp cày của cha tôi sẽ giữ phần quan trọng là cày sâu cày cạn, đây là chuyện thuộc văn minh lúa nước, chuyện tự thời cách mạng đá cũ đá mới, chuyện đã cũ, nhưng cái náp cày của cha cứ như một thứ hơi ấm của tổ quốc tôi,
***
tôi đi chôn bản thảo tôi viết về một cái chết vào một chiều mùa đông, cái chết của ngài thị trưởng Cổ Cồn, theo tôi, cái chết của ông Ôn, thị trưởng Cổ Cồn, như thể một sự tự thức, và có vẻ như một tuyên ngôn: hết thảy những kẻ bấy lâu nay vẫn nuôi ảo tưởng rằng mình là kẻ hiền minh có thể dẫn dắt đất nước phải chết, tôi viết, và liền quyết định hủy đi, bỡi tôi cứ nghĩ rằng bạn đọc đời nay sẽ không tin những thứ sự thật như vậy,
ông Ôn bước đi trên con đường quan mới đắp, con đường sang trọng và huy hoàng đến độ ông cứ nghĩ mình không phải là tác giả của nó, biển chiều có vẻ buồn, tiếng sóng biển cứ dội vào nghĩ ngợi của ông như thể một thứ thúc bách vô tình nào đó chẳng hiểu sao vào lúc ông đang cảm thấy rối ren trong nhận thức lại xảy đến với ông, chính là sau cái buổi sáng mùa đông ấy, cái buổi sáng người chị ruột thịt của ông đã đạp xe từ làng Chảy, nơi ông sinh ra, giờ là phường Chảy thuộc thị xã Cổ Cồn, đến tư dinh ông để gặp ông, sau cuộc chuyện trò này, ông cứ thấy mình đang sống trong một sự thúc bách náo đó…cậu là quan đứng đầu thị xã, cậu phải chịu trách nhiệm về những lời tuyên bố của cậu vào cái hôm xe cộ của cậu rầm rộ tiến vào cái làng quê nơi đã sinh ra cậu, tôi sẽ chết thảm thương nếu tôi không làm cho làng Chảy quê tôi trở nên giàu mạnh, cậu có còn nhớ là cậu đã tuyên bố như thế hay không, nhưng giờ thì dân làng Chảy của cậu nhà nào cũng chỉ còn có mỗi khu vườn nhà ở của mình, bỡi cậu đã bán hết đất đồng làng Chảy cho bọn nhà giàu của nước ngoài, cậu là quan đứng đầu thị xã, cậu có còn nhớ là cậu tuyên bố trước dân làng Chảy của cậu đến năm tháng đó thì Cổ Cồn là thành phố công nghiệp hiện đại, bình quân thu nhập đầu người phải tính bằng đô là, nhưng cậu biết không, giờ thì đám dân làng của cậu là những cu li lương rẻ mạt của cái nhà máy nghiền phế liệu của bọn nhà giàu nước ngoài ấy, nghĩ đến đây, ông Ôn như không còn bước nổi nữa, ông ngồi thụp xuống vệ đường, trời đã sắp tối, biển có vẻ buồn bã hơn, buổi chiều ở tòa thị chính ông Ôn cảm thấy đầu óc căng thẳng, quyết định đi tản bộ trên con đường sát biển lúc nào cũng diệu mát ấy, từ cái mảnh đất nhỏ bé làng Chảy ông hăm hở bước vào chính trường, từ chức trưởng làng ông đã dần leo lên tới thị trưởng thị xã, cái phương lược trị nước ông vẽ ra từ hôm ông vừa nhậm chức thị trưởng thị xã là toàn bộ tâm huyết của ông, đến tháng năm đó thì Cổ Cồn của ông là một thành phố hiện đại, nghĩ đến chỗ này ông cứ thấy thấp thoáng hình bóng các vị tiền nhiệm của ông, những người có công biến cái thị tứ nhỏ bé thời nhà nước bảo hộ Pháp thành miền cư trú có cả những người thợ làm ra vải làm ra xà phòng, có cả những người làm ra tôm cá và làm ra lúa gạo, cậu phải làm cho Cổ Cồn giàu có đó, ông như nghe thấy lời của bậc tiền nhiệm của ông, nhưng đồng thời ông cũng nghe thấy người chị ruột thịt của ông hối thúc, cậu phải về làng Chảy đất quê của cậu để coi những người làng của cậu đang rên xiết dưới sự áp bức của đám nhà giàu nước ngoài ấy, trời đất ơi, ông không ngờ chuyện đầu tư nước ngoài lại dẫn đến thảm cảnh đó, chính là những người đi đường đã mang ngài thị trưởng đang nằm bất tỉnh trên đường vào bệnh viện, sau khi được cấp cứu, tỉnh lại, ông Ôn đã kể cho các thầy thuốc bệnh viện nghe hết các thứ, ông đã nghĩ ngợi về những gì, và đã nhìn thấy những gì lúc bất tỉnh, thầy thuốc bệnh viện chẩn đoán do ông làm việc quá sức gây ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh phải nằm lại viện để điều trị, nhưng ông Ôn bảo là ông vẫn khỏe, không phải nằm viện, bà Ôn vốn hiền lành chất phác, khi nghe ông Ôn bảo là ông đã nằm mơ thấy những vị tiền nhiệm của mình, thì có vẻ hoảng lắm. mơ như vậy là điềm dữ đấy, nghe bà Ôn nói, ông chỉ im, có người đánh cá đêm nhà sát bên, nghe ông Ôn đau, sang thăm, ông Ôn hỏi anh ta đã bao giờ nói dối với ai chưa, nghe hỏi, người đánh cá đêm hoảng lắm,
dạ thưa chưa, nhưng mẹ cháu bảo nói dối thì trời không dung tha
người đánh cá đêm nói,
ta biết,
ông Ôn nói,
chỉ mấy hôm sau thì ông mất, hôm ông Ôn mất trời mưa gió lớn lắm, người ta lại rỉ tai nhau, rằng, trời đất cảm động vì triều đình đã mất đi một vị quan to,
***
vậy thì tôi là ai, phải có trong tay những gì, một ngọn dáo, hay chỉ một ngọn bút, để viết về cái thế giới chưa hiểu hết này, có con chim rừng nào đó vừa tạt qua ký ức, tôi lại thấy lại rừng, con ốc đá bò lên bờ suối có vẻ như để coi thử có phải đã đến lúc đứng lên để ca bài nguyệt tận hay chưa, đúng ra không phải bài ca mà là tiếng thét hờn căm/vì sao cả đời ta cứ là con ốc đá/bầu trời cứ như những mảnh hồn rách nát tuông qua những kẽ cây lá trên rừng…tôi nghe, và cứ thấy hứng thú [hay gắn hứng thú nhỉ] để chép tiếp bài nguyệt tận của con ốc ngu ngốc/ dường có tiếng kêu cứu của ai đó đang bị kẹt giữa những thế kỷ tro than/ai/ có phải đó là kẻ đã bị gọt hết tai mắt mũi hôm nào/ chỉ những con ốc đá ngu ngốc mới không biết đây là thế kỷ tro than,
***
nhưng đất Mân không phải nơi chốn cho những tổn thất, mà cho sinh ra, cứ mỗi thế người ở đây nằm xuống thì đất đai lại rộng thêm ra [theo sách Ký Thác, cuốn dư địa chí duy nhất về đất Mân] hình ảnh con chim phua trong điệu nhảy man ta của người Mân tiền sử cứ làm cho tôi thấy choáng
váng lúc xuống ngựa ở đầu con đường vào làng, lần này tôi cũng đi ngựa, nhưng không phải cho việc tìm kiếm tung tích người tình bí mật của thằng Tích, thằng bạn nối khố của tôi, em là con chim phua chạm vào giọt nắng/ chảy xuống những lời tình tứ…những thứ như thế trong sách Ký Thác từ lâu đã mê hoặc tôi, trước khi đi đất Mân lần này thì các vị thần sông Rua đã quấy nhiễu giấc mơ của tôi [sông Rua, theo sách Ký Thác, là chảy từ một góc trời tây nam] bọn họ đặt điều nói dối với tôi, rằng, người tình cũ của tôi đang chờ tôi ở đó, thật ra thì tôi chẳng có người tình nào hết, rồi tôi cũng đã nghe được tiếng khèn chảy ra từ một ngôi nhá đất, đấy là thật, chứ không phải trong mơ,
bạn từ phía đông đến nên hãy ngồi ở phía bên phải ta,
ông cụ chơi khèn, ngưng lại, nói,
nghe như thể là tiếng nứt vỡ của đá vậy, tôi nói, và ngồi vào phía bên phải ông cụ như tập tục nghe khèn của người đất Mân,
phải rồi, bỡi tổ tiên ta là những đi mở đất,
ông cụ lại ngưng lại, nói, rồi tiếp tục chơi khèn, uống cho say đi anh/ để cho em/ con chim phua đất Mân/ được ngồi vào lòng anh/ con chim phua có bầu ngực tròn như nắng mùa thu… không hiểu sao tôi cứ ngồi ngẩn người ra và dịch tiếng khèn của ông cụ thành những câu thơ tình ái, chợt cảm thấy sợ, thử nhắm mắt, nghe khèn, và những ý tưởng ấy lại hiện ra trong tâm trí tôi: con người thì cứ chậm rãi bước đi trong thứ thời gian màu tro than, vừa bước đi vừa lật đất lên, lịch sử là một bài ca màu tro than, tự dưng tôi lại đi định nghĩa lịch sử đất Mân như vậy, rồi các cô gái làm cỏ lúa trên nương lại trêu chọc tôi bằng những câu hát đã cũ, chàng và nàng, cái kiểu khách/chủ cứ đọng lại trong các thứ đại từ rộng lớn, mơ hồ: chàng uống xong ly rượu hoa biền thì nằm xuống chết, hết thảy các công việc cày cấy, dệt vải, thêu thùa đều ngưng lại hết, bầu trời thì buồn, nhưng chàng phải chết như thế mới có thể gọi nàng quay về nơi chôn nhau cắt rốn của mình…tôi chợt nhớ đến đọan văn cầu hồn trong sách Ký Thác, một cuộc kêu gọi trở về với tổ quốc như thể một nghiên cứu nhân chủng học, hay đất Mân là lịch sử của những cuộc gọi về, sao chàng cứ đứng đó, còn con ngựa nòi phương đông thì cứ rảy đuôi…đấy là ứng khẩu hát của các cô gái đang làm cỏ lúa trên nương, tôi phải lấy hết can đãm để xông vào cuộc, nắng mai trên nương rẫy đẹp lạ lùng, cứ như những dãi lụa vàng óng ve vẩy những ngọn lúa, em là mặt trời che khuất mất tôi… tôi cũng ứng khẩu hát với các cô gái trên nương, rồi dắt ngựa đi dọc theo nường rẫy, chàng đi đâu đó, hay lại muốn sang nước Thủy tề… các cô gái trên nương lại trêu chọc tôi, nhưng nước Thủy Tề là ở đâu, tôi chỉ cười thầm, rồi dắt ngựa đi dọc theo cái bờ đá nằm dọc theo nương rẫy, núi Mài từ hoành sơn phía nam một mình thọc ngang qua đất Mân, đi tới đâu rải đá tới đó, người Mân tiền sử chỉ mặc khố và để mình trần, đầu trần chân trần đi lật đá lên, xong, lại lật đất lên, vừa lật đất lên vừa nói với mặt trời, rằng, con người không phải là sắt đá, nắng lâu sẽ mục, nghe nói, mặt trời mủi lòng đi đến quyết định một mùa nắng một mùa nghỉ [trích sách Ký Thác] thì ra các thế hệ người đất Mân tiếp nối nhau làm công việc vẹt đá núi sang bên để có nương rẫy trồng lúa, cái bờ đá dọc theo nương rẫy ấy như thể sự thách thức của con người đối với tự nhiên, nhưng những người đất Mân tiền sử đâu biết về sau con cháu họ lại đứntg vào cuộc phố phường đông vui, chẳng ai tin cái mảnh đất sỏi đá đầy máu và nước mắt con người ấy giờ lại thuộc chốn phố phường, lạ lắm, cái đất Mân toàn nương rẫy đó giờ gọi là phường Mân thuộc thị xã Cổ Cồn,
***
còn thằng Tích, thằng bạn nối khố của tôi, thì đã chết trong thứ đường biên ẩn ức, có nghĩa là sự đọng lại chính nó [ cái có với cái chuyển động là một/hữu thể là thời gian…] và tôi, trong một giấc mơ giữa ban ngày, tôi đã được thằng Tích đưa đi xem nơi ở mới của nó, cái mới chính là cái cũ được nhìn theo một cách khác,
thằng Tích nói, và đẩy thuyền đi, chúng tôi đi thuyền trên sông Mê, con sông người ta vẫn đồn đại là đường biên giữa sống và chết, cũng hữu tình theo một cách khác, con nước đen ngòm lấp lánh những hình ảnh cổ sơ, dường hết thảy những gì ngã bóng lên con nước ấy đều thành ra thế, một sự biến dạng không nằm trong danh mục cảnh trí trần gian, tôi cứ khựng lại giữa một đất trời khác biệt,
đã rong chơi thì đửng nghĩ ngợi gì cả,
thấy tôi im lặng, thằng Tích nói,
nhưng là sông có vẻ ô nhiễm thế nào ấy,
tôi nói, khi mùi xác chết cứ từng lúc hắt vào mũi tôi,
trước, xác của tội nhân thì thả trôi sông Mê, nhưng nay thì khác,
thằng Tích nói,
khác thế nào,
tôi nói,
chốc nữa mày sẽ hiểu,
thằng Tích nói,
chúng tôi tấp thuyền vào bờ, có phải đã thực sự bước lên cõi chết chưa, tôi không biết, nhưng tôi cứ thấy người nhẹ hẳn đi, từ phút bước lên bờ sông tôi cứ thấy mình bồng bềnh thế nào ấy, là chúng tôi đang bước đi trên con đường đắp bằng thứ vật liệu phải nói là phải đến khi chết tôi mới diễn tả được
đây là Ngôi Nhà Cuối Cùng,
thằng Tích giới thiệu khi chúng tôi đứng trước một công trình kiến trúc vừa to lớn vừa kỳ dị, cứ như một nấm mồ vĩ đại ai đó đem đặt giữa chốn hiểm nguy, tôi nói hiểm nguy, bỡi, muốn đến đó chúng tôi phải bước đi trên con đường mềm, và luôn trong trạng thái co giật, như thể đang bước ở trên mây, chỉ quên cái cảnh trí ấy một chút là lập tức ngã xuống các hố thẳm, cũng đang trong trạng thái co giật, những hố thẳm đang mở ra ở hai đường,
sự thử thách cuối cùng trước khi bước vào Ngôi Nhà Cuối Cùng của đám tội đồ đó,
thằng Tích nói,
tao vẫn chưa hiểu,
tôi nói,
có nghĩa, tất cả đám tội đồ đều phải đi trên con đường này, đoạn đường như là sự giãy chết cuối cùng của đám người phải chết, và khi bước vào Ngôi Nhà Cuối Cùng là sẽ trở thành một thứ hiện hữu khác, hoàn toàn bí mật,
thằng Tích nói,
chết là một bí mật,
tôi nói,
còn hơn cả sự bí mật, đó là công trình kiến trúc đầu tiên của tao đó,
thằng Tích nói,
tôi cứ thấy trí óc mình như đang dãn ra, làm sao một người rời bỏ thế gian chỉ trong một thời gian như thế lại trở thành kẻ có thể tạo ra thứ vật thể mang tầm tạo hóa như thế, tôi cứ muốn kêu lên, nhưng thằng Tích như thể đã nhìn thấy tâm can tôi,
luật lệ ở đây là im lặng,
thằng Tích nói,
và tôi thì như thể muốn khụy xuống, khi công trình kiến trúc thứ hai của bạn tôi đã hiện ra trước tôi, trước mắt tôi bấy giờ là một thứ không gian, cứ gọi là một mảnh đất trời đang nhuốm màu nắng sớm, nhìn, và lại cứ thấy nhớ nhungn những câu thơ cổ… người đi/hề/ lung linh mấy cõi/ con sáo đậu bờ thiên cổ/ lụy một giấc vọng nguyệt, nó là một thứ thời gian không gian cứ khiến cho ta có cảm tưởng là đang vui sướng, cái khoản trời đang vang ra thứ âm vang cổ kính mà rất vui ấy là Vườn Trẻ,
đám vua chúa trần gian không ngày nào là không giết kẻ vô tội, rồi còn bao nhiêu cái chết không đáng chết, hết thảy đều được đưa về đây, Vườn Trẻ, hết thảy rồi sẽ được trẻ lại, cho đến khi chỉ còn là một thai nhi thì sẽ được đầu thai kiếp khác,
thằng Tích nói,
giờ mày và tao có thể vào đó được không,
tôi nói, trong niềm háo hức,
hy vọng mày sẽ vào đó khi chết, còn tao là tác giả Vườn Trẻ, nhưng tao là sứ giả của đường biên ẩn ức thì không thể đánh đồng với những kẻ chết oan,
thằng Tích nói,
cho đến lúc đó tôi mới cảm thấy hoang mang, thế, việc thằng Tích tắt thở hôm nào có nghĩa là sao, đã chết, hay chưa chết, hay đang trở về cuộc sống trần gian, tôi không biết, thằng Tích lại tiếp tục nói,
trần gian thì giữa kẻ cai trị và kẻ bị cai trị là một cuộc xung đột mang tính thiên niên kỷ, rồi những cuộc chiến vẫn cứ diễn ra, trong khi thiên giới, có sự phát triển đấy, đã biết cơ cấu thịt xương con người [bản đồ gen] đã biết đem con số thời Pythagor ứng dụng vào thời có sự đồng hành giữa sóng và hạt [thời kỷ thuật số] đã biết được nhiều thứ trong cõi ta bà lắm ngõ ngách này, nhưng vẫn còn mù tịt trước những ý đồ của nhân loại, rốt cuộc thì con người đang muốn gì, tại vì sao con người vẫn dối trá nhau, thù địch nhau, có cơ bầy đàn tan rã, người ta vẫn nghĩ thượng đế đã chết, tôi cứ thấy tiếc, rất tiếc, bỡi, khi, tôi đang định hỏi thằng Tích có phải là nó muốn làm lại thế giới hay không thì nó thét lên: không thể chấp nhận được, và tôi thì ra khỏi giấc mơ,
***
ngài Vi Vu vẫn bay lượn trên cuộc cai trị của mình [Mân, Bồ Địch, rồi Cổ Cồn, Phù Nễ…] các chiến thắng trong các cuộc chiến nơi chính trường của ông như thể là niềm vinh quang to lớn luôn vây phủ cuộc đời ông, ngài Vi Vu vẫn coi một lời ông nói ra với đám dân chúng của mình như những khuôn mẫu không thể thay đổi được, thứ ảo ảnh mình là bậc hiền minh và chỉ có mình mới có thể dẫn dắt đất nước đã nhập vào máu thịt ông chỉ đến chết mới hết, người ta có thể nghĩ là ông đang giả dối, hoặc ông thật sự không biết là mình đang giả dối, không biết ngài Vi Vu có quá căm ghét đám người đánh cắp tài nguyên của đất nước hay không, nhưng khi nói về bọn họ thì ngài tổng trưởng của chúng ta tóc cứ dựng lên, và ngài cứ rít lên, rằng, phải tận diệt bọn chúng, môi miệng ngài cứ thu nhỏ lại, rồi buột ra những lời cao ngất nhân cách của một kẻ trị nước: chúng ta phải thế này… thế này … thật ra thì ngài tổng trưởng của chúng ta cũng đã già rồi, trong cách nói năng, những câu chữ như cứ tuột ra khỏi vị trí của chúng thành ra cứ ậm ừ ậm à như thể những câu kinh của một tôn giáo cũ kỹ nào đó,
chúng ta là đang ở vào thời đại con người làm chủ mình và làm chủ thế giới, xứ sở chúng ta đất, nước, lửa, khí thứ nào cũng giàu có hết, phải khai thác cho hết chúng, hãy dành những chiến thắng to lớn hơn nữa,
[trích thông điệp mủa xuân của ngài tổng trưởng]
chúng ta có biển Cổ Cồn đủ loại cá tôm, có đất Mân đủ các loại khoáng sản, các bạn ở đất Mân hãy kêu gọi sự đầu tư của các nước để khai thác cho hết thứ của cải ở trong đất đó, chúng ta lại có đồng Chảy ở Bù Địch, cái vựa lúa to lớn ở phía đông, có đồng Nà ờ Phù Nễ, một cái vựa lúa nữa ở phía bắc, rồi ra, bằng các phương tiện khoa học kỷ thuật nay mai Phù Nễ và Bù Địch sẽ có lúa gạo xuất đi năm châu bốn biển, đấy là chưa nói thị xã Cổ Cồn nay mai sẽ tiến lên thành phố loại một, và đấy chỉ là nội lực, ngoài sức mạnh ấy, chúng ta còn có một lực lượng lao động xuất khầu, sẽ cho bạn bè các nước thây tính sáng tạo của dân tộc ta,
[trích thông điệp mùa hè của ngài tổng trưởng]
trên đường đến nhà ông nghè Khuê, tôi nghĩ ngợi rất nhiều về các thông điệp của ngài tổng trưởng, chắc chắn là ngài ấy sẽ còn nhiều thông điệp nữa, có thể là thông điệp mùa thu, rồi thông điệp mùa đông, hay thông điệp giữa mùa đông, tôi chẳng dám nói gì hơn, vì đấy là cái xu thế của thời đại, xu thế của truyền thông quảng bá, có điều, tôi không thể không nghĩ ngợi, đất nước mình nghèo phải ra nước ngoài làm thuê làm mướn [đó là điều rất buồn, nếu không nói là lấy làm tủi hổ] đi làm thuê làm mướn thì cứ nói là đi làm thuê làm mướn, xuất khẩu lao động nỗi gì, với lại đồng Chảy của làng Bù Địch tôi nhỏ như bàn tay, lúa chưa đủ ăn, vựa lúa nỗi gì, và đồng Nà ở Phù Nễ, tôi biết còn cằn cỗi hơn đồng Chảy làng tôi thì vựa lúa nỗi gì, ngài Vi Vu đang vi hành mà tôi nào biết, thật không may, chỉ vài đường phố nữa là tôi tới nhà ông nghè Khuê, trong khi tôi đang nghĩ ngợi về ngài ấy, thì ngài ấy lại từ một cái cột đèn đường hiện ra làm sao tôi không bối rối [nếu không nói là hốt hoảng/ và chắc là
ngài ấy đứng nấp ở cái cột đèn đường ấy quan sát và thấy kẻ nào đáng để ngài gặp thì ngài mới ra mặt] bấy giờ tôi cứ đứng như trời trồng trước ngài ấy, rồi như cái máy, tôi nghiêng đầu thi lễ theo kiểu của đám hiệp sĩ thời trung cổ bên châu Âu,
viết gì thì viết anh cũng phải dành chữ nghĩa để ca ngợi xứ sở chúng ta đấy,
ngài tổng trưởng nói, tôi không nổi tiếng như ông nghè Khuê, nhưng ở xứ sở này ai cũng biết tôi là anh viết lách làng nhàng ở đất Bù Địch,
thưa, chỉ là kẻ viết lách không ra hồn nên chẳng dám hứa điều gì với ngài tổng trưởng cả,
tôi nói,
***
rồi tôi cũng thiết lập được một cuộc tình cho mình, ‘‘khi ngọn lửa tiền sử vừa nhóm lên tôi đã đợi em nơi bờ dốc…’’ trong thư gửi nàng tôi nói là tôi đã chờ nàng tự buổi con người mới tìm ra lửa, một cuộc tình như vậy là có thể trùm lên vạn hữu, nhưng ông nghè Khuê đã sai người mang thư đến cho tôi: ta đang muốn gặp anh, thư chỉ có vậy, mà tôi thì cũng vừa mới ở nhà ông ngày hôm qua, người đưa thư là một thằng bé có vẻ thông minh và lém lỉnh,
em là đứa giúp việc cho ông nghè,
thằng bé tự giới thiệu, và trao thư cho tôi, tôi nghĩ ngợi quá chừng, bao nhiêu lần đến nhà ông nghè Khuê có bao giờ tôi thấy người giúp việc nào đâu, định hỏi thử nó đến giúp việc cho ông nghè Khuê từ lúc nào, nhưng thằng bé đã biến mất, cái buổi sáng mùa thu ấy mọi sự diễn ra như thể là tôi đang theo thuyết ngầu nhiên, ngẫu nhiên mà tôi thiết lập được một cuộc tình cho mình, một cuộc tình bằng khái niệm, ngẫu nhiên mà tôi biết có một con chữ nào đó trong đám cổ thư của ông nghè Khuê đã hóa làm thằng bé đưa thư [lúc tôi vừa mới bước vào cửa nhà ông Khuê đã nhìn thấy thằng bé đưa thư đứng nơi giá sách nhìn tôi cười, rồi biến vào đống sách ấy]
ta cứ thấy có gì đó như sự hiểm nguy sắp xảy ra vậy,
ông nghè Khuê nói, tôi không dám chia xẻ bỡi chưa biết ông sắp nói đến một thứ cảnh trí nào, tôi biết là ông nghè Khuê chẳng nhờ ai đưa thư cho tôi cả, mà đấy chỉ là đám chữ nghĩa trong một cuốn cổ thư nào đó trên giá sách của ông nghè Khuê lâu ngày cũng muốn thử xem sức sống của mình, ô, thế giới này đâu phải chỉ có mỗi thứ buồn vui của con người, sáng hôm ấy thực sự là ông nghè Khuê có vẻ rất buồn,
đêm cứ ngồi lại với nhau quanh bếp lửa đốt bằng bằng củi rừng, chẳng nghĩ ngợi gì cả, hết thảy vẫn cứ hồn nhiên như ngọn gió rừng cứ vào giờ ấy thì thổi qua núi rừng, tiền sử là vậy, mà đương đại thì không thể ,
ông nghè Khuê nói, giọng buồn,
bác muốn làm một cuộc so sánh mang tính sử thi,
tôi nói,
tiền sử cứ như một kho của cải vĩ đại, con người cứ việc lấy ra ở đó nào văn chương, triết học, nào sử học, chính trị học, nhân chủng học, và cả các thứ tôn giáo nữa, anh cứ tưởng tượng, một người đàn ông ngồi nơi cửa hang động, mắt cứ đăm chiêu khi ánh nắng buổi ban mai xuyên vào hang động, một thứ tín ngưỡng đẹp nhất của loài người,
ông nghè Khuê nói, và bỗng nhìn tôi với ánh mắt nghiêm khắc,
văn chương của anh như thể gọi hồn, chữ nghĩa chỉ còn là thứ dấu vết mờ nhạt khi đã chuyên chở xong thứ tâm can như thể ngọn lửa tình phụt cháy, nhưng tất cả đều trở nên vô nghĩa trước những kẻ nghiện ngập, anh ạ,
ông nghè Khuê nói, vẫn nhìn tôi với ánh mắt khác lạ, như thể có nỗi hờn căm nào đó đang thậm nhập vào đó, tôi nhìn ông, và cứ thấy hãi ở trong lòng,
thưa, là bác đang nói đến những kẻ nghiện ngập nào vậy,
tôi nói,
đây là thời của nghiện ngập anh à, nghiện làm người nổi tiếng, nghiện làm kẻ cầm đầu thiên hạ, nghiện giàu sang, chẳng phải các vị nguyên thủ quốc gia đều gào lên, như ngày nào cũng gào lên về chuyện làm giàu đất nước đó sao, thời của vinh danh sự giàu có, ta cứ thấy sờ sợ sao đó anh ạ, khi nghe nói đến những thứ GDP, hay bình quân thu nhập đầu người,
ông nghè Khuê nói, những câu chuyện về thế giới đương đại như một cuộc sầu não vĩ đại, trò chuyện riết rồi quên ăn quên uống, đêm đã đổ xuống Cổ Cồn,
mai chúng ta sẽ ăn bù cho hôm nay, bác ạ,
tôi nói, nhà ông nghè Khuê là nhà vườn, nằm sát xóm chài của thị xã, chúng tôi vừa đi dạo trong vườn vừa trò chuyện, mới tối mà đằng xóm chài rất im vắng, và đằng khu phố chính thì một vùng sáng trắng tỏa lên bầu trời như thể một vòng nguyệt quế dành riêng cho đám bán buôn của thị xã, đêm Cổ Cồn cứ gợi lên trong tôi thứ ký ức lịch sử, bỡi sông núi nơi đây là một cuộc hình thành bằng trí tuệ và máu xương của con người,
thời con người có thể làm cho sa mạc cằn cỗi thành những miền trồng lúa mầu mỡ, và con người cũng không còn vất vả mang hàng hóa đến cho người tiêu dùng bỡi đã làm ra được máy bay không người lái, thời con người gần như thần thánh, nhưng vẫn cứ gườm nhau suốt, ta cứ có linh cảm như sắp xảy ra điêu linh nào đó,
ông nghè Khuê nói, thở dài, và đó chỉ là tiếng biển gào, nhưng tôi cứ có cảm tưởng như đang xảy ra biến cố nào đó, như thể là tôi đang nghe thấy tiếng ầm ào của đất đổ, đá đổ,
kìa, anh nhìn xem,
ông nghè Khuê bỗng kêu, chúng tôi cùng nhìn lên bầu trời đêm vằng vặc các vì tinh tú,
sao bắc đẩu không còn ở chỗ cũ, đã dịch về phương nam, anh thấy không,
ông nghè Khuê nói,
dạ thấy,
tôi nói,
giã,
tháng 9. 2020
tháng 10.2020