ở miền đất ấy [1]

                         thế giới là cuộc tháo chạy ngẫu nhiên của các sự vật

 

1/ Tôi lên cao nguyên miền Trung là để lấy tư liệu cho luận văn tốt nghiệp đại học của mình. Luận văn về sự hình thành các tập tục của các dân tộc ít người ở Tây Trường Sơn. Trên đường về lại thành phố, tôi ghé vào làng Dang dưới chân núi Đưng là để thăm chơi cho biết, vì bấy giờ việc lấy tư liệu coi như đã hoàn tất. Mùa hạ ở núi Đưng có hoa muồng rực thắm giữa màu lá rừng đương ngã màu, tựa bức tranh cổ u tịch  bỗng hiện ra ở đâu đấy một chút le lói. Khách đường xa suốt tháng trời chỉ chăm chắm mỗi việc săn tìm tư liệu là tôi, phút chốc cũng thấy lòng nhẹ bổng trước cảnh nước non mới lạ. Núi Đưng không cao. Chỉ đứng đó như sự che chở cho cuộc sống lẻ loi đương diễn ra trong một vùng trũng rộng lớn, có thể gọi là cuộc bình nguyên trên cao nguyên. Khi người khách đường xa là tôi đã ngồi vào một chỗ ghế học của một lớp học vùng cao, thì cả đám học trò con trai con gái lên năm lên bảy, ở trần có mặc áo có, lẫn cô giáo dạy học, vẫn tự nhiên như không, như con suối Dang đối với tôi, lúc tôi đứng trên bờ của nó ngắm nhìn trời đất. Lũ học trò dường đã xong việc tập viết, làm tóan, đang ngồi hóng cổ nghe cô giáo kể chuyện.

 

Giót là không có gì hết, nhưng cái gì cũng có, là không biết gì hết, nhưng cái gì cũng biết. Có với không, không với có, bỗng quấn quít lấy nhau, cất tiếng khóc thê thảm. Nước mắt chảy, một phần thành đất, một phần thành nước, một phần thành loài người, muông thú và cây cỏ. Trong những người sinh ra từ nước mắt đó có một người đàn ông  chỉ sống được trong bể khơi, và một người đàn bà chỉ sống được giữa thinh không, rồi hai người đó đã thành chồng vợ và sinh ra tổ tiên người núi Đưng.

 

Liêu kể. Cô giáo ấy là Liêu. Còn tôi thì cứ ngồi ngẩn người, tựa hồ đang nghe một trang kinh của một tôn giáo mới nào đó vừa mới xuất hiện ở trần gian. Con người là sinh ra từ những giọt nước mắt của một cõi khác thường. Là sáng thế ký? Mà cũng không phải sáng thế ký. Anh ở bên lâm trường sang chơi? Liêu chợt hỏi. Cô ta tưởng tôi là người bên lâm trường Núi Đưng. Đám học trò dồn mắt cả về  phía tôi. Tôi nói là mình ở dưới miền xuôi đi nghiên cứu lịch sử các dân tộc ít người ở Trường Sơn. Tự dưng tôi tự xưng là nhà nghiên cứu lịch sử. Sau này mới mới biết chuyện kể ấy là lấy ở cuốn sử truyền miệng của người núi Đưng. Còn lúc ấy, Liêu liền rời khỏi bàn thầy giáo, tiến lại chỗ tôi ngồi. Anh phải qua bên nhà em, để gặp cha em thôi. Liêu nói, mỉm cười với tôi. Và giật lấy xách hành lý của tôi, để tự tay cô ta xách giúp cho tôi. Chạy lóc thóc đàng trước là lũ học trò của Liêu. Tiếp theo sau là ông khách lạ là tôi, và Liêu. Ở các nhà sàn bọn tôi ngang qua, có cả ông bà già lẫn phụ nữ và  trẻ con ra đứng ở cửa, ngóng nhìn theo bọn tôi. Những phút đầu tiên tôi đến với người núi Đưng là thế.

Leave a Reply

Your email address will not be published.