Cha tôi muốn nặn tôi theo mẫu hình người ông: Một kẻ thông chữ nghĩa cầm cày trên ruộng. Nhưng phải học cày trước đã. Ông nói. Chín tuổi tôi đã phải theo cha ra ruộng học cày. Không phải kiến tập. Mà thực tập hẳn hoi. Bước đầu là tôi chỉ vịn tay vào chui cày do cha tôi nắm giữ, rồi cùng ông bước theo bò.
Đây là bước theo nhịp điệu của đất trời. Nương theo mà sống. Không có đất trời thì không có đất để cày. Lật đất lên gieo lúa là một cách thương lượng với đất hãy cho con người miếng cơm manh áo.
Cha tôi cứ theo cái cách một kẻ thông chữ nghĩa đang cầm cày trên ruộng mà nói về ý nghĩa của việc cày. Tôi chẳng biết cái quái gì về nhịp điệu của đất trời. Nhưng khi nghe ông giảng thế tôi cứ muốn nhảy lên để reo cho thật to là tôi đang bước theo nhịp điệu của đất trời đây! Bấy giờ là tôi và cha tôi bước theo lũ bò. Hai con bò cày, những hôm lùa chúng đi ăn cỏ ở chân núi Tượng trưa đến là lẻo đẻo theo tôi nằm dưới bóng cây, thân thiện thế, mà giờ đây, trong buổi cày, chúng bỗng tỏ ra nghiêm túc với tôi, vô cùng nghiêm túc, bước về phía trước quành bên phải quành bên trái là theo mệnh lệnh của cha tôi, không hề ngoảnh lại một lần để nhìn thử tôi có còn bước theo chúng nổi hay không. Mà cũng phải thôi. Đây là bước theo nhịp điệu của đất trời. Tự dưng tôi thấy mình trở nên quan trọng. Chín tuổi tôi đã bước vào cuộc thương lượng với đất về chuyện cơm áo.
Này, chớ bao giờ để cho những ảo tưởng lung lạc ý chí của ta
Đấy là buổi sáng tháng giêng, chim trăm trâu trên núi Tượng kêu sớm quá, tôi thức dậy bỏ rơm cho bò, không còn muốn ngủ nữa, đi súc miệng rửa mặt, rồi ra ngồi ở hiên hè chờ trời sáng, cái buổi sáng chết tiệt, ảo tưởng đã thâm nhập vào tôi để tôi lại nghĩ đến chuyện vác cày ra ruộng, thật tình thì tôi chẳng biết ảo tưởng là cái quái gì, tự dưng tôi thấy đôi chân mình không còn đứng vững, và quị xuống khi rán sức vác cây cày lên vai, và cha tôi thì cứ đứng ở tư thế một kẻ thông chữ nghĩa cầm cày trên ruộng mà mắng mỏ tôi. Tôi bắt đầu cuộc thương lượng với đất lúc chưa vác nổi cây cày. Nhưng chỉ vài tháng sau, nếu có ai ghi lại hình ảnh tôi vác cày lúc đó thì trông rất buồn cười, phải nói cho chính xác là tôi thay cha tôi tha cây cày ra ruộng, nói tha cây cày thì chính xác hơn là nói vác cây cày, bấy giờ thì cha tôi thay tôi lừa bò, để cho tôi vác cày, và chẳng còn mắng mỏ tôi bỡi ông biết đến lúc đó thì chẳng còn có ảo tưởng nào thâm nhập vào tôi.
Tháng giêng đọng lại nơi một kẻ đầy quyền lực. Tôi bấy giờ chỉ hô một tiếng là hai con bò cày của tôi tiếp tục bước đi hay dừng lại. Tự bao giờ, tổ tiên tôi, những người gầy dựng nền văn minh nông nghiệp, đã tạo ra một hệ thống ngôn ngữ đặc thù dành cho việc điều khiển lũ bò cày. Quành bên trái, quành bên phải, bước tới, dừng lại, ngay lúc bắt đầu mang cái ách cày lên vai là lũ bò cày phải bắt đầu làm quen với hệ thống ngôn ngữ ấy. Khi tôi phát âm từ “dọ” thì lập tức hai con bò cày của tôi dừng lại. Có một thứ huyền nhiệm ẩn dấu trong ngôn ngữ của cày.
Buổi chiều tháng giêng tôi dừng bò nghỉ. Đất ải khỏa mùi thơm thánh thiện. Nằm dài lên luống cày mới vỡ lắng nghe lũ chim hót ở trên trời, tôi lờ mờ hiểu ra cuộc thương lượng với đất là gòm cả việc buổi sáng vác cây cày ra ruộng đừng để bị ngã, gòm cả việc cùng lũ bò lật đất ruộng lên thành hàng thành luống, và gòm cả việc nằm dài lên đất dõi theo đôi chim chiền chiện từ trên trời cao bổ xuống miếng ruộng đang cày lượn qua lượn lại trên những luống đất mới vỡ không biết bao nhiêu lượt như để tạo ra một thứ mê hồn trận đối với những kẻ đang rình rập chúng, cái khoảnh khắc thiêng liêng của chúng, khoảnh khắc tạo nên tổ ấm trong đất ải tháng giêng, nơi chúng sẽ sinh con, và khi con người lật đất ải lên gieo lúa thì chúng cũng dắt díu đàn con trở lại bầu trời cao rộng.
Nằm dài trên đất ải tháng giêng, tôi mơ hồ hiểu ra đất là nơi nuôi dưỡng cả con người lẫn lũ chim trời.
Lặng lẽ những nỗi niềm và sự hiểu biết nông cạn của một kẻ đầy quyền lực trong cuộc thượng với đất.
Và giờ đây, tôi biết, chữ nghĩa của tôi cũng hình thành trong lặng lẽ và thấm đẫm mùi đất ải đồng làng.
giã 11AM 15/9/2015
Share