Những ghi chú

tranh René Magritte

rồi những vết bỏng trên da thịt mẹ tôi cứ khô dần thành thứ vết tích thời gian, không thể hiểu hết đâu, bỡi đằng sau thứ dấu vết ấy là cả cái thế giới lưu ly uẩn khúc con tằm tới chết cũng còn vươn tơ cả đời mẹ tôi ngụp lặn  trong đó [những chiều thu  lá úa/ lũ giun dế trong khu vườn nhà nằm chờ nghe tiếng lá lìa cành…] mẹ tôi với ngôi làng thân yêu của tôi là những khúc trần gian lận đận chỉ có thể tính bằng niềm kính ngưỡng, nghe cha tôi nói giọng hò thời con gái của mẹ  đã làm cho đám trai trong làng không còn thấy mệt trong những đêm giã gạo dưới trăng, vào những đêm có trăng thuở ấy, đám con trai con gái trong làng lại rủ nhau đi giã gạo giúp cho các nhà ở trong làng, nhà nào cũng chỉ có mỗi cái cối giã gạo, nên cứ từng cặp gái trai thay nhau đứng vào cối giã, trăng, tiếng hát, và những cuộc tình giản dị cứ vậy mà nên hình dạng, giã gạo hát hò dưới trăng không  còn là chuyện giúp nhau, mà như thể một cách nuôi dưỡng sinh mệnh bầy đàn, khi ấy  con người nhận ra cuộc sống này là đáng yêu biết bao, rồi cha tôi, người cày ruộng duy nhất trong làng am hiểu thi ca, đã làm ra câu hò cho mẹ tôi hát, rồi cha tôi với mẹ tôi đã trở thành cha mẹ tôi [nếu địa chí của làng muốn viết về chuyện đó thì phải dành ra một cuốn]  những vết bỏng trên da thịt mẹ tôi cứ từng ngày thêm lên, mà mẹ thì có vẻ không hề hay biết, cái bi khúc đó là nỗi đau chí tử trong lịch sử của làng, tự hồi còn là con gái, buổi sáng, tự lúc nghe chim chèo bẻo báo thức, mẹ đã thức dậy ra đồng làng còn gì, buổi sáng đi làm từ lúc mặt trời chưa mọc, buổi chiều trở về nhà lúc mặt trời đã lặn, tính ra, ngày ngày  mẹ  ở ngoài đồng ruộng thì nhiều hơn là ở trong nhà, cả đời mẹ là luôn ở bên dưới đường đi của mặt trời, nhưng mùa đông mẹ tôi lại mang áo tơi chằm lá núi lặn lội ở trong mưa, lúa trì của đồng làng tôi là lúa gieo, xuống giống vào tháng tư tháng năm âm lịch, hạt giống nào chống chọi được sức nóng của mặt trời thì mọc lên thành cây ‘‘lúa gieo trì’’, chờ cho mưa đông đổ xuống, cây lúa gieo trì mới nghĩ đến chuyện làm đòng [chửa] để trỗ bông [làm hạt], tới mùa đông thì nhìn thấy rõ những chỗ dày chỗ thưa trên các khoảnh ruộng lúa gieo trì, hệ quả của việc hạt chuyển thành cây trong nắng hạn, đến mùa đông mẹ lại phải lặn lội trong mưa gió để nhổ những cây lúa ở chỗ mọc dày đem cắm ở những chỗ mọc thưa, ‘‘dặm gieo’’, người làng tôi gọi việc làm cực nhọc ấy là dặm gieo, mưa đông đổ xuống thì tự dưng rau riều riều mọc đầy các bờ ruộng, và lũ cua đồng sinh sôi nẩy nở trên những ruộng lúa trì xăm xắp nước, đến mùa đông mẹ lại cho tôi ăn rau riều riều luộc chấm với mắm cua đồng, rau riều riều hơi thơm mùi đất, và mắm cua đồng có vị ngọt theo kiểu trần gian khổ ải, có nghĩa, khi ăn mắm cua đồng thì nghe ở trong miệng có vị ngon pha chút đăng đắng,  kỳ này mắm cua đồng mẹ thằng Cam Sành làm ngon thiệt, dường cha tôi chờ cho đến mùa đông thì nói ra lời ấy, cái cách nói có vẻ như ông muốn cho nó có vẻ  dân dã  chẳng theo thứ phép tắc văn chương nào, mùa đông, mẹ đi dặm gieo về tay mang cua đồng, tay xách rau riều riều, làm mắm cua đồng lại là một qui trình bí ẩn, mắm cua đồng còn gọi là mắm cua chua, chính là cái qui trình bí ẩn ấy đã tạo nên  thứ thức ăn mang vị cay đắng của trần gian, và chẳng ai hiểu rau riều theo con đường nào để đến với đồng làng tôi, theo những ngọn gió bất thường của mùa đông, hay, những đám mây trời đã cưu mang sẵn hạt giống của loài rau ấy,  rau riều riều với mắm cua đồng của làng tôi là thuộc về huyền thoại  những thức ăn của nhân loại, và mẹ tôi là một cuộc nắng mưa vất vả: con ve chưa kịp gọi hè, con cuốc chưa kịp gọi đông… nhưng làng vẫn cứ như thứ sinh mệnh bầy đàn cưu mang những con người bé nhỏ, mẹ tôi cứ vậy mà nuôi tôi cho đến khi tôi viết được địa chí của làng, có một thứ nhất thiết tôi phải chép vào địa chí của làng tôi là cái cách mẹ sắm áo mới cho tôi, bà bắt đầu bằng việc cùng cha tôi trồng cây bông vải, tháng tư trái bông vải  nở trắng trong vườn nhà tôi,  cứ ngóng đến ngày thu hoạch, rồi cả  ngày đêm mẹ  ngồi bắn bông, kéo sợi,   nguyên liệu bông đã thành sợi, những cuộn chỉ cứ như những khích lệ của cuộc cần lao, rồi cả ngày đêm mẹ  lại ngồi lên khung dệt, một thứ công nghệ chế biến bằng tay để biến những sợi chỉ bông vài ra thành vải tấm, chuyện bông thành vải trong  buổi ấy là cả câu chuyện cổ tích, bỗng nàng tiên là mẹ tôi biến những trái bông vải thành ra vải mặc,  rồi chính mẹ đã tự tay cắt vải, may áo mới cho tôi, chưa mặc được đâu, mẹ còn phải nhúng cái áo mới bằng bông vải ấy xuống bùn non trên đồng làng cho thành ra chiếc áo màu đất, như thể không phải  mẹ may áo  cho con trai của mẹ, mà là may áo cho một đơn vị nhân loại vậy,

 

11 AM 2.4.2021
trong tiểu thuyết đang viết: NHỮNG GHI CHÚ