Nẻo khuất

 

tranh Henri Matisse- French

 

 

đình làng, nơi ông từ giữ đình làng đã để lại cho tuổi thơ tôi những dấu tích lộng lẫy, như cái rốn của kiến văn, từ đó, một người bước vào cuộc đời với ít đi nỗi hoài nghi, nó là cuộc đụng độ các vị thần, cuộc chơi hào sảng vào lúc đêm xuống, bao giờ cũng là lúc đêm xuống, sau khi cơm tối xong, tôi lén nhà chạy ra đình làng, dẫu là ông có tốt với tôi mấy, tôi cũng phải tìm cách moi ruột gan ông ra, ông phải nói cho cháu biết làm cách nào mà thần cày đã khiến anh Hai Hợp cháu mới gà gáy đầu đã phải thức dậy vác cày ra ruộng, tôi phải giựt râu ông từ mấy bận để thúc ông phải nói ra, ở trong bụng ông từ như đủ cả những gương mặt của các vị thần, trong lúc tôi và ông chơi trò bi kịch cổ đại, tức cuộc đối thoại chỉ diễn ra giữa hai nhân vật là tôi và ông, thì ở trong làng lũ cùng lứa tôi đang đuổi bắt nhau, tôi biết là lũ chúng đang chơi trò cuộc chiến của những anh hùng hảo hán, tức chia làm hai phe rượt đuổi nhau, trong trò chơi này phe thua, hết thảy phải làm ngựa cỡi, lũ cháu nên dẹp trò chơi đó đi, tàn nhẫn lắm, ông từ nói, tôi liền tỏ đồng tình làm như thể đã hiểu tàn nhẫn là thế nào, phải đó ông, phải dẹp trò đó đi, tôi nói, và lại giựt râu ông từ như để nhắc ông về thắc mắc có liên quan tới cuộc đời anh trai tôi, sở dĩ tôi thắc mắc về ông thần cày bỡi mỗi sáng anh Hai Hợp tôi thức dậy đi cày là lại gọi tôi đi mở cổng chuồng lừa bò ra đồng làng với anh ấy, thần cày là kẻ đã khiến cho con người ta yêu con bò với đám ruộng, con bò kéo cày lật đất lên, còn đám ruộng thì làm cho cây lúa trỗ bông, à, là ta quên hỏi, đang nói, ông từ bỗng dừng, ông hỏi tôi về chuyện gì nhỉ, có ngọn gió tạt vào chỗ chúng tôi làm chao ngọn đèn dầu phộng đang thắp trên bàn thờ thần, buổi ấy đình làng tôi có ba gian, gian giữa thờ các vị thần đang cư trú trong làng, gian bên trái là dành cho việc hội họp, và gian bên phải là nơi làm việc của các viên chức của làng, thằng Đàn cháu cứ khai thiệt với ông là trưa hôm ấy cháu có ném đất vào con bò cày của nhà ông Sáu Liệu hay không, ông từ đột nhiên hỏi tôi về chuyện ấy, là do thằng Bỗ con chú Sáu Liệu nó khích con bò đực của nó xịt con bò đực của nhà cháu, tôi như vẫn còn thấy tức giận về chuyện trưa hôm ấy, nhưng ông từ đã nắn mấy ngón tay tôi, chuyện con bò đám ruộng là để cho thần cày lo, con bò đực của nhà ông Sáu Liệu có xịt con bò đực của nhà cháu là thần cày muốn coi thử sức lực của đám bò cày làng ta, không phải thằng Bỗ muốn là được, cách giảng giải của ông từ về các vị thần đang trú ngụ trong làng tôi buổi ấy có sức hút ghê gớm đối với tuổi thơ tôi, nó là nhu cầu tri thức của con người, nhưng buổi ấy tôi cứ nghĩ là mình đã bị ghiền chuyện kể của ông từ, mày mà nghe riết chuyện thần thánh của ông từ đình thì sinh lung đấy, anh Hai Hợp tôi thì theo ngăn cản tôi, thật ra anh ấy đâu biết nhờ những câu chuyện thần thánh của ông từ đình mà thế giới tuổi thơ của tôi đã nới rộng đến tận những bờ cõi cứ thấy vừa lạ vừa đáng yêu làm sao, không bao giờ tôi dứt bỏ được niềm mơ ước rằng một ngày nào tôi sẽ bước vào những chốn ấy, trái với cách xử sự của anh trai tôi, mẹ tôi thì như gặp được kẻ đồng điệu là tôi, bà có một bụng chuyện cổ tích, còn tôi mới chỉ lơ thơ vài vị thần thơ thẩn ra vào trí nhớ tôi, nhưng xem ra mẹ tôi là rất nể nang tôi, con mà học được ông từ đình thì khỏi phải nói, bà nói, đêm mẹ tôi nằm chờ tôi ở chỗ ông từ đình về, hôm nay ông từ đã kể cho con nghe chuyện gì nào, mẹ tôi hỏi, vẻ háo hức lắm, tôi như còn nghe thấy tiếng chân của vị thần mắt ướt, ông mồ côi cha mẹ, năm tuổi đã phải đi xay lúa cho người ta để kiếm cơm ăn, nhà này không muốn nuôi ông nữa thì ông đến xin ở nhà khác, cho đến khi thành chàng trai vạm vỡ ông vẫn đi xay lúa cho chủ, và cho đến lúc thành thần ông vẫn còn đến từng nhà để nói để ta xay lúa giúp cho, mẹ tôi khóc, tôi cứ kể cho mẹ nghe y như ông từ đình đã kể cho tôi nghe, việc mẹ tôi mủi lòng khóc vì cuộc đời bất hạnh của thần xay lúa lại kích động tính hiếu kỳ của tôi, bao giờ cũng là lúc đêm xuống, cơm tối xong là tôi lại chạy ra đình làng, ông phải nói cho cháu biết có phải là có một vị thần cho người ta áo mới hay không, có cái gì đó khác thường ở ông từ đình, cứ hỏi về cuộc đời một vị thần nào đó là ông lập tức giảng cho tôi nghe, nhưng lần này, về vị thần áo mới, thì ông từ cứ ậm à ậm ừ, để hôm nào ông sẽ kể cho nghe, ông hẹn, cơm tối xong là tôi lại chạy ra đình làng, và ông từ lại hẹn, tôi cứ sợ ông từ chết, với tuổi tám mươi của ông thì dễ chết lắm, tôi đã thấy bao nhiêu người trong làng chết, và sau đó thì không bao giờ còn gặp lại, ông đừng chết nghe ông, tôi theo năn nỉ ông từ, ta quen biết bao nhiêu thần thánh mỗi người chỉ cho ta vài tuổi là ta có thể sống mãi, ông nói, và tôi lại giựt râu ông, hãy kể cho cháu nghe về thần áo mới đi ông, vào một đêm mưa gió tôi đội mưa chạy đến đình làng, dường ông từ đang chờ tôi, có thấy lạnh không cháu, ông hỏi, tôi vung vẩy người tôi mấy bận như thể để nói là mình vẫn đầy sức lực, rồi ngồi xuống cạnh ông từ, ở bên ngoài mưa vẫn nặng hột, mới cơn mưa đầu mùa đông mà thời tiết đã tỏ ra át liệt, nước mưa ở mái đình xối xuống như một cái thác nước nhỏ, gió, và giông sấm, ngọn đèn dầu phộng trên bàn thờ thần bỗng phụt tắt, tôi cứ tưởng tượng là các vị thần thánh đang đội mưa gió trở về ngôi đền thờ của mình, buổi ấy, cứ coi như người làng tôi theo đa thần giáo, các vị thần phảng phất ở khắp nơi, ngày tết, tôi từng thấy cha tôi cúng thần giếng, thần vườn, thần bếp, bỗng tôi cứ thấy như mình đang bước vào một cuộc đời mới, không phải cuộc đời buổi sáng sớm phải lùa bò ra ruộng cho anh Hai Hợp tôi, thằng Đàn cháu có còn nghĩ đến thần áo mới không, ông từ bỗng hỏi, tôi cứ muốn rống lên, vui sướng vì sắp được nghe về kẻ ngày tết đã cho mình áo mới, nhưng ông từ đã nắn nhẹ mấy ngón tay tôi, không có thần đó đâu cháu, bỡi tuổi thơ của ta chưa bao giờ được mặc áo mới, bấy giờ mưa lớn lắm, song tôi vẫn nghe rõ từng lời ông từ, rõ lắm,