sau big bang [bốn]


Đã đăng:
[một] [hai] [ba]

 

 

 

Bốn

 

này ta nói cho lũ ngươi biết không có con

đường nào là do các vị thần tạo ra

không có bộ luật trần gian nào lại không

mang hình dáng lũ khủng long

hãy đi đi loài rắn không có chiếc

lưỡi màu đen ở trong miệng

 

 

[…] nước cũ  bôn la, năm thứ 14 tỉ  lẻ 200 triệu sau big bang,

người ta nói ngay tự thuở lục địa laurasia tách ra khỏi siêu lục địa pangiea để trôi về phương bắc thì đất bôn la nằm trên phần trôi dạt laurasia này đã có hình thù một con giun, bấy giờ thì  lũ khủng long đã để lại không biết bao nhiêu là dấu chân trên  mảnh đất đang mang trong mình thứ định mệnh hết sức buồn cười ấy,

 

 

[…] nước cũ bôn la, năm thứ 14 tỉ lẻ 200 triệu sau big bang,

núi non ở bôn la phần lớn được hình thành tự kỷ creta, kỷ cuối đại trung sinh, có nghĩa, sau đó không lâu là đại tân sinh, tức là thời kỳ bắt đầu sự sống các loài động vật trên mặt đất, theo lịch sử địa chất học thì núi non được kiến tạo trong kỷ creta đều rất cao và rất trẻ,

 

 

[…] nước cũ bôn la, năm thứ 14 tỉ lẻ 200 triệu sau big bang,

các sách địa chí thường nói người bôn la do được hấp thu thứ khí chất núi sông vốn được hình thành từ cuộc trôi giạt kỳ vĩ và đầy vẻ bí ẩn của đất đai cho nên rất thích phiêu lưu mạo hiểm, thứ tính khí dễ đưa con người ta tới tột đỉnh vinh quang, mà cũng dễ rơi vào chỗ tiêu vong,

 

 

dụ ngôn trên núi,

này ta nói cho lũ ngươi biết không có con đường nào là do các vị thần tạo ra

không có bộ luật trần gian nào lại không mang hình dáng lũ khủng long

hãy đi đi loài rắn không có chiếc lưỡi màu đen ở trong miệng

 

 

[…] nước cũ bôn la, năm thứ 14 tỉ lẻ 200 triệu năm sau big bang,

người ta thèm cảnh mùa hoa ti ti nở nơi đỉnh cốc kê, cả thế giới đổ xô về  để tận hưởng ngọn gió trân cam phương bắc đang làm rơi rụng những bông hoa màu huyết ngọc ngàn năm triệu năm qua ai đã đem đặt giữa chốn núi non mang dáng vẻ người con gái e thẹn dưới trời cao thanh bạch, đường lên núi rắc đầy hương, bôn la thuở ấy quả là chốn dừng chân của những kẻ thích

nhìn ngắm bàn tay tuyệt kỷ của tạo hóa,

 

[…] nước cũ bôn la, năm thứ 14 tỉ lẻ 200 triệu sau big bang,

các sách bí sử đều chép các vị cầm đầu dân nước bôn la đều có chiếc  bướu trời cho ở trên lưng, bấy giờ ở bôn la việc cầm quyền trị nước  không theo phép cha truyền quyền cho con, hay phép hội quyền, hay phép dân quyền, như nhiều nơi trên mặt đất, mà là do tiền định, có nghĩa, khi vị đứng đầu đất nước chết thì nhất định đã có một người có chiếc bướu trên lưng  sống đâu đó ở trong nước, việc còn lại là phát hiện ra người có chiếc bướu trên lưng ấy,

 

 

[…] nước cũ bôn la, năm thứ 14 tỉ lẻ 200 triệu sau big bang,

thuở ấy, đang sống trong cảnh yên vui, mùa gió trân cam phương bắc thì lên cốc kê xem hoa ti ti nở, mùa biển lặng thì đi coi cá long tong vờn nước ở biển nam, dân nước bôn la đang sống yên bình thế thì bỗng xảy việc làm náo động cả nước, là người cầm đầu dân nước tự nhiên cứ thấy đói liên tục, ăn các thứ sơn hào  hải vị quí mấy vừa ăn xong là thấy đói ngay, danh y khám mới biết chiếc bướu trên lưng đã đến lúc đòi chuyển hóa thức thức ăn nhiều hơn trước, các vị đứng đầu dân nước đã thay nhau trị nước trong vòng một trăm lẻ tám năm, cả thảy là mười một vị, để đủ sức làm công việc trị nước các vị đã bán hết thảy rừng biển của bôn la mới có đủ tiền bạc để cung cấp thức ăn cho những chiếc bướu trên lưng các vị, cho đến vị cầm quyền thứ mười một thì bôn la chỉ còn bằng một cái xóm nhỏ,

 

 

phụ lục,

sách hồn trần có chép truyện người hát rong núi cốc,

 

nghìn năm qua ta đã hát cho núi nghe về những con đường đi lên và đi xuống

người hát rong nói

có biết

núi nói

nhưng là núi biết gì?

về những ngọn lửa

người hát rong bèn đem một lời hát đặt nơi đỉnh núi

mấy hôm sau trở lại thì thấy hoa ti ti héo

hỏi vì sao lại thế

thì núi bảo là có người đã lên núi đứng hát lời hát đó rồi bỏ đi

nhưng là hát thế nào?

hãy khóc cho thật to hỡi loài hoa ti ti khốn khổ

đấy cũng là ngọn lửa

người hát rong nói với núi

rồi cũng bỏ đi,

Leave a Reply

Your email address will not be published.