Quan niệm sai lầm của cha tôi

 

 

 

có một cuộc sinh nở không phải từ người phụ nữ, người mẹ, qua bàn tay phép màu của tạo tác, mà từ cha tôi, cuộc sinh nở diễn ra rất chậm, hình như hai ba hôm gì đó, đứa trẻ lên chín là tôi lúc bấy giờ có vẻ như không còn gì thu hút tôi hơn là theo xem công cuộc tạo tác của cha tôi, đây là hai chân con ạ, cha tôi nói, tới lúc đó tôi mới biết ngoài những việc làm khác như đi cày, đi rừng, hay đọc các cuốn sách luôn cất cẩn thận trên giá sách, cha tôi còn biết làm ra hình thể con người, mới đầu là hai chân, cuộc sinh nở bắt đầu từ hai chân, đẻ ngược, theo cách nói của người đời, không phải bắt đầu bằng thịt xương, mà bằng rơm rạ, chỉ là lấy rơm rạ sắp xếp lại thành hình dạng chân người, rồi cột lại bằng lạt tre [dây buột làm từ tre] rồi tôi cũng làm được thôi, trong lúc nhìn cha tôi dùng rơm rạ để tạo ra hình thể con người, tôi cứ nhớ câu chuyện kể về ông cụ tổ thứ chín nhà tôi, cha tôi là cháu tám đời, còn tôi là cháu chín đời ông Thông Thống, tóm được hết thảy lũ ma trốn trong làng ông Thông Thống còn làm được thì sá gì việc cháu chín đời của ông dùng rơm rạ để tạo ra hình thể con người, lũ bay không thể thoát được đâu, tôi như cứ thấy ông cụ tổ thứ chín nhà tôi đứng giữa sân, quát, và những cơn gió xào xạc cuốn về chiếc túi càn khôn, cả đời ông cụ tổ thứ chín nhà tôi chỉ với mỗi chiếc túi càn khôn đã bắt được ma quỉ, nhốt được mưa gió, sang sông nước lũ không cần có đò, lúc bấy giờ tôi cứ muốn hét lên với cha tôi, hãy để con làm cho, bấy giờ tôi cứ nghĩ con cháu ông Thông Thống thì làm chuyện gì cũng được hết, sự bồng bột của tuổi thơ khiến tôi  kiêu căng, ngạo mạn, lúc đầu tôi cứ tưởng cha tôi muốn tập cho tôi một trò chơi mới, làm thằng người rơm, nhưng không phải, hãy đi với cha ra đồng làng, ông nói, theo cha tôi ra đồng làng có cả thằng người rơm, buổi sáng tháng chín [âm lịch] lúa trì đang trỗ, lúa trì là loại lúa cổ truyền được gieo trồng trên đồng tôi lúc ấy, lũ chim đã kéo về trên bầu trời đồng làng, đông lắm, trên đồng làng, những đứa trẻ cùng tuổi tôi đang đuổi chim, những tiếng ùi hụi vang lên đây đó, có lẽ cha tôi là người đầu tiên trong làng đã thiết kế ra công trình bảo vệ mùa màng ấy, một lần nữa cha tôi làm tôi ngạc nhiên, ông lấy từ trong túi vải ra những áo quần giày mũ cũ [mà lúc ra đi tôi nào để ý] khi thằng người rơm đã vận tất cả những thứ ấy vào người tôi lại thét lên trong nghĩ ngợi: ai vậy hỡ cha, khi cha tôi đem đặt kẻ xa lạ ấy xuống đám ruộng lúa nhà tôi thì tôi mới biết kể từ hôm nay thằng người rơm đã chính thức thay tôi làm công việc đuổi chim, tôi lại thấy tự hào ở trong lòng là con cháu của kẻ hô phong hoán vũ, những ngày đầu quả tình lũ chim đã tránh xa đám ruộng lúa nhà tôi, nhưng sau đó thì chuyện đâu lại vào đó, lũ chim lại bay đến ăn lúa ruộng nhà tôi, và tôi lại tiếp tục ra đồng làng để đuổi chim, rồi một biến cố nữa đã xảy ra có tính cách tư duy triết học hơn là tư duy kinh tế, buổi sáng sớm, tôi đang sẵn sàng chờ lũ chim kéo tới thì thấy cha tôi xuất hiện trên đồng làng, tôi có lấy làm lạ vì không bao giờ cha tôi lại cùng tôi làm công việc đuổi chim, mỗi mình con đủ rồi, cha hãy về đi, tôi nói, lũ chim đã bắt đầu sà xuống đám ruộng lúa nhà tôi, từng bầy, và tôi bắt đầu gân cổ lên hét, cha tôi lặng lẽ lội xuống chỗ thằng người rơm đang đứng, hay là mày muốn trở về chốn cũ, ông vừa nói vừa tháo tung những lạt buộc để cho thằng người rơm trở về trạng thái rơm rạ ban đầu

Leave a Reply

Your email address will not be published.