Câu chuyện viết bằng bụi

Tapies Antoni,/Spainish

 

 

Bỡi những cô gái biển tết những vòng rong biển đỏ và nâu/Cho đến khi những tiếng nói của nhân loại đánh thức chúng ta, và chúng ta chìm xuống/ By sea-girls wreathed with seaweed red and brown/Till human voices wake us, and we drown[THOMAS STERN ELIOT/ THE LOVE SONG OF J.ALFRED PRUFROCK/BẢN TÌNH CA CỦA J.ALFRED PRUFROCK

 

 

tôi lại phải bắt đầu  với bác Bốn Mịch ông từ đình làng người giữ hồ sơ gia phả của làng luôn ôm trong mình một đống cổ thư, Những Khúc Thức Kỳ Hồ, rồi Cổ Quái Tinh Hoa, rồi Thần Hệ, Thần Tích, Thần Tụng, thứ văn hiến lưu ly biệt lệ, để may ra có thể cắt nghĩa về cái chết của con trai bác ấy, Lê Khái, thằng bạn chí cốt của tôi, ở trong làng, tôi với Khái chơi với nhau tự buổi hỉ muỗi chưa sạch, cùng chơi đủ thứ trò nghịch ngợm, đi hốt ổ chim trên cây, lén dộng chuông ở chùa thầy Tư Phát dưới chân núi Voi Nằm, thân thiết đến độ phải đánh nhau cho tới mẻ đầu lỗ trán, rồi ôm  nhau, khóc, ở làng quê, lũ trẻ nít chúng tôi có cái kiểu thâm giao như vậy mà giữ được cho tới buổi bạc đầu, rồi qua đi thời nông nỗi, tới tuổi trưởng thành, tôi và Khái lại cùng cắp sách đến trường, học tiểu học ở trường làng, rồi học trung học ở trường huyện, ngày nào là cũng nắm tay nhau đến lớp, thứ tình bạn cứ giống như lửa bếp, cái cách gắn kết như củi bếp với lửa, cháy, có thể nói cuộc thâm giao của hai đứa chúng tôi là một cuộc cháy, vậy mà, vào một ngày mùa đông buồn bã thằng bạn nối khố của tôi lại bỏ tôi mà đi, cái chết của Khái như làm cho cuộc đời tôi  khuyết đi một cái gì đó như thể tôi bị khuyết mất thịt da,,  Khái đã chết thật rồi, nhưng nghe ra cứ như điều chẳng thật, tại sao lại chết vậy nhỉ, tra vấn ấy cứ vang lên lên trong tâm thức tôi, chuyện là từ lúc còn học trường làng, Khái đã nghĩ ra việc mang lồng chim mồi đi nhử cu đồng, một buổi Khái đến trường, một buổi Khái mang lồng đi nhử cu, trường huyện cũng gần làng tôi, nên khi học ở trường huyện Khái vẫn tiếp tục việc  nhử cu, động cơ ban đầu nhử cu là kiếm thêm thức ăn cho gia đình, nhưng ngay buổi đầu tiên, Khái đã bị lũ cu đồng hớp mất hồn, quảy lồng về không, tiếng gù tình của lũ chim cu đã làm cho Khái phải chuyển sang hướng khác, không còn là săn thức ăn, mà là một cuộc trải nghiệm cảm xúc trên thứ nền tảng của tự nhiên, nói tóm là Khái mê tiếng hót chim cu, treo lồng chim mồi lên cây là lập tức lũ cu ở khắp nơi kéo tới, rồi chúng bắt đầu với thứ ngôn ngữ của chim, lũ cu gù nhau suốt buổi, và Khái cũng ngồi nghe suốt buổi, cuộc hành trình trải nghiệm cảm xúc cứ vậy mà trài dài trong suốt những ngày tháng của Khái, ở làng tôi người ta đã quá quen với hình ảnh chàng trai học trò quảy lồng chim lặng lẽ đi vào các khu vườn trong làng rồi lặng lẽ quảy lồng quay  về, nếu không có mùa đông bão tố ấy, cái mùa đông làm cho đám cu đồng trong các khu vườn trong làng tôi chết gần hết ấy, thì Khái có chết hay không, bác Bốn Mịch nói Khái do buồn rầu lũ chim mà chết [dứt mưa bão, Khái đi một vòng qua các khu vườn trong làng, thấy lũ cu đồng nằm chết la liệt, về, bỏ ăn bỏ ngủ một ngày một đêm thì chết]…”cho đến khi dịch sang tiếng người hết thảy các cuộc trò chuyện của chim thì ta sẽ tuyên bố cho thế giới biết là đã có một khoa học mới về chim”,  Khái đã viết thế vào những ngày cuối bậc trung học, giờ, tôi đọc nhật ký của Khái, cứ thấy lạ, một học trò trung học lại có những nghĩ ngợi rất giống với nghĩ ngợi của những nhà nghiên cứu khoa học, hay cái chết quá nhiều của lũ chim cu đã gây nên cú xốc quá lớn trong cõi tư duy như thể một thứ tiền tư duy khoa học nơi Khái, rồi tôi lại nghĩ đến bác Bốn Mịch, người đã đọc nát hết các cổ thư trong hồ sơ gia phả của làng, các cổ thư ấy, tôi biết, là dòng văn hiến luôn âm thầm tác động lên cuộc sống người làng tôi từ thế hệ này sang thế hệ khác, một cụm mây bỗng biến hóa thành dòng người bước xuống trần gian làm nên đại cuộc, hay, chỉ chốc lát vị thần đồng làng đã  thành ra câu hát ru, ví dụ những nội dung vậy, những cổ thư ấy như thể là thứ kho báu lưu linh uyển động, một thứ tinh thần thế tục nhuốm màu u linh chắc là đã thấm vào bác Bốn Mịch từ lâu, rồi bác ấy lại hoài thai cho mẹ Khái để sinh ra Khái, có thể  thằng bạn nối khố của tôi là hệ quả của một cuộc chuyển hóa khôn lường, nơi Khái có thể là hồn cốt cao sang biệt lệ đến mức chỉ cái chết của chim cũng đủ để làm ngân lên giây phút phù trầm, thì tôi cũng nghĩ lang mang vậy thôi, tôi còn nhớ hôm ấy khi tới nhà Khái thì thấy Khái đã chết mà nằm ở trên giường như đang trong giấc ngủ vậy, ông bà Bốn Mịch, cha mẹ Khái, thì ngồi ở hai bên giường Khái, khóc, tôi ngồi xuống bên bác Bốn Mịch, và cũng không cầm được nước mắt, đã hết mưa bão, nhưng trời mùa đông vẫn còn buồn bã, rất buồn, cháu cứ thấy giống như tai họa, mà đâu phải tai họa, cũng không biết nói thế nào về cái chết của Khái bác ạ, tôi nói, bác Bốn Mịch chùi nước mắt, nói, cháu là bạn chí cốt của thằng Khái nhà ta, thì cháu cứ coi đây là câu chuyện viết bằng bụi, cháu ạ,

 

 

[trong Những Ghi Chú]