gốc gác một câu ca

Cha tôi nói có một thời như thế . Thầy Năm từ đâu đến cha tôi không biết . Nhưng khi lớn lên thì ông thấy ông thầy bói ấy ở đình làng . Theo cha tôi , đình làng Lâm Thượng có ba gian , thầy Năm ở ngay gian giữa , hai gian kia là nơi làm việc của chức sắc trong làng.

 

Tôi hỏi :

– Thế thầy Năm còn lớn hơn lý trưởng của làng ?

Cha tôi đáp :

– Không phải lớn hơn. Cũng chẳng phải nhỏ hơn . Nhưng ở Lâm thượng ai làm việc gì, dù  lớn hay nhỏ , đều phải đến hỏi thầy Năm.

Theo lời cha tôi hương dịch Khuôn gả con gái cho con trai bá hộ Đoạn là do ý của thầy Năm . Hương bộ Khuê bán năm trăm vuông thóc để làm hát bội năm ngày đêm cho dân làng xem, vì thầy Năm bảo vậy con cháu Khuê mới phát đạt . Tết năm ngọ chánh tổng Bối đi ngựa về Lâm Thượng thăm nhà từ đường, đến bến mương Liên Trì ngựa vấp cỏ lùng ngã, Bối trặc chân . Thầy Năm bảo năm ngọ ngựa quị , điềm chẳng lành. Phải giết chục ngựa tơ, mổ lấy mười quả tim tế thần làng, thì thân mới yên . Lúc người phân phát thịt mang thịt ngựa tới nhà, ông nội tôi bảo đem số thịt kia cho mèo ăn . Tí ngọ mẹo dậu là tứ hành xung . Cho mèo ăn thịt ngựa là tống cái xấu khỏi nhà .

Tôi hỏi :

– Chức sắc trong làng tất ai cũng có lương lậu . Riêng thầy Năm chỉ làm việc nghĩa, lấy chi ăn ?

Cha tôi bảo :

– Thời ấy , bổng lớn hơn lương . Tỉ dụ, chánh tổng Bối giết mươi con ngựa tế thần , thì cũng phải cúng tổ thầy Năm số vàng bạc bằng chừng ấy ngựa .

Theo cha tôi, không phải thầy Năm ngồi ở đình, chờ người ta đến hỏi việc này việc kia . Mà đích thân đi đến mọi ngõ ngách làng xóm. Người đưa đường là anh con trai khoẻ mạnh, lanh lợi. Tất nhiên có đủ mắt chứ không mù như thầy Năm. Anh ta không có tên. Hoặc vì người ta cũng chẳng cần biết tên. Chỉ gọi là mổng, như bao đứa dắt thầy bói khác.

Chỗ này làm tôi thắc mắc , hỏi :

– Sao không gọi khác, lại gọi là mổng ?

Cách giải thích kiểu dân dã của cha tôi làm tôi không nhịn được cười :

– Mổng là mông nói trại đi . Bỡi gặp đường bằng phẳng , thầy Năm chỉ vịn gậy mà theo . Nhưng khi qua mương qua cầu , thầy phải bám lấy chỗ lai áo phủ xuống mông của mổng ấy .

– Thế thầy Năm cả đời chịu ơn mổng .

Cha tôi cười :

– Mổng chịu ơn thầy Năm thì có .

Nhận bổng lộc hàng ngày là việc của mổng . Thầy Năm chỉ lo việc đoán định vận số của người này người nọ . Đến tối , về đình, mổng mới trình cho thầy biết trong ngày đã thu được bao nhiêu vàng bạc .

– Lừa dối Đức tổ , mày sẽ chết chẳng toàn thây.

Đấy là câu thầy Năm vẫn dùng để nhắc  nhở đạo làm tôi của mổng . Có một đêm vào mùa đông năm ngọ , năm chánh tổng Bối bị té ngựa , cả làng kinh động vì tiếng khóc của mổng . Vào lúc nửa khuya thì có người gọi cửa nhà hương dịch Khuôn .

– Thầy hương ơi, giúp con .

Đấy là lời kêu cứu của mổng .

Khuôn vô cùng kinh hãi khi thấy người mổng đầy máu me :

– Cớ sao lại ra thế ?

Mổng gạt nước mắt , đáp :

– Thầy đánh năm mươi gậy rồi đuổi đi. Vì nghi con cất dấu vàng bạc.

Khuôn cho mổng ngủ nhờ ở máng rơm bò cho đến sáng . Sau đó thì mổng đến nhà hương bộ Khuê xin làm đứa ở .

Hương bộ Khuê cho mổng ăn trưa xong , nói :

– Thương ông thì thương đấy. Nhưng ta không dám trái ý thầy Năm , người mà cả con cháu ta sẽ còn mãi chịu ơn .

Mổng lại ra đi .

Bá hộ Đoan thì nói thẳng :

– Mày là đứa phản phúc . Cơm ai sống, giống ai nên ? Cả làng nước này chẳng ai chứa mày đâu .

Những ngày sau đó, người ta lại thấy trên các nẻo đường làng, mổng dắt thầy Năm, thầy Năm theo sau mổng, tớ trước thầy sau, lặng lẽ ung dung như những tháng năm trước đây .

Nhưng theo cha tôi thì mổng thực sự rời bỏ thầy Năm vào mùa xuân năm mùi , năm sau năm chánh tổng Bối bị té ngựa . Hôm ấy nhà xã Định giỗ ông tổ thúc . Thầy Năm phải đến cúng theo lời khẩn khoản của chủ gia . Mổng cũng rất sốt ruột , muốn đưa thầy mình đi thật mau cho kịp giờ . Nghiệt nỗi, đường đến nhà xã Định phải qua ba mương hai cầu với một quãng đường đồng lầy lội. Đến lối vào xóm nhà xã Định, thì mổng bắt đầu bước nhanh lên. Lúc mổng nhảy qua một bãi cứt trâu cũng là lúc cây gậy thầy Năm bổ lên đầu anh ta .

– Mày đui sao để tao đạp phải cứt ?

Năm ấy trời nắng hạn suốt từ mùa xuân đến mùa đông . Trời nắng thì tốt dưa. Đám dưa của mổng ở chân núi Nung, gặp nắng, trái nhiều như sung. Trong khi đó lúa đồng Lâm Thượng mất trắng . Người ta chen nhau đến mua dưa của mổng để ăn thay gạo . Nhà nào cũng còn chỉ nghĩ đến mỗi việc là làm sao cho khỏi chết đói .

Sáng ấy, các chức săc của làng đến đình thấy thầy Năm biến mất, hoảng hốt cử người đi báo tổng, tổng liền báo lên huyện . Nhưng thầy Năm vẫn bặt dạng.

– Người của trời đã trở về trời .

Các chức sắc của làng xì xầm bảo nhau .

Mưa lớn lại đổ xuống giữa một ngày đang nắng ấm . Điều gì đây ? Cả làng xôn xao.

Đám dưa của mổng dưới chân núi Nung đang tươi tốt thế, bỗng úa hết .

– Thầy Năm trả thù ta ?

Mổng lo sợ nghĩ .

Còn các chức sắc trong làng thì cho là trời nổi cơn giận dữ , vì trong những ngày đói kém, người làng Lâm Thượng đã không lo cung phụng thầy Năm .

Một sáng , mổng phát hiện ra nước con suối Lóc đổ xuống đám dưa của mình đen ngầu và có mùi hôi thối , liền đi ngược về phía thượng nguồn . Thì thấy đầu chiếc gậy quen thuộc nhô lên ở bờ suối. Một đám dòi đang bám lấy đầu gậy kia. Dòng nước đen ngầu bắt nguồn từ đấy . Chợt nghĩ việc thầy Năm đã từng dùng chiếc gậy kia đánh mình, mổng nghiến chặt răng , giật lấy gậy. Đám dòi dạt ra, để lộ một bộ xương người đang ngâm trong lòng nước .

Các trích lục ruộng đất ở Lâm Thượng đều ghi Rừng Kiến xứ . Có nghĩa, thuở sơ khai , ở đây là rừng . Đám dưa của mổng nằm dưới chân ngọn núi tiếp giáp với đất đồng Lâm Thượng. Cha tôi bảo, mổng đã đem mớ xương tàn của thầy Năm về chôn ở đất dưa của mình . Về chi tiết này tôi không tin lắm . Nhưng cha tôi nói, việc chôn cất thầy Năm, có ông nội tôi chứng kiến . Do là thế này. Ông  tôi  là người học rộng, hiểu nhiều, song không thích khoa trường, nên cả đời chỉ vui với mỗi thú săn bắn . Hôm ấy , ông tôi dẫn chó vào đuổi thỏ ở chân núi Nung , vô tình gặp mổng đang chôn cất thầy Năm, nên mới rõ mọi sự. Lúc ấy thì các vị chức sắc trong làng đã dựng xong miếu thầy Năm ở đình làng Lâm Thượng . Ngày nay, chẳng còn đình còn miếu, nhưng ở Lâm thượng , người ta vẫn quen gọi chỗ này là đất dưa của mổng, chỗ kia là đất miếu thầy Năm . Và mùa đông mà hạn hán, trẻ nhỏ làng tôi lại hát bài hát , theo cha tôi là do ông tôi làm :

 

                        Chuồn chuồn bay cao

                        Tháng mười dưa tốt.

                        Ông trời có tai

                        Thằng mổng có mắt

                        Thầy Năm có gậy

                        Mắt chẳng bằng gậy .

                        Sáng đâu hơn mù .

 

Có lần , tôi thắc mắc hỏi :

– Sao có chuồn chuồn bay cao xen vào chuyện của thầy Năm và mổng?

Cha tôi bảo :

– Chuồn chuồn bay cao là có nắng hạn . Chắc ông con muốn ám chỉ lúc thầy năm chết .

Tôi lại hỏi :

– Nhưng ông con làm bài hát ấy để chi ?

Cha tôi đáp :

–  Ý của ông , ông biết, làm sao mình đoán được .

 

                                                                     Tháng  12.1992

                                                                     Tháng  11.1997

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.