đường lên trời

Vào lúc 11 giờ 31 phút, giờ GMT, ngày 30.04.2001, nhà triệu phú người Mỹ, Dennis Tito, 60 tuổi, đã bước từ tàu vũ trụ Soyus của Nga sang trạm vũ trụ quốc tế ISS, cách trái đất 385km, sau khi được chỉ huy trạm ISS, Jury Usachev chào mừng, vị khách đặc biệt này vừa bay lơ lửng trong tình trạng không trọng lượng, vừa tuyên bố với nét mặt rạng rỡ đầy mãn nguyện: “ đây là một chuyến du lịch tuyệt vời “. Không ít báo mô tả ông là người mở ra một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên du lịch vũ trụ (1). Hay nói cách khác, ông Dennis Tito là người đầu tiên đi lên trời chơi.

Lên trời làm công việc khoa học thì những nhà thám hiểm vũ trụ đã bắt đầu làm từ thế kỷ trước. Nhưng làm sao bay vào được thế giới các vì sao thì từ ngàn năm xưa đã là ước mơ của con người. Dường khắp nơi trên trái đất này, bằng trí tưởng tượng của mình , con người đã phác hoạ ra bao ngả lên trời.

Với phép cân đẩu vân, khi vào thiên đình, khi ra Phật đình, một Tôn Ngộ Không của nước Tàu cổ đã dọc ngang khắp các vì sao.

Nhờ dẫn giúp của thầy cũ đã chết , đã thành tiên , một Phạm Tử Hư của Việt Nam đã “ …được theo thầy lên ngồi ở một bên xe, rồi cỗ xe cứ thẳng đường mà bay lên. Lên đến trời Tử Hư trông thấy một khu có những bức tường bạc bao quanh, cái cửa lớn khảm trai lộng lẫy, hai bên co những toà lầu châu, điện ngọc, vằng vặc sáng như ban ngày, sông Ngân , bến Sao ôm ấp lấy đằng trước, gió thơm phưng phức, đượm ngát quanh hiên …” (2). Đấy là vào khoảng thế kỷ thứ 16, trong áng thiên cổ kỳ bút Truyền Kỳ Mạn Lục, tác giả Nguyễn Dữ đã thảo phác ra cảnh trí vũ trụ này.

Còn lâu hơn, tự thời cổ đại, thì người Hy Lạp đã vẽ phác đến tận thuở mới có trời đất. Lúc đầu là cái Ca ốt hỗn mang, mờ mịt, từ đó, nữ thần đất Gaia với bộ ngực căng đầy xuất hiện. Đất cường tráng phì nhiêu sinh ra bầu trời vô biên Uranốt. Nhân loại là do sự phối ngẫu giữa đất và trời – giữa Gaia và Uranốt (3).

Nhà thơ Hômerơ đã mô tả sự gần gụi gần như thông thuộc nhau giữa đất với trời trong cuộc chiến ở thành T’roa (4).

Có thể nói, niềm ước mơ được vào chốn Non Bồng Nước Nhược thể hiện rõ nhất ở những người cầm bút qua các thời đại của lịch sử loài người.

Lukian, nhà văn Hy Lạp, đã cho một thủy thủ bay lên mặt trăng chỉ bằng mỗi đợt sóng ngầm.

Vônghin lại đưa ra một loại ủng đặc biệt làm cho các nhân vật của ông mất trọng lượng, nhờ đó họ đi lại trong bầu trời như đi lại trên mặt đất.

Để thắng sức hút của trái đất, Hécbơ Oenxơ đã chế ra con tàu đạn bọc chất kê rô vit để đưa nhân vật của mình lên thăm chị Hằng (5).

Đến Jules Verne (1828-1905), nhà văn Pháp, thì đường lên trời được ông tính toán có vẻ khoa học hơn. “… Những hội viên câu lạc bộ Đại Pháo, hội của các pháo thủ được thành lập ở Baltimore sau cuộc chiến tranh châu Mỹ, có ý định bắt liên lạc với mặt trăng, phải, với mặt trăng, bằng cách phóng lên một viên đạn đại pháo. Sau khi tham khảo ý kiến của những nhà thiên văn ở đài quan sát Cambridge, Barbicane, chủ tịch câu lạc bộ, người khởi xướng công trình, đã cho thi hành những biện pháp cần thiết để tiến hành công trình kỳ lạ này…Hội nghị quyết định: 1) vậtt phóng đi sẽ là một trái đại pháo bằng nhôm, đường kính 108 pút, bề dày 12 pút, quả đạn nặng 19.250 pao; 2) đại pháo sẽ là khẩu Colombiad bằng sắt, dài 900 bộ, kéo trực tiếp trên mặt đất; 3) lượng thuốc sẽ dùng là 400.000 pao thuốc súng bông, phát ra 6 tỷ lít khí dưới vật phóng, sẽ đẩy dễ dàng vật này đến cung trăng… “ (6).

Cái tên lửa thô sơ và lắm lủng củng của Jules Verne đã được nhà bác học Nga Cônxtantin Xiôncốpxki ( 1857-1935) thiết kế lại bằng cách nhờ vào định luật vũ trụ hấp dẫn của nhà bác học Anh, Newtơn ( 1642-1726). Các công trình khoa học của Cônxtantin Xiôncốpxki đã lần lượt ra đời : Con tàu vũ trụ, 1924, tên lửa vũ trụ, 1927, tên lửa vũ trụ nhiều tầng, 1929, vận tốc tối đa của tên lửa, 1935. Để đến năm 1961, nhà du hành vũ trụ đầu tiên người Nga Iuri Gagarin bay vào không gian bằng con tàu Vostok .

Có nghĩa, con người của hành tinh này đã thực sự bước chân vào thế giới các vì sao. Ngày nay, đường lên trời là có thật. Con người của trái đất này sẽ lần lượt bước lên sao Hoả sao Kim, và các hành tinh khác. Nhưng chưa biết đến chừng nào thì mới có những phi thuyền du lịch để chở những người thích đi chơi xa như ông Dennis Tito của nước Mỹ.

Và có lẽ là ông Dennis Tito không biết ở thế kỷ trước đã có một người Việt Nam cũng thích đi lên trời chơi như ông, là nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Vào một đêm trăng sáng , khoảng năm 1921, ông Hiếu ngâm nga thơ mình, làm trời mất ngủ . Trời giận, sai người gọi ông lên đọc thơ cho mình nghe thử. Trong lần lên trời này, văn chương ông Hiếu đã được trời khen là tuyệt tác. Và cũng vỡ lẽ ra không phải ông bị trời đày xuống trần gian vì tội ngông, mà vì việc thiên lương (7). Rồi vào một buổi chiều hôm bóng lặn, khoảng năm 1932, ông Hiếu một mình thơ thẩn trên cánh đồng làng Xa La, trông thấy con diều hâu đang lượn thì “… nghĩ cho con người ta có cái thân ở đời mà nếu không làm được nên sự nghiệp gì …thời chẳng thà được như con diều hâu đó, đem cái thân mà làm bạn với trời xanh… “ (8). Đang suy nghĩ thì ông trông thấy một anh chàng dắt con trâu đi qua, hình dung khác với những người chăn trâu ở thôn quê. Anh ta vừa dắt trâu đi vừa ngoảnh nhìn , và chợt gọi to lên: Nguyễn Khắc Hiếu lại lên đấy ư ? Chiều hôm ấy, thoắt cái, nhà thơ núi Tản sông Đà đã lên đến trời. Thì ra anh bạn dắt trâu là chàng Khiên Ngưu (sao Ngưu ) người đã tiễn nhà thơ trở về trần gian trong chuyến lên trời hồi năm 1921. Lần lên trời này, Tản Đà đã gặp Đông Phương Sóc, gặp chú Cuội ở cung trăng, gặp ông Khổng Tử, ông Nguyễn Trãi, ông J.Jousseau, gặp cả Tây Thi, Vương Chiêu Quân, rồi lại đi làm báo với cụ Hàn Thuyên. Không thấy đọc thơ cho trời nghe như lần trước. Chỉ thấy nhà thơ chuỵện trò với những người ông gặp về việc nhân sinh và thiên sinh (9. Không phải vì ham vui như ông Dennis Tito đã bỏ ra 20 triệu đô la để thuê tàu vũ trụ của các nhà khoa học lên trời chơi. Có lẽ lần lên trời này, Tản Đà muốn qua các cuộc chuyện trò với các bậc tiền bối đã thành tiên để kiểm nghiệm lại những suy nghĩ của mình về cuộc sống ở trần gian – “ cõi đời cũ “ – , những suy nghĩ đã nảy ra lúc ông đi chơi ở hòn Cù lao ở Bắc Băng Dương – “cõi đời mới “ – hồi tháng giêng năm 1922  ”… ở dưới cõi đời cũ thời , sự chính trị tiến hoá bao nhiêu, sự tham nhũng tiến hoá cũng bấy nhiêu; sự pháp luật tiến hoá bao nhiêu, sự trộm cướp tiến hoá cũng bấy nhiêu; sự văn học tiến hoá bao nhiêu, sự xỏ xiên tiến hoá cũng bấy nhiêu; sự vệ sinh tiến hoá bao nhiêu, sự giết người tiến hoá cũng bấy nhiêu; sự lễ nghi tiến hoá bao nhiêu, sự tàn bạo tiến hoá cũng bấy nhiêu; sự công nghệ tiến hoá bao nhiêu, sự giả dối tiến hoá cũng bấy nhiêu; sự thương mại tiến hoá bao nhiêu, sự lừa đảo tiến hoá cũng bấy nhiêu; sự nông tang tiến hoá bao nhiêu, sự dâm đãng tiến hoá cũng bấy nhiêu… “ (10) .

2001-2015
_______
(1) Thể thao và văn hoá , số 36 , ngày 4.5.2001
(2) Truyện Phạm Tử Hư lên chơi thiên tào , Truyền Kỳ Mạn Lục , Nguyễn Dữ .
(3) Theo Thần Thọai Hy Lạp
(4) Xem Iliat , Hômerơ .
(5) Dẫn từ sách Từ cây gậy thần Acsimét , Nguyễn Hữu Dy , NXB Kim Đồng , 1983 .
(6) Bay quanh mặt trăng, Jules Verne
(7) Dẫn theo bài thơ Hầu trời , Tản Đà .
(8) Giấc mộng con , Tản Đà
(9) Dẫn theo Giấc mộng con , Tản Đà
(10) Giấc mộng con , Tản Đà

Leave a Reply

Your email address will not be published.