văn chương là tín ngưỡng

Tới nay, số tác phẩm của ông đến với công chúng (in tập) mới có 4 cuốn: 2 tập truyện ngắn “Khoảnh khắc giữa ngày và đêm”, 1986 và “Khúc rọ rưa”1998, 2 tiểu thuyết “Trở lại Xương Quơn”,2007 và “Người đánh cắp sự thật”,2008. Kể cả  một số truyện ngắn in lẻ tẻ, số lượng “chữ” của ông đến với bạn đọc hơn 30 năm cầm bút là không nhiều không ít. Nhưng ông, với cái cách “nhập thế”, cách nghĩ về văn chương của mình, nhiều người cho là “cao đạo”, khó gần. Thực ra không hẳn vậy.  Sau đây là cuộc trò chuyện của tôi và ông.

*Văn chương là tín ngưỡng:

[“Văn chương là thánh đường của nhân sinh mà nhà văn là kẻ tự nguyện tử vì đạo”, một lần ông nói. Tôi cười bảo: “Có gì mới đâu? Đây cũng là quan niệm chung của nhiều người, họ tin rằng nhà văn là phải “dấn thân”, phải “đánh cược” cả đời mình với trang viết, với chữ nghĩa”].

– Ông còn nhớ phát biểu này của ông nhiều năm trước đây không, và giờ thì có gì thay đổi”

– Năm ngoái báo Văn Nghệ in truyện ngắn “Thử đề xuất với trần gian” của tôi, về căn bản với truyện ngắn này tôi vẫn muốn nói rằng, sự hư cấu, sáng tạo luôn gần với tôn giáo. Với tôi, văn chương là một niềm kính ngưỡng. Ai bảo “trò chơi”, bảo “cuộc chơi” cũng chỉ là cách nói, không có nghĩa họ xem nhẹ văn chương. Với phần lớn người cầm bút có ý thức về công việc mình đang làm, tôi tin rằng cuộc “nhập hóa” của họ, khoảnh khắc ấy, thời khắc ấy, đều có trạng thái gần với “lên đồng”. Chữ sáng tạo với văn học nghệ thuật tự nó đã hàm chứa quyền năng thiêng liêng đó.

– Ông nhiều lần nói đang viết cuốn A, cuốn B…, rằng “trời cho” chứ không phải do mình nghĩ ra. Có người thấy sốc, bảo ông thái quá, họ nói ông cao đạo, chỉ ông “trời” mới “cho”?

– (Ông cười mà không vui) Chỉ là cách nói. Thực ra, viết là để chuyển tải một thông điệp dường như mình phát hiện, bằng cách riêng. Dường như thôi, vì làm gì có phát hiện thực sự, tiền nhân đã nói nhiều rồi. Chỉ khác ở chỗ cách chuyển tải thế nào, tức là phần hình thức. Với tôi, tìm ra cách chuyển tải một vấn đề của nhân sinh cho phù hợp, cho riêng mình, có khi hết sức tình cờ, tôi nói “trời cho” là ý này. Là tôi nói cho riêng tôi như một tâm sự về nghề văn. Thiệt tình, văn là đạo. Ai cũng có quyền chọn cho mình một tín ngưỡng. Cao thấp gì! (lại cười)

[Dẫu gì tôi cũng thích câu này của ông nói với tôi và một số bạn bè rằng ông “đang viết kinh” (hiểu là Kinh Thánh, Kinh Phật, Đạo Đức kinh, Trung Dung, Đại Học, Nam Hoa kinh…), tức là đang viết một cuốn sách. Tôi thích cái nghĩa nghiêm trang vô cùng mà ông dành cho văn chương nói chung, cho việc ông đang dấn thân. “Kinh” ông có người tụng niệm hay không lại là chuyện khác nhưng xác định việc mình đang làm thiêng liêng và nghiêm cẩn như ông cũng là điều đáng trọng. Có lần gặp nhau, câu hỏi thăm đầu tiên của tôi là “anh đang viết kinh hay làm gì?”, ông bảo “cậu hỏi cắc cớ”].

* “Viết để ai cũng đọc được thì tôi không viết được”

Trừ “Khoảnh khắc giữa ngày và đêm”, 3 cuốn sách đã kể, truyện ngắn hay tiểu thuyết của ông nhiều tầng nghĩa, nhiều biểu tượng, nhiều triết luận, nói chung là khó đọc, khó hiểu, đây là nhận xét của một số bạn đọc. Họ cũng đã tốt nghiệp đại học đàng hoàng chứ không phải công chúng abc. Ông nghĩ sao về nhận xét này?

– Tôi làm hư cấu chứ không làm triết lý lại càng không thích được gọi là “nhà văn” vì gọi như thế thì có vẻ quan trọng quá. Tôi luôn tôn trọng độc giả. Tác phẩm viết ra chỉ có số ít bạn đọc, lại có số ít người hiểu thì cũng buồn. Nhưng hãy hỏi ông F. Kafka rằng ổng có cần nói cho mọi người hiểu hết không? Hay hay dở là tùy đánh giá của người đọc, cuốn sách đã in ra, nó tự chịu trách nhiệm về số phận của mình. Nhiều người đọc và chia sẻ, có thể theo cách tiếp nhận của họ chứ không hẳn ý tưởng của mình, cũng tốt. Dù sao, viết để ai cũng đọc được thì tôi không viết được.

– Vậy hoặc là đánh đố độc giả hoặc nhất thiết phải nhờ cái anh phê bình gia?

– Không phải nói theo ông Nguyễn Tuân đâu, tôi chúa ghét kiểu “luận”, “tán” nhảm. Tôi luôn ưu tư về cuộc sống. Chỉ muốn nói về nhân sinh, về cuộc sống bằng tất cả cảm hứng và đầy yêu mến. Còn cách nói là bất chợt đến mà tôi cho là phù hợp. Nếu “Trở lại Xương Quơn” rất truyền thống thì “Người đánh cắp sự thật” hiện đại hơn. Tôi viết không để hóa độ chúng sinh. Ai đọc được và tâm đắc thì mừng chứ. Ngược lại là buồn thôi. Buồn chứ.

[Ông từng mê chim. Ông bảo nghe chim hót hay hơn nghe người nói. Rồi ông mê phong lan, ông kỳ công chăm những cây con cấy mô đến khi ngắm hoa nở thấy hạnh phúc, và gọi đây là thú tao nhã. Giờ thì ông rất ghiền internet. Lập blogs, trang web. Viết. Kỳ công xây dựng các kho my music, my picture…Tất nhiên, chim và lan vẫn còn đó nhưng ông ít nói về nó như trước. Nhưng trước sau, quan niệm về văn chương của ông vẫn khá nhất quán].

– Ông nghĩ sao về ý nghĩa của văn chương, về tính lan tỏa, về giá trị thực của văn chương trong đời sống, với tư cách một người sáng tác? 

– Văn chương là viết về nhân sinh, vì nhân sinh. Nhưng càng tham vọng giải thích về nhân sinh càng thất bại. Văn chương luân lý là giải thích vấn đề nhưng văn học hiện đại chỉ đặt vấn đề chứ không giải quyết vấn đề. Nhân sinh đủ thông minh để giải quyết chứ không phải tác giả. Ông Nguyễn Du vĩ đại ở chỗ ổng viết Kiều chỉ “mua vui” thôi chứ không phải giải quyết rốt ráo.

– Trở lại chuyện nhiều ẩn ngữ, nhiều tính triết luận trong tác phẩm của ông thì…

– Tôi là học trò của các nhà triết học. Và tôi cũng có hệ thống triết học trong sáng tác của tôi chứ. (Cười lớn sảng khoái)

– Ông từng mê cách viết giản dị mà vô cùng uyên áo của Nam Hoa kinh của Trang Tử, của cách viết Sử ký Tư Mã Thiên và văn chương cổ Đông phương nói chung. Giờ thì ông có gì mới không?

– Vậy tôi có gì cũ không? Chỉ sợ tôi không còn sức khỏe và thời gian…

*Chỉ sợ không còn nhiều thời gian:

[Trừ mấy cuốn sách đã in, chồng bản thảo đã hoàn thành của ông thể loại tiểu thuyết còn khá nhiều: “Những tháng năm nghiệt ngã”, “Vật gia bảo một dòng họ”, “Phát thảo về một cuốn dư địa chí”, “Bên này trần gian”. Hầu hết số này tôi được đọc từng chương mỗi khi đến chơi, ông không kiềm chế được cái sự khoe khoang này. Thực ra chính ông cũng hồi hộp chờ nghe “nhận xét” của độc giả tôi mà ông có phần tin cậy- khen hay chê- coi như một lần có người chịu nghe, chịu nghĩ về trang viết của mình, là đã “xuất bản”].

– Trước đây ông từng lo sách ông khó in. Đã có trớn vài năm nay, chắc những cuốn còn lại tiếp tục đến với bạn đọc?

– Tôi có quá ít thời gian để làm vi tính lại những bản thảo ấy. Cái nào làm được trước thì gửi in trước. Giờ đang viết trên máy cuốn “Tặng vật của trời”. Sức khỏe lại lương ương quá.

– Vậy thuê người đánh vi tính…?

– Mỗi lần làm là một lần sửa chữa, không thể giao cho người khác. Tôi vừa muốn làm lại cho xong mấy tập viết tay lại cứ bị các ý tưởng ám nên ngồi vào máy luôn, muốn viết cái mới. Trong sáng tác có cái “tức thì”. Đây là điều người cầm bút không thể nghĩ trước được.Cũng như tình yêu, văn chương là cái “tức thì”. Chỉ lo không còn mấy thời gian…

[Trò chuyện văn chương với Lê Hoài Lương, tháng 12-2008]

Leave a Reply

Your email address will not be published.