tranh Scott Bergey/Canada
16/ chú Bảy Huấn như vị anh hùng cái thế từ tiền tuyến mang tin chiến thắng về hậu phương, lần này thì quân ta thắng lớn ở Bình Mộc, chú Bảy Huấn nói, Bình Mộc là ở đâu, tôi không cần biết, chỉ nghe mỗi tên đất ấy là đã thấy vang dội, những trận đánh trong các câu chuyện cổ tích thì tuổi thơ tôi đã nghe bao nhiêu bận từ miệng mẹ tôi kể ra, nhưng lần này thì khác, không phải chuyện cổ tích, mà chuyện bây giờ, chuyện vừa mới xảy ra, được kể ra từ miệng chú Bảy Huấn, chính là người đã làm ra trận đánh ấy đem ra kể cho chúng tôi nghe, cách đấy mấy hôm, một anh bộ đội về phép [cũng từ cực nam về] cho hay vị sư đoàn trưởng khét tiếng trong đánh trận ấy săp về làng, buổi trưa, đã nghe thấy tiếng nhạc ngựa ở đầu làng, mọi người ai cũng biết người ấy đã về [ở làng tôi thì có ai đi ngựa ngoài chú ấy đâu] cái buổi trưa tháng năm cứ cho là lạ nhất trong cuộc đời tôi, cứ như chuyện cổ tích, chứ gì nữa, người anh hùng thắng trận thì cứ ngồi yên trên lưng ngựa [một trung đoàn địch coi như hỏa lực rất lớn đó, nhưng đã bị quân ta tiêu diệt/ chú ấy vẫn ngồi trên lưng ngựa để nói] với lại làm sao xuống ngựa được chứ, người lớn thì có lớp lang đàng hoàng, nhưng lũ trẻ nhỏ trong làng thì cứ nhao lên vây quanh con ngựạ chú ấy, không biết con ngựa thích thú hay sợ hãi, cứ hí vang, bấy giờ thì tôi đã sắp sửa chuyển sang hàng ngũ thanh niên trong làng, có nghĩa không còn thuộc hàng ngũ trẻ con nữa, nhưng thứ ký ức tuổi thơ vẫn còn đậm đặc trong tôi, nhìn con ngựa chiến của chú Bảy Huấn tôi không ngớt liên tưởng đến đám ngựa sắt, đôi khi là ngựa trời phun ra được lửa, trong các câu chuyện kể của mẹ tôi, hoan hô ông tướng [bấy giờ, sư đoàn trưởng là thuộc hàng tướng rồi đó], lũ trẻ nhỏ vừa vây quanh con ngựa chú Bảy Huấn vừa hoan hô váng trời váng đất, bấy giờ những hoan hô, đả đảo, hay địch, ta là những từ ngữ thuộc thời đất nước có ngoại xâm, hoan hô ông tướng…lũ trẻ trong làng có đứa chưa gặp chú Bảy Huấn bao giờ, chú ấy vào nam tham gia gia các trận đánh tự hồi đầu cuộc kháng chiến, nhưng nghe người lớn trong làng kể hoài về chú ấy , lâu ngày chú Bảy Huấn trở thành hình ảnh đặc biệt trong tình cảm của lũ nhỏ trong làng, kể nữa đi ông Bảy, lũ nhỏ cứ nhao lên, nắm lấy tay chú Bảy Huấn, giục, cái cách của lũ chúng là thuộc về sự hiếu ký, cứ nghe có đánh đấm nhau là được, một tiểu đoàn của ta diệt gọn một trung đoàn của địch, chú Bảy Huấn nói, không hiểu một trung đoàn là sao, một tiểu đoàn là sao, nhưng khi nghe có chuyện hai bên đánh nhau thì chúng vỗ tay hò reo, những khái niệm về chiến tranh chết chóc là thuộc vể niềm day dứt của những người lớn, chờ nghe chú Bảy Huấn kể về các trận đánh là để coi thử đã đến lúc kết thúc chiến tarnh chưa, để khỏi phải nhóm chợ đêm, khỏi phải đi cày vào ban đêm, con người sống mà cứ ngay ngáy lo không biết Pháp đi càn lúc nào, oanh kích lúc nào, chỉ sau đó mấy tháng thì ký kết đình chiến giữa bên kháng chiến và người Pháp thực dân, nhưng lúc bấy giờ, trong cuộc chuyện trò ấy, cả chú Bảy Huấn cả người làng, không ai có thể nhận ra chút tín hiệu nào về cái hiệp định ngưng bắn đầy bi kịch ấy, lịch sử chiến tranh của nhân loại vẫn luôn là điều bí ẩn,
Bên bờ vịnh Cri Bonei [Bi Lị Thi Nại]
sáng mồng ba tết Nhâm Dần [3.2.20212]
[trong tiểu thuyết đang viết: Những Đứa Con Thất Thủ Của Đất]