Ký ức về sự ngớ ngẩn của lịch sử

Christian Silvain/ Bỉ

 

 

và khi làng tôi tìm ra được giống lúa chỉ ba lần trăng tròn là có lúa chín để gặt [lúa ba trăng] thì ông già mù gảy đàn bầu làm được khúc trăng đầy / nguyệt mãng [bảy mươi năm ông cụ mù lòa vẫn sống nơi làng tôi với cây đàn bầu và gảy những khúc người ta làm sẵn] mới hôm qua thôi có người đến nói làng ta tìm được giống lúa mới, đêm, lại có kẻ đến đọc cho ta nghe khúc nhạc này, đây là khúc trăng đầy, kẻ ấy dặn, ông cụ nói, hay là từ lâu cụ vẫn ước mơ và bây giờ đã làm được, tôi nói, ta nửa chữ không nhìn thấy làm sao làm ra được một khúc nhạc, ông cụ nói, rồi tiếp tục đàn cho tôi nghe, tiếng đàn bầu có vẻ giống một bản tường trình về thế giới, rồi tôi như nhìn thấy được trong tiếng đàn ngọn gió làm rung rinh hết thảy những nỗi niềm thầm kín trong tôi, trong thứ âm vực ngân nga ấy như đang chìm xuống những lớp phù sa cuộc sống, những hoài bão bị ngăn chận tự lúc mới bắt đầu cuộc hành trình, ai ngã xuống giữa cuộc vui, dường những bất hạnh của mỗi con người trở thành thứ bí mật riêng tư, ông cụ mù lòa như đang nhập vào cuộc âm vang, và có vẻ như ông cũng chẳng hề hay biết là mình đang chùng xuống cùng thứ âm vang buồn chết ruột gan ấy, trăng đầy hay không đầy cũng vậy thôi, ông cụ bỗng cất tiếng hát làm tôi rất đỗi ngạc nhiên, lần đầu tiên tôi thấy ông làm ra được ca từ, sự mặc khải của tự nhiên, hay những dồn nén quá lâu đã đến lúc phải nói ra, con người là cuộc trăm năm, một chốn của qui hồi vĩnh cửu, rồi, tôi và em đứng nấp dưới trăng, không dám nói to, rồi, mẹ cha ta cũng có thời đứng nấp dưới trăng, cũng không dám nói to, ông cụ lại ứng khẩu hát, những ca từ về một thời của tuổi trẻ, những bí ẩn của cuộc đời một người, bấy giờ, với tôi, ông cụ là một niềm bí ẩn, tôi và em đứng nấp dưới trăng, không dám nói to vì sợ trăng nhìn thấy, với tôi, bấy giờ, ông cụ là một ví dụ về sự bí ẩn của cuộc sống, rồi lũ con trai con gái làng tôi kéo đến ca hát với ông cụ mù lòa, đêm, ở làng tôi, buổi ấy, có một cuộc phong lưu thôn dã, thì ban ngày làm lụng vất vả nhưng đêm đến lại kéo đến nghe đàn bầu và hát những khúc gió trăng lãng tử thì không phong lưu là gì, cứ tưởng cuộc phong lưu kéo dài vô tận, nhưng không, lịch sử có cách dẫn dắt con người theo cách của nó, có bao nhiêu hình dung từ để gán cho sự dẫn dắt của lịch sử khi người ta nổi giận, ở đây tôi chỉ mô tả, là lịch sử đã đề xuất với đám con trai con gái làng tôi hãy rời khỏi những lũy tre làng, thời của vinh danh sự giàu có [bằng cách ca ngợi hết lời những kẻ làm ra nhiều của cải] thời của vinh danh cá nhân, chưa bao giờ cá nhân lại được ca ngợi như những ngôi sao trên mặt đất [ai ngất ngưởng giữa chốn xướng ca vô loài, ngất ngưởng trên sân đá bóng, hay ngất ngưỡng giữa chốn quan trường] lịch sử như thứ sức hút lôi đám con trai con gái làng tôi ra khỏi quê hương của chúng, riêng đám con gái có vẻ rất mê làm ca sĩ, làm ca sĩ thì vinh quang hơn hát theo tiếng đàn bầu của ông già mù chăng, không còn ai hát với mình, ông già mù cũng thôi đàn, ít lâu sau thì chết, vì buồn