Lũ lính gác mặt trời và tôi

 

Carter Wellborn /American 

 

 

Vào ngày thế giới kết thúc/Con ong lượn trên ngọn cỏ ba lá/Người đánh cá sửa sang lại tấm lưới lung linh/ On the day the world ends/A bee circles a clover/A fisherman mends a glimmering net/CZESLAW MILOSZ/A SONG ON THE END OF THE WORLD/MỘT BÀI CA VỀ NGÀY TẬN THẾ

 

 

rồi những mảnh ký ức cứ tưởng chỉ là những vụn vặt của buổi ấu thơ lại hiện ra trong tâm trí như thể một thứ công án thiền làm thay đổi cách nhìn thế giới của tôi, anh Cam Sành nói cho em nghe đi, thật ra, tôi đã quên bẵng con Tia con chú Bảy Ngự, cho đến đêm hôm ấy, trong một giấc mơ muộn, khi lũ lính gác mặt trời đánh thức người làng lần đầu [lũ lính gác mặt trời là lũ gà trống gáy/tôi sẽ nói chuyện tích này sau/lũ lính gác mặt trời đánh thức lần đầu là gà gáy lần đầu đó] thì bỗng nghe thấy con Tia con chú Bảy Ngự gọi tên tôi, giấc mơ cũng chỉ chừng ấy, chỉ mỗi lời của con Tia con chú Bảy Ngự, thật ra thì lời ấy là con Tia đã nói với tôi trong lần chúng tôi tranh nhau nói ra sự hiểu biết của mình về một con vật trời, một con bọ ngựa, bọn trẻ chúng tôi gọi là con ngựa nhà trời, và coi như là con vật trời có vẻ thân thiết nhất với tuổi thơ chúng tôi [nguyên văn lời ấy là thế này: anh Cam Sành nói cho em nghe đi, đó là người nào hay chỗ nào/Cam Sành là tên của tôi hồi ấu thơ] đấy là cái buổi trưa tháng tám, mùa thu, mùa thu ở quê tôi thì cái dịu mát của thời tiết đang len vào thứ nắng hạ [gay gắt] đang tàn, buổi trưa tháng tám, tôi với con Tia con chú Bảy Ngự, nhà kế sát nhà tôi, lục đục ngoài bờ rào vườn, bờ rào chung của hai nhà, để tìm bắt ngựa nhà trời, và khi trong tay mỗi đứa đã có một con ngựa nhà trời, chúng tôi bắt đầu tranh luận về quê quán của con vật trời ấy, tức tranh luận về trời, nơi/kẻ đã cử bọn bọ ngựa xuống chơi với đám trẻ chúng tôi, anh Cam Sành nói cho em nghe đi, đó là người nào hay chỗ nào, con Tia con chú Bảy Ngự nói, anh Cam Sành đã nói ra, em Tia không được cãi đấy nhé, tôi nói, được, con Tia con chú Bảy Ngự nói, tôi nói trời vốn là một cái chảo gang thật to làng dùng để nấu xáo bò mỗi lần cúng đình làng, tức cúng trời, rồi có một lần, những người làm công việc nấu nướng đã ăn thử xáo bò trước khi cúng, trời tức giận, đá cái chảo gang bay lên trời, từ đó người làng luôn nhìn thấy một cái chảo thật to úp ở trên đầu mình, tôi nói theo cách cắt nghĩa bầu trời của mẹ tôi, con Tia bỗng nhảy lên, reo, không phải, anh Cam Sành trật rồi, con Tia bắt đầu cắt nghĩa ông trời theo cách của thím Bảy Ngự, là một người đàn ông không có râu, đêm thì ông ấy cứ leo lên ngồi ở chỗ thật cao để nhìn người làng… trời là một ông không có râu, nhưng có rất nhiều con mắt, con Tia kết thúc như vậy, bỗng chúng tôi chẳng nói chẳng rằng, cứ đứng nhìn nhau như chẳng phải là hai đứa trẻ hàng xóm với nhau, cứ thấy như là những kẻ xa lạ, rất xa lạ, bỡi tôi với con Tia thấy không còn đứng chung với nhau dưới một bầu trời [cái chảo gan to tướng thì chẳng có liên quan gì với người đàn ông không có râu] bọn trẻ con chúng tôi là rất hồn nhiên và thành thật, từ cái buổi trưa định mệnh ấy là tôi với con Tia con chú Bảy Ngự không còn chơi với nhau nữa, rồi tôi vào đại học, rồi con bé Tia trở thành cô Tia xinh đẹp ở trong làng, và đi lấy chồng, và chết trong bom đạn của chiến tranh, cho đến khi mảnh ký ức thời ấu thơ ấy hiện ra trong tâm trí tôi, thì tôi với nàng, quả tình, vẫn không còn đứng chung dưới một bầu trời, đâu phải chỉ Rainer Maria Rilke của nước Đức mới viết được ‘‘Sầu ca  Dunio’’, mà tôi, thì tôi cũng có thể viết được ‘‘Sầu ca làng Cù’’ [*] không hiểu sao tôi cứ có thứ cảm tưởng không yên là như thể càng ngày chúng ta càng không còn đứng chung dưới một bầu trời, cho đến lúc lũ lính gác mặt trời ở làng tôi đánh thức lần thứ hai, tôi vẫn còn nghĩ ngợi về con bé Tia con chú Bảy Ngự, và cứ thấy nhớ nhung một cái gì đấy,

 

______
[*]
làng Cù tôi/mùa đông mang áo tơi chằm lá núi/con cuốc gọi /năm canh rả rích cơn mưa/những trường đoạn buồn vui/gửi hết cho ánh mặt trời/từ làng Cù tôi đi/chân không dám rời đất mẹ/xanh xao giấc ngủ/cơn ác mộng làm nát lòng ngọn gió sớm mai/ở làng Cù tôi/con gà gáy buổi sớm mai/bờ cỏ đồng làng thức dậy/con trâu nhai rơm/người cha khua cây cuốc ở hiên hè/những cuộc tình khởi lên dưới ánh mặt trời/làng Cù tôi/câu hát đồng dao vắt ngang qua đám hoa muồng đỏ thắm/trên núi Voi Nằm/người đi chín mươi chín trường đoạn thâm u/quay về vẫn thấy/núi Voi Nằm đỏ rực màu hoa muồng…/trong DẤU VẾT MẶT TRỜI của tôi,