Em có nhìn thấy buổi sớm mai ta ngửa mặt nhìn trời

Giovanni Bosco/Ý

 

 

những biến động của thế giới làm lầy lội trí nhớ của ta, nàng, đang lạc giữa hỗn mang, có thể là ta không còn được gặp em… [Vĩnh biệt, những khúc bi ca như tiếng thở dài của tôi, vĩnh biệt/Tôi sẽ không còn quan tâm đến tình yêu hay quan tâm bạn nữa/Nhưng những gì tôi viết[là] bản thể của tôi sẽ còn mãi/ Và nhà thơ luôn sống trong câu thơ của mình/Adieu, my sighing elegies, adieu!/I’ll be no more concern’d with love or you/But what I write my being shall survive, /And in his verse the poet ever live–Ovid/Amores/Book III/Elegy XV/To Venus, that he may have done writing elegies–Ovid/Tình yêu/Cuốn thứ III/Bi khúc XV/ Gửi Venus, rằng ông ta có thể thực hiện viết bi ca] …dường các ngả đường lịch sử đều có kẻ canh giữ, và ta, đang giữa cơn mơ, có ai đó vừa mới mở thử những trang sử cũ, ngột ngạt, và ám ảnh, có lẽ là có quá nhiều những giọng nói phát ra từ vô số hệ hình nghĩ ngợi đông tây cũ mới tích đọng thành chữ viết, người ta nói đủ thứ, về cái đã qua, về cái chưa qua, về cái không biết đã qua chưa… người hát rong bỗng ngã chết giữa một sớm mai hồng hóa thành con chim màu đen đêm đêm về đậu nơi tàng các thư ở kinh đô một vương quốc ông vua còn đủ chân tay nhưng phải đi xe lăn vì tàn tật trong nghĩ ngợi, hóa ra vẫn còn có kẻ giả mặc áo vải đi giày vải và ngủ đất, để nói những lời lớn lao về tổ quốc mình, xin nói, tất cả đều là giả, chỉ cốt để được đi vào sử sách, hóa ra có kẻ còn coi thế giới là cái lò giết mổ, cứ sợ không còn gặp được em, tắt đường, đám chủ hiếu chiến các bầy đàn vẫn đang gườm nhau, chửi bới nhau, thách đấu, ta cứ muốn lật tung cả mặt đất đã quá lâu đời và quá nhiều những thành lũy tri thức này để có thể nói ra được, vậy thì thế giới ta đang sống nó là gì, em có nhìn thấy buổi sớm mai ta ngửa mặt nhìn trời và vẫn cứ cô độc giữa sự đông đảo của thế giới… [Khi ông A-đam được một trăm ba mươi tuổi, thì ông sinh ra một người con trai giống như ông, theo hình ảnh ông, và đặt tên là Sết. Sau khi sinh ông Sết, ông A-đam sống tám trăm năm và sinh ra con trai con gái. Tổng cộng ông A-đam sống được chín trăm ba mươi năm, rồi qua đời. Khi ông Sết được một trăm lẻ năm tuổi, thì sinh ra E-nốt. Sau khi sinh E-nốt, ông Sết sống tám trăm lẻ bảy năm và sinh ra con trai con gái. Tổng cộng ông Sết sống được chín trăm mười hai năm, rồi qua đời. Khi ông E-nốt được chín mươi tuổi, thì sinh ra Kê-nan. Sau khi sinh Kê-nan, ông E-nốt sống tám trăm mười lăm năm và sinh ra con trai con gái…./Sáng thế ký/ Chương 5/ Đoạn 3,4,5,6, 7,8,9,10,]…giữa những giấc mơ, ta lại nhìn thấy em, tuyết rơi, và em, lũ gấu phương bắc vẫn thắc mắc hoài về chuyện tại sao tuyết vẫn rơi nhiều ở phương bắc, em vẫn bối rối lúc nhìn ngắm mặt đất, hóa ra thế giới như thể thứ thi ca vừa có quá nhiều ý nghĩa vừa vô nghĩa, giữa những giấc mơ dai dẳng, ta không thể quên là mình đang trôi giạt giữa những cuộc chơi nghiêm trọng và có vẻ không bao giờ dứt

 

 

[trong Ở Phía Đông Tôi]