Đã có một tường trình khác về thế giới

Pablo Picasso/Tây Ban Nha

 

ta vẫn ngồi giữa con hẻm văn chương nơi nghe thấy tiếng đục đá núi Voi Nằm, bọn ăn cắp tài nguyên  tổ quốc đó, và nghe thấy bọn ngông cuồng của thế kỷ đang trích dẫn Heraclitus, trích dẫn Plato, Aristos, và trích dẫn cả học trò Hegel, chuyện biến dịch cho tới thời hoàng kim ấy mà, trời đêm hoạn nạn, các ngôi sao già đang chết, và các vị thần hết thời đang tìm đường lẩn trốn, a ta nghe như có tiếng leng keng cung bạc, có sự rối ren nào chăng, bầu trời vẫn bí ẩn như từng bí ẩn, các vị chớ tưởng cứ vờ làm ngọn lửa trời là đánh lừa được thế giới quan đương đại, hãy thôi đi thói buông lời dối trá, ta nói với những nhà kỷ trị đang rướn cổ nói về tinh hoa trị nước của bọn họ, có trích dẫn hết thảy các bậc hiền tài trong thiên hạ, vẫn vậy thôi, có gào thét cho nát hết cỏ cây, vẫn vậy thôi, trị nước, hay cai trị, nó là một thứ thuật toán cổ điển nhất, thứ trí tuệ đầy vẻ kiêu ngạo của kẻ cầm quyền, trong thuật toán ấy là có cả tàn nhẫn, độc ác được dấu trong thứ ngôn ngữ tu từ [những diễn văn của vua bao giờ cũng đẹp/thứ vẻ đẹp của các thứ cây cối hay các loài dã thú tu luyện thành người]  có vẻ các đấng cầm quyền vẫn tin rằng đám dân xứ sở chẳng đời nào hiểu thấu, cứ thế, những thiên niên kỷ cứ trôi đi, những xung đột, những cách mạng, và phản cách mạng, diễn, và thay cách diễn, mới hôm qua thôi ta nghe nói bọn họ đã thay vai diễn, thế giới là một cuộc diễn sầm uất nhất, nát cả cỏ cây, chẳng phải đã có sách The Prince/Quân Vương của Nicolo Machavelli của nước Ý đó sao, nó, như thể thứ trí khôn của các đấng cầm đầu bầy đàn…[Ở những xứ bị chiếm đóng mà dân gian đã quen sống trong nền tự do với luật lệ riêng của họ, kẻ xâm lăng có ba kế hoạch để giữ vững ngôi trị vì: – Một là tàn phá hết – Hai là đích thân đến đóng ở tại chỗ – Ba là cứ để cho dân sống theo tập tục của họ, ta chỉ thụ hưởng lợi lộc cống hiến rồi lập nên một tiểu chính phủ địa phương với nhiệm vụ duy trì tình hữu nghị của nhân dân bản xứ với ta/trích THE PRINCE/QUÂN VƯƠNG/NICOLO MACHIAVELLI/1469-1527] các nhà thuyết khách đương đại chẳng qua là làm cho lạ đi những điều xưa cũ, cái cách cường điệu lên hình thù của ảo ảnh [em đi áo gấm tung bay nắng/thật ra, chỉ là gã vũ phu giả làm giai nhân/chính trường là mật ngọt/ là hoàng hôn giả phủ bóng bình minh…] vẫn là tiếng khóc chào đời của trẻ thơ trong thứ cảnh trí con người luôn thấy trên đầu thứ sức nặng, cứ gọi là những văn bản trị nước vẫn nối nhau trong dòng chảy lịch sử, có bầy đàn là có văn bản trị nước, dù là văn bản không thành văn, vẫn là không phải, luôn là không phải thứ khí hậu như thể mong mỏi lớn nhất của nhân loại: bên chàng đọc sách/ bên nàng quay tơ, mà là: bên là thứ sức nặng của những cung cách trị nước biến hóa khôn lường/bên là đám dân bị cai trị luôn được gán cho tên gọi đẹp như nắng thu: những công dân của xứ sở có luật pháp, hay là nhân loại vẫn tồn tại trong tình cảnh luôn bị đe dọa nghiến nát bỡi qui luật bầy đàn, ta vẫn ngồi nơi con hẻm văn chương sang trọng của ta nhìn thấy lửa cháy ở một miền trời nào đó, có khi thấy thật gần, hay là lửa vẫn cứ cháy trong ta, ngọn lửa đất trời ban tặng ta từ lúc mới chào đời, mẹ ta nói ta chỉ khóc một tiếng và nằm cựa quậy chân tay, mẹ tả buổi chào đời của ta, cũng phải thôi, cái cách như thể ta biết trước ngọn lửa trời sẽ cháy suốt cuộc đời ta, ta vẫn ngồi nơi con hẻm văn chương sang trọng của ta, lửa vẫn cứ sáng lên trong các cuộc hành trình, đã có một tường trình khác về thế giới,