Những vầng trăng bặt dạng

 

 

 

 

 

 

I.DƯỚI BÓNG NHỮNG
CÔ GÁI TUỔI HOA (*)

 

nắng phương bắc trùng vây huyễn diệu
hôm nào thấy khăn san đẫm tuyết
một chút gió một chút mây tan
kẻ ở  đăm nhìn trong hỗn mộng

(*) mượn chữ trong À la recherche du temps perdu của Marcel Proust

 

 

 

chỗ bắt đầu những cuộc chơi

 

tôi thường bắt đầu những cuộc chơi của mình bằng cách nhìn lên bầu trời trên đầu để tìm kiếm một chỗ bắt đầu

có thể đấy là đám mây còn sót lại của ngày hôm trước có mưa

mùi mưa như còn lảng vảng  nơi màu mây xám thấp để dẫn dụ tôi trở về tận buổi uyên nguyên chỉ có nước với nước hay lại đem tôi vào miền ẩm ướt

taiga…taiga … rừng phương bắc tôi yêu

những tháng năm ẩm ướt

nhưng cũng có thể đấy là cánh chim đang đuối sức trong cuộc dò tìm những tiếng hót

ai biết có thể tổ tiên loài chim chỉ là giống loài câm lặng khi bình minh lóe lên giữa hoang dã

tôi muốn tôi cũng như lũ chim đuối sức cũng đuối sức trong những cuộc chơi

để ngã xuống niềm trăm năm

thời gian vuột khỏi kẻ lãng tử

tôi thường bắt đầu cuộc chơi của mình

bằng cách gào  lên trong ý nghĩ

em hãy chờ tôi ở cuối cuộc đi tìm cái có thể

 

 

 

họ làm thức dậy trong tôi nhiều thứ

 

quả tình là tôi đã cược cả cuộc đời mình vào chữ nghĩa, trong chén cơm ăn hằng ngày chữ nghĩa nói với tôi hạt gạo từ đâu đến, có khi là niềm vui, có khi là những giọt nước mắt của những người đã ngã xuống, đằng sau chữ nghĩa là những cuộc chuyển động thầm lặng, như những đám mây khởi lên từ nước sông hồ, hay như bỗng con nòng nọc bước lên khỏi nước rụng đuôi thành ếch nhái, vào một ngày mùa thu tôi đi gom hết thảy những nỗi buồn bã vào chữ nghĩa, giữa trưa, những người cày ruộng làng tôi xông vào nhà tôi giật hết những chữ nghĩa tôi vừa chép đem đốt đi, thì ra bọn họ sợ tôi lại ngã xuống cùng những nỗi buồn trăm năm vẫn phủ lên ngôi làng heo hút của tôi, tháng giêng, tôi định viết về màu hoa cải đang trỗ trong vườn nhà, nhưng cha tôi nói hãy gác chuyện đó lại, bỡi cơn mưa xuân vừa đổ xuống hôm qua khiến lũ sâu bọ đang mưu toan không chừa lại ngọn rau nào cho người làng, quả tình tôi đã cược cả cuộc tôi vào chữ nghĩa, có lúc trắng tay, ngồi khóc cùng trang giấy, năm tháng cứ thế trôi đi, sở dĩ tôi sống và viết được là nhờ những cô gái  ở trong làng đi ra đi vào gặp nhau hoài,  bọn họ là những cô gái trẻ  đi cào sò ở đầm nước mặn ở cuối quê tôi, tiền bán sò đôi khi lại đủ gạo nấu cho cả nhà trong cả ngày, bọn họ là những cô gái trẻ đi làm phụ hồ ở mấy thị trấn cách làng tôi những nửa buổi đường, sáng ra đi khi còn bầu trời sao trên đầu và tối về với mồ hôi mồ kê trên áo thì bầu trời sao trên đầu cũng đã sáng lên,  bọn họ là những cô gái trẻ đi làm công nhân ở mấy  xưởng dệt may xưởng xẻ gỗ xưởng gạch nung cũng mới mọc lên  ở cái thị trấn phía bắc làng tôi, cái triết học ưu việt về giai cấp công nhân cũng chẳng có đất đứng ở đó, bọn họ vui vẻ chỉ vì bỗng thấy mình vốn  là những cô gái bám với ruộng đồng lại được gọi là công nhân, mỗi lần gặp tôi thì bọn họ lại kêu to em xin chào anh nhà báo, thấy tôi làm công việc viết lách, ở làng tôi, từ già tới trẻ ai cũng gọi tôi là anh nhà báo, em xin chào anh nhà báo, mỗi lần nghe một cô gái trẻ nào đó trong làng chào tôi là anh nhà báo, tôi  im một chút, rồi đáp, xin chào em, và cứ thấy vui như thể vửa phát hiện được một thứ nghĩa lý nào đó của cuộc đời, quả tình là bọn họ đã làm thức dậy trong tôi nhiều thứ

 

 

sự trục trặc trong vận chuyển mặt  trời

 

và vào những lúc có trục trặc trong vận chuyển mặt  trời

tôi lại ngồi lại dưới bóng râm thời đại

ngẫm nghĩ về loài sâu bọ

mùa đông nhân gió mưa rét buốt chúng tràn vào quê tôi

cướp

hốt

cắn

em từ chốn biên cương trở lại giữa cảnh máu đổ nước nhà đổ

chúng tôi ôm nhau khóc

sáng ra không còn nhìn thấy ai không còn nhìn thấy rừng biển ruộng đồng văn hiến

đã sa mạc cả rồi sao

em ngửa cổ kêu

giữa lúc lũ sâu bọ nghênh ngang đi lại

 

 

ký ức

 

những lúc như thế tôi lại vùi đầu vào ký ức để may ra có tìm được thứ cách thức cứu nguy nào hay không, thời gian chồng chất lên trí nhớ tôi có vẻ chẳng chút nể nang, ngổn ngang, và chẳng có thứ lớp…một sáng ra thấy có vị nguyên thủ quốc gia nào đó đang khoa tay lớn tiếng trên máy thu hình về chuyện một thế giới một con đường, rồi chúng bay sẽ biết…lời đe dọa kiểu rừng rú của đám lâm tặc khiến cho đám gà con nhà ai đó trong làng tôi chạy tán loạn, ở cái khúc sông đang bị xói lở, những căn nhà ập đổ trên con nước ngầu đục, lũ lục bình vẫn cứ trôi như chẳng chút trắc ẩn nào trước cảnh tang thương của những con người trăm ngàn năm qua vẫn bám lấy đất tổ của cha ông, và rắn, những con rắn đang trườn vào giữa những  hiệp nghị, những sự nghị, những quyết nghị, những văn bản qui định  sự sống còn của những người dệt  vải và những người trồng lúa, dường chủ nhân những đại tự sự chưa ráo mực  cố làm ngơ khi nhìn thấy đám rắn giả dạng những ngọn bút kiến quốc len vào giữa những chữ nghĩa, sủa, và thêm vào, hay bớt đi, nó là kiêu căng phách lối làm tan hoang văn hiến của một dân tộc, nhưng những chủ nhân của những đại tự sự chưa ráo mực ấy cứ vỗ tay cười, tôi thấy như nghìn năm đang tung bụi thời gian đứng dậy, rồi ta sẽ chém cổ   đám tặc nhân gây hổn loạn thế giới, chúng đã làm cho cá phải từ bỏ biển khơi, làm cho thuyền phải rời bỏ biển khơi… hình như là hịch của một nhà ái quốc nào đó, tôi thấy ai đang bước dưới ngọn cờ có vẽ hình chim vướt, à, tôi nhớ ra rồi, cuộc sống là loài chim vướt vút cao giữa sắc trời lồng lộng, con chim vướt, tôi đã nhớ ra, cha tôi đã nói về con chim vướt của tự do bay lượn, rồi tôi cứ việc phủi đi những bụi đường trong trí nhớ tôi, và cuối cùng, tôi rất hoảng, ai vậy nhỉ, là ông cụ cố nhà tôi sao, ngày nào tôi cũng nhìn thẩy ảnh ông cụ cố tôi nơi bàn thờ ông bà nhà tôi, mà làm sao lại là ông cụ cố tôi nhỉ, nhưng con người to lớn mày rậm có vẻ văn nhân ấy nhìn tôi, nói, không sao  đâu con, ông nói, và tôi nghe, như đâu đó, trong tận cùng trí nhớ tôi, có tiếng hát trong trẻo của đám con gái trong làng, anh có đi hết  thế giới này thì cũng phải quay về…

 

 

 

chỗ bắt đầu ở Belgica

 

khi tôi đến nơi thì thành phố đã đủ ánh bình minh, Bruxelles như đang bị nhuộm trong màu cổ kính Gallia Belgica, màu  của La Mã thần thánh, của gia tộc Habsburg, và của  Caroling vương triều đầy quyền lực… không, bây giờ Bruxelles là trái tim Châu Âu, trái tim của hội họa, của kiến trúc, của những văn chương kỳ ảo,  nó, sự pha tạp của tất cả những khôn ngoan và vẻ đẹp thuần khiết, và Celt, và German, và Frank, và những chuyến cướp biển, đám  cướp biển Viking bước lên bờ mang theo cái lạnh lẽo lắng đọng đến chết người của  văn chương phương bắc, Royaume de Belgique , hay Koninkrijk België, hay Königreich Belgien, nó là nước Bỉ [theo cách gọi của đất nước tôi] không ẩn chứa điều gì, nhưng là ẩn chứa tất cả, tôi  đi vòng qua một gốc sồi xanh để tìm nhà nàng, ngôi nhà nấp dưới bóng những con chữ, buổi sáng phủ định không có hoa cắm trong phòng,  nhưng có sách về vẽ siêu thực nàng mới mượn từ bảo tàng Magritte, tôi từ phương đông đến trong thứ màu áo cũ kỹ có pha chút cổ kính của thời Thăng Long mang gươm đi mở đất, trời, ông có vẻ giống với ông lão trong bộ tranh nhị thập tứ hiếu của Lý văn Phức, nàng kêu, tôi chỉ cười, và im lặng, rồi lát sau, nàng đã mang tất những họa phẩm của hai đứa con nàng ra khoe với tôi, nước Nam mình đó ông,  chúng vẽ bên ngoại chúng, ông ạ, những cảnh đồng quê ở đất  nước tôi đang trong mùa gặt, em đã từ đó đến đây trong nỗi niềm của kẻ dịch chuyển giữa cuộc chuyển động ầm ào của đương đại, nàng nói, và em đã đem tổ quốc mình đặt lên trái tim con trẻ, một cuộc kéo dài ra thế giới, tôi tiếp lời nàng, ở ngoài đường, dường như đám các nước trong Liên ninh châu Âu đang kéo đến trụ sở liên minh đề bàn tiếp về chuyện Brexit,  ở đây rất nhiều hoa, ông có thích hoa không, nàng chợt hỏi, tôi nói là mình rất thích hoa, bỡi nó tượng trưng cho những gì trinh khiết, trong thế giới thực vật, mà mới thoạt nhìn chúng ta có cảm tưởng như yên bình và hiền lành biết bao, tràn ngập một tinh thần tuân phục và tĩnh mịch(*)…nàng nói, và có vẻ rất xúc động, em vừa trích dẫn Maurice Maeterlinck phải không, dạ phải, cách nói của Maurice Maeterlinck làm cho em luôn phải nghĩ đến những gì sâu thẳm của cuộc sống, nàng nói, tôi nhìn ra gốc sồi xanh to tướng ở trước nhà nàng, Maurice Maeterlinck đang nói về Othello của Shakespeare  mà như đang nói về tôi, kẻ đang đi tìm cái có thể… tôi đã đủ lớn để tin rằng một ông già ngồi trên chiếc ghế bành của mình, kiên nhẫn chờ, với ngọn đèn bên cạnh, để cho đôi tai vô thức hướng đến tất cả những luật lệ đời đời ngự trị trên ngôi nhà của mình, giải thích, không thấu hiểu, sự im lặng của những cửa ra vào và những cửa sổ và giọng  run rẩy của ánh sáng, bản tường trình với bộ óc bị biến dạng về sự hiện hữu của linh hồn và số phận  của ông-một ông già, không phải nhận thức được đó là tất cả sức mạnh của thế giới này, giống như quá nhiều những người phục vụ cẩn trọng, đang lẫn lộn và thao thức trong căn phòng của mình, những người nghi ngờ không phải chính bản thân mặt trời  cung cấp cho cái mảnh đất  nhỏ để đương đầu khi bọn họ rơi vào nghèo nàn, hoặc nghi ngở tất cả những ngôi sao trong bầu trời, và  mỗi tăng trưởng linh hồn là trực tiếp liên quan đến việc nhắm mắt xuôi tay, hoặc một ý nghĩ rằng mùa xuân đã đến (**)

 

 

(*)trong L’Intelligence des fleurs [The Intelligence of Flowers/Trí tuệ Của Hoa] Maurice Maeterlinck,1862-1949, nhà viết kịch nhà thơ nhà triết học Bỉ, Noben văn chương 1911

(**) I have grown to believe that an old man, seated in his armchair, waiting patiently, with his lamp beside him; giving unconscious ear to all the eternal laws that reign about his house, interpreting, without comprehending, the silence of doors and windows and the quivering voice of the light, submitting with bent head to the presence of his soul and his destiny—an old man, who conceives not that all the powers of this world, like so many heedful servants, are mingling and keeping vigil in his room, who suspects not that the very sun itself is supporting in space the little table against which he leans, or that every star in heaven and every fiber of the soul are directly concerned in the movement of an eyelid that closes, or a thought that springs to birth

https://en.wikipedia.org/wiki/Maurice_Maeterlinck#cite_ref-37

 

 

 

hắn

 

tôi thấy có rất nhiều thuyền cập bờ biển Bắc và có rất nhiều  đàn ông đàn bà  của châu Phi đen bước lên bờ với rất nhiều những ngà voi, ngà voi hay những vật thể của trời, hay nỗi tai ương tày trời của nước Congo tai ương, ngà voi và sọ người, cái thế kỷ để cho chủng người da trắng làm khổ chủng người da đen, thứ định mệnh tuông ra từ nơi tận cùng của  ác độc, cái thế kỷ để cho chủng người da trắng trang trí nơi ở của mình bằng sọ người của chủng người da đen, những sọ người được để lại từ những cuộc săn vàng, săn ngà voi, hay săn chính mình, tôi thấy những người đàn bà và những người đàn ông Congo quì dưới chân vua Leopold II, hỡi những tài sản biết thở của ta hãy mang về cho ta thật nhiều thật nhiều hơn nữa những tài sản không biết thở, ông thét, tiếng thét vang dội một vùng đất thấp, cuộc chiến tám mươi năm [1568-1648] đã lưu lại một vùng đất thấp nằm kề biển Bắc, đã lưu lại một vì vua kỳ cục nhất lịch sử, ngoài đám vương phi vua ngủ hằng đêm và ngoài những cung cấm tráng lệ, vua còn có cả một đất nước Congo với cây cối, con người, chim chóc và các thứ thú vật trong đó có lũ voi, nó là tài sản của riêng ta lũ các ngươi hãy luôn nhớ lấy, tôi nghe vua Leopold II lại thét lên, vương quốc của những ngôn ngữ tàn bạo đâu đã tắt, tôi lại gặp nàng ở miền đồng bằng nhiều cát Campine [Kampen] miền đông bắc, đang mùa đông, rét lắm, em nhìn thấy vua Leopold  của thời đương đại đương tiến vào châu Phi đen với những dự án như những lời tàn bạo, nàng nói, tôi nói tôi cũng đã nhìn thấy hắn cùng đám quân của hắn đang mang theo những sọ người săn được ở miền Giao Chỉ cũ trong những tháng năm trước đó.

 

 

 

ở Ardenne

 

bồn địa Paris nâng dần lên cho đến khi tôi nhìn thấy nàng, Lorraine cực nam, nơi tôi đứng để nhìn nàng, biến động ngút trời, nó là dung mạo của một vùng đất, Belgica…Belgica…hoa lá chảy thành hình thù những cái chết, rồi các triều đại phủ lên niềm tráng lệ, ở đó là lớp lớp xương tủy của những thế kỷ  gom lại để thành những tên đất những tên người, đời sau đọc lên nghe thấy thích, nhiều khi thấy lạ, dường chẳng ai còn để ý chuyện đằng sau nó, những lớp nham thạch hình thành từ những đêm mất ngủ của những nhà hiền triết cố viết ra những trần tình về một thế giới có nhiều hoa và nhiều tiếng hát, hình thành từ tư duy của lũ chim trời khi không còn chỗ để bay lượn, đằng sau nó là thứ trời đất có quá nhiều cách gọi, hay không còn cách gọi, rồi nàng cũng đã đuổi kịp tôi ở Ardenne, vành đai của kiến tạo sơn Hercynia, mùa thu, em cũng không biết loài chim gì đang kêu trên đầu chúng ta, dường bọn chúng mới từ phương bắc đến, nàng nói, tôi nhìn nàng, không dấu được niềm vui, rồi lại thấy nhớ phương bắc, rừng taiga lạnh lẽo…

 

 

french fries

 

rồi tôi và nàng lạc nhau ở lễ hội Binche, chủ nhật, thứ hai, thứ ba tiến lại gần

thứ tư Lễ Tro, âm nhạc, nhảy múa và diễu hành, những kiệt tác của niềm vui, dường con người hôm nay muốn trả thù cho tổ tiên mình, những người ít được nghe nói đến sự hưởng thụ, lòng tham muốn, đức tin, một thời như chất gây cháy nổ làm cháy lên một vùng trời tây, chiến tranh tám mươi năm (1568-1648) đọng lại thành ba mươi năm (1618-1648) của tiêu vong và thù hận, dường con người hôm nay muốn làm cho miền đất tổ tiên để lại nhộn nhịp hẳn lên, nhảy múa với những tiếng guốc gỗ như thứ cách thức đánh thức đất dậy làm cho hậu thế phải nhớ không sót nỗi thống khổ nào của tiền nhân, rồi nàng đã tìm thấy tôi ở giữa đám hề nhí của lễ hội đang phân phát những trái cam ngọt ngào cho du khách, trời, em đã lặn lội đi tìm ông, nàng vui vẻ kêu lên, chỉ là vì cái từ ngữ ấy, tôi nói, từ ngữ nào, nàng lại kêu lên, em đâu biết mấy ngày đêm tôi đã ruổi theo một con chữ, tôi đi theo những người chiên khoai tây của Beigica, tôi đi theo món khoai tây chiên của Belgica, cuối cùng thì đã hiểu ra french không phải nước Pháp, mà đi với từ  fries, french fries, thành ra khoai tây chiên, tôi thuật lại cho nàng nghe cuộc truy đuổi một ngữ nghĩa vừa có tính sử học vừa có tính nhân chủng học, nàng không còn giữ được, cười vang, bấy giờ là tôi và nàng đang đứng giữa một vùng đất thấp của châu Âu để nghĩ ngợi về thứ quá khứ phong ba, chia cắt, rồi chia cắt, rồi lại chia cắt, cuối cùng thì những ngôn ngữ của con người cũng đã làm ra được những đất nước

 

 

 

mưa người

 

chúng tôi vẫn đứng ở miền đất thấp, Nederlanden, để nhìn,

dấu vết người Neanderthal vẫn kích thích trí tưởng tôi và nàng

Neanderthal có nghĩa là hóa thạch người  tìm thấy ở thung lũng [thal] Neander,

tổ tiên homo sapien của tôi tàn nhẫn,

hay một duyên do nào khác làm tiêu vong một loài giống con người từng tồn tại ở miền đất thấp [và nhiều nơi khác nữa] cũng thông tuệ chẳng kém tổ tiên homo sapien của tôi,

thế giới luôn là điều bí ẩn,

rất bí ẩn,

hay hoàn toàn bí ẩn như trận mưa người có tên Golconda 

những giọt mưa hệt như những người đàn ông mặc áo choàng, đội mũ nón, toàn một màu, đen, những giọt mưa đen, lơ lửng giữa trời, một bầu trời xanh lơ, và đậu lại nơi một con phố nào ai biết, con phố với mái ngói đỏ và những ô cửa sổ xinh xắn, chỗ ở của người, và những giọt mưa người, càng về phía xa, phía của ảo ảnh, thì chỉ còn là những vệt người, những vệt người màu đen, những vệt đen có dáng dấp những người đàn ông, cũng như những người Neanderthal, chỉ còn là những vệt người màu đen, những vệt đen túa ra từ bộ óc kỳ dị của một người đàn ông, Rene Magritte của xứ Belgica, những vệt đen túa ra từ Golconda , bức vẽ bí ẩn của Rene Magritte bí ẩn, bức vẽ mang tên một thành phố đổ nát, Andhra Praded, Ấn Độ, tồn tại từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17, Andhra Praded là  miền danh tiếng của huyền thoại kim cương (*),

chúng tôi vẫn đứng ở miền đất thấp, Nederlanden, để nhìn, 
những vệt người như cứ chảy tận phía cuối của trí tưởng của con người, nàng nói

 

 

(*) As was often the case with Magritte’s works, the title Golconda was found by his poet friend Louis Scutenaire. Golkonda is a ruined city in the state of Telangana, India, near Hyderabad, which from the mid-14th century until the end of the 17th was the capital of two successive kingdoms; the fame it acquired through being the center of the region’s legendary diamond industry was such that its name remains, according to the Oxford English Dictionary, “a synonym for ‘mine of wealth’.”

https://en.wikipedia.org/wiki/Golconda_(Magritte)

 

 

 

 

xứ Gaul

 

chúng tôi thấy những người Frank tiến vào xứ Gaul bằng cách băng qua lưu vực sông Seine ngược lên sông Loire, những người Frank Salian sống ở ven bờ biển Manche, và những người Frank Ripuarian dường đã từng sống giữa  sông Rhine và sông Meuse, bọn họ, những người Frank Salian và những người Frank Ripuarian tràn vào xứ Gaul phá nát Đế quốc La Mã,  và chúng tôi nhìn thấy một con người đứng ở lề tối giữa huyền thoại và lịch sử,  Merovech, và tên ông được đặt cho triều đại đầu tiên của người Frank ở xứ Gaul, triều đại Merovingian, nhưng phải đến cháu nội của ông, Clovis , mới là vị vua thật sự của triều đại Merovingian, ông vua thống nhất xứ Gaul, ông vua giết hết những người bà con  không chịu thừa nhận mình, ông vua theo đạo thiên chúa giáo La Mã để cho tộc người Frank trở thành ”trưởng nữ” và được thừa nhận là “thanh gươm” và “chiến sĩ” của giáo hội thiên chúa giáo phương Tây, ông vua đã dựng một vương quốc người Frank mạnh mẽ ở xứ Gaul, nhưng triều đại Merovingian  là của bạo lực, lịch sử triều đại là những câu chuyện buồn thảm về mưu đồ và các mối thù truyền kiếp, rồi có vẻ như,  triều đại Carolingian kế tiếp cũng là của bạo lực, Charles Mantel, người dựng nên triều đại Carolingian đã chặn  được bước tiến vào Tây Âu của quân Hồi giáo [ở Tours vào năm 732] , nền tảng  vương quyền Carolingian là đám kỵ binh vô song cả người lẫn ngựa được nuôi dưỡng bằng tiền của giáo hội thiên chúa giáo và từ những gì cướp được của kẻ thù trong những cuộc chinh phục, và đám quí tộc, bè cánh của Charles Mantel, đám xã hội đen trung cổ, đã được Charles Mantel ban cho đất đai mà họ có quyền làm chủ trong bao lâu họ còn trung thành với ông, công đánh bại Hồi giáo phương đông khiến triều đại Carolingian  thành kẻ liên minh với nước của giáo hoàng Gregory ở Rome, chúng tôi nhìn thấy ở đất Gaul có người đàn ông có chiều cao gấp bảy lần chiều dài của bước chân, Charlemangne, hay Charles Đại Đế, cháu nội Charles Mantel, vị vua thứ ba của triều đại Carolingian, người đàn ông thích cỡi ngựa, săn bắn, và thích ngủ với phụ nữ, người thường giữ các phiên gỗ dưới gối để tập viết nhưng do học chữ khi đã lớn tuổi nên chẳng mấy thành công, chúng tôi nhìn thấy Chaelemangne bốn lần vượt núi Alpe vào  nước Ý, đánh bại những kẻ chống đối giáo hoàng, với thanh gươm và thập tự giá, sau những cuộc chinh phạt,  Charlemangne đã có khoảng đất đai rộng lớn từ phía nam dãy Pyrenee đến sông Elbe , từ Địa Trung Hải đến Bắc Hải, có nghĩa bao gòm hầu hết đất đai của Đế quốc La Mã trước đó, chúng tôi nhìn thấy Charlemange được giáo hoàng Leo III phong làm hoàng đế vĩ đại [Imperator Augustus], điều này có nghĩa Chalemangne như một  Davis mới [vị vua lý tưởng trong Cựu Ước], như một Augustus mới [ hoàng đế La Mã vĩ đại nhất trong các hoàng đế ngoại giáo] và như một Constantine mới [vua đầu tiên của Đế quốc đông La Mã theo đạo thiên chúa giáo và cũng  từ đây Charlemange trở thành đối thủ của Đế quốc đông La Mã ở Constantinop] chúng tôi nhìn thấy Charlemange như vị vua lừng lững đứng giữa đất Gaul với nghĩ ngợi rằng không ai dám nghĩ đến việc chống ông  

 

 

 

Rome

 

tôi và nàng vẫn đứng ở miền đất thấp để nhìn qua phía bên kia núi Alps

con sông Tibre chảy ngược về chuyện cũ

như những cơn mơ không khúc cuối

những ngôi nhà trên những ngọn đồi trơ trọi bỗng thành đô thị

có phải phỏng theo những đô thị Mesopotamie ở phương đông không nhỉ

như thể thời gian kiến trúc hết thảy những gương mặt thế giới

 

 

chúng tôi nói Rome thay vì nói La Mã Cổ Đại

Rome với những cuộc  chiến vừa như những kỳ tích vừa như nỗi bàng boàng

Sicily, Carthaga, Iberia, Gaul, Macedonia, Syria…

dường như máu của những kẻ trở thành kẻ thù của Rome [vì không phải là người của Rome] phải tiếp tục đổ cho đến khi bọn họ trở thành người của Rome

tàn bạo có nghĩa là những chiến binh Rome

 

 

hình như là vào khoảng năm thứ 146 trước công nguyên nền cọng hòa La Mã  phủ bóng lên toàn vùng ven Địa Trung Hải

 

La Mã Cổ Đại có nghĩa là nền cộng hòa có quan chấp chính, có viện nguyên lão, có đại hội quốc dân

sự phân quyền thô sơ tựa đóm lửa chợt rực lên nơi vòm trời Tây

Comitia Centuria, hay Đại Hội Quốc Dân
từ ngữ mang niềm vui lồng lộng nhưng luôn xen lẫn những uẩn khúc bi tráng chảy suốt qua các thời đại, và có lẽ, mãi tồn tại  nơi mặt đất này như những mong muốn lớn nhất nhưng nhiều hoài nghi nhất trong nghĩ ngợi nhân loại

 

 

La Mã Cổ Đại có nghĩa là những kỵ mã, những người thu thuế, ngày đêm quất ngựa tận những tỉnh thành La Mã xa xôi ven Địa Trung Hải  để kiếm lời trong việc thu thuế, La Mã có nghĩa là những vị  cai quản đất đai ở các tỉnh thành như những ông vua giàu sụ nhờ ăn chia với đám kỵ sĩ thu thuế nhờ ăn chẹt sức  người ăn chẹt của cải của đất nước

 

La Mã Cổ Đại có nghĩa nông dân nghèo đói phải gia nhập vào hàng ngũ những kẻ thất nghiệp, La Mã Cổ Đại có nghĩa những ai có đủ tiền mua áo giáp mới được gia nhập vào quân đội

La Mã cổ đại có nghĩa là những cuộc khởi nghĩa của nô lệ

 

La Mã Cổ Đại có nghĩa hai trong tam đầu chế thứ nhất (*) đã chết, Crassus chết ở chiến trận, Pompey bị người của Caesar giết chết, Caesar trở nên nhà cai trị độc tài, nền cộng hòa La Mã chấm dứt, La Mã Cổ Đại có nghĩa nhà cai trị độc tài nhà văn đại tài Caesar bị ám sát sau 4 năm cai trị La Mã

 

 

La Mã Cổ Đại có nghĩa cuộc thanh trừng diễn ra trong tam đầu chế thứ hai (**): Leppidus về hưu, Antony tự sát, và Octavian trở nên vị hoàng đế đầu tiên của La Mã với tên gọi Augustus, có nghĩa là vinh dự nhất, đáng tôn kính nhất, Octavian Augustus còn gọi là nguyên thủ quốc gia, princes, công dân thứ nhất, một từ ngữ của chính trường thời cổ đại

 

 

tôi và nàng vẫn đứng ở miền đất thấp, Nederlanden, để nhìn, con sông Tibre uốn quanh những khúc sử, máu, và những tiếng gào thét, con đường bắt đầu từ Rome, ngang qua những thế kỷ, ngang qua những ông vua huyền thoại , ngang qua những năm tháng cộng hòa có Viện nguyên lão có Đại hội quốc dân, rồi dừng lại trước một vị vua thần thánh: Octavian Augustus

 

tôi và nàng vẫn đứng ở miền đất thấp để nhìn những  con đường dẫn đến La Mã

 

 

(*) tam đầu chế thứ nhất: liên minh chính trị thống lĩnh nền cộng hòa La Mã được thiết lập năm 60 tcn, gòm Julius Ceasar [100tcn-44 tcn], Marcus Licinius Crassus [115 tcn-53 tcn] và Pompey [`106 tcn-45 tcn]
(**) tam đầu chế thứ hai: liên minh chính trị thống lĩnh cộng hòa La Mã được thiết lập năm 43 tcn, gòm Gaius Julius Caesar Octavianus  [Octavian, 63 tcn-14 scn], Marcus Antonius [Antony, 83 tcn-30 tcn] và Marcus Aemilius Lepidus [89hay 88 tcn-13 hay 12 tcn]

 

 

 

miền đất lãng tử

 

ở đây cái gì cũng có vẻ hoàn hảo 
cái gì cũng có vẻ dở dang

nền dân chủ Athene cổ đại là hoàn hảo bỡi có đại hội quốc dân do dân bầu chọn

nhưng cũng chỉ mới có một nửa người dân đi bầu, chỉ nam giới đi bầu còn nữ giới thì không

thứ  democrat ấy giống như bài thơ tuyệt mỹ được viết dở dang

rồi ai cũng tưởng nền chính trị mặc khải Kytô giáo mãi mãi là phương thức trị nước lý tưởng của những nhà nước phương tây châu Âu hồi những thế kỷ trước

và những vì vua mặc áo gấm vẫn đi ra đi vào hoàng cung suốt những tháng năm nền chính trị vua tôi được xem như phương thức trị nước hữu hiệu nhất

và chẳng ai nhận ra trong những tung hô của đám triều thần luôn ẩn chứa vẻ bí ẩn gì đó của tồn tại

rồi một ngày nắng lên ai nấy đều thấy vui khi  nhìn thấy ngọn cờ cách mạng treo lên trang sử mới

vui và quên tuốt hết thứ lý lẽ biến dịch thuộc tính của thế giới

phương tây châu Âu là một ví dụ lạ lùng nhất về  lãng mạng chính trị

cuộc sống ở đây cứ trôi đi theo chiều dài lịch sử như chẳng hề hay biết, hay chẳng thèm biết, việc mang theo vẻ tiều tụy  của thứ triết học đổ nát

buổi chiều mùa đông tôi và nàng ngồi nơi bờ vịnh Neva của nước Nga như đang nghe thấy tiếng dương cầm vẳng lại từ thành phố cũ Leningrad bài ca về một cuộc cách mạng có tên cách mạng  tháng Mười đẹp như ánh hoàng hôn của miền taiga lạnh lẽo  đang rơi trên vịnh biển

 

 

 

II.VỀ PHÍA NHÀ NÀO(*)

cây đổ mấy nghìn năm lẻ bóng
núi vươn giữa lớp lớp bụi mù
con chim khách kêu vang lừng đất
người mang gươm cứu nước chưa về

(*) dựa vào chữ trong À la recherche du temps perdu của Marcel Proust

 

 

 

Eropa

 

bỗng khởi lên những đôi cánh trắng của những vị thần, yêu, và bay lượn, Europa, và Zeus, ai biết được vì sao con bò mộng, hóa thân của thần Zeus lại quyến rủ được nàng Europa con gái vua Agenor xứ Tyre nơi bờ đông Địa Trung Hải, chúng tôi chỉ nghe các vị thần yêu say đắm, và chưa bao giờ nghe các vị thần chết, bỗng một vì vua được sinh ra từ một cuộc tình kỳ cục, người đã khởi tạo nền văn minh Minoan sáng chói với cung điện kỳ dị  Knossos nơi nhốt con quái vật minotaur ở đảo Crete: vua Minos, con trai của thần Zeus và nàng Europa xứ Tyre, khi tôi và nàng đến đảo Crete những người đánh cá đêm còn chong đèn ngoài biển, cung điện Knossos, thành phố thủ đô của văn minh Minoan, còn chìm trong sương mù lịch sử, này bạn của ta, đấy là thành phố lớn, nơi Minos trò chuyện với Zeus, tôi và nàng như nghe thấy lời nhắc nhở của Homer trong Odyssey, huyền thoại và lịch sử, bỗng một hôm của mấy nghìn năm trước, người Hy Lạp ở bán đảo Bankan nghe nói đến tên đất nước mình: Europa, cứ cho đấy là chuyện thật, huyền thoại dịch chuyển vào lịch sử là khi con người đã nhìn thấy được thế giới của mình, từ Europa là Hy Lạp đến Europe là châu Âu là những đằng đẵng máu xương và nghĩ ngợi, cứ cho là vậy đi khi huyền thoại đã chảy vào lịch sử, châu Âu, hay Eropa, hay Europe, cứ cho là vậy đi, khi chúng tôi đến đảo Crete thì nàng Europa xinh đẹp, con gái vua Agenor xứ Tyre, người tình của thần Zeus, đã thuộc về niềm cảm hứng của nhân loại

 

 

 

vành môi Địa Trung Hải

 

những mảnh đất ven hồ Mediterranean [Địa Trung Hải] cứ lần lữa nhuộm máu con người, cây trái cứ lần lữa mọc lên, rồi đổ xuống cùng xương cốt con người, chúng tôi gọi hồ Mediterranean bỡi nó chỉ là chỗ còn lại của biển Tethys, cái hồ nước ban sơ nằm giữa các lục địa ban sơ Gondwana và Laurasia, một cuộc sông hồ, hay đấy cũng chỉ là trò chơi của tạo tác,  khi tôi và nàng đặt chân lên đất nước của các nhà triết học Platon và Aristote bên bờ Mediterranean thì trời đã vào thu, em nghe như có  tiếng vó ngựa ở  đâu đó, nàng nói, có vẻ như đang rơi vào thứ ký ức mơ hồ,  quả tình lịch sử quá khứ có tác động ghê gớm đối với cảm xúc con người, chúng tôi đang đứng trên xứ sở của những cuộc dáo gươm ghê rợn  những nghìn năm trước, Diodorus Siculus, người đảo Sicilia, sử gia viết về lịch sử Hy Lạp nói trong chiến trận Chaeronea 338 TCN hơn  nghìn người Athena tử trận, hai nghìn người  bị bắt làm tù binh, những cuộc khai quật hiện đại đã tìm thấy hài cốt 254 chiến binh thuộc liên minh Athena-Thebes [Hy Lạp] nằm dưới tượng đài “Sư tử của Chaeronea” do ông vua thắng trận Philip II đã dựng lên trên đất Hy Lạp, một ví dụ trong cách thức mở rộng bờ cõi của các đế quốc trong quá khứ, tuyết đã bắt đầu rơi ở Mediterranean, Biển Giữa, nàng có vẻ đang trong tâm trạng nặng nề, hay là em đang bị kiến thức sách vở về quá khứ của Địa Trung Hải dày vò, tôi nói, ở trên đầu chúng tôi bấy giờ là bầu trời mùa thu đầy gió, không biết lũ chim Địa Trung Hải đi trốn thu hay mừng thu đang kêu inh ỏi, sao em cứ thấy thấp thoáng trong trí nhớ cảnh Ceasar xua quân vào đất Gaul làm tan tành cuộc sống ở đó, rồi mang quân quay về La Mã gây cuộc nội chiến nơi đất nước của ông, nàng nói, theo các nhà viết sử Ceasar đã chinh phục tám trăm thành trì và xóa sổ ba trăm bộ lạc ở xứ Gaul, ông đã chống lại ba triệu người xứ Gaul, trong đó một triệu bị giết chết, một triệu bị  bán làm nô lệ, đế quốc La Mã với Ceasar, rồi đế quốc Macedoni với cha con vua Philip II,  đế quốc Frank với Charlemange, đế quốc Hồi Giáo với đám đệ tử của Mahomed, những thế kỷ lần lữa trôi qua với tiếng vó ngựa của  bọn họ, những mảnh đất vành đai biển Mediterranean lần lữa nhuộm máu người, mỗi lần mở thử cổ thư, nhìn lại những bản đồ đất đai của những đế quốc ấy, em thấy những mảnh đất vành đai  biển Mediterranean lại hiện ra như vành môi tứa máu, nàng nói

 

 

những va chạm khốc liệt

 

từ sông Indus về tới cung điện Babylon, Alexander bỗng rơi vào tình trạng như sự rối loạn toàn diện của tinh thần và thể xác, ông cảm thấy có gì đấy như đang có sự chuyển động kỳ dị, có vẻ như những dòng sông suối đặc quánh những vật thể lạ lùng di chuyển liên tục trong huyết quản và trong nghĩ ngợi của ông, Alexander rời giường nằm, đứng lên, đi ra vườn thượng uyển, Mesopotamie mùa hạ, gió sông Euphrate đang thổi mạnh, có vẻ như đang diễn ra cảnh tràn lan những sự kiện, lạ có, quen có, trong nghĩ ngợi của ông, ông cứ sợ sự lao tâm khổ trí trong chinh chiến làm trí óc ông mụ đi, nhưng không phải, Alexander vẫn còn nhớ rất rõ, không sót chi tiết nào, mùa xuân, ông cho giết bò hiến tế Poseidon, thần cai quản biển cả và làm rung chuyển mặt đất, lần đầu tiên ông bước lên bờ châu Á, từ nơi có di tích thành Troa, ông bắt đầu cuộc chinh phục vũ bão của mình, tiến chiếm Tiểu Á, Syria, PhoeniciaJudeaGaza, rồi Ai CậpBactria, Mesopotamie, trên cánh đồng Gaugamela gần con sông Tigor ông đánh tan quân đội Ba Tư của triều đại Achaemenes, đuổi vua Darius III chạy về phương bắc, làm chủ toàn bộ đất đai của Đế quốc Ba Tư,  ông còn nhớ rõ mọi thứ, từ việc cưới Roxana con gái một viên quan nhỏ của triều Achaemenes ở Bactria, việc lập ra thành phố Alexandria ở Ai Cập, đến việc lên ngôi vua Ba Tư, ông nghĩ  ngợi, và cảm thấy cơ thể ông như sắp rã ra thành mảnh, Alexander trở vào cung điện, lên giường nằm, và đuổi hết kẻ hầu hạ, bất chợt ông nhớ đến Diogene,  trước khi đi đông chinh ông đến hỏi Diogene có muốn ông giúp gì hay không, Diogene chỉ bảo ông hãy tránh ra đừng đứng che mất ánh mặt trời, bất chợt ông nhớ đến lời nói của nhà hiền triết bất cần đời, mơ hồ cảm thấy một điều bất trắc nào đó, và nghĩ đến cái chết, dường cơ thể ông  mỗi lúc một đau đớn hơn, Alexander vội nhắm mắt, nhưng lại thấy đám thầy tu Hindu ở Ấn Độ cứ đi qua đi lại trong mắt mình, hãy cút hết đi, ông thét, và nghe như đang vang lên đâu đó giọng cầu kinh của của đám tu sĩ Hindu, bọn họ mỉm cười nhìn ông, rồi lặng lẽ đi về phía núi Hymalaya, rồi cái tiếng ohm kỳ dị ông từng nghe thấy khi vượt qua bên kia sông Indus bỗng vang lên trong tâm trí ông, Alexander rùng mình, nhắm mắt, nhưng những ngọn lửa rực đỏ lại cháy lên trong ông, là lửa của Zoroaster ư, lửa của  nhà tiên tri, người sáng lập Bái Hỏa Giáo, tôn giáo cổ xưa nhất nhân loại, ông nghĩ, và bắt đầu cảm thấy sợ hãi, chính là ông đã đốt cháy thánh thư Avesta của Bái Hỏa Giáo, cuốn sách ẩn chứa trí tuệ của đấng Ahura Mazda, người đã vạch rõ cho tín đồ của mình thấy cảnh trí của địa ngục, thiên đường và tự do ý chí…Và với cơ thể đẹp nhất của Ngài khiến chúng ta có được sự hiểu biết sâu sắc, Ô Ahura Mazda! cho những ngôi sao đó (chính là thân thể Ngài); và với điều đó, điều tối cao nhất, [ điều được gọi như mặt trời][Thánh thư Avesta…](*), Alexander nhắm chặt mắt, cứ  nghe thấy những lời kinh ông đã từng nghe thấy lúc đem quân vào đốt cháy kinh thành Persepolis, và cảm thấy như cái chết sắp đem ông đi

 

nàng viết về vua Alexander Đại Đế trong Nhật ký hành trình của mình, tôi đọc, và nhìn thấy những va chạm khốc liệt trong ông vua Macedonia Hy Lạp lừng lẫy thời cổ đại , vào phút cuối đời, các tôn giáo phương đông đã đánh một cú quá mạnh vào lòng kiêu hãnh của ông, hay khi viết về Alexander như thế là em muốn nói đến một phạm trù khác: khoa học sơ kỳ Hy Lạp đối mặt với huyền học phương đông, tôi hỏi, nàng chỉ nhìn tôi mỉm cười, và im lặng 

 

 

(*)And to Thy most beauteous body do we make our deep acknowledgments, O Ahura Mazda! to those stars (which are Thy body); and to that one, the highest of the high, [such as the sun was called]!
AVESTA/ YASNA/YASNA HAPTANGHAITI/TO AHURA AND THE FIRE/6
Translate in to English by L. H. Mills – from Sacred Books of the East, American Edition, 1898

Source: https://www.heritageinstitute.com/zoroastrianism/scriptures/index.htm

 

 

cuộc ngẫu hợp

 

Lại đây, Suleiman! Hát cho tôi nào,
Và đem rượu lại đây, mau!…
….
Em cứ chất đầy tội lỗi đi, bao nhiêu cũng được,
Thượng Đế sẽ bớt thịnh nộ em đừng sợ. (*)

 

chúng tôi nghe như có tiếng ngâm nga của Abu Nuwas

nhà thơ của rượu và tình ái

tôi và nàng là đang thử đi trên con đường Hồi Giáo A Rập đã đi trong cuộc xâm lăng hồi những thế kỷ trước 
kinh Qur’an [Koran]

với thanh gươm và yên ngựa

và chúng tôi biết

trong sa mạc và các thánh địa phương đông, ở Mecque, hay ở  Médine, các thi sĩ và các triết gia thi nhau diễn tả các nghi thức đạo Islam [đạo Hồi] lẫn đạo ái tình

phong cách kỳ dị  truyền qua châu Phi, Ai Cập, rồi từ Ai Cập qua đảo Sicile, [Ý], qua bán đảo Iberia [Tây Ban Nha]  qua  xứ Gaul [Pháp] có  bao nhiêu trái tim tan vỡ khi nghe những vần thơ nhịp nhàng của biết bao ngôn ngữ

 

và chúng tôi cũng biết

vào một đêm năm 610 [tây lịch] một mình trong hang núi Hira, gần thánh địa Mecque, ông ngẩng đầu lên nhìn thấy thánh Gabriel

này Mahomet, con là sứ giả của Allah

thánh Gabriel  nói

và từ đấy Mahomet là giáo chủ Islam thờ đấng tối cao Allah

là đằng đẵng cuộc trường chinh

 

vó ngựa của Mahomet và của đám môn đồ Mahomet diễu qua các miền đất Á châu Phi châu, vượt eo Gibraltar và dừng lại ở Iberia, [Tây Ban Nha] mỏm cực tây Âu châu, mang theo những nhà khoa học toán học và thiên văn học, mang theo những triết gia, thi gia, những vì vua [nhân từ có, tàn bạo có] với các triều đại Omeyyade ở Damas[Syria] và Abbasside ở Bagdad [Ba Tư] mang theo các  nền văn hóa Ấn Độ, Trung Hoa, Hy Lạp, La Mã

Al-Ghazani viết Tahafut al-Filasifa [Incoherence of philosophers/Sự không mạch lạch của các nhà triết học] chỉ trích lý trí, đề xuất phép biện luận siêu nghiệm

Averroès [Ibn Rushd] dịch và chú giải Aristote bằng ngôn ngữ A Rập, chống lại triết học Al-Ghazani,  chủ trương hòa giải triết học và tôn giáo

bảy trăm năm con đường Hồi Giáo A Rập

một cuộc hòa trộn ngẫu nhiên

khoa học sơ kỳ Hy Lạp La Mã  hòa trộn với huyền học phương đông

Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo hòa trộn với Hồi Giáo

phương tây châu Âu bỗng sáng lên  một cuộc văn minh mới

 

tàn bạo và vũ bão

chúng tôi biết

đó là lưỡi gươm và con đưởng của Hồi Giáo

nhưng có vẻ đấy chẳng phải nền tảng của cuộc chinh phục của Islam

 

A! Râu ta đã quét bực cửa tửu điếm!
Ta đã từ bỏ, bất chấp cả cái thiện lẫn cái ác ở hai thế giới;
Nếu chúng rớt xuống đường phố ta như hai trái banh,
Thì em sẽ thấy  ta vẫn ngủ say vì men rượu. (**)

 

đấy, Omar Khayyam, nhà thiên văn học, nhà toán học, nhà thơ A Rập đã viết thế đấy trong tiến trình chinh phục thế giới của Hồi Giáo A Rập của ông

dường như,  đấy, con đường Hồi Gíao A Rập, là niềm kiêu hãnh, hay niềm cảm hứng, một thứ kiêu căng sử lịch của những kẻ đang bước đi trên con đường của Allah

không chỉ có máu thôi bạn ạ
mực của nhà bác học còn linh thiêng hơn máu của người tử vì đạo

 

con đường của những kẻ Allah đã ban phước không phải là con đường của những kẻ chống lại kẻ giận dữ cũng không phải con đường của những kẻ sai lầm[Kinh Qur’an, Chương 1: Sự khai mở, Đoạn 7] (***)

 

phương tây châu Âu bỗng sáng lên với cuộc ngẫu hợp khôn lường

 

 

(*)thơ Abu Nuwas, nhà thơ người Ba Tư (756–814)-trích  Lịch sử văn minh A Rập của Will Durant, Nguyễn Hiến Lê dịch,
 nguồn: https://downloadsach.com/sach-lich-su/lich-su-van-minh-a-rap.html#trial

 (**) thơ Omar Khayyam, nhà thơ người Ba Tư (1048-1123)- trích sách trên

(***)The path of those You have blessed, not of those against whom there is anger, nor of those who are misguided
[Qur’an, Chapter 1: The Opening (al-Fatihah), Section 7 , Translated to English by Talal Itani, Published by ClearQuran]

https://www.clearquran.com/downloads/quran-in-modern-english.pdf

 

 

 

bài ca mục tử (*)

 

nhưng việc Hồi Giáo chiếm đóng Jerusalem, thành phố của Chúa ở phương đông, lại là nguyên nhân của cuộc thánh chiến,  ngay từ phút đầu cuộc đông chinh này dường các bạn đã quên mất giao ước Sinai giữa Moses và Thiên Chúa: “ngươi không được ước muốn nhà cửa, vợ, đầy tớ, bò, lừa của người láng giềng của ngươi”, suốt mấy trăm năm, bạn, những vị giáo hoàng, những vị hoàng đế, những hiệp sĩ, chiến sĩ, những nông gia, thương gia, những dân tự do hay nô lệ, đã dẫm lên bao nhiêu  đất đai trên mặt đất này, mấy trăm năm sau, hay mấy nghìn năm sau, vẫn còn nghe tiếng vó ngựa và tiếng gào giận dữ  của con người, dường các bạn đã nói với ai đó, có phải là người con gái chạy loạn không nhỉ, này hỡi trang tuyệt thế giai nhân, nếu quả nàng không biết thì hãy ra đi theo vết chân đàn cừu [Bài Ca Thứ Nhất, Chương 1, sách Diễm Ca, Cựu Ước]  

 

                                                   ***  


kìa ai đang tiến lên từ sa mạc, tựa hồ những cột mây
thơm ngát mùi nhũ hương mộc dược
ngạt ngào hương phấn xứ lạ phương xa ?

[Bài Ca Thứ Ba, Chương Ba, sách Diễm ca, Cựu Ước]  

 

dù sao thì chúng tôi vẫn cứ nhìn thấy ông Moses đang dẫn đầu đám dân Israel của ông làm cuộc vượt thoát ngục tù Ai Cập, cuộc xuất hành vĩ đại Si nai… dường chúng tôi vẫn cứ nghe thấy những khúc hát sa mạc, chính nơi đây Ngài chọn làm chỗ ở [sách Thánh Vịnh, Cựu Ước]  rồi bằng những cuộc tấn công, bằng các giao ước giữa các bộ tộc Israel, người Israel đã lấy đất của người Canaan ở bờ Đông Địa Trung Hải ông vua thứ hai của người Israel, Davis (1000-961?), kế nghiệp ông vua thứ nhất Saul (1020-1000?),  đã chiếm đóng Jerusalem làm thủ đô của dân Israel, theo ý của Thiên Chúa, ông vua thứ ba của người Irael, Solomon, con trai của Davis, người đã để lại một kỷ vật tượng trưng lòng trung thành của dân Israel với Thiên Chúa: đền thánh Jerusalem, và các bạn, suốt mấy trăm năm trong các cuộc thánh chiến, sau những lần thu hồi được  đất Thánh  Jerusalem, chúng tôi thấy các bạn vẫn cứ còn đi tìm thêm những miền đất khác, hay niềm khao khát đất đai của buổi ban đầu của tổ tiên các bạn như ngọn lửa vẫn cứ bùng cháy trong  các bạn,

 

                                                    ***

 

tôi ngủ, nhưng lòng tôi chợt thức
có tiếng người tôi yêu gõ cửa :
“mở cửa cho anh vào, hỡi em gái, người bạn tình của anh                 
hỡi bồ câu, ôi mười phân vẹn mười 
này đầu anh, lớp sương dày đã phủ,
và tóc anh, đêm khuya làm đẫm ướt.”

[Bài Ca Thứ Tư, Chương Năm, sách Diễm Ca, Cựu Ước]

 

đấy là niềm tin như lớp sương dày phủ lên đầu lên tóc một dân tộc đã làm cho cả thế giới bối rối: không bao giờ  suy suyễn lòng tin trong lòng người Israel về mối quan hệ giữa con người và Thiên Chúa, nó, niềm tin ấy giống như một thứ  “yếu tố khoa học” làm cho một dân tộc long đong nhất trong những long đong vẫn không bị xóa tên trên bản đồ mặt đất, thứ yếu tố kỳ dị ấy như niềm cảm hứng cho sự hình thành  Ky Tô Giáo Châu Âu và Hồi Giáo miền Cận Đông, nhưng suốt mấy trăm năm, chúng tôi thấy các bạn, những chiến binh của những cuộc thánh chiến, có vẻ đã ra khỏi niềm cảm hứng nhân văn và huyền nhiệm,

 

                                              ***

 

người yêu của tôi chẳng khác gì linh dương
tựa hồ chú nai nhỏ
kìa chàng đang đứng sau bức tường nhà
nhìn qua cửa sổ, rình qua chấn song   

[Bài Ca Thứ Hai, Chương Hai, sách Diễm Ca, Cựu Ước]

 

suốt mấy trăm năm  thánh chiến chính các bạn đã làm tiêu tan bao nhiêu cuộc tình, bắt đầu là lời kêu cứu của  vua Bizantine của Đế quốc La Mã phương đông về sự trợ giúp chặn  bước tiến quân của Hồi giáo, tháng 9 năm 1095 Giáo hoàng Urban II đi  thuyết giảng ở Clermont [ miền nam nước Pháp] kêu gọi giới quý tộc đảm nhiệm cuộc viễn chinh vào đất Thánh Jerusalem, một cuộc thập tự chinh với sự tham gia của những hiệp sĩ,  tu sĩ cùng những nông dân và người nghèo ở miền bắc Pháp và châu thổ sông Rhine, tháng 2 năm 1096, chúng tôi thấy thầy tu  người Pháp Piere l’Ermite dẫn đội quân trang bị thô sơ từ Cologne [Đức] vượt BulgariaHungary kéo đến kinh thành Constantinople của Đế quốc La Mã phương đông, sau khi được hoàng đế Alexios I của Byzantine đưa qua eo Bosphorus, các bạn đã bị quân Hồi Gíáo Seljuk [hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ] đánh tan, lập tức, một đội quân khác được tổ chức  từ giới quý tộc gồm Robert xứ Normandy , Godfrey xứ BouillonRaymon IV xứ Toulouse,  Bohemond I xứ AntiochTancred xứ Taranto… tiến đến Constantinople,   tháng 6 năm 1099, chúng tôi thấy Thập tự quân quí tộc tiến vào Jerusalem, dường các bạn vui lắm vì đã lấy lại được đất Thánh từ tay Hồi Giáo Seljuk,

 

                                                     ***

 

này các thiếu nữ Jerusalem,  tôi van nài các bạn :
vì đàn linh dương với bầy nai ngoài đồng
xin đừng lay vội, đừng đánh thức tình yêu,
cho đến khi tình yêu ưng thuận.
[Bài Ca Thứ Nhất, Chương hai, sách Diễm Ca, Cựu Ước]

 

năm 1144, cuộc thập tự chinh thứ hai, một đội quân của  vua Louis VII nước  Pháp, và một đội quân của vua Konrad III (Hohenstaufen) nước Đức, cuộc đột chiếmDamascus thất bại, dường các bạn  cứ gào lên với những người con gái đang chờ bạn ở đất Thánh,

 

                                                     ***

 

gió bấc nổi lên đi, gió nam hãy ùa tới
thổi mát vườn của tôi, cho hương thơm lan toả 
người tôi yêu cứ vào vườn của chàng
mà thưởng thức hoa thơm trái tốt.

[Bài Ca Thứ Ba, Chương Bốn, sách Diễm Ca, Cưu Ước]

 

năm 1187, chúng tôi thấy vua Hồi giáo ở Ai Cập và Syria, nhà quân sự và văn hóa  Saladin đánh bại quân Thập tự các bạn và chiếm lại Jerusalem, hoàng đế Friedrich I Barbarossa của đế quốc La Mã thần thánh, vua Philippe II Auguste của Pháp cùng vua Richard I của Anh đồng loạt tiến quân về phương Đông, năm 1190, chúng tôi thấy Friedrich I Barbarossa chết đuối khi đang vượt sông Saleph ở  Tiểu Á,  đội quân của Richard I và của Philippe II Auguste chiếm được Acre, một thành phố cảng nằm ven vịnh Haifa, Israel, nhưng do mâu thuẫn Philippe II Auguste bỏ về nước,  tháng 9 năm 1192 chúng tôi thấy Richard I phải ký hòa ước với Saladin, theo đó lãnh thổ của công quốc Jerusalem vẫn nằm trong một phạm vi hẹp từ Acre đến Jaffa trên bờ Địa Trung Hải, người Kitô giáo hành hương được quyền viếng thăm Jerusalem trong 3 năm, chúng tôi cũng chẳng biết là các bạn đang buồn hay đang vui,

 

                                                     ***

 

xin đặt em như chiếc ấn trên trái tim anh
như chiếc ấn trên cánh tay an.
phải, tình yêu mãnh liệt như tử thần,
cơn đam mê dữ dội như âm phủ.
lửa tình là ngọn lửa bừng cháy
một ngọn lửa thần thiêng

[Lời Bạt, Chương tám, sách Diễm Ca, Cựu Ước]

 

cuộc Thập tự chinh thứ tư bắt đầu năm 1202 do Giáo hoàng Innocent III phát động với mục tiêu tiến chiếm Ai Cập để từ đó tấn công Jerusalem, nhưng vì thiếu tiền, những người chỉ huy thập tự quân lại thỏa thuận với thành phố Venezia  để đánh chiếm Zara, một thành phố của người Kitô giáo, địch thủ thương nghiệp của Venezia, rồi lại tiếp tục tấn công Constantinople, thủ đô của Đế quốc La Mã phương đông, mặc ngăn cản của giao hoàng, chúng tôi thấy các bạn đốt cháy  một phần thành phố Constantinopple, rồi chia đế quốc Byzantine thành các công quốc để trị , lần này chúng tôi nhìn thấy các bạn đã quên hẳn giao ước Sinai Moses đã ký kếtvới Thiên Chúa,

 

                                                              ***

 

em sẽ đưa anh vào nhà mẹ em
và anh sẽ chỉ dạy cho em
em sẽ mời anh uống rượu thơm hảo hạng
uống nước thạch lựu vườn nhà em

[Bài Ca Thứ Năm, Chương Tám, sách Diễm Ca, Cựu Ước]

năm 1228, chúng tôi nhìn thấy hoàng đế Friedrich II của Đế quốc La Mã thần thánh cầm đầu cuộc Thập tự chinh lần thứ sáu tiến về phương đông nhưng đã nhanh chóng quay  về và bị Giáo hoàng rút phép thông công, năm sau, 1229, chúng tôi thấy Friedrich II  đàm phán với  Hồi giáo phương đông  đạt được hiệp ước hòa bình trong mười năm, khôi phục lại quyền kiểm soát Jerusalem, nhưng  năm 1244Jerusalem lại thất thủ trước sự tấn công ồ ạt của lính đánh thuê Hồi Giáo,  chúng tôi nhìn thấy đất Thánh của các bạn cũng nhọc nhằn không kém các bạn,

 

 

                                                         ***

 

nếu em là bức tường thành, ta sẽ xây lên đó một vọng lâu bằng bạc, nếu em là cổng thành, ta sẽ lắp then cài gỗ bá hương

[Phụ Trương, Chương Tám, sách Diễm Ca, Cựu Ước]

 

năm 1247, sau khi Jerusalem đã bị chiếm, vua Pháp Louis IX [Thánh Louis]  thực hiện  cuộc Thập tự chinh thứ bảy tiến đến Ai Cập chiếm thành phố Damietta, nhưng ba năm sau, 1250, quân thập tự đã  bị quân Hồi giáo của Baybars I và Emir Fakr ed-Din đánh bại trong trận Mansoura, chúng tôi thấy vua Louis IX  bị bắt làm tù binh, và chỉ được thả sau khi đã trả tiền chuộc, lần này thì chúng tôi không kịp nhìn thấy vua đắp tường thành và xây lầu vọng bạc, sao vua không đi giải phóng đất Thánh Jerusalem mà tiến chiếm Ai Cập nhỉ,

 

                                                    ***

Chạy trốn mau, người yêu hỡi,
hãy làm linh dương, làm nai nhỏ của em
tung tăng trên núi đồi cỏ thơm bát ngát.

[Phụ Trương, Chương Tám, sách Diễm Ca, Cựu Ước]

 

chúng tôi thấy cuộc viễn chinh lần thứ tám lại cũng do vua Louis IX thực hiện, lần này là tiến chiếm Tunisia, nước Hồi Giáo Bắc Phi , nhưng ngày 25 tháng 8 năm 1270, chúng tôi đã thấy vua đã chết ở gần Tunis vì bệnh dịch hạch, sao vua cũng không  đi giải phóng đất Thánh mà tiến chiếm Tunisie nhỉ,

 

                                                            ***

 

tôi xuống vườn hạnh đào ngắm chồi non thung lũng
xuống xem nho đã đâm chồi

[Bài Ca Thứ Năm, Chương Sáu, sách Diễm Ca, Cựu Ước]  

 

có thể nói vương quốc La Tinh ở Jerusalem trong các cuộc thập tự chinh là kinh nghiệm đầu tiên của Châu Âu trong việc chiếm làm thuộc địa một miền đất ở hải ngoại,  những cuộc thập tự chinh được những người Châu Âu theo chủ nghĩa thực dân thế kỷ 19  ca ngợi như kiểu mẫu cho những bành trướng của Châu Âu sang phương đông, chúng tôi thấy ở đó là sự tàn bạo, và tồi tệ, động cơ thúc đẩy cuộc viễn chinh tôn giáo là sự tham lam hơn là sùng đạo,  dường những việc làm của các bạn Giesu ở Nazareth đã nhìn thấy trước: Thiên sứ thứ năm thổi kèn, tôi thấy một ngôi sao từ trời rơi xuống đất, ngôi sao ấy được trao cho chìa khóa của vực sâu.  Khi ngôi sao mở vực sâu thì có khói từ vực sâu bay lên như khói của một lò lửa lớn, mặt trời và không gian bị u ám bởi khói của vực sâu ấy.  Từ luồng khói đó có những châu chấu bay ra khắp đất, và chúng được ban cho năng lực giống như năng lực của bọ cạp trên đất vậy.  Chúng được bảo đừng làm hại cỏ trên đất, các loại tươi xanh và cây cối …[Sách Khải Huyền, Tân Ước] 

 

                                                   ***

 

chúng tôi, những kẻ chăn dắt chữ nghĩa  thời đương đại, cứ muốn các bạn cùng hát với chúng tôi những khúc hát về quá khứ: bài ca mục tử

 

 

(*)
Những trích dẫn Cưu Ước và Tân Ước là theo bản văn tiếng Việt trong “Kinh Thánh trọn bộ” nhà xuất nản Thành Phố Hồ Chí Minh năm 1999, và theo bản văn tiếng Việt trong “Lịch sử văn minh Tây phương” nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin năm 2003, và theo trang mạng http://www.freebiblecommentary.org/pdf/vie/VOL12_vietnamese.pdf
Những tư liệu về các cuộc thánh chiến là dựa theo Wikipedia và theo “Lịch sử văn minh Tây phương” nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin năm 2003

 

 

 

Giesu ở Nazareth và cấp số nhân 

 

bỗng Averroès chú giải Aristote

tôi và nàng nhìn thấy trên đường vào thành phố Nazareth các học giả Ky tô giáo vô cùng bối rối

không phải niềm bối rối của hơn nghìn năm trước

Giu se và Maria bối rối mang người đại diện của sự thật rời khỏi xứ sở Galilee  trốn sang Ai Cập

chúng tôi gọi Giesu ở Nazareth là người đại diện của sự thật, và Người sẽ được gọi là người Nazareth (*)

hơn một nghìn năm phương tây châu Âu vẫn sống trong niềm bình an huyền học, rằng, có một người của lịch sử đã chiến thắng cái chết và hứa hẹn một đời sau hạnh phúc cho tất cả những ai đã tin vào người ấy

hơn một nghìn năm đại tự sự chứa đựng cái chết hiến tế và sự phục sinh của một người của lịch sử như niềm cảm hứng vô tận của những học giả Kytô giáo phương tây châu Âu
 

bỗng những lời ấy vang lên, khô khốc, và tự tại, tựa tiếng chân  con ngựa chạy đường dài cứ việc gõ móng lên mặt đường nhiều sỏi đá

hình dạng của  vật chất, của ngôn ngữ con người, của các chủng loài…

những lời từng vang lên nơi ngôi trường đại học đầu tiên của nhân loại

Lyceum của Aristote trong khu rừng mát mẻ phía đông bắc châu thành Athene

đám sinh viên cổ đại đã biết đến thứ khoa học sơ kỳ Hy Lạp tự ba trăm năm trước cuộc chạy loạn của Giesu ở Nazareth
 

mùa đông Nazareth
buồn
lũ sếu kêu vang trên hồ Galilee   
không có dáo gươm, nhưng cứ thấy như sắp có đổ nát
thứ tri thức mang  vẻ  trầm tích ngủ yên của Aristote bỗng được người thầy thuốc Averroes ở Cordoba của đế quốc A Rập Tây Ban Nha  khơi dậy
các học giả Kytô giáo bước ra  nhìn trời, thở dài, cứ nghe như đang vang lên bên tai: Thiên Chúa sáng tạo ra thế giới và con người thì  có thể nhìn thấy những qui luật của tư nhiên

niềm tin vào trí tuệ Đấng Tối Cao hơn nghìn năm đã bị thách thức
chúng tôi mường tượng, ở Nazareth, một ngày mùa đông, có tiếng kinh  trưa vang lên từ  đền thánh Jerusalem,  hỏng…hỏng hết, các vị học giả Kytô giáo cứ gào lên
và  đâu đó, kẻ thế tục quá khích nào đó, sau khi đọc được những bản dịch triết học Aristote bằng tiếng La Tinh được dịch từ những bản dịch tiếng A Rập có chú giải của người thầy thuốc nhà triết học Averroes, cũng gào lên: cái chết chẳng liên quan gì đến Thiên Chúa cả 
những người chấp nhận triết học Aristote và những người không chấp nhận Aristote tranh cãi nhau, quyết liệt  
các nhà trường-nhà thờ bắt đầu cấm giảng dạy Aristote, thứ triết học cho rằng một thế giới không hề có sự can thiệp của Thiên Chúa, một thế giới trong đó mọi sự, từ sự hoạt động của tâm trí đến tính chất của các sự vật đều có thể am hiểu mà không cần dựa vào bằng chứng về sự hiện hữu của Thiên Chúa 
 

nhưng vào một ngày mùa đông thật lâu sau đó
khi đám tuyết thôi rơi trên hồ Galilee
học giả Kytô giáo, nhà trí thức xuất sắc của nước Ý, Thomas Daquin   bước vào thành phố Nazareth nói với những bạn đồng nghiệp của ông, rằng, Aristote vĩ đại, Averroes cũng vĩ đại, trí tuệ con người có thể khám phá thế giới, nhưng phải được trí tuệ Thiên Chúa soi sáng mới đạt được sự thật của sự thật

em đã nhìn thấy một ngày phương tây châu Âu hửng nắng
Thomas Daquin đã  để cho trí tuệ Thiên Chúa đứng ở bên trên trí tuệ nhân loại, ông ạ
nàng nói, vẻ đăm chiêu 
dường nhân lọai bao giờ cũng muốn có một thứ sương mù lãng đãng bao bọc cuộc sống của mình, huyền học, vâng, huyền học như một thứ thức ăn mơ hồ đứng cạnh kề cơm áo, em à

tôi nói 
em cứ thấy như Thomas Daquin bất ngờ nhảy vào dòng chảy thế sự, vâng, có như thế, cái bất ngờ mới có sức mạnh hơn là việc xảy ra tự nhiên và ngẫu nhiên (**)
nàng bất chợt trích lời Aristote

 

 

(*)Tin mừng theo thánh Mat-thêu, trang 1292, Kinh ThánhTrọn Bộ, nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh, 1999

(**)Trích trong Aristote, nghệ thuật thi ca, trang47-Nhà xuất bản Lao Động,Trung Tâm Văn Hóa Đông Tây, năm 2007

 

 

 

đại mộng

 

tôi và nàng lại nghe vang lên những lời ca tuyệt mỹ của Walt Whitman
những lời ca về nước Mỹ
Trên đường đi tôi dừng trong chốc lát,
Của bạn đây! và đây nước Mỹ!
Vẫn là thứ hiện tại tôi đề cao, vẫn là thứ tương lai của những Xứ Sở tôi thông báo trước về điều vui vẻ và tuyệt vời,

Và với quá khứ tôi nói to lên  những gì là biểu trưng còn giữ được của người dân bản địa da đỏ.

 

Những người dân bản địa,

Khởi từ hơi thở  thiên nhiên, hòa cùng tiếng mưa tiếng gió, gọi nhau như lũ chim lũ thú trên rừng, đã nói với chúng tôi một cách rõ ràng về những tên đất tên làng, 
Okonee, Koosa, Ottawa, Monongahela, Sauk, Natchez, Chattahoochee,
      Kaqueta, Oronoco,
Wabash, Miami, Saginaw, Chippewa, Oshkosh, Walla-Walla,

Sống như với những Xứ Sở  họ cảm xúc, họ bắt đầu, mang theo nước và đất với những tên gọi [Walt Whitman, Lá Cỏ, Ra đi từ Paumanok, đoạn 16](*)

 

người da đỏ gọi hòn đảo Long Island của họ là Paumanok, nơi Whitman chào đời

có một niềm kiêu  hãnh như thể nối dài của giấc mơ kiêu sa
nước Mỹ là giấc mơ của Whitman
trong giấc mơ của Whitman có niềm cảm xúc của  những người làm cuộc bắt đầu ở châu Mỹ, những người  luôn mang theo bên mình tên của những vùng đất thân yêu
buổi chiều vàng ố niềm sử lịch

bà mẹ châu Mỹ giật mình nhớ đến dòng máu hợp chủng trong người 
hệ lụy của những giấc mơ khởi từ bước chân Christopher Columbus trên hòn đảo ở biển Caribbe

cái thế kỷ oan khiên
Aztec và Inca nghìn năm văn vật bị đem ra làm ví dụ cho cách thức tiến hành chủ nghĩa thực dân 
các tay súng Tây Ban Nha chủ xướng cuộc chơi

Hernando Cortés, năm 1519,  bắn vào Mexico của người Aztec
Francisco Pizarro, năm 1531, bắn vào Peru của người Inca

các bạn hãy nhớ thật kỹ tên họ những người này bỡi bọn họ là những người đầu tiên khẳng định cho giấc mơ của phương tây châu Âu

thống trị châu Mỹ có nghĩa khai thác các thứ của cải châu Mỹ bằng các phương tiện khoa học kỷ thuật phương tây và bằng sức của đám dân  bản địa và  sức của đám nô lệ da đen mang từ châu Phi sang

thống trị châu Mỹ có nghĩa đám dân các chính quốc [Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp…] lần lượt đổ sang châu Mỹ để làm giàu, có nghĩa là cuộc hôn phối vĩ đại giữa đám dân các chính quốc với đám dân châu Phi và đám dân bản địa châu Mỹ

nàng đã cung cấp cho tôi những con số ấn tượng
trong thế kỷ 19  hằng triệu người châu Âu đã bỏ rời quê hương đến với châu Mỹ
và trong cuộc chinh phục của Tây Ban Nha ở Trung Mỹ hằng triệu người Aztec đã bị giết chết

và tôi thì cũng nhận ra, rằng, hơn bốn thế kỷ phương tây châu Âu thống trị phần còn lại của trái đất đã làm tiêu tan nền văn minh cổ kính của châu Mỹ,  nền văn minh phương tây châu Âu chuyển qua cái lò nung hợp chủng châu Mỹ  làm sản sinh những hào kiệt trong  chính trị, khoa học, triết học, văn học…mà đỉnh cao là nước Mỹ, nhưng cái lò hợp chủng vốn được nung bằng thứ nhiên liệu tham tàn lại làm sản sinh thứ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc tệ hại vẫn còn âm ỉ cháy trong lòng châu Mỹ

 

 

(*)On my way a moment I pause,
  Here for you! and here for America!
  Still the present I raise aloft, still the future of the States I
      harbinge glad and sublime,
  And for the past I pronounce what the air holds of the red aborigines.
  The red aborigines,
  Leaving natural breaths, sounds of rain and winds, calls as of birds
      and animals in the woods, syllabled to us for names,
  Okonee, Koosa, Ottawa, Monongahela, Sauk, Natchez, Chattahoochee,
      Kaqueta, Oronoco,
  Wabash, Miami, Saginaw, Chippewa, Oshkosh, Walla-Walla,
  Leaving such to the States they melt, they depart, charging the
      water and the land with names.
[Walt Whitman, Leaves of Grass, Starting from Paumanok, Section 16]
http://www.gutenberg.org/files/1322/1322-h/1322-h.htm#link2H_4_0026

 

 

 

dưới chân dãy Pyrénées

 

rồi nàng đã đưa tôi đến chân dãy Pyrénées, đã đến lúc chúng tôi phải  chia tay nhau, trên đường về lại phương đông tôi sẽ vượt eo Gibralta để tưởng nhớ con đường đi tìm đất mới của  tổ tiên con người của chúng ta, tôi nói,  ông có vẻ giống như một vị thần cổ đại đã bị văn minh đương đại tước hết quyền năng chỉ còn mỗi đôi chân muốn lặn lội khắp chốn, hay là nán lại ít hôm vào hang động Lascaux thử có tìm được chút âm vang tiền sử nào hay không, nàng có vẻ muốn cầm chân tôi, tôi nói mình đã đánh cắp quá nhiều thứ của phương tây giờ phải trốn về phương đông thôi, tôi đùa nói với nàng, rồi cũng phải đến giây phút chia tay,  tôi đứng ở chân núi Pyrénées nhìn theo cho đến khi nàng khuất dạng, rồi lại mường tượng về một chốn xa xôi,  hang động Lascaux, hồn cốt quá khứ lại trườn về, con bò mộng nghìn xưa có thể  xô lệch trí tưởng hậu thế ư, Pyrenees sừng sững trước tôi là cái của hôm nay, của hôm nay, và của hôm xưa, bất chợt, tôi nhớ đến Walter Benjamin của nước Đức, Pyrénées và cái chết của một nhà văn, chủ nghĩa phát xít và cuộc chạy trốn của của một nhà văn, Walter Benjamin  rời nước Đức quê hương mình, định trú lại Paris, nhưng  nước Pháp lại bị quân phát xít chiếm đóng, ông  định vượt dãy Pyrenees sang Tây Ban Nha, nhưng nước Tây Ban Nha đã không cho ông vào, không để cho mình chết dưới tay quân phát xít, Walter Benjamin đã tự kết thúc đời mình ở đây, và  để lại cho nhân loại thứ văn chương đầy tính ám dụ

 

Lịch sử giống như vị thần  Janus, nó có hai khuôn mặt. Cho dù  nhìn vào quá khứ hay hiện tại, nó nhìn thấy cùng một sự việc

             Maxime Du Gamp- Paris, tập. 6, tr. 315

 

Chủ đề của cuốn sách này là một ảo tưởng được thể hiện bởi Schopenhauer trong công thức như sau: để nắm bắt bản chất của lịch sử, nó đủ để so sánh Herodotus và tờ báo buổi sáng. Những gì được thể hiện ở đây là cảm giác về đặc trưng đến chóng mặt của quan niệm lịch sử thế kỷ thứ mười chín. Nó tương ứng với một quan điểm theo đó quá trình của thế giới là một chuỗi sự kiện vô tận đông cứng trong hình thức sự vật. Điều còn lại mang tính đặc trưng của quan niệm này là những gì được gọi là “Lịch Sử Văn Minh”, cái làm ra danh mục, từng thứ một, của hình dạng đời sống và sự sáng tạo của nhân loại.[Walter Benjamin/ Thương Xá/Paris, thủ đô của thế kỷ 19/Khám Phá <của 1939>/Giới thiệu…tr.14] (*)

 

ở tác phẩm vĩ đại Passagen-Werk [The Arcades Project/ Thương Xá hay Dự Án Mái Vòm] dường Walter Benjamin  đã nhìn thấy rất rõ số phận của nhân loại  đương đại.

 

 

(*)
History is like Janus, it has two faces. Whether it looks at the past or at the present, it sees the same things. 

 Maxime Du Gamp, Paris, vol. 6, p. 315

The subject of this book is an illusion expressed by Schopenhauer in the follow-ing formula: to seize the essence of history, it suffices to compare Herodotus and the morning newspaper.  What is expressed here is a feeling of vertigo charac-teristic of the nineteenth century’s conception of history. It corresponds to a viewpoint according to which the course of the world is an endless series of facts congealed in the form of things. The characteristic residue of this conception is what has been called the “History of Civilization,” which makes an inventory, point by point, of humanity’s life forms and creations.

[Walter Benjamin /The Arcades Project/Paris, Capital of the Nineteenth Century/Expose <of 1939>/ Introduction/Translate in to English by Howard Eiland and Kevin McLaughlin/ page 14]

https://monoskop.org/images/e/e4/Benjamin_Walter_The_Arcades_Project.pdf

 

thần  Janus: vị thần khởi đầu và chuyển đổi trong thần thoại La Mã
Maxime Du Gamp: nhà văn Pháp, 1822-1894
Schopenhauer: triết gia Đức, 1788-1860
Herodotus: triết gia Hy Lạp, thế kỷ 5 tcn

 

 

 

 

III.TÔI VÀ NHỮNG CÂU CHUYỆN CŨ (*)

 

vào lúc giữa khuya, ngọn bút xuân thu của tôi 
như không còn đứng trên giấy nổi nữa, tôi đi
chôn phác thảo văn chương của tôi vào một đêm
mùa thu có tiếng ếch nhái kêu mưa inh ỏi trên đồng làng.

 

bây giờ thì những cô gái  ở trong làng đi ra đi vào gặp nhau hoài đã đi tứ
tán,cuộc đời con người có lúc cũng giống như lũ chim có lúc cũng bay tứ tán, điều gì còn đọng nơi bờ cỏ đồng làng nếu không phải là những bước chân, có thể đó là tháng chạp, lúa trì chín, những bước chân những người gánh lúa, những thứ như thế là bỗng bặt dạng khi những thứ khác bỗng từ đất khách tràn vào quê tôi, bây giờ là tôi cứ đứng ở quê tôi mà nhìn về phía đất khách, nơi sản sinh những thứ khác làm cho nhiều thứ ở làng tôi bặt dạng, có thể đó là một dáng vẻ, hay một ánh nhìn, xa lắc, có vẻ chẳng dính dáng chi, những thật ra là rất dính dáng với làng tôi, tôi nhìn thấy ông già khép cối xay lúa ở làng tôi với thứ triết học đứng một chỗ mà nhìn cứ  ngơ ngác đứng nhìn anh chàng Don Quijote của Miguel de Cervantes ngày nào cũng đi đánh nhau với chiếc cối xay gió, tôi nghe Francois Rabelais cười cợt và gào lên giữa thời phương tây châu Âu phục hưng những giá trị cổ kính: Những kẻ đó, các ngài hãy tránh xa, hãy kinh tởm và căm thù cũng như tôi vẫn làm, rồi các ngài sẽ thấy nhẹ mình, xin nói thực, và, nếu các ngài có ý muốn trở  thành những người  Pantagruel chủ nghĩa chân chính (nghĩa là sống yên lành, vui vẻ, khỏe mạnh, lúc nào cũng ăn uống thõa thuê) thì đừng bao giờ tin vào những kẻ chuyên nhòm qua một cái lỗ(**), như một chút hương cau  trong trí nhớ, mẹ têm miếng trầu già, đất cồn lên thứ văn hiến đậm như luống cày tháng giêng, tôi cứ thấy chao nghiêng nửa cơn gió chiều hôm, đêm, con chim vạc lượn trên bầu trời nhắc chuyện con tắc kè, con cháu lũ khủng long vẫn nương thân  nơi cây vông đồng đầu làng, tôi cứ thấy chiếc cộ bò chất đầy củi  bồng bềnh trên con đường đầy bũn từ dãy núi phía nam dẫn về làng tôi, cũng bồng bềnh như thế, con thuyền nan của nhà hàng hải người Bồ Đào Nha  Bartolomeu Dias vào năm 1488 cũng bồng bềnh trên Đại Tây Dương mà nhìn thấy Mũi Hảo Vọng của Nam Phi, để từ đó phương tây châu Âu bắt đầu nhìn thấy những gì ở ngoài mình, thật ra thì vũ trụ học Isaac Newton   đã nuôi dưỡng tôi từ buổi tôi nằm nôi, cuộc ấu thơ, những cú vấp ngã, sau này, khi biết cầm bút tả  con đường quê tôi  thường vấp ngã, tôi mới ngộ ra tôi đã từng được đất đai bảo bọc, bỗng Albert Einstein   đứng trên vai Newton hô hoán, rằng, mọi thứ trong trời đất đều tương đối, đấy là chỗ bắt đầu cái thuyết lý, một bài thơ kinh dị làm kinh ngạc nhân loại, tả cái thịt da vật chất vừa là hạt vừa là sóng, vừa là có vừa là không, trước lầu Ngưng Bích bóng trăng xa với vẻ trăng gần ở chung của cụ Nguyễn Du của nước tôi là vậy, người ta nói nước các đại dương mỗi ngày mỗi đầy là do khí hậu trái đất mỗi ngày mỗi nóng lên làm cho băng tan, mà quên đi là còn do nước mắt của nhân loại, nước mắt đã đổ xuống kể từ hôm con người bắt đầu thù hận nhau, nước mắt đổ xuống trong hai cuộc thế chiến là nhiều nhất,  phương tây  châu Âu là cái lò chế tạo ra những con người kỳ vĩ, những nhà khoa học, những triết gia, sử gia, thi gia, chính trị gia kỳ vĩ , cuộc cách mạng khoa học kỷ thuật đã chuyển tới thời kỳ thứ tư, con người thời 4.0 bắt đầu giống với các vị thần trên đỉnh Olympia, chỉ có điều, có quá nhiều lúc con người quên mình là thuộc thời phong thần, vẫn cứ lừa gạt nhau bằng những hội họp, những tuyên bố, những chủ thuyết, phương tây châu Âu là cái lò chế tạo ra đủ các thứ  chủ nghĩa, thuyết lý, chế tạo ra đủ các thể chế chính trị, chế tạo ra đủ các loại hình chiến tranh, chế tạo ra đủ các loại lò thiêu người, lò thiêu người kiểu Fascisme   của Adolf Hitler ở Đức, lò thiêu người kiểu Communist của Iosif Vissarionovich Stalin   ở Nga, đêm, nghe con tắc kè kêu nơi cây vông đồng đầu làng, cái cách luyến nhớ quá khứ của một giống loài gần như sa cơ lỡ vận trong cuộc tiến hóa, cứ làm tôi sợ hãi, biết đâu, giống loài con người nhỏ bé của tôi cứ mãi thù hận nhau, ăn nhau, một ngày nào đó, cũng chỉ còn sót lại một thứ con cháu mang một thứ hình hài tiều tụy nào đó, đêm đêm cũng thốt lên cái cách con tắc kè thốt lên chỗ cây vông đồng đầu làng, phương tây châu Âu là cái lò chế tạo ra cho nhân loại  niềm vinh quang tột cùng và nỗi bất hạnh cũng tột cùng, không cần đợi đến thế kỷ mười bảy William Shakespeare của nước Anh mới thống thiết kêu lên  tồn tại hay không tồn tại  [Hamlet, 1603] không cần đợi đến thế kỷ mười chín Johann Wolfgang von Goethe của nước Đức mới  u sầu phát hiện  cuộc mặc cả bi tráng giữa linh hồn con người và quỉ dữ [Faust, 1806] không cần đợi đến thế kỷ hai mươi Franz Kafka của nước Tiệp Khắc mới nhìn thấy con người bỗng  hóa thành sâu bọ [Die Verwandlung/Hóa thân,1915]  gần ba nghìn năm trước, Aeschylus, Sophocles và Euripides, những nhà viết kịch Hy Lạp đã vẽ lên những gương mặt buồn thảm một cách trắng trợn và kỳ cục của nhân loại, cái nhân loại của ba nghìn năm trước cũng giống với nhân loại hôm nay ư, ở đó là quyền lực và bạo lực và tiếng kêu gào của Prometheus, người mang lửa đến cho nhân loại, người biết trước tương lai, người đang bị  xiềng xích của Zeus[thần của các vị thần]: Ôi! Các hành động đã tiếp theo sau lời nói: đất chuyển động, từ lòng đất tiếng sấm gầm lên, chớp lóe lửa nhằng nhịt bốn phương, một cơn bão lốc cuốn bay cát bụi, tất cả các thứ gió cũng nổi dậy, chòm húc lẫn nhau như những quái vật hung hăng giao đấu, trời biển khuấy nhào lẫn lộn. Đây là trận tấn công vũ bão của Zeus nhằm thằng vào ta để làm cho ta kinh sợ. Hỡi mẹ đáng kính của con, và hỡi bầu không khí chở ánh sáng quay vòng thế giới cho muôn loài cùng hưởng, có thấy chăng tôi bị hành hạ bất công đến thế nào! (***), Prometheus bị xiềng [Ο Προμηθέας είναι συνδεδεμένος/ Prométhée

enchaîné/ Prometheus chained] kịch của Aeschylus, hay phương tây châu Âu tiên đoán số phận  mình và  số phận nhân loại giữa thứ tiến trình ngớ ngẩn của lịch sử                      

(*) dựa vào chữ trong À la recherche du temps perdu của Marcel Proust
(**)Francois Rabelais, Pantagruel, Tuấn Đô dịch, nha xuất bản Văn Học, năm 1981
(***)Promethe bị xiềng, bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Giang, nhà xuất bản Văn Học, năm 1984 

 

Giã 
tháng 8.2018
tháng10.2018