một cuộc dịch chuyển như thể cắt lìa khỏi chốn khởi đầu của một đời người, nhau rốn chị chôn ở đó, chồng con chị và lũ gà heo của chị cũng chôn ở đó trong cơn bão lũ lở đất năm ấy, cuộc dịch chuyển như thể để khỏi nhìn thấy cảnh chia lìa ảm đạm vẫn còn lưu giữ trong cơn gió bấc thổi qua làng, vẫn còn dính chặc với những con đường, chị mà còn đặt chân lên đó thì lập tức lại hiện ra hình ảnh những cánh tay của chồng con chị thò ra từ đống đổ nát, cuộc dịch chuyển như một cuộc lưu lạc tơi bời gió bụi khi con người ta không còn định hướng được cho cuộc đời mình, ở đâu, đi đâu, và làm gì, những câu hỏi như thứ ma trận ác nghiệt đối với chị sau khi những biến động của trời đất tàn phá hết sạch nhà cửa và những người thân của chị, thiếu phụ, hề, mang mang sầu nhất phương, từ thành phố của tôi nhìn thì chị ở tận phương gió bấc bắt đầu thổi, mỗi lần tôi gặp chị, những tứ thơ cổ rời rạc chẳng ăn nhập vào đâu lại hiện lên trong nghĩ ngợi, tôi nghĩ về người phụ nữ đang gánh lấy nỗi đau coi như lớn nhất trần gian, và như mọi lần, tôi vẫn ngồi nơi ghế đá ở cửa vào khu vườn ấy để chuyện trò với chị, và có vẻ như chỉ có tôi là người ở thành phố này chị muốn thổ lộ tâm sự của mình, tôi như người mất trí không còn biết làm chuyện gì nữa để kiếm sống, ngay cả việc mua gánh bán bưng, chú à, chị thường nhắc đi nhắc lại về sự khủng hoảng tinh thần lúc chị lưu lạc đến thành phố này, ngay cả việc chị trở thành người giữ vườn cũng giống chuyện cổ tích, chuyện bắt đầu từ việc ông cụ vỗ vai chị: hãy đi với tôi, và chị leo lên xe ba gác, ngồi lên những viên gạch đã xếp thành hàng, lúc đến nơi giao gạch, ông cụ nói với người chỉ huy đám thợ xây đang xây cổng ngõ ra vào khu vườn: tôi không làm được công việc các ông yêu cầu, nhưng đã kiếm được người phụ nữ này cho các ông đây, đấy, cái cách ông cụ chạy xe ba gác đưa chị đến với khu vườn ấy, giữ vườn là cách gọi cho có vẻ văn minh, thực ra chị làm công việc quét dọn, chăm sóc cây kiểng trong vườn, chị chấm dứt cuộc phiêu lưu trên các miền xứ sở để kiếm sống, và bắt đầu một cuộc phiêu lưu khác, và, có lẽ, tôi cũng là người duy nhất nhìn thấy cuộc phiêu lưu mới của chị, cái gì đã cầm chân chị ở cái khu vườn có ngôi biệt thự cổ kính ấy, với quê chị, chắc là thế, từ lúc sinh ra cho đến lúc rời quê ra đi, những gì còn đọng trong ký ức chị chỉ là những thứ vô cùng quen thuộc: những mái nhà chìm giữa những lũy tre, tiếng gà heo, tiếng khóc trẻ thơ, những con người chân trần đi lại trên con đường làng, giờ bỗng hiện ra trước mắt chị những kẻ ra vào ngôi biệt thự cổ kính nơi khu vườn ấy là vô cùng xa lạ cả về phong thái đi đứng lẫn gốc tích, vậy thì bọn họ từ đâu đến, và ngày ngày bọn họ đi đâu, làm gì, chuyện những nhà thông thái ra vào ngôi biệt thự cổ kính ấy đối với chị là vô cùng bí ẩn, ngôi biệt thự cửa vòm với những trụ nhà đội phù điêu thể hiện văn hóa Hy La có vẻ như đang thách thức với cơn gió đương đại có vẻ muốn xóa bỏ toàn bộ những thứ cũ, cả cây cột chống nhà bằng gạch hay bằng gỗ rừng và cả kiểu dáng thể hiện một thứ văn minh nào đó của chúng…làm chủ thế giới là sao vậy chú, lần đó chị hỏi tôi, về một lời nói một nhà thông thái trong khu biệt thự cổ kính ấy đã nói với chị: con người thời đại đang làm chủ thế giới cũng như chị đang làm chủ ngôi vườn này vậy, một nhà thông thái ở khu biệt thự cổ kính đã nói với chị như thế, thật tình, tôi cũng không đủ sức giải thích cho chị hiểu về lời nói ấy, bỡi chính tôi cũng không hiểu hết thứ ý nghĩa vừa mơ hồ vừa hàm hồ trong thứ khái niệm coi như sản phẩm của văn minh đương đại, chị hỏi tôi với vẻ hiếu kỳ, nếu không nói là háo hức kiểu tuổi thơ, thiếu phụ, hề, mang mang sầu nhất phương, những tứ thơ cổ chết tiệt ấy lại hiện ra trong nghĩ ngợi của tôi, bấy giờ chị như thể trẻ thơ, chứ không phải là thiếu phụ sầu nhất phương, bấy giờ thì chị như đứa trẻ ngơ ngác trước những ngôn ngữ của thời đại
giã 16PM 5.1.2018