Lời kêu cứu trên núi Voi Nằm

 

 

                     tự buổi vô cùng xa đã có lời hay sao…  

 

nếu có chuyện vạn vật đồng nhất thể ở đây [một trong tất cả và tất cả là một] thì việc, đương giữa trưa, núi Voi Nằm thò cánh tay của mình vẫy gọi người làng tôi cầu cứu, là chuyện có thật

 

nằm trong dãy núi phía nam làng, núi, như kiểu bình phong ở trước nhà, hay như cách con sphrinx  nằm nhìn đất nước Ai Cập cổ đại, núi Voi Nằm đang nằm nghe làng xóm tôi [cả cổ đại lẫn đương đại], tiếng tơ lòng lắng từ cõi người đi nửa cuộc hoàng hôn, hoặc trù phú hơn, con đường quằn bóng trăng vẳng tiếng nghìn trước, sang sảng giọng mài gươm, khách mặc áo chiến cũ vào làng, nỗi đau vận nước tràn lên trang sử bằng đất

 

ẩn mật và hùng tráng đến nỗi khi người Pháp thực dân xâm chiếm xong đất nước tôi đổ con đường quan ngang qua làng tôi [con đường mang số thứ tự thứ mười chín] cảm thấy sợ hãi lúc nhìn về phía nam thấy có con voi đá nằm  phục giữa lịch sử đương đại, lập tức nhà cầm quyền địa phương được lệnh truyền bắt dân làng tôi đương những chiếc bồ bằng nan tre, học theo cách yểm long mạch của người Tàu thực dân cổ đại, người Pháp thực dân hiện đại đã mang những chiếc bồ nang quét vôi trắng đem đặt trên đỉnh núi Voi Nằm

 

vẫn âm thầm chảy, nguồn mạch, và cuộc sinh hóa, tiếng dệt cửi, hát ru, tiếng cười đùa của trẻ thơ…vẫn cứ cất lên, giữa những vòm tre, buồn nhưng kiên nhẫn, là những lời của những ngày và đêm, chiếc áo đẫm sắc màu kiêu bạc khóac lên những từ vựng kiêu sa, sự đan xen giữa tiếng người và tiếng những con vật nuôi bạn hữu tự những triệu năm trước của con người là thứ từ vựng kiêu sa, có một nền văn minh núi Voi Nằm được nói thế này: con người sinh ra là phải biết làm ra áo mặc, cả chiếc áo mặc lúc sống để làm lụng và cả chiếc áo để mặc lúc chết [năm tôi lên bảy, ông nội tôi vẫn còn sống, và tôi đã nhìn thấy chiếc áo quan của ông  đặt ở căn giữa nhà trên] triết học về chiếc áo quan như muốn nói thêm điều gì nữa về con người

 

đêm, ta thức cùng nỗi ám ảnh, bao nhiêu chữ nghĩa cũng không nói hết, có lần, vào mùa thu, ta leo lên đỉnh núi Voi Nằm, không có lá vàng rụng thành lớp như trong các khu vườn trong làng, hay núi là chốn đã ra khỏi luật lệ của mùa, trong lúc ta còn đương bối rối thì nghe gió thổi, đám cây trên núi như cứ nghiêng vai, rỉ tai nhau, toàn một lời, như tiếng thở của một hòn đá nơi bến suối, ta chợt thấy ngưỡng mộ vô cùng cách hành xử của tự nhiên, tự buổi vô cùng xa đã có lời hay sao, từ ngày biết sự huyền nhiệm của chữ nghĩa, ta đã cố mô tả ánh mắt của núi, nhưng không thể, chỉ có điều luôn cảm thấy núi luôn nhìn ta, ánh mắt của nghìn năm huyễn diệu, đấy là nỗi ám ảnh ta luôn lo sợ bị mất đi, đến khi tự nhiên làm ngơ với mình thì sẽ sống ra sao nhỉ…

[trích trong văn tập  Rối Rắm của ông nghè Lê Quân ]

 

nay, từ làng tôi đứng nhìn, thấy núi Voi Nằm như con voi đá đã bị lột hết da, hơn hai mươi năm, bọn hung tàn của xứ sở ngày nào cũng đem máy móc hiện đại cào cấu da thịt của núi, người ta đã xếp núi Voi Nằm của làng tôi vào hạng mục mang hơi hướng công nghệ: mỏ đá granite, đất nước non sông đang hoàn chỉnh bỗng có kẻ ngăn nắng, chặt gió, núi Voi Nằm khóc không ra nước mắt

 

người làng tôi, hơn hai mươi năm buồn lòng, chẳng còn muốn biết người ta đục núi đem bán cho ai, vào một hôm, đang giữa trưa, cả làng xôn xao, hết thảy đều hướng mắt về phía có tiếng kêu cứu, thì thấy có bàn tay đầy máu me thò ra từ đỉnh núi Voi Nằm, vẫy gọi.

 

giã 10.30 AM  12.10.2017 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.