Một cái chết thật đẹp

 

bà lão ăn xong những chiếc rổ đan bằng nan tre thì xoay sang ăn những chiếc rổ bằng nhựa, tôi thấy lo lắng vô cùng, rổ bằng nan thì còn khả dĩ, đằng này, rổ bằng chất nhựa chế tạo từ công nghệ hiện đại, nếu răng cỏ bà lão còn đủ cũng chẳng thể ăn được, cũng sắp tối rồi, bà không lo cơm nước, ngồi ăn chi những thứ rổ rá, tôi nói như để đánh thức bà lão vì bấy giờ cứ nghĩ là bà ấy đang lầm lẫn chi đó, bà lão ngưng việc ăn những chiếc rổ nhựa, ra hiệu tôi im, từ phía cuối làng đang vọng lại những tiếng hoan hô và đả đảo, hoan hô cái cày gỗ của làng, đảo lũ toàn cầu hóa, thì ra dân làng tôi đang xuống đường phản đối cái gọi là toàn cầu hóa, thú thật, từ ngày mấy tiếng toàn cầu hóa thâm nhập vào làng tôi thì chẳng người làng nào biết nó chính xác là cái gì, chỉ thấy dấy lên một nỗi lo sợ chẳng thể lý giải, nỗi lo sợ vô cớ bỗng ập xuống ngôi làng nghèo khó, theo cách nghĩ của những kẻ đi chân đất ở làng tôi thì toàn cầu hóa có nghĩa là sắp tới chẳng có gì là thuộc về mình, mà thuộc về thế giới, hết thảy những gì con người làm ra được là thuộc về thế giới, và chiều hôm ấy là người làng tôi bắt đầu xuống đường để phản đối thứ tai họa ấy, một lũ vô tích sự, bà lão lầm bầm sau khi nghe thấy những tiếng hoan hô và đả đảo từ cuối làng vọng lại, mà cháu cũng nên về lo việc nhà của cháu đi thôi, bà lão nhìn tôi, nói, rồi tiếp tục ăn những chiếc rổ nhựa, lần này tôi hơi hoảng vì bà lão bỗng ngậm chiếc rổ, ngửa mặt lên trời, thở, chắc bà ấy chết mất, tôi nghĩ, nhưng loáng cái, chẳng còn thấy những chiếc rổ nhựa, cũng hơi khó nuốt một chút, bà lão nhìn tôi, nói, vẫn còn nguyên vẻ mặt cấp bách, thì ra tôi đã hiểu ra, những người làng khác chống toàn cầu hóa bằng xuống đường phản đối, còn bà lão láng giềng của tôi thì bắt đầu ăn những gì bà tạo dựng được, nhưng khi bà bắt đầu ăn những chiếc dao xắt thịt bằng sắt thì tôi mới thực sự lo sợ bà ấy chết, nhưng cuối cùng thì chẳng hề chi, chẳng nhìn thấy giọt máu nào chảy ra ở miệng bà lão sau khi bà ấy nuốt hết mấy con dao bằng sắt, nhưng khi thấy bà lão nằm dài xuống trước bếp nấu, bắt đầu gặm những ông táo kê bằng đá núi thì tôi phải lên tiếng can ngăn, bếp là để nấu ăn bà không nên hủy nó đi, tôi nói, bà lão ngưng gặm những hòn đá núi, giận dữ nhìn tôi, cháu đâu biết nó là của ông nhà tôi hồi còn sống đã mang tự trên núi về, thì ra, đây là thứ tài sản còn quí giá hơn những dao rổ, hình như là máu đã bắt đầu ứa ra từ môi miệng bà lão, tôi sợ, nhưng chẳng dám can ngăn, cũng chẳng còn đủ can đảm để tiếp tục đứng nhìn thứ sự việc chẳng bao giờ tôi nghĩ có thể xảy ra trên đời, tôi về nhà thắp đèn, nằm nghĩ mãi về cách chống nỗi lo sợ toàn cầu hóa của bà lão, nỗi lo sợ vô cớ đã ập xuống xóm làng tôi, những người làng xuống đường chắc đã về cả, chẳng còn nghe thấy tiếng hoan hô đả đảo, vào khoảng quá nửa đêm tôi nghe đánh rầm một cái tựa ai đó đã xô ngã ngôi nhà bà lão láng giềng, tôi lo lắm, song chẳng còn dám sang, vừa hừng đông, tôi hé cửa dòm thử, thì thấy quả nhiên nhà bà lão đã biến mất, tôi vội vã chạy sang, thì thấy bà lão đã chết tự hồi nào, bà ấy nằm chèo queo trên nền nhà trống trơn, miệng còn ngậm mỗi bàn tay của mình, nhờ mấy cọng tranh rạ còn dính nơi môi mép bà lão nên mới biết căn nhà của bà chẳng phải ai mang đi mà do bà ấy đã ăn vào bụng, tới lúc ấy tôi mới hiểu ra, sau khi ăn hết những gì mình đã tạo dựng được, bà lão vẫn thấy chưa yên tâm với cái gọi là toàn cầu hóa, đã quyết định ăn luôn thân xác bà, có điều, sau khi ăn ngôi nhà và những vật dụng trong nhà, bà không còn đủ sức thực hiện quyết định cuối cùng, nên chỉ vừa bắt đầu ăn bàn tay của mình thì bà đã chết.

 

 

 

Share

Leave a Reply

Your email address will not be published.