lên non

 

Bấy giờ ở Đàng Trong, hát bội rất thịnh hành. Thi đỗ, được bổ quan, thì rước gánh hát về hát mừng. Nhà giàu, sinh được con trai, cũng hát mừng. Đấy là chưa kể mỗi năm hai bận xuân kỳ thu tế ở các đình làng, đều có hát bội. Ở huyện Thiên Sơn thời ấy có đến năm bảy gánh hát. Ông bầu gánh hát Lâm Thượng nghe ông hương cống Duật soạn tuồng, liền mang lễ vật đến nhà “Xin ông hương cống hạ cố giúp cho bổn ban về tuồng tập, lộc tổ được bao nhiêu sẽ xin kính cho một nửa”. Ông Duật bảo “Ta ngỡ đỗ đạt ra làm quan sẽ đem điều hiểu biết của mình phục vụ đất nước. Không ngờ, ở chốn quan trường mỗi việc lo giữ chiếc ghế đã chiếm hết thời gian, thì đâu còn để lo cho dân cho nước. Nay cáo quan về quê chỉ muốn mượn sân khấu hát ca để tả lại những cảnh đời bình thường mà phải suy gẫm, để giúp người đời thấu hiểu thêm về lẽ nhân sinh”. Theo lời truyền, tuồng ông Duật soạn phần lớn mượn các điển tích thời tam hoàng ngũ đế bên Tàu. Ông Toại Nhân tìm ra lửa, nướng cua đá cho rợ Miêu ăn, khen ngon. Ông Phục Hy đương dạy dân cày ruộng, thấy chim diều hâu đâm chết con gà con, thì sa nước mắt. Vua Thái Giáp nhà Thương không noi gương các bậc minh quân đời trước làm điều bạo ngược, bị quan phụ chính Y Doãn đem an trí ở đất Đồng. Hết thảy các bản tuồng ấy đều bị thất truyền. Riêng tuồng Cuộc hội quân ở bến Mạnh Tân tả chuyện Tây Bá Phát hội quân các nước ở bến Mạnh Tân để kể tội vua Trụ thì ngày nay dân Lâm Thượng còn nhớ cốt truyện.

Cũng theo lời truyền, tuồng vua Trụ được người xem thời bấy giờ rất hâm mộ. Hễ làm hát bội thì khổ chủ đòi diễn tuồng vua Trụ. Lời lẽ tuồng ấy có tính chất bác học, mà đào kép đều là chân quê, ngày thường làm nghề ruộng, nghề rừng, lúc có ai kêu đi hát mới xáp lại ráp tuồng, ông hương cống phải đích thân tập vợt mới diễn nổi. Do vậy chỉ gánh hát Lâm Thượng mới diễn được tuồng Cuộc hội quân ở bến Mạnh Tân. Các đào kép thủ các vai Đắc Kỷ, Tây Bá Phát, Thương Dung, Tỉ Can, Cơ Tử thường được nhiều tiền thưởng. Nếu là nhà quan làm hát bội, thì vai vua Trụ thường được khổ chủ cho tiền trước rất hậu, để kép thủ vai ấy hứng thú hát cho hay. Về phía gánh hát, vua vai Trụ là vai chính của tuồng nên được phần lộc tổ nhiều nhất. Lúc đầu, chỉ kép Xiên đóng được vai ấy. Xiên làm nghề rừng, người cao to, tiếng nói rất lớn, do ngày nào cũng cầm rìu chặt cây, nên đôi tay rất khỏe. Lúc vua Trụ xua binh triều ra đất Mục Dã để đối địch với quân các nước. Xiên cầm thương múa rất tròn, tiền thưởng ném như mưa lên sân khấu. Về sau ông bầu phát hiện ra kép Chất có khuôn mặt hình quả bí đao, liền bàn với ông Duật: “Nếu kẻ thêm đôi mắt xếch, khuôn mặt ấy có vẻ ác, rất hợp với vai vua Trụ”. Ông hương cống cho vợt thử, quả nhiên kép Chất thủ vai vua Trụ đạt hơn kép Xiên. Biết mình sắp trở thành kép chính của gánh hát, Chất giao việc ruộng nương cho vợ, ngày nào cũng nằm nhà, vợt lại lời hát, điệu đi.

Sắp đến ngày hát ở đình làng Lâm Thượng, Chất chạy đến gặp ông bầu: “Thằng Xiên bảo sẽ có đổ máu nếu Chất này thủ vai vua Trụ, xin ông bầu tìm phương giải cứu”. Ông bầu hát sợ xảy chuyện chi thì chẳng còn ai dám kêu gánh hát của mình đi hát, liền chạy đến cầu cứu ông Duật. Ông hương cống cười, bảo “Bọn chúng cùng làng xóm, ra vào thấy mặt nhau, vì tức mà nói vậy thôi. Chẳng lẽ trên sâu khấu ca cũng giành giật nhau ghế vua quan sao?”.

Đám hát ở đình làng Lâm Thượng, Chất được phân vai vua Trụ. Xiên được phân vai hoạn quan hầu vua Trụ, nhưng anh ta lấy cớ trặc chân, xin làm binh triều. Lớp vua Trụ mê đắm Đắc Kỷ, tiền thưởng ném lên sân khấu như bướm bay. Ông Duật và ông bầu đứng ở cánh gà, nhìn nhau với vẻ rất hài lòng. Đến lớp vua Trụ mổ bụng Tỉ Can thì bỗng có tiếng la ” giết tên hôn quân ấy đi”. Người xem hát tràn lên sân khấu, lôi vua Trụ ra khỏi ngai vàng. Lý trưởng của làng cũng nhảy lên sàn diễn, hét “ai về chỗ nấy để xem cho hết tuồng”. Nhưng kép Chất đã bị ai đó chém ngang lưng, máu chảy lênh láng. Theo cáo trạng của cha mẹ Chất, chính Xiên đã xúi dân xem hát đánh vua Trụ, để thừa dịp giết Chất. Song, đây là nghịch cảnh bi thương, nên chẳng có ai dám đứng ra làm chứng cho lời buộc tội kia. Lý trưởng của làng xử không xong, báo lên huyện. Do không tìm ra được đích xác ai đã giết Chất, nên cả đám người xem hát hôm ấy đều là thủ phạm. Nhưng luật triều thời bấy giờ không có chỗ nào nói về trường hợp này, quan huyện Thiên Sơn đành ghép dân xem hát hôm ấy vào tội làm đảo lộn cảnh thạnh trị của vua, mỗi người đi xem hát phải nộp hai mươi quan tiền phạt, số tiền này dùng làm tiền tử tuất cho ông vua tuồng xấu số.

Cùng dân làng chôn cất Chất xong, ông hương cống bảo vợ con “Ta đi lần này đôi ba tháng mới về. Mà cũng có thể năm mười năm mới về. Bà nó với lũ con gắng làm lụng, chớ để xảy ra cảnh đói rét”. Hai tháng, ba tháng, rồi một năm, ông Duật vẫn chưa về. “Không chừng ông hương cống về kinh đem sở học của mình ra giúp chúa thượng chấn chỉnh lại cảnh rối rắm ở triều”. Trong các hương chức của làng có người biết quan quốc phó Trương Phúc Loan đang lung lạc chính trường, nên nói thế. Nhưng các vị có chút thân thuộc với họ hàng quan quốc phó thì bảo ông hương cống đi làm giặc. Mười mấy năm sau, gánh hát Lâm Thượng bị rã, vì các đào kép đều già, không còn ca hát nổi, cuộc sống dân làng cơ cực hơn trước vì mất mùa, vì sưu cao thuế nặng, hầu hết phải vào núi rừng Thiên Sơn đốt củi, đốt than, đến mùa trái rừng thì người ta đổ vào đấy để hái trái về đổi lấy gạo.

Một hôm, có số người trong làng đi nhặt trái ư, lạc vào tận đỉnh hòn Chủ Sơn, là ngọn cao nhất trong dãy Thiên Sơn. Lúc tìm được phương hướng trở về thì nghe có tiếng suối chảy. Mọi người lấy làm lạ sao đương nắng hạn lại có nước suối trên đỉnh cao. Lần tới chỗ có tiếng suối thì phía trước mặt có khoảng đất bằng rất rộng. Đi lần tới nữa thì nghe tiếng nước chảy gần hơn. Trong lúc mọi người vừa bước vừa mải mê nhìn cảnh lạ, một động đá đã hiện ra ở cuối khoảng đất đầy các loài kỳ thảo. Ở nơi cửa động, một đám khỉ đang nhảy múa. Nhưng thấy có người đến, bọn chúng túa chạy. Một con vượn hình nhân to lớn vẫn ngồi yên ở bên trong cửa động, tay đang cầm hòn đá nhỏ gõ lên hòn đá lớn, vừa gõ, vừa nhìn đám người hái trái, nhoẻn miệng cười. Thì ra, không phải tiếng suối, mà là tiếng gõ đá theo nhịp nước chảy, con vượn đã gõ nhịp cho bầy khỉ múa. Một người trong bọn nghi hoặc, cất tiếng hỏi to: “Có phải ai đấy đã lạc vào sống ở đây không?”. Con vượn hình nhân vẫn nhìn mọi người, nhoẻn cười, và tiếp tục gõ đá. Đã đến lúc ai nấy đều nghi hoặc trong lòng, nên chẳng còn sợ sệt, kẻ xông sát vào con vượn để nhìn cho rõ mặt, người lao vô động đá lục lọi. Người ta biết đích xác đấy là ông hương cống Duật vì đã tìm thấy vở tuồng vua Trụ được cuốn tròn, nhét ở một kẹt đá trong động.

Về đến làng, gặp ai ông hương cống cũng cười. Ai hỏi gì, ông cũng chỉ cười. Ông hương cống không còn nhận ra bất cứ người nào trong làng. Và không còn nói được tiếng người.

1998-2015

Leave a Reply

Your email address will not be published.