Bài ký thôn Mộ Đình

phải nói đấy là áng văn chương hơi kỳ lạ, đọc xong áng văn ấy ta cứ muốn tìm gặp tác giả của nó,

 

… rửa sạch ba nghìn giọt nước mắt sẽ thấy nụ cười, trong sự tàn lụi nào cũng còn có sự sống 
rừng cây nói
nhưng làm sao cho kẻ này có tiếng hót hay hơn. 
chim nói 
hãy thôi hót những lúc không muốn hót và hãy yêu hết thảy muôn loài trong trời đất hơn là yêu chính mình
và rừng cây nói, 

 

xưa kẻ này từng nghe trộm cuộc chuyện trò trên núi cô tích, chính là cuộc chuyện trò giữa chim với rừng cây trên núi đã mở ra cho kẻ này những cách nhìn thế giới

 

những lời ấy cứ mãi ám ảnh ta, tịch mịch là ai, và cái áng văn hơi kỳ lạ ấy được viết tự bao giờ, cuối cùng thì ta cũng đã lên đường đi tìm tác giả của nó, ta đi chẳng nại ngày đêm, thưa, đường đến núi cô tích có còn xa lắm không, đây chửa bao giờ nghe nói đến tên núi ấy, hết thảy những người ta hỏi đều bảo là chưa bao giờ nghe nói đến núi cô tích, nhưng ta thì cũng chỉ biết được chừng ấy, tác giả tịch mịch của áng văn chương ấy từng nghe trộm cuộc chuyện trò giữa chim với rừng cây ở núi cô tích, thì có xa mấy cũng là trên mặt đất này thôi, ta nghĩ, và quyết đi tìm cho bằng được tác giả của áng văn chương ta yêu quí, ta đi chẳng nại ngày đêm, cho đến hôm hiện ra trước mắt ta cái cảnh trí tự dưng ta cứ cho là cảnh trí núi cô tích, trước mắt ta là một vùng núi non xanh biếc, nắng chiều đang ấp ủ rừng cây, có nghĩa là ta chẳng thể đi tới nơi đó ngay trong ngày hôm đó, trong ánh hoàng hôn chập choạng ta cứ theo hướng núi ấy mà đi, mãi lúc thấy mình bước trên con đường đất hai bên có nhà cửa đang chìm trong bóng đêm ta mới biết là đã vào một làng xóm nào đó, hãy dừng lại đi thôi, ta giật thót người vì có tiếng nói ở ngay sau lưng mình, vừa bước chân vào làng đã có người trông thấy, có nghĩa đấy chẳng phải làng xóm bình thường, thưa, có phải đây là đường đến núi cô tích hay không, ta hỏi, không phải để biết đường đến núi ấy, mà để biết đấy là làng xóm nào có vẻ chẳng bình thường như thế, gặp ngài bề trên hẳn rõ, người đàn ông đã chặn ta lại nói với ta, và dẫn ta đến chỗ ngài bề trên, đây là thôn mộ đình, nơi để trở thành những kẻ chẳng còn khổ đau, ngài bề trên nói, nghe giọng nói và thấy dạng hình của một người đang ngồi im lìm bên dưới mấy ngọn đèn sáng lù mù ta chỉ biết một cách đại khái ngài bề trên là một người đàn ông có vẻ già hơn người đàn ông vừa đưa ta đến đó, người đàn ông ấy đã biến mất lúc vừa đưa ta đến đó, thưa ngài, từ đây đến núi cô tích có xa lắm không, ta vẫn hỏi về núi cô tích nhưng cốt để dò biết về cái thôn xóm ngài bề trên, vừa nói ta có linh cảm là nơi chốn chẳng bình thường, ngươi tới được nơi đây là phúc lắm còn tìm núi cô tích chi, ngài bề trên nói, ta nói là mình muốn gặp một người có tên là tịch mịch ở núi ấy, là ngươi muốn nghe lại cuộc chuyện trò ở núi cô tích phải không, ngài bề trên chợt hỏi, phải nói là ta rất hoảng khi nghe ông ấy hỏi, thưa tiên sinh, ta vừa quì mọp xuống đất, vừa thưa, bấy giờ thì ta cứ nghĩ con người đang ngồi dưới ánh đèn lù mù kia là tác giả của áng văn chương ta yêu quí, và cũng chẳng hiểu vì xúc động hay vì quá mệt mỏi sau chặng đường dài vất vả, ta chỉ nói được bấy nhiêu đã gục xuống, thiếp đi, khi tỉnh dậy thấy mình đang ở trong một gian nhà tranh vách lá, những cửa ngõ, bàn ghế, giường chiếu, tất cả đều rất đơn sơ, ta còn đang bàng hoàng nhớ lại những gì mình vừa trải qua thì có người mang thức ăn đến cho ta, ông thấy đói lắm phải không, thiếu nữ hỏi, người mang thức ăn cho ta là một thiếu nữ như những thiếu nữ ta gặp trên đời, chỉ có giọng nói là như chứa đựng một thứ nỗi niềm nào đó, ông ăn đi rồi theo em ra ruộng, thiếu nữ nói, lúc ấy ta mới nhìn thእy cô gái có ánh mắt như cũng đang ẩn chứa một nỗi niềm nào đó, ta cứ nghĩ cô gái đã lầm lẫn sao đó, vì gọi là thức ăn nhưng chỉ có mỗi chén sỏi đá, ta không dám hỏi, chỉ uống hết cốc nước và đi theo cô gái, những người đàn ông ta gặp trên đồng ruộng người nào cũng có nanh có sừng, những răng nanh chỉ hơi nhô ra khỏi hai hàm răng và chiếc sừng thì cũng hơi nhú lên khỏi mái tóc trên đầu, nên phải tinh ý lắm mới nhìn thấy những thứ đó, ta bắt đầu cảm thấy sợ, hoá ra thôn mộ đình là nơi cư ngụ của những con người chưa hoàn chỉnh, nhưng nếu là nơi để trở thành những kẻ chẳng còn khổ đau như ngài bề trên nói thì đấy lại là chốn tu hành của một giống người có nanh có sừng nào đó, cái ý nghĩ đấy là một giống quỉ người nảy ra trong suy nghĩ của ta đúng vào lúc cô gái mang cái ách cày tới, ông là nhân sĩ nên ông phải kéo cày, cô gái nói, và mang cái ách cày đặt lên cổ của ta, lập tức một người đàn ông trong số những người đàn ông có nanh có sừng đến mắc cây cày vào cái ách cày trên cổ ta, ông là nhân sĩ nên ông phải kéo cày, người đàn ông nói, và bắt đầu cày ruộng, có nghĩa, từ giờ phút ấy ta đã làm công việc của một con trâu kéo cày trên ruộng, ngoài nhân sĩ kéo cày là ta, trên đồng ruộng lúc bấy giờ là có rất nhiều đám trâu kéo cày khác, cũng may là ta có khá nhiều kiến thức về cày ruộng nên khi làm trâu kéo cày ta đã theo đúng cái cách của một con trâu kéo cày, nhân sĩ như ông thì khá lắm, người đàn ông có nanh có sừng khen vì cái cách làm trâu kéo cày như ta khiến ông ấy rất thoải mái trong việc cầm cày, nhưng nhân sĩ là sao, thưa ông chủ, biết người đàn ông cầm cày đang vui nên ta liều mình hỏi theo cách một con trâu kéo cày hỏi người cầm cày là chủ của mình, thì ra trước đấy có người hình dạng giống như ta lạc vào thôn mộ đình, tự xưng là nhân sĩ, làm trâu kéo cày mấy hôm thì chết, từ đó ngài bề trên bảo hễ có kẻ lạ đến nơi này mà giống kẻ đã chết kia thì đều là nhân sĩ, người đàn ông cầm cày giảng giải cho ta hiểu, nhưng tại vì đâu nhân sĩ lại phải kéo cày, ta lại hỏi, ai khác với những kẻ ở đất nước này thì phải kéo cày với ăn sỏi đá, người đàn ông cầm cày nói, hoá ra thôn mộ đình là một đất nước, ta cảm thấy sợ hãi thật sự vì tự dưng lại rơi vào một nơi có cuộc sống vừa thế tục, trần trụi, vừa lại bàng bạc một thứ tinh thần mộ đạo lung linh bí hiểm, có thể trong một phút giây cực đoan nào đó người ta sẽ giết ta chết mất, ta nghĩ, và mồ hôi bắt đầu toát ra ướt đầm áo, có thể là vì sợ ta cũng chết như ông nhân sĩ trước đó, người đàn ông cầm cày đã tháo cày cho ta, đêm, người thiếu nữ ấy lại đến chỗ ta, ngài bề trên bảo em phải đến trò chuyện với ông, cô gái nói, ta cứ nghĩ là đang có một sự lầm lẫn nào đó, tại vì sao ở đất nước này con người lại phải kéo cày và ăn sỏi đá, ta cứ nghĩ là đám dân của ngài bề trên có sự lầm lẫn nào đó mới bắt ta kéo cày và ăn sỏi đá, thế chừng nào kẻ này mới được lên đường đi tìm núi cô tích, ta lợi dụng thời cơ thuận lợi để hỏi người con gái ấy, thiếu nữ không trả lời câu hỏi của ta, mà khuyên ta gắng tu dưỡng, hãy yêu muôn loài trong trời đất hơn là yêu chính mình, đến khi ấy ông sẽ thấy được hết thảy, giọng cô gái có vẻ rất chân thành, hay là áng văn chương kỳ lạ kia hoặc đã trở nên bản văn trị nước hoặc đã trở thành kinh văn ngộ đạo ở đất nước kỳ lạ này, ta thầm nghĩ, cách nói năng của ngài bề trên và của cả cô gái và cả những người đàn ông có nanh có sừng khiến ta cảm thấy có một mối liên quan nào đó giữa cái thôn mộ đình kỳ lạ ấy với tác giả áng văn kia, lòng mong mỏi gặp được tác giả áng văn chương ta yêu quí đã giúp ta có đủ sức để tiếp tục kéo cày ở đó, nhưng tới cái hôm người đàn ông cầm cày nhe răng đòi thịt ta vì biết cô gái ấy đã yêu ta, thì ta quyết phải trốn khỏi nơi ấy, em sẽ giúp ông, cô gái hứa sẽ giúp ta trong việc trốn thoát, nhưng khi đưa ta ra tới đầu thôn thì cô ta bắt ta quay lại, em chẳng thể sống mà không có ông, cô gái nói, và cắp ta bay trở lại thôn mộ đình như một con diều cắp một chú gà con, mười ba năm kéo cày và ăn sỏi đá, cứ qua một năm ta lại khứa lên da thịt mình để đánh dấu, làm sao một kẻ yếu đuối như ta lại có thể thoát khỏi một nơi như thế, cuối cùng thì ta đã rõ, những cái sừng ngắn trên đầu những người đàn ông ở thôn mộ đình là những con mắt, những con mắt ngài bề trên đã tạo ra cho đám dân của ngài để canh giữ nhau, và canh giữ kẻ thù, trong lòng ta trong mười ba năm ấy là chỉ nghĩ đến việc bỏ thây ở chốn ấy, quả tình là ta cũng có nghĩ đến cách tự kết thúc đời mình, nhưng chẳng cơ hội nào có thể thoát được sự canh giữ của những con mắt quái quỉ ấy để thực hiện ý định của mình, vào cái hôm trời xui đất khiến ấy ta chỉ có ý muốn soi thử vào chiếc gương soi vẫn đặt ở gần chỗ ngài bề trên ngày ngày đám dân của ngài vẫn đến đó để soi, cho đến lúc đó ta biết mình là một thứ tiều tuỵ thảm hại, một kẻ sắp chết vì chẳng còn mấy xương thịt trong thân thể, lũ bay đâu hãy bắt lấy nó, ngài bề trên hét lên khi phát hiện ra ta đã dám đến đó để soi gương, đồ giả dối, ta cũng hét lên khi nhìn thấy trong gương không phải kẻ tiều tuỵ sắp chết là ta, mà là một trang nam nhi tuấn tú, đồ giả dối, ta cứ hét lên, và đám dân của ngài bề trên đã không đến kịp trước khi ta dùng cả sức lực còn lại để đập vỡ gương soi, chiếc gương đổ loảng xoảng, và ta bỗng nghe lạnh ngắt tư bề,  ngoài ta ra là chẳng còn gì nữa cả, ngay cả nửa bóng dáng của đám quỉ người, khi hiểu ra sự thật ấy ta cứ hét lên, hét lên, hét lên, thì ra cái lũ quỉ người làm khổ ta suốt mười ba năm ấy chỉ là hình bóng của một thứ vật thể có tên là giả dối