Cuộc phiêu lưu của Từ Đạo Hạnh

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, bản kỷ toàn thư, kỷ Lý Nhân Tông, chép :“Nhâm Thìn, Hội Tường Đại Khánh năm thứ 3, 1112Bấy giờ vua tuổi đã nhiều mà chưa có con trai nối dõi, xuống chiếu chọn con của tông thất để lập làm con nối. Em vua là Sùng Hiền hầu (không rõ tên) chưa có con trai. Gặp lúc nhà sư núi Thạch Thất là Từ Đạo Hạnh đến chơi nhà, hầu nói với Đạo Hạnh về việc cầu tự. Đạo Hạnh dặn rằng “Bao giờ phu nhân sắp đến ngày sinh thì phải báo tôi biết trước”. Rồi Đạo Hạnh cầu khẩn với sơn thần, ba năm sau phu nhân có mang, sinh con trai là (Lý) Dương Hoán… “ (1)“Bính Thân, Hội Tường Đại Khánh năm thứ 7, 1116Mùa hạ, tháng 6, nhà sư Từ Đạo Hạnh hóa thân trút xác ở núi Thạch Thất (Thạch Thất là tên huyện, tức huyện Ninh Sơn ngày nay, tên núi là Phật Tích sơn. Từ Đạo Hạnh đến chơi núi ấy thấy tảng đá trong hang núi có vết chân người. Đạo Hạnh lấy chân ướm vào vừa đúng với vết ấy, tục truyền đó là chỗ trút xác. Trước là phu nhân của Sùng Hiền hầu là Đỗ thị đã có mang, đến đây, trở dạ mãi không đẻ. Hầu nhớ lại lời Đạo Hạnh dặn khi trước, sai người chạy ngựa đi báo. Đạo Hạnh lập tức thay áo tắm rửa, vào hang núi trút xác mà qua đời. Sau đó phu nhân sinh con trai, tức là Dương Hoán. Người làng cho là việc lạ, để xác của Đạo Hạnh vào trong khám để thờ. Nay núi Phật Tích là chỗ ấy ) …. “ (2) Ngô Sĩ Liên soạn ĐVSKTT phần Bản kỷ toàn thư vào năm 1479 là dựa vào sách Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu soạn năm 1272 và sách Sử Ký Tục Biên của Phan Phu Tiên soạn năm 1455 (3). Nhưng không thấy có lời bình của hai sử gia trên về Từ Đạo Hạnh. Cũng không có lời bình của Ngô Sĩ Liên.Đại Việt Sử Ký Tiền Biên, kỷ Lý Nhân Tông, chép :Bính Thân, năm thứ 7, 1116, mùa hạ, tháng 6, em vua là Sùng Hiền hầu sinh con là Dương Hoán. (Trước đây vua tuổi đã nhiều, mà không có con trai, ban chiếu chọn con nhà tôn thất để nuôi. Em vua là Sùng Hiền hầu cũng chưa có con, gặp lúc sư núi Thạch Thất là Từ Đạo Hạnh đến chơi nhà. Sùng Hiền hầu nói về việc cầu tự. Đạo Hạnh hẹn rằng “Bao giờ phu nhân sắp sinh thì phải báo tôi biết trước”. Sau phu nhân là Đỗ thị có mang, đến khi ấy trở dạ mãi không đẻ được. Hầu nhớ lại lời dăn của Đạo Hạnh, sai vội đến báo. Đạo Hạnh vội thay quần áo chạy vào hang núi trút xác mà chết. Phu nhân liền sinh con trai, tức là Dương Hoán… ) (4)Ngô Thì Sĩ soạn ĐVSKTB vào thời Tây Sơn, cũng chép về Từ Đạo Hạnh như trong ĐVSKTT. Nhưng có lời bình như sau :“Dã sử chép Đạo Hạnh là con Từ Vinh, nhà ấy nổi tiếng về phép thuật, chứ không phải là cao tăng, các tăng thì trong lòng sáng suốt, thấy rõ chân tính, đâu lại đưa ra phépthuật để mê hoặc người ta, huống chi như việc trút xác đầu thai, thuyết quái gỡ … “ (5)Cả ĐVSKTT và ĐVSKTB đều chép là năm sau, 1117, vua Lý Nhân Tông lập Dương Hoán làm thái tử ( tức vua Lý Thần Tông )Trên đây là Từ Đạo Hạnh trong sửCòn trong sách Lĩnh Nam Chích Quái, truyện Từ Đạo Hạnh-Nguyễn Minh Không đại lược thế này :Đạo Hanh thuyền sư họ Từ tên Lộ. Là con của Từ Vinh, tăng quan đồ án của triều Lý. Từ Vinh bị thuyền sư Đại Điên dùng phép thuật đánh chết. Để trả thù cha, Lộ vào ở ẩn trong hang núi Phật Tích, trì tụng Đại Từ Tâm Kinh, chú Đà La Ni,hết mười tám vạn tám ngàn lần. Khi có thần nhân Trấn Thiên Vương đến xin hầu hạ, Lộ biết đạo của mình đã viên thành, thử ném cây gậy xuống giữa dòng nước chảy, thì thấy gậy trôi ngược dòng. Giết Đại Điên rửa thù cha xong, Lộ bắt đầu cuộc du lịch tùng lâm, khảo sát ấn chú. Bái yết sư Kiều Trí Huyền ở chùa Thái Bình hỏi đạo chân tâm. Nhưng khi gặp sư Sùng Phạm ở chùa Pháp Vân mới ngộ được hai chữ ấy. Từ đấy, pháp lực tăng gia, thuyền duyên thuần thục, rắn núi thú hoang đều hiền lành đến từng bầy, đốt ngón tay để cầu mưa, niệm chú vào nước để trị bệnh. Thuyền sư Đại Điên hóa sinh làm tiểu đồng Giác Hoàng ở chùa Báo Thiên, định thác sinh làm hoàng tử của vua Lý Nhân Tông. Lộ biết chuyện đã dùng phép thuật ngăn cản. Vua Ly bắt Lộ giam. Lộ van xin Sùng Hiền hầu cứu mạng, nguyện sẽ thác sinh trong cung để đền ơn hầu. Vua nghe lời hầu, tha Lộ. Đến nhà hầu, Lộ thẳng đến chỗ phu nhân Đỗ thị tắm mà dòm vào. Thì phu nhân có thai. Đến ngày sinh, phu nhân đẻ không được. Hầu cho người đến báo với Lộ như đã hẹn. Lộ liền tắm rửa, vào hang núi Phật Tích cởi thây mà đi. Đỗ thị liền sinh được con trai, đặt tên Dương Hoán, tức vua Lý Thần Tông. Mấy chục năm sau vua Lý Thần Tông mắc bệnh lạ, cứ la hét như cọp rống. Thuyền sư Nguyễn Minh Không đến chữa bệnh cho vua Vừa thấy vua, Nguyễn Minh Không liền thét lên “đạo trượng phu quí là làm thiên tử, giàu có bốn phương, sao lại sinh ra lồng lộn lên như thế”, rồi lấy nước đun sôi rảy vào mình vua, vua liền khỏi bệnh. (6)“Việc tuy quái mà không đến đãn, văn tuy dị mà không đến yêu, tuy rằng có hơi hoang đường, nhưng tông tích còn có căn cứ, đó chẳng qua là để khuyên điều thiện, răn điều ác, bỏ điều ngụy, tồn điều chân, làm cho phong tục thêm phần khích lệ vậy … “ (7).Đó là lời của văn gia kiêm sử gia Vũ Quỳnh trong bài tựa sách Lĩnh Nam Chích Quái. Ngoài việc sưu tập Lĩnh Nam Chích Quái, hiệu đính, viết lời tựa (1492), Vũ Quỳnh còn cùng Ngô Sĩ Liên tham gia chỉnh lý, biên soạn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Trong ĐVSKTT, kỷ Lý Nhân Tông, Ngô Sĩ Liên không có lời bình nào về việc thác sinh của Từ Đạo Hạnh. Điều này có nghĩa ông thừa nhận Từ Đạo Hạnh thuộc chính sử. Ngô Thì Sĩ thì cho việc ấy là phản chính sử : “Người ta nhận được khí tinh tú thì trở thành thánh nhân, người chịu khí nhơ bẩn là người phàm tục, làm gì có chuyện kiếp trước kiếp sau… Hãy truyền lại tồn nghi “ (8)Nhưng đấy là đứng ở phương diện sử họcCòn trên phương diện văn học, thì trong Lĩnh Nam Chích Quái có thật một Từ Đạo Hạnh bằng xương bằng thịt, có những hành tung rất rõ ràng, gắn liền với xã hội thời Lý. Tự thuở nhỏ Từ Đạo Hạnh đã thích phiêu lưu. Bạn bè đều là những kẻ khác thường. Là những đạo sinh, nho giả, linh nhân. Thú vui là đánh bạc, thổi sáo, đá cầu. Rồi bỗng vào ở biệt trong hang núi, trì tụng kinh Phật đến mười tám vạn tám ngàn lần. Nếu mỗi ngày tụng niệm hai lần, sáng và tối, như bao nhà sư ở chùa, tính ra, Từ Đạo Hạnh đã nằm trong hang núi hơn hai mươi sáu năm. Cuộc phiêu lưu ấy không nhằm mục đích thoát tục. Mà hoàn toàn trần tục. Tu luyện để có đủ khả năng trả thù cha. Lần phiêu lưu tiếp theo là cùng lúc lao vào cả thế giới của Phật và thế giới của Đạo giáo. Cùng lúc du lịch tùng lâm và khảo sát ấn chú. Ở thế giới của Phật, ông đã đạt đến mức khi làm, khi nghỉ, khi ngồi, khi nằm đều là chân tâm. Từ Đạo Hạnh đã thấy được chân lý của tồn sinh :Có thì cát bụi có Không thì một tướng không Có không trăng dưới nướcKhông sắc ắt không không (9)(Có thì có tự mảy mayKhông thì cả thế gian này cũng khôngThử xem bóng nguyệt dòng sôngAi hay không có có không là gì ) (10) Ông hiểu Có và Không là cách thế của một cuộc chơi có tên gọi là cuộc tồn sinh. Và ông biết mình là đang trong cuộc chơi đó. Ở thế giới của Đạo giáo, cuộc chơi của ông là tuyệt vời. Rắn núi thú hoang, trước ông trở thành hiền lành. Ông đốt ngón tay để cầu mưa, niệm chú vào nước để trị bệnh. Nhưng sắp bứoc vào cõi Không, thì ông lại quay lại cõi Có. Kẻ thù của cha ông muốn thác sinh làm thái tử của của đương kiêm hoàng đế hiếm con Lý Nhân Tông. Chặn được mưu đồ kia, thì Từ Đạo Hạnh trở thành tội đồ của triều đình vua Lý. Chẳng biết ông có suy tính kỹ không, nhưng người ta thấy ông liền bước vào một cuộc phiêu lưu mới, vừa thấp hèn, vừa thú vị, vừa cao sang. Thấp hèn vì phải van xin Sùng Hiền hầu cứu mình thoát tội, và hứa sẽ thác sinh làm con của hầu. Thú vị vì được nhìn thấy tấm thân ngà ngọc của bà vương gia nơi buồng tắm. So với những cuộc phiêu lưu trước đó, đây là cuộc phiêu lưu lớn nhất của Từ Đạo Hạnh. Là khúc ngoặc quan trọng trong cuộc chơi của ông. Sắp đóng vai một kẻ khác. “Túc nhân của ta chưa hết, lại phải ra thác sinh ở thế gian, tạm làm quốc vương… “ (11). Ong nói với môn đệ, rồi vào hang núi, cởi thân mà đi. Từ Đạo Hạnh tính trước những việc mình sẽ làm trong cuộc phiêu lưu này. Làm con Sùng Hiền hầu, rồi làm vua. Tức từ chỗ thấp hèn ông bước sang cao sang. Dường có một điều Từ Đạo Hạnh đã tính nhầm là sẽ làm vua trong hăm ba năm rồi vào niết bàn. “Nếu thấy chân thân tổn diệt thời là ta vào niết bàn, chứ không phải sinh diệt đâu…” (12). Ong nói với môn đệ trước khi đi đầu thai. Nhưng khi làm vua Lý Thần Tông, ông lại mở ra một thứ duyên nghiệp không lành. Ngô Thì Sĩ chép trong Đại Việt Sử Ký Tiền Biên, kỷ Lý Thần Tông : “Canh Tuất, Thiên Thuận năm thứ 3, 1130, mùa xuân, tháng giêng, ban chiếu rằng, con gái các quan không được lấy chồng trước, đợi sau khi chọn sung vào hậu cung, người nào không trúng tuyển, sau đó mới được phép lấy chồng…” Tiếp đó, sử gia họ Ngô nói : “Trời sinh ra dân, đặt ra vua để chăn nuôi họ, chứ không phải để cấp cho vua …” (13). Còn trước xa kia, vào năm Giáp Tuất, Hồng Thuận năm thứ 6, 1514, sử gia Lê Tung chép trong Việt Giám Thông Khảo Tổng Luận : “… còn như cấm các quan gả con gái lấy chồng, thì Thần Tông say đắm nữ sắc quá lắm… “ (14)Liệu Từ Đạo Hạnh có vào được niết bàn, như ông trù tính ?Rồi Lý Thần Tông mắc bệnh lạKết thúc truyện Từ Đạo Hạnh trong Lĩnh Nam Chích Quái là hai giả thuyết về Nguyễn Minh Không, người chữa bệnh cho vua Lý. Thuyết nói Nguyễn minh Không là học trò, thuyết nói là bạn của Từ Đạo Hạnh. Trong Đại Việt Sử Ký Tiền Biên cũng nêu hai thuyết như thế. Nhưng vấn đề không phải ở chỗ là bạn hay học trò. Cốt yếu là có một Nguyễn Minh Không, là chân nhân, đã làm cho vua Lý Thần Tông khỏi bệnh. Chỉ có chân nhân Nguyễn Minh Không, từng là bạn, cũng có thể là học trò, của Từ Đạo Hạnh, mới làm cho vua Lý, tức cái thân xác Từ Đạo Hạnh đương nương tạm vào đấy không còn lồng lên gào thét. Có phải ông nóng lòng muốn ra khỏi cõi sinh diệt mà gào thét thế không ?2003-2014

_______

(1) (2) ĐVSKTT, tập 1, Nxb KHXH, 1983
(3) Tác giả, văn bản, tác phẩm, Phan Huy Lê, ĐVSKTT, tập 1, Nxb KHXH 1983
(4) (5) ĐVSKTB, Nxb KHXH, 1997
(6) Tóm lược theo bản dịch truyện Từ Đạo Hạnh-Nguyễn Minh Không của Lê Hữu Mục, nhà sách Khai Trí, Sài Gòn
(7) Tựa sách Lĩnh Nam Chích Quái của Vũ Quỳnh, bản dịch của Lê Hữu Mục, nhà sách Khai Trí, Sài Gòn
(8) ĐVSKTB, kỷ nhà Lý, Nxb KHXH. 1997
(10) Bản dịch của Phan Kế Bính trong Nam Hải Dĩ Nhân
(9) (11) (12) Trích truyện Từ Đạo Hạnh-Nguyễn Minh Không, bản dịch của Lê Hữu Mục
(13) ĐVSKTB, kỷ nhà Lý, Nxb KHXH, 1997
(14) ĐVSKTT, tập 1,Nxb KHXH, 1983

Share