Những đưa con thất thủ của đất

 

 

 

 

 

phải chăng khi tiến hóa thành bầy đàn
là sự thất  thủ của nhân loại

 

1/ tôi nhớ bấy giờ là mùa gió nam thổi, mùa hạ, thứ gió từ phía đất Miến đất Miên vượt qua dãy Trường Sơn mang lại thứ sức nóng ghê hồn, buổi trưa ngồi ở trong nhà mà như ngồi trên lửa, cha tôi lại chọn cái buổi trưa nóng như thiêu đốt như thế để bắt tôi nghe lại truyền thuyết về ông Thông Thống,  chỉ là một con người chết đi rồi chỉ để lại nhúm xương tàn với lòng biết ơn  của người đời sau con ạ, cha tôi nói, cứ coi đây là cái buổi trưa quan trọng nhất trong cuộc đời cha tôi, cái buổi trưa ông muốn để lại cho đứa con trai yêu dấu của ông là tôi một chút khơi gợi như một lời trăn trối, bỡi sau đó, sáng hôm sau ngày hôm đó thì cha tôi chết, cha tôi chết nào năm bảy mươi tư tuổi, cũng thuộc tuổi xưa nay hiếm, nhưng tôi biết không phải cha tôi chết vì tuổi già, mà vì lịch sử của xứ sở đã tàn phá cuộc đời ông: một người vừa cầm cày vừa đọc sách qua mấy triều đại,  nắng mưa luôn phủ xuống con cò con vạc, và các thứ luận thuyết trị nước luôn như những ám ảnh u ám nặng nề đối với người dân trong xứ sở, cái buổi trưa hè  cha tôi bắt tôi phải nghe lại chuyện kể về ông Thông Thống [cả làng ai cũng thuộc] như thể một sự cố quan trọng, nó đánh động cả hệ thống kiến thức của tôi, thật ra, cho đến lúc ấy tôi mới thấy  ra những yếu tố thất bại luôn tiềm ẩn trong cuộc sống nhân loại, làng tôi phía nam giáp rừng núi Mun, phía bắc giáp sông Rư, phía đông nhìn theo cánh chim bay thì thấy ngọn tháp tiền tiêu của kinh thành Vijaya đứng buồn bã nơi một góc trời, giữa lúc thế giới xôn xao về những thứ còn mới toanh: toàn cầu hóa, số hóa [chính phủ số, kinh tế số …] bọn người có chữ phun ra bao nhiêu là thứ triết luận, hàm luận,  văn chương triết học phải thế này, kinh tế chính trị phải thế kia, thì cha tôi, trước khi chết [thật ra trưa ấy  tôi không hề thấy có bất cứ thứ tín hiệu nào là sáng hôm sau  cha tôi chết] lại kêu tôi cùng ngồi với ông để ôn lại câu chuyện về ông tổ lập đất lập làng của người làng tôi, cái buổi trưa, cha tôi tự dưng có vẻ say mê  câu chuyện lưu truyền như thể vật gia bảo của làng, cha tôi kể, sau khi trải qua không biết bao nhiêu núi non đồng ruộng, không hiểu sao hôm ấy ông Thông Thống cùng những người đi theo ông tìm nơi cư trú bỗng dừng lại dưới chân núi Mun, nơi đây là làng của chúng ta, nghe chim trăm trâu kêu một chặp, ông Thông Thống nói, rồi quyết định trước tiên phải làm ra cái cối xay lúa, trong mỗi quyết định quan trọng của mỗi con người luôn tiềm ấn những yếu tố trầm luân con ạ, cha tôi nói,

 

2/  cái gì đã giữ chân người và đám tùy tùng của người ở đất Mun trong đẵng đẵng những tháng ngày thất thủ, cuộc neo đậu như thể tuân theo thứ mệnh lệnh bí ẩn nào đó, không phải sống sót, mà là đang sống thật để chiến đấu với nghiệt ngã cho sự sống còn, không phải là không chảy nước mắt, hay buông những tiếng thở dài khi đất Mun từ chối hết thảy những giống cây trồng người và đám tùy tùng của người thu thập được, mảnh đất trải dọc dài theo chân núi Mun là người và đám tùy tùng của người vừa gầy dựng được từ việc hạ đám rừng cây thấp coi như phần mọc lan ra của rừng núi Mun, chỉ có nhà thổ nhưỡng học mới có thể nói có phải những yếu tố của một miền đất vừa khẩn hoang đã gây nên tình trạng như thế hay không: các giống cây trồng đem gieo xuống ở đây đều nẩy mấm, nhưng khi mầm cây vừa vươn lên khỏi mặt đất thì liền tàn lụi như thể có  bàn tay tàn nhẫn  nào đó đang ra sức ngăn cản cuộc định cư của người và đám tùy tùng của người, ai đã không cho ta một mảnh đất để sống, người tự hỏi, và cứ thấy phía trước là một khoảng trời đen tối, bảy năm người và đám tùy tùng của người phải ăn hết thảy những rễ, củ cây rừng nào có thể ăn được, con mắt như không còn thị lực để nhìn, trái tim như  không còn cảm xúc để tiếp nhận thế giới, cho tới  hôm, như thể người và đám tùy tùng của  người đang sống lại một cuộc đời khác, người và đám tùy tùng của người đã nhìn thấy được cây lúa trì mọc nơi sỏi đá ở sườn đồi núi Mun, đất Mun tiếp nhận cây lúa ấy như một người bạn cố tri, bảy năm cái cối  xay lúa nằm im vì không có lúa để xay, còn con người thì ăn củ, rễ cây rừng để sống, cái gì đã khiến thầy trò ông Thông Thống không rời bỏ đất Mun nếu không phải là cuộc điều chỉnh kỳ diệu của hoàn vũ, câu chuyện kể cứ như cuộc trường chinh lao khổ làm động lòng không biết bao nhiêu thế hệ người làng,
[trong  ‘‘ Suy Gẫm Của Một Người Trồng Lúa’’ của cha tôi]

 

3/ kể từ khi ông tổ của làng tôi làm ra cái cối xay lúa cho đến  buổi trưa hè cha con tôi ngồi ôn lại truyền thuyết về ông ấy là quãng tháng năm phải tính bằng thiên niên kỷ, thời gian truyền thuyết có thể chối bỏ cách tính toán theo các đơn vị thế gian, nhưng nhất định phải có một con người bằng xương bằng thịt cắm cây cột mốc đầu tiên ở chân núi Mun định vị cho chốn cư trú của người làng tôi chứ, có thể đấy không phải là người có tên Thông Thống, nhưng phải có một con người thật chứ, bấy giờ, chính xác là lúc nào chẳng ai biết, có thể không phải là nghe chim trăm trâu kêu, mà nghe chim mư hay chim lư kêu, hay là nghe bất cứ một loài chim nào trên núi Mun kêu, hay chẳng nghe  một con chim nào kêu, mà chỉ nghe thấy thứ tiếng gọi huyễn diệu của ký ức bầy đàn  nghìn triệu năm vẫn truyền qua cây cỏ đất đai, số là con người từ khi có ánh mặt trời soi vào trí não thì biết cầm cây lao đâm con thú trên rừng để làm thức ăn, từ khi biết cách làm ra thức ăn thì con người cũng biết cách làm sao cho giống loài mình phải khác với các giống loài khác là phải từ bỏ chốn hang động thô sơ làm ra cái mái che khác cho phù họp với một giống loài có trí não, cho đến hôm bỗng nảy ra trong thứ trí não thô sơ nhưng ăm ắp các thứ về thế giới cái mô hình làm nên xã hội loải người: bầy đàn, từ đó, ký ức bầy đàn là thứ âm vang kỳ tuyệt tạo nên niềm hạnh phúc tột cùng nhưng cũng làm nên niềm cay đắng tột cùng trong cuộc sống nhân loại,

 

 

4/ cái bầy đàn người ông Thông Thống lập ra dưới chân núi Mun là vô cùng quan trọng đối với tôi, bỡi không có nó thì không có ông bà tổ tiên tôi, không có nó thì không có cha mẹ tôi, tức, không có tôi, chuyện làng tôi với tôi cứ giống như một cuộc tương tác định mệnh, có vẻ như một cuộc tình lãng tử đến mức không tưởng, tôi thì luôn thấy mình gắn bó với nó, và nó, ngôi làng thân yêu của tôi, thì luôn phủ lên tôi bằng rất nhiều cách, từ đó, người trong cuộc cứ nằm im giữa miền ảnh hưởng của toàn bộ những thể hiện của một bầy đàn và toàn bộ những nắng gió thiên nhiên ban tặng cho một cuộc trú ngụ [đất trời cứ để lộ ra cái hào sản của mình, và con người, thì không thèm che đậy, cứ gào lên bằng cả những thi ca triết học] thật khó nói một lời nào đó vể sự gắn kết giữa đơn vị với cái toàn thể… tiếng trở mình của con chim ấp muỗi giữa giấc ngủ sâu lắng của người làng, hay, chỉ mỗi tiếng cú kêu đêm khác thường nơi cây vông đồng ở đầu làng là cả một hệ thống bầy đàn nhào nháo nghĩ đến một thứ may rủi nào đó, hay, một người, vì lý do nào đó, ra đi không về nữa, là cả một cuộc trần thế gòm có cả các thứ giả sử về các thứ nguyên nhân mang màu sắc sử lịch gòm có cả các thứ lo lắng, hoài nghi, đau đớn, sợ hãi, đâu phải là chuyện nhỏ, một phần của cái bảo bọc nhau ấy bị khuyết đi [những tiếng kêu trầm thống là thường thốt lên vào những lúc như vậy] đến chuyện nhỏ như đi đâu đó trở về, đứng ở trên con đường vào làng nhìn thấy các bờ tre xanh  đang quằn xuống đây đó như một cuộc bảo bọc đầy tính chất hoàn vũ, nghĩ ngợi một chút, lại đâm lo sợ, lo một ngày nào đó, vì lý do nào đó, lại không còn được nương náu nơi xóm làng mình nữa, những thứ nhỏ nhặt như vậy góp lại, lâu ngày thành ra thứ gọi là tình cảm quê hương, trong chuyện viết lách của tôi, quê hương, cái bầy đàn người ông Thông Thống lập ra dưới chân núi Mun đó, như cái mẫu số, tuyệt vời, là mẹ, đẻ ra các thứ khác, tôi đang viết về núi Alps mà lại nghĩ đến màu hoa muồng đỏ thắm trên núi Mun quê tôi,

 

5/ tôi đặt tuổi thơ tôi vào cái bầy đàn người ông Thông Thống lập ra dưới chân núi Mun như một cách cột chặt mãi mãi cảm xúc của tôi vào một hệ thống tri thức bao giờ cũng thuần khiết như đất đai đồng làng, cái hệ thống tri thức sinh ra từ tri thức trong vắt của một người chưa có mấy kinh nghiệm để tồn tại trên đời, nhưng cái phần thật của nó, cái phần chính kiến của nó lại tỏa sáng tận những trăm năm sau, thì, đêm, cứ nằm lắng nghe thử làm sao lại không nghe thấy trong nhận thức nhận định có tính tiền nghiệm, rằng, phải có một sự thể như thế mới có sự hình thành thế giới chứ, tự dưng, lại có một người không lo chuyện của mình, lại đường hoàng đứng ra lo chuyện của kẻ khác, là hình ảnh ông Thông Thống đó, nó là nền tảng của một niềm cảm xúc không có biên giới, cảm xúc bầy đàn, sự thể hướng đến kẻ khác là thứ cảm xúc vị tha, miền đất các hệ tư tưởng cao sang [của các tôn giáo, của các nhà minh triết…] ra sức khai phá, tôi cứ mường tượng mãi về một sự thể vô cùng chấn động, là, bỗng, một hôm người ta nhìn thấy một bầy đàn người, già có trẻ có, người nào cũng mang thứ tâm trạng khẩn thiết của những người đi mở đất dắt díu nhau đi trên mảnh đất trải dài dưới chân núi Mun, ngọn núi tuổi thơ tôi tốn bao công sức nghĩ ngợi về nó, bỡi cái ngọn núi, nhân chứng của một cuộc lập quốc, tôi cứ ra ngồi ở hiên hè là nhìn thấy, giữa cái vùng trũng heo hút của nhân gian bỗng nổi lên một vùng cây cối xanh tươi, ngồi ở hiên hè, mùa đông, tôi nhìn thấy những đám mây đen như những con ngựa bất kham chạy nhảy bất kể ở trên đầu đám cây cối ấy, mùa hạ, tôi nhìn thấy nắng mặt trời như những con rắn lửa cứ quấn quit mãi đám cây cối ấy như thể không chịu buông tha, khi thấy mọi thứ xảy ra ở đấy  không biết vì sao lòng tôi cứ thấy bơ vơ thế nào ấy, ngồi ở hiên hè nhà tôi mà nhìn dãy núi Mun cứ giống một tấm phên dựng  bằng cây cối, tự dưng ở đó lại có một tấm phên dựng như vậy, ồ cả trong sự nghiệp viết lách của mình tôi luôn gọi dãy núi ấy là tấm bình phong vô thể trời đất đã ban tặng riêng cho đất quê tôi, bấy giờ làng Cù tôi nghèo lắm, sáng ra, người lớn uống nước trắng, đi cày, bọn trẻ nít chúng tôi tụ tập lại, chạy nhảy nô đùa  cho quên đi chuyện sau một đêm dài thức dậy đầu óc cứ nghĩ đến chuyện giờ thì ăn thứ gì, bấy giờ, lúa gạo người làng tôi lấy được  ở đồng làng chưa đủ cho hai bữa trưa chiều làm sao có bữa sáng, tôi thì, thường sáng ra thì ngồi ở hiên hè để nhìn núi Mun, đó là người bạn lớn của tuổi thơ tôi, người bạn bao giờ cũng nghiêm cẩn chứ không phải như đám bạn cùng lứa  ở trong làng  nhiều lúc cãi vả nhau đánh nhau đến lỗ đầu mẻ tráng, tôi ngồi nhìn người bạn nghiêm cẩn của tôi, và tưởng tượng ra đủ mọi thứ chuyện, trong đó có chuyện bà Tiên ở trên núi Voi Nằm mang khoai lang nướng và bánh tráng nướng đến tặng tôi, 

 

6/ tôi nói núi  Voi Nằm [trong đoạn trên] là nói đến một ngọn núi nhỏ trong dãy núi Mun, cái dãy hoành sơn ấy bỗng tách khỏi dãy Trường Sơn to lớn kéo ngang qua đất quê tôi như một thứ sự tích mang tính vũ trụ luận ngẫu nhiên [ngẫu nhiên lại nghĩ ngợi chuyện trời đất] để cho tôi có thể viết được một cuốn sách, Những Đứa Con Thất Thủ Của Đất,  là tôi đang viết về cái bầy đàn người ông Thông Thống lập ra dưới chân núi Mun, làng tôi, phải nói là tôi đem cả cuộc đời mình ra để nói về nó, nhưng nói không hết, bỡi nó, cái bầy đàn người  ấy như thể một thứ phép mầu cứ khuấy lên trong tôi niềm vui to lớn, rằng, tôi là cha mẹ tôi sinh ra, nhưng là sinh ra ở cái ngôi làng trải dài dưới chân núi Mun, ngôi làng bao giờ cũng là cố quận, cố quận cả trong nghĩa nhân chủng học, dân tộc học, cố quận cả trong nghĩa thi ca, có nghĩa, nó là thứ nền tảng qui mô lồng lộng các thứ ý nghĩa về một cuộc trường tồn [có đi cho hết mặt đất này tôi cũng luôn muốn quay về chốn ấy]   con người và đất đai cứ quyện lấy nhau như một cơ thể đa phức mà tròn đầy, đất đai vẫn cứ  im lặng, mãi mãi im lặng, và con người thì tra hỏi, đôi khi như thể một tri âm, chứ gì nữa, buổi ấu thơ  theo cha ra ruộng để học cày, thỉnh thoảng tôi lại thấy cha tôi dừng cày, đứng nhìn trời đất, hồi ấy tôi không biết, chứ giờ thì tôi biết rất rõ, con người có lúc cũng muốn hỏi trời đất một điều gì đó, tri âm thì đâu cần nói gì, bấy giờ, tôi thấy cha tôi chỉ đứng lặng lẽ nhìn trời đất như vậy, cái ngôi làng trải dài dưới chân núi Mun ấy luôn khuấy lên trong tôi thứ nhận thức có tính hồi cố, chuyện cũ cứ như thứ mãnh lực, vô hình, mà  cuộn sóng, chỉ mỗi hình ảnh ngôi đình làng thân yêu của tôi sụm xuống trong cuộc đốn hạ truyền thống ngu xuẩn ấy cũng đủ dựng ngọn bút của tôi lên, làng, cứ như một thứ bó buộc siêu hình bắt trí nhớ tôi phải nhớ lại những gì có thể nhớ lại, tôi nhớ là mẹ tôi rất lo khi mùa đông đến, cái thú mùa đông cỡi trần ra để  chạy trong mưa, giờ, trong cuốn sách này, tôi gọi là ‘‘lễ hội mùa đông’’, cứ thấy mưa  đông đổ xuống là đám trẻ nít chúng tôi nháo nhào lên, cõng nhau chạy trong mưa, đuổi bắt nhau trong mưa, hay , cả đám cứ nằm dài ra ở trong mưa mà la hét, thì là lễ hội mùa đông chứ còn gì, thằng Cam Sành đâu, coi chừng ướt hết quần áo đó, mẹ tôi nhắc chừng tôi bỡi chốc chốc lại thấy tôi lao ra trong mưa, thay cái quần khô xong, tính ở nhà, nhưng thấy mưa nặng hạt hơn, tôi lại lao ra trong mưa, lũ trẻ chúng tôi rất thích những cơn mưa nặng hạt [hay đấy là cái cách giao hòa giữa con người và trời đất có tính tiên thiên/tôi không biết] một ngày tôi chạy trong mưa năm bảy bận, nên rốt cuộc, đêm ấy, tôi không còn quần khô để mặc, thằng Cam Sành đâu sao không đi ngủ, mẹ tôi gọi tôi, đêm nào mẹ cũng vạch sẵn bầu vú của mẹ để chờ tôi, thì tôi đã tuyên bố với lũ cùng lứa ở trong làng, rằng, lũ bay sao, không biết, chứ tao, mười tuổi tao mới thôi bú mẹ, tôi nhớ khi xảy ra sự cố ngủ truồng ấy [ngủ không mặc quần, và chỉ mặc áo]  tôi mới tám tuổi, đêm ấy, sợ mẹ tôi đánh đòn vì ham tắm mưa đêm không còn quần để mặc, tôi phải ngủ với anh Hai Lực tôi, anh Hai con nói sợ ma nên con phải ngủ với ảnh, tôi nói dối với mẹ tôi, gọi anh Hai cho oai vậy thôi, chứ bấy giờ thì anh Hai Lực tôi cũng chỉ là đứa trẻ mười tuổi, đêm ấy, thằng Cam Sành tám tuổi là tôi theo năn nỉ  ông anh mười tuổi đừng mét mẹ việc tôi ngủ truồng, còn mẹ tôi thì cứ tưởng đứa con lên mười của mẹ là còn sợ ma,  cái đêm tôi ngủ truồng đó, giờ nhớ lại, thấy nó có vẻ Liêu Trai lắm,

 

 

7/ về sau, các thứ biến cố lịch sử có làm cho đám trẻ chúng tôi tan tác, có đứa chết vì bom đạn chiến tranh, có đứa phiêu bạt xứ khác để kiếm sống, có đứa trở thành loại người cặn bã của xã hội, có đứa không biết làm cách sao đã leo lên được ngôi cao trong xã hội, còn lúc bấy giờ, đám trẻ chúng tôi là một thứ bầy đàn trong vắt cứ chụm lại nhau mà sống ở bên dưới thứ thời tiết như thể chỉ dành cho những cuộc bay của lũ chim trời, bấy giờ, như thể cái nhân sinh quan tuổi thơ [*] đẹp như nắng mùa thu ấy đã làm cho chúng tôi quên hết mọi trắc trở, làng tôi nghèo, thời nào cũng gặp nhiều trắc trở, nhưng với tuổi thơ của chúng tôi hồi ấy thì như có vẻ kệ nó, chuyện kinh tế đói no, chuyện chính trị chính em, hay chuyện thời cuộc thế giới, nó là chuyện của người lớn, làng mình sắp ăn kỳ yên rồi đó, chúng tôi bàn tán nhau, kỳ yên là cúng cầu an ở đình làng, làng mình ăn kỳ yên không làm thịt con bò cũng làm thịt con heo chứ, làng mình, thứ từ vựng đặc chủng ấy thường là để mở đầu cho những câu chuyện vui, dường, bấy giờ, với chúng tôi, chỉ có những chuyện vui, làng mình sắp ăn kỳ yên to lắm đấy, đám trẻ chúng tôi lại nhào nháo lên, tôi nhớ kỳ tế thần mùa xuân năm ấy to lắm [tế thần làng vào mùa xuân thì gọi là xuân kỳ, tế thần làng vào mùa thu thì gọi là thu tế/ mỗi năm có hai bận cúng ở đình làng vậy đó] mùa xuân hoa cỏ may nở trắng trên các bờ ruộng đồng làng, không hiểu sao năm ấy mới giữa tháng hai âm lịch lũ cò trắng lại kéo về đồng làng tôi đông thế, hay là có sự mách bảo nào đó trong cuộc chuyển động của tự nhiên, có một vì thần nào đó đã nói gì đó với lũ cò trắng chăng, tôi không biết, ruộng đồng làng tôi đã cày vỡ xong [tháng giêng cày vỡ ruộng ra/tháng hai trồng đậu/ tháng ba trồng cà/đồng dao ở quê tôi] lũ cò đậu trắng đất cày, tôi nhớ sau đó, nhích tới một chút nữa là tới thời kháng chiến, còn lúc bấy giờ là cuối thời có vua quan, chú Bảy Huấn của làng tôi đi đánh trận ở cực nam, mang cây súng lục ngang hông, trở về làng, quì xuống bờ ruộng, bắn một phát, lũ cò bay trối chết, một con ngã chết trên đồng làng, năm ấy, cũng vào giữa tháng hai âm lịch lũ cò trắng cũng kéo về đồng làng tôi đông như thế, còn lúc bấy giờ, lúc sắp cúng mùa xuân ở đình làng, đám trẻ chúng tôi tụ tập nhau, đứng ở cuối đồng làng để nhìn lũ cò, cái biển cò trắng to lớn ấy đang trải ra trong vẻ hoang sơ của nó, con này đang rúc đầu vào cánh, rỉa, con kia ngẩng đầu nhìn trời đất và thử chớp cánh bay, cuộc chuyển động có tính bản năng nó là những động thái thể hiện sức sống mãnh liệt của loài, nhưng tất cả những động thái ấy, cuộc chuyển động bất ngờ tạo nên thứ hình ảnh của sóng trên cánh đồng cày, lại chảy theo hướng khác trong cách nhìn thế giới của đám trẻ chúng tôi, ô lũ cò sắp múa bài ‘‘vòng qua eo nín thở’’ của bà Tiên trên núi Voi Nằm đó, đám trẻ chúng tôi nhảy lên, reo, eo nín thở là cái hẻm núi vòng quanh ngọn Thủ Đường trong dãy núi Mun, trong sự nghiệp viết lách của tôi, đám cò trắng đậu trên đồng làng, cái kỳ quan thiên nhiên kỳ vĩ ấy như thể thứ dấu vết lận đận của hoàn vũ,

 

[*] trong cuốn sổ ghi chép của tôi:
tuổi thơ, ông vua không có ngai vàng, ngồi trên hoàn vũ, nghe tiếng hót ngọng nghịu của chim, ồ, mi, lũ chim, có phải là lũ mi đang nói về loài giống mình, ta biết những cuộc bay xa của lũ mi, tới tận  đảo Corse, hay tới tận miền Sibérie lạnh lẽo, biển Aegea từng in bóng của tổ tiên lũ mi, bóng của tổ tiên lũ mi và bóng của những con người khổng lồ, thời trí khôn nhân loại đã bước ra khỏi sự mê hoặc của các thứ  nhịp điệu của mùa, những con người khổng lồ đã bước lên bờ xứ mặt trời mọc Anatolia [Tiểu Á], cuộc đứt gãy của đất, và cuộc nối lại minh triết của người, cuộc tung hoành của chữ về đất, nước, lửa, khí, các vị thần trong bộ áo giáp chống lại sự sai lầm xáp vào bầu trời mùa thu để nghe những tường trình từ phía mù sương, không phải là giai nhân đâu, mà là các thi  nhân  mặc áo lụa hồng của thời trục huy hoàng, ở thành cổ Athens ai đang hát bài nguyệt tận, và ở hòn đảo Crete nhiều sự tích  các dũng sĩ đầu ngựa mình người đang chơi trò chơi múa gươm,  các học trò của Aristoteles nói với thầy mình, rằng, sáng hôm nay bọn họ đã nhìn thấy ranh giới giữa chân lý và sai lầm, thôi đi thói tà ngụy, ở quảng trường Agora  ai đó đang mắng mỏ các nhà biện thuyết đang cố đọc cho hết những bản trường ca về sự tiến hóa của các loài, ồ, mi những con chim bay lạc, miền sử lịch còn đấy sương mù, rắc rối những tình cảm về tổ quốc về  nòi giống, rắc rối những bài ca giữ nước hát không đúng chỗ, lũ mi, những con chim bay lạc, tuy vậy, vẫn còn may mắn hơn những con người đi lạc, tự lúc nào nhỉ, thứ tri thức vá víu vón cục như hòn sỏi dưới đáy khe, thứ tri thức ô tạp, buồn cười thay, nghĩ ngợi gì khi nghĩ tới đó thì gọi là đỉnh cao, không thẻ nghĩ nữa, thứ tri thức có vẻ tân kỳ cứ như giấc mơ không đầu không cuối, khi nhân loại tỉnh ra thấy mình đang ở cuối con đường hầm, tự lúc nào nhỉ, chỉ có một người thôi, một người mang mề đay kim khánh đứng trên cần lao, nói, ta là sứ giả của hòa binh đến giải cứu các người đây, cuộc giải cứu có tính chất toàn nhân loại bằng cách phải giết chết một trăm người gọi là kẻ thù, để cứu một người gọi là bạn, một thứ ít mờ/ismes của thời đại, rốt cuộc chỉ thấy máu đổ và sự trống rỗng kinh hoàng trong trí óc nhân loại, tự lúc nào nhỉ, bọn đầu nậu của chính trường ngủ trong hang động xây bằng tiền của các ngân hàng lớn và bằng máu của các thế hệ người cày, buổi sáng, bọn họ thức dậy, ngáp, và bắt đầu tuông ra thứ kho tàng từ ngữ trích từ ngôn ngữ của các băng đảng cướp bóc trích từ ngôn ngữ của của những cuộc chém giết trích từ cuốn từ điển chuyên về những điều độc ác  và dơ bẩn trong lịch sử nhân loại, tuổi thơ, ông vua không có ngai vàng, ngồi trên hoàn vũ, nghe bọn đầu nậu chính trường nói cứ tưởng lũ quỉ dữ đang tràn vào cõi nhân gian, ồ, mi, lần này thì lũ quỉ trong chuyện kể của mẹ ta đã đến thật rồi, sự tưởng tượng của tuổi thơ đã thành sự thật rồi,
[xin lỗi ngài, đức Phật, bỡi khi viết xong đoạn này tôi cứ muốn nói đó là kinh Bát Nhã của thời hiện đại, chỉ khác một chút là cái trống không ở đây là cái nhìn xã hội học còn cái trống không của Phật là cái nhìn triết học]

 

 

8/không phải là ăn mừng thời có vua quan vừa mới  đổ đâu, ở làng tôi, sự sụp đổ của một triều đại dường chẳng ảnh hưởng mấy đến bác Bảy Trụ lúc nào cũng  ngay ngáy lo lúa trên đồng làng bị mất, hay chú Bốn Ninh cứ sợ con bò cái của nhà mình bị nâng, không chửa đẻ được, sự thất thủ của ngưới cầm cày có vẻ chắng dính dáng chi đến những biến động chính trường, tháng ba, tu hú kêu váng xóm làng, làng ăn mừng cái hầm heo [bẩy heo] của ông Tám Phấn ở chân núi Voi Nằm thắng lớn: một con heo rừng gần hai tạ đã sập bẩy, trời đất ơi, đám trẻ con chúng tôi cứ ôm nhau la hét khắp các đường làng, nó là thế này, những thứ của cải như khi ai đó săn được một con nai trên rừng, hay bẩy được một con thú rừng, thì những thứ đó nó là lộc trời [của trời ban cho con người] thì phải đem chia cho hết thảy người làng, được chứ sao không, người ta có thể biến một việc đơn giản là họp nhau lại để thịt một con heo rừng thành ra một  ngày hội lớn, nền văn hiến trong cõi cần lao nó là thế đó, do nỗi buồn thì nhiều, thất thủ thì nhiều, cho nên, có dịp là cứ vui cái đã, đang mất mùa, đói lên đói xuống, nhưng tết đến cứ vui cái đã, ví dụ thế, cái chủ nghĩa hiện sinh của mấy ông Tây nó tiềm ẩn trong cuộc cần lao thế đó, từ sáng sớm, khi nghe tìn ông Tám Phấn bẩy được heo rừng, cả làng xôn xao, bữa nay không ra đồng làng, bữa nay chẳng chợ quán gì hết, bữa nay không đi núi Mun, nghỉ hết,  ông hương kiểm Giao thôi việc làng rồi, nhưng vẫn còn thói quen làng có việc chi thì lo đi đánh trống làng trước hết, sau đó một chút, đình làng mới bị đập phá, còn lúc đó đình làng tôi vẫn còn nguyên, cái tiếng trống làng nó vang dội làm sao, nghe tiếng trống làng, đám trẻ nít chúng tôi  thấy vui như điên, nghe có heo rừng sập bẩy, ông hương mục Tần vẫn còn quen cái cách của một ông hương mục làng, ba chân bốn cẳng chạy sang nhà chú Bảy Tôn hối mài dao, hóa ra ông thợ thiến heo kiêm mổ heo ấy đã mài sao tự lúc vừa nghe tin ông Tám Phấn bẩy được heo, loáng cái, hết thảy người làng đã tề tựu đông đủ ở đình làng, người mang chén bát, người mang nồi niêu, người mang rau, củi, ông Cứ, cựu lý trưởng của làng, đã nốc rượu ngay khi nghe tin heo rừng đã sập bẩy heo của ông Tám Phấn, say, ông Cứ mỗi nách cặp một chai rượu, chân thằng chân xiêng tất tả đến đình làng, thời thực dân phong kiến, thời có vua quan, đổ rồi, ông Cứ say là say trong tư cách của một dân làng đi tham gia ngày hội của làng, khi làm việc làng, Cứ này chỉ  mỗi tội là hay lui tới chỗ mấy con mẹ góa chồng ở trong làng, giọng của ông lý Cứ đã trầm xuống đến mức hết cỡ, khi say, người ta rất thật lòng, có thể đó là dịp để cho một chức sắc của làng vừa thất thủ ở chốn quan trường thổ lộ tâm tư, cái bộ dạng ông lý trưởng Cứ lúc bấy giờ là của một người đang tuổi về già vừa buồn bã mình không còn là kẻ đứng đầu trong làng nữa vừa thấy nhớ cái thời còn đi cày của mình, khổ, mà như có cái gì đó đang diễn ra ở trong làng, một cuộc tụ tập, keo sơn, ông biết, mình có ngã xuống thì đã có người sẵn sàng đỡ mình lên, ở làng tôi hết thảy là như vậy đó, tám tuổi là phải cầm cày, sau đó, nhà nào khá giả lắm mới ráng cho con cái học chữ, ai học cao lắm, chữ nho cũng chỉ viết được tới hàng sáu [mỗi trang giấy viết được sáu hàng] như ông lý trưởng Cứ cũng chỉ viết được tới hàng sáu, nói học chữ nho bỡi đó là loại chữ của nền văn hóa nho giáo ở bên Tàu, các ông lý Cứ, hương kiểm Giao, hương mục Tần đều đã học chữ nho, có chữ mới được làm việc làng chứ, nhưng mới học chữ nho chừng ấy thì đã biết gì về nho giáo đâu, cho nên những ông ấy, trong người, vẫn còn rặt thứ văn hiến làng Cù, tức văn hiến của những người cầm cày, nghe con heo rừng rống lên một tiếng [khi bị chú Bảy Tôn thọc cổ] đám trẻ nít chúng tôi bèn rời khỏi ông lý trưởng Cứ bấy giờ đang nằm dài trên sân đình có vẻ như đang cố trò chuyện với đám trẻ nít chúng tôi, đi xem người ta chế biến các thứ món ăn, cái món thịt heo rừng xáo chuối cây nó cứ như một thứ chi tiết văn minh, thịt con thú rừng nhiệt đới cộng với giống cây thực vật thân mềm nhiệt đới để cho ra cái món ăn nó đậm chất bầy đàn sao đó, buổi trưa, ở sân đình làng, người làng tôi trải chiếu ngồi thành hàng dài dưới cái nắng tháng ba đang cưu mang thứ nóng bức mùa hạ để ăn mừng cái bẩy heo của ông Tám Phấn thắng lớn, cái bầy đàn người làng tôi  lúc bấy giờ cách cái bầy đàn người thời ông tổ của làng, ông Thống Thống, cũng tới mấy trăm năm, nhưng cái cách bà cụ Nhiêu sớt xáo chuối cho ông lý Cứ có thể nó đã đạt tới cảnh giới bầy đàn thời ông Thông Thống, một thứ tình cảm cộng đồng bền bĩ giữa cuộc nắng mưa, con người thì luôn lo sợ thất thủ trước thiên nhiên, ăn thêm chút nữa thầy lý, bà cụ Nhiêu sớt món xáo chuối vào chén ông Cứ,  nói, cứ gọi  Hai Cứ được rồi chị Hai Nhiêu, chỗ trong làng cả mà, ông lý trưởng Cứ nói, nước mắt chảy ra, tôi đang cố gắng làm cho ký ức tuổi thơ tôi trở nên rõ ràng hơn, ngôn ngữ hiện đại cũng có thể giúp cho những hiện thực như vậy được phô bày ra hết bộ dạng của nó,  

 

 

9/   đẹp và kiêu kỳ, đó là cái khúc sử những lý trưởng hương kiểm hương mục  của làng đã bị loại bỏ, làng chuyển sang một khoảnh khắc khác của lịch sử, bầu trời trên đầu như có vẻ rộng hơn, và những người đi chân đất, những người rất rành về chất đất, về thời tiết nắng mưa, rất rành về các tập tục cúng bái, bắt đầu được nghe biết những chuyện mới lạ, rất mới lạ nữa là khác, những ông Cứ ông Giao ông Tần vốn cũng là những người cầm cày ra nắm việc làng giờ đã được thay bằng những con người khác cũng là những người cầm cày ở trong làng,  chú Bốn Ninh bây giờ không phải chỉ lo mỗi chuyện con bò cái của mình bị nâng mà còn phải lo chuyện no đói sống chết cho cả làng, chú Bốn Ninh bây giờ là trưởng thôn, lý trưởng của làng ngày trước bây giờ là trưởng thôn, chú Tám Phấn giờ vừa giữ cái bẩy heo chỗ  chân núi Voi Nằm vừa giữ chức trung đội trưởng dân quân của làng, một hai …bước đều, ngày nào cũng nghe thấy tiếng hô một hai của chú ấy vang lên chỗ khoảnh đất hoang hóa làm đất thổ mộ của làng, Gò Tranh giờ là cái bãi luyện quân, làng chúng tôi đang tham gia vào công cuộc kháng chiến để xóa bỏ cho xong cuộc đô hộ của người Pháp thực dân, ông Thông Thống đâu ngờ cái bầy đàn người của mình lại có một ngày có những con người oách xì dầu như vậy và đang tham gia vào công cuộc giữ nước vẻ vang như vậy, đứng nơi sử thi mà nhìn, quả đó là cái khúc sử đẹp một cách kiêu kỳ, những con người cày cuốc bỗng gánh lấy công việc của đất nước non sông, trong dòng chảy bất ngờ ấy, con chim cuốc như thể cũng đang thay đổi cách kêu mưa của loài giống chúng, nhưng hết thảy những chuyện như vậy là nói theo cảm hứng sử thi, còn những chuyện khác, chuyện con người theo đôi bò trên ruộng, trưa về nhà, quây quần quanh mâm cơm, ăn  gì, uống gì, chuyện mặc vải gì, chuyện cuộc sống thường ngày ấy mà, hết thảy là vẫn như cũ, bấy giờ thì cuộc đô hộ của người Pháp thực dân chỉ còn tồn tại ở các thành phố, các thị tứ, và ở các vùng cư dân quanh các thành phố, thị tứ, chúng tôi gọi những nơi đó là vùng tạm chiếm [hay vùng bị chiếm] làng tôi là thuộc vùng kháng chiến, thực ra, cuộc sống ở đây thực chất nó là một thứ hậu thuộc địa, hậu chiếm đóng, người Pháp thực dân đã làm con đường cái quan to lớn ngang qua làng tôi, lúc chưa có cuộc kháng chiến ở đây, ngày ngày người làng tôi nhìn thấy xe cộ chạy trên con đường nhựa đẹp đẽ ấy, lại trầm trồ khen, nhưng đó cũng chỉ là thứ hình ảnh của văn minh nó đang trượt qua nghĩ ngợi của người làng, những thứ gọi là văn minh vẫn là chuyện của người khác, bấy giờ ở làng tôi vẫn thắp đèn dầu, đèn dầu phộng đốt bằng dầu đâu phộng, dầu đậu phộng đựng trong một cái đĩa với một cái bấc vải [đêm khuya bấc lụn canh tàn/ đồng dao] đèn dầu rái thắp bằng nhựa cây dầu rái lấy trên núi Mun, nhựa dầu rái được gói trong lá đèn [một loại lá núi]  thành lọn như lọn bánh tét, đèn cháy một chặp thì phải khêu bỏ phần nhưa vừa cháy thành than đó thì đèn mới  có thể tiếp tục cháy sáng, thắp đèn dầu rái phải có người đứng bên đèn để khêu đèn, nó có vẻ như một cuộc thách thức với hoàn vũ [tôi đang chỉ huy một cuộc thiêu cháy anh đó/ như thể con người là đang nói với hoàn vũ vậy đó] chú Bốn Ninh họp dân làng ở sân nhà chú ấy, vừa đứng khêu đèn, chú ấy vừa phổ biến tình hình của cuộc kháng chiến của đất nước, thỉnh thoảng lại có người đến trễ, lũ chó của nhà chú lại chạy ra ngõ sủa inh ỏi, chú ấy lại phải rời cuộc họp, đi dẹp lũ chó, ở làng tôi, thời hậu chiếm đóng, một vị trưởng làng phải vừa khêu đèn vừa phổ biến công việc của nước,

 

 

10/ chúng tôi co cụm lại thành một bầy đàn đậm đặc tình thân ái, lạ lắm, chẳng thấy sợ hãi chút nào về cuộc chiến vệ quốc đang diễn ra như sẽ cảm thấy sợ hãi trong cuộc chiến nam bắc sau đó,  ở làng tôi, cuộc kháng chiến xóa bỏ cho xong cuộc đô hộ của người Pháp thực dân như một ngày hội lớn, vừa đào hầm chông để chống xe tăng của Pháp, vừa đào hầm trú ẩn để tránh máy bay oanh tạc của Pháp, vừa tập bắn súng giả tập đánh du kích để chống càn quét của Pháp, vừa đi cày, vừa học chữ,, vừa họp chợ, vừa nuôi gà heo để lấy thịt ăn, vừa trồng bông dệt vảo để may áo mặc, vừa hội họp để nghe cấp trên phổ biến tình hình thế giới tình kháng chiến trong nước [về tình hình thế giới tôi sẽ nói nhiều hơn ở trong sách này] vừa diễn kịch, hát tuồng để duy trì tinh thần cho một cuộc chiến đấu lâu dài, chúng tôi xác định đó là một cuộc chiến đấu lâu dài, thời kháng chiến, làng tôi là một hậu phương lớn, làm ra của cải là để tự nuôi sống mình và để chuyển ra tiền tuyến, thời ấy, thanh niên vào bộ đội là để tham gia những trận đánh tận trên Tây Nguyên hay tận trong Nam Bộ [đi kháng chiến ở vùng cực nam là một sử sự đầy chất Liêu Trai…] những người trung niên thì đi dân công gánh gạo cho chiến trường, tôi  không biết trong nhân loại có nơi nào xảy ra những chuyện như ở làng tôi thời ấy hay không, đêm ấy tự dưng tôi không ngủ được, thực ra không phải tự dưng, mà tại vì cái cuộc hẹn quan trọng ấy, tôi đã có một cuộc hẹn với lũ cùng lứa ở trong làng, nó là một cuộc hải hồ, như thể là chúng tôi sắp sửa nhìn thấy một cuộc hoan lạc hay niềm hoang sơ của hoàn vũ, những cuộc hẹn là có nhiều trong cuộc sống tuổi thơ tôi, nhưng lần ấy, cái cuộc hẹn ấy nó mang trong mình thứ ý nghĩa về sự trường tồn, một cuộc tự vệ của bầy dàn có ý nghĩa phục sinh, sáng hôm sau là đám cùng lứa chúng tôi có một cuộc tập bắn súng cò ke, là phỏng theo những cuộc tập bắn súng gỗ của các chú dân quân du kích trong làng đó, biết đâu, một ngày nào đó trong cuộc kháng chiến lâu dài của chúng tôi, trong một trận càn nào đó của người pháp, chỉ là bắn súng cò ke thôi, nhưng đám trẻ cùng lứa chúng tôi lại lập được chiến công hiển hách [thực ra, cho đến khi người Pháp rút khỏi đất nước tôi thì chẳng có trận đánh nào diễn ra ở làng tôi/cái giấc mơ hiển hách của tôi chỉ là giấc nam kha] đêm ây tôi chỉ tưởng tượng cái giấc nam kha ấy mà không ngủ được, mẹ tôi phát hiện không thấy tôi,  đi tìm [thì tôi đã tuyên bố với lũ cùng lứa trong làng là đêm tôi phải ngủ với mẹ để bú mẹ cho đến mười tuổi mới thôi] con đau sao Cam Sành, mẹ tôi hỏi tôi, chỉ là con thấy không buồn ngủ vậy thôi, tôi chỉ nói ra có một nửa sự thật, và vẫn ngồi khoanh tay trước cửa bếp, mẹ tôi sờ trán tôi, bảo, người con bình thường mà, rồi bươi tro bếp xem thử lửa có còn đủ hay không, thời hậu chiếm đóng, thời kháng chiến ấy, người làng tôi vẫn giữ truyền thống giữ lửa bếp, từ ngày con người tìm ra lửa cho tới đêm tôi không ngủ được vì sáng hôm sau có cuộc tập bắn súng cò ke là một quảng thời gian tính bằng thiên niên kỷ, những trăm triệu năm qua, bằng cách này hay bằng cách khác, con người vẫn giữ chặc ngọn lửa tổ tiên mình đã tìm ra được, ở làng tôi, giữ lửa bằng cách nhóm tro bếp, tức, nấu nướng xong thì lại dùng tro bếp phủ lên những hòn than đã cháy đỏ, chúng tôi vừa giữ lửa vừa đánh giặc,

 

 

*trong cuốn sổ ghi chép của tôi,
mi, đất làng ta, nguồn cội của thi ca này, ta viết giữa hơi thở của lá, của chim, của những sự tích đằng đẵng niềm cố quận, hết thảy đều là chuyện cũ, đều thở bằng hơi thở của mi, đất làng ta , mi cưu mang chín khúc mang nặng của mẹ ta, mi cưu mang  bảy mươi hai khúc cần lao của cha ta, mi cưu mang ta thành bụi bặm, người ta chỉ phủi lên áo khinh cừu của mình thì biết ta là bụi bặm, trong cuốn sổ trời, ghi, mi là trích ra từ một cuộc lưu đày, để cho mi hiểu ra tồn tại là một cuộc lưu đày, trước hết mi là sự khiếm khuyết cả trong tên gọi, khiếm khuyết cả trong thể hiện bản ngã của mình, đó là cuộc giải cấu trúc về một miền dị biệt, sự tạo núi sông, bàn tay nguyên thủy của tự nhiên, và sự tu sửa của con người, đôi khi người ta chỉ gọi tên mi, rồi cứ để yên vậy, việc còn lại chỉ là sự chiêm nghiệm, sự chiêm nghiệm kéo dài hằng trăm năm, nghìn năm, để cho mi hiểu ra tồn tại là một cuộc thách thức, trước hết mi là sự cằn cỗi, để cho cỏ cây biết cách vươn lên trước hết mi phải là sự cằn cỗi, sự bó buộc có tính định mệnh, đó là thuộc về cái dự án vừa nghiêm cẩn vừa đùa cợt của hoàn vũ, chẳng có sự ưu đãi nào cả, cũng chẳng có một chương trình riêng tư nào cả, mùa hè mi hứng chịu những cơn nắng cháy da, mùa đông mi hứng chịu những cơn mưa sũng nát, mùa đông lũ chim đến trú ngụ trong đôi cánh rũ ướt của mi, thật ra, mi phải đem hết sức lực của mi ra người làng ta mới có hạt cơm ăn, mi, đất làng ta, nó là nụ cười, tiếng khóc,  những lời thành kính cất lên suốt chiều dài sử lịch, nhưng, mi, đất làng ta, nó là trí tuệ của sự lặng lẽ, khởi lên từ bản thể vị tha, đất làng ta, nó là mẹ của hết thảy những cuộc sinh thành, nhưng rồi những đứa con của mi sẽ làm cho mi đau khổ, sẽ có những chiều vàng ố câu kinh ca ngợi sự lầm lẫn, 

 

 

11/  bấy giờ thì tôi đã hoàn thiện xong tuổi bú mẹ [cuộc thăm dò vô thức về tiềm năng hàm dưỡng của hòan vũ] và đang bước sang thời bức phá của tri thức, nó là lúc mà ý thức con người bắt đầu thấy lủng củng trong cách nhìn thế giới, nghĩ là mình đã biết, nhưng thật ra là còn biết quá ít, thời mà một đứa trẻ hồn nhiên chuyển sang trạng thái tinh thần luôn muốn tra hỏi vậy thì thế giới nó là gì, bấy giờ tôi luôn thấy băn khoăn thắc mắc tại vì sao cha tôi lại trở nên khác thường như thế, ông không  còn vui vẻ theo đôi bò trên ruộng, sự việc là thế này: cha tôi quyết định chuyển khoảnh ruộng trồng lúa của nhà sang trồng cây bông vải, mẹ thằng Lực thấy sao, phải tự làm ra vải để mặc chứ, tôi nghe cha tôi hỏi mẹ tôi, thật  ra, hỏi là hỏi vậy thôi, ở trong nhà, mọi việc đều do cha tôi quyết định, trồng cây bông vải để lấy sợi dệt ra vải vừa đổi được gạo nấu vừa có vải để mặc, mục tiêu cuối cùng của việc chuyển đổi cây gieo trồng là vậy,  hỏi ý mẹ tôi xong thì cha tôi đánh bò ra ruộng cày đất trồng bông vải và loay hoay đóng cái khung cửi dệt, cái quyết định của cha tôi là bước ngoặc quá lớn trong cuộc đời một người, dệt vài thì mẹ tôi thời con gái ở nhà ngoại tôi mẹ từng là cô gái dệt lụa, nhà ngoại tôi thời ấy ươm tơ dệt lụa, nhưng cha tôi thì tôi không biết ông đọc sách về nông học ở đâu, của ai [bấy lâu tôi nghĩ là cha tôi chỉ đọc sách về văn chương] lại nảy ra cái ý đồ trồng trọt như cuộc thách thức với tự nhiên, đất đai cứ như thứ quà tặng đầy bí ẩn của trời đất, và ai đó trong nhân loại buổi sơ khai đã nghĩ ra được cách vùi xuống đó một hạt giống, cũng của đất trời, hạt lúa, nền canh nông ấy, tự lúc còn chọc lỗ trỉa hạt cho đến khi cha tôi nứt ra cái sáng kiến đem đất trồng lúa ra trồng cây bông vải, nó là một cuộc thể nghiệm, gian truân mà vẻ vang, bỡi từ cuộc khai thác đất đai ấy đã khai sinh không biết bao nhiêu cuộc văn minh: con người tìm ra lửa, con người đã có xã hội bầy đàn để tồn tại…từ ngày ông Thông Thống lập đất lập làng cho đến lúc ấy chưa ai dám nghĩ đến chuyện trồng một thứ cây gì khác ngoài cây lúa, mẹ thằng Lực sợ trông cây bông vải không được hay sao, thấy mẹ tôi buồn lo, cha tôi hỏi, đâu có chuyện gì đâu, mẹ tôi giấu cha tôi, nhưng đi than thở với anh em tôi,: bông vải mà thất bại nhà ta đói là cái chắc, tháng năm, lũ chim chiền chiện đã có đủ lứa đôi, công việc giao phối cũng đã xong, đang lo chuyện đẻ con, cha tôi theo đôi bò  cày ra ruộng, xốc hàng [đánh luống để gieo hạt], tôi với mẹ tôi và anh hai Lưc trỉa hạt bông vải, còn lũ chiền chiện thì canh chừng chúng tôi để lót ổ ngay trên luống cày mới vỡ, chúng tôi đang gửi gắm cho đất đai niềm tin như thể là sự hàm ơn, nhưng không kém phần lo lắng,

 

 

12/  tôi đang nói về tình cảnh thiếu vải mặc của làng, khi đã hình thành vùng kháng chiến chống lại người Pháp thực dân thì có nghĩa đã tách khỏi mọi sinh hoạt xã hội của thứ xứ sở thuộc địa trước đấy, trong chuyện này, có một sự đứt quãng rất lớn trong đời sống vật chất hằng ngày, không còn mang đôi giày, đội chiếc mũ  hay bận thứ vải áo của xứ sở thuộc địa nữa, ví dụ thế, bấy giờ, làng chẳng còn có quan hệ nào với các miền đất còn thuộc chính quyền thuộc địa của người Pháp ngoài những thương gia lén lút mạo hiểm mua các thứ vải bô và thuốc men ở vùng còn thuộc Pháp  về bán lại cho dân các vùng kháng chiến, ‘‘đầu phồng đá lửa, ruột chửa ka ki’’ đó là cách tóm tắt về những mạo hiểm trong việc buôn bán hầu hết là do phụ nữ đảm trách, phụ nữ phải chải tóc theo kiểu phồng to lên để dấu đá lửa họp quẹt vào trong tóc, và phải giả đang có thai để độn vải ka ki vào trong bụng áo, bấy giờ một thước vải trăn đầm [của đảo Java thì phải] có gía trị ngang với năm vuông thóc, và một thước vải ka ki của Pháp có giá trị ngnag với bảy vuông thóc, có nghĩa, muốn có áo mặc phải bới đi chén cơm ăn, chưa đến nỗi phải ở trần đi cày, nhưng quả thật là rất khó khăn trong chuyện vải mặc, chẳng phải thằng Cam Sành mười tuổi là tôi lúc ấy cả ngày dầm mưa đêm không còn quần thay phải ngủ truồng đó sao, mặc áo quần, và ngay ngáy lo áo quần bị rách, phải có một nền kinh tế tự túc tự cấp là nhu cầu sống còn của làng lúc bấy giờ, và cha tôi đã đi đầu trong việc tự làm ra vải mặc, cái bước đi đầu tiên ấy nó chông chênh lắm, tháng năm, cả đồng làng được gieo giống lúa trì như thường năm, chỉ trừ khoảnh ruộng nhà tôi là gieo hạt bông vải, đôi chim chiền chiện vẫn đang sống vui vẻ trong ngôi nhà cỏ trên  khoảnh ruộng nhà tôi, con mái đẻ đái xong ngày ngày nằm ấp trứng, con cồ đi kiếm mồi ngày ngày đi về  thật thảnh thơi, cái lũ chim trời ấy chúng làm như thể chẳng để ý chi chuyện ngày ngày cha tôi ra ngồi ở bờ ruộng, chờ, đất đai có chịu ở lại với con người hay không, tôi nói đất đai có chịu ở lại với con người hay không là nói đất đai có chìu theo ý con người hay không, đất đồng làng tôi chịu với cây lúa trì, nhưng có chịu với cây bông vải hay không thì chưa ai biết, cha tôi đang bước đi trên con đường cam go, con đường độc đạo, hoặc là bước tiếp, hoặc ngã xuống [việc trồng bông vải mà thất bại thì chết đói chứ còn gì nữa] mẹ tôi thì ngày đêm thở vắn thở dài, cuộc nhân sinh có lúc nó làm cho con người lao đao như vậy, ông Hai Sách đang đánh cược với trời đó, người làng nói về cha tôi vậy đó, ở trong làng , cha tôi là người làng duy nhất vừa đi cày vừa đọc sách nên mọi  người gọi ông với tình cảm quí trọng như vậy, sáng  nào cha tôi cũng ra ngồi ở bờ ruộng nhìn cái cảnh khắp đồng làng lên xanh chỉ trừ mỗi khoảnh ruộng nhà tôi, bấy giờ, việc hạt bông vải mọc chậm hơn hạt lúa trì còn  là điều bí mật đối với mọi người, tháng năm, những cơn gió tây nam thổi qua dãy Trường Sơn mang lại cái nóng hầm hập, hằng trăm năm qua tổ tiên tôi đã chọn cây lúa trì để sống với thứ đất đai cằn cổi và khi hậu nóng bức như vậy, cây lúa trì là vậy, còn cây bông vải thì sao, đó là câu hỏi chưa có câu trả lời trong nhận thức của cha tôi, cái lỗ hổng ấy dày vò tâm trí cha tôi, nhưng điều phải xảy ra đã xảy ra, hôm hạt bông vải mọc xanh trên khoảnh ruộng nhà, mẹ tôi mừng đến rơi nước mắt, nhưng  cha tôi có vẻ như trở nên trầm tĩnh hơn, củng chưa chắc là đất đai chịu ở lại với con người,  ông nói,  

 

 

13/  cái khung cửi dệt với chiếc xe kéo sợi là  hai thứ công cụ cha tôi phải làm xong trước khi biết chuyện gì sẽ xảy ra trên khoảnh ruộng nhà tôi, điều đó có nghĩa ông đã quyết nếu thua ở keo  này phải bày keo khác chứ không đời nào từ bỏ việc trồng bông vải, tôi cứ muốn nhìn lại khoảng đời ấy của cha tôi vào lúc viết sách này cho thõa mãn lòng biết ơn một người cha đã làm dấy lên nhiều thứ trong nhận thức của kẻ đã bị cuộc đời lung lạc gần như thất thủ là tôi, đừng nói cha tôi chỉ vì miếng cơm manh áo, có một cái gì đó, tôi biết, có thể là ký ức bầy đàn, cũng không hẳn thế, một thứ tiếng gọi không tên tuổi, có thề là vậy, nó tiềm ẩn đâu đó trong sự hiện hữu đó, như một thứ sẵn có, cái vật thể tiên thiên đó thôi thúc cha tôi, tôi bất lực trong diễn đạt, cuối cùng chỉ có thể đổ thừa cho sự thôi thúc vô thức, chẳng phải những thứ như vậy tự bao giờ đã tồn tại trong cuộc sống nhân loại hay sao, ngọn lửa đã làm bùng vỡ những thành quả to lớn trong lịch sử loài người là những cuộc văn minh trong quá khứ,  cha tôi chưa làm được những thứ gọi là văn minh, cả đời ông chỉ lo mỗi công việc nhỏ nhoi là thăm dò đất đai, cuộc đời cha tôi là một cuộc thăm dò đất đai, có thể nói vậy, người đã tạo nên cuộc hội hộ giữa lý thuyết và hành động, giữa sách và  cày…’’lạ lắm, nó vẫn cứ có vẻ thảnh thơi, làm như thể chẳng có chuyện gì xảy ra vậy, nắng như lửa trút xuống đồng làng, mà nó thì vẫn cứ thản nhiên như không, một cơn gió tây nam [gió Lào] quét ngang qua, lửa như tràn ra rộng lớn hơn, vậy mà, những đọt non tơ vẫn cứ phe phẩy một cách vui vẻ trong nắng gió, có phải tổ tiên ta gọi nó là lúa trì vì chẳng thể nói được gì thêm về nó’’, những ghi chép của cha tôi về cây lúa trì trong sách ‘‘ Suy Gẫm Của Một Người Trồng Lúa’’ của ông, một cuộc thăm dò đất đai, đằng đẵng và đầy nỗi hoài nghi, bông vải đã lên xanh trên khoảnh ruộng nhà tôi, nhưng cha tôi vẫn không chắc đất đai ở lại với mình, rồi những gì phải xảy ra đã xảy ra, bông vải phát triển một cách bình thường trên khoảnh ruộng nhà tôi: ra hoa, kết trái, tháng tám, mùa thu, trái bông vải sai quằn, mẹ tôi vui lắm, anh em tôi cũng rất vui, nhưng cha trôi lại trở nên trầm tĩnh hơn, rồi mùa đông, những trái bông vải đã hé mở thứ màu trắng tinh anh [trái bông vải sắp nở] nhưng trận mưa bão ấy đã làm rơi rụng toàn bộ trái bông vải đang nở trắng ruộng ấy, cha tôi công nhận với người làng là ông đã thất bại, nhưng ông đã đứng trên chính đôi vai mình để bước tiếp: không phải gieo hạt vào tháng năm, mà vào tháng chạp, để cho bông vải nở vào mùa hè, lập tức, người làng tôi chấp nhận lịch gieo trồng của cha tôi, tháng chạp năm ấy nhà nào cũng có một khoảnh ruộng gieo hạt bông vải, mùa hạ năm sau bông vải nở trắng đồng làng, một nền canh nông mới đã mở ra ở làng tôi, nền canh nông trồng bông lấy sợi dệt vải,

 

 

14/ cuộc sống lúc có chiến tranh là cuộc sinh tồn vội vã, cái chết ở kề bên, và sinh hoạt xã hội có thể bị  xáo trộn bất cứ lúc nào, thì không có cái gì là có quyền hòa hoàn cả, sự sống gấp sống vội ở đây nó không phải là thứ chủ nghĩa hiện sinh của mấy ông Tây, mà là do bom đạn của cuộc chiến nó bắt con người ta phải thế, ở làng tôi, bấy giờ, đánh đôi bò cày ra ruộng cũng phải đi cho thật mau, vì đi trên con đường làng rất dễ bị máy bay oanh kích của Pháp nhìn thấy, họp chợ cũng phải diễn ra trong chốc lát vì lính Pháp có thể đi càn bất cứ lúc nào, không chờ có kỷ sư địa chất điều tra thổ nhưỡng, chỉ nghe cha tôi nói gieo hạt bông vải vào tháng chạp năm trước thì thu hoạch được bông vải vào mủa hè năm sau là cả làng tôi đua nhau trồng cây bông vải vì không thể ngồi chờ áo rách mới nghĩ đến chuyện trồng bông dệt vải, cha tôi chỉ theo cái khung cửi cũ và chiếc xe kéo sợi cũ ở nhà ngoại tôi mà đóng cho nhà tôi khung dệt với xe kéo sợi, thế là cả làng rập khuôn theo, vì không thể ngồi chờ có ông thợ mộc chuyên đóng khung cửi với xe kéo sợi, thật ra, những công việc  như vậy là còn mới toanh ở một vùng đất con người chỉ biết trồng lúa [có nghe nói ông bà tổ tiên làng tôi biết dệt vải đâu] tháng sáu, bông vải nở trắng đồng làng, theo lịch gieo trồng của cha tôi, quả làng được mùa bông vải, nhưng đó chỉ mới là bông vải, còn phải qua nhiều công việc có tính thủ công nghiệp mới có áo mặc: bắn bông, đánh con cúi, kéo sợi, nấu sợi, và cuối cùng là dệt, mẹ tôi phải giam mình trong căn phòng kín dùng cây cung [kiểu cung bắn tên] để bật dây cung vào bông vải đã phơi phong khô khan làm cho nó tơi ra, trước khi được kéo thành sơi thì thứ bông vải được sơ chế đó phải làm thành những lọn nhỏ, gọi là con cúi, cuộc chiến nó hối thúc con người ta vậy đó, đến mùa bông vải, đám con gái trong làng, đêm đêm, vác xe kéo sợi tụ tập ở sân nhà ai đó để thi kéo sợi, không phải thi để giật giải, mà để cho mau có vải mặc, rốt cuộc mẹ tôi cũng dụ được đám con gái trong làng lấy sân nhà tôi làm nới tụ tập cố định, đêm, mẹ tôi thi kéo sợi với bọn chúng, tôi làm công việc khêu đền, đánh chó, cái cuộc sống tất tả ấy cứ diễn ra trước sự hiểu biết cũng có vẻ vội vã của tôi, là tôi muốn nói đến thứ hiểu biết lẽ ra lúc bấy giờ nó chưa đạt đến mức ấy, nhưng cái hòan cảnh chiến tranh nó khiến cho sự hiểu biết của tôi nó phát triển đến mức ấy, thứ hiểu biết do trải qua kinh nghiệm, thứ mô hình hậu nghiệm của Kant ấy mà, thật ra, cái hoàn cảnh hậu nghiệm ấy là do đám con gái trong làng mà ra, cái đám con gái tuổi trăng tròn đầy quyến rủ ấy nó luôn tác động lên trí não tôi làm phát sinh không biết bao nhiêu nỗi băn khoăn, vậy thì tôi đã thực sự trưởng thành chưa, vậy thì tôi đã có quyền trò chuyện đường hoàng với bọn họ chưa, chỉ nghĩ đến việc trò chuyện thôi tôi đã thấy quá khó khăn, bỡi gọi là trò chuyện là phải nói ra điều này điều nọ, chứ đâu phải như ở trong làng đi ra đi vào gặp nhau nói ba câu bốn sợi thông thường, nói trò chuyện là phải vận dụng kiến thức chứ, mà bấy giờ thì tôi đã có liếng kiến thức gì đâu, chỉ nghĩ đến việc trò chuyện với đám con gái trong làng tôi đã thấy mình thất bại thảm hại,

 

15/ chính là người làng tôi biết rõ lai lịch của người phụ nữ buôn bán hàng cấm ở phía bắc huyện ấy nên mới để chị ta lui tới làng tôi như vậy, bấy giờ, một thương gia tới vùng Pháp chiếm mua các thứ này nọ về bán ở vùng kháng chiến là công việc vô cùng nguy hiểm, vì người kháng chiến có thể nghĩ người ấy là gián điệp của người Pháp, và ngược lại,  khó khăn vậy, nên hàng hóa trong những thương vụ như vậy là vô cùng đắc đỏ, lần trước, người phụ nữ ấy vào làng, nhà tôi đang gặp khó khăn, chẳng mua được thứ gì, lần này thì mẹ tôi vừa bán được một con heo lứa [heo thịt] chuyến này có họp quẹt lửa thứ tốt bà thím mua một cái dùng thử, chị bán hàng cấm có vẻ tha thiết, trời đất ơi, mua một cái quẹt  lửa mất đứt nửa con heo lứa, bấy giờ, ở làng tôi thường qui giá trị hàng hóa bằng vuông thóc hay bằng heo gà, một thước vải ka ki bằng bảy vuông thóc, một cái quẹt lửa bằng nửa con heo thịt, hay một cái mũ nĩ bằng ba con gà mái đẻ, kể từ khi thần prometheus mang lửa đến cho loài người cho đến hôm mẹ tôi mua được cái quẹt lửa là phải đến hăng tỉ năm [hoặc lâu hơn nữa, tuổi của các vị thần thường là không thể tính bằng thời gian nhân thế] trần gian vẫn quen với hình dạng cũ của thần là lửa bếp, tiền sử, hay hữu sử, có lẽ vậy, lửa bếp vần là bằng chứng xác đáng nhất về sự hiện hữu của thần, một người cả đời làm công việc nội trợ, mẹ tôi chỉ biết có mỗi thứ lửa bếp, nay, bà bỗng cầm trong tay một thứ công cụ làm ra lửa như vậy  thì làm sao không có sự xáo động to lớn ở  trong lòng, chị bán hàng cấm đi rồi, mẹ tôi đem cất cái quẹt lửa vào tủ, rồi cứ đi ra đi vào, nghĩ ngợi, trưa, mẹ tôi vẫn dùng lửa ủ sẵn trong tro bếp để nấu nướng, không hề động đến cái quẹt lửa mới mua, ngày hôm ấy cha tôi với anh Hai Lực đi núi Nung bứt mây về sớm  [mây là loại dây rừng dùng đan các  thứ dụng cụ dùng trong nhà] ăn cơm chiều xong trời sập tối, sao chưa thấy đèn đóm, mẹ thằng Lực, thấy nhà chưa thắp đèn, cha tôi nhắc, tôi cứ nghĩ thầm trong bụng nhất định mẹ tôi sẽ làm cho cha tôi với anh Hai Lực ngã ngửa ra [ngạc nhiên] khi mẹ tôi dùng cái quẹt lửa để thắp đèn, nhưng không phải, để thắp ngọn đèn dầu phộng, mẹ tôi vẫn dùng lửa bếp những ngàn năm qua nhân loại vẫn sử dụng, có một nỗi sợ hãi nào đó trong lòng mẹ tôi, nỗi sợ hãi trước hình thù quá mới mẻ của thần prometheus, hay là bà sợ dùng nhiều lần cái quẹt lửa sẽ cũ đi, thứ vật thể có giá ngang với nửa con heo thịt, tôi không biết,

 

 

*trong cuốn sổ ghi chép của tôi,
[lửa]
về sau tôi hiểu lửa ở phạm vi rộng lớn hơn
một nụ hoa đang nở
hay con chim đang sải cánh bay nơi bầu trời rộng lớn
cái ẩn ý huyền nhiệm của hoàn vũ luôn giấu trong mỗi gương mặt
như thể một phác đồ vĩ đại
cho toàn thể cuộc chuyển động vĩ đại
nghe con gà gáy sáng tôi có thể hình dung được bầu trời
                                                                      những ngày sau đó
[người cứ làm sáng lên những tri thức ngọc bích kim cương]
tháng giêng làm bùng lên ý nghĩa của cuộc tuần hoàn
bắt đầu
hay là kết thúc nhỉ
không phải tôi muốn nói đến chuyện con gà quanh quẩn mổ thóc
mà bên ngoài khu vườn nhà còn có những khúc ru khác của thời gian
đổ xuống những thao thức
có kẻ vượt qua nghìn năm chỉ để gặp một người
trên đường đi có dừng lại khi nghe con dế hát về sự lãng quên và nhỏ những giọt nước mắt buồn bã xuống dòng sử lịch đang phô bày
                                                                       đến tận đáy sông khô
chẳng là gì cả khi bỗng không còn nhớ chút gì về khúc sử đen tối
chẳng là gì cả khi nghe ai đó nói thế giới là sự thất thoát
tôi đã nhìn thấy lửa làm ấm lại những tấm lòng ái quốc
ở làng tôi
con cò ăn ngày
con vạc ăn đêm
những người yêu tổ quốc mình thì thường hay lặng lẽ bước đi
                                                               dưới ánh mặt trời
có thể đó là lúc bọn họ đang đi theo lũ bò ở trên ruộng
vừa theo lũ bò trên ruộng vừa nghĩ ngợi về một cõi trần thế rộng lớn hơn
có thể đó là lúc bọn họ đang lên rừng đốn củi và chợt nhận ra sư thật cho đến lúc đó mới nhận ra là mặt trời luôn ở trên đầu mình
chưa hiểu hết đó là thứ năng lượng vô biên
chỉ mang máng thấy có gì đó như ngọn lửa ở trong lòng
về sau tôi hiểu lửa cả ở phạm vi rộng lớn nhất và  phạm vi nhỏ hẹp nhất                                                             
sáng ra
con chim khách đứng nơi bờ giếng sau nhà, thấy tôi, cất lên
                                                          tiếng kêu quen thuộc
có khách…có khách
một bài học triết học về tồn tại
con người trong cuộc tồn sinh luôn có những người khác ở bên mình
như một bó buộc định mệnh
người khác
khách
tha nhân,                                                                                         

 

16/  chú Bảy Huấn như vị anh hùng cái thế từ tiền tuyến mang tin chiến thắng về hậu phương, lần này thì quân ta thắng lớn ở Bình Mộc, chú Bảy  Huấn nói, Bình Mộc là ở đâu, tôi không cần biết, chỉ nghe mỗi tên đất ấy là đã thấy vang dội, những trận đánh trong các câu chuyện cổ tích thì tuổi thơ tôi đã nghe bao  nhiêu bận từ miệng mẹ tôi kể ra, nhưng lần này thì khác, không phải chuyện cổ tích, mà chuyện bây giờ, chuyện vừa mới xảy ra, được kể ra từ miệng chú Bảy Huấn, chính là người đã làm ra trận đánh ấy đem ra kể cho chúng tôi nghe, cách đấy mấy hôm, một anh bộ đội về phép [cũng từ cực nam về] cho hay vị sư đoàn trưởng khét tiếng trong đánh trận ấy săp về làng, buổi trưa, đã nghe thấy tiếng nhạc ngựa ở đầu làng, mọi người ai cũng biết người ấy đã về [ở  làng tôi thì có ai đi ngựa ngoài chú ấy đâu] cái buổi trưa tháng năm cứ cho là lạ nhất trong cuộc đời tôi, cứ như chuyện cổ tích, chứ gì nữa, người anh hùng thắng trận thì cứ ngồi yên trên lưng ngựa [một trung đoàn địch coi như hỏa lực rất lớn đó, nhưng đã bị quân ta tiêu diệt/ chú ấy vẫn ngồi  trên lưng ngựa để nói] với lại làm sao  xuống ngựa được chứ, người lớn thì có lớp lang đàng hoàng, nhưng lũ trẻ nhỏ trong làng thì cứ nhao lên vây quanh con ngựạ chú ấy, không biết con ngựa thích thú hay sợ hãi, cứ hí vang, bấy giờ thì tôi đã sắp sửa chuyển sang hàng ngũ thanh niên trong làng, có nghĩa không còn thuộc hàng ngũ trẻ con nữa,  nhưng thứ ký ức tuổi thơ vẫn còn đậm đặc trong tôi, nhìn con ngựa chiến của chú Bảy Huấn tôi không ngớt liên tưởng đến đám ngựa sắt, đôi khi là ngựa trời phun ra được lửa, trong các câu chuyện kể của mẹ tôi, hoan hô ông tướng [bấy giờ, sư đoàn trưởng là thuộc hàng tướng rồi đó], lũ trẻ nhỏ vừa vây quanh con ngựa chú Bảy Huấn vừa  hoan hô váng trời váng đất, bấy giờ những hoan hô, đả đảo, hay địch, ta là những từ ngữ thuộc thời đất nước có ngoại xâm, hoan hô ông tướng…lũ trẻ trong làng có đứa chưa gặp chú Bảy Huấn bao giờ, chú ấy vào nam tham gia gia các trận đánh tự hồi đầu cuộc kháng chiến,  nhưng nghe người lớn trong làng  kể hoài về chú ấy , lâu ngày chú Bảy Huấn trở thành hình ảnh đặc biệt trong tình cảm của lũ nhỏ trong làng, kể nữa đi ông Bảy, lũ nhỏ cứ nhao lên, nắm lấy tay chú Bảy Huấn, giục, cái cách của lũ chúng là thuộc về sự hiếu ký, cứ nghe có đánh đấm  nhau là được, một tiểu đoàn của ta diệt gọn một trung đoàn của địch, chú Bảy Huấn nói, không hiểu một trung đoàn là sao, một tiểu đoàn là sao, nhưng khi nghe có chuyện hai bên đánh nhau thì chúng vỗ tay hò reo, những khái niệm về chiến tranh chết chóc  là thuộc vể niềm day dứt của những người lớn, chờ nghe chú Bảy Huấn kể về các trận đánh là để coi thử đã đến lúc kết thúc chiến tarnh chưa, để khỏi phải nhóm chợ đêm, khỏi phải đi cày vào ban đêm, con người sống mà cứ ngay ngáy lo không biết Pháp đi càn lúc nào, oanh kích lúc nào,  chỉ sau đó mấy tháng thì ký kết đình chiến giữa bên kháng chiến và người Pháp thực dân, nhưng lúc bấy giờ, trong cuộc chuyện trò ấy, cả chú Bảy Huấn cả người làng, không ai có thể nhận ra chút tín hiệu nào về cái hiệp định ngưng bắn đầy bi kịch ấy, lịch sử chiến tranh của nhân loại vẫn luôn là điều bí ẩn,

 

 

17/  một thời để nhớ, cho đến cái chi tiết nhỏ nhặt nhất là đêm ra vườn ngồi canh coi có động tĩnh gì không, đêm thì lũ heo rừng trên núi Mun xuống phá sắn, vườn sắn [cả ruộng sắn nữa chứ không phải chỉ vườn sắn đâu] thứ lương thực phụ ấy, khoai sắn, trở thành nguồn thức ăn chủ lực của con người, ăn cơm độn sắn, để bớt gạo gửi ra tiền tuyến, bấy giờ, nhà nào cũng hũ gạo nuôi quân, cứ như một thứ cổ tích không cổ tích chút nào, nếu không phải người xứ sở tôi ai lại tin  những chuyện như vậy: cứ mỗi bữa ăn lại bớt đi một ít gạo, cái hũ bằng đất nung để đựng gạo tiết kiệm ấy nó là thứ vật thể làm sáng lên một khúc sử của đất nước tôi, nhưng cũng có thể hiểu đó là hệ quả bi thảm của một thế giới bất ưng, đám cường quốc vẫn muốn biến các tiểu quốc thành những xứ sở man rợ, phải nói thời làng tôi tham gia cuộc kháng chiến chống ngoại xâm  là một cuộc đùm bọc nhau ngoại lệ, đêm, lũ chim te te phác hiện lũ chuột trên đồng làng, kêu inh ỏi, te te  đuổi chuột là đã tới  mùa cày vỡ [mùa cày đấu tiên trong vụ mùa gieo trồng giống lúa trì ở quê tôi] chú Bảy Nghị đau, không đi cày nối, chú Tám Hồ đánh bò sang cày giúp, nhà bà Hai Nến hết gạo nấu thì chạy sang nhà bà Bốn Bợ ở kế bên, tự dưng, con người cứ thấy phải san sẻ  nhau từng chút như vậy như một thứ nghĩa vụ ở đời, thời thứ triết học về tha nhân  như cội nguồn của mọi tư duy của con người, có cái gì đó như những giọt nước mắt nén lại của quá khứ, những giọt nước mắt vui sướng, 

18/  cái quá khứ đẹp và nghìn lần bi thảm ấy cứ như một thứ cột mốc thời gian luôn sừng sững trong trí nhớ tôi, người ta có thể lầm tưởng phần nhân lọai nhỏ bé ở dưới chân núi Mun, làng tôi đó, chẳng đáng để cho một chương trình thực dân to lớn của người Pháp chú ý đến, nhưng không phải, vào những tháng năm gần cuối cuộc kháng chiến ấy người Pháp bỗng tăng cường việc đánh p;há vùng quê tôi: đem máy bay oanh kích trâu bò và người cày trên đồng ruộng, oanh kích những người đi lại trên các đường làng, oanh kích cả các trường học và các buổi chợ phiên, vậy là phải đi cày đêm, họp chợ đêm, đi học đêm… có lẽ trong lịch sử dân tộc tôi, lần đầu tiên, con người phải lấy đêm làm ngày, lần đầu tiên, những đứa con của đất bắt đầu tập sống với cảnh không có ánh nắng mặt trời, cứ tưởng như vậy thì buồn bã biết bao, nhưng không phải, tối đến, lũ nhỏ trong làng vẫn họp lại để hát bài ‘‘đây thái dương hồng sáng chiếu khắp nơi’’, sáng chiếu hay sáng chói, tôi không còn nhớ chính xác, bấy giờ, cái bài hát có tính chất quốc tế của những người nhân danh chủ nghĩa quốc tế ấy vẫn cứ lung lạc thằng Cam Sành sắp sang tuổi thanh niên là tôi, vẫn là tôi, vẫn là cha mẹ tôi và anh Hai Lực tôi, nhưng đêm đến, lúc đầu cứ thấy bỡ ngỡ, giờ thì đánh bò ra đồng ruộng sao, giờ thì đi họp chợ sao, con vật còn thấy bỡ ngỡ huống hồ con ngươi, đêm đến, lũ heo gà trong chuồng thấy con người đốt đèn lên làm lụng, nhưng không thấy cho chúng ăn uống, kêu la riết thành quen, đêm đến thì lũ heo gà cũng thức với con người, cái nhịp điệu sống của đêm nó làm cho người làng tôi vốn mù tịt với lịch sử nhân loại giờ bỗng nhận ra lịch sử là một thứ gì đó chẳng có hình thù chẳng nghe nói năng chi, nhưng lại đầy quyền lực, bây giờ, những người cày ruộng ở làng tôi có chút nhảy cảm với thời cuộc thì hiểu lịch sử là thứ nó bắt con người ta phải đi cày vào ban đêm,
 

*trong cuốn sổ ghi chép của tôi,
từ đó nhà hiền triết nằm im trong hang động lắng nghe cuộc chuyển động vũ bão của thế giới

ở phía đó người ta đang dựng lên một thứ lâu đài ảo
bát ngát những trùng vây, u biệt, và hoang sơ
những phác  thảo chưa từng
cách quảng bá vẻ độc sáng của nền văn minh ảo có vẻ choán hết ngôn ngữ nhân gian
yêu kẻ lỡ vận
con chim ấp muỗi đêm thức canh cho nhà hiền triết ngủ
ở nơi kia những nhà tư tưởng đương đại đương trù tính cho thế giới những chủ thuyết to lớn
về cách hành tẩu giang hồ
về cách sống chung với áp bức bất công
sống chung với ma quỉ
sống chung với dịch bệnh
sống chung với các thứ phép mầu của một nền văn minh sẽ chỉ còn những con người bằng tim phổi nhân tạo

và rải rác đó đây
bọn nhà lập ngôn vừa mới ra lò
người nào mặt mũi cũng vênh váo
và ăn nói đầy vẻ xấc xược
bọn họ ra sức đánh phá những kẻ không cùng cách nghĩ với mình
đánh phá xưa cũ

hãy lắng nghe đây hỡi nhân loại còn ngu muội
bọn nhà lập ngôn vừa mới ra lò cứ gào lên thế
từ đó nhà hiền triết không còn dám bước ra khỏi hang động
ông đã chết khi người đàn ông ấy khoác lác về thứ ông ta gọi là hệ thống triết học mới mẻ nhất mặt đất của ông ta
làm sao giữa thế giới dày đặc văn minh hắn lại dám huyênh hoang thế chứ

lời cuối cùng của nhà hiền triết ghi trên vách hang động
tôi nghe thấy các thứ đang diễn ra trên thế giới
và cứ lo sợ một ngày nào đó thượng đế một lần nữa lại dựng lại tháp babel
không phải để cho ngôn ngữ con người rối rắm thêm
mà để cho con người không còn nói được tiếng người, chỉ ú ớ như lũ vượn trên  rừng, 

 

 

19/   mật khẩu để mở vào phần tăm tối của hoàn vũ, đêm, là lòng quyết tâm của bầy đàn, vẫn còn dễ dãi hơn nhiều thời ông tổ làng tôi đứng dưới chân núi Mun ngẫm nghĩ [rồi nói đây là làng Cù] thì trong tay ông và trong tay đám người theo ông là con số không cộng với  mảng rừng cây trải dài trước mặt, giờ, tuy phải lấy đêm làm ngày, nhưng thật ra trước mặt chúng tôi cũng chỉ là cái khoảnh khắc khác của cuộc chuyển động của hoàn vũ, đêm là phần nối dài của ngày, chỉ có điều, cái thời khóa biểu của sinh tồn có hơi đảo ngược một chút, từ ngày ông Thông Thống lập ra làng tôi cho đến lúc ấy đêm chỉ dành cho việc ngủ nghỉ, giờ thì chúng tôi phải đi cày vào ban đêm, họp chợ vào ban đêm, đi học vào ban đêm, thậm chí, muốn lui tới thăm nhau cũng vào ban đêm, cái phần có ánh mặt trời, ngày, thì người Pháp thực dân đã dành cho bọn họ để làm các công việc như thực hiện các cuộc oanh kích, các trận càn [lính đánh bộ đổ bộ vào các khu dân cư] đêm đến, người cày ruộng ở làng tôi cầm cây cày bước đi trong đêm tối thì nghĩ ngợi, từ việc đột nhiên từ bỏ thứ nhịp điệu sinh học như phần nối dài của sự sống, chứ gì nữa, sáng ra, vác cây cày bước đi trên con đường làng, ánh mặt trời buổi sớm mai với tiếng chim hót ở trên đầu như thể thứ năng lực huyền bí của hoàn vũ neo lại niềm hứng thú vĩnh hằng: cứ thấy yêu cuộc cần lao của mình biết bao và cứ thấy như thể mình với đất trời bốn phía có mối liên quan mật thiết nào đó [khi không còn cảm thấy mối liên quan ấy là chết], từ những thứ bản sơ như thế lại chuyển sang những thứ rộng lớn hơn, cái vĩ mô, thường thì một người cày ruộng ít quan tâm đến, hoặc không phải ít quan tâm mà là mù tịt về nó, nhưng đã đến nước ấy, đêm không thể ngủ nghỉ mà phài đi cày, thì một người lạc quan đến mấy cũng phải nghĩ ngợi, có thể, trong những tháng năm gian lao ấy, có ai đó, đêm, dừng cày, ngồi nhìn bầu trời đêm, những câu hỏi dồn dập nảy ra trong đầu, những câu hỏi có tính cách vĩ mô,  những câu hỏi về chiến tranh, về  mối quan hệ giữa các nước trên thế giới, những câu hỏi về thân phận của người cày ruộng, không tự trả lời được, lại thở dài, lau nước mắt, và tiếp tục cuộc cày đêm, 

 

 

trong cuốn sổ ghi chép của tôi
[chưa hết một giấc mơ]
để bớt căng thẳng đầu óc trong một thế giới dày đặc những tai ương, đêm, tôi đã nghĩ ra được một giấc mơ, là tôi nhìn thấy thời trăm hoa đua nở đã đến, bấy giờ, trước mắt nhân loại là một hoàn vũ hoàn mỹ, lũ ve sầu đã hết nhọc nhằn trong nỗi sầu muộn thời tiết vì cảm thấy bốn chung quanh là những sắc màu của thứ sức sống mãnh liệt, hoa nở đến chỗ tăm tối nhất của thế gian, lũ chim dường như hót ít đi, chúng muốn bớt thì giờ ca ngợi tổ tiên [hót chẳng phải là cách thức ca ngợi tổ tiên của loài chim hay sao] cốt để có thời gian nhìn ngắm hoàn vũ trong vẻ tuyệt đẹp của nó, thật là ngỡ ngàng khi thấy giấc mơ mình nghĩ ra lại làm cho mình vui đến thế, tôi đi trong một thế giới tràn ngập hương hoa, không còn chút mảy may hoài nghi nào là mình đang đi trong mơ, rồi mùa thu đến, cái qui luật lá rụng hoa tàn không còn làm cho tôi thấy buồn, bất quá đấy cũng chỉ là chút khoảnh khắc không đẹp cho lắm trong chuỗi thời gian mầu nhiệm, tôi nghĩ ngợi trong tư thế của kẻ yêu đời, nhưng đấy không phải trở ngại, mà như một thứ tín hiệu kỳ dị, ở miền đất hoa thư lương đang từng chùm rũ xuống, tôi đã nhìn thấy người đàn ông mặc áo đi mưa đi giữa nắng trưa, vừa đi vừa nói như thể để thông báo cho mọi người rõ: không phải chỉ là mưa, mà giông bão lớn lắm đó, mối hoài nghi bắt đầu dấy lên trong tâm trí kẻ vừa mới tìm được một khoảnh sống mới mẻ, hay đấy lại là một giấc mơ khác của  một kẻ khác mà tôi hoàn toàn chưa biết, tôi cố gạt đi khỏi tâm trí những giả dụ không vui [giả dụ hoàn vũ đang rơi vào một chuyển động khác, giả dụ đấy là cách nói bóng gió về một biến cố lịch sử đen tối nào đó] nhưng những lời nói đầy nỗi tức giận thốt lên đâu đó trong một chiều thu lá rụng khiến tôi cảm thấy vô cùng bất an: hoa đang tàn và trận mạc chúng đã bày xong, đấy là giọng nói của một thiếu nữ trẻ trung, cái buổi chiều thu ấy cứ giống như một niềm bí mật quá lớn tự dưng cái thế giới đầy rẫy giả dối lường gạt này lại mang đến cho tôi, cuối cùng thì tôi cũng nhìn thấy được nàng, một người con gái trẻ đẹp đang trốn ở bên dưới đám hoa thư lương đang tàn, em đã nhìn thấy ông đến đất này mấy hôm nay, và biết là đã có ngưới cứu giúp, thiếu nữ vạch đám hoa tàn, nhìn tôi, nói, nỗi lo sợ như đang hiện lên trên gương mặt trong trắng ấy, nhưng là ở đó đang lo sợ điều chi, tôi hỏi, và câu chuyện đã được đem ra kể… đám người  điêu ngoa tàn nhẫn nhân lúc hoa đang tàn muốn đem nàng ra vinh danh chơi: là mỹ nhân, hoa hậu thế giới, báo chí bắt đầu hùa vào, cường điệu một vẻ đẹp bình thường nơi trần thế thành thứ sức mạnh siêu nhiên, một tờ báo lớn nhất nước viết: chính là nàng, mỹ nhân của chúng ta, cái vẻ đẹp ở đỉnh cao ấy đã làm cho hết thảy các loài hoa trên mặt đất e thẹn, chẳng phải là mùa thu các loài hoa đang tàn lụi đó sao,  bọn họ đã bày xong trận mạc để biến em thành kẻ thù địch của hết thảy các loài hoa, ông à, nàng khóc, nói, tôi đưa nàng đi trốn ở một nơi xa nhất thế gian, mùa thu, ở đó lá cũng đương rụng, đêm, tôi gác cho nàng ngủ, ngồi nhìn nàng thiếp đi trong vẻ trong trắng, tôi lại lo cho tôi, có thể rồi tôi cũng thiếp đi, và lại rơi vào một giấc mơ khủng khiếp khác,

 

20/  đây chỉ là đi lánh giặc, tản cư, hết giặc quay về, nhưng cứ thấy như thể là đang tan đàn rã nghé, thứ niềm vui giả định tám năm trước đã tiêu tan, tám năm trước khi còn là đứa trẻ lên tám thằng Cam Sành trong đội thiếu niên cứu quốc là tôi nằm dài trên gò thổ mộ của làng tập bắn súng cò ke và mường tượng cái cảnh nghìn năm có một là thằng Pháp sẽ ngã chết vì đạn cò ke, tám năm cái lứa tuổi thần tiên chúng tôi vẫn chờ thằng giặc tới, tại sao người Pháp chi đem máy bay bắn phá đồng ruộng, chợ búa , mà không cho quân đổ bộ làng tôi thì tôi không biết, tám năm chờ thằng giặc tới, và giờ đây khi nghe tin Pháp sẽ đổ bộ làng Cù, thằng Cam Sành sắp bước sang tuổi thanh niên là tôi không còn ngây ngô tin vào chuyện bắn súng cò ke mà đã có thể mường tượng ra cảnh chết chóc khi quân Pháp đổ bộ vào làng tôi, một cuộc chuyển động chưa từng xảy ra nơi bầy đàn người dưới chân núi Mun, giặc đến thật rồi, ngay cả việc lấy đêm làm ngày cũng không còn là cảnh bình yên, chuyện là làm sao để khỏi chết vì bom đạn giặc, giải pháp duy nhất là phải di chuyển cuộc sống của làng vào núi Mun, những ngày ấy làng như ngày hội, người đi đi về về, một làng tạm cư đã được dựng lên trong khu rừng già sâu trong núi Mun, lúa gạo với trâu bò gà heo đã được chuyển hết vào núi, và cuối cùng thì đến lượt người làng phải rời làng ra đi, mẹ tôi cầm tay anh Hai Lực tôi khóc, không nói được lời nào, anh Hai Lực tôi thuộc lực lượng du kích của làng, hết thảy thanh niên trong làng đều thuộc lực lượng du kích của làng phải ở lại làng để chống giặc, cha tôi gánh nồi niêu xoang chảo, mẹ tôi gánh áo quần mền chiếu, tôi gánh gạo với chén đũa, cả đoàn người làng gòm ông bà già, phụ nữ, trẻ em kéo nhau đi trong đêm, chú Bảy Ngự bấy giờ là trưởng thôn đừng bên lề đường làng nói lớn: bà con đi hết giặc thì về, có nhiều người khóc thành tiếng, đúng là hết giặc thì về, nhưng chúng tôi cứ thấy rưng rưng, như thể cái bầy đàn ông Thông Thống lập ra đã tới ngày tan rã,

 

 

21/  về sau thì cái bầy đàn người dưới chân núi Mun bao nhiêu lần ly tán [tôi gọi là sự thất thủ] còn lúc đó thì chưa, chỉ là tạm rời bỏ làng một thời gian, hết giặc thì về, nhưng không thể nói là không đau lòng [nếu không muốn nói là tang thương] khi bỗng rùng rùng gồng gánh ra khỏi mảnh đất chôn nhau cắt rốn ngày ngày vẫn đường hoàng nhìn mặt trời lên, cái thứ nắng mặt trời khi vươn lên khỏi hàng tre phía đông nhà tôi thì cứ le lói vui như thể cứ sáng ra thì lại nhìn thấy một nỗi niềm cưu mang nào đó để cho toàn bộ cuộc cần lao vẫn cứ còn nguyên người cày vẫn không hề nao núng khi cả đời vẫn cùng đôi bò cày loanh quanh trên đồng ruộng, cày ruộng là chấp nhận cái thế giới nhỏ hẹp ở đó chỉ loanh quanh với chính cuộc đời mình, toàn bộ con người và đất đai thì nằm ở bên dưới bầu trời rộng lớn nhưng thật ra đó chỉ là thứ không gian thời gian của người cày nó gói gọn trong thứ thề giới quan chỉ có mỗi phía trước, tối giản và không kém chất bi hài, là được mùa hay không được mùa, nhưng cái triết lý bi thảm ấy lại là nền tảng muôn đời của hiện hữu [nhỏ bé] ấy, và lũ chim trời, thì, có phải là chúng tuân theo thứ mệnh lệnh tối thượng của ai đó hay không, cứ sáng ra là bay lượn, nhảy nhót, ca hót, để cho cuộc cần lao không còn buồn bã, tôi luôn bất lực trong trong diễn tã mối tương quan giữa con người và mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình mối tương quan luôn có vẻ bí ẩn và như thể một thứ mật lệnh gì đó của tự nhiên, ai có thể nói được tại sao, làng tôi đó, mảnh đất cằn dưới chân núi Mun bao nhiêu đời qua vẫn cầm chân con người ở đó,

 

22/  núi Mun đâu lạ gì với người làng tôi, những người làm than củi có thể lưu lại trong rừng đôi ba ngày, và những người đốn gỗ có thể thuộc lòng từng vạt rừng, nhưng khi cả làng bỗng rùng rùng bỏ nhà cửa vào ngủ ở trong núi, dù chỉ là tạm thời, thì một nhà dân tộc học ít nhất cũng phải xếp sự cố này vào hạng mục ly tán, ở đây là con người bị tách ra khỏi mảnh đất cày cấy của mình, vào rừng để sống là xu hướng quay về thời hái lượm, chuyện là người Pháp thực dân bỗng tước mất quyền tự do sống của con người, đêm, nằm trong căn lán nhỏ giữa rừng già, trở mình một cái là nghe lá rừng lạo xạo dưới lưng, chắc mẹ tôi nằm mơ, mẹ gọi tôi mang giúp thùng cám heo ra chuồng heo cho mẹ, ta có thể định nghĩa con người trong cuộc sống là toàn bộ những gì khiến cho người ấy trở thành một tạo vật có những kỷ niệm về cái đã qua và những ước mơ về cái chưa đến, không phải con người chỉ cảm thấy đau đớn khi mất đi một phần xương thịt, mà còn phải biết xót xa khi chỉ mất đi một đêm ngủ ở quê, bấy giờ tôi đã sắp xong lớp cuối cấp tiểu học ở trường làng [sắp chuyển sang trường huyện] nhưng vẫn coi những bài học ở trường về thời tiền sử thì giống với chuyện cổ tích mẹ kể, tôi muốn nói đến cái đêm mang màu tiền sử ấy, là mãi đến khi trời sáng chúng tôi mới hay có con nai con lạc mẹ đã vào lán ngủ với chúng tôi suốt đêm, cứ như một đứa trẻ thơ ngây vậy, con nai con lạc mẹ nhìn cha tôi nhìn mẹ tôi rồi nhìn tôi với đôi mắt trìu mến, hay là các tạo vật trong trời đất vốn có mối tương thông nào đó mà tôi không biết, bấy giờ cha tôi dẫn con nai ra bờ suối Rưng và nói riêng với tôi, tôi nói là cha tôi chỉ nói riêng với tôi vì đó là nghĩ ngợi có vẻ chủ quan của ông: thời tiền sử thì con vật với con người thân thiện nhau hơn thời bây giờ con à, cứ sáng ra là cha tôi lại dẫn con nai con lạc mẹ ra bờ suối, cho ăn cỏ non, rồi dặn dò: ở đó chờ, mẹ mày sẽ đến đón mày đó, tối, cha tôi lại dẫn con nai con về lán, ăn cỏ non, và ngủ với chúng tôi, rồi mẹ con nai con đã đến đón nó thật, cha con tôi đã rình xem coi thử cái cảnh đoàn tụ của lũ nai nó là như thế nào, tôi đăm đám nhìn hai cái bóng nai trên dòng suối và cứ thấy như thể là tôi đang nghe mẹ tôi kể chuyện cổ tích  vậy,

 

 

23/   như ai đó bỗng đem đặt làng tôi vào một hiện diện khác, từ nhà tôi sang nhà bác Bốn Chỉnh không phải băng qua khu vườn cây ăn quả mà lội qua con suối Rưng [căn lán của cha mẹ tôi ở bên này suối, căn lán của bác Bốn Chỉnh ở bên kia suối] cái cấu trúc làng có từ thời ông Thông Thống đã bị phá võ, hay nói cho rõ ra, chẳng có cấu trúc nào ở đây cả, chỉ là sự vội vã dựng lên những mái che, chỗ này là tựa vào một vách núi, một lùm cây rậm, chỗ kia là nương theo bờ con suối, cái cách hiện diện ấy cứ như thể là trò đùa cợt của lịch sử, đùa cợt hay thách thức nhỉ [để coi thử cái đám người cày ruộng này trụ được ở đây bao lâu]… chúng tôi đã bị  tước mất hết vũ khí sinh tồn, cái làng quê với đủ các cách thức để tồn tại ấy đã bị đẩy ra khỏi của chúng tôi, đang mùa hạ, nắng như thiêu đốt, lũ bò cày chưa quen với cảnh núi rừng, chúng nằm dã dượi ở khắp nơi, có vẻ lũ bò cũng giống với con người, đang chán nản với cảnh ăn không ngồi rồi, anh Bốn Lưu bắt được cá măng trên suối Rưng đem biếu, mẹ tôi kho mặn, con cá mùa nắng thiếu mồi, đấy xương xóc, mẹ tôi nuốt không vô, cha tôi bảo ăn miếng của rừng rưng rưng nước mắt là vậy, của rừng ư, chú Bảy Song, thợ rừng, sang chơi, nói chuyện núi Mun, nắng ráo thì bình yên vậy, nhưng mùa mưa bão thì núi rừng hung hiểm lắm, mùa lũ năm ấy con suối Rưng này đã cuốn mất ông Năm Cần đó,  nhớ chuyện cũ, cha tôi thở dài: trời đất to lớn vậy mà con người thì nhỏ bé quá, nghe chuyện, mẹ tôi không cầm lòng được, rưng rưng nước mắt, đêm, không còn nghe được tiếng khóc trẻ thơ, bỡi ở đây có muôn nghìn âm thanh, tiếng thác đổ, tiếng gió rít qua rừng cây, tiếng lũ thú gầm mồi… cả lũ gà nuôi mang từ nhà vào đây như thể cũng đang khiếp sợ uy lực của núi rừng, sáng ra, chỉ nghe tiếng gáy của lũ gà rừng, còn lũ gà nuôi thì không,

 

 

24/cái cách đương nắng chang chang bỗng mây đen kéo tới phủ kín rừng núi Mun, đương mùa hạ mà mưa thì với những người đang lánh cư chúng tôi còn đe dọa hơn là khi nghe tin người Pháp thực dân sắp đổ bộ tới làng, bỡi ở đây không phải là ngồi ở trong nhà mà ngồi dưới mái lá, thứ mái che bằng lá rừng tạm dựng lên cốt chỉ để che nắng, nó có chịu nổi cơn mưa lớn đến nỗi bấy giờ chúng tôi cứ có cảm tưởng bầu trời bị thủng, nước đang trút xuống, chỉ còn nhìn thấy mỗi màu mưa trắng xóa phủ hết cây cối, các con thác trên suối Rưng gào lên, nước trên suối cứ nhiều thêm lên thấy rõ, gió, mưa bắt đầu tạt vào căn lán, chúng tôi phải dùng hết chiếu nằm để che mấy bao thóc và vò gạo, ở bên ngoài lán, lũ gà nhốt trong chuồng treo ở trên cây kêu la một hồi, có vẻ kiệt sức, im hết, khi mới bắt đầu đổ mưa , lũ bò chạy nhốn nháo ở bên dưới những tán lá rừng, cuối cùng, hết thảy đều đứng im ở trong mưa, chịu trận, thấy con nước suối lên nhanh quá, cả cha mẹ tôi cả tôi, không ai dám nói ra, nhưng đều lo lắng, nước suối khi tràn bờ sẽ cuốn trôi căn lán mất, tôi nghĩ ngợi quá chứng, cha tôi vẫn lặng kẽ ngồi nhìn mưa, mẹ tôi chốc chốc lại buông tiếng thở dài…trong cuộc lưu chuyển bất tường của hoàn vũ, con người trong cuộc sống cứ như những sinh vật mù lòa dọ dẫm từng bước đi của mình, những gì đã trải qua, một cơn gió chướng, hay một màu ráng chiều bất thường, với hiểu biết giới hạn của mình, con người luôn coi tất cả những hiện tượng ấy như là tín hiệu kỳ tuyệt của cõi bao la huyền nhiệm của trời đất, nếu có giải thích này nọ về chúng, trời sắp có bão lũ, hay trời sắp có thời tiết bất lợi cho cây trồng, vân vân, chẳng qua cũng chỉ là những đoán định phần sai lầm thì nhiều, nghĩ là không chắc vậy, nhưng vẫn cứ nghĩ vậy, cốt chỉ để an tâm trong cuộc hành trình của mình có thể luôn là cuộc hành trình bất định, cái bầy đàn người qui mô vậy, có vẻ bền vững vậy, nơi này là cung vua phủ chúa, nơi kia là cuộc sống giàu sang, nhưng vào một hôm, hoàn vũ bỗng thay đổi cách thể hiện của mình, bắt đầu là những tiếng nổ lớn, ví dụ thế, cứ tưởng chỉ có thế, nhưng liền đó, mặt đất cứ cong lên, về sau, loài người đã đặt tên cho cuộc thể hiện bất thường đó: chu kỳ nổ của sao, hay sự thay đổi của cách thức trôi…những thứ sản sinh những tên gọi đó trong chốc lát đã chôn vùi không biết bao nhiêu bầy đàn người, về sau tôi đọc thấy đoạn viết trên trong sách “ Suy gẫm của một người trồng lúa “ của cha tôi, hóa ra, vào cái hôm đi lánh cư ở núi Mun, trời mưa lũ, ngồi trong con lán nhỏ bên con suối nước cứ mỗi lúc một lên cao, cha tôi đã nghĩ về sự hủy diệt của nhân loại,

 

 

trong cuốn sổ ghi chép của tôi,
[một cuộc giải cấu trúc đương đại]
là tôi đang bước theo những dấu vết của cội nguồn, một cái dấu chấm nhỏ trong tâm tưởng cứ lan tỏa ra… những thành quách cao sang, và những cuộc đời biệt lệ, không phải, chỉ là cách thức tiếp cận để trường tồn, cái cách nhìn thấy, điểm nhìn, một cuộc quan lâm, như thể sự mở rộng ra vô tận của một vút sáng vô tận, cuộc tiếp sức từ vụt sáng nó là một cuộc hải hồ, nghìn nghịt những ý nghĩa thẳm sâu, niềm kiêu sa ấy là thuộc uyển thể trên cao, sáng ngời sự minh bạch, chân xác, vào những đêm không trăng sao, con ngựa nòi phương đông của tôi nằm lắng nghe tiếng động của cỏ cây, còn tôi, chính vào những lúc cảm thấy bầu trời như gần hơn lại nhìn thấy mình rõ hơn, thứ vật thể nhỏ nhoi đầy ắp tham vọng là tôi, một cuộc hành trình dài dằng dặc, có thật là tôi đang bước theo những dấu vết của cội nguồn, vào những lúc như thế dường ai đó cứ theo tra vấn tôi, và cuộc chuyển động của hoàn vũ lại mở ra những khơi gợi, bao giờ cũng là những khơi gợi mới tinh khôi, cái dấu chấm nhỏ trong tâm tưởng vẫn vụt sáng dội ngược vào cuộc hành trình những hình ảnh, nỗi niềm, bao giờ cũng là những khích lệ, sự thúc giục nương theo dấu vết cội nguồn cứ như những nguyên tắc của tồn sinh, tôi đi trong niềm êm ả của hương thơm cố quận, nhưng những gì diễn ra ở cái ngả rẽ ấy khiến tôi vô cùng bối rối, một người đàn ông tàn phế nằm ngang giữa đường mà hát…lối đi nào lại không có ngả rẽ, ai đó đến được nơi mình muốn đến thì không được giầu diếm bất cứ điều gì  nhìn thấy ở trên đường, giọng hát của người đàn ông tàn phế làm tôi thấy đau nhói trong lòng, như đang có cuộc đổ vỡ to lớn nào đó  xảy ra ở đâu đó, tự dưng con ngựa nòi phương đông của tôi quì mọp trước người đàn ông lạ, kiến thức sách vở mách bảo tôi răng khi một con vật tỏ vẻ khâm phục trước một kẻ lạ ắt phải có chuyện lạ, rồi chẳng kịp nghĩ ngợi gì, tôi cũng quì xuống…người là từ chốn trên cao phái xuống để dò xét nhân gian, tôi thưa, nói,  trên cao gì, ta vốn chỉ là những lời nói minh bạch thẳng ngay thế gian đã làm cho tàn tạ thế này đây, người đàn ông tàn phế tiếp tục hát, tôi nhắm mắt, cố tưởng tượng ý nghĩa của những lời đầy ẩn dụ kia, lúc mở mắt chỉ còn nhìn thấy một đóa hoa to lớn đang tàn rữa trên mặt đất, tôi buồn bã lên ngựa tiếp tục cuộc hành trình của mình, câu hỏi có thật là tôi đang bước theo dấu vết của cội nguồn lại dày vò tôi,

 

25/ có thể là chiếc máy bay oanh kích của người Pháp thực dân đi bắn phá đâu đó đang trên đường trở về khi ngang qua núi Mun tay giặc lái ấy bắn mấy phát xuống núi chơi, nhưng với đám dân đang chạy giặc chúng tôi nó là vô cùng khủng khiếp: người Pháp đã phát hiện ra chỗ trú ẩn của người làng chúng tôi và đang tiến hành cuộc bắn phá, cái phản ứng tất nhiên của những con vật sống là phải trốn khỏi cuộc truy đuổi của kẻ đang muốn tiêu diệt mình, ngay sau cái loạt đạn vu vơ ấy của người Pháp là cuộc tháo chạy của một bầy đang người đang tháo chạy, nhưng vừa rồi thì chỉ mới nghe tin người Pháp sẽ đổ bộ vào làng chúng tôi, nhưng lần này thì người Pháp đã chính thức bắn vào người làng chúng tôi, ngay trong cái buổi chiều sau loạt đạn vu vơ ấy, đám dân đang chạy giặc chúng tôi không nhà nào kịp gặp nhà nào, không người nào kịp nói lời nào với người nào, cái biến cố quá đỗi bất thường, chỉ trong cái buổi chiếu ấy hết thảy đám dân đang chạy giặc chúng tôi đã biến khỏi khu rừng chung quanh suối Rưng, có, bác Bốn Chỉnh ở bên kia suối Rưng có vẫy tay từ biệt chúng tôi khi cả hai nhà đều đang khăn gói lên đường, cha tôi gánh mấy ruột nghé gạo lừa mấy con bò cày đi trước dẫn đường, tôi gánh mấy bao thóc với lũ gà và mẹ tôi gánh nồi niêu lóc thóc theo sau, chỉ còn  đi  sâu vào trong núi Mun chứ còn biết đi đâu bây giờ, cũng là núi rừng ấy với tiếng chim hót tiếng suối chảy ấy nhưng chẳng giống chút nào với những lần tôi theo cha tôi vào đây nhặt trái rừng, cứ thấy buồn bã làm sao ấy, như thể chúng tôi không còn được sống bao lâu nữa, chiến tranh đã làm cho đứa trẻ vừa hoàn tất công cuộc bú mẹ đang chuyển sang tuổi thiếu niên là tôi cảm nhận về cái chết quá sớm, cả cha mẹ tôi lẫn tôi đều lầm lũi bước trên con đường rừng có quá nhiều lá mục, không ai nói với ai lời nào, chính là cái cảnh bỗng dưng mọi người như tắt mất hết ngôn ngữ đã khiến cho chàng thiếu niên đang bị tổn thương là tôi sớm có cái nhìn thế giới có vẻ u ám như thế, vào lúc mặt trời sắp lặn, chúng tôi đứng dưới bóng râm của một vách núi sầm uất cây cối và có rất nhiều hang động, chắc là nhà ta phải trú lại nơi này, cha tôi nói, chúng tôi gồng gánh và lừa bò vào cái hang núi lớn nhất, càng đi vào bên trong càng thấy mọi thứ hiện ra rõ hơn như thể là có ánh sáng từ đầu kia rọi vào, cả nhà tôi nín thở bước đi trên cái nền đá lạnh ngắt, rồi bổng thấy ánh mặt trời rọi trên đầu chúng tôi, hóa ra một cái giếng trời nằm ngay giữa hang tạo nên sự thông thương giữa bên trong hang và bên ngoài hang, trời đã giúp ta, cha tôi buột reo, cả nhà thở phào như thể vừa mới từ cõi chết bước ra, chúng tôi quyết định ở lại trong hang gần cái giếng trời ấy cho có ánh sáng mặt trời, để tránh sự phát hiện của máy bay Pháp, chúng tôi chỉ nấu nướng vào ban đêm, ban ngày mẹ tôi ở lại trong hang để coi ngó lũ bò và lũ gà, tôi và cha tôi ra ngoài cắt cỏ tranh cho bò, đi nhặt trái rừng cho lũ gà, xuống suống bắt ốc cá để làm thức ăn, lúc đầu chúng tôi trù tính lủ gà sẽ là thức ăn hằng ngày, nhưng bắt được ốc cá thành ra lũ gà vẫn còn nguyên cho đến khi quay trở về làng, cứ vậy, ngày lại qua ngày, củng không biết khi hết số gạo mang theo thì chúng tôi sống bằng cách nào, mấy bao thóc mang vào núi vẫn còn đó, nhưng chúng tôi đâu phải là gà ăn thóc để sống, các nước văn minh chế tạo được máy bay tàu thủy họ sẽ không tin khi nghe kể có một bầy đàn người ngay giữa thời đại văn minh đã sống như thế, đêm nằm trong cái hang núi lạnh ngắt nghĩ đến cảnh bầy đàn mình tan tác, chúng tôi khóc thầm, về sau, hình ảnh cuộc trốn chạy ấy thành thứ vết tích không thể nào xóa  khỏi trí nhớ tôi, cứ nghĩ chuyện một tên giặc lái bắn mấy phát đạn xuống núi chơi đám dân của một nước nhược tiểu chạy trối chết thì thấy cái thế giới này nó đểu cán biết bao,

 

 

26/ khi quay trở về làng mới thấy ra cái cảnh vườn không nhà trống nó buồn làm sao, tôi cũng không biết trên thế giới có nơi nào áp dụng chiến lược như vậy hay không, đi tản cư lúc giặc chưa đến, khi giặc đến làng thì chỉ thấy cái ngôi làng trống không: nhà cửa bỏ ngõ, vườn tược vắng tanh, không một bóng người, không một bóng gà heo, không còn bất cứ thứ tài sản gì còn ở trong làng, có nghĩa, vế mặt kinh tế, giặc không lấy gì để cướp bóc, rốt cuộc, người Pháp chẳng đổ bộ lên làng tôi, và tay giặc lái ấy cũng chỉ bắn chơi mấy loạt đạn xuống núi Mun, người làng tôi lại lục đục trở vế làng, trong lần hồi cư ấy cha tôi lãnh gánh thóc với lũ gà, tôi thì gánh nồi niêu với lừa bò, để cho mẹ tôi đi không, mẹ tôi đã yếu  hẳn đi sau những ngày trốn trong hang núi, bà mệt nhọc ngồi lên hiên hè của ngôi nhà vắng tanh, òa khóc, cha tôi  thả mấy bao thóc và lũ gà xuống sân, lặng lẽ bước thẳng vào nhà như thể để tránh cái cảnh xúc động của mẹ tôi, mấy con bò cày như cảm thấy được cái cảnh vườn nhà nó khác thế nào ấy cứ đứng yên một chỗ, vẫy đuôi, nhìn ngó bốn chung quanh, còn lũ gà thì cứ quấn quit chân tôi, không chịu tản ra vườn, tôi thì thú thật, lúc đầu cố làm ra vẻ mạnh mẽ của một chàng trai trẻ sắp bước sang tuổi bẻ gãy sừng trâu, cuối cùng nước mắt cũng ứa ra, cái cảnh từ một cuộc tan tác như thế quay về với cái cảnh vườn không nhà trống như thế nó cứ khiến cho chúng tôi ngậm ngùi trong lòng, anh Hai Lực tôi ở chỗ đơn vị du kích của làng nghe tin chúng tôi đã về , vội vã chạy trở về nhà, mẹ ơi, anh ấy ôm chầm lấy mẹ tôi, òa khóc, cái tình mẫu tử nó chẳng sờn đi chút nào, khi đã thành anh dân quân du kích  làng thì vẫn y như hồi còn bú mẹ, ấy là khi anh ấy còn sống để gặp lại mẹ, giả dụ giặc Pháp  đã đổ bộ lên làng tôi, anh Hai Lực tôi từ dưới hầm bí mật trồi lên, nhào tới đâm lũ thực dân bằng dao găm, bấy giờ ai lại không biết vũ khí đánh giặc của đám dân quân du kích làng tôi chỉ có dao găm với mã tấu, người Pháp chỉ cần nổ nửa phát súng cũng đủ làm anh tôi banh xác, hoặc, giả dụ, anh Hai Lực tôi chưa kịp trồi lên khỏi hầm bí mật đã bị pháo của giặc giết chết ngay trong hầm, lúc chiến tranh thì có đến hằng trăm giả dụ đau lòng như thế,

27/ những ngày tiếp sau đó tôi gọi là hồi hai của cuộc tan tác bầy đàn, nó là ghê gớm hơn cái hồi một chỉ là một cuộc tạm  di cư để lánh giặc, cái khúc sử dài đằng dặc cứ như cuộc xâm thực của một dòng chảy tàn bạo, không phải như cơn lũ trên sông, lũ trên sông thì còn có thể tìm cách trốn được, đằng này, cái khúc sử ấy nó là cuộc lưu chảy đậm đặc những yếu tố tàn phá mà vô hình, cái dòng chảy ấy nó là cuộc lưu ly tàn nhẫn làm xói mòn dần bản ngã bầy đàn, người làng tôi vốn hiền hòa vậy, con người trong cuộc sống như cứ lẫn lộn với đất đai, chim chóc, giờ đây, bỗng ảo ảnh đầy trời, cái khúc sử nó làm ra ảo ảnh, con người cứ lao vào những cuộc đuổi bắt, mong mỏi, và đuổi bắt, không biết có đạt được hay không, cũng không biết chốn đó là lý tưởng chưa, nhưng vẫn cứ đuổi theo nó, giờ đây, cuộc sống không còn đơn thuần là cuộc sống của một bầy đàn lấy đất đai làm nền tảng cho mọi suy nghĩ, cuộc kháng chiến chống người Pháp thực dân của đất nước tôi đang thắng lớn như vậy thì bỗng có cái hiệp định đình chiến như vậy, hiệp định Gionevo, cho đến khi viết sách này, thú thật tôi vẫn chưa rõ hết, có thể nói là chưa hiểu hết chỗ thâm sâu của lịch sử, nó là do các phe phái của đất nước tôi, hay là do áp lực của các nước lớn trên thế giới, hội nghi Gionevo để có hiệp định Gionevo có đến mấy nước trên thế giới tham gia kia mà, đất nước tôi bị chia hai như hiệp định ấy qui định, đây là cái hồi hai của cuộc tan tác bầy đàn: những dòng người từ nửa đất nước phía nam đổ ra nửa đất nước phía bắc, và ngược lại, ở làng tôi diễn ra cảnh vợ xa chồng, cha xa con, hai mươi mốt năm sau có những kẻ không còn sống để gặp lai nhau,

 

28/ tôi lại nhớ lại thời mới lập đất lập làng, ông Thông Thống, ông tổ của người làng tôi đã làm ra cái cối xay lúa trước khi nghĩ ra được cách trồng lúa , sao lại làm cái cối xay lúa trước khi trồng lúa nhỉ, hay đấy là tín hiệu về những bất trắc, đắng cay đám hậu duệ về sau của ông phải gánh chịu,

 

 

Bên bờ vịnh Cri Bonei [Bi Lị Thi Nại]
tháng 1.2022
tháng 5.2022