vua Rang

 

Ở Lâm Thượng quê tôi ai cũng biết câu chuyện kể sau đây :

          ” Thuở ấy toàn là rừng . Rừng chạy từ núi Nung đến đất Lũng đất Cộ . Ông Rang có sức trói được cọp , đuổi được voi , phá hết rừng trồng lúa Lóc . Vụ mùa đầu lúa chết ráo. Ông Rang nghĩ m•i mới hiểu ra . Bèn xẻ mương Liên Trì , dẫn nước suối trên núi Nung về ruộng . Được mùa, lúa Lóc  đổ ngập đồng Lũng đồng Cộ . Từ đó dân quanh vùng gọi ông Rang là Vua Rang . Người đầu tiên đến xin Vua Rang làm tá điền là ông Một. Kế đến là ông Hai, ông Ba . Và sau rốt là ông Mười Ba . Con gái ông Một là cô Lệ phải lòng Vua Rang . Chẳng bao lâu hai người thành chồng vợ .  Sắp đến mùa gặt lúa Lóc . Ông Mười Ba rỉ tai ông Mười Hai . Ông Mười Hai rỉ tai ông Mười Một … Cuối cùng họ kéo hết đến nhà  Vua Rang :

          – Bọn tôi đổ mồ hôi nước mắt mới làm nên hạt lúa . Mùa này, ngưòi cày lĩnh chín phần , chứ không phải năm phần như trước .

          Vua Rang đáp :

          – Các ông đã muốn thế , tôi xin chịu  .

          Đến ngày gặt lúa, mười ba ông lại rỉ tai nhau . Rồi kéo hết đến nhà Vua Rang :

          – Đất Lâm Thượng là đất của trời. Ai cày được thì ăn. Ai không cày thì khỏi . Ông Rang ngẫm nghĩ rồi đáp :

          – Các ông đã muốn thế, tôi đành chịu .

          Lúa Lóc đổ ngập lẫm ngập bồ nhà ông Một, ông Hai … Còn cô Lệ thì sinh con trai . Đứa con đầu lòng của Vua Rang .

          Mười ba ông lại bàn nhau :

          – Thằng con nó lớn sẽ trả thù cha. Bọn ta phải ra tay trước .

          Rồi kéo hết đến nhà Vua Rang :

          – Đất đai là của trời . Ông lấy đất của trời làm của riêng bao nhiêu năm . Tội ấy phải chết cả họ .

          Cô Lệ khóc xin tha cho con . Nhưng từ ông Một đến ông Mười Ba đều nói :

          – Nàng là họ khác, chẳng can chi. Nhưng con nàng thuộc dòng máu tội lỗi , không thể lưu tại đất này .

          Ông Rang chợt ngửa mặt cười to, làm rung rinh ngôi nhà gỗ :

          – Ngày trước ta nhổ được cây Trắc cây Lim trên núi Nung về làm chỗ ở. Tháo được suối trên núi Nung về tưới đất Lũng đất Cộ . Nhưng giờ ý các người là thế . Ôi …

          Mười ba ông đem chôn sống cha con Vua Rang ở chân núi Nung . Đè lên mộ là hai hòn đá núi to bằng hai bồ đựng lúa . Lúc ấy thì cô Lệ đã có mang với chồng được một đêm , tức vào đêm cuối đời của Vua Rang .

          Ông Mười Ba trẻ nhất làng phải đăng lính . Cái bào thai trong bụng cô Lệ mỗi ngày mỗi lớn . Còn cô Lệ thì mỗi ngày mỗi đẹp ra . Từ ông Hai đến ông Mười Hai đều rỉ tai ông Một , rằng cái bào thai trong bụng cô Lệ là của mình . Con gái ông Một cứ im như thóc . Quan trên của ông Mười Ba bị ngã ngựa . Quan chẳng việc chi, nhưng con ngựa quí của quan bị dập dái . Thấy quan buồn rầu , ông Mười Ba xin lãnh việc chạy chữa cho ngựa . Mỗi ngày liếm mủ dái ngựa chín mười lượt , nên chỉ sau năm hôm ông Mười Ba đã chữa lành ngựa quan  . Lại đến mùa gặt lúa Lóc . Cô Lệ lại sinh con trai . Ông Mười Ba trở về với ngựa xe võng lọng . Từ ông Một đến ông Mười Hai  đều phải ra tận đầu làng cúi lạy quan trẻ .

          – Trời cho ta tước lộc . Tức cho tất cả .

Ông Mười Ba phán . Có nghĩa là từ mùa lúa Lóc đó , từ ông Một đến ông Mười Hai đều phải trở thành tá điền của ông Mười Ba . Và vợ Vua Rang ngày trước nay phải là vợ quan trẻ . Cô Lệ sớm hiểu ra điều này , nên đã nói thật với  cha về đứa con mình , rồi trốn khỏi làng, đi biệt dạng . Đến mùa lúa sau , người ta thấy một cây đa tươi tốt mọc lên giữa hai hòn đá núi trên mộ Vua Rang .

Theo truyền thuyết , cô Lệ đã uống rễ bì rồi đến nằm trên mộ chồng mà chết . Rễ bì là rễ đắng , nhưng gặp thịt xương cô Lệ hoá ngọt, mọc thành cây đa . Đến mùa gặt lúa ở quê tôi , có loài chim về trú trên núi Nung , kêu nghe rất hay . Người ta dịch tiếng chim ra tiếng người là ” Thương con xót ruột ” . Nhưng ông Dỗi bảo loài chim ấy là vong hồn Vua Rang hiện về dạy bảo đám con cháu : ” Trăm trâu khó cột ” . Đấy là cách giảng giải tiếng chim của ông Dỗi . Cũng theo truyền thuyết , lúc đầu ở Lâm Thượng chỉ có mỗi họ của ông Rang . Sau đó mới lần lượt thêm mười ba họ nữa . Ông Dỗi giỏi cả Hán lẫn Nôm , tra được gia phả, nên mới chắc mình là họ Phạm , tức cháu mấy chục đời Vua Rang . Còn tôi là họ Nguyễn , họ nhà tôi không có gia phả , nên chẳng biết mình cháu con ai trong số từ ông Một đến ông Mười Ba. Mấy chục đời nay ở Lâm Thượng , bà con sống với nhau rất hoà thuận . Đám con trai con gái họ Phạm về làm rể làm dâu các họ khác , và ngược lại . Từ trẻ tới già, hầu hết thuộc chuyện Vua Rang . Lúc rỗi, ngồi kể chuyện Vua Rang như kể Tấm Cám hay kể Thạch Sanh . Nhưng đến mùa lúa Lóc ấy thì xảy ra sự việc thế này :  Chặp gà gáy , lũ chim trăm trâu khó cột vẫn bay đậu ngọn đa chỗ mả Vua Rang mà kêu . Có một đêm tôi khó ngủ, trằn trọc mãi cho đến lúc nghe chim trăm trâu khó cột kêu. Nghe tiếng chim , tôi cứ nhái thầm trong trí là ” Trăm trâu khó cột ” . Rồi bất chợt cảm thấy rợn người , vì dường chúng đang gọi đích tên mình : Cháu con ông Một ! Cháu con ông Một !

Mới mờ sáng tôi đã có mặt ở nhà ông Dỗi . Thấy tôi đột ngột đến sớm, ông hỏi liền :

– Chắc có điều chi ?

Tôi cố giữ giọng :

– Dạ, sáng nay bác có nghe chim trăm trâu khó cột kêu không ?

– Có . Chỉ thế thôi sao ?

– Mùa này, chim kêu hơi khác . Nên mới đến hỏi thử bác .

Ông Dỗi trừng tôi :

– Đã mấy chục đời nay , khác gì ? Đừng nghĩ quấy .

Tôi không còn giữ được :

– Nhưng theo bác , thì vong hồn Vua Rang có còn oán hờn đám con cháu ông Một không ?

Ông Dỗi cau mày :

– Việc đó chẳng can hệ đến bọn hậu sinh ta . Chỉ lo mỗi điều là căn bệnh tà huyết ngày ấy có còn lưu lại trên đất này không ?

Hôm đó ông Dỗi có vẻ yếu lắm, tôi chẳng dám nán lại lâu . Định bữa khác sẽ đến hỏi ông cho rõ về căn bệnh nói trên . Song, tôi chưa kịp thực hiện ý định thì ông đã mất . Năm đó ông Dỗi chẵn chín mươi .

Hơn hai chục năm qua , căn bệnh ông Dỗi nói vẫn ám ảnh tôi . Có nhiều nhà nghiên cứu đến Lâm Thượng . Người mang giống lúa Nhật ngắn ngày đến thay giống lúa Lóc mỗi năm chỉ thu một vụ . Người đem cây mía Đài Loan trồng thử trên đất Lũng đất Cộ . Nói chung, có nhiều nghiên cứu về mặt nông học .Nhưng chưa ai tìm hiểu những gì đã nằm yên dưới lòng đất Lâm Thượng . Ở đó có hài cốt lũ voi lũ cọp , hài cốt của Vua Rang cô Lệ , của những ông Một ông Hai . Điều tôi mong mỏi biết là căn bệnh ông Dỗi nói đã chôn vùi theo mớ xương tàn kia hay vẫn còn lưu lại trên mặt đất này.

 

tháng  8.1993.
tháng 3.2018