nhạc cuốc

 

Phải nói quê tôi là xứ sở của loài cuốc . Yếu tố thiên nhiên nào thu hút được thứ chim ấy , xin nhường các nhà sinh vật tìm hiểu . Chỉ biết mảng rừng trải từ núi Nung đến bờ sông Cát  trước làng tôi là nơi có nhiều muông thú . Chồn , cheo, rắn, thỏ . Và đủ các loại chim , trong đó chim cuốc nhiều hơn cả. Là anh giáo làng chuyên gõ đầu trẻ , tôi có nhiều thời gian rỗi . Mang chú cuốc mồi vào khu rừng bên kia sông vài giờ đồng hồ , thế nào cũng bẫy được chú cuốc rừng về làm bữa . Ban đầu nhử cuốc đối với tôi chỉ là thú tiêu khiển. Dần dà qua tính toán lại trở thành chuyện sinh kế làm ăn . Một chục cuốc bây giờ mang ra chợ bán khoảng năm trăm đồng . Mà một chỉ vàng giá hai chục ngàn . Tính ra, chỉ cần bốn chục con cuốc là mua được được chỉ vàng . Cuốc rừng núi Nung nhiều vô kể . Việc còn lại là làm sao nhử bắt được chúng với số lượng lớn . Sau thời gian dò hỏi , tôi biết được ở vùng núi Ngang có ông thầy thổi cuốc . Từ núi Nung đến núi Ngang khoảng hai chục cây số đường chim bay . Tôi quyết lên đường tầm sư học đạo  :

            – Các con tạm nghỉ vài mươi hôm. Thầy có việc phải đi .

            Tôi nói với bọn học trò của mình . Bọn chúng hầu hết con nhà cày cuốc chất phác , thấy tôi đột ngột nghỉ dạy thế thì rất lo lắng :

            – Có việc chi không thầy ? Mà thầy đi xa không ?

            Tôi đáp :

            – Thầy đi học thêm . Đến tận núi Ngang lận !

            Cả bọn đều tỏ vẻ ngạc nhiên :

            – Thầy đã làm thầy dạy lũ con , sao còn đi học ?

            – Đúng là thầy đang dạy chữ cho lũ con . Nhưng còn phải học nhiều thứ lắm . Mai mốt thầy đi về , các con sẽ rõ .

            Vợ chồng tôi sống với nhau đến bốn mươi tuổỉ vẫn không con, nên rất quí bọn trò nhỏ ấy . Tôi yên tâm ra đi vì có chúng lui tới với bà vợ ở nhà . Đường đi núi Ngang là đường rừng . Tôi phải đi bộ . Hành lý mang theo gồm bộ áo quần , năm mươi chén gạo , và chiếc nhẫn cưới . Gạo để ăn lúc theo học, vì được biết ông thầy cuốc rất nghèo . Chiếc nhẫn cưới tôi mang theo là để công đức thầy khi học xong . Ở núi Ngang người ta gọi ông thầy dạy tôi thổi cuốc là ông Sáu Cuốc . Ông Sáu thiếu hai tuổi thì tròn chín mươi , nhưng sức khoẻ còn rất vững . Tai không điếc, mắt không lờ , đi lại chẳng cần gậy . Biết tôi ở tận núi Nung lên , ông nói liền  :

            – Ông tôi sinh mỗi cha tôi. Cha tôi sinh mỗi tôi . Nghề thổi cuốc ông tôi chỉ truyền cho cha tôi. Cha tôi chỉ truyền cho tôi . Giờ tôi không con ,rất muốn chỉ vẽ cho ai đó , kẻo thất truyền . Ngặt nỗi, từ ngày có ý định này , thì chưa người nào học được . Chú tận dưới đó lên , chỉ sợ không được gì, lại thất công.

            Tôi cũng thưa liền :

            – Ở dưới núi Nung, con được nghe tiếng thầy. Giờ quyết tâm xin lên đây học hỏi . Mong thầy chỉ giáo .

            Ban ngày tôi giúp ông Sáu chẻ nan , vót nan, đang thúng rổ . Ông đan, bà vợ ông mang ra các chợ quê vùng núi Ngang bán . Đêm đến yên tĩnh , tôi mới bắt tay vào việc học thổi cuốc . Nhạc cụ là cái sáo lá . Nói là sáo, thật ra chỉ dùng hai tay cầm hai đầu một chiếc lá tươi gập lại , rồi đặt lên môi mà thổi. Đêm đầu tiên, lúc bà Sáu đã đi nằm , làng xóm đã yên nghỉ , thầy trò tôi trải chiếu ra sân , ngồi hướng mặt về phía núi Ngang . Thổi xong khúc dạo đầu , ông dừng lại hỏi :

            – Chú thấy thế nào ?

            Tôi còn đang bàng hoàng vì thứ âm thanh lơi lả , hốt nhiên mời gọi ấy , nên chỉ ấp úng :

            – Dạ… thưa lạ lắm .

            Tiếp theo là khúc kích tâm . Âm thanh khoắc khoải , cứ nghe nhoi nhói trong lòng . Và cuối cùng là khúc nhập huyết . Âm thanh cuồn cuộn như nước cuốn, mây trôi . Người tôi cứ thấy đê mê , ngơ ngẩn . Đêm thứ hai là đêm tôi bắt đầu học việc . Lúc đầu tôi thổi chẳng thành tiếng . Hai mép lá cứ chạm nhau lè rè . Ông Sáu ngồi im , chẳng nói chẳng rằng . Đến quá nửa đêm , thứ âm thanh kỳ lạ ấy bật thốt  trên môi tôi . Tôi cảm thấy vô cùng vui sướng , như trong đời chưa  biết vui sướng là gì . Thu hết tâm sức, tôi thổi một hơi dài . Lúc bật to như tiếng bò rống . Lúc thét lên như tiếng mang kêu . Thích quá, tôi rán thổi thật mau . Âm này chưa dứt, đã tiếp âm kia. Nhưng vì quá mệt, tôi phải thổi chậm lại . Cuối cùng chiếc sáo lá chỉ phát ra âm thanh như tiếng thì thầm . Nghe xong, ông Sáu bảo :

            – Cái được là chú biết thổi cho kêu. Có người đến đây học hai ba tháng thổi vẫn chưa kêu . Chú chỉ mới thổi kêu thôi , chứ chưa phải nhạc. Nó là thế này : Lớn quá gây chối tai . Nhỏ quá lại không nghe . Nhanh quá thì vui mắt. Mà chậm quá thì buồn . Không lớn, không nhỏ, không mau, không chậm . Mà phải vang xa, ngân sâu . Nhạc cuốc là do cái tâm và tai ta mà ra . Cái tâm giúp ta làm nên hơi nhạc . Cái tai giúp ta chỉnh đốn lại hơi nhạc ấy .

            Qua đêm thứ mười , tôi đang say mê thổi, ông Sáu bảo dừng :

            – Được rồi. Ông nói . Mười năm nay, chú là người duy nhất lấy được cái nghề của ông cha tôi. Tổ đã dãi chú. Thế nào chú cũng ăn nên làm ra.

            Tôi xúc động quá, rút chiếc nhẫn cưới từ ngón tay mình , đặt vào bàn tay sần sùi của ông Sáu :

            – Thầy đã giúp con nên nghề nghiệp . Ơn ấy không gì sánh nổi . Đây chỉ là chút lễ mọn kính thầy .

            Ông Sáu đẩy tay tôi ra :

            – Ban ngày chú giúp tôi . Đêm, tôi giúp lại chú . Nói chuyện ơn nghĩa làm gì .

            Biết tính ông Sáu cương nghị , tôi chẳng dám nài . Hôm trở về quê , tôi đã lén đặt chiếc nhẫn dưới lư hương gỗ trên bàn thờ nhà ông . Về đến núi Nung tôi nhờ người mang thư lên xin lỗi ông về việc làm ấy .

            Ban ngày học chữ , đêm đến bọn học trò của tôi lại trở thành đám tuỳ tùng của ông thầy cuốc. Tôi ngậm sáo lá. Bọn chúng cầm gậy dài có gắn mũi nhọn , đứng hờ lưới . Chúng cứ gọi tôi là ông thầy tiên . Vì tiếng sáo của tôi quyến rũ cả cuốc, cả chồn, cheo, rùa , rắn. Bọn học trò chỉ việc đứng chờ lũ thú kéo đến mắc lưới mà đâm . Chỉ năm đêm thôi , số cuốc tôi bắt được đủ mua lại chiếc nhẫn cưới . Bà vợ tôi như trẻ ra mấy tuổi . Nhưng qua đêm thứ sáu và thứ bảy , thầy trò tôi từ núi Nung trở về không . Bọn học trò đứa nào cũng ngơ ngác . Bà vợ tôi nói :

            – Hay là tổ chỉ đãi vợ chồng ta chừng ấy .

            Tôi im lặng.

            Lại từ biệt bọn học trò, lên đường đi núi Ngang. Phải gặp ông Sáu mới rõ thực hư . Chiếc nhẫn tôi gửi lại ngày ấy, ông đã đem đổi lấy bộ thờ bằng đồng . Gặp lại tôi, ông mừng bảo :

            – Bữa ấy chú làm tôi kẹt quá . Trả lại chú, chẳng ai mang đi  . Còn tiêu, không phải lẽ . Nó là cái lộc ông bà. Thôi thì làm vậy .

            Tôi nói :

            – Trở lên đây, trước để thăm thầy , sau nhờ thầy xem lại tiếng sáo của con.

            – Được thôi. Chú cứ vợt lại tôi coi .

            Nghe xong hết ba khúc , ông Sáu vỗ đùi :

            – Tuyệt . Tài nghệ chú giờ lấn cả tôi . Chú đang ăn nên làm ra đấy.

            Tôi thả chiếc sáo lá xuống đất :

            – Nhưng giờ thì ngược lại , thưa thầy .

            – Chú nói sao ? Ông Sáu buột kêu, vẻ mặt lộ vẻ ngạc nhiên .

            Tôi nói :

            – Thưa thật với thầy , năm đêm đầu vào rừng, con đã kiếm được số cuốc đủ mua lại cái khâu vàng kính thầy ngày ấy . Nhưng sang đêm thứ bảy , chẳng có mống nào đến với mình . Sợ quá ,con phải lên đây nhờ thầy chỉ giáo.

            – A, tôi hiểu… ông Sáu bỗng buông tiếng thở dài . Ngày chú về quê , tôi quên dặn. Loài cuốc thương nhau lắm . Đã mắc lưới thì phải đâm cho chết . Nếu không chúng sống sót trở về báo lại với đồng loại tiếng sáo của ta chỉ dẫn chúng đến chỗ chết . Thôi được … Ông Sáu nghĩ ngợi gì đó , rồi tiếp . Chỗ quê chú , thế là làm ăn hết được . Phải đến nơi khác thôi . Đến nơi nào lũ cuốc chưa biết gì về tiếng sáo của ta .

            Từ núi Ngang về núi Nung hơn buổi đường . Nhưng hôm đó tôi đi mất cả ngày, vì bỗng dưng cứ thấy chân tay rời rã . Về đến nơi , mặt trời đã lặn . Bọn học trò đủ cả ở nhà .

            – Ông thầy Sáu nói sao hở thầy ? Bọn chúng nhao hỏi .

            Tôi bảo :

            – Thầy đi đường mệt . Giờ các con về , mai đến học, thầy nói cho nghe .

            Thật ra tôi đâu mệt vì đi đường . Song thấy tôi cứ im lặng, bà vợ tôi cũng chỉ lo bày cơm tôi ăn, chẳng dám hỏi han . Nửa khuya hôm ấy , lũ cuốc chợt kêu như ong ở bên kia sông Cát. Hoảng quá , tôi bật dậy , mở cửa chạy ra sân . Chẳng phải một hai con khoắc khoải gọi đôi như mọi bữa. Mà đến hàng trăm con đang kêu gào thảm thiết. Dường khắp mảng rừng bên kia sông, chỗ nào cũng có tiếng cuốc. Phải chia xẻ với chúng thôi . Vừa nghĩ, tôi vừa lao ra bờ rào sân, bứt lấy chiếc lá đặt lên môi . Chẳng phải khúc nhập huyết. Cũng chẳng phải khúc kích tâm .Tôi thổi như điên. Thổi để vơi bớt nỗi đau của mình và nỗi đau của loài chim do mình gieo rắc. Đêm tháng sáu yên tĩnh vô cùng. Tiếng cuốc gào làm át mất tiếng sáo của tôi . Nhưng tôi cứ thổi . Ngoài mấy trăm con cuốc bị giết trong mấy  đêm liền , phải đến hàng trăm con bị thương, bị lẻ đôi, mất bạn . Tại sao ta đang sống yên lành với đám học trò , bỗng dây vào máu ? Tôi lại nghĩ . Và càng cố sức thổi to hơn . Dường hơi thở trong tôi bây giờ dồn hết vào chiếc sáo lá . Mãi lúc con gà cồ nhà tôi cất tiếng gáy đầu , tôi mới hay mình đang nằm sóng soài nơi bìa sân . Chiếc sáo lá đã bị vò nát trong tay tự lúc nào . Vừa mệt vừa khát, tôi thè lưỡi liếm lấy môi . Và nghe có mùi gì mằn mặn ở đấy như mùi máu .

 

1989 – 1993