Lưu Khốc

Họ Lưu ở Lâm Thượng nổi tiếng về nghề thuốc. Truyền đến Lưu Hạ là được mười bảy đời. Vợ chồng Lưu Hạ hiếm con, ngoài năm mươi tuổi mới sinh được Lưu Khốc.

Thầy Lưu mừng, bảo vợ: 

– Vậy là nghề thuốc của dòng họ nhà ta khỏi bị thất truyền.

Mới lên sáu, Lưu Khốc đã cầm đầu đám trẻ trong làng. Có lần thấy Khốc đội mũ lá mít ngồi trên ghế xưng “trẫm,” hết thảy lũ trẻ đều quỳ, bà Lưu vội về nhà thuật lại cho thầy Lưu nghe, rồi nói:

– Thằng Khốc lớn lên chắc làm nên việc lớn.

Thầy Lưu chỉ im.

Biết chẳng sinh nở được nữa nên vợ chồng Lưu Hạ rất quý con. Hầu như ngày nào thầy Lưu cũng bổ một thang dưỡng nhi cho Khốc.

Đêm ấy, bà Lưu bưng thuốc đến cho con, bị vấp chân, thuốc đổ. Lưu Khốc thét:

– Trẫm phải xử trảm ngươi thôi.

Thầy Lưu tái mặt, gọi vợ vào buồng riêng, bảo:

– Sinh được con thì mừng. Song ta chẳng biết là phúc hay hoạ đây.

Bà Lưu lườm chồng:

– Trẻ nít như thế, lớn lên mới khỏi thua sút thiên hạ. Thầy Lưu chẳng cãi lại vợ. Từ bữa đó ông không còn nuông chiều con như trước. Lưu Khốc vừa lên chín, Lưu Hạ gửi sang thầy Phan Sinh học chữ. Bà Lưu lấy làm lạ, hỏi:

– Sao nhà ông không dạy con học thuốc, mà cho đi học chữ.

Thầy Lưu đáp:

– Chuyện thằng Khốc để ta lo. Nhà bà khỏi nhọc lòng với nó nữa.

Phan Sinh goá vợ, không con, nên đem cháu gái mồ côi là Tiêu Ly về nuôi ăn học. Kể từ ngày ngồi dạy học ở Lâm Thượng, học trò của Phan đến mấy trăm, có người làm đến quan triều. Lưu Khốc đến bữa trước, bữa sau thưa:

– Xin thầy cho con học cùng lớp với thằng lớn nhất.

Phan cười, đáp:

– Được.

Khốc học một biết mười. Phan lấy làm hài lòng về con trai người bạn cũ. Nhà thầy Phan Sinh không người nội trợ, đến bữa Tiêu Ly phải nghỉ học, vào bếp nấu nướng. Một hôm Lưu Khốc hỏi thầy:

– Có phải trời sinh con gái đàn bà để đẻ con với nấu cơm rửa chén không?

Phan giật mình, đáp:

– Không phải vậy đâu.

Từ hôm ấy, đến bữa, học trò của Phan phải vào bếp nấu nướng. Đến bữa, thì Khốc lại nhắc Ly:

– Lũ tao là con trai đàn ông, chỉ nấu cơm. Mày là con gái đàn bà, nênphải rửa chén.

Ly không ưa Khốc. Song những tháng ngày cùng học với Khốc, điều nào thầy dạy chưa hiểu Ly lại nhờ người bạn ngang ngạnh ấy giảng cho. Sau chín năm chung đèn sách, Ly đem lòng yêu Khốc. Triều đình lại mở khoa thi kén chọn quan huyện quan trấn. Lưu Hạ đến gặp Phan Sinh nói:

– Có ông dạy bảo, thằng Khốc nhà ta mới thông hiểu chữ nghĩa thánh hiền. Công ơn ấy sánh bằng trời biển.

Phan cầm tay Lưu bảo:

– Ta coi con ông như con ta, nên đã đem hết lòng truyền dạy. Lưu Khốc là đứa học trò trí tuệ khác thường. Khoa này tất phải đỗ cao.

Lưu Khốc vào tạ từ thầy trở về nhà lo việc ứng thí. Tiêu Ly bịn rịn, nói:

– Có đỗ đạt làm quan, thì xin chớ quên kẻ chung đèn sách trong bấynhiêu năm.

Lưu Khốc không cầm được xúc động, đáp:

– Nghĩa kim bằng đã là nghĩa trọng. Huống hồ em đã để tình riêngcho ta.

Thấy bà Lưu lục đục sắm sửa hành trang cho Khốc, thầy Lưu bảo:

– Nhà bà dẹp cả đi.

Bà Lưu lấy làm ngạc nhiên, nói:

– Hôm nay thằng Lưu Khốc lên đường về kinh kia mà.

– Thôi. Đã bảo dẹp là dẹp.

Thầy Lưu gắt vợ. Rồi gọi Khốc đến bảo:

– Từ hôm nay con bắt đầu học thuốc với ta.

Tưởng cha quên ngày vua mở khoa thi, Khốc thưa:

– Từ đây về kinh mất mươi hôm. Bữa nay con phải lên đường mới kịp ứng thí.

Thầy Lưu nói:

– Khoa trường là việc của người khác. Việc của con là phải kế nghiệp nghề thuốc của cha ông.

Khốc đứng chết lặng hồi lâu, rồi hỏi:

– Phải mất chín năm đèn sách để giờ quay về làm thầy thuốc sao?

Thầy Lưu đáp:

– Phải rành nhân nghĩa mới làm được lương y. Dòng họ nhà này chỉ làm mỗi việc chữa bệnh cứu người.

Nửa đêm hôm ấy Lưu Khốc đóng chặt cửa phòng, đốt hết sách vở. Thấy lửa cháy, bà Lưu hoảng hốt gọi con:

– Lưu Khốc, hãy thức dậy mau.

Khi bước vào phòng thấy sách vở sắp biến hết thành tro, bà Lưu càng kinh hãi hơn.

– Mày đốt?

– Thưa phải, làm anh thầy lang thì cần chi chữ nghĩa.

Lưu Hạ bắt ghế ngồi trước bàn thờ tổ tiên. Lưu Khốc quỳ ở đất. Bà Lưu nấp nơi hậu đường, thấp thỏm lắng nghe. Thầy Lưu hỏi:

– Chín năm đèn sách, có sách nào dạy con đi học để làm quan không?

Khốc đáp:

– Thưa không.

– Có sách nào dạy con hiếu đễ với cha mẹ, yêu thương đồng loại không?

– Thưa, hầu như sách nào cũng bàn về những điều ấy.

Thầy Lưu cầm roi lên, nói:

– Đốt sách là đại bất kính đối với tiền nhân. Cãi lời mẹ cha là đại bất hiếu. Ta đánh con một trăm roi về hai tội đó.

Thầy Lưu đánh Khốc, nhưng bà Lưu khóc. Còn Lưu Khốc thì chỉ rên. Từ bữa đó, Lưu Hạ dẫn con trai vào núi Nung núi Thới tập hái thuốc, đến các con bệnh trong làng tập chẩn mạch.

Một hôm Lưu Khốc trốn cha, trở lại nhà thầy học cũ. Phan kinh ngạc, hỏi:

– Sao con còn ở đây?

Khốc đáp:

– Họ Lưu bị vua cấm đến khoa trường.

Phan nghĩ ngợi giây lâu, hiểu ra, liền quở trách Khốc:

– Nghề thuốc của họ Lưu cả nước biết tiếng. Ông cố con có lần được vua triệu vào triều chữa bệnh cho hoàng hậu. Sợ nghề thuốc của dòng họ bị thất truyền, nên cha con không muốn cho con xuất chính. Làm trái ý cha con là có tội với tổ tiên đấy.

– Nhưng làm anh thầy lang thì danh giá gì phải bo bo giữ lấy.

Phan không kiềm được tức giận:

– Thôi, về đi. Ta không muốn nghe con nói nữa.

Tiêu Ly tiễn Khốc đến bến sông Triền. Bấy giờ là đầu thu. Hoa mia nở trắng hai bên bờ. Khốc cầm tay Ly, nói:

– Sức học của ta làm được chim hồng chim hộc. Nay cha ta lại muốn đem chim trời nhốt vào lồng nhỏ, làm sao ta chịu được.

Ly nói:

– Số trời định thế để em luôn được gần bên anh đó thôi.

– Không. Người em trao thân gửi phận phải là kẻ cao sang.

Học trò của Phan có người thi đỗ, được bổ làm quan huyện sở tại. Lưu Khốc nói với mẹ:

– Con chẳng còn mặt mũi để sống ở làng này.

Bà Lưu rất hãi:

– Đừng nghĩ bậy, con. Làm thầy thuốc giỏi cũng thành danh thôi.

– Thành hạng cùng đinh thì có.

Khốc đáp. Rồi lẳng lặng bỏ đi. Nhân lúc nhà Phan Sinh có đứa học trò vừa được bổ quan đến tạ ơn thầy, khách khứa rất đông, Lưu Khốc lén đưa Ly vào núi Nung.

– Ta sắp đi xa. Em ở lại, rán chờ.

Ly thất sắc:

– Anh đi đâu? Mà sao lại đi?

Khốc đáp:

– Cha ta là ông vua trong nhà. Vua bảo bề tôi là con phải chết, con không chết là đại bất hiếu. Ta sợ vua trị tội nên phải ra đi.

– Đừng anh. Em là đứa con gái côi cút, mai kia thầy em mất, chỉ còn nương tựa vào anh.

Nước mắt của Tiêu Ly có làm chùn bước Khốc. Nhưng ý định rời bỏ người cha làm nghề thuốc thì Khốc không từ. Bà thái hậu lâm trọng bệnh, quan thái y chữa không khỏi, vua xuống chiếu gọi hết thầy thuốc về triều. Lưu Hạ dặn con:

– Sự sống là vốn quý trời ban. Khi có kẻ ốm đau, con phải hết lòng cứu chữa. Ta đi lần này chắc phải lâu mới về.

Lưu Khốc gắng tỏ ra vui vẻ đáp:

– Thưa, con sẽ làm theo lời dạy bảo của cha.

Gặp Tiêu Ly đến ba lượt để từ biệt ra đi, nhưng Lưu Khốc vẫn chưa đi, vì chẳng biết phải đi đâu. Lưu Hạ đã trở về. Bà Lưu vừa mừng vừa lo.

– Nhà ông có chữa được bệnh cho bà thái hậu không?

Thầy Lưu đáp:

– Đến cả nghìn thầy thuốc được gọi về triều. Nhưng hết thảy đều bó tay.

– Cả nhà ông cũng thế?

– Không. Sau khi chạy chữa cho thái hậu khỏi bệnh, vua xuống chiếu bắt ta phải ở lại triều nhậm tước thái y. Ta khóc đến khô nước mắt, vua mới tha.

Bà Lưu sững sờ nhìn chồng:

– Nhà ông lẫn mất rồi. Có kẻ điên mới không muốn cho vợ con vinh hiển.

– Chưa bao giờ có thứ máu quan lẫn vào máu huyết của dòng họ nhà này, nhà bà rõ không?

Thầy Lưu gắt vợ, rồi gọi Khốc hỏi cặn kẽ việc ốm đau của dân làng suốt mấy tháng ông đi xa.

Thấy Lưu Khốc đột nhiên vùi đầu vào việc đọc sách thuốc, thầy Lưu mừng, bảo vợ:

– Con ta nó đã nhận ra tổ tiên rồi đấy.

Chỉ hơn tháng, Khốc đã rành hết các loại lá thuốc ở núi Nung núi Thới. Thầy Lưu yên lòng để con trai đi chẩn mạch cho các con bệnh trong làng.

Lưu Khốc đến gặp Tiêu Ly, bảo:

– Ta chẳng đi đâu nữa, vì sắp làm quan triều, biết không?

Thấy Khốc chí thú với nghề thuốc, Ly mừng, nói:

– Còn em thì nguyện suốt đời làm người sửa túi nâng khăn cho anh.

Phan Sinh lâm bệnh ngặt. Lưa Hạ dốc hết sức chạy chữa, nhưng không khỏi. Trước phút lâm chung, Phan gọi Lưu, nói:

– Tiêu Ly rất nặng tình với Lưu Khốc nhà ông. Trước khi nhắm mắt, ta mong ông đem Ly về nuôi dưỡng như ta từng nuôi dưỡng nó. Nếu Lưu Khốc thuận lòng, thì xin ông hãy đứng ra tác hợp.

Biết trước sau cũng nên duyên chồng vợ, song, ở trong nhà, Lưu Khốc và Tiêu Ly vẫn một mực giữ đạo anh em.

Lưu Hạ bị bệnh già, chẳng còn đi lại nổi, việc làm thuốc phán phế cho con. Lưu Khốc vẫn vùi đầu vào đống sách thuốc gia truyền mấy đời họ Lưu để lại  Một hôm đọc thấy trong cuốn Tài Hoa Muông Thú đoạn chép về chim bịp như vầy: “Giống chim ấy không bay cao chạy giỏi, nhưng trời phú cho tài chữa bệnh gãy xương. Chỉ nhai lá rừng đắp vào nơi xương bị gãy hôm trước thì hôm sau xương liền lại. Đấy là bậc y sư của loài chim.”

Lưu Khốc liền đi hỏi cha:

– Thưa, ngày ấy bà thái hậu lâm bệnh chi, chỉ mỗi cha chữa khỏi?

Thầy Lưu đáp:

– Do tuổi cao, thái hậu bị ngã từ giường xuống đất, máu tụ nơi ống chân, khiến chẳng đi lại được.

– Thế nào cũng bị ngã nữa thôi.

Khốc bật thốt.

Thầy Lưu trừng con:

– Chớ nói lời độc ác. Kẻ già cả bị ngã, khỏi bị gãy chân gãy tay là may lắm.

Thấy ngày nào Khốc cũng đi núi Nung núi Thới, thầy Lưu hỏi vợ:

– Con nó hái được nhiều thuốc phải không?

Bà Lưu đáp:

– Bữa nào cũng về tay không. Chắc là đương đi tìm.

Chiều hôm ấy Lưu Khốc không trở về nhà. Vợ chồng Lưu Hạ nóng nảy trong lòng. Tiêu Ly vào núi Nung, rồi núi Thới, vừa chạy vừa gào suốt cả đêm, mãi chiều hôm sau mới gặp được Khốc.

– Anh bị nạn rồi ư?

Thấy mấy ngón tay Khốc đầy máu me, Ly rất hoảng.

Khốc cười, bảo:

– Ta tự chặt đấy. Còn thuốc trị đứt xương thì cướp của chim bịp. Lành rồi.

Tưởng Khốc trêu mình, Ly nói:

– Chớ đặt điều huyễn hoặc với em.

– Thật đấy. Ta bẻ giò lũ bịp con. Rồi chờ chim bịp mẹ đem thuốc về thì cướp lấy.

Ly bàng hoàng lau rửa máu me nơi tay Khốc. Rồi cùng quay về nhà.

Bà Lưu mếu máo, khóc.

– Con có bề chi, mẹ chết mất.

– Thôi, mẹ hãy im đi nào.

Thầy Lưu gọi vợ đến bên giường bệnh của mình.

– Ta nghe giọng nói thằng Khốc khác lắm.

– Khác thế nào?

– Nói với mẹ, nhưng hằn chấn tựa giọng quan trên.

Bà Lưu gạt đi:

– Nhà ông lại nghĩ mông lung.

Lấy cớ đi tìm thuốc quý, Khốc mang cơm gạo vào rừng, lúc năm ba hôm, khi đến nửa tháng.

Bệnh già của thầy Lưu mỗi lúc một nặng. Tiêu Ly phải vất vả ngược xuôi.

Bà Lưu rầu lo chồng con, khóc đến mù mắt.

Lần ấy Lưu Khốc bẻ giò đến mấy trăm bịp con. Rồi cắt đủ mười ngón tay mình để thử lại loại thuốc của lũ bịp mẹ. Mười ngón lành lại đủ mười. Song, khi quay về, Khốc vẫn chưa yên lòng, vì chưa biết được thứ lá rừng nào giúp cho chim bịp trở thành y sư của loài chim.

Thấy mẹ sụt sùi khóc nơi giường bệnh của cha, Lưu Khốc biết cảnh tử biệt sinh ly sắp xảy ra.

– Con đã về, thưa cha.

Khốc lên tiếng thưa hỏi. Rồi lần tay đỡ cha ngồi dậy.

– Có quỷ.

Thầy Lưu chợt thét.

Bà Lưu khóc rống lên:

– Cha con nói mê là sắp đi rồi đó.

Khốc vội đỡ cha tựa vào người mình.

– Thưa, con là con trai của cha đây mà.

Thầy Lưu vùng dậy khỏi giường, hổn hển thở.

– Kìa, tay quỷ.

Ông la. Rồi ngã xuống tắt thở.

Tiêu Ly đi kiếm thuốc về, thấy Khốc đang vuốt ve thi thể của cha, thì rú lên, ôm mặt bỏ chạy.

Khốc lật đật đuổi theo, gọi:

– Anh là Lưu Khốc đây mà em.

Người làng Lâm Thượng xì xầm bảo nhau con trai nhà họ Lưu sắp hoá quỷ. Tiêu Ly đau đớn trong lòng, song chẳng dám hé môi cho bà Lưu biết những ngón tay của Khốc đã bỗng dài ra, đầy móng vuốt.

Ngu thất cho cha xong, Lưu Khốc bảo Ly:

– Ta vào rừng tìm cho bằng được lá thuốc quý. Em ở nhà gắng chăm sóc mẹ.

Tiêu Ly không cầm được nước mắt, nói:

– Em cứ thấy lo hãi trong lòng.

– Ta sắp gầy nên cơ nghiệp, em lo nỗi gì.

Thấy Khốc thản nhiên chẳng hề biết mình đã thay đổi thế nào, Ly càng thêm chết ruột chết gan.

Lại bẻ chân lũ bịp con để rình chờ. Nhưng cũng chỉ cướp được thứ lá thuốc đã nhai nhuyễn ở miệng lũ chim bịp mẹ. Lưu Khốc tức giận dẫm hết núi Nung núi Thới. Có bao nhiêu chim bịp con, Khốc đều bẻ chân để nằm nơi tổ. Sáng hôm ấy trời bỗng đổ mưa. Con chim bịp bị trúng tên lảo đảo mấy vòng trong gió táp, rồi sa xuống giữa rừng hoang.

Tiêu Ly cầm lấy bàn tay đầy móng vuốt của Khốc, nói:

– Mẹ khóc suốt, vì nhớ anh.

– Ta biết. Nhưng bù lại, thì lần này đã tìm được lá thuốc quý.

Thăm hỏi mẹ xong, Lưu Khốc gọi Ly vào phòng mình bảo:

– Đây là lá phồng phông. Đắp vào chỗ xương gãy, lập tức xương liền lại.

Tiêu Ly mơ màng như nghe chuyện thần tiên, nói:

– Còn đắp vào nơi trái tim đau khổ của người con gái côi cút, thì tim liền nguyên vẹn.

– Ta phải tốn bao nhiêu ngày đêm mới giành được từ loài chim bịp. Em không tin, thì hãy coi đây.

Tiêu Ly vô cùng kinh hãi khi thấy Khốc cầm dao toan chém lấy cánh tay mình.

– Đừng. Nếu anh có mệnh hệ chi thì mẹ và em chết mất. Hãy thử ở nơi này.

Ly nói. Và đưa cánh tay ra.

Lưu Khốc cười vang:

– Vua sẽ gọi ta về triều nhậm tước thái y, còn thử nỗi gì.

Máu từ nơi cánh tay đã bị chặt gãy của Ly phụt chảy ra. Lưu Khốc thản nhiên nhai lá phồng phông đắp lên vết chém.

– Ta là y sư chữa bệnh cho vua cùng hoàng hậu. Còn em thì nhàn nhã ở triều.

– Phải, em thì nhàn nhã…

Máu từ cánh tay Tiêu Ly vẫn tiếp tục chảy ra. Lát sau thì Ly tắt thở.

Khốc lặng người gục xuống thi thể người mình yêu dấu. Nhưng lập tức đứng lên, nói:

– Ta đã hiểu ra.

Trông thấy Khốc ẵm xác Tiêu Ly chạy vào núi Nung, người làng Lâm Thượng lo sợ bảo nhau:

– Con trai nhà họ Lưu đã bắt đầu ăn thịt người rồi đấy.

Khốc chôn Ly nơi bờ suối mình đã bắn được con chim bịp để cướp lá phồng phông.

– Rồi vong hồn em sẽ thanh thoát ở chốn cao sang ấy.

Khốc khóc, nói với người dưới mộ.

Ăn hết chim bịp ở núi Thới núi Nung thì Khốc quay về.

Người làng đến chăm sóc giúp bà Lưu trông thấy Khốc, bỏ chạy cả.

– Con đã về, thưa mẹ.

Nghe tiếng Khốc, bà Lưu oà khóc.

– Mày đi đâu để mẹ nhớ thương?

– Thưa, đi tìm phương thuốc quý. Giờ con đã thành y sư thật rồi.

Đêm ấy Khốc lên giường nằm thấy người mát mẻ khác thường. Lúc tỉnh giấc, thân thể đã to lớn ra, choán hết chỗ nằm. Chợt nghe có gì khang khác nơi cổ. Sờ tay thử thì thấy da thịt ở đấy đang nứt ra.

Sáng hôm sau, nghe bên bà Lưu chẳng động tịnh chi, mấy người nhà bên hồ nghi kéo sang, thấy cửa ngõ trống tênh. Bà Lưu đang ngủ, hơi thở rất bình yên. Dòm thử vào phòng Khốc thì thấy đầu anh ta sắp lìa khỏi cổ. Ai nấy đều thất kinh, chưa kịp tháo lui, đã nghe giọng Khốc cất lên:

– Sao thấy quan thái y các người không quỳ?

Người già nhất bọn liền bước tới, quỳ xuống, khấn:

– Nếu đất trời còn thương đám dân lành thì xin hãy xua loài quỷ dữ ra khỏi nơi này.

Lập tức, đầu Khốc rời khỏi cổ. Những dòng máu đặc quánh như bùn từ thi thể to lớn cuồn cuộn chảy ra.

Tháng 10.1996 
Tháng 10.1997