Thì cứ coi như ông ấy là cha đẻ hệ thống triết học ấy

                               kính tặng hương hồn những người đi chân đất                        

 

Làng Cù/

Ông Hai khép cối xay lúa/

Và ta/ 

 

    Không phải là hồi ấy qua không thể trả lời câu hỏi của em. Có phải ông Hai khép cối xay lúa đương lái cổ máy xay lúa đi chơi hay không? Hồi ấy là em hỏi qua  như thế chứ gì?

    Như thế là ông ấy đã trở lại làng Cù để chỉ làm mỗi công việc giải đáp chất vấn của ta, thứ chất vấn nghịch ngợm của tuổi thơ đã được ta buột nói ra đúng vào lúc ông ấy vừa hoàn tất một công trình vào thời ấy có thể nói là thành quả trí tuệ của những người đi chân đất.  Nói rõ ra là ta đã đưa ra chất vấn  ấy đúng vào lúc ông ấy làm thử công việc xay lúa, tức là lúc cái cối xay lúa đương thử chức năng xay của nó.

    Qua cũng phải nói cho em rõ là hồi ấy qua dư sức để trả lời em. Có điều  bấy giờ cứ mở miệng ra để nói thì lại thấy mình thiếu hụt lời lẽ  để nói ra một  sự việc mà chưa chắc là ông cha ta  thời trước đã có thể nói ra.

   Với tuổi thơ của ta  hồi ấy thì ông Hai khép cối xay lúa là  một tay đầy quyền lực. Dám lấy đất ở mấy ụ mối chỗ miếu âm hồn đầy ma quỉ để khép cối xay lúa  chẳng phải quyền lực  là gì. Cái cối xay lúa của nhà ta chưa phải đến lúc bỏ đi. Nhưng cha ta vốn là tay đi chân đất thuộc loại chơi sang trong làng, mẹ lũ nhỏ đi kêu ông Hai đi, quyết định đưa ra vào bữa ăn tối, tờ mờ sáng bữa sau là ta đã thấy ông thợ cối xay lúa đầy quyền lực ấy đến gặp cha ta. Cái cối xay mới khép có hơn năm đã hư rồi sao?  Chưa, nhưng mẹ của lũ nhỏ muốn có cái cối xay mới để ở trong nhà. Bản hợp đồng thi công vắn tắt được ký kết giữa tay đi chân đất chơi sang là cha ta với tay khép cối xay đầy quyền lực.

    Thì em cũng thấy đấy. Hồi ấy thì coi như một mình qua phải đi khắp nơi để làm thứ công việc coi như ngoài qua là chẳng còn ai. Đương hai cái vỏ  cối là mất một buổi. Khép thớt cối trên cũng mất  một buổi. Nhưng khép thớt cối dưới là phải mất một ngày. Thì em cũng biết đấy, dòng họ nhà qua đến qua là đời thứ bảy làm nghề khép cối xay lúa. Tại sao không nói làm cối xay lúa mà là khép cối xay lúa? Là ý nói cối xay lúa cốt ở  bộ răng của nó, mà làm bộ răng tức là khép những  mảnh gỗ ấy lại với nhau cho thành cái thế trận răng sao cho nó làm được công việc chủ yếu của cái cối xay lúa là sau khi xay thì lúa được bóc hết vỏ.

    Bấy giờ ta mê việc xem khép cối xay lúa đến nỗi cứ mong cho cái cối xay lúa của nhà mình phải hư gấp đi để cho ta lại được gặp con người đầy quyền lực ấy. Từ chiếc bao lát cũ kỹ là ông ấy bắt đầu trút ra một công cuộc đối với ta lúc bấy giờ nếu nói theo cách nói ngày nay là công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những vật dụng thần kỳ là được trút ra từ một chiếc bao cũ kỹ, ta nhớ, hết thảy chúng là được làm từ tre, gỗ, những mảnh gổ vuông vức khoảng bàn tay của con người là được bào chuốt bóng láng mà ông ấy gọi là bộ răng xay, những vồ, đục, hết thảy chúng là được tạo ra từ thứ gốc tre khô rắn chắc, cho nên khi một chiếc vồ chạm vào một chiếc đục thì  vang lên rặt thứ âm vang đồng ruộng, những đất ụ mối dẻo dai cướp từ tay lũ ma quỉ ở gò miếu âm hồn là được cho vào các vỏ cối, có phải đấy là lúc ông ấy muốn tỏ cho cả thế giới biết sự tồn tại của ông như một thứ quyền lực, những động tác mạnh mẽ nhất của cơ thể là được ông đem ra dùng vào việc  nén thứ đất  mang mùi ma quỉ vào các vỏ cối, và, cái giờ phút quyết định của công trình là chẳng phải kém phần long trọng khi đem so một cách  khập khiễng với chuyện lắp nối phi thuyền của ngày hôm nay, bấy giờ là ông nghiêm cẩn rải những  chiếc răng gỗ lên thứ đất mang mùi ma quỉ, tức khắc đám răng gỗ chuyển thành thế trận, và dường như toàn bộ trí não của ông lúc bấy giờ là được đem phổ hết vào cái thế trận răng như một thứ hòa âm kỳ tuyệt của nền cơ học cổ điển, thì chẳng phải việc tạo tác một chiếc cối xay lúa là thuộc về những khám phá cơ học cổ điển sao, ta nói là hòa âm bỡi bấy giờ là ông bắt đầu cúi xuống với những đục, vồ, và bắt đầu nén, vỗ, nện, thứ âm vang đồng ruộng là cứ tiếp tục vang lên, đam mê và cuồng nhiệt, cho đến lúc ông ấy ngẩng lên, vung nhẹ người một cái như thể để  rủ bỏ hết những sai lầm khiếm khuyết trong công cuộc điều chỉnh thế trận răng.

    Phải rồi, là qua cũng phải nói cho em biết, là hồi ấy qua nghe nói ở bên Tây  họ muốn làm một cổ máy gì đó là phải làm bằng kim khí, chứ không như ở ta. Phải nói là cha ông ta rất tài giỏi mới nghĩ ra được cái cách làm một  cổ máy xay lúa  mà chỉ làm bằng đất với tre với gỗ.

    Như thế là ông ấy trở lại làng Cù chỉ để làm mỗi công việc nói cho ta hiểu một cách tường tận về cái cối xay lúa.

    Ông Lê Quí Đôn, tiếng là nhà bác học của nước ta, nhưng hồi cuối thế kỷ 18, khi vào ngồi làm quan ở Huế, viết sách Phủ Biên Tạp Lục, lúc nhắc đến đất Thuận Hóa, tức cũng là  nhắc đến làng Cù của ta, chỉ nói nhiều đến dệt vải, dệt chiếu,  làm nón, đúc nồi, đúc mâm, tiếng là nhà bác học mà khi nói đến việc làm ruộng là cái nghề chính của dân đi chân đất ở Thuận Hóa, chỉ nói một câu Ba phủ Qui Nhơn Quảng Ngãi Gia Định thì thóc gạo không kể xiết, không hề có nửa câu nói đến cái cối xay lúa, là thứ không thể không đi kèm với thóc gạo.

    Còn ông Phan Huy Chú, cũng  là nhà bác học của nước ta, hồi đầu thế kỷ 19 bắt đầu soạn sách Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí,  đến hơn nghìn trang, nhưng cũng chẳng có nửa câu nói về cái cối xay lúa.

    Thì qua cũng phải nói thiệt với em, là hồi ấy, lúc em hỏi có phải là qua lái cổ máy xay lúa đi chơi hay không, thì thiệt tình là cầm cái giằng xay qua vừa xay thử cái cối xay mình vừa khép xong qua vừa nghĩ tới mấy nước Chà Và, Ấn Độ, thiệt tình là bấy giờ qua cứ ao ước làm sao mình có được  một cái quần lãnh, hay một cái áo lụa, là lãnh, lụa  của mấy nước ấy.

    Phải nói là ông ấy chết chỉ mấy chục năm mà cách thức nói năng khác hẳn với hồi còn sống. Ông ấy mô tả về sự tồn tại của một cái cối xay lúa như là sự tồn tại của cái yếu tố là làm sao cho bộ răng xay của nó làm được công việc bóc vỏ lúa, sự tồn tại của cái này là đặt trên sự tồn tại của cái kia, cái cách nói của một kẻ có tư duy hẳn hoi. Chẳng lẽ sau khi chết thì ông Hai khép cối xay lúa đã trở thành nhà tư tưởng ?

    Chẳng có gì đâu. Thời trước xa thời của qua thì nghe nói là thằng Tàu nó làm tê liệt. Rồi tới thời của qua thì thằng Tây nó cũng làm tê liệt. Dân đi chân đất bọn ta  cũng dễ bị tê liệt lắm. Thì có sao đâu, em cứ nói với con của em, rồi con của em nó sẽ nói lại với con của con của em. Những điều qua  nói ra đây  là do qua nghĩ ra. Là tổ tiên ta tài giỏi mới nghĩ ra được cái cối xay lúa. Cầm cái giằng xay để xay thì thấy mình như đang đi đâu đó thiệt xa. Thấy đi thiệt xa mà là chửa đi. Cầm cái giằng xay để xay thì thấy mình đang ở yên một chỗ. Ở yên mà không phải là  ở yên. Tức là thấy mình đang lẩn quẩn ở trong cõi. Mà dẫu biết mình chỉ lẩn quẩn trong cõi thì cũng tránh được cái nạn tê liệt trí não. 

 

Share