Lũ sinh vật cần mẫn ấy còn thì nền văn minh của chúng ta còn

                         vậy thì ta là hậu duệ của cuộc văn minh nào ?

Vào cái ngày lũ cò bát nháo bay về đậu trắng đồng Ông Cộ, tôi bắt đầu cảm thấy chán ngán về dòng họ của mình. Lũ cò có liên quan thế nào với dòng họ nhà tôi là chuyện thuộc phạm trù triết học. Phải nói từ khi xảy cuộc cách mạng cây trồng ở đồng Ông Cộ thì lũ cò không còn về đồng làng tôi nữa. Đồng ruộng mía thì đâu phải như đồng ruộng lúa, là chốn sinh nhai của cò. Nghĩ ra cuộc cách mạng ấy, các vị làm công việc trị nước ở đây vốn cũng muốn cho dân giàu nước mạnh. Đâu ngờ đất đồng Ông Cộ mấy nghìn năm trải thân ra với lúa, giờ bỗng tiếp xúc với kẻ xa lạ, chỉ làm sao cho kẻ ấy trở thành quen thân đã khó, huống hồ là phải cất công nuôi dưỡng, việc thay giống cây trồng diễn ra năm sáu năm liền thì năm sáu năm liền người làng tôi luôn gánh chịu cảnh mất mùa đói khó. Như vậy là cách mạng phải nhường chỗ cho cố cựu. Tức phải trồng lúa trở lại. Ai mang tin thất bại ấy cho lũ cò mà vừa mới trồng lúa trở lại, bọn chúng đã quay lại đồng làng tôi?

Vị thi sĩ Việt Nam thời cận đại, ngài Tú Xương, bảo cách kiếm sống của người nông phu là giống với cách kiếm sống của lũ cò. Đã nông phu thì phải lặn lội thân cò. Như vậy, lũ cò với người cày ruộng là cùng chung thứ bản thể lặn lội. Trong dòng họ nhà tôi, ông cố cày ruộng, ông nội cày ruộng, cha tôi, bác tôi, chú tôi, anh tôi… cũng cày ruộng. Có nghĩa, bản thể của dòng họ tôi là bản thể của cò. Sáng hôm ấy tôi vừa lao ra đồng Ông Cộ, vừa hét lên, rằng tôi phải diệt hết lũ cò. Bấy giờ vừa gặt lúa xong, ruộng đồng chỉ còn trơ những gốc rạ. Thì đấy là thời điểm kiếm sống của lũ cò, còn gì. Trên những thửa gốc rạ, lũ cò chen chúc nhau, dẫm, đạp, mổ, rúc, vích, hốt bay lên, hốt đỗ lại, bước tới, quay lui… cũng cần mẫn, chuyên chú, như cái cách theo đôi trâu cày trên ruộng của ông cố tôi, của ông nội tôi, của cha tôi… cái cách kiếm sống của chúng là cũng có vẻ như chẳng hề mệt mỏi, chẳng hề đếm xỉa những gì diễn ra chung quanh, chẳng hề cần đến bất cứ thứ chi ngoài việc lập đi lập lại những thứ chuyển động có vẻ như bất tận, nó, cái cách kiếm sống của lũ cò là thứ phù điêu khắc lên cuộc sống, thứ phù điêu mô tả một cách tàn nhẫn về dòng họ nhà tôi. Vừa lao lên phía trước, tôi vừa gào lên là sẽ diệt hết lũ cò. Tôi căm tức lũ cò. Và căm tức cả chữ nghĩa. Chính là thứ chữ nghĩa tôi phải thoát ra khỏi cảnh theo trâu trên ruộng làm đủ thứ việc trên đời để có tiền ăn học, chính là thứ chữ nghĩa kiếm được bằng nước mắt, có thể nói là bằng máu, mới có được ấy, đã làm cho tôi nhìn thấy cái phù điêu đáng ghét ấy đang âm thầm khắc lên cuộc tồn tại của loài người. Cả làng đổ ra đồng Ông Cộ. Người ta tưởng là tôi đã hóa điên. Vừa la hét, tôi vừa lao tới. Đằng trước tôi, lũ cò hốt hoảng bay tán loạn. Đằng sau tôi, những người làng vói theo í ới, “hãy dừng lại, ông giáo” Trong lúc hiểm nguy người ta tôn vinh tôi như thế, dù chưa bao giờ tôi làm công việc dạy học. Tôi biết là người làng sợ tôi hóa điên. Nhưng tôi không biết con người đang cỡi con vật gì đó đang lao ngược về phía tôi, là ai. Đừng giết lũ cò! Người ấy vừa lao ngược về phía tôi, vừa gào lên. Là cỡi trâu. Vị khách đường đột xuất hiện trên đồng làng là một người đàn ông có vẻ rắn rỏi, áo quần đầy những vệt máu khô, cả người lẫn trâu nhễ nhại mồ hôi. Ta từ làng này ra đi tự lúc ông nội của ngươi vừa mới tập đi. Là ông khách cỡi trâu nói với tôi đấy. Ông nói với tôi, và vẫn ngồi yên trên lưng trâu. Còn tôi thì cứ đứng tần ngần trước  con người nói là mới từ sa trường trở về cũng được, mà nói là mới từ hướng mặt trời lặn trở lại cũng được, bởi vì ông khách cỡi trâu cứ làm tôi nghĩ đến ông Lão Tử của nước Tàu cổ đại,  con người trong nghĩ ngợi lãng mạn của loài người là cỡi trâu đi về phía tây. “Nhưng ông là ai lại biết ông nội của ta?” Tôi đương tức lũ cò nên cũng có phần trịch thượng trước con người chẳng biết từ đâu lại chạy tới xen vào công việc của tôi. Nói là ông khách cỡi trâu trả lời câu hỏi có phần trịch thượng của tôi cũng không phải, mà nói là kể cho tôi nghe cũng không phải, ông khách kéo áo lau bớt mồ hôi trán, và bắt đầu nói …nước Pháp Lang Sa chiếm nước Việt Nam khai mỏ vàng mỏ sắt, bắt lính viễn chinh… ông bắt đầu bằng chuyện người Pháp chiếm nước Việt Nam, dường như là nếu có ai đó hỏi “ông là ai?” thì những lời ấy lại được thốt ra như thể đó là lúc bản thể của ông được phô bày ra trước kẻ khác… đi đánh châu Phi chiếm đất cho nước Pháp Lang Sa, ta bỏ mạng bên châu Phi, một thằng lính viễn chinh gốc gác nước nào chẳng rõ bỏ mạng cùng lượt với ta đã dạy cho ta biết viết chữ, biết đọc sách, gần hai trăm năm qua ta đọc bao nhiêu là sách, tìm hiểu bao nhiêu là nền văn minh, đi bao nhiêu là nơi chốn trên mặt đất này để tìm cho ra cái cách được cai trị sao cho đừng xảy ra chuyện như đã xảy ra với ta… “Nhưng thưa ông là ai, lại từ làng này ra đi?” Tôi cảm thấy sợ hãi, không cho ông khách cỡi trâu nói tiếp, nỗi sợ hãi trước một kẻ xa lạ mà tôi bắt đầu cảm thấy nếu không phải bậc tiền nhân đáng kính của làng thì cũng là một văn nhân mặc khách từng trải lẽ đời. Ông khách không nói mình là ai, mà chỉ kể ra cho tôi nghe hết tên họ của những người trong dòng họ nhà tôi.”Ông giáo bị điên chữ mất” Lúc tôi đột nhiên sụp xuống lạy ông khách cỡi trâu thì nghe ai đó trong những người làng đang vây quanh tôi nói ra lời ấy. Đúng là ông cố của tôi. “Thưa, chuyện ông bị người Pháp bắt vào lính viễn chinh và chết bên châu Phi thì nhà ta ai cũng biết”  Tôi vừa thưa nói, vừa sụp lạy ông cố tôi trước vẻ ngơ ngác của người làng. Con đã gặp được ta thì niềm vui này cũng sánh bằng niềm vui của những nhà phát minh thông thái đã gặp được trăng sao trời đất thuở mười mấy tỉ năm về trước. Ông cố của tôi vẫn ngồi trên lưng trâu âu yếm nhìn tôi. “Nhưng thưa ông, dòng họ nhà ta là thuộc nền văn minh nào, mà từ đời ông cho chí đời lũ cháu vẫn là những kẻ lặn lội thân cò?” Tôi hỏi được câu này thì hình như là có vơi bớt đi niềm căm tức lũ cò. Ông cố tôi chợt nhảy xuống khỏi lưng trâu. Phải hí hoáy một hồi ông mới lấy được vật gì đó từ trong gói hành trang đang mắc trên lưng trâu. Nhờ có bộ áo quần này mà nó mới tìm được ta, khi tìm được ta thì chiếc răng cuối cùng của nó bắt đầu lung lay, chỉ sau mấy hôm thì rụng. Là ông cố tôi nói về con trâu đã cùng ông cày ruộng thuở ấy, trâu đã đi tìm ông sau khi ông chết ở châu Phi, tìm được ông là nhờ ông vẫn còn mặc bộ áo quần vẫn mặc lúc cùng với trâu cày ruộng ở đồng Ông Cộ. Hãy giữ lấy nó như báu vật của một dòng họ hậu duệ của một nền văn minh cổ kính. Ông cố tôi nói, và trao cái răng trâu cho tôi. Thật sự bấy giờ là tôi rất xúc động, dẫu chưa biết thứ văn minh cổ kính ông cố tôi nói có phải là văn minh lúa nước hay không? Bấy giờ là ông cố tôi đã leo lên lưng trâu. Và tôi thì cứ thấy hồi hộp, chẳng biết là chuyện gì sẽ xảy ra sau đó. “Cho tới nay thì các vị làm công việc trị nước đã nghĩ ra không biết bao nhiêu là cách cai trị, còn những nhà thông thái thì cũng đã cố nghĩ ra bao nhiêu là cách được cai trị, nhưng cho tới nay thì thứ thân phận thân cò lặn lội của dòng họ nhà ta vẫn không hề thay đổi, thưa ông” Tôi vội vã vận dụng những kiến thức sách vở có được để nói ra những ấm ức của mình. Quả tình giờ phút sắp chia xa ấy làm tôi vô cùng lo lắng. Kể từ khi có vua thì nhân loại là luôn sống dưới sự cai trị của những con người bằng da bằng thịt, nó là thuộc chuyện cai trị và bị cai trị, cháu của ta ạ, nhưng giờ thì ta phải đi, không có chuyện cháu của ta đuổi giết lũ cò thì ta chưa trở về quê đâu, cuộc tìm kiếm là còn mờ mịt lắm, nhưng là ta phải đi, để may ra nhìn thấy được cái cách được cai trị sao cho đừng xảy ra chuyện như đã xảy ra với ta… Ông cố tôi nói, và thúc trâu quày lại hướng ông vừa mới thúc trâu đến. Tôi nói gần như không thành lời vì quá xúc động, rằng, giá ông đừng đi nữa thì dòng họ nhà ta vui biết mấy, rằng, nếu như có ông bên cạnh thì tôi sẽ hiểu ra bao nhiêu thứ về thế giới này, cái thế giới mà lũ cò đang muốn vẽ lên đó thứ hình ảnh tôi cho là kém vui. “Đã chết mà vẫn còn khổ” Tôi nghe như có ai đó trong đám dân làng thì thào lúc ông cố tôi quày trâu ra đi. Đã đi được một đoạn, ông còn quày lại căn dặn tôi : Đừng giết lũ cò, dẫu chỉ là mỗi một con, lũ sinh vật cần mẫn ấy còn là cuộc văn minh của ta còn

 

Giã, 2010-2015 

Share