Dấu tích

 

gió cuốn mây nghiêng giữa sắc hương 

 

tôi lại đi núi Mun, tôi đi núi Mun bao nhiêu lần rồi nhỉ, chẳng còn nhớ, chưa có gì cả, chỉ là giấc mơ, lũ chim núi đã bắt đầu đổi giọng, như không còn nghe thấy thứ âm vực trầm buồn trong cách thúc bách những đám mây lẻ loi hãy mau quay về phương bắc nơi sản sinh những âm vang màu xám, tiếng chim thánh thót, có phần cao trào, gấp rúc, nhưng vẫn lắng đọng những kết tập nghìn năm, hót là sự kết tập tinh hoa của một loài giống lấy chốn trời cao làm chỗ nương thân

 

 

phủ lên câu chuyện kể là những lời nguyền rủa đã tan thành những  bụi bám vào chỗ thâm cùng trí nhớ, nhưng ai nguyền rủa và nguyền rủa ai là chẳng thể diễn giải, thứ ký ức trắng ấy tựa  thứ thi ca vô thức luôn trổi dậy vào những lúc cảm nhận được nỗi thống khổ đẹp nhất, mà cũng chẳng cần nói ra tên triều đại ấy, tên vì vua ấy, bỡi tất cả những triều đại tội lỗi và  những ông vua  tội lỗi là cùng chung  danh mục

 

 

cứ  phủi đi rong rêu bám trên mặt đá sẽ nhìn thấy dấu vết

 

 

nói lên chùa Nước Nâu thực ra là tôi lên suối Nước Nâu trên dãy núi Mun tương truyền có ngôi chùa ngay cạnh suối đã đổ nát tự những thế kỷ trước để tìm lại những thứ chỉ có kẻ ngu ngốc như tôi mới cất công đi tìm, thứ tôi tìm là một khái niệm mong manh thỉnh thoảng người ta lại lôi ra khỏi dòng chảy lịch sử rồi lại hô hoán là không phải, cả suối Nước Nâu lẫn dãy núi Mun là nằm trong số những sông núi hạng bét của đất nước tôi, có nghĩa, nếu tôi không nói ra, thì chẳng ai biết chúng  ngoài những kẻ cày ruộng dưới chân dãy núi ấy, vào một sáng một ngày nắng nóng những người làm than củi ở làng tôi vào núi Mun phát hiện thấy một  ngôi chùa mái tranh vách lá đã được dựng lên bên bờ con suối đá, vị trù trì là một chàng trai trẻ  bảo người đệ tử duy nhất của mình, một ni cô xinh đẹp, đón những người làm rừng vào chùa để nghe giảng kinh, chuyện kể bắt đầu như vậy, mấy trăm năm qua vẫn cứ bắt đầu như vậy

 

 

cứ phủi đi rong rêu bám trên mặt đá sẽ nhìn thấy dấu vết

 

 

tôi ngồi nơi bờ suối Nước Nâu, đã sang hạ, nhưng suối vẫn còn dòng chảy, cố tìm trên con nước lung linh chút dấu vết của kẻ đang đêm thoát khỏi cuộc truy sát của một vương triều đang rũ rượi trong tranh giành ngôi báu, núi Mun… núi Mun, chỉ nhìn thấy trong niềm lặng yên sử lịch tiếng thì thầm của xứ sở, ngày ấy…đã để lại lời truyền tụng: Nguyễn Phúc Lan, con trai thứ của Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) vừa  lên ngôi báu đã giết sạch đồng đảng của em ruột mình, Nguyễn Phúc Anh, nhưng lại bỏ sót một viên quan trẻ của Anh vốn là người tình của quận chúa Ngọc Khoa, con gái thứ ba của Sãi vương… [việc một người sống sót trong cuộc thanh trừng đẫm máu lại dẫn đến một cuộc tu, một cuộc tình, và một cuộc thanh trừng đẫm máu khác]

 

cứ phủi hết rong rêu trên mặt đá là thấy được thứ khái niệm mong manh thỉnh thoảng người ta lôi ra khỏi dòng chảy lịch sử rồi lại hô hoán là không phải: khái niệm về một khúc sử tăm tối

cũng có lúc người ta nghĩ đến một lúc nào đó vị trụ trì chùa Nước Nâu, sư Minh Từ, người thoát chết trong thanh trừng ở kinh, và ni cô xinh đẹp, vốn là quận chúa Ngọc Khoa trẻ tuổi, sẽ cho ra đời một anh sư con, nhưng không, nơi bờ suối Nước Nâu có đủ thứ rau quả đủ đổi gạo nấu cho nhà chùa, đêm người xứ Rừng Trên nghe tiếng kinh kệ từ trên núi vẳng xuống, ai cũng nghĩ đất Phật là chốn bình yên, thầy trò sư MinhTừ vừa kinh kệ vừa cuốc đất trồng rau, đêm đông khí núi buốt xương, Ngọc Khoa trải tóc làm chăn đắp cho Từ bớt lạnh, nắng rừng nung đốt trưa hè, Từ xuống nằm nơi lòng suối đá, có Ngọc Khoa kề cạnh, thịt da truyền cho nhau sức vĩnh hằng, chẳng lẽ Phật chẳng vui khi thấy giữa chốn trần ai nảy sinh cuộc tình duyên kỳ tuyệt, núi không nói ra, chim rừng không nói ra, người Rừng Trên không nói ra, dấu kỹ đoạn đời đày đọa của một kiếp người là trái với đạo trời sao, năm tháng chẳng làm vơi chút nào sự kỳ tuyệt kia, chỉ khiến cho tóc của Từ và Ngọc Khoa bớt đi màu trẻ trung

 

 

cứ phủi đi rong rêu bám trên mặt đá sẽ nhìn thấy dấu vết

 

 

vào một sáng, khi mặt trời soi rõ núi rừng, những người làm rừng vào núi Mun  đã nhìn thấy cảnh hành hình  diễn ra ở chùa Nước Nâu: vị sư trụ trì và ni cô của chùa đều bị trói chặt, đặt nằm sát bên nhau ở  sân chùa, lúc người cầm đầu đám lính triều hô chém, thì đầu của  hai người cùng văng ra một lúc…mấy trăm năm qua truyện vẫn được kể như thế
 

hay núi là mật ngôn

 

giã  15PM   31.10.2017