Cuộc hát thơ ở Sơn Phong Các

                     kính tặng hết thảy những vẻ đẹp của đất trời. 

 

Nguyễn Cửu Kế người làng Lâm Thượng, đỗ cử nhân vào năm Tự Đức thứ bảy, 1854. Ngồi ghế tri phủ Thiên Sơn đâu hơn tháng, ông lấy cớ phải phụng dưỡng cha già, xin cáo quan, lui về quê, cất trại ở chân núi Voi Nằm, nuôi ngựa, viết sách. Khi đã có bè bạn lui tới bàn luận văn chương, ông đặt tên cho trại nuôi ngựa của mình là Sơn Phong Các. Lưu Thị Miễn, một ca kỹ tài danh ở đất kinh sư, Huế, đọc trước tác của Kế, đem lòng yêu, đã tìm đến Sơn Phong Các. Ngay đêm đầu tiên đến Sơn Phong Các, Miễn đã hát thơ của Kế cho Kế và đám bạn bè của Kế nghe.

Cuộc Hát Thơ Ở Sơn Phong Các là bài ký Kế ghi lại buổi hát ca trù ấy. 

 

Người hát thơ ta bảo sở dĩ loài chim có con biết hót có con không biết hót là do sự khéo sắp bày của tạo hóa. Ta hỏi điều ấy chép ở sách nào. Người hát thơ ta lặng nhìn lên núi Voi Nằm rồi nói:

“Đấy cũng là cuốn sách trời”

Bấy giờ là vừa sang hạ. Ai đem đặt loài hoa muồng rực thắm giữa chốn rừng cây đang tàn tạ sắc xuân nếu không phải là kỳ công của tạo hóa?

Người hát thơ ta cũng vừa từ kinh sư vào đến nơi. Áo ca kỹ còn nhuốm bụi đường. Mà bạn ta là Trần Lung đã liền mở cuộc thù tạc. Sơn Phong Các ngoài thứ gió núi thổi lại từ dãy Thiên Sơn, như có thêm ngọn gió phóng dật thổi về từ chốn đế đô văn vật.

“Hồi còn sống, mẹ có giảng cho nghe tên Miễn của em. Miễn là gắng sức. Có vậy mới nên thân”

Ta cười, bảo :

“Cho nên tài danh ấy lan đến tận chốn heo hút này”

Quả như lời Trần Lung, Miễn dung dị, trần thế, mà cũng đài các, cao sang, nhưng không phải thứ đài các con nhà quyền quí. Người hát thơ ta có sức khiến kẻ khác phải tưởng nghĩ đến cõi thanh khiết, vô ưu.

Theo lời của Lung, phải mất bốn ngày đi ngựa trạm mới vào đến nơi.

Ta hỏi :

“Cả đời gắn bó cùng chiếu ca trù, làm sao cũng biết việc yên cương?”

Miễn nói :

“Có người khách phương xa làm bài ca hành đưa cho em hát. Nghe đến lần thứ hai thì bảo sắc thơ có, nhưng khí thơ chưa thấu. Giá biết cầm cương, lên ngựa, hát sẽ hay hơn. Số là bài ấy tả nỗi niềm khách hồng trần đương giong ruổi vó câu”

Ta có phần kinh ngạc về chuyện ca trù. Bấy lâu vẫn tưởng cứ đem thơ ra hát là có ca trù.

“Thế là người hát thơ lại phải học đi ngựa mới hát nổi bài ca hành kia?”

Ta buột hỏi.

Miễn đáp :

“Người làm thơ đã cất công dạy cho người hát thơ cách cầm cương lên ngựa. Nhưng chỉ nghe Miễn này hát đến lần thứ ba thì người khách ấy bặt tăm”

Ta ngẫm nghĩ hồi lâu, rồi bảo :

“Thế cũng phải thôi. Khi khí sắc của thơ đạt đến chỗ vi diệu thì khiến cho con người ta muốn đạp bỏ hết thảy những chật hẹp của nhân gian”

Đêm ấy người hát thơ đã hát thơ ta.

Trần Lung bảo :

“Trong đám bạn bè đây, tất có người biết đàn. Ngặt nỗi, ở chốn cư thôn heo hút tìm đâu ra đàn”

Miễn nói :

“Đàn với hát tựa nước với thuyền. Nhưng lòng hiếu khách của bằng hữu nơi đây còn lớn hơn nghìn sông hợp lại.”

Người hát thơ ta không nói quá đâu. Ngay lúc vừa đặt chân đến Sơn Phong Các, Miễn đã được đám bạn ta tiếp đãi rất hậu. Thoắt cái, bọn họ kéo hết lên núi Voi Nằm, người mò cá nép ở Suối Ràng, kẻ hái rau rừng, lấy trứng chim. Bữa cơm khách có đủ hương vị chốn thảo dã sơn lâm. Cơm nước xong, lúc ta và Trần Lung thù tạc với Miễn, bọn họ lại kéo hết lên núi Voi Nằm để chặt cây. Cả buổi chiếu hôm ấy, bọn họ miệt mài gọt, đẽo. Đêm, Miễn vừa ngồi vào chiếu, tức thì đám bạn ta mỗi người trưng ra một bộ gõ.

“Trống phách sẵn rồi, xin đại tỉ vào cuộc”

Đám bạn ta đồng xướng lên. Ngay từ phút mới gặp, đám bạn ta đã suy tôn Miễn là đại tỉ. Làm gì có trống. Trần Lung mang thùng cho ngựa uống nước

đặt ở đầu chiếu, hối :

“Đại huynh điểm trống khai cuộc đi”

Đêm đầu tháng trăng non chênh chếch. Chìu ý Miễn, bọn ta trải chiếu ra ngồi dưới trăng non đầu tháng. Quả tình, trời đất có lúc cũng thật phong lưu. Trăng đêm thoảng mùi hương núi. Gió thì đủ gợi nhớ nhung những buồn vui cố cựu. Ta ngồi điểm trống cho Miễn hát mà cứ thấy nhớ chuyện mấy trăm năm trước. Xưa,  làng ta có người họ Đỗ, cũng lên ngồi ở chân núi này mà hát. Họ Đỗ hát về cuộc phân qua của đất nước, cuộc phân qua do hai họ Trịnh, Nguyễn gây nên.

Miễn nằm lòng thơ ta từ bao giờ, ta đâu biết. Chỉ có lần nghe Lung bảo, đọc thơ ta xong, Miễn đã đem hát cho đám khách văn ở kinh sư nghe. Nghe Miễn hát thơ của mình, mà cứ ngỡ của ai. Như có ai vỗ sóng trên rừng. Cứ vang lên những nét chông chênh. Cả nam, bắc, huỳnh, pha, nao, phú. Người hát thơ ta hát đủ sáu cung. Ta chẳng còn biết điểm trống ở chỗ nào nữa. Chỉ còn có tiếng ca, tiếng phách. Như cả núi sông cũng đang lặng lẽ cúi đầu trước tiếng cầm ca tổ tiên truyền lại tự những trăm năm trước. Cho đến lúc nghe tiếng thở phào của đám bạn ta, mới hay là Miễn đã thôi hát.

“Hay khí sắc của thơ chưa thấu đạt chăng?”

Người hát thơ ta buột hỏi giữa lúc bọn ta vẫn còn ngồi im như những pho tượng đá.

Cuối cùng, ta cũng ngước nhìn lên mảnh trăng khuya trên đỉnh núi Voi Nằm, nói :

“Giá cuộc nhân sinh chỉ toàn những lúc như vầy”

Người hát thơ ta lại hỏi :

“Nhưng có phải, chẳng có cuộc vui nào theo trọn một kiếp người?”

Nghe MIễn hỏi, ta giật mình nhớ đến một bài hát của họ Đỗ. Bài hát về một cây đại thụ trên núi. Cây năn nỉ loài ve sầu đừng đi. Ve ở lại hát cả đêm ngày. Mải mê nghe, cây quên mất việc hút khí trời, chỉ mấy hôm thì chết.

Ta nói :

“Muốn được thế phải ngăn bớt niềm vui”

“Xưa nay đã có ai làm thế chưa?”

“Không biết. Nhưng nay cứ thử xem sao”

Ta nói, rồi quay nhìn thử thái độ của đám bạn ta.

Thì ra, cả bọn họ đã lén rời khỏi chiếu.

Người hát thơ ta vội đứng lên. Ta cũng đứng lên. Trăng thượng tuần vừa khuất đỉnh Voi Nằm. Miễn kêu lạnh. Và khẽ nép vào ta.

“Định bao giờ thì trở lại kinh sư?”

“Em cũng chẳng biết nữa”Miễn đáp. Rồi buông tiếng thở dài.

Ta chợt nghĩ đến kẻ đã làm bài ca hành đưa cho Miễn hát. Rồi ta với người hát thơ ta cũng trôi giạt vào cõi bụi trần này thôi…

 

Ấp Lâm Thượng 2005-2011  

Share