Chuyện làng tôi/ông Tám Chửng

 

tôi gần như sắp điên lên, và quyết định thẳng tới nhà ông Tám Chửng,  thì nhất định là ông ấy chứ còn ai vào, là tôi cũng chỉ nghe người ta rỉ tai, to nhỏ với nhau rằng thứ thi ca lục cục như ngựa chạy đường đá, thứ thi ca tràng giang đại hải gai góc đầy mình ấy là do ông Tám Chửng làm ra, không phải chỉ thời nay, mà tự thời còn vua chúa, từ đám quan làng cho chí đám quan lại ở tỉnh ở kinh, khó có ai tay đã vấy máu dân mà còn thoát khỏi lưỡi gươm của ông Tám Chửng, người ta nói thi ca của ông Tám Chửng là lưỡi gươm cứu quốc, thì cũng là người ta nói đi nói lại với nhau, chứ thật ra chưa ai nghe ông Tám Chửng mở miệng, dẫu chỉ một lần, thừa nhận là ông biết làm ra chữ nghĩa thi ca, hãy dậy trò chuyện đi thôi, chớ làm ra vẻ thơ ơ thế sự, tôi nói thật to khi đã đẩy cửa bước vô nhà, do đẩy hơi mạnh cánh cửa va vào vách vang lên một tiếng rõ to, nhưng ông Tám Chửng vẫn nằm gác chân chữ ngũ, ngủ, tôi biết là khi nghe cái cách đẩy cửa của tôi thì ông biết tỏng là có tôi đến,  thì ngày nào là tôi lại chẳng đến để trò chuyện chốc lác, rồi đi, nói đủ thứ chuyện trên đời, chuyện lũ heo gà của làng lây lan bệnh dịch chết gần hết, chuyện lớp người già ngoài tám mươi tuổi ở trong làng cũng chết gần hết, nói đủ thứ chuyện, nhưng chưa bao giờ tôi nghe ông ấy nói đến chuyện làng nước, biết đấy là cái cách ông ấy dấu lưỡi gươm cứu quốc của mình, nên tôi cũng chẳng bao giờ dám đề cập đến chuyện làng nước, nhưng lần này thì tôi quyết khám phá cho bằng được những gì bấy lâu vẫn ẩn kín trong con người có vẻ kỳ bí ấy, sao bữa nay chú Tư đến chơi muộn vậy cà, nói cà rỡn là cái cách ông Tám Chửng vẫn đem ra sử dụng trong cuộc đời, tôi nghĩ lần này thì  ông ấy chẳng thể thoát khỏi tay tôi, có lẽ cái con người đã quá tám mươi tuổi ấy vẫn còn đủ sáng suốt để biết chuyện gì sắp xảy ra, dường ông ấy biết là tôi sắp tra gạn ông về cái bài hát lũ trẻ chăn bò làng Cù đang hát lúc ngồi ở nhà ông vẫn còn nghe vọng lại, gò Ông Đợi nằm cách xa  những nhà khác trong làng, nhưng từ đó đến nhà ông Tám Chửng chỉ có mấy bước, cũng do vậy mà cũng chẳng ai hay biết là ông ấy đã dạy bài hát ấy cho cho lũ trẻ chăn bò ở đó vào lúc nào, và ông đã nói những gì với lũ chúng để cho lũ chúng  trung thành với ông đến mức vậy thì chỉ trời mới biết,  tôi cứ quả quyết trong lòng chính là ông ấy đã nhờ lũ nhỏ chẳng biết gì về thi ca để truyền đạt thi ca của ông, chứ chẳng lẽ có ai vào đây dạy chúng hát, và chẳng lẻ là lũ chúng tự làm ra bài hát để hát, ở làng ta có kẻ tài hoa làm ra thi ca, nhưng hèn nhát không dám thừa nhận là mình đã làm ra thi ca, tôi bắt đầu khiêu khích, vì cứ nghĩ chỉ khiêu khích thì ông ấy mới chịu thừa nhận, nhưng là tôi đã tính toán sai, ai tài hoa vậy chú Tư, ông Tám Chửng hỏi, chẳng tỏ chút tức tối trước những lời khiêu khích của tôi, tôi chưng hửng, cảm thấy buồn chán, cứ muốn bỏ ra về, nhưng ông Tám Chửng bỗng nghiêng tai làm ra vẻ ngạc nhiên vì đang nghe thấy tiếng hát của lũ trẻ chăn bò từ gò Ông Đợi vọng lại, hình như có ai đang ca hát ở đâu đó phải không chú Tư, ông Tám Chửng hỏi, và tôi lập tức đọc lại toàn bộ những lời ca kỳ dị tôi vừa nghe được từ cửa miệng của lũ trẻ chăn bò, và một cuộc nhàn đàm lập tức diễn ra giữa tôi và ông Tám Chửng, tôi gọi là nhàn đàm bỡi cả tôi cả ông Tám Chửng cùng bình phẩm về thứ thi ca mang tính sử thi đầy gai gốc ấy với những cảm nhận thư thái khách quan, làm như thể đang nói về thi ca của ai đó, chứ chẳng phải của ông Tám Chửng,

 

lũ quỉ đực đè lên lũ quỉ cái mặc trời gầm, đất gầm, lời ca ấy cứ làm cho Tám Chửng này liên tưởng đến những cuộc giao phối đương đại, những cuộc giao phối của những nhóm lợi ích trong thế giới đương đại,

 

những lời bình phẩm của ông Tám Chửng khiến tôi cảm thấy rối rắm thêm trước những gì đang diễn ra chung quanh mình, 

 

tháng 2/2014 

  

Share