Mùa xuân, tháng giêng năm Bính Thìn, 1856, ta đi chơi núi Thủ Tiết gặp chuyện không vui. Đôi vợ chồng nai đang âu yếm nhau nơi bờ suối Nước Reo, nghe tiếng chân ta, một con ngoảnh nhìn, trợt chân rơi xuống bờ đá. Thấy con nai còn lại đứng ngẩn ngơ nhìn bạn tình đã chết, ta nghe nhói đau, và nghĩ đến nàng Khang. Con vật không nói ra lời được mà còn thế, huống hồ con người là giống biết dùng bút mực để tả lại nỗi niềm trong lòng. Không dám để con nai vừa mất bạn kịp oán hận mình, ta vội quày gót.
Hoa thạch thiết đương nở trắng hai bên bờ suối. Cứ nghĩ đến cái chết của nai, và nghĩ đến nàng Khang. Núi Thủ Tiết vốn nổi tiếng về loài hoa thạch thiết, thơm nhưng không tỏa ngát. Dừng lại một chút bên hoa, cái vô ảnh vô hình chắc chiu từ mưa nắng người đời gọi là hương hoa ấy phút chốc làm ta thấy bình tâm trước bao ngổn ngang của thế sự. Tương truyền, lúc nàng Khang chưa mất thì chưa có hoa thạch thiết. Nước mắt khóc bạn tình của nàng nhỏ xuống khiến đá động lòng muốn lưu lại trần gian chút dấu tích, nên mới có loài hoa kia mọc trên đá.
Mùa xuân năm ấy hoa thạch thiết nở muộn hơn mọi năm, giữa màu trắng tinh anh còn chen lẫn những nụ xanh. Cuối tháng giêng mà khí rét mùa đông năm trước chưa dứt. Qua suối Ràng, nước cắt buốt chân. Hồi cha ta còn sống, ta có hỏi thử sao suối ấy lại gọi suối Ràng. Dòng máu cày cuốc mấy chục đời truyền đến cha ta cũng chỉ cho ông đủ sức giảng giải theo cách nôm na: có nhiều loài dây rừng bò ràng rịt qua con suối nên suối mới có tên suối Ràng. Tạo hóa cũng thật lạ lùng. Đám dây rừng bò qua suối nước, đám lá rừng trôi đến đó bị ngản lại, tạo nên chốn giang sơn cho loài cá nép. Bạn ta là Vũ Huýnh, làm quan ở kinh sư, có lần về Lâm Thượng, cha ta cho ăn cá nép kho hành. Cơm nước xong, Huýnh kêu riêng ta: Ở đâu ra thứ cá ấy, kiếm một ít để đem về ngoài đó, được không? Ta nói: Ở kinh đô lắm sơn hào hải vị, đem thứ cá đen điu về ngoài ấy, không khéo bạn bè Vũ huynh lại chê cười xứ Lâm Thượng của ta? Do sống dưới lớp lá mục lâu ngày, da cá nép đen bóng, nhưng ăn lại nghe thơm mùi thơm của núi rừng sau cơn mưa buổi sớm. Huýnh đã đòi đi núi Thủ Tiết khi nghe kể lai lịch của loài cá nép. Đến suối Nước Reo, nghe ta kể chuyện nàng Khang ngồi ngóng bạn tình ở dốc Đợi, lại đòi đi tiếp. Nhưng vừa qua khỏi suối Ràng, Huýnh vấp dây rừng, ngã, trặc chân, bọn ta phải quay về.
Sáng nay, trên đường lên Cổng Trời, ta cũng vấp dây rừng, nhưng chưa ngã. Trong bài đi chơi núi Phật Tích của Phạm Sư Mạnh có câu Từ thị quái kỳ hưu thuyết trước. Thôi, đừng nói chuyện quái đản về họ Từ nữa. Ta cũng biết chuyện tình duyên của nàng Khang là chuyện ngàn năm trước, cũng hư ảo như cuộc kỳ tình Từ Thức, Giáng Hương. Dây dang rừng cứa chân ta, máu chảy. Nhưng ta thì cứ nghĩ đến cái chết của nàng Khang. Đường lên Cổng Trời một bên là suối Nước Reo, một bên là núi. Đi chơi núi có cái thú một buổi đường lội qua bao nhiêu bến nước của một dòng suối mà cứ ngỡ là đã vượt qua bao nhiêu sông suối. Đường lên Cổng Trời phải lội qua suối Nước Reo năm lượt. Cũng cùng con nước ấy, nhưng mỗi lần qua suối Nước Reo, ta lại hiểu thêm về sự kỳ công của tạo hóa. Có lần cha ta bảo Cổng Trời có tự buổi khai thiên lập địa. Hồi ấy còn nhỏ, đâu biết nghĩ ngợi, giờ mới thấy giật mình. Lời mộc mạc của kẻ cầm cày cuốc mà thâu tóm được cả cuộc hình thành của núi sông. Sáng nay ta đã lên tận cổng trời nơi xưa kia
nàng Khang đã nằm xuống. Con người ta có những phút thật lạ kỳ, bỗng rũ hết những phiền tạp của cuộc mưu cầu áo cơm. Lá rừng tháng giêng khoe sắc giữa lồng lộng thanh cao. Nắng không tị hiềm nhau. Gió không lớn tiếng nhau.Ta lắng nghe kỹ thì không phải tiếng chimVướt. Có người con gái ngồi nơi đỉnh núi, tóc xỏa kín lưng, lúc ta đến ngồi bên thì khẽ nghiêng đầu sang, nhắc lại lời vừa buột ra trước đó: Ông đi tìm em đó ư? Cứ để cho nàng vục đầu vào ta, thổn thức, còn ta thì nín lặng, nhìn lên Cổng Trời, thấy tựa hồ chốn điện các của các bậc đế vương, rồi vội nhắm mắt, thôi nghĩ, vì cứ sợ mất đi phút ảo mộng tuyệt vời chẳng thể tìm lại giữa chốn trần gian ô trọc.
Viết tại làng Lâm Thượng năm Tự Đức thứ mười một, mậu ngọ, 1858, cử nhân Nguyễn Cửu Kế .
_____
(*)
Tương truyền, có người con gái tên Khang biết chồng mình đã chết trên núi khi đi đốn củi nhưng vẫn cứ lên đỉnh núi ngồi chờ cho đến khi chết mới thôi, do vậy núi mới có tên Thủ Tiết. Kế viết bài ký núi Thủ Tiết xong thì gửi cho Huýnh bấy giờ vừa được thăng tả tham tri ở bộ Lễ là quan nhị phẩm ở triều. Đọc xong, Huýnh đã thư cho Kế: Việc triều trăm thứ, nhưng nhận được trước tác của Nguyễn huynh, phải đọc thôi. Lúc ấy có quan giáo thụ Lê Thặng ở Hải Dương về bộ Lễ thỉnh ý về việc lập nhà khuyến học ở địa phương, ta đã đem bài ký đọc cho Thặng cùng nghe. Vừa nghe xong, Thặng lắc đầu, kêu là văn chương đồi bại. Chẳng lẽ lúc ấy ta lại đi chia xẻ với Thặng sự đồng cảm của mình. Nay viết thư cho Nguyễn huynh , nói rõ chánh kiến của mình về Bài Ký Núi Thủ Tiết. Điều mừng cho Nguyễn huynh là cáo quan về sống ở chốn cư thôn heo hút mà vẫn giữ được tấm lòng với nền văn chương nước nhà. Nhưng chỗ làm ta vô cùng thất vọng là chỉ phút chốc đã làm hoen ố công kinh sử của Nguyễn huynh. Kẻ sĩ theo đạo thánh hiền là cả đời phải đem lập thuyết cao sâu của thánh nhân ra truyền bá trong thiên hạ. Đằng này, Nguyễn huynh lại cho một người đời nay đi yêu một người đàn bà đã chết tự nghìn năm trước, quan giáo thụ Hải Dương nói là văn chương đồi bại cũng phải thôi. Đọc xong thư Huýnh, Kế than: Ôi, hoạn lộ đã làm hỏng không biết bao nhiêu đứa có chữ nghĩa…