Thư gửi Nguyễn Quốc Trụ

 

Anh Trụ,

Tôi đọc anh trong SÀI GÒN NGHĨA LÀ GÌ? thấy anh dành cho Sài Gòn một tình yêu giống như một người viết sử bỗng thấy những sự kiện trong cuốn sử đang viết của mình như một người tình [hay những người tình] , anh không viết sử, mà  đang đọc Lawrence Durrell, và bỗng thấy Alexandria như Sài Gòn của mình, anh yêu Sài Gòn không phải chỉ như một người tình, mà có vẻ như Sài Gòn đã làm cho anh cao to hơn hồi còn ở Sài Gòn, tôi lại đọc lại SÀI GÒN NGHĨA LÀ GÌ, và lại thấy như anh đang hét lên: “Chính thành phố phải chịu xét đoán; nhưng chúng ta, những đứa con (của Sài Gòn), phải trả giá.[C’est la ville qui doit être jugée; mais c’est nous, ses enfants, qui devons payer le prix.]

***

“Đời của mi, ngay ở đây, tại nơi chốn vất đi này, mi đã làm hỏng nó…”

“Hãy nói lời giã từ thành phố mà mi đã đánh mất”

(Lawrence Durrell)

-Sài Gòn nghĩa là gì?

-Thiếu. Nhớ.

Khi viết xong tập đầu của một bộ bốn cuốn, về thành phố Alexandrie (Quatuor d’Alexandrie: Justine, Balthazar, Mountolive, Clea, lần lượt xuất bản từ 1957 tới 1960, Lawrence Durrell (1912-1990) đã viết thư cho bạn mình là nhà văn người Mỹ, Henry Miller; bằng một câu nói nổi tiếng, ông định nghĩa tác phẩm của mình: “Đây là một thứ thơ xuôi gửi cho một trong những thủ đô lớn lao của con tim: Thủ đô của hồi tưởng.”

Tất cả là giả tưởng. Chỉ có thành phố là có thực. Trong Lời Tựa cho cuốn Jusrine,  Henry Miller viết: ” Đây là một thành phố mà chỉ một người Anh lưu vong tự nguyện, sinh ra tại (dẫy núi) Himalaya, tìm thấy sự trưởng thành của mình tại Hy Lạp, chỉ người đó mới có thể làm cho nó tái sinh. Thành phố không chỉ đóng vai dàn dựng (décor): nó là một thực thể, một sinh vật sống động, mang hơi hám ma quỉ, được tạo nên bằng máu thịt, đất đá, tội ác, mơ mộng, và bằng cả huyền thoại.” “Những nhân vật làm nên cuốn tiểu thuyết cũng có một thực tại khác thường: tôi có thể đoan trước rằng họ sẽ gây sốc và hớp hồn một độc giả Âu châu. Trong họ, có tất cả bụi bặm và những cơn điên loạn của xứ sở Cận Đông.”

Henry Miller coi câu chuyện kể trải ra, không phải như diễn tiến của một cuốn tiểu thuyết bình thường: nó như soi nhiều tấm gương cùng một lúc; nó uốn éo trong một chất thiêng: ánh sáng. Một thứ ánh sáng siêu nhiên, tắm đẫm hồi tưởng.

Trong Lời Tựa cho toàn tập, ấn bản tiếng Anh, tác giả viết: Đây là một nhóm bốn cuốn tiểu thuyết, được đọc như là một tác phẩm đơn (a single work) dưới tiêu đề chung là Tứ Khúc Alexandria. Cũng có thể cho nó một tiểu đề là: một từ của sự liên tục (a word of continuum, liên tục không gian-thời gian theo Einstein). Theo G. Steiner, Durrell đã chuyển viễn tượng (thuyết) Tương Đối, vào ngôn ngữ và cách tự sự. Ông nhìn thành phố Alexandria theo bốn chiều.

Cuốn Justine xuất bản năm 1957. Đây là một thời điểm rất có ý nghĩa với những độc giả người Việt, nhất là người Việt di cư, và đã từng sống ở Sài Gòn vào thời kỳ đó. Justine đã là một trong những đề tài được đem ra thảo luận của nhóm Sáng Tạo, trong nỗ lực đả phá cái cũ (đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn), và cổ xuý cho một cái mới. Cá nhân tôi tin rằng, mấy ông trong Sáng Tạo “mê” Alexandria của Durrell, là bởi vì vừa mới mất Hà Nội! Phạm Công Thiện cũng rất mê Durrell, nhưng qua một bài viết của ông mà người viết đọc từ thuở nảo thuở nào, ông chỉ mê Justine, cô điếm thượng lưu của thành phố này thôi.

Nhưng đâu phải một mình ông!

Những trích đoạn, là về thành phố Alexandria, nhưng khi đọc chúng, Jennifer tôi tưởng tượng, đây là nói về Sài Gòn:

Chính thành phố phải chịu xét đoán; nhưng chúng ta, những đứa con (của Sài Gòn), phải trả giá.

(C’est la ville qui doit être jugée; mais c’est nous, ses enfants, qui devons payer le prix.)

Sài Gòn là một máy ép tình yêu; thoát ra khỏi, là những kẻ bịnh hoạn, những gã cô đơn, những bậc tiên tri, tất cả những kẻ dục tính bị tổn thương nặng nề.

(Alexandrie était le grand pressoir de l’amour; ceux qui en réchappaient étaient les malades, les solitaires, les prophètes, tous ceux enfin qui ont été profondément blessés dans leur sexe). 

Nàng là ai? Cái thành phố mà chúng ta đã chọn lựa?

(Qui est-elle, cette ville que nous avions élue?)

Hãy chừa riêng ra cho anh, những vết thương tình mà anh chia sẻ với Sài Gòn.

(Épargne-moi les blessures de l’amour partagé avec Justine).

Lũ đàn ông chúng mình, đều được tạo ra bằng bùn và quỉ ma của Sài Gòn.

(Tout homme est fait de boue et de daimon (1), et la femme ne peut pas nourrir ces deux côtés de sa nature à la fois: Mọi người đàn ông đều được tạo nên bằng bùn và quỉ ma, và một người đàn bà do bản chất, không thể nuôi nấng cả hai khía cạnh này cùng một lúc).

______(1) Theo tiếng Hy Lạp cổ, daimôn có nghĩa là “thiên tài che chở” (le génie protecteur), từ này sau có nghĩa là quỉ ma (démon), và còn được chỉ những nhân vật “trung gian” giữa thần và người. (Chú thích bản tiếng Pháp, dịch từ nguyên tác tiếng Anh, của Roger Giroux, nhà xb Buchet-Chastel, 1959, lần tái bản tháng Năm, 2000)

***

Anh, hầu như muốn chia xẻ mọi thứ với Lawrence Durrell, anh cũng  đã viết Tứ Tấu Khúc còn gì: ​http://www.tanvien.net/sangtac/st_lan_huong.html​​​ còn tôi thi xin chia xẻ với anh, một chút, là Sài Gòn là cái máy ép tình yêu, Sài Gòn đã làm cho tôi có một tình yêu rất thật, tận hồi  còn ngồi ghế  đại học ở đó,  hồi những năm 69 70 : ​http://nguyenthanhhien.com/tho/nhung-to-khuc-phu-sa/​​​

Chúc anh  an lạc ở xứ người