Bình Chiêm ký

Làm xong bài tự thuật, trong đó có câu trông suốt bầu trời chỉ thấy mây bay phơi phới, vua sai vực mình ra ngồi dựa ghế ngọc, truyền ngôi cho thái tử, rồi chết.(1) Ông vua ấy ở ngôi ba mươi tám năm, lấy hiệu Quang Thuận mười năm (1460-1469), lấy hiệu Hồng Đức hăm tám năm (1470-1496), và lúc chết cũng cao sáng như lúc sống. Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư gòm mười chín cuốn, thì đã dành đến hai cuốn để chép cho ông vua ấy : “…sáng lập chế độ, văn vật khả quan, mở mang đất đai, cõi bờ khá rộng, thật là bậc vua anh hùng, tài lược, dẫu Vũ Đế nhà Hán, Thái Tông nhà Đường cũng không thể hơn được”.

Và ngày hôm đó ngự giá khởi hành, trời mưa nhỏ, có gió từ phương bắc thổi lại, nên vua có thơ rằng “bách vạn sư đồ viễn khải hành, xao bồng vũ tác nhuận quân thanh”, trăm vạn quân lính mở đường đi xa, giọt mưa lách tách đập vào buồng thuyền làm tăng thanh thế của binh sĩ. Ngày hôm đó là ngày mười sáu tháng mười một, mùa đông, năm Canh Dần, 1470, sau khi ban hăm bốn điều quân kỷ, vua thống lĩnh hăm sáu vạn binh tiến về phương nam làm cuộc bình Chiêm, giữ yên cõi bờ của nước. Ở đất Hóa Châu người dân Đại Việt đêm nằm nghe tiếng con gà dân Chiêm gáy ở bên động Cổ Lũy.  Nhưng đấy là chuyện của người dân hai nước Chiêm, Việt. Còn chuyện phên dậu giữa hai quốc gia thì phiền tạp, nhiêu khê. Có chuyện ngự giá bình Chiêm của vua Hồng Đức là do trước đó bốn tháng, vua Chiêm, Trà Toàn, đã xua quân xâm lấn Hóa Châu.

Thời Lý, biên cương phía nam của nước Đại Việt ngang dãy Hoành Sơn, tức từ tỉnh Hà Tĩnh ngày nay trở ra. Năm 1068, vua Chiêm, Chế Củ, lấn chiếm biên thùy. Nên năm sau, 1069, vua Lý Thánh Tông phải ngự giá thân chinh, đem quân từ Thăng Long tiến vô cửa Thi Nại, lên hãm thành Đồ Bàn, kinh đô của nước Chiêm.  Chế Củ đem ba châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh để chuộc lấy mạng sống của mình. Biên giới Đại Việt mở vào đến đất Quảng Bình và bắc Quảng Trị ngày nay.

Thời Trần, vua Chiêm. Chế Mân, cưới công chúa Huyền Trân, con gái vua Trần Nhân Tông, đem châu Ô châu Lý làm sinh lễ. Ô, Lý đổi thành Thuận Châu, Hóa Châu, nay là đất nam Quảng Trị, Thừa Thiên và bắc Quảng Nam. Nhưng sau đó, vua Chiêm dũng mạnh Chế Bồng Nga, đã xua quân sang Đại Việt, đánh vào tận kinh thành Thăng Long, nên năm 1377 vua Trần Duệ Tông phải ngự giá bình Chiêm. Vua mặc áo đen, cỡi ngựa nghê thông, đem quân tiến vô cửa Thi Nại, rồi trú ở động Ỷ Mang. Nhưng chưa hãm được thành Đồ Bàn như vua Lý, đã bị phục binh của Chế Bồng Nga, tử trận.

Như thế, cho đến hôm mùa đông năm Canh Dần, 1470, trải qua ba triều Lý, Trần, Lê, trong khoảng bốn trăm lẻ hai năm, có ba ông vua ngự giá bình Chiêm. Lúc cầm quân đi đánh Chiêm, vua Lý Thánh Tông bốn mươi sáu tuổi, vua Trần Duệ Tông bốn mươi tuổi, còn vua Lê Thánh Tông mới hăm tám tuổi. Mục tiêu tiến quân của cả ba vua là thành Đồ Bàn, kinh đô của  Chiêm quốc.

Trước khi xuất quân, vua Lê Thánh Tông đã vào tấu cáo ở Thái Miếu: “Thần là kẻ ít tuổi, bất tài, vào nối nghiệp lớn chỉ mong yên dân, giữ nước, đâu dám dùng nhảm việc binh. Chỉ vì giặc Chiêm ngu xuẩn, điên cuồng dòm ngó nước ta, …mọi người đều cho chúng là loài rắn độc hung tàn, là mối lo cho sinh linh trong cõi ” (2) Lời tấu cáo có phần ít hợp với vị chủ soái Hội Tao Đàn, lúc chơi núi Dục Thúy có những câu thanh khoát ”cao đột ngột như đèo, ngọn ngọc lạnh lùng, tìm đến chùa hoang cỡi gió mà lên” Phải chăng người chép sử đã thêm vào để tăng thêm phần chính nghĩa cho cuộc viễn chinh kia ?

Tháng mười một khởi hành, tháng mười hai đại quân đến Thiết Sơn, theo sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục là thuộc đất Nghệ An. Trong khi đó, cánh quân thủy của thái sư Đinh Liệt và thái phó Lê Niệm bị hỏa tai. Vua liền xuống chỉ dụ: “Vừa mới ra quân mà lắm chuyện như trò trẻ con, có một vụ cháy mà bị chết  bị thương gần ba mươi người. Cứ ý ta xét, thì thật là kém quá “ (3)

Tháng giêng năm sau, mùa xuân, Tân Mão, đại quân đến đất Thuận Hóa. Quan địa phương vẽ địa đồ nước Chiêm, dâng lên vua. Đích thân vua soạn Bình Chiêm Sách, nói có mười lẽ tất thắng, ba việc đáng lo, rồi sai dịch ra quốc ngữ cho ba quân thấu hiểu. Lại lệnh cho quân sĩ ra biển tập thủy chiến.

Và sai quan địa phương xuất kho thóc Thuận Hóa, nấu xôi cả vỏ để làm binh lương.

Ngày hăm bảy tháng hai, Tân Mão, 1471, vua tự mình đem đại quân phá thành Thi Nại, chém hơn một trăm thủ cấp. Ngày hăm tám tháng hai, vua tiến vây thành Đồ Bàn. Ngày mồng một tháng ba, hạ được thành Đồ Bàn, bắt sống hơn ba vạn, chém hơn bốn vạn thủ cấp, và bắt sống được vua Chiêm, Trà Toàn.(4) Đất Đại Việt từ đấy trải dài đến tận núi Thạch Bi, bên kia đỉnh Cù Mông, cực nam tỉnh Bình Định ngày nay.

Và đây là cuộc gặp gỡ giữa hai vua, lúc dứt gươm đao :

“ Trà Toàn cúi đầu, quì xuống. Vua hỏi qua người phiên dịch,  rằng  “ngươi là chúa nước Chiêm phải không?”.Toàn trả lời “Phải”. Vua hỏi”Có biết ta là ai không?” Toàn đáp “Nhìn thấy phong thái đã biết là thánh thượng rồi”…Vua nói với Toàn “Trong đám gươm đao, ta sợ ngươi bị hại, nay, may mà còn sống đến đây, ta thực yên lòng” Rồi sai đưa Toàn ra Ty Trấn Điện làm nhà nhỏ cho ở đấy.  Các quan dẫn Toàn ra hơi gấp. Vua bảo “Đưa đi thong thả thôi, người ta là vua của một nước, sao lại bức nhau đến như

vậy” (5)

Làm sao một người như vua Lê Thánh Tông lại không thấu nỗi khổ đau của một ông vua chiến bại.

Ngày mồng hai tháng ba, vua lệnh rút quân về. Ngày mồng tám tháng tư, đại quân về tới Thanh Hóa. Giá vua Chiêm, Trà Toàn, không vì lo lắng, sinh bệnh mà chết ở đất Thanh Hóa, thì thế nào cũng được vua Lê Thánh Tông cho trở lại nơi “buông tầm mắt nhìn ra tứ phía, ngàn dặm gần như một tấc một gang, những cánh đồng cỏ bao la xanh mướt đến tận chân trời, núi non cao thấp trùng điệp, hang hốc thanh u, nơi thì nhô ra, chỗ thì hõm vào, uyển chuyển mà hùng vĩ, chẳng chỗ nào không phô cái kỳ quan dưới tháp dưới đài, đó là cảnh trí hùng tráng của Đồ Bàn vậy ” (6)

Có ba ông vua mang gươm đi giữ nước, bước đi trên đất Đồ Bàn. Từ cửa Thi Nại tiến vô Đồ Bàn Thành là đầm lầy hoang dã, sông sâu, suối lạ, là những đồn tháp tiền tiêu của kinh đô Chiêm quốc, Chiêm quân luôn lăm le gươm súng, là xương phơi, máu chảy. Nhưng sử chép chỉ tắt một lời, ngày ấy dẹp được chốn ấy, bắt được, chém được chừng ấy. Dường nhà chép sử chỉ cố khắc chạm dung mạo của một vị vua, lâm chiến thì sách lược, hùng tài, nhân ái với ba quân, dứt gươm đao thì thì đem nhân từ trang trải cùng kẻ chiến bại. Bỡi vậy, những thế kỷ sau đó, chất nhân sinh của cuộc bình Chiêm vẫn còn thấm đậm trong cuộc chung đụng giữa những người dân Đại Việt đa chủng, thấm đậm trong những bài ký nối tiếp bài ký bình Chiêm, chép về mảnh đất Đồ Bàn đầy dấu tích oai liệt của tổ tiên xưa. “ Ngã dục thừa phong lăng tuyết đỉnh, vọng cùng vân hải hữu vô gian “ Ta muốn cỡi gió lên tận đỉnh, trông tận khoảng lờ mờ như có như không của biển mây “

Cái chí ấy của ông vua hăm tám tuổi đeo gươm đi giữ nước cũng là cái chí của lớp hậu thế hôm nay vậy.

Nam Tượng-Qui Nhơn

10/1999

 

——

(1)Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, mục Nhân Vật Chí.

(2), (3) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, kỷ Lê Thánh Tông

(4) Gheo số liệu trong ĐVSKTT, kỷ Lê Thánh Tông

(5)ĐVSKTT , kỷ Lê Thánh Tông.

(6)Đồ Bàn Thành Ký, hoàng giáp Nguyễn Văn Hiển, bản dịch của Tô Nam- Nguyễn Đình Diệm.