Anh ấy là bạn nối khố của tôi từ lúc còn học ở trường làng Lâm Thượng. Chia nhau từng viên kẹo ngọt . Che dấu cho nhau từng trò nghịch ngợm ở lớp . Đậu tú tài cùng khoá . Rồi cùng rủ nhau vào học văn chương ở Đại học Sài Gòn. Lấy bằng cử nhân xong thì mỗi người một ngả . Bọn tôi đi làm tư nhân dạy giờ ở hai trường khác nhau trong tỉnh . Thời ấy , tư nhân dạy giờ là loại thầy giáo hưởng lương theo số giờ mình dạy được. Ba tháng sau thì anh bạn tôi được chuyển vào ngạch công chức nhà nước , hưởng lương tháng cố định . “Bọn ta đã từng chung đèn sách trong bấy nhiêu năm , thì nay hãy cùng chung nhiệm sở cho trọn nghĩa kim bằng “ . Lúc viết thư cho tôi thì anh đã được bổ làm giám học của trường . Chức danh ấy như hiệu phó phụ trách chuyên môn , theo dõi học hành, thi cử, kể cả phân giờ dạy cho các giáo viên . Tôi xúc động làm dơn xin chuyển chỗ dạy ngay . Và nguyện vọng của tôi cũng được Sở học chánh đáp ứng ngay .
Vừa mới kịp mừng gặp lại bạn cũ, thì liền nghe những điều không hay về anh ấy . Chẳng hiểu sao , tôi mới chuyển về nhưng hầu hết anh em giáo viên trong trường đều đến nhà chơi , tâm sự, thậm chí có người còn biết anh ấy là bạn chí thân của tôi . Đại khái mọi người đều cho anh ấy là loại người thủ đoạn, biết cách luồn cúi cấp trên , vì mới ra trường nửa năm đã vào ngạch công chức , rồi vọt lên ghế giám học của một trường cấp ba – Sự thật ? Hay đố kỵ tài năng ? Lòng tôi hoang mang quá đỗi . Bỡi thấy anh vẫn chân thành cởi mở như thuở nào .
Rủ anh đến nhà trọ của mình uống rượu vào tối ấy là để dò thử anh có thay đổi như những dị nghị kia không .
– Cậu chớ chối từ chén rượu giữa lúc có gió xuân thổi .
– Phải . Khuyến quân mạc cự bôi . Nếu chối từ không uống, thì xưa nay còn ai ?
Bọn tôi mượn thơ Lý Bạch để mở đầu cuộc rượu. Không khí văn chương lập tức được hâm nóng .
Anh bạn tôi nốc cạn ly, khà một tiếng :
– Thằng cha Lý bạch tài thật . Chỉ mỗi lão là uống rượu một mình được .
Tôi cãi :
– Ông Bạch Cư Dị thỉnh thoảng cũng lấy rượu ra , nghiêng vò uống một mình kia .
– Phải, phải . Tớ đã nhớ ra . Vãng vãng thủ tửu hoàn độc khuynh . Câu thứ bảy mươi mấy trong Tỳ bà hành .
Từ chuyện uống rượu một mình của họ Lý, bọn tôi nhảy sang chuyện giọt lệ Tầm Dương của quan Tư Mã Giang Châu .
Anh bạn tôi cao hứng đứng lên :
– Tớ hết dạy, về hưu, đi dạo ở bến Tầm Dương, chợt nghe có tiếng đàn lanh lảnh trên sông, liền bước tới , thì thấy người thiếu phụ ôm đàn tỳ bà ngồi nín lặng ở cuối thuyền. Gọi đến nghìn vạn lần nàng mới bước lại . Đoạn cúi mày , để cho tay tiếp tục gảy đàn , nói ra hết thảy các việc không bờ bến trong lòng .
– Có phải người rơi lệ nhiều nhất là cậu không ? Vạt áo xanh của ông giáo về hưu ướt đẫm nước mắt ?
Anh bạn tôi nốc cạn ly , rồi nói như ngâm :
– Ta hồ ! Văn chương chi sự , thốn tâm thiên cổ .
– Than ôi . Cái việc văn chương, một tấc lòng mà để nghìn năm . Phải . Hơn nghìn năm sau, khúc đàn thơ ấy còn làm động lòng những Chu Mạnh Trinh , Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương … cùng hàng vạn người trên thế giới .
Tôi cao hứng đọc luôn bài ca dao mình vừa mới cho học trò chép hồi buổi sáng .
Khoai lang Đồng Phó
Đậu phụng Hà Nhung
Chàng bòn, thiếp mót , để chung một gùi .
Chẳng qua duyên nợ sụt sùi .
Chàng giận chàng đá cái gùi thiếp đi
Chim kêu dưới núi Từ Bi
Nghĩa nhân còn bỏ huống chi cái gùi .
Anh bạn tôi buột kêu :
– Ca dao mà như bài ấy thì tuyệt
Tôi nói :
– Tớ cho đó là một tiểu thuyết về tình yêu .
Anh bạn tôi có vẻ ngạc nhiên :
– Lần đầu tiên nghe cậu nói đấy .
Tôi đáp :
– Chương một, gặp gỡ giữa hai người . Chương hai, đổ vỡ . Chương ba , cảm nghĩ của chim .
– Cảm nghĩ của chim ? Hơi lạ đấy. Cứ nói tiếp đi .
Tôi tiếp :
– Chàng và nàng nghèo lắm . Khoai , đậu ở đây là nhặt mót được sau mùa thu hoạch của người khác . Khoai lang vụn, đứt , mươi củ không được nửa củ nguyên . Đậu phụng mươi hạt, không lấy dược nửa hạt chắc . Nhưng mớ gia sản kia đã được cất giữ giữa chốn thành trì cao dày không đo đếm xuể là tình yêu cao khiết chân thành . Rồi chẳng hiểu vì sao , tình yêu ấy bỗng biến thành mây khói, tuôn qua những kẽ nan gùi , để loài chim trời ở suối Từ Bi nghiêm khắc cất lên lời chê trách .
Anh bạn tôi cắt ngang :
– Tiếng chim ở đây cốt thêm chất bi thương . Nhưng cậu đã tuỳ tiện cho đó là lời chê trách ?
Tôi nói :
– Cậu quên ư ? Thi pháp Á Đông ta vẫn là kiểu ý tại ngôn ngoại. “ Chẳng qua duyên nợ sụt sùi “, đằng sau những lời nhẹ nhàng tưởng bình thường ấy , biết bao điều cho ta suy nghĩ . “ Chẳng qua “ chàng vớ được chỗ nhan sắc hơn hoặc giàu sang hơn để dễ bề nhảy lên chỗ đứng cao sang giữa cuộc đời trần thế , nên đã nhẫn tâm đá đổ cuộc tình tưởng chừng nhận xuống tuyền đài không tan . Nói nghiêm khắc , là sự phản bội quá mức tàn nhẫn . Đến nỗi, lời chê trách con người đã phải thốt ra từ cửa miệng của loài cầm thú.
Anh bạn tôi đổ hắt chung rượu trên tay .
– Cậu muốn ám chỉ ai ?
Tôi cố nén giận, đáp :
– Tớ chỉ nói theo diễn biến của thơ . Còn suy diễn là việc của cậu .
Qua tháng sau, tôi đến phòng giám học nhận thời khoá biểu của tháng mới , thì thấy số giờ dạy hàng tuần của mình chỉ còn phân nửa .
Anh bạn tôi giải thích :
– Một số thầy giáo mới sắp bổ về . Nên giờ dạy phải giảm .
Tôi nghe đau nhói trong lòng. Số giờ dạy còn phân nửa có nghĩa số lương mình nhận được sẽ chỉ còn đủ ăn trong nửa tháng . Nhưng đau hơn là người bạn chí cốt của mình đã quá đổi thay .
Thấy tôi bị cắt giảm giờ dạy, anh em giáo viên trong trường lại tỏ ra quí mến tôi hơn.
Ba tháng sau đấy thì có quyết định của Sở học chánh chuyển tôi đến một trường khác , với lý do trường đương nhiệm không có giờ dư để phân cho tư nhân dạy giờ nên đã trả tôi về Sở .
Hôm đến phòng giám học để chia tay, anh bạn tôi hỏi :
– Cậu về Lâm Thượng, sau đó mới đến nhiệm sở mới ?
Tôi đáp :
– Phải về quê báo cho ông bà cụ hay chuyện này chứ . Cậu có nhắn gì về nhà không?
Anh bạn tôi im một lúc , rồi đứng lên bắt tay tôi .
– Lúc đi học, chiếc bàn ngồi ở lớp là chung . Nhưng khi bước vào cuộc trần ai này thì mỗi đưa phải có một chỗ đứng riêng . Ở đây là chỗ đứng của tớ. Nên cậu phải đi nơi khác .
Tôi nắm chặt lấy bàn tay anh ấy :
– Tớ hiểu .
Đã về đến con đường làng quen thuộc, nhưng tôi cứ tưởng như mình đang bước đi trên bờ suối Từ Bi có tiếng chim trời cất lên đâu đó : “ Nghĩa nhân còn bỏ huống chi… huống chi . “
Tháng 11.1997.