sau big bang

 

 

 

 

 

 

 

                            Kính tặng các tiền nhân khai sáng đất nước 

 

 

Có người bảo cuốn tạp thế sử được chép vào
thời trên thế giới xuất hiện hàng loạt các thi nhân,
triết gia, sử gia, thời của các vĩ nhân, nhưng
kẻ bảo sách không phải sử, mà là những sấm
ngôn được nói ra từ cửa miệng của một vị
thần nào đó có duyên nợ với nhân gian, bỡi
niên đại của sách không chép theo kiểu lấy
năm công nguyên mà lấy vụ nổ lớn (big bang)
làm mốc. Mà thôi, những chuyện đó là chẳng
quan trọng, điều đáng suy nghĩ có phải sách
là chép cho loài giống người đương đại hay
chép cho một loài giống người chưa hoàn chỉnh
nào đó, cũng thuộc họ người, nhưng khoa học
ngày nay chưa phát hiện được.
Sau khi bỏ ra công sức (quá lớn) để sửa chữa
sắp đặt lại sách, tôi mạo muội đề tên tác giả là
tên của mình cho tiện bàn luận khi nói
đến chuyện sở hữu trí tuệ, và nếu như đấy là
một cuốn tạp thế sử thì sử văn chẳng qua cũng chỉ
là một thứ văn chương hư cấu, do vậy tôi mới
xếp sách vào loại tiểu thuyết theo kiểu sắp xếp
đương đại.                                                            

 

 

                                                       văn chương là vẻ sáng đẹp
                                                       của con người,
                                                       cho nên văn chương sẽ tàn phá
                                                       hết thảy những gì không phải
                                                        văn chương.
     dụ ngôn trên núi

 

 

Một  

đằng sau mỗi tiếng khóc nhân gian là có hằng
loạt những xô đẩy, những chen lấn, những cướp

bóc, những hoán đổi, những mưu mô, những
gian dối, những băng đảng, những nụ cười khả
ố, những lời
chói tai như tiếng sủa của lũ chó
không còn đủ tư cách để sủa
 

 

[…] ô môi quốc, năm thứ 14 tỉ sau big bang,

vũ trụ vẫn tiếp tục giãn nở, biển bắc có phần cạn hơn so với năm trước, vua ô môi săn kỳ lân ở cực bắc, gặp lúc tuyết rơi dày, vua kêu buồn, quan trưởng vương hối người về kinh mang thêm ca kỹ và rượu, nhưng vua bảo đừng, buồn là vì nghĩ đến chuyện luật lệ đã lỡ đặt ra, hãy dẹp hết các thứ ấy đi, vua nói, nhưng dường như là chưa phải lúc, thưa bệ hạ, nghe chó nao trắng tru, quan trưởng vương thưa nói, ở ô môi có chó nao trắng tru là có điềm không lành, chó là chó mà người là người, cả những lề thói tổ tiên để lại cũng dẹp hết cho ta, vua nói, mấy hôm sau có chiếu truyền rằng vua không truyền ngôi như cách xưa nay, sau khi chết coi như vua vẫn ở ngôi cho đến khi

có số năm trị vì bằng mười lần số năm trị vì khi còn sống mới truyền cho con.

 

[…] ô môi quốc, năm thứ 14 tỉ sau big bang,

dân ô môi có thói quen ăn mỗi ngày một bữa, nhưng gặp lúc tuyết rơi dày, không săn được con tê tê, năm bảy ngày mới ăn một bữa, gặp lúc tuyết rơi dày thì đến cỏ cũng chẳng đủ ăn mỗi ngày một bữa.

 

phụ lục,

sách hồn trần có đoạn, một gương mặt của một ngọn núi hay dòng sông cũng chỉ là cách thoáng hiện của vĩnh hằng, đằng sau mỗi tiếng khóc nhân gian là có hằng loạt những xô đẩy, những chen lấn, những cướp bóc, những hoán đổi, những mưu mô, những gian dối, những băng đảng, những nụ cười khả ố, những lời vặn vẹo chói tai như tiếng sủa của lũ chó không còn đủ tư cách để sủa, đằng sau mỗi tiếng hát nhân gian là cả một vũ điệu của những dãi thiên hà, của những thành phố của sao, múa và hát vốn là hình bóng của những chuyển động vĩnh hằng, dáng ai đi giữa miền cổ lục, suốt cõi phù du…

 

phụ lục,

sách trần ai chép, vua ô môi có gương mặt chó, nên mỗi khi dân ô môi lấy máu chó vung   lên trời để trừ tà ma dịch bệnh thì nhà vua cứ sủa lên ông ổng khiến cho bá quan hoảng sợ. 

 

 

Hai  

thế giới là một cuộc trưng bày những sáng

nghĩ của con người có khi như là cách bày

tỏ niềm kiêu hãnh của con vật biết tư duy

một kiểu chơi trội có phần tàn nhẫn ác ý

nhưng là cốt để phô trương thân thế sự nghiệp

trong cuộc biến đổi khôn lường

 

[…]vương quốc tì liên, năm thứ 14,01 tỉ sau big bang,

phía tây nước tì liên có ngọn phướng dương, cao, lạnh, mùa tuyết rơi dày trông núi tựa ông cụ tóc trắng ngồi co ro dưới trời, đời vua tông tông cho lấy đất núi ấy để xây trường lũy, đào bới suốt mấy ngàn ngày đêm, một hôm trông thấy có cánh tay từ trong lòng núi thò ra, vẫy, hay thay cách làm của con người, đấy là lời cánh tay nói với những người đào núi, nghe thuật, vua tông tông mừng lắm vì được thần linh khen, ở nước tì liên người ta sợ vua hơn là sợ thần, chưa xây xong trường lũy, vua tông tông đã chết, vua tổng tổng nối ngôi vua cha hỏi vua chết dân có buồn không, cả nước đều nói là buồn, có điều do rán sức mà buồn nên đã chết gần cả nửa nước,

 

[…]vương quốc tì liên, năm thứ 14,01 tỉ sau big bang,

nước tì liên phía tây giáp núi, ba mặt còn lại là giáp các nước bôn la, hoắc đô, thác mạ, trừ bôn la là nước lớn, còn hai nước kia chỉ là tiểu quốc, nền giao hảo với lân bang vốn dĩ bình yên, nhưng vua tông tông vốn lo xa, sợ những thứ không hay thâm nhập đất nước mình nên mới cho xây trường lũy bao quanh đất nước, tì liên bấy giờ đất hẹp nhưng dân lại quá đông, do vậy mà vua chẳng sợ chuyện nhân lực trong việc xây trường thành, đôi vợ chồng nào đẻ mỗi năm một đứa con thì vua miễn cho các sắc thuế, có nghĩa phải rút bớt ngắn lại thời mang thai thì mới kịp đẻ một năm một đứa để khỏi đóng các thứ thuế, đấy là kế sách trị nước lâu dài của vua, quả nhiên việc xây trường lũy kéo dài đến đời vua tồng tồng, cháu bảy đời vua tông tông, mà lúc nào nhân lực cũng dồi dào, cả thế giới kéo tới xem lúc trường lũy xây xong, có điều, lũy cao quá, dày quá, nên chẳng có thứ gió nào và tiếng động nào ở bên ngoài lũy lọt vô được đất nước tì liên,

 

[…]vương quốc tì liên, năm thứ 14,01 tỉ sau big bang,

các thiên hà bỏ nhau mà chạy có phần nhanh hơn năm trước, các hạt hạ nguyên tử vẫn chuyển động theo mức cũ, tự dưng đêm đến lại nghe có tiếng sấm phát ra từ phía núi phướng dương, dân tì liên vẫn nghe kinh như thường lệ, ở tì liên việc nghe kinh cũng giống như việc ăn cơm, tức, không nghe kinh cũng chết như việc không ăn cơm, có điều, một ngày đêm chỉ ăn hai bữa cơm, nhưng một ngày đêm nghe đến bốn bữa kinh, kinh sáng với kinh tối là nghe ở nhà, nghe kinh ở nhà là tự nghe ở trong đầu những lời mình đã nhớ được, tức là nghĩ lại nhớ lại những gì đã thấm vào đầu óc, kinh giữa trưa và kinh nửa đêm là phải đến nhà nghe kinh chung mà nghe, ở tì liên thì vua thay thần để trị dân trong nước, còn các tù trưởng thì thay thần để trị dân trong bộ tộc, cho nên nghe kinh ở nhà nghe kinh chung là nghe kinh được nói ra từ miệng tù trường, cũng chẳng biết có phải nghe kinh nhiều quá hay không mà dân tì liên người nào cũng mang thứ bệnh điếc không ra điếc, có nghĩa không phải là không nghe, mà chỉ nghe thứ đã ngấm vào tai, tức, những lời đã trở thành thịt xương của mình,

 

lời chú,

bấy giờ các sách thuốc lưu hành trong nước đều chép giống nhau về căn bệnh điếc không ra điếc là thứ bệnh do nghe nhiều quá mà hóa ngu, không nghe là do ngu mà không nghe, chứ không phải do điếc,  

 

phụ lục,

bài ký núi phướng dương

ta lên núi phướng dương là để tìm lại hình bóng người bạn đã khuất

cũng mùa tuyết rơi nhiều thế này ta với họ mịch

bạn ta

đã cùng lên phướng dương

“sáng nay trên đường đi trông thấy cá chết ông khuốc có nghĩ một ngày nào sẽ đến lượt con người?”

họ mịch bạn ta hỏi lúc bọn ta đến lưng chừng núi

ta chẳng biết trả lời sao

bỡi chẳng lẽ cá với con người là cùng chung số mệnh

giá buốt

sáng hôm ấy núi phướng dương có vẻ ủ rũ như kẻ chán sống

sở dĩ ta với họ mịch bạn ta tìm đến giá buốt

là để đem giá buốt trong lòng mình ra so thử với giá buốt của núi

“tuy có khác với con người cách thở nhưng đều là sinh linh trong trời đất cho nên khi cá chết thì   trước sau con người cũng chết”

bạn ta vẫn trở đi trở lại với thứ ý nghĩ không mấy vui

ta nói cứ sáng ra thấy ngày nào cũng là ngày mới sẽ quên đi những lo âu

bạn ta chỉ im

và sau đó không lâu

cũng vào một ngày mới như ta nói

người ta đã phát hiện thấy con người hết mực nhân tình ấy nằm chết trên con mương đồng làng có nhiều xác cá

họ khuốc ta lên núi phướng dương lần này cốt là để khuây khỏa nỗi nhớ bạn

chỉ có giá buốt

thế giới là một cuộc trưng bày những sáng nghĩ của con người

có khi như là cách bày tỏ niềm kiêu hãnh của con vật biết tư duy

một kiểu chơi trội có phần tàn nhẫn ác ý

nhưng là cốt để phô trương thân thế sự nghiệp trong cuộc biến đổi khôn lường

nhưng cuộc trưng bày không biết mệt mỏi ấy đôi khi tựa một thứ mù lòa

ai đó đã bí mật đem ban tặng cho con người tự thuở ban đầu

dường như từ lúc có mặt trên mặt đất này

thì mù lòa tựa như một thứ bản tính phải có ở con người

ở đằng sau cuộc chơi dai dẳng ấy

nhất định là phải có ai đó

“nhưng chẳng lẽ nhà ngươi không biết ai là chủ cuộc chơi?”

“thưa, có biết nhưng chẳng dám nói ra”

ai đó từ trong lòng núi đang vẫy tay gọi ta

hỏi

và liền đó thì diễn ra cuộc trò chuyện giữa ta với thinh không

“nhưng chẳng lẽ nhà ngươi không biết trường thành cao dày là đang làm cho cả nước ngộp thở hay sao?”

“thưa, có biết”

“nhưng chẳng lẽ nhà ngươi không biết khi cả đêm ngày tai óc bị nhồi nhét những lời giả dối thì con người trở nên điên cuồng ngu ngốc hay sao?”

“thưa, có biết”

“nhưng nhà ngươi chẳng biết những gì đang diễn ra là đang làm cho tri thức thối rữa, hơi thở con người chứa toàn tri thức thối rữa đã làm cho cá chết, lúa chết và cả người cũng chết hay sao?”

“thưa, có biết”,

 

 

Ba

con chim cưu khoe với chim bằng về cách

bay lượn của mình, nắng, ta uống ánh mặt

trời, no, xuống nằm nơi bờ suối, để cho ngọn

gió khởi lên từ con suối thấm vào những ý

nghĩ nhỏ nhoi của mình, ai lại đi khoe những

thứ nhỏ nhoi, nghe bằng chê, cưu cười,  

khoe cái nhỏ, bỡi người ta chỉ làm được cái

nhỏ, hóa ra cái cách của muôn loài là thế,

bằng nói, và vỗ cánh bay đi làm rợp cả một

khoảnh trời đất

 

[…] mạt na mạt năng, năm thứ 14 tỉ lẻ 500 triệu sau big bang,

các sông băng ở nam cực lở, đất như cứ nóng dần lên, cá ở hồ trạch linh bỗng mửa ra toàn máu, mấy hôm sau, vào khoảng giữa khuya, người ta nghe thấy có nhiều tiếng khóc trẻ thơ từ hồ vọng vào làng, sáng ra người làng phát hiện một lũ trẻ sơ sinh đang ngoi ngóp nơi mặt nước của hồ, vội vã vớt lên, làm các thứ cứu người đắm nước, hết thảy đều sống, trẻ trai có, trẻ gái có, đứa nào cũng có cái vi nhỏ ở nơi nách, nên mới biết lũ chúng là con của lũ cá.

 

lời chú,

hồ trạch linh nằm ở giữa nước mạt na mạt năng, tương truyền thuở hồng hoang có hòn đá trời rơi xuống nơi đó khoét thành cái hố rộng mênh mông, mưa đọng lâu ngày thành ra cái hồ nước lớn, cũng chẳng ai biết tên trạch linh có tự thuở nào, chỉ nghe nói sở dĩ có tên gọi ấy là vì hồ rất thiêng,  

 

[…] mạt na mạt năng, năm thứ 14 tỉ lẻ 500 triệu sau big bang,

các sách địa chí ở mạt na mạt năng đều nói mạt na mạt năng là tên của người khai sáng ra đất nước, vốn là loài thủy tộc, lên bờ lâu ngày mà thành người, là loài cua biển thì phải, sở dĩ nói người khai sáng đất nước gốc cua biển, bỡi vì thuở ban đầu người mạt na mạt năng thờ bóng đêm, các sách chép về các loài động vật cổ thường nói loài cua biển thay mu vào lúc tối trời, có nghĩa, thờ bóng đêm là thờ sự tồn sinh của loài giống, ban đầu là thờ bóng đêm, có thể nói bấy giờ là quốc giáo, người đứng đầu nước có danh hiệu là “toàn chân”, ngài “toàn chân” cũng là kẻ thay thần bóng đêm cai trị nước, nhưng đến đời ngài toàn chân thứ một trăm lẻ tám thì dường như thần bóng đêm bị thất sủng, bỡi bấy giờ có trào lưu cách mạng nổi lên ở đâu tận phía mặt trời lặn, người ta muốn đạp đổ việc thần thánh, bỏ chuyện thờ thần, quay sang thờ người, bấy giờ thì ngài toàn chân, kẻ đứng đầu đất nước, là có giá hơn thần bóng đêm rất nhiều,

 

lời chú,

ở mạt na mạt năng không gọi người đứng đầu đất nước là vua, là quốc vương, quốc trưởng, hay hoàng đế v.v,   như nhiều nước trên mặt đất, tức, không có chuyện cha truyền con nối trong việc trị nước, không gọi là truyền ngôi, mà là truyền quyền, truyền cách sao, thì xin tóm lược thế này, khi ngài toàn chân đã đến tuổi nghỉ việc trị nước như luật định, thì các vị trong hội thề, tức những người thề sống chết có nhau cùng với ngài toàn chân bàn bạc ai là người trong hội thề sẽ là vị toàn chân mới, đấy là lúc dân cả nước phải bày hương án cầu nguyện bóng đêm ban cho kẻ minh triết trong việc trị nước, ôi, trong cái bóng đêm ghê rợn ấy là có kẻ trong hội thề phải bỏ mạng trong cuộc thanh lọc như một bí tích thiêng liêng,  

 

[…] mạt na mạt năng, năm thứ 14 tỉ lẻ 500 triệu sau big bang,

ở rìa thiên hà con cua vừa xuất hiện một hố đen mới, đêm nhìn lên phía ấy thấy chốc chốc có thứ ánh sáng nhỏ như hạt sạn phụt sáng lên, và phụt tắt, phải là kẻ quen mắt nhìn bầu trời mới phát hiện được, ở mạt na mạt năng, có nhiều nơi, lúa trên ruộng đồng vừa gieo cấy xong thì phát ra tiếng khóc,

 

phụ lục,

sách hồn trần có   trích bài tự bạch của dật sĩ họ khoách,

con chim cưu khoe với chim bằng cái cách bay lượn của mình, nắng, ta uống ánh mặt trời, no, xuống nằm nơi bờ suối, để cho ngọn gió khởi lên từ con suối thấm vào những ý nghĩ nhỏ nhoi của mình, ai lại đi khoe những thứ nhỏ nhoi, nghe bằng chê, cưu cười,   khoe cái nhỏ, bỡi người ta chỉ làm được cái nhỏ, hóa ra cái cách của muôn loài là thế, bằng nói, và vỗ cánh bay đi làm rợp cả một khoảnh trời đất, khoách ta đâu phải là bằng là cưu mà cũng bày đặt chuyện bày bạch lòng mình ra với thế nhân, có điều mong đợi nén lâu thì kết thành tơ thành sợi trong lòng gặp lúc lại chảy ra, tuông ra, khoách ta chỉ có mỗi mong ước nhỏ nhoi là làm sao hiểu được, chỉ một phần nào thôi cũng được, là tổ tiên con người là ai, chẳng lẽ là cua, là cá, nhưng nếu chẳng phải là cá thì sao nay vẫn còn chuyện cá đẻ người, còn nếu như chẳng phải là cua thì sao nay vẫn coi bóng đêm như một thứ bí tích thiêng liêng, cả vận mệnh con người lẫn đất nước là đều được nói ra từ thứ đêm trường u ám…

 

 

Bốn

này ta nói cho lũ ngươi biết không có con

đường nào là do các vị thần tạo ra

không có bộ luật trần gian nào lại không

mang hình dáng lũ khủng long

hãy đi đi loài rắn không có chiếc

lưỡi màu đen ở trong miệng  

 

[…] nước cũ bôn la, năm thứ 14 tỉ   lẻ 200 triệu sau big bang,

người ta nói ngay tự thuở lục địa laurasia tách ra khỏi siêu lục địa pangiea để trôi về phương bắc thì đất bôn la nằm trên phần trôi dạt laurasia này đã có hình thù một con giun, bấy giờ thì lũ khủng long đã để lại không biết bao nhiêu là dấu chân trên   mảnh đất đang mang trong mình thứ định mệnh hết sức buồn cười ấy,

 

[…] nước cũ bôn la, năm thứ 14 tỉ lẻ 200 triệu sau big bang,

núi non ở bôn la phần lớn được hình thành tự kỷ creta, kỷ cuối đại trung sinh, có nghĩa, sau đó không lâu là đại tân sinh, tức là thời kỳ bắt đầu sự sống các loài động vật trên mặt đất, theo lịch sử địa chất học thì núi non được kiến tạo trong kỷ creta đều rất cao và rất trẻ,

 

[…] nước cũ bôn la, năm thứ 14 tỉ lẻ 200 triệu sau big bang,

các sách địa chí thường nói người bôn la do được hấp thu thứ khí chất núi sông vốn được hình thành từ cuộc trôi giạt kỳ vĩ và đầy vẻ bí ẩn của đất đai cho nên rất thích phiêu lưu mạo hiểm, thứ tính khí dễ đưa con người ta tới tột đỉnh vinh quang, mà cũng dễ rơi vào chỗ tiêu vong,

 

dụ ngôn trên núi,

này ta nói cho lũ ngươi biết không có con đường nào là do các vị thần tạo ra

không có bộ luật trần gian nào lại không mang hình dáng lũ khủng long

hãy đi đi loài rắn không có chiếc lưỡi màu đen ở trong miệng

 

[…] nước cũ bôn la, năm thứ 14 tỉ lẻ 200 triệu năm sau big bang,

người ta thèm cảnh mùa hoa ti ti nở nơi đỉnh cốc kê, cả thế giới đổ xô về   để tận hưởng ngọn gió trân cam phương bắc đang làm rơi rụng những bông hoa màu huyết ngọc ngàn năm triệu năm qua ai đã đem đặt giữa chốn núi non mang dáng vẻ người con gái e thẹn dưới trời cao thanh bạch, đường lên núi rắc đầy hương, bôn la thuở ấy quả là chốn dừng chân của những kẻ thích

nhìn ngắm bàn tay tuyệt kỷ của tạo hóa,

 

[…] nước cũ bôn la, năm thứ 14 tỉ lẻ 200 triệu sau big bang,

các sách bí sử đều chép các vị cầm đầu dân nước bôn la đều có chiếc   bướu trời cho ở trên lưng, bấy giờ ở bôn la việc cầm quyền trị nước   không theo phép cha truyền quyền cho con, hay phép hội quyền, hay phép dân quyền, như nhiều nơi trên mặt đất, mà là do tiền định, có nghĩa, khi vị đứng đầu đất nước chết thì nhất định đã có một người có chiếc bướu trên lưng   sống đâu đó ở trong nước, việc còn lại là phát hiện ra người có chiếc bướu trên lưng ấy,

 

[…] nước cũ bôn la, năm thứ 14 tỉ lẻ 200 triệu sau big bang,

thuở ấy, đang sống trong cảnh yên vui, mùa gió trân cam phương bắc thì lên cốc kê xem hoa ti ti nở, mùa biển lặng thì đi coi cá long tong vờn nước ở biển nam, dân nước bôn la đang sống yên bình thế thì bỗng xảy việc làm náo động cả nước, là người cầm đầu dân nước tự nhiên cứ thấy đói liên tục, ăn các thứ sơn hào   hải vị quí mấy vừa ăn xong là thấy đói ngay, danh y khám mới biết chiếc bướu trên lưng đã đến lúc đòi chuyển hóa thức thức ăn nhiều hơn trước, các vị đứng đầu dân nước đã thay nhau trị nước trong vòng một trăm lẻ tám năm, cả thảy là mười một vị, để đủ sức làm công việc trị nước các vị đã bán hết thảy rừng biển của bôn la mới có đủ tiền bạc để cung cấp thức ăn cho những chiếc bướu trên lưng các vị, cho đến vị cầm quyền thứ mười một thì bôn la chỉ còn bằng một cái xóm nhỏ,  

 

phụ lục,

sách hồn trần có chép truyện người hát rong núi cốc,  

nghìn năm qua ta đã hát cho núi nghe về những con đường đi lên và đi xuống

người hát rong nói

có biết

núi nói

nhưng là núi biết gì?

về những ngọn lửa

người hát rong bèn đem một lời hát đặt nơi đỉnh núi

mấy hôm sau trở lại thì thấy hoa ti ti héo

hỏi vì sao lại thế

thì núi bảo là có người đã lên núi đứng hát lời hát đó rồi bỏ đi

nhưng là hát thế nào?

hãy khóc cho thật to hỡi loài hoa ti ti khốn khổ

đấy cũng là ngọn lửa

người hát rong nói với núi

rồi cũng bỏ đi, 

 

 

 

Năm
 

chỗ kỳ diệu của cuộc chơi là

bọn ta biết mượn tiếng nói của chó để khoe khoang với nhau

bọn ta khoe khoang mà đám

người lớn chẳng biết bọn ta khoe khoang  

 

 

[…] a mễ quốc, năm thứ 14 tỉ lẻ 900 triệu sau big bang,

bấy giờ thần rôm đã tìm được người tình trên mặt đất, bèn đem hết khí lực ra để tạo dựng một quãng trần gian, ta sẽ mãi mãi ở lại với nàng, thần nói, mấy ngày hôm sau thì người con gái xinh đẹp ấy đã sinh cho thần một trăm lẻ tám người con, bấy giờ thần rôm mới đặt tên đất là a mễ,

 

[…] a mễ quốc, năm thứ 14 tỉ lẻ 900 triệu sau big bang,

chính là sự trôi dạt của các lục địa cổ lauxia và gonvana đã tạo ra một thứ khí hậu có xu hướng nóng lên, khí hậu đỏ, khí hậu đất liền là khô hơn ở ven biển, khí hậu ngày là nóng hơn khí hậu đêm v.v, mà sự thụ khí của thần rôm là từ xa, cho nên lũ con của thần là hoàn toàn chịu ảnh hưởng thứ thời tiết bấy giờ đang tồn tại trên đất a mễ, đỏ, đó là xu hướng của tạo tác, một trăm lẻ tám người con của thần đều mang trong mình dòng máu sục sôi những tham muốn, những mạo hiểm khôn lường, cũng chính là thứ khí hậu phân hóa ấy đã tạo ra những thứ tiếng nói khác nhau, một trăm lẻ tám người con của thần là một trăm lẻ tám thứ tiếng nói khác nhau, nhưng chẳng phải là dừng lại ở đó, thứ khí hậu đỏ ấy cứ tiếp tục tạo nên cuộc phân hóa có vẻ bất tận, một trăm lẻ tám thứ tiếng nói ấy lại phân hóa thành một nghìn lẻ tám thứ nói khác nhau, rồi một nghìn lẻ tám thứ tiếng nói ấy lại phân hóa thành một trăm nghìn lẻ tám thứ tiếng nói khác nhau, rốt cuộc, tuy là cùng con cháu thần rôm sống trên đất a mễ, nhưng việc hiểu nhau chẳng phải điều dễ dàng,

 

[…] a mễ quốc, năm thứ 14 tỉ lẻ 950 triệu sau big bang,

sau mấy trăm năm tồn tại trên mảnh đất có thứ thời tiết khắc nghiệt, người a mễ như chẳng còn mang trong mình chút khí lực nào của thần rôm, có nghĩa, sự hiểu biết của người a mễ lúc bấy giờ chỉ còn là sự hiểu biết của một động vật cao cấp, hoàn toàn trần trụi, phàm tục, chẳng còn chút khí chất thiêng liêng nào vốn có của người a mễ thuở sơ khai, sự phân hóa của giọng nói cùng với thứ hiểu biết trần trụi phàm tục ấy tạo nên một nền văn hóa lởm chởm những sắc màu, nói gọn lại là thế này, mỗi người đi đứng mỗi kiểu, mỗi người ăn ngủ mỗi kiểu, mỗi người nói năng mỗi kiểu, mỗi người nghĩ ngợi mỗi kiểu, ở phía đông đất nước a mễ gọi đó là con hổ thì ở phía tây gọi là con nai, người nói mặt trời là một vị thần bảo hộ con người kẻ nói không phải thần mà là con ma lửa v.v… cho nên, ở đất nước a mễ chẳng có thứ gọi là chân lý, có một thời, ở a mễ, các thứ nhà nổi lên như ong, người ta tự xưng nhau, hoặc là tung xưng nhau, có nghĩa, hoặc là tự vỗ ngực xưng là nhà sử học, nhà cổ học, nhà phê học, nhà thơ học, nhà văng học, nhà thông thái học v.v… hoặc là nhờ miệng kẻ khác gọi tên những thứ ấy ra, đấy là thời tư tưởng con người   nở rộ như hoa mùa xuân, có thể gọi là thời văn chương và triết học của loài người, đủ kiểu, văn chương triết học nguyền rủa có, văn chương triết học ca ngợi có, đấy là thời có chữ cũng vui, không có chữ cũng vui, có chữ thì cứ tha hồ mang chữ ra mà xài, cụ thể là thế này, thích chế độ ăn kiêng của những kẻ bị bệnh đái tháo đường thì cứ đem chế độ ấy ra mà ngợi ca, ghét cái chế độ tiết dục của các vị tu tập trong các giáo phái ở trần gian   thì cứ việc dùng chữ mà chê mà bài bác, kẻ không có chữ thì có cái thú   là đem những thứ mình mù đặc ra mà bình phẩm theo cái cách không có chữ của mình, vừa bình phẩm, theo cái cách mù đặc của mình, vừa cười cợt, cũng theo cái cách cười cợt của mình, cái thời mà nếu thu thập được hết các trước tác bằng miệng thì cũng đầy mấy nghìn kho lẫm, còn các trước tác trên giấy thì chẳng có lời lẽ nào diễn nổi, ôi, cái thời mà sách vở nhiều hơn lá trên rừng,

 

[…] a mễ quốc, năm thứ 14 tỉ lẻ 960 triệu sau big bang,

bấy giờ thì người đứng đầu đất nước a mễ được dân a mễ tôn xưng là văn hoa thống súy, sở dĩ có cái tên dài lòng thòng thế là để tỏ cho thiên hạ khắp nơi biết cái thiêng chức to lớn của kẻ đứng đầu đất nước ấy, các sử sách của a mễ bấy giờ đều chép giống nhau, văn hoa là cái ngược với u tối, dã man, tức là sáng sủa, văn minh, còn thống súy là thống lĩnh, như vậy, văn hoa thống súy là kẻ thống lĩnh cái văn vẻ đẹp đẽ, có một vị văn hoa thống súy bắt thuộc hạ đi khắp mặt đất đếm có bao nhiêu đất nước đang tồn tại, cờ nước a mễ bấy giờ nền màu đen, trên nền màu đen là con số chấm trắng ngang bằng con số đất nước đang tồn tại trên mặt đất, thoạt nhìn lá cờ a mễ giống như bầu trời đêm đầy sao,

 

ghi chú,

bấy giờ có nhà   nhà thông thái đến hỏi ngài văn hoa thống súy rằng, khi số đất nước trên mặt đất thay đổi thì làm thế nào, ngài thống súy bảo làm sao mà có chuyện ấy, bỡi a mễ là cha mẹ hết thảy con dân trên mặt đất,  

 

phụ lục,

sủa,

bọn ta đứa nào cũng đã vào vị trí chiến đấu của mình

đứa núp vào hàng rau săn

đứa núp vào gốc chuối

đứa núp vào buội ớt

đứa núp vào gốc bầu

đứa núp vào gốc khế

còn ta vì là chủ nhà nên ta núp vào cửa sau của nhà ta

vườn sau của nhà ta bỗng biến thành một đấu trường khoe khoang

ta là chủ nhà nên ta được khoe khoang trước

nghĩ là nghĩ về thứ mình muốn khoe khoang

nhưng không phải là dùng tiếng nói con người để khoe khoang

mà dùng cái cách sủa của chó để nói ra thứ mình muốn khoe khoang

ở trong làng thì bọn ta vốn biết rõ những biệt tài của nhau

đứa giỏi chửi

đứa giỏi cười

đứa giỏi bơi dưới nước

đứa giỏi trèo lên cây

sủa là sủa theo cái cách sủa của chó

nhưng bọn ta biết tỏng đứa đang sủa là đang khoe khoang cái gì

chỗ kỳ diệu của cuộc chơi là bọn ta biết mượn tiếng nói của chó để khoe khoang với nhau

bọn ta khoe khoang mà đám người lớn chẳng biết bọn ta khoe khoang

dòng họ khúc nhà ta đến đời ta tất nhiên là phải chấm hết bỡi ta không vợ không con

khi sắp trở thành kẻ sau cùng của dòng họ

ta mới ngộ ra cái chân lý chó cắn

ngày ấy đám chó trong làng đã vây bọn ta mà cắn

bỡi vì   bọn ta đã dùng tiếng nói của chúng để khoe khoang chuyện của con người

cuộc quyết đấu ngày ấy có cả thảy ba mươi tư thằng tham dự

và đã có mười lăm đứa bị lũ chó cắn mất dụng cụ truyền nói giống

trong đó có ta

viết tại phía tây đất nước a mễ vào một ngày đông giá lạnh

danh sĩ họ khốc  

 

 

Sáu

“cầm lấy mưa than thở tổ quốc ơi giữa tàn hơi

của áo xiêm lộng lẫy người đang hoen rỉ cầm lấy

nắng khóc nòi giống ơi khi ngoi ngóp thở trong

giá băng lạnh buốt người có hình dung ra một ngày

cũng giá băng lạnh buốt không phải dìm chết cỏ

cây   muông thú mà dìm chết thứ khiến cho người

không trở nên cầm thú”

 

[…] vương quốc ku ki, năm thứ 14 tỉ lẻ 679 triệu sau big bang,

về tên nước ku ki thì mỗi sách viết mỗi kiểu, sách viết là cu ki, sách   viết là ku ky, sách lại viết là q ki, hoặc q ky, nhưng về nguồn gốc người ku ki thì các cổ thư đều chép giống nhau, rằng, vào đợt băng tan cuối cùng của kỷ nhân sinh ở vùng đất ngày nay là phía bắc nước ku ki các loài thực vật và động vật đều bị nhấn chìm trong dòng thác lũ, chỉ còn sót duy nhất một đôi vợ chồng thuộc họ người, giữa cơn nguy khốn, đôi vợ chồng ấy sợ mất nòi giống con người đã ráng giao hợp trong tình trạng đang kiệt sức, người đàn ông chết ngay sau cuộc ái ân, người đàn bà bắt đầu ăn đất và sống được cho tới lúc sinh đám con sau này là tộc dân ku ki đầu tiên,

 

[…] vương quốc ku ki, năm thứ 14 tỉ lẻ 679 triệu sau big bang,

giống người ku ki vốn sinh ra đã yếu đuối, mà ngay từ buổi đầu lập quốc, ku ki đã bị các nước lớn thay nhau cai trị, nên dân ku ki trở nên thứ dân thấp cổ bé họng, chính thứ vương quyền từ bên ngoài mang tới đây trong cuộc cai trị của các nước lớn đã tạo nên một lớp người ku ki khi đã làm công việc trị nước thì còn ác độc hơn là người của nước lớn,

 

[…] vương quốc ku ki, năm thứ 14 tỉ lẻ 679 sau big bang,

cho tới lúc đó thì người ku ki nào nghe trong miệng mình như cũng có hòn đá, nghe thì như là đang ngậm hòn đá trong miệng, nhưng thử nuốt vào thì không hết, mà nhả ra cũng không được, từ đó, người nào cũng phải ăn miếng nhỏ, nói nhỏ, tức, không thể nào ăn to nói lớn được,

 

[…] vương quốc ku ki, năm thứ 14 tỉ lẻ 679 sau big bang,

cứ một triều vua mới xảy ra ở ku ki thì hòn đá trong miệng dân ku ki lại lớn thêm một chút, hầu như vua ku ki nào lúc lên ngôi cũng nói là sẽ giải hòn đá trong miệng dân, nhưng rồi như một thứ phép màu trong cách   trị nước của vua, đá chẳng được giải, mà cứ lớn thêm, các cổ thư đều gọi phép trị nước của các vua ku ki là phép biến khẩu,

 

[…] vương quốc ku ki, năm thứ 14 tỉ lẻ 679 triệu sau big bang,

cây hạt trần vốn cùng lũ khủng long thống trị mặt đất trong kỷ giura rồi sau đó đã nhường chỗ cho cây hạt kín, chẳng biết sao tới thời vua ku ki thứ 99, giống cây gần như tuyệt chủng ấy bỗng phát triển ở vườn thượng uyển, nhìn thứ hạt cây lồ lộ ra ngoài, vua ku ki nức nở khen vẻ quyến rủ của đất trời, rồi cho lập cung hạt trần để tuyển gái đẹp trong nước, cứ mỗi buổi chầu, đứng hầu hai bên vua là hai mỹ nữ của cung hạt trần, chỉ chỗ đẻ con mới che bằng mảnh vải nhỏ, còn bao nhiêu vẻ đẹp trời ban cho người con gái đều phải để lộ ra ngoài, ban đầu, có nhiều mỹ nữ chết vì xấu hổ phải phơi cả mông vú trước bá quan triều đình, nhưng về sau trở thành nếp, đám mỹ nữ ở cung hạt trần cho đấy là thú vui lớn nhất trần gian, ban đầu cũng chẳng phải chỉ có đám mỹ nữ chết vì xấu hổ, mà các vị quan triều có nhiều người cũng ngã ra chết giữa buổi chầu vì không chịu đựng nổi cơn dục tình khi phải đối mặt với cái cảnh lẽ ra chỉ xảy ra trong các cuộc ái ân ở chốn phòng the, các cổ thư đều chép đời vua ku ki thứ 99 còn gọi là đời vua hạt trần,  

 

phụ lục,

những người mất trí,

“có quả như đồn đại trong dân gian hay không?”

vua hỏi

“muôn tâu hoàng thượng, thần đã đi khắp nước, ở nơi nào thì dân chúng cũng thuật lại y như thế, rằng, chúng nó đến hằng trăm đứa, đi tới đâu ngâm nga tới đó, thần cho rằng lũ chúng là người của một thứ hội thích ngâm nga nào đó, nếu không phải thế thì sao lại đi tới đâu ngâm nga tới đó”

“rút ngắn lại đi, nhưng là chúng ngâm nga cái gì?”

vua nạt, bảo quan hóa văn tọa độc, tức quan lo việc nề nếp văn minh trong nước, phải nói rõ   điều vua cần biết là đám người đi ngâm nga khắp nước đã ngâm nga thứ gì để cho cả nước   đồn ầm lên thế

“cầm lấy mưa than thở tổ quốc ơi giữa tàn hơi của áo xiêm lộng lẫy người đang hoen rỉ cầm lấy nắng khóc nòi giống ơi khi ngoi ngóp thở trong giá băng lạnh buốt người có hình dung ra một ngày cũng giá băng lạnh buốt không phải dìm chết cỏ cây   muông thú mà dìm chết thứ khiến cho người không trở nên cầm thú”

“thôi im đi, chớ nói nữa”

vua lại nạt, bảo quan hóa văn tọa độc hãy lui ra, rồi sai lính cẩm vệ lập tức truy bắt đám người vua cho là mất trí ấy đem về trị tội, nhưng lính cẩm vệ của vua chẳng tìm thấy bọn họ đâu cả, chỉ trông thấy trên một vách núi ở dãy núi thuộc biên cương phía   nam nước ku ki những hình vẽ trần truồng của hằng trăm vị trong hội những người thích ngâm nga, biết chắc đấy là những người trong hội thích ngâm nga, bỡi dân địa phương kể rằng chính mắt họ trông thấy những người trong hội thích ngâm nga đã tự vẽ chân dung họ lên vách núi,

 

[…] vương quốc ku ki, năm thứ 14 tỉ lẻ 679 sau big bang,

vua ku ki thứ 108 vừa lên ngôi hôm trước thì hôm sau đã cho xa giá xuống dân huấn dụ điều nọ điều kia, rằng trẫm mới ngồi ở ngai vua một ngày một đêm mà đã thấy không yên, dân của trẫm no đói thế nào làm sao trẫm biết hết được, cho nên phải xa giá ra đi, đi tới đâu thì vua cũng hứa   là sẽ làm cho dân no đủ, làm cho dân vui, làm cho dân có quyền ăn nói, làm cho dân không còn bị ai ức hiếp, hứa đủ điều, nhưng có một điều dân chúng lấy làm vui mừng không kể xiết, là vua sẽ giải hòn đá trong miệng dân, nhưng năm tháng cứ trôi qua, những điều vua hứa với dân ku ki cũng trôi theo năm tháng, hòn đá trong miệng dân như mỗi ngày một lớn thêm, ức quá, dân chúng trong nước phải rỉ tai nhau, rằng vua là đồ đểu,

 

[…] vương quốc ku ki, năm thứ 14 tỉ lẻ 679 sau big bang,

vua ku ki thứ 108 gọi đám quan dưới trướng của mình là đồ đểu, bỡi chẳng có điều gì bọn chúng tâu lên vua là thật, ngược lại, trước vua thì bọn quan lại ấy một hai đều tung hô vạn tuế, nhưng sau lưng thì cũng chửi vua là đồ đểu, bỡi bọn họ biết tỏng là vua đang lừa cả quan dân trong nước, cho nên thời vua ku ki thứ 108 các sách cổ sử còn chép là thời đồ đểu,

 

  phụ lục,

bài ký chép trên bia mộ vua ku ki thứ 108,

lừng lững giữa đất trời một loài giống con người

nhưng con người lại giống như một thể nghiệm về một thứ định mệnh luận

ta kẻ ẩn dật giữa cuộc lưu chảy của đất trời

một hôm bỗng nghe tiếng thở dài của loài giống mình

hỏi vì sao

thì chỉ nghe im lặng

và một hôm cũng trong im lặng

ta hốt nhiên nhìn thấy những giọt nước mắt ứa ra từ cõi hỗn mang

từ cóc ếch nhái mà ra

hay từ rắn rít   đất đá hư vô mà ra

những chuyện ấy chẳng còn quan trọng

nhưng chuyện bầy đàn thì nghìn triệu năm sau có còn ai nghĩ đến

bầy đàn như cuộc quần hôn lưu truyền loài giống

như cách thức chống chọi với những thế lực tự nhiên và những thế lực loài giống khác

bầy đàn như phương thức săn đuổi miếng ăn

phương thức kiếm sống

nhưng sau những thành quả tạo được trong cuộc tồn sinh

con người buổi sơ khai cũng đã nghĩ ra được những ý nghĩ siêu vượt

và bầy đàn bỗng trở nên thứ quần thể siêu nhập vào cái đẹp

thời gian nuôi dưỡng trí tuệ con người

và chẳng ai rõ vào lúc nào đó

bằng cách gì đó

và có quả đúng thế hay không

kẻ được coi như tài giỏi nhất bước lên ở hàng đầu

là tù trưởng

là tộc trưởng

là vua

thời gian làm nảy sinh quá nhiều tên gọi những kẻ đứng đầu quần thể

và trên mặt đất lần lượt nảy sinh những thứ có những tên gọi

là chủ thuyết

là chủ nghĩa …

cuộc đối đầu giữa các quần thể con người không còn hồn nhiên như thuở ban đầu

mà giống như sự cảm hứng phát sinh từ tham muốn khôn lường của những kẻ đứng đầu quần thể

từ đó quần thể như sự bắt đầu một thể nghiệm bi tráng của loài giống con người

tàn nhẫn

căm thù
yêu thương

dối trá

ngu xuẩn

cao cả

đê tiện

yêu cái này một cách điên cuồng mù quáng

ghét cái kia cũng một cách điên cuồng mù quáng

hại nhau cả bằng súng đạn

cả bằng chữ nghĩa…

trong cuộc thể nghiệm này chẳng thiếu một thứ gì

ta kẻ ẩn dật giữa cơn phong ba của thế kỷ

lén chép lên mộ bia kẻ đã chết chút nghĩ ngơi riêng tư

 

 

Bảy

 

“ ta là than nâu ta đã tạo ra được nết người cho lũ

ngươi thì khi lũ ngươi không còn muốn là giòng

giống   than nâu thì tầng tầng lớp lớp đất đai thì

bát ngát bao la khí thiêng sông núi sẽ làm cho

tim gan lũ ngươi hóa thành sâu bọ và lũ người

sẽ sống suốt đời như loài sâu bọ và cũng chết như

loài sâu bọ”

 

[…] a tì ma la, năm thứ 14 tỉ lẻ 700 triệu sau big bang,

những rừng cây kỷ đệ tam chết đi, bị vùi lấp bên dưới những lớp đất đã tạo nên những mỏ than nâu rộng lớn, ở phía tây bắc của mảng lục địa cổ loraxia một mảng   trầm luân như thế cũng đã hình thành mà những triệu năm sau thứ sắc màu của nó đã góp phần tạo nên một giống người có nước da nâu than coi như tiền thân của dân a tì ma la,

 

[…] a tì ma la, năm thứ 14 tỉ lẻ 700 triệu sau big bang,

trong cuộc trôi dạt của đất đai thuở ấy đã xảy ra việc nói may mắn cũng được mà nói rủi ro cũng được, là trong đất đai ở xứ a tì ma la không phải chỉ có những mỏ than nâu mà còn có cả những thứ mà về sau con người dám đem cả mạng sống con người để đổi lấy nó, những thứ có cái tên mở miệng nói đến là như nhắc đến nỗi oan khiên của kiếp con người, vàng, là mỏ vàng, tức là thứ mỏ quái quỉ nhất trong các thứ mỏ trời sinh ra ở trong đất,

 

[…] a tì ma la, năm thứ 14 tỉ lẻ 700 triệu sau big bang,

có một người được coi như hậu duệ đặc sắc nhất của loài chuột chù thông minh gan dạ   của kỷ triat, loài chuột đêm đêm dám theo nhìn vào ánh mắt của lũ khủng long đang thống trị mặt đất, lũ khủng long đi đến đâu đám chuột chù ấy theo đến đó, khi lũ chúng phát hiện ra trong ánh mắt kẻ thù của mình những tín hiệu của sự tàn bạo thì lập tức thông báo cho đồng loại trên   mặt đất biết cách lẩn tránh tàn bạo, chính là hậu duệ đời thứ mấy trăm nghìn triệu của loài chuột chù gan dạ ấy đã vô tình nhìn thấy đất a tì ma la trong một cuộc rong chơi bốn bể, cái tên a tì ma la là do người ấy đặt ra mà mãi về sau lại nảy sinh bao nhiêu là truyền thuyết về cái cách gọi tên có vẻ hơi kỳ cục ấy,

 

[…] a tì ma la, năm thứ 14 tỉ lẻ 700 triệu sau big bang,

tương truyền khi giống người mình người đầu rắn ấy xuất hiện ở đất   a tì ma la thì trận huyết chiến giữa dân bản địa với lũ người ấy đã xảy ra ở phía tây bắc đất a tì ma la, máu chảy tràn lan trên mặt đất, và, chẳng ai ngờ khi máu của giống dân da nâu than bản địa ngấm vào thứ khoáng sản oan khiên có tên là vàng thì lập tức biến thành thứ thức ăn cho giống người mình người đầu rắn, chính là thứ thức ăn hỗn tạp này đã tạo nên cuộc chuyển biến về cơ thể ở loài giống người chưa ra vẻ là người kia, có nghĩa, nhờ có thứ thức ăn ấy mà đầu rắn đã được thay bằng đầu người, năm tháng trôi qua, giống người nửa máu người nửa máu rắn giao phối với giống dân da nâu than bản địa sinh ra một lớp người mới chẳng ai rõ trong người còn có bao nhiêu phần máu người bao nhiêu phần máu rắn, chỉ thấy biểu hiện của sự hỗn tạp về giòng giống trên nước da rằn ri, kể từ khi   ấy thì dân a tì ma la còn được gọi là dân a tì ma la rằn ri,

 

[…] a tì ma la, năm thứ 14 tỉ lẻ 700 triệu sau big bang,

các cổ thư đều chép người a tì ma la rằn ri vừa hiền lành chân thật, vừa thông minh xuất chúng, vừa hiếu chiến tàn bạo, bỡi trong máu của bọn họ có cả hương vị thâm trầm của những mỏ than nâu được hình thành tự đại trung sinh, có cả sắc màu chói lọi của vàng, và có cả mùi vị âm u tàn độc của loài sinh vật vốn có tiếng là dối trá hiểm độc nhất trong cuộc tồn sinh,

 

ghi chú,

sách chép về những điều kỳ lạ trên mặt đất nói kỳ lạ thay giống người a tì ma la rằn ri, khi ngồi trên mặt đất thì hiền lành như đất, nhưng khi đã ngồi lên được trên ghế cao thì trở nên tàn nhẫn,  

 

[…] a tì ma la, năm thứ 14 tỉ lẻ 700 triệu sau big bang,

tính từ   vua đầu tiên cho tới vua ấy có cả thảy là 108 vị vua trị vì đất nước a tì ma la rằn ri, mà vua nào cũng chết theo cùng một cách, là vào cuối đời thì vua nào cũng nằm mơ thấy mình hóa rắn, các quan triều có can giảng mấy thì vua cũng cư coi như mình đã thành rắn, ta thèm mùi máu, cả đêm ngày vua cứ gào thét thế, và bắt đầu tuyên chiến hết nước này đến nước khác, để nghe được mùi máu nơi trận mạc, cho đến khi vua không còn muốn đi đứng, mà cứ trườn đi ở trên đất như loài rắn , rồi mửa máu mà chết, 108 vị vua ở a tì ma la rằn ri đều sống và chết theo cùng một cách ấy, có nghĩa, trước khi chết thì vua nào cũng gây chiến tranh để nghe được mùi máu, cũng có nghĩa là vua nào cũng cần đến đàn ông để tham gia trận mạc, đến đời vua a tì ma la thứ 108 thì coi như đàn ông trong nước hết sạch, chính vua phải xuống ngủ với đám dân nữ trong nước mới có đám đàn ông trai tráng tham gia trận chiến, do vậy lúc vua chết thì hết thảy đàn bà phụ nữ trong nước đều phải phục tang theo nghi lễ của các cung phi của vua,

 

 

phụ lục,

lời than nâu,

tì hài là sách nói về những chuyện kinh dị chép rằng, vào đời vua a tì ma la thứ 99 thì đêm đêm nghe thấy những tiếng nổ phát ra từ phía tây của đất nước, quan thiên văn cho là điềm gỡ, nhưng vua gạt đi, bảo, ta là con cháu của nòi giống ưu tú nhất thế gian thì   chẳng có gì phải làm cho ta phải lo nghĩ, rồi trở lại chuyện đi gây chiến với các lân bang để ngày ngày được ngửi thấy mùi máu, quan lo việc nông tang ở phía tây bắc đất nước vừa đặt chân đến nơi ấy thì lũ cua cá trên   ruộng đồng kéo hết lên bờ, vây lấy quan, hoảng hốt, quay trở về triều, thuật lại chuyện lạ cho vua nghe, vua a tì ma la thứ 99 cười, bảo, đó là do mắt mủi quan lo việc nông tang đã trông gà hóa cuốc đấy thôi, vào một đêm mưa bão, vua a tì ma la thứ 99 vừa đi đánh trận ở nước phì lu sa trở về, vừa đặt lưng lên giường vua thì kinh thành bỗng bốc cháy, sáng ra, chính mắt vua đã nhìn thấy những dòng chữ khó hiểu sau đây hiện ra trên tường thành đổ nát : “ ta là than nâu ta đã tạo ra được nết người cho lũ ngươi thì khi lũ ngươi không còn muốn là giòng giống than nâu thì   tầng tầng lớp lớp đất đai thì bát ngát bao la khí thiêng sông núi sẽ làm cho tim gan lũ ngươi hóa thành sâu bọ và lũ người sẽ sống suốt đời như loài sâu bọ và cũng chết như loài sâu bọ”, sách tì hài bảo đấy là lời than nâu,  

 

 

Tám  

 

vạn vật trong trời đất vốn hết thảy hình

thành từ cát bụi

nó là thứ bụi bặm phát ra từ các cuộc vui chơi

của đám sao trời

mà dẫu là tám vạn cuộc vui chơi lãng tử của

sao trời cũng là từ bể nước mắt của mẹ sơ

nguyên

sau tiếng thét kinh động càn khôn thì nước

mắt mẹ sơ nguyên chảy thành bể khổ đau

nhưng lại là chốn sản sinh

muôn vạn hình hài

chẳng phải ta lạm bàn chuyện càn khôn

mà chỉ muốn nói chính thứ tiếng thét

kinh động   của buổi hồng hoang

lại là đêm trước của những cái chết

sẽ mãi diễn ra trong cuộc càn khôn 

 

[…] đảo quốc phi lu sa, năm thứ 14 tỉ lẻ 1099 triệu sau big bang,

vào một ngày thuộc thuở mù tăm, từ cõi hỗn mang dường như   bất tận bỗng nổi lên cơn   ái ân kỳ diệu giữa những dáng hình như có đấy mà không có đấy vừa mới hình thành giữa cõi trống không vô bờ bến, là sáng với tối, là lặng lẽ với ồn ào, là một nhưng chẳng phải một, một cuộc kết tập hoành tráng vừa lỏng lẻo vừa bền chặt một cách huy hoàng tráng lệ giữa cõi sắc không mà mãi những nghìn triệu năm sau những dấu tích của cuộc dâu biển đa tình vẫn còn để lại trên mặt đất trần gian, phi lu sa đảo quốc là một trong những dấu tích ấy,

 

[…] đảo quốc phi lu sa, năm thứ 14 tỉ lẻ 1099 triệu sau big bang,

cũng có thể hồi ấy lục địa nguyên thủy pangiera vỡ ra, và một cuộc trôi dạt kỳ lạ đã diễn ra suốt những nghìn triệu năm, các cổ thư đều nói nếu như ngày   ấy chẳng có chuyện vỡ ra của đất đai nguyên thủy thì chẳng có đảo quốc phi lu sa,

 

[…] đảo quốc phi lu sa, năm thứ 14 tỉ lẻ 1099 triệu sau big bang,

các cổ thư đều chép, thuở mới lập quốc trên đất phi lu sa có   loài chim có tên là chim biết trước, mãi những ngàn năm sau bao nhiêu sách vở bàn về nó, có sách nói chim biết trước là sứ giả của thứ định mệnh trôi giạt, có nghĩa, loài chim đó mỗi lần cất tiếng kêu thì sẽ có điều long đong nào đó sẽ xảy ra trên đảo quốc phi lu sa, có nghĩa là loài chim đó khi chẳng có gì xảy ra thì chẳng bao giờ nghe thấy tiếng kêu của nó, nhưng có sách bảo đấy chẳng phải loài chim như những loài chim khác trong trời đất, mà là một thứ dấu tích của tồn tại, sự có mặt của chim như một thứ biểu hiện của sắc không, có nghĩa, về loài chim báo trước thì chưa ai nhìn thấy, có nghĩa, chẳng thấy chim mà chỉ thấy sách nói về chim,

 

[…] đảo quốc phi lu sa, năm thứ 14 tỉ lẻ 1099 triệu sau big bang,

phi lu sa là cái bến dừng chân của các cuộc chuyển quân chiếm đất, từ đầu này đến đầu kia của đảo quốc đi mất một trăm ngày bằng đường thuyền, đi mất ba trăm ngày bằng đường bộ, nói là bằng đường bộ, nhưng thật sự là phải bằng cả bộ lẫn thuyền, bỡi phi lu ra là quần đảo, có những cuộc chuyển quân người ta chỉ lướt qua một bận đủ để thu nhặt những thứ người ta muốn, rồi chuyển đến   nơi khác, như thế gọi là cuộc đổ bộ chớp nhoáng, nhưng có những cuộc chuyển quân người ta lại dừng lại trên đảo quốc hằng thế kỷ, chờ cho đến khi cái giống dân mang trong mình thứ định mệnh trôi dạt cùng đứng lên đánh đuổi kẻ chiếm đóng, thì người ta mới chịu chuyển đến nơi khác, cái giống dân mang trong mình thứ định mệnh trôi dạt ấy vốn hiền lành chất phác, nhưng rốt cuộc cũng đã học được   cách áp bức trong những lần bị chiếm đóng, có nghĩa, cái anh dân phi lu sa nào lên nắm quyền trị dân thì đều biết cách áp bức, có người đã thử tính, trong lịch sử của đảo quốc phi lu sa, ở trên đầu   mỗi anh dân ngu khu đen phi lu sa có đến ba vạn sáu nghìn tầng áp bức,  

 

phụ lục,

sách kì khu thế sự có chép bài luận đàm của họ thức trong buổi luận đàm thế sự của các danh sĩ đất chước của đảo quốc phi lu sa,

 

đêm trước của cái chết,

vào một ngày thu ngài tổng trị đất chước đến gặp ta

“ông là họ thức danh sĩ cả nước phi lu sa đều biết tiếng ông có biết ta còn cai trị đất chước   này trong bao lâu nữa không?”

ta nói mình chỉ là kẻ bình thường như bao nhiêu người bình thường ở đất chước thì làm sao dám bàn việc nước

sau khi gặp ta mấy hôm

cũng vào một ngày thu

một con rít to lớn từ trên núi mù ong chạy xuống cắn chết ngài tổng trị đất chước rồi   nuốt vào bụng

có kẻ trông thấy khi con rít trở về đến núi mù ong thì hóa thành tiếng gió gào

chẳng lẽ đêm trước của cái chết ngài tổng trị đất chước lại nhìn thấy ai đấy làm chuyện lạ đời là đi xóa bóng đêm

vạn vật trong trời đất vốn hết thảy hình thành từ cát bụi

nó là thứ bụi bặm phát ra từ các cuộc vui chơi của đám sao trời

mà dẫu là tám vạn cuộc vui chơi lãng tử của sao trời cũng là từ bể nước mắt của mẹ sơ nguyên

sau tiếng thét kinh động càn khôn thì nước mắt mẹ sơ nguyên chảy thành bể khổ đau

nhưng lại là chốn sản sinh muôn vạn hình hài

chẳng phải là ta lạm bàn chuyện càn khôn

mà chỉ muốn nói chính thứ tiếng thét

kinh động   của buổi hồng hoang

lại là đêm trước của những cái chết

sẽ mãi diễn ra trong cuộc càn khôn

đêm trước của cái chết của lá

là bầu trời mùa thu lắng trong ánh mắt êm đềm của kẻ ta yêu

chẳng lẽ nhân gian lại chẳng hay biết gì về đêm trước của cái chết của lá hay sao?

đêm trước của cái chết của loài phù du

là đèn hoa dạ hội của những kẻ quyền quí thích thắp bóng đêm lên để nhảy múa

chẳng lẽ nhân gian lại chẳng biết góc đất trời sáng chói đèn hoa dạ hội lại là mồ chôn của đám sinh linh thích bóng đêm được thắp sáng lên hay sao?

đêm trước của cái chết của một ngày mùa thu

là cuộc di quân của mây trời là khí giận của núi sông tích tụ từ nung đốt của nắng hè là sự chuyển lưu của nước từ cõi sáng trong sang chốn u buồn

chẳng lẽ   nhân gian lại chẳng biết là chỉ cần nghe một tiếng sấm nhỏ thôi

một tiếng sấm nhỏ phát ra vào một ngày thu êm ả là biết có cái chết sẽ xảy ra?

nhưng còn đêm trước của cái chết của một triều đại thì sao?

 

  lời chú,

có người đến nói với họ thức rằng đọc “đêm trước của cái chết” đến trăm bận mà chẳng hiểu, tác giả bài luận đàm thế sự cười, bảo, ta phải nghiền nát cả óc não ra mới nghĩ được nó, nên giờ thì các người cũng phải bỏ ra hơi sức mới hiểu được nó, đấy cũng là lẽ công bằng thôi, kẻ ấy quay về đọc lại bài ấy đến trăm bận vẫn chẳng hiểu, tức đến ói máu mà chết,

 

 

Chín
 

vào một ngày mặt đất trở nên lạnh lẽo,

ta nghe có tiếng kêu gào ở phía trước, đây

chỉ là kẻ đi tìm dung mạo của đất, ta nói,

bỗng dưng im bặt, và ta, kẻ đi tìm dung mạo

của đất bỗng nhiên nghe thấy toàn thể hình

hài của quá khứ, đấy là một ngày có tiếng

thở hổn hển của người mẹ đang mang trong

mình bao nhiêu thứ quí giá, sự dung dị, bộc

bạch, và những lời trần trụi và chân tình,

những chiếc mặt nạ bằng đồng có mồ hôi

của các thế hệ, và vàng, và bạc,   kẽm, chì, sắt,

thép…  

 

[…] tiểu quốc lô bô, năm thứ 14 tỉ lẻ 950 triệu sau big bang,

chuyện nghe có vẻ như là mộng mị mà sách nào chép về buổi khai thiên lập địa ở đất lô bô cũng đều nói theo cùng một cách ấy, rằng buổi hồng hoang ở mảnh đất khi nhìn trên đồ bản chỉ hơn ngón tay út một chút lại xảy chuyện to tày trời là buổi đầu của buổi hồng hoang ấy, có con chuột chù sinh con vào lúc trời tắt nắng, có nghĩa lúc con chuột chù   sinh con thì chẳng con vật nào khác trên mặt đất nhìn thấy, cứ tưởng là chuột chù mẹ đẻ chuột chù con, nhưng nào phải, là đẻ ra người, chẳng ai rõ dáng hình ra sao, nhưng sách nào cũng nói đấy là tiền thân của giống người dân lô bô, nên nhớ một điều vô cùng hệ trọng là chuyện sinh nở của con chuột chù đã xảy ra vào buổi đầu của buổi hồng hoang, có nghĩa   việc con chuột chù sinh ra con người là chưa hề xảy ra trước đó, có nghĩa, con người ở đất lô bô là con người đầu tiên của loài giống con người,

 

[…] tiểu quốc lô bô, năm thứ 14 tỉ lẻ 950 triệu sau big bang,

các sách chép về buổi hồng hoang ở lô bô đều nói bấy giờ đất bỗng nứt ra, sắt thép vàng bạc sỏi đá bùn nước phụt lên thành dòng nóng bỏng, cứ phụt lên và chảy tràn lan khắp mặt đất suốt ngày đêm như thế, rồi như có ai đó có đầy quyền lực bảo hãy thôi đi, và mặt đất lại trở lại yên bình, cây cỏ lại mọc lên, loài nào cũng trổ hoa, khiến cho mặt đất không còn u buồn, mà trở nên vui tươi với muôn hồng nghìn tía, các loài thú lại hiện lên, cùng với loài giống con người vốn sinh ra từ đám chuột chù khôn ngoan làm cho mặt đất không còn lặng lẽ như trước, các sách đều nói ở lô bô có thứ đồng cỏ kỳ lạ đã mọc lên trên thứ bùn đất nóng bỏng năm xưa, khi gặp mưa nhiều sẽ biến thành rừng rậm, khi gặp nắng nhiều sẽ hóa thành hoang mạc,

 

[…] tiểu quốc lô bô, nắm thứ 14 tỉ lẻ 950 triệu sau big bang,

giống như trời ban tặng riêng cho giống người lô bô, ở bên dưới mặt đất của đất nước bọn họ là một thứ gia sản ngầm, chẳng ai biết là bao nhiêu, gồm những vàng bạc sắt thép đồng chì tro than, những thứ mà bất cứ giống người nào trên mặt đất cũng đều ham muốn, chính là nhờ thứ gia sản ngầm đó mà đất nước lô bô nhỏ bé lại được nhiều giống người khác trên mặt đất biết đến,

 

 

[…] tiểu quốc lô bô, năm thứ 14 tỉ lẻ 950 triệu sau big bang,

chắc là do thứ gia sản ngầm trời cho đã khiến cho   giống dân lô bô có nước da sáng màu tro than ở bên dưới mặt   ấy đã chẳng muốn xê dịch, có nghĩa là chỉ dẫm chân tại chỗ, và có phải là do dẫm chân tại chỗ, tức cứ lẩn quẫn nơi xứ sở chôn   nhau cắt rốn của mình, mà mọi thứ ở bọn họ, từ cách cười nói, đi đứng, ăn ngủ, đến những buồn vui, giận dữ, tất cả là chẳng có sự thay đổi, có nghĩa, từ khi sinh ra cho đến lúc chết đều giữ y như thế, các sách nói về dân lô bô bảo như thế là thuần chủng, thuần nết,

 

[…] tiểu quốc lô bô, năm thứ 14 tỉ lẻ 950 triệu sau big bang,

vào   năm mà đám người ở phía mặt trời lặn kéo đến lô bô để săn lùng thứ gia sản ngầm ấy thì người lô bô chết nhiều lắm, bỡi khi nghe ở lô bô có của ngầm dưới mặt đất,   đám người tham lam ấy đã chế ra những cách giết người rất tinh vi, mà   đám dân lô bô thuần chủng thuần nết ấy khi thấy bọn lạ mặt xông vào đất nước mình lại chỉ làm được mỗi cách, cũng có vẻ thuần chủng thuần nết, là nhào vào cắn kẻ thù của mình, chỉ cắn bằng răng,

 

ghi chú,

các sách chép về các giống dân phía mặt trời lặn đều bảo cách giết người của bọn họ là rất lạ, lúc thì dùng một thứ hơi lấy từ đâu ra chẳng biết, nhưng khi xịt vào kẻ khác thì tức khắc ngã ra chết, lúc lại chế ra một thứ trái cây mới nhìn qua thì giống trái bí trái bầu, nhưng đem ném vào đám đông, thứ trái cây   ấy phát nổ to, giết chết được cả đám đông, do vậy mà các sách ấy đều gọi bọn họ là đám ma dương, có nghĩa là ma không ở cõi âm, mà ở ngay cõi rần gian,

 

[…] tiểu quốc lô bô, năm thứ 14 tỉ lẻ 950 triệu sau big bang,

cuối cùng thì đám dân lô bô thuần chủng thuần nết ấy cũng phải xê dịch, là do đám ma dương nhiều phép màu cần những người mang của ngầm về phía mặt trời lặn cho bọn họ, hết lượt này đến lượt khác, sau khi săn lùng được của ngầm bên dưới mặt đất thì lại dí gươm vào cổ đám người lô bô,   đám dân thuần chủng thuần nết ấy vừa đội của ngầm   vừa bước về phía mặt trời lặn vừa nghe gươm bén dí vào cổ mình, hóa ra lâu ngày thì cả những của ngầm bên dưới mặt đất cả đám dân có nước da sáng màu tro than đều là thứ của chung của đám người ở phía mặt trời lặn,  

 

phụ lục,

trổng không và hoang rậm,

vào một ngày mặt đất trở nên lạnh lẽo, ta nghe có tiếng kêu gào ở phía trước, đây chỉ là kẻ đi tìm dung mạo của đất, ta nói, bỗng dưng im bặt, và ta, kẻ đi tìm dung mạo của đất bỗng nhiên nghe thấy toàn thể hình hài của quá khứ, đấy là một ngày có tiếng thở hổn hển của người mẹ đang mang trong mình bao nhiêu thứ quí giá, sự dung dị, bộc bạch, và những lời trần trụi và chân tình, những chiếc mặt nạ bằng đồng có mồ hôi của các thế hệ, và vàng, và bạc, kẽm, chì, sắt, thép, những đứa con trai con gái sắp ra đời, những ngôi nhà bằng lá cây ánh ảnh, những bài hát về sự vĩnh hằng, và tro than, mặt trời mặt trăng vẫn xoay quanh những bài hát về sự vĩnh hằng, lũ hươu nai thì trò chuyện với đám cua cá về sự đổi dòng của những con suối đang chảy ngang qua mặt đất, thứ hình hài sung mãn của quá khứ như tiếp sức cho cuộc tìm kiếm của ta, và, vào một ngày mặt đất vẫn còn lạnh lẽo, ta lại nghe thấy có tiếng kêu gào ở phía trước, đừng đuổi theo nữa, ta nghe thấy những tiếng kêu gào là rất quen, đừng chạy nữa, ta nói, nhưng   đám người đang trốn chạy ấy vẫn cứ tiếp tục chạy ngược về phía mặt trời lặn, đừng sợ, đây chỉ là kẻ đi tìm dung mạo của đất, ta cố gào lên cho đám người ấy nghe thấy, nhưng trong nỗi sợ hãi mọi thứ tri thức đều trở nên vô nghĩa, việc đi tìm dung mạo của đất là trở nên vô nghĩa đối với kẻ đang sợ hãi, phía trước sự háo hức kép ấy là cuộc trốn chạy dài nhất của tồn tại, sự háo hức về hình hài của đất, sự háo hức về nguyên do của trốn chạy, cả hai là đều trở nên tai họa   đối với những kẻ đang trốn chạy, và, vào một ngày trở nên nắng ấm, những háo hức và nỗi sợ hãi như vẫn còn nguyên, thì trời chợt đổ mưa, ở phía trước ta những cánh đồng cỏ có lẫn cây buội nhỏ   như đang mọc thêm những cây lá, trời vẫn tiếp tục đổ mưa lớn, mưa cả đêm lẫn ngày, và một sáng thức dậy ta thấy những cánh đồng cỏ trước mắt ta đã trở thành những khu rừng hoang rậm, đừng đuổi theo nữa, từ nơi khu rừng hoang rậm ấy vẫn vang lên những tiếng kêu gào, sự háo hức trong ta như được nhân thêm, đừng chạy nữa, ta lại cố gào lên cho thật to, và trời lại thôi mưa, nắng suốt bao nhiêu là ngày tháng, có thể nói   bấy giờ cuộc tồn tại là nắng, và một sáng thức dậy ta nhìn thấy trước mặt mình chỉ toàn là hoang mạc, hoang mạc tiếp nối hoang mạc, trổng không tiếp nối trống không, ta thấy sợ, đến lượt ta thấy   sợ, nhưng từ nơi hoang mạc trống không lại tiếp tục vang lên tiếng kêu gào, đừng đuổi theo nữa, và như có ai đấy đang rỉ tai ta, bảo đừng sợ, bỡi đấy chẳng qua là gương mặt của loài giống con người được nhìn thấy nơi mặt đất,

viết bỡi ẩn sĩ họ thác, nước lô bô,  

 

lời bàn,

có người bảo trống không và hoang rậm là bài triết luận về bản lại diện mục con người, rốt cuộc thì loài giống con người luôn mang trong mình thứ tính cách đối nghịch như một tất mệnh hài hước, nhưng kẻ lại bảo là họ thác muốn để lại cho hậu thế hình ảnh bi thương của dân tộc lô bô trong công cuộc thực dân của đám người ở phía mặt trời lặn,

 

 

Mười  

 

thuở ấu thơ của ta cũng từng có những việc làm bậy bạ như những đứa khác ở đất bấc, quả tình là ở đất bấc, nơi chôn nhau cắt rốn của ta, hễ bước ra khỏi cửa là liền bị đám bọ chó bu lấy người, cái đám vật trời sinh mà cũng đi làm chuyện bậy bạ huống hồ ta là đứa do cha mẹ ta sinh ra, ta sinh ra thì đã thấy đám bọ chó ấy, mãi khi ở đất bấc người ta gọi ta là danh sĩ, tức là khi ta đã đọc khá nhiều sách vở, thì ta mới chịu thừa nhận đám bọ chó ấy là có   lý khi bu lên người của ta,  

 

[…] công quốc mạ mạ, năm thứ 14 tỉ lẻ 500 triệu sau big bang,

đất nước không phải của riêng của một dòng họ vua chúa nào, không phải của riêng của một chế độ cai trị nào, mà là của thần mạ mạ, công huân, người đứng đầu của công quốc là do ý của thần được nói qua cửa miệng   của người trông coi đền thần mạ mạ, người trông coi đền thần tất nhiên không phải tự nhiên mà có, mà là do ngẫu nhiên thần chọn được trong một cuộc vi hành ngẫu nhiên nào đó,

 

[…] công quốc mạ mạ, năm thứ 14 tỉ lẻ 500 triệu sau big bang,

tương truyền, ngay từ lúc lập quốc, tức thuở chưa có tên nước, người ta đã nhìn thấy sấm ngôn trên ngọn núi tuyết có tên là mạ mạ ở biên giới phía tây đất nước, lũ ngươi hãy tự cứu lấy mình, đấy là nguyên ngôn của sấm, nhưng cắt nghĩa qua cắt nghĩa lại chẳng ra nghĩa nào cả, người ta bèn đảo sau ra trước, đảo trước ra sau, và thêm chữ vào để đọc cho rõ nghĩa, nếu như không tự cứu lấy mình được thì lũ ngươi hãy gọi tên thần mạ mạ, đấy là sấm ngôn đã được sửa sang lại cho ai cũng hiểu, từ đấy thì thần mạ mạ là thần đứng đầu đất nước, còn mảnh đất có hình thù cái mỏm con khủng long cuối kỷ creta có tên là đất nước mạ mạ,

 

ghi chú,

đám khủng long thống trị mặt đất vào kỷ giura, đại trung sinh, nhưng đến cuối kỷ creta, kỷ tiếp theo sau kỷ giura, đám động vật to lớn và hung tàn ấy đã bị hủy diệt, cứ theo lịch sử tiến hóa của sự sống mà đoán thì cái mỏm con khủng long cuối kỷ creta có thể là dài hơn hoặc ngắn hơn trước đấy,  

 

[…] công quốc mạ mạ, năm thứ 14 tỉ lẻ 500 triệu sau big bang,

ở công quốc mạ mạ vị công huân nào cũng thích làm công việc biến ý nghĩ của thần mạ mạ thành ý nghĩ của hết thảy dân trong nước, có nghĩa, thần mạ mạ nghĩ sao thì hết thảy dân trong nước mạ mạ cũng phải nghĩ vậy, có nghĩa, ý dân là sao chép ý thần, các cổ thư đều gọi cách làm đó là nhuộm, có những vị công huân mới được thần cất nhắc đâu mấy hôm đã nhuộm xong dân cả nước, nhưng ngược lại, có những vị ngồi ghế công huân đến năm bảy năm vẫn chưa nhuộm được anh dân nào, các cổ thư đều nói đấy là những vị công huân bị thất sủng,

 

[…] công quốc mạ mạ, năm thứ 14 tỉ lẻ 500 triệu sau big bang,

các vị nguyên thủ đất nước, dẫu gọi là vua, là hoàng đế, hay   quốc trưởng, hay là gì gì, thì dường các vị đều thích làm công việc nhuộm như các vị công huân ở đất nước mạ mạ, bấy giờ thì việc nhuộm ở công quốc mạ mạ là nổi tiếng trên toàn mặt đất, hầu như ngày nào cũng có sứ giả các nước cử đến mạ mạ để học cách nhuộm, có nước thì muốn nhuộm cho giống ý vua, có nước thì muốn nhuộm cho giống ý của một vị thần linh hay của một kẻ kiệt xuất nào đó, vào đời vị công huân thứ 99 thì công huân nước mạ mạ   còn có nghĩa là con của thần mạ mạ, đến đời vị công huân thứ 100 thì dân mạ mạ còn có nghĩa là con của thần mạ mạ, từ đó, vị công huân nào chết cũng được thần mạ mạ phong làm thánh, từ đó, ở trên đầu dân mạ mạ, ngoài thần mạ mạ, còn có các bậc thánh mạ mạ,

 

[…] công quốc mạ mạ, năm thứ 14 tỉ lẻ 500 triệu sau big bang,

các cổ thư đều chép giống nhau rằng vị công huân thứ 108 của nước mạ mạ chết vì không chịu nổi nỗi đau đớn khi nhìn thấy đồng loại của mình còn ngu tối, ta không còn thể sống thêm ngày nào nữa khi dân nước mạ mạ của ta đã được thần linh soi sáng mà nhân gian trên mặt đất thì vẫn còn trong vòng ngu tối, đấy là lời trăn trối của ngài trước khi trở thành thánh, chỉ vào năm sau, vị công huân thứ 109 đã tiến hành công việc giải phóng sự ngu tối của đồng loại của mình, phải nói là đội quân của ngài đi đến nước nào thì thần mạ mạ lập tức đem ánh sáng của người đến cho dân nước ấy, 35 năm làm công việc cứu rỗi cũng tốn kém khá nhiều máu xương của con người, thì một bên là những kẻ ngu tối, một bên là những đứa con của thần linh, làm sao lại không xảy chuyện xô xát nhau, có khi thì cũng chỉ trầy chân mẻ trán, nhưng có khi là chết đến hằng trăm, hằng vạn, nhưng rốt cuộc thì coi như thần mạ mạ đã soi sáng được một phần mặt đất,

 

ghi chú,

các cổ thư đều chép khi đi đến nước phù lỗ thì vị công huân thứ 109 bị tử trận, đám dân của ngài bỏ chạy hết, người phù lỗ liền bửa óc não ngài công huân ra để xem có thứ gì của thần mạ mạ ở trong ấy hay không, khi thấy chỉ có lầy nhầy những máu với thịt, bọn họ bảo nhau mạ mạ là quân lừa bịp, rồi đem xác ngài công huân chôn ở vệ đường để   người phù lỗ thấy mộ kẻ lừa bịp mà nhớ chuyện mình bị lừa bịp, có lẽ đấy là năm cuối cùng của công cuộc giải phóng sự ngu tối,  

 

phụ lục,

dỡn đất,

thuở ấu thơ của ta cũng từng có những việc làm bậy bạ như những đứa khác ở đất bấc, quả tình là ở đất bấc, nơi chôn nhau cắt rốn của ta, hễ bước ra khỏi cửa là liền bị đám bọ chó bu lấy người, cái đám vật trời sinh mà cũng đi làm chuyện bậy bạ huống hồ ta là đứa do cha mẹ ta sinh ra, ta sinh ra thì đã thấy đám bọ chó ấy, mãi khi ở đất bấc người ta gọi ta là danh sĩ, tức là khi ta đã đọc khá nhiều sách vở, thì ta mới chịu thừa nhận đám bọ chó ấy là có   lý khi bu lên người của ta, cũng như thuở ấu thơ ta lấy đất sét nặn ra con nọ con kia là ta có cái lý của ta, có nghĩa, bảo những việc làm thuở ấu thơ của ta là bậy bạ cũng được, mà bảo không phải là bậy bạ cũng được, cái lý của ta khi lấy đất sét nặn ra con nọ con kia thì mãi đến khi người đất bấc gọi ta là danh sĩ, ta mới nhận ra, còn khi lấy đất sét nặn ra con nọ con kia thì thành thật mà nói là ta chẳng biết đến cái lý nào hết, ta đương nặn con bò có sừng, nhưng chợt nghĩ con bò lại dùng sừng để húc nhau, là chuyện chẳng tốt lành gì, ta liền quyết định phải bỏ cái sừng đi, chúng mày thấy tao nặn bò có giống không, ta hỏi mấy đứa ở đất bấc, mày là thằng họ khúc ngu tối, rõ ràng là mày đã nặn dê lại bảo nặn bò, bọn chúng cười nhạo ta là đồ ngu tối, cũng chẳng hiểu tại vì đâu cha mẹ ta lại không đặt tên cho ta như những đứa khác ở đất bấc, ở trong nhà cha mẹ ta gọi ta là thằng khúc là chỉ gọi theo họ của dòng họ nhà ta, và ta cũng nghĩ mãi nhưng nghĩ chẳng ra là người ta nhìn thấy ở đâu lại đi đẽo những con sư tử bằng đá như thế, ở cái miếu âm hồn ở đất bấc có con vật đẽo bằng đá đứng ngay ở cổng vào mà ai cũng gọi là sư tử, ta nặn sư tử, nhưng chợt nghĩ đến chó, thì con sư tử bằng đá ở miếu âm hồn cũng hệt như chó chứ gì, chỉ có điều là người ta không gọi là chó, mà gọi là sư tử, ta liền quyết định gọi con vật bằng đá ở miếu âm hồn là chó, và nặn y như thế, lũ chúng mày thấy tao nặn chó có giống không, ta hỏi mấy đứa ở đất bấc, thằng họ khúc mày quả là đứa ngu tối, rõ ràng là đi bắt chước con sư tử đá ở miếu âm hồn lại nói là nặn chó, ta rất tức, quyết nghĩ cách trả thù những đứa đã cho ta là ngu tối, ta đi nặn củ khoai lang, nặn cùng lúc tới ba cái củ khoai lang, hai cái củ ngắn và tròn ta đem dán dính vào hai bên cái củ to và dài, rõ ràng ta nghĩ là mình nặn củ khoai lang, nhưng khi hỏi mấy đứa ở đất bấc ta nặn củ khoai lang có giống không, thì lũ chúng nhảy đổng lên, vừa nhảy, vừa hô hét, và cùng bò càn ra đất mà cười, thằng họ khúc tưởng lũ tao là những đứa ngu tối như mày hay sao, mày đi nặn những thứ lũ con trai bọn ta đứa nào cũng có lại   nói là nặn củ khoai lang, mãi tới khi ở đất bấc người ta gọi ta là danh sĩ, ta mới hiểu ra cái lý của lũ bọ chó, bu lên người là bỡi chúng chẳng thể phân biệt được người với chó, có nghĩa, khi bu lên người của ta thì chúng cứ nghĩ là bu lên chó để tìm thứ thức ăn thuộc bản năng sinh tồn của chúng, còn cái lý ta đi vọc đất, dỡn đất, là để có cái thú đam mê mà quên đi   lũ bọ chó chết tiệt, mãi đến khi người đất bấc gọi ta là danh sĩ, ta mới thấy hoảng sợ trước khả năng tưởng tượng của con người, hóa ra, khi người ta đã tưởng tượng ba cái củ khoai lang ta nặn bằng đất sét là bộ phận sinh dục đàn ông, thì ai cấm người ta cũng có thể tưởng tượng đấy là vị thần sinh sản, hoặc là một thứ gì gì khác, viết tại đất bấc, nước mạ mạ, danh sĩ họ khúc,  

 

lời chú,

dỡn đất được chép trong sách thất điên bát đảo là chuyện kể nổi tiếng ở nước mạ mạ có nhiều người biết, thực ra đấy chỉ là hồi ức của vị danh sĩ họ khúc có tiếng là giỏi văn chương ở đất bấc, cái xứ bước ra khỏi cửa là bị đám bọ chét tức đám bọ chó bu lấy người, có người bảo họ khúc viết bài ấy là để tặng cho đám nhân loại còn trong vòng ngu tối,  

 

 

giã
tháng 01.2012
tháng03.2012