Tôi/
Những ông bà già và em bé/
Những đàn ông và phụ nữ/
Những con trai và con gái/
Những núi non sông hồ làng quê phố thị nơi mặt đất/
Và ông ấy/
Buổi cầu nguyện ngoài trời
Tôi và những người đồng hành đang cầu nguyện cho một thế giới có nhiều tiếng hát. Buổi cầu nguyện ngoài trời. Cho mát. Các em bé nói. Nhưng những người già thì nói là để những lời cầu nguyện dễ tới tai ông ấy.
Một thế giới có nhiều tiếng hát. Thứ hình ảnh vẫn chờn vờn, như cơn mộng mị trong tâm tưởng con người qua suốt cuộc hành trình lịch sử. Kể từ khi bước ra khỏi chốn nương thân không biên cương bờ cõi, chẳng biết có phải là chán ngán những cuộc sắp hàng chờ chực những lời an ủi được ban phát từ những nhà hoạch định thế sự, hay ê chề thất vọng trước những cách hành xử của những vị chủ tể đất đai, hay là vì chẳng còn chút niềm tin nào vào những phác thảo có vẻ qui mô thiên niên kỷ được nói ra từ cửa miệng của những kẻ thế giá, nhưng chưa tròn nửa giấc mơ đã nhìn thấy hoang phế khắp nơi, từ chốn bờ cõi hẳn hoi, con người lại nhớ về thuở hồng hoang…
Những nhà nghiên cứu xã hội nói về cái thế giới có nhiều tiếng hát của ông ấy.
Mà hình như là cũng chưa có ai trong cuộc du hành của chúng tôi nhìn thấy ông ấy.
Hay cũng chỉ là một cách gọi nhau. Ông ấy, một thứ đại từ thường nghe trong cuộc sống? Những người đàn ông có chữ nghĩa rỉ tai nhau.
Dòng chảy
Này, phải đọc thế này, prờ…rờ, các bạn phải mím môi lại, hơi chặc một chút, rồi thả ra, ông ấy đã dạy cho chúng ta bắt đầu một cuộc cầu nguyện là phải đọc như thế. Một người già nói. Nhưng là dạy hồi nào? Một người đàn ông hỏi. Tôi cũng không biết. Tôi nghe người già vừa mới bày cái cách mở đầu cho một buổi cầu nguyện thẳng thắn trả lời với người đàn ông rằng mình không biết ông ấy đã bày ra cách ấy vào lúc nào. Tôi cứ cảm thấy hoang mang trước những sự thật có vẻ còn bấp bênh. Chẳng lẽ tất cả chỉ là ảo ảnh? Nhưng dù gì chúng ta cũng phải làm theo lời dạy ông ấy. Một phụ nữ nói. Chị ta đang cho con bú. Đứa bé mới sinh trong đêm đầu tiên của cuộc du hành. Thằng bé khóc vì ọc sữa. Hãy nín đi cháu bé bỏng của chúng ta. Những người già cùng nói. Mọi người đều hướng về đứa bé. Tự dưng mọi người không hướng về ông ấy, mà hướng về đứa bé. Đang cầu nguyện, chị phải dỗ cho nó nín đi. Một người đàn ông nói. Nghe giọng nói có vẻ khó chịu tôi biết là ông ta không bằng lòng về việc người phụ nữ để cho con mình khóc trong lúc cầu nguyện. Anh có thôi đi cái giọng mộ đạo ấy không. Một người đàn ông khác nói. Mộ đạo con khỉ, chỉ vì sợ ông ấy mà thôi. Một người đàn ông khác nữa nói. Mọi người cười ồ. Cứ tiếp tục thế này thì chả ra thể thống gì cả. Tôi nghĩ. Thật ra thì tôi đã thấy mọi thứ ở đây chả ra thể thống gì cả. Hãy lên đường thôi. Tôi tham gia vào cuộc du hành chỉ vì người ta hối thúc tôi. Người ta đi thì mình cũng đi thôi. Bỡi vì đó là lệnh của ông ấy.
Tảng đá vô hình
Những người đồng hành với tôi có ai nhìn thấy ông ấy chưa thì tôi không biết. Nhưng tôi thì chưa bao giờ nhìn thấy ông ấy. Cứ tiếp tục thế này thì chả ra thể thống gì cả. Tôi nghĩ. Nhưng một thứ không khí nghiêm trang bỗng ập đến với chúng tôi. Chính tôi cũng chẳng nhìn thấy ông khách đã đến bằng cách nào. Sau khi chào hỏi mọi người, ông khách có vẻ rất nghiêm đã ngồi xuống đất với chúng tôi. Tôi thấy ông ta cũng bận áo vải, thứ vải hồi mẹ tôi còn sống đã dệt bằng những sợi chỉ kéo từ những lọn bông lấy từ những trái bông do cha tôi trồng. Tự dưng buổi cầu nguyện bị ngừng lại. Ta cũng người ở đây, chỉ vì bấy lâu chúng ta chưa có dịp gặp nhau. Ông khách bỗng thổi một luồng không khí thân thiện vào chúng tôi. Chẳng lẽ lại là ông ấy? Quả tình, lúc nào chúng tôi cũng cảm thấy ông ấy đang ở đâu đấy, rất gần chúng tôi. Ta tu tập suốt ba trăm năm nay, giờ muốn truyền cho các bạn thứ cách thức đi tìm hạnh phúc. Ông khách nói, nhìn chúng tôi với ánh mắt dò xét. Ý đồ tế thế của ông khách làm tan biến những nhận định của tôi. Thì ra là một nhà tu hành. Một nhà tu kín. Tôi đoán. Nhưng là chúng tôi đang cầu nguyện cho một thế giới có nhiều tiếng hát. Lập tức có sự phản ứng của những người già. Vừa cầu nguyện cho một thế giới có nhiều tiếng hát vừa đi tìm hạnh phúc, ông ấy đâu có ngăn cấm chúng ta. Một người đàn ông nói. Làm sao anh biết là ông ấy không ngăn cấm? Một người đàn ông khác vặn lại. Làm sao ông ấy lại đi ngăn cấm chúng ta chứ, muốn có một thế giới có nhiều tiếng hát, thì chúng ta phải có hạnh phúc, hoan hô nhà truyền đạo vĩ đại của chúng ta. Người đàn ông đòi vừa cầu nguyện vừa đi tìm hạnh phúc lại làm ầm lên. Cứ tiếp tục thế này thì chả ra thể thống gì cả. Trong lúc tôi suy nghĩ về tình cảnh phức tạp của cuộc du hành của chúng tôi thì ông khách đã biến mất. Chính tôi cũng chẳng nhìn thấy ông ta ra đi bằng cách nào. Lại để mất cơ hội nghìn năm. Người đàn ông đòi vừa cầu nguyện vừa đi tìm hạnh phúc lại gào lên. Và bỏ mọi người lại, một mình chạy về phía mặt trời lặn.
Bọn họ chẳng dễ dàng chút nào với thứ ý định rời bỏ ông ấy. Vừa như mối đe dọa chết người, vừa như sự ràng buộc không thể không có trong cuộc sống, ông ấy như thứ hình bóng phủ lên cuộc tồn tại tự lúc nào chẳng còn ai có thể nhớ được một cách chính xác. Chỉ là một thứ hình bóng. Nhưng vào một hôm vui vẻ nào đó, bạn cứ giả như không có ông ấy trong cuộc sống của mình, thì lập tức bạn sẽ cảm thấy sợ hãi như sắp bị cuốn vào một dòng xoáy nào đó, vô hình, và thăm thẳm,
Những nhà nghiên cứu xã hội nói về chúng tôi và ông ấy.
Tôi đoán là người đàn ông không thế nào dám rời bỏ ông ấy. Với lại biết nhà tu hành kia ở đâu mà tìm. Quả vậy, chỉ lát sau là người đàn ông quay lại. Sao không theo ông khách quí đi tìm hạnh phúc? Người phụ nữ có con nhỏ nhìn người đàn ông nói. Sợ rồi chứ gì? Một phụ nữ khác nói. Tôi đã nghe thấy tiếng thằng bé bán báo thường vào giờ ấy thì xuất hiện trên đường đi. Có tin tức mới đây.
Cuộc chống trả ảo ảnh
Chúng tôi đi đến ngày thứ hai vạn sáu ngàn thì gặp trở ngại. Nắng như trút lửa. Hết thảy những người già ngồi thở dốc. Các em bé còn bú mẹ chốc chốc lại nhả vú ra, thở. Như có ngọn lửa ám muội nào đó từ trên trời đổ xuống. Có âm mưu? Nhất định là có âm mưu? Mọi người rỉ tai nhau. Lập tức niềm căm phẫn kẻ muốn ám hại chúng tôi dâng lên trong huyết quản mọi người.
Những tình cảm sợ hãi, yêu thương, căm giận…còn lưu giữ trong ký ức loài giống, hậu quả của một cuộc trường kỳ tiến hóa, từ một loài linh trưởng nhỏ bé tiến hóa lên thành con vật người đứng thẳng giữa trần thế là phải trải qua bao gian truân, những cung bậc tình cảm phức tạp vẫn chờ sẵn đâu đó nơi ký ức, nay mọi người bỗng nghĩ là có kẻ thù , thì lập tức niềm căm phẫn dâng lên…
Những nhà nghiên cứu xã hội nói về chúng tôi.
Vào một sớm tinh mơ, một người đàn ông đã tuyên bố với mọi người rằng ông đã nhìn thấy kẻ thù. Thấy hồi nào? Mọi người hỏi. Trong đêm. Người đàn ông nói. Nhưng là đã tận mắt nhìn thấy chưa? Rồi. Hắn là một con mèo. Lập tức chúng tôi chia nhau đi truy sát loài mèo. Giờ đây chúng tôi bắt đầu hình dung về sự tàn bạo của một loài sinh vật có vẻ ngu ngơ nhưng lại tạo ra được những ngọn lửa chết người. Và bắt đầu kinh tởm chúng. Phải giết hết lũ chúng. Đám con trai con gái mang băng đỏ màu máu ở cánh tay, hô vang những khẩu hiệu diệt mèo. Và nắng vẫn tiếp tục đổ xuống chúng tôi. Đã có nhiều người già chết vì nắng. Bấy giờ chúng tôi không còn nghĩ về loài mèo nữa. Mà hướng đến một âm mưu nào đó. Âm mưu của một con người xấu xa tội lỗi nào đó. Niềm lo sợ chưa vơi thì trời đổ mưa. Mọi người bỗng cảm thấy hết khát. Đã có tiếng cười của những em bé. Sau khi chôn cất những xác người chết, đêm, những người già rỉ tai nhau : Hay là chúng ta đã có sự lầm lẫn nào đó? Hay là ông ấy muốn thử lòng kiên nhẫn của chúng ta?
Những gương mặt tồn tại
Chúng tôi đi đến ngày thứ ba vạn sáu ngàn vẫn chưa có ai có thể diễn đạt được một cách minh bạch về ông ấy. Đã trải qua một chặng đường đầy sự cố. Chưa định nghĩa được về ông ấy, nhưng mọi người đều ý thức rằng mình đang chịu sự điều khiển của một kẻ dù có đem hết sức lực của một con người để vùng vẫy cũng chẳng thể thoát được. Giờ thì tôi đã thành một người già. Những người già có mặt trong những ngày đầu cuộc du hành giờ đã thành người thiên cổ. Có người chết vì già yếu không còn sống được nữa. Có người chết vì đạn bom. Có người chết vì sợ hãi. Nỗi sợ hãi như lớp tồn sinh gắn với cả cuộc đời của những người già lúc bấy giờ được coi như những kẻ tiên phong trong cuộc du hành. Bọn họ sợ bị hất ra khỏi cái thế giới có nhiều tiếng hát. Và giờ đây, lớp người già của chúng tôi như cũng đang kế tục sự nghiệp bảo vệ cho một khung trời còn xa lơ đằng trước. Bọn chúng nó là những đứa ngỗ nghịch. Một người già trong lớp người già của chúng tôi nói. Những kẻ sinh sau chúng ta dường như chẳng muốn hiểu về ông ấy. Một người già khác trong lớp người già của chúng tôi nói. Đả đảo lũ rùa. Hãy đả đảo lũ rùa. Có tiếng la hét của một người trẻ tuổi. Tôi biết đấy là tiếng của đứa cháu nội người phụ nữ đã sinh con trai đầu lòng trong ngày đầu tiên cuộc du hành. Thằng bé đang tụ tập những đứa cùng lứa đi diễu hành. Tôi cũng chẳng biết vì sao mấy hôm nay lũ nhỏ lại tụ tập nhau để đả đảo lũ rùa. Nhưng tôi thì tôi biết. Bà lão vốn là người phụ nữ sinh con đầu lòng trong những ngày đầu cuộc du hành nói. Bà biết thế nào? Một bà lão khác hỏi. Bà lão vốn là người phụ nữ sinh con đầu lòng trong cuộc du hành buồn bã nhìn chúng tôi: Hay là chúng ta đang bước đi theo cái cách bước đi của loài rùa? Thôi đi những nghĩ ngợi ảm đạm ấy bà ơi. Một người già trong lớp người già của chúng tôi tỏ thái độ phản đối. Hay là chúng ta trò chuyện một lát. Tôi nói với người phụ nữ vốn đã sinh con đầu lòng trong cuộc du hành. Chúng tôi lê gậy bước về phía bãi phế tích. Mới mà đã hơn trăm năm, ông nhỉ. Bà lão vốn là người phụ nữ sinh con đầu lòng trong cuộc du hành nói. Phải, trăm năm đã trôi qua. Tôi nói. Trước mặt chúng tôi, kéo dài từ bộ tộc chúng tôi về phía mặt trời lặn và về phía mặt trời mọc là đống phế tích của thế kỷ. Đống phế tích cao ngút trời. Những xác xe, xác pháo, xác tàu bay, xác phi thuyền, xác máy tính…cái đống văn minh đổ nát ấy là như đang nhảy múa điên cuồng trong ký ức tôi. Cứ chờn vờn trong thứ trí nhớ gần như kiệt sức của tôi những cuộc thánh chiến, những cuộc tiến công của những người mù, những khủng bố và thảm sát, những không kích và chống không kích, những hội họp và ký hết, hôn nhau và nguyền rủa nhau, những cuộc ngưng bắn và không ngưng bắn, những ly khai và sáp nhập, những thứ chủ nghĩa nghe cảm động tựa những lời của non nước… Thấy bà lão vốn là người phụ nữ sinh con đầu lòng trong cuộc du hành cứ đứng im, nghĩ ngợi. Tôi cũng đứng im, tiếp tục nghĩ ngợi. Phải rồi. Đã im hết mọi thứ. Im hết tiếng đạn pháo. Im hết những lời tuyên bố có lửa của những kẻ hiếu chiến. Im hết những giọng hô hét của những vị chủ tể những đất nước giàu có. Im hết những lời nịnh hót kẻ mạnh của những đám cầm quyền hèn hạ…Cuộc sống là một cơn đại mộng, ông nhỉ. Bà lão vốn là người phụ nữ sinh con đầu lòng trong cuộc du hành nói. Phải, một cơn đại mộng. Tôi nhắc lại lời bà lão. Bà ấy chùi nước mắt. Rồi lặng lẽ lê gậy trở về nhà làm như thể chẳng phải là đang có cuộc trò chuyện với tôi. Tôi lại thấy nhớ người tình cũ của mình. Tháng chạp, mùi hương rạ lúa trì, tôi và em dắt nhau đi trên những bờ ruộng vừa gặt xong, hương rạ thoảng qua miền trời của những nỗi niềm như chẳng bao giờ cạn kiệt, chẳng bao giờ phai tàn, tình yêu của tôi và em vẫn cứ chảy qua những giấc mơ đầy ứ hương thơm, đầy ứ tiếng hát của lũ chim rừng vẫn hát về những cơn gió sớm thổi ngang qua mặt trời ban mai, em nói em mơ một ngày, người con gái nhỏ nhoi là em được chui ra chui vào một mái nhà cũng nhỏ nhoi như em, nhưng ở đó là em chui ra chui vào với người em yêu, chui ra chui vào với tôi, còn tôi, khi nghe em nói, tôi gõ tay lên vầng trán nhỏ nhoi của mình để cố nghĩ ra cái cách làm sao cho có một mái nhà nhỏ nhoi để cho người con gái tôi yêu có chỗ chui ra chui vào, tôi gõ tay lên trán, nghĩ ngợi, và hôn em, thì ra là tôi đang nhớ về một cuộc tình không có khúc cuối, thuở hoa niên tôi có bao nhiêu cuộc tình, sao tôi lại đi nhớ đến người con gái cuối cùng đã bỏ tôi đi lấy chồng. Tôi cứ thấy nhớ người tình cũ của mình. Và cứ thấy nhớ những ngày cuộc du hành chúng tôi còn đông vui. Có những lúc chúng tôi đã là một xứ sở. Hay một đất nước. Hay một thế giới. Chúng tôi đi. Vẫn luôn mang theo trong mình nỗi sợ hãi lây lan từ những người già. Nỗi sợ hãi bị hất ra khỏi con đường đi tới thế giới có nhiều tiếng hát .
Cái thế giới có nhiều tiếng hát do ông ấy đề xướng vẫn cuốn hút bọn họ. Hay nói đúng hơn là bọn họ chẳng thể nào thoát ra khỏi ông ấy. Từng ngày từng ngày, những niềm thao thức cứ lần lượt nằm xuống trong cuộc chơi trác táng của những cuộc văn minh của con người.
Những nhà nghiên cứu xã hội nói về chúng tôi và ông ấy.
Lênh đênh rong rêu
Nhưng không sao. Giờ thì chúng tôi đã có một bộ tộc vô cùng ấm cúng. Những người già lớp tôi rất chịu ơn đám người tuổi trẻ vừa trưởng thành trong cuộc du hành. Nhờ trời, lũ chúng cũng rất tiến bộ. Thịt con thú rừng chúng săn bắt được hằng ngày cũng đủ cung cấp cho cả bộ tộc chúng tôi. Chỉ có điều cho đến giờ chúng tôi vẫn chưa được nghe nửa câu hát vọng lại từ cái thế giới có nhiều tiếng hát ấy. Ngoại trừ mấy câu hát rong ông già mù chẳng biết ở bộ tộc nào cứ chiều đến lại đến ngồi ở bộ tộc chúng tôi mà hát.
“Bạn chớ có đợi chờ cơn gió ấy sẽ thấy héo ruột gan…”
Đã ba vạn sáu ngàn ngày trôi qua. Tôi cũng chẳng biết là cuộc du hành của chúng tôi sẽ còn tiếp tục cho đến bao giờ.
Giã
tháng 9/2014
tháng 11/2017