sau big bang [hai]

Đã đăng:
[một]

   

Hai 

thế giới là một cuộc trưng bày những sáng
nghĩ của con người có khi như là cách bày
tỏ niềm kiêu hãnh của con vật biết tư duy
một kiểu chơi trội có phần tàn nhẫn ác ý
nhưng là cốt để phô trương thân thế sự nghiệp
trong cuộc biến đổi khôn lường

 

 

[…]vương quốc tì liên, năm thứ 14,01 tỉ sau big bang,

phía tây nước tì liên có ngọn phướng dương, cao, lạnh, mùa tuyết rơi dày trông núi tựa ông cụ tóc trắng ngồi co ro dưới trời, đời vua tông tông cho lấy đất núi ấy để xây trường lũy, đào bới suốt mấy ngàn ngày đêm, một hôm trông thấy có cánh tay từ trong lòng núi thò ra, vẫy, hay thay cách làm của con người, đấy là lời cánh tay nói với những người đào núi, nghe thuật, vua tông tông mừng lắm vì được thần linh khen, ở nước tì liên người ta sợ vua hơn  là sợ thần, chưa xây xong trường lũy, vua tông tông đã chết, vua tổng tổng nối ngôi vua cha hỏi vua chết dân có buồn không, cả nước đều nói là buồn, có điều do rán sức mà buồn nên đã chết gần cả nửa nước,

 

 

[…]vương quốc tì liên, năm thứ 14,01 tỉ sau big bang,

nước tì liên phía tây giáp núi, ba mặt còn lại là giáp các nước bôn la, hoắc đô, thác mạ, trừ bôn la là nước lớn, còn hai nước kia chỉ là tiểu quốc, nền giao hảo với lân bang vốn dĩ bình yên, nhưng vua tông tông vốn lo xa, sợ những thứ không hay thâm nhập đất nước mình nên mới cho xây trường lũy bao quanh đất nước, tì liên bấy giờ đất hẹp nhưng dân lại quá đông, do vậy mà vua chẳng sợ chuyện nhân lực trong việc xây trường thành, đôi vợ chồng nào đẻ mỗi năm một đứa con thì vua miễn cho các sắc thuế, có nghĩa phải rút bớt ngắn lại thời mang thai thì mới kịp đẻ một năm một đứa để khỏi đóng các thứ thuế, đấy là kế sách trị nước lâu dài của vua, quả nhiên việc xây trường lũy kéo dài đến đời vua tồng tồng, cháu bảy đời vua tông tông, mà lúc nào nhân lực cũng dồi dào, cả thế giới kéo tới xem lúc trường lũy xây xong, có điều, lũy cao quá, dày quá, nên chẳng có thứ gió nào và tiếng động nào ở bên ngoài lũy lọt vô được đất nước tì liên,

 

 

[…]vương quốc tì liên, năm thứ 14,01 tỉ sau big bang,

các thiên hà bỏ nhau mà chạy có phần nhanh hơn năm trước, các hạt hạ nguyên tử vẫn chuyển động theo mức cũ, tự dưng đêm đến lại nghe có tiếng sấm phát ra từ phía núi phướng dương, dân tì liên vẫn nghe kinh như thường lệ, ở tì liên việc nghe kinh cũng giống như việc ăn cơm, tức, không nghe kinh cũng chết như việc không ăn cơm, có điều, một ngày đêm chỉ ăn hai bữa cơm, nhưng một ngày đêm nghe đến bốn bữa kinh, kinh sáng với kinh tối là nghe ở nhà, nghe kinh ở nhà là tự nghe ở trong đầu những lời mình đã nhớ được, tức là nghĩ lại nhớ lại những gì đã thấm vào đầu óc, kinh giữa trưa và kinh nửa đêm là phải đến nhà nghe kinh chung mà nghe, ở tì liên thì vua thay thần để trị dân trong nước, còn các tù trưởng thì thay thần để trị dân trong bộ tộc, cho nên nghe kinh ở nhà nghe kinh chung là nghe kinh được nói ra từ miệng tù trường, cũng chẳng biết có phải nghe kinh nhiều quá hay không mà dân tì liên người nào cũng mang thứ bệnh điếc không ra điếc, có nghĩa không phải là không nghe, mà chỉ nghe thứ đã ngấm vào tai, tức, những lời đã trở thành thịt xương của mình,

 

 

lời chú,

bấy giờ các sách thuốc lưu hành trong nước đều chép giống nhau về căn bệnh điếc không ra điếc là thứ bệnh do nghe nhiều quá mà hóa ngu, không nghe là do ngu mà không nghe, chứ không phải do điếc,

 

 

phụ lục,

bài ký núi phướng dương

ta lên núi phướng dương là để tìm lại hình bóng người bạn đã khuất

cũng mùa tuyết rơi nhiều thế này ta với họ mịch

bạn ta

đã cùng lên phướng dương

“sáng nay trên đường đi trông thấy cá chết ông  khuốc có nghĩ  một ngày nào sẽ đến lượt con người?”

họ mịch bạn ta hỏi lúc bọn ta đến lưng chừng núi

ta chẳng biết trả lời sao

bỡi chẳng lẽ cá với con người là cùng chung số mệnh

giá buốt

sáng hôm ấy núi phướng dương có vẻ ủ rũ như kẻ chán sống

sở dĩ ta với họ mịch bạn ta tìm đến giá buốt

là để đem giá buốt trong lòng mình ra so thử với giá buốt của núi

“tuy có khác với con người cách thở nhưng đều là sinh linh trong trời đất cho nên khi cá chết thì  trước sau con người cũng chết”

bạn ta vẫn trở đi trở lại với thứ ý nghĩ không mấy vui

ta nói cứ sáng ra thấy ngày nào cũng là ngày mới sẽ quên đi những lo âu

bạn ta chỉ im

và sau đó không lâu

cũng vào một ngày mới như ta nói

người ta đã phát hiện thấy con người hết mực nhân tình ấy nằm chết trên con mương đồng làng có nhiều xác cá

họ khuốc ta lên núi phướng dương lần này cốt là để khuây khỏa nỗi nhớ bạn

chỉ có giá buốt

thế giới là một cuộc trưng bày những sáng nghĩ của con người

có khi như là cách bày tỏ niềm kiêu hãnh của con vật biết tư duy

một kiểu chơi trội có phần tàn nhẫn ác ý

nhưng là cốt để phô trương thân thế sự nghiệp trong cuộc biến đổi khôn lường

nhưng cuộc trưng bày không biết mệt mỏi ấy đôi khi tựa một thứ mù lòa

ai đó đã bí mật đem ban tặng cho con người tự thuở ban đầu

dường như từ lúc có mặt trên mặt đất này

thì mù lòa tựa như một thứ  bản tính phải có ở con người

ở đằng sau cuộc chơi dai dẳng ấy

nhất định là phải có ai đó

 “nhưng chẳng lẽ nhà ngươi không biết ai là chủ cuộc chơi?”

“thưa, có biết  nhưng chẳng dám nói ra”

ai đó từ trong lòng núi đang vẫy tay gọi ta

hỏi

và liền đó thì diễn ra cuộc trò chuyện giữa ta với thinh không

“nhưng chẳng lẽ nhà ngươi không biết trường thành cao dày là đang làm cho cả nước ngộp thở hay sao?”

“thưa, có biết”

“nhưng chẳng lẽ nhà ngươi không biết khi cả đêm ngày tai óc bị nhồi nhét những lời giả dối thì con người trở nên điên cuồng ngu ngốc hay sao?”

“thưa, có biết”

“nhưng nhà ngươi chẳng biết những gì đang diễn ra là đang làm cho tri thức thối rữa, hơi thở con người chứa toàn tri thức thối rữa đã làm cho cá chết, lúa chết và cả người cũng chết hay sao?”

“thưa, có biết”, 

Leave a Reply

Your email address will not be published.